TRẦN NHÂN TÔNG toàn tập
Tiến sĩ Lê Mạnh Thát
Nhà Xuất Bản TP. Hồ Chí Minh 1999
PHẦN II TÁC PHẨM TRẦN NHÂN TÔNG
LỜI DẪN
Phần thơ văn Trần Nhân Tông sẽ chia làm sáu bộ phận. Đó là thơ, phú, bài giảng, ngữ lục, văn xuôi và văn thư ngoại giao.
1. Thơ
Về thơ, chúng tôi dựa chủ yếu vào Việt âm thi tập do Phan Phu Tiên và Chu Xa sưu tầm vào giữa những năm 1434-1443 và được cả thảy 26 bài, kể luôn cả bài Ngự chế trúc nô minh ở phần Phụ lục. Trong số 26 bài này, bài Hạnh Thiên Trường phủ được chua “đã thấy ở Quốc sử”. Nhưng bây giờ ta khảo lại trong ĐVSKTT 5 tờ 58a9-b3 thì bài thơ ấửy được ghi do Thượng hoàng Trần Thánh Tông làm. Vậy Quốc sử đây là chỉ bộ Đại Việt sử ký do Phan Phu Tiên chấp bút. Ngô Sĩ Liên, khi viết ĐVSKTT về triều nhà Trần, nếu có sự việc nào chép khác với Phan Phu Tiên, thì đều ghi rõ. Thế mà, bài Hạnh Thiên Trường phủ này lại không thấy Ngô Sĩ Liên có ghi chú gì khác cả. Thêm vào đó, nếu căn cứ vào Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng, đây đúng là bài thơ của Trần Thánh Tông. Từ đó, dù Việt âm thi tập đã chép bài Hạnh Thiên Trường phủ ấy vào thơ của Trần Nhân Tông, chúng tôi vẫn để riêng ra và xếp vào thơ của vua Trần Thánh Tông. Vậy Việt âm thi tập sưu tầm được 25 bài.
Ngoài 25 bài thơ của Việt âm thi tập, Hồ Nguyên Trừng trong Nam ông mộng lục có ghi lại cho ta 4 bài thơ. Bài làm trong khi ăn yến với Văn Túc Vương Trần Đạo Tải có chép trong Việt âm thi tâp dưới tên Dự Văn Túc Vương yến.
Còn bài Vịnh mai, thì trong Việt âm thi tập, là bài thứ nhất của hai bài thơ biết dưới tên Tảo mai. Còn lại hai bài tứ tuyệt với nhan đề Sơn phòng mạn hứng là những đóng góp mới của Nam ông mộng lục. Như vậy, Nam ông mộng lục ghi lại được thêm hai bài thơ nữa của vua Trần Nhân Tông. ĐVSKTT, ngoài bài Dự Văn Túc Vương yến vừa kể, chỉ ghi thêm được 2 đoạn phiến. Một đoạn phiến là hai câu thơ vua Trần Nhân Tông ghi ở cuối thuyền, khi quân ta rút từ Nội Bàng về Vạn Kiếp hội quân vào tháng chạp năm Giáp Thân (1285):
Cối Kê cựu sự quân tu ký
Hoan Ái do tồn thập vạn binh.
Đoạn phiến kia do vua Trần Nhân Tông cảm xúc làm ra, khi đem các tướng giặc Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Sầm Đoạn, Tích Lệ Cơ.v.v.. đến dâng trước lăng vua Trần Thái Tông và thấy “chân ngựa đá ở lăng đều lấm bùn” vào tháng 3 năm Mậu Tý (1288)
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
Bên cạnh hai đoạn phiến này, An Nam chí lược 17 tờ 159 còn trích hai câu:
Tự cố bất tài tàm tứ thổ
Chỉ duyên đa bệnh khuyết triều thiên
trong bài thơ thất ngôn bát cú, mà vua Trần Nhân Tông làm để họa lại bài thơ của Lý Tư Diễn trong buổi yến đãi y vào năm 1289. Sau khi ghi hai câu này, An Nam chí lược viết tiếp: “Ngay nơi tiệc tiếp vần” (tức tịch thứ vận), rồi chép bài Đường luật sau:
Vũ lộ uông dương phổ Hán ân
Phụng hàm đan chiếu xuất hồng vân
Thác khai địa giác giai hòa khí
Tịnh hiệp thiên hà tẩy chiến trần
Tận đạo tỷ thư thập hàng hạ
Thắng như cầm điện ngũ huyền huân
Càn khôn kiêm ái vô nam bắc
Hà hoạn vân lôi phục hữu tuân
(Ơn Hán tràn trề mưa móc tuôn
Chiếu son phượng ngậm khỏi mây hồng
Khí hòa góc đất đều lan tới
Bụi chiến sông trời rửasạch trơn
Thảy bảo thư vua mười lối viết
Còn hơn đàn Thuấn năm dây đờn
Đất trời thương hết không nam bắc
Sấm sét sao lo lại khốn thân)
Căn cứ vào văn mạch của An Nam chí lược, thì đây đúng là bài thơ của vua Trần Nhân Tông. Chỉ có điều, quyển 17 chỉ dành để chép thơ của những người Trung Quốc đi sứ nước ta, nên bài này bản dịch của viện Đại học Huế năm 1961 đã coi là của Lý Tư Diễn. Tất nhiên, truyền bản của An Nam chí lược đôi khi cũng có những sai sót, như trường hợp cắt văn thư ngoại giao của vua Trần Nhân Tông viết cho Hốt Tất Liệt vào năm Chí Nguyên 30 (1293) thành hai văn thư khác nhau, như ta sẽ trình bày dưới đây. Vì thế, bài thơ vừa dẫn chúng tôi vẫn coi là của vua Trần Nhân Tông. Tiếp đến là bài thơ làm tại chùa hương Cổ Châu và bài kệ Thị tịch của vua Trần Nhân Tông ghi trong Thánh đăng ngữ lục tờ 26a3-4 và 28 a2 -4:
Thế số nhất tức mặc
Thời tình lưỡng hải ngân
Ma cung hồn quản thậm
Phật quốc bất thăng xuân
(Số đời một hơi thở
Tình người đôi biển ngân
Cung ma chật hẹp lắm
Nước Phật khôn xiết xuân)
Nhất thiết pháp bất sinh
Nhất thiết pháp bất diệt
Nhược năng như thị giải
Chư Phật thường hiện tiền
Hà khứ lai chi hữu
(Hết thảy pháp không sinh
Hết thảy pháp không diệt
Nếu hay hiểu như vầy
Chư Phật thường trước mặt
Đến đi sao có đây)
và bài kệ Truy tán Tuệ Trung Thượng Sĩ của vua Trần Nhân Tông trong Thượng Sĩ ngữ lục 43a2-4:
Vọng chi di cao
Toản chi di kiên
Hốt nhiên tại hậu
Chiêm chi tại tiền
Phù thị chi vị
Thượng Sĩ chi thiền
(Nhìn lên càng cao
Dùi càng thêm cứng
Chợt ở phía sau
Thấy liền trước đứng
Cái đó gọi là
Thiền Thượng Sĩ vững)
Cuối cùng là bài kệ Thân như do Thiền tông bản hạnh 15b4-5 chép:
Thân như hô hấp tỡ trung khí
Thế tợ phong hành lĩnh ngoại vân
Đỗ quyên đề đoạn nguyệt như trú
Bất thị tầm thường không quá xuân
(Thân như hơi thở ra vào mũi
Đời tựa gió luồn mây núi xa
Đỗ quyên rền rĩ trăng ngày sáng
Đừng để tầm thường xuân luống qua)
Bài kệ này hai câu sau nguyên có trong bài giảng của vua Trần Nhân Tông tại chùa Sùng Nghiêm. Nhưng hai câu đầu không biết Chân Nguyên lấy ở đâu, để cho ta bài kệ tứ tuyệt vừa thấy. Tuy thế, đây là một bài thơ khác cần được ghi nhận.
Vậy, tổng số thơ của vua Trần Nhân Tông là 32 bài, cộng với ba đoạn phiến. Những sưu tập lớn về sau như Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn cũng không có thêm một bài nào mới, thậm chí không có được số lượng như ta vừa thấy. Tuy nhiên, bây giờ nếu ta trích hết tất cả các bài thơ chữ Hán nguyên vẹn hay đoạn phiến của vua Trần Nhân Tông hiện nằm rải rác trong các bài phú, văn xuôi và bài giảng, con số không chỉ có 31 bài và ba đoạn phiến, bởi vì chỉ riêng hai bài Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, ta có thêm hai bài thơ chữ Hán. Rồi trong văn xuôi tức bài Thượng sĩ hành trạng, ta có bài Tán Tuệ Trung. Đến các bài giảng thì tối thiểu ta có hai bài thơ hoàn chỉnh, đó là bài thơ dài bốn chữ Hữu cú vô cú và bài thơ tứ tuyệt Hàm huyết trong buổi giảng tại chùa Sùng Nghiêm núi Chí Linh. Về bài giảng tại viện Kỳ Lân cũng ở núi Chí Linh, ta có bài thơ Nhược vị. Ngoài ra trong hai bài giảng này có nhiều đoạn phiến thơ hai câu mà ta có thể đếm tới con số 32. Vậy, nếu tính hết, tổng số thơ của vua Trần Nhân Tông lên tới 34 bài hoàn chỉnh và 35 đoạn phiến. Tuy nhiên, vì các bài thơ và đoạn thơ nằm trong các bài giảng và bài văn xuôi, nên khi tách ra, sẽ mất đi một phần nào ý nghĩa toàn cảnh, làm cho chúng trở nên khó hiểu. Do thế, trong Toàn tập này, chúng tôi để nguyên chúng trong các bài giảng văn xuôi. Người đọc có thể tự tìm lấy khi cần.
Về thơ của vua Trần Nhân Tông, với số lượng 32 bài nguyên vẹn và ba đoạn phiến, khi in lại nguyên bản Hán văn của chúng, chúng tôi lấy bản in năm 1729 của Việt âm thi tập làm bản đáy. Những bài thơ và đoạn phiến không có trong Việt âm thi tập, mà có trong ĐVSKTT và Nam ông mộng lục, chúng tôi dùng Nội các quan bản của ĐVSKTT và bản in Kỷ lục vựng biên của Nam ông mộng lục do Thẩm Tiết Phủ sưu tầm và Dương Tiễn Trần thị khắc vào năm 1617, mà sau này Tùng thơ tập thành sơ biên đã in lại và Trung Hoa thư cục xuất bản vào năm 1985. Còn những bài có trong Thánh đăng ngữ lục, Thượng sĩ ngữ lục và Thiền tông bản hạnh thì chúng tôi dùng truyền bản của những bản in năm 1750, 1745 và 1903. Những truyền bản khác như Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt thi tuyển, Trần triều thế phả hành trạng và Lịch triều hiến chương loại chí chỉ dùng để làm khảo dị.
Việc sắp xếp thứ tự các bài thơ trong phần dịch tiếng Việt đúng ra phải dựa vào trật tự thời gian ra đời của chúng.Thực tế, trong số 32 bài thơ của vua Trần Nhân Tông hiện biết, phần lớn, ta có thể sắp xếp chúng theo thứ tự thời gian. Tuy nhiên, vì sắp xếp theo thứ tự thời gian ấy cũng không giúp ta hiểu thêm gì mới về vua Trần Nhân Tông, và vì để cho người đọc tiện theo dõi phần nguyên bản chữ Hán, cho nên ở đây chúng tôi sắp xếp các bài thơ dịch, dựa trên thứ tự của Việt âm thi tập. Những bài nào không có trong Việt âm thi tập, mà số lượng chỉ có 7 bài thơ nguyên vẹn và 3 đoạn phiến, thì chúng tôi xếp sau các bài thơ ở Việt âm thi tập, dù biết rằng có những bài thơ hay đoạn phiến vua Trần Nhân Tông viết rất sớm so với một số bài có trong Việt âm thi tập. Để cho tiện việc theo dõi, chúng tôi đánh số thứ tự các bài thơ từ 1 đến 35, bắt đầu với Việt âm thi tập, sau khi trả bài Hạnh thiên trường về cho thơ văn vua Trần Thánh Tông. Gặp những bài thơ nào không có đầu đề, chúng tôi lấy hai chữ khởi đầu của bài thơ để đặt tên.
2. Phú
Về phú, ta hiện có hai bài viết bằng tiếng Việt biết dưới tên Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, mà bản in xưa nhất hiện còn là do sa di ni Diệu Thuần thực hiện theo sự chỉ đạo của thầy là thiền sư Liễu Viên vào năm Cảnh Hưng thứ 6 Ất Sửu (1745) tại chùa Liên Hoa ở kinh thành Thăng Long. Đây là bản in xưa nhất và in sau bản Thiền tông bản hạnh của thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) từ tờ 22 a1 đến 31a2 gồm 10 tờ. Mỗi tờ 2 trang, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 17 chữ. Những dòng có lời chú in bằng cỡ chữ nhỏ thành hai dòng, nhưng số chữ mỗi dòng không thay đổi, nên mỗi dòng có ghi chú lên tới đến 34 chữ. Chữ khắc đẹp, chân phương, rõ ràng và dễ đọc.
Sau lần in này, đến năm Gia Long thứ tư (1805), thiền sư Huệ Thân đã cho khắc lại, nhưng đến thời thiền sư Thanh Hanh (1840 -1936) thì bản gỗ của lần in này không còn. Cho nên, vào năm 1932 ông đã cho khắc bản in lại tại chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang. Đây là truyền bản thứ hai ta hiện có về hai bài phú vừa nói của vua Trần Nhân Tông. Quá trình truyền bản là như vậy. Hai bài phú của vua Trần Nhân Tông không phải “im hơi lặng tiếng trong suốt mấy trăm năm để rồi mãi đến những năm 30 của thế kỷ này mới xuất hiện”. Không những thế, Cư trần lạc đạo phú đã được chính Chân Nguyên trích dẫn trong Kiến tính thành Phật lục và Kiến tính thành Phật lục lại được trùng san vào năm Chính Hòa thứ 19 (1698). Vậy từ giữa thế kỷ thứ 17 trở đi Cư trần lạc đạo phú đã được lưu hành khá rộng rãi.
Trong thế kỷ này, nó đã được nhiều người tập trung nghiên cứu. Sau khi thiền sư Thanh Hanh cho in mộc bản vào năm 1932, thì đến năm 1942 Hoa Bằng đã cho phiên âm ra quốc ngữ và công bố trên báo Tri Tân. Tiếp theo, Đào Duy Anh cho nghiên cứu tình trạng văn bản và xác nhận hai bài phú vừa nói là văn bản thuộc đời Trần. Cơ sở chủ yếu cho việc xác nhận này là dựa vào công tác phân tích văn thể, tự dạng và từ vựng. Về văn thể, Cư trần lạc đạo phú được viết theo lối phú của thời Đường, nhưng đối và vần còn lỏng lẻo, khi so với các bài phú của thời Trần mạt và Lê sơ. Về tự dạng thì lối viết giả tá còn chiếm ưu thế đối với hình thanh. Còn về từ vựng, các bài phú này có nhiều từ xưa, mà khi so với các tác phẩm quốc âm đời sau như Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, ít còn thấy dùng tới. Đồng thời với Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn cũng nghiên cứu các tác phẩm này của Trần Nhân Tông và đi đến cùng một kết luận. Đặc biệt Hoàng Xuân Hãn là người duy nhất sở hữu được truyền bản xưa nhất của hai văn bản này, đó là bản in năm 1745 của sa di ni Diệu Thuần, mà Đào Duy Anh không có, khi làm công tác xác nhận vừa nêu. Nói chung, trong học giới không ai đặt vấn đề về tác quyền của vua Trần Nhân Tông về hai tác phẩm ấy.
Vậy thì, về Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, hiện tại ta sở hữu được hai truyền bản, đó là bản in 1745 và 1932. Trong khi in lại nguyên bản quốc âm của hai bài phú này, chúng tôi dĩ nhiên chọn in lại nguyên bản của bản in năm 1745. Bản in năm 1932 chỉ dùng làm khảo dị.
3. Bài giảng
Về bài giảng, ta hiện có hai bài, được giảng vào hai đợt khác nhau. Đó là bài giảng vào năm Giáp Thìn (1304) tại chùa Sùng Nghiêm và bài giảng năm Bính Ngọ (1306) tại viện Kỳ Lân. Bài giảng trước được ghi lại trong Thánh đăng ngữ lục và không ai bàn cãi về tác quyền của vua Trần Nhân Tông đối với bài giảng này. Nhưng bài giảng ở viện Kỳ Lân, vì được chép chung trong sách Thiền đạo yếu học, mà người ta giả thiết là một tên khác của Tham thiền yếu chí do Pháp Loa viết, nên có người cho bài giảng này, ngoài phần Niêm hương, là do Pháp Loa giảng. Nói cách khác, đây là bài giảng của Pháp Loa. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ bài giảng ấy, ta thấy có những câu trả lời gần giống câu trả lời có trong bài giảng năm 1304, thậm chí có những câu hoàn toàn đồng nhất. Chẳng hạn, khi vị tăng hỏi: “Dùng công án cũ làm gì?”, câu trả lời là: “Mỗi lần nêu ra, một lần mới”. Câu trả lời đây cũng là câu đáp lại câu hỏi: “Dùng đờm dãi của người xưa làm gì?”. Rõ ràng những câu hỏi và đáp tương tự thế này cho phép ta coi bài giảng năm 1306 tại viện Kỳ Lân cũng do vua Trần Nhân Tông thực hiện, nhưng do Pháp Loa chép lại trong tác phẩm Thiền đạo yếu học của mình như một mẫu hình tham vấn thiền cho người đọc tham khảo. Vì vậy, chúng tôi đề nghị xếp bài giảng ấy vào hệ tác phẩm của Trần Nhân Tông.
Về truyền bản dùng để in lại nguyên văn hai bài giảng trên, thì đối với bài giảng năm 1304, chúng tôi dùng bản in năm 1750 biết dưới tên Việt quốc Yên Tử sơn Trúc Lâm chư tổ thánh đăng ngữ lục. Bản Thánh đăng ngữ lục này, ngày trước chúng tôi có một bản in chỉ có bài tựa của thiền sư Chân Nghiêm ghi lại quá trình đóng góp để thực hiện bản in ấy, trong đó có công đóng góp của vua quan nhà Mạc, đặc biệt là Đà Quốc Công Mạc Ngọc Liễn và các công chúa. Đây có thể là bản in đời Mạc còn lại. Vì nó không giống với bản in năm 1750 và bản Thánh đăng ngữ lục mà Gaspardone giới thiệu trong Bibliographie Annamite,1 mang ký hiệu AC. 604, vì bản này được ghi rõ ràng in vào năm Tự Đức thứ nhất (1848). Nhưng sau năm 1984 bản của chúng tôi bị lấy mất. Dù ai có lấy, thì cũng vì lợi ích của học thuật nước nhà, xin công bố ra, để người lưu tâm tới văn học, tư tưởng và lịch sử Phật giáo Việt Nam có cơ hội sử dụng được văn bản xưa. Còn bài giảng kia thì nằm trong Tam tổ thực lục, bản in năm 1903, mà sau này Tổng hội Phật giáo Bắc kỳ in dập lại trong Việt Nam Phật điển tùng san. Trong khi in lại nguyên văn chữ Hán hai bài giảng ấy, chúng tôi sử dụng bản Thánh đăng ngữ lục năm 1750 cho bài giảng thứ nhất và bản Tam tổ thực lục năm 1905 cho bài giảng thứ hai.
4. Ngữ lục
Ngữ lục là những phát biểu của vua Trần Nhân Tông trong các cuộc đón tiếp sứ giặc do sứ giặc ghi lại. Những ghi lại này không hoàn toàn trung thực, điều ấy là chắc chắn. Tuy nhiên, chúng có thể cung cấp một cái nhìn về phong khí của một thời và cách ứng xử của vua Trần Nhân Tông dưới con mắt kẻ thù. Đồng thời, chúng cũng có thể cho ta thấy quan điểm của vua theo quan điểm đối phương. Vì thế, trong phần Ngữ lục, chúng tôi cho trích hai đoạn phát biểu của vua Trần Nhân Tông trước và sau hai cuộc chiến tranh vệ quốc 1285 và 1288. Ta sẽ thấy quan điểm nhất quán của vua là đấu tranh không nhân nhượng, không bao giờ chịu khuất phục vào chầu Hốt Tất Liệt, dù nó có đòi hỏi bao nhiêu đi nữa.
Hai đoạn ngữ lục, một trích từ buổi đãi yến Sài Thung vào năm 1278 chép trong An Nam truyện của Nguyên sử 209 tờ 4a12-b2. Còn đoạn kia phát biểu trong bữa tiệc đãi Trương Lập Đạo năm 1291, chép trong Trương thượng thư hành lục của An Nam chí lược 3 tờ 47. Nguyên bản dùng để in lại chúng là lấy từ hai tác phẩm vừa nói.
5. Văn xuôi
Về văn xuôi của vua Trần Nhân Tông, ta hiện có bản tiểu sử của Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung, biết dưới tên Thượng sĩ hành trạng in vào cuối sách Thượng sĩ ngữ lục cùng với những bài tán tụng của môn nhân thượng sĩ như bài tán của chính vua Trần Nhân Tông, của Pháp Loa, Bảo Pháp, Tông Cảnh, Thiên Nhiên, Pháp Cổ, Huệ Nghiêm và Pháp Đăng với lời bạt của tướng Trần Khắc Chung. Bản hành trạng này không đề tên người viết. Nhưng căn cứ vào nội dung, nó dứt khoát phải do vua Trần Nhân Tông chấp bút, vì đã nói tới việc gặp tang của Nguyên Thánh mẫu hậu và tác giả phải chính thức đi mời thượng sĩ Tuệ Trung. Nhờ việc đi mời này, tác giả đã có một cuộc nói chuyện về thiền với thượng sĩ và sau đó thì được ấn chứng. Vấn đề tác quyền của vua Trần Nhân Tông đối với bản hành trạng này cũng không ai đặt ra. Chỉ có người dịch Thượng sĩ ngữ lục là Trúc Thiên, khi đến đoạn cho người đi mời thượng sĩ Tuệ Trung, chua thêm người đi mời là Pháp Loa.1 Pháp Loa sinh năm 1284 và Tuệ Trung thượng sĩ mất năm 1291. Dứt khoát không bao giờ Pháp Loa có thể “nguyện đội ơn dạy dỗ của thượng sĩ”.Đây là một lời chua thiếu cẩn thận và người ta có thể phát hiện một cách dễ dàng sự sai trái của nó.
Bản in Thượng sĩ ngữ lục xưa nhất, mà ngày nay còn có được, là bản in năm Chính Hoà thứ tư (1683) do thiền sư Tuệ Nguyên chùa Long Động núi Yên Tử đề tựa. Bản in ấy về sau đã được in lại một lần thứ hai vào năm Cảnh Hưng 24 (1763). Truyền bản lần in 1763 này sau đó đã được thiền sư Thanh Cừ nhận lại từ sư cụ Thanh Lân và cho in lại vào năm Thành Thái thứ 15 (1903) và do thiền sư Thanh Hanh đề tựa. Bản in năm Thành Thái 15 sau đó đã được Tổng hội Phật giáo Bắc kỳ cho in dập lại trong bộ Việt Nam Phật điển tùng san vào năm 1943. Và đây là bản được phổ biến rộng rãi nhất ngày nay. Do hiện chúng tôi chưa sở hữu được bản in năm 1683, nên trong khi in lại, chúng tôi chỉ sử dụng bản in năm 1943.
6. Văn thư ngoại giao
Về văn thư ngoại giao, ta hiện có bốn nguồn chính. Đó là An Nam truyện của Nguyên sử 209, Biểu chương của An Nam chí lược 6, Thiên nam hành ký và phần Phụ lục của Trần Cương Trung thi tập.
Nguyên sử còn giữ cho ta 8 đoạn phiến của 8 lá thư mà vua Trần Nhân Tông đã viết cho Hốt Tất Liệt và các thuộc hạ của y. Lá thư sớm nhất do Nguyên sử ghi lại là vào tháng 11 năm Chí Nguyên thứ 15 (1278) khi Sài Thung đến Ung Châu, để phản đối việc dùng con đường Ung Châu đến nước ta và yêu cầu phải trở về dùng con đường Vân Nam cũ. Đây rõ ràng là một đoạn trích trong lá thư chắc chắn dài hơn, nhưng ngày nay đã mất. Những lá thư sau của vua Trần Nhân Tông trong Nguyên sử cũng có dạng như thế chủ yếu cũng chỉ là những đoạn trích. Tuy nhiên, phải nói đây là những đoạn trích tương đối trung thành. Ta biết được điều này, vì có một số lá thư chỉ được trích trong Nguyên sử, nhưng lại được giữ trọn vẹn trong An Nam Chí lược.
Chẳng hạn, đoạn trích từ tờ biểu tháng 12 năm Chí Nguyên 15 (1278) do phái bộ Phạm Minh Tự, Trịnh Quốc Toản và Đỗ Quốc Kế đem qua cho Hốt Tất Liệt trong An Nam truyện của Nguyên sử 209 tờ 4b-6 viết:
“Cô thần bẩm khí yếu đuối, mà đường xá thì khó khăn, chỉ luống phơi xương trắng, đến nỗi bệ hạ xót thương, mà không ích gì cho thiên triều muôn một. Nép mong bệ hạ thương xót tiểu quốc xa xôi, khiến thần được cùng bọn đơn côi quan quả, giữ được tính mệnh để suốt đời phụng sự bệ hạ. Đó là sự may lớn của cô thần, cũng là phúc to của sinh linh tiểu quốc”.
Đây đúng là đoạn trích từ tờ biểu năm Chí Nguyên thứ 15 chép trong phần Biểu chương của An Nam chí lược 6 tờ 75-77: “Thần sinh trưởng Việt Thường , bẩm khí nhuyễn nhược, (…), khủng đạo thượng hữu phường, đồ bộc bạch cốt, trí bệ hạ nhân tâm, diệc tự ai thương chi nhĩ (…). Phục vọng bệ hạ ai cô thần chi đơn nhược, lân tiểu quốc chi liêu viễn, lịnh thần đác dự quan quả cô độc, bảo kỳ tính mạng, dĩ chung sự bệ hạ, thử thần chi chí hạnh, ức diệc tiểu quốc sinh linh chi đại phước dã”.
Từ so sánh hai đoạn này, ta thấy chắc chắn tám đoạn trích văn kia cũng được giữ nguyên vẹn tình trạng văn bản chứ không bị sửa đổi nhiều, đến nỗi đánh mất hết diện mạo nguyên thủy của chúng. Từ đó, chúng tôi coi những đoạn trích văn ấy, dù ngắn ngủi và đoạn phiến, vẫn đại biểu cho những văn thư ngoại giao của vua Trần Nhân Tông, mà hiện nay ta chưa tìm lại được. Những trường hợp toàn văn lá thư còn được lưu giữ ở những nguồn khác, chúng tôi vẫn cho dịch và số thứ tự 1, 2, 3… của các văn thư sẽ được đánh thêm chữ a, b để phân biệt.
Trong 8 đoạn phiến này chúng tôi chỉ chọn trích 6 đoạn phiến thôi, vì hai đoạn phiến còn lại quá ngắn, viết vào khoảng tháng 2 năm Chí Nguyên 22 (1285). Một trả lời Thoát Hoan về việc mượn đường đi đánh Chiêm Thành:
“Nước đây đến Chiêm Thành thủy bộ chẳng tiện, xin tùy sức phụng dâng quân lương”. Còn một báo về việc đi cống:
“Kỳ cống sẽ nhằm tháng mười, xin đường trước, dự bị sức dân. Nếu ngày Trấn Nam Vương xuống xe, mong có thư báo”. Văn bản chúng tôi dùng để in lại nguyên văn chữ Hán là bản của Tứ bộ bị yếu.
Nguồn thứ hai là từ phần Biểu chương của An Nam chí lược 6. Phần này hiện bảo lưu được 8 văn thư của vua Trần Nhân Tông. Nhưng thực tế chỉ có 7 văn thư. Bởi vì,lá thư đề “Chí Nguyên tam thập niên tam nguyệt An Nam Trần bách bái” ở An Nam chí lược 6 tờ 78-79 thực tế là một phần sau của lá thư đề ngày mồng 4 tháng 3 năm Chí Nguyên 30 (1293) chép trong Trần Cương Trung thi tập phụ lục tờ 20b4-21b8. Phần đầu của lá thư này lại bị cắt ra ở An Nam chí lược 6 tờ 79 dưới nhan đề “Chí Nguyên tam thập niên tam nguyệt sơ tứ nhật An Nam Trần thượng biểu”.
Trừ văn thư bị cắt làm hai mảnh này, An Nam chí lược giữ lại cho ta 7 văn thư tương đối nguyên vẹn mà vua Trần Nhân Tông đã gửi cho Hốt Tất Liệt và con y là Nguyên Thành Tông. Hốt Tất Liệt 5 lá, Nguyên Thành Tông 2 lá:
1.Văn thư gửi Hốt Tất Liệt năm Chí Nguyên 15 (1278)
2.Văn thư gửi Hốt Tất Liệt năm Chí Nguyên 29 (1292)
3.Thơ mừng thọ Hốt Tất Liệt năm Chí Nguyên 30 (1293)
4.Văn thư gửi Hốt Tất Liệt năm Chí Nguyên 30(1293)
5.Văn thư gửi Hốt Tất Liệt năm Chí Nguyên 30 (1293)
6.Văn thư gửi Nguyên Thành Tông năm Nguyên Trinh thứ nhất (1295)
7.Văn thư gửi Nguyên Thành Tông xin thỉnh Đại Tạng kinh năm 1295
Nhữmg văn thư do An Nam chí lược chép, khi so với những văn thư có tương đương trong Trần Cương Trung thi tập phụ lục, thì tỏ ra có một số xuất nhập về ngữ câu chữ. Tuy nhiên, do vì An Nam chí lược có nhiều sai sót như việc cắt đôi văn thư ngày mồng 4 tháng 3 năm Chí Nguyên 30 vừa nói, nên trong những trường hợp ấy chúng tôi chọn dịch bản của Trần Cương Trung thi tập phụ lục và chỉ dùng bản của An Nam chí lược để tham khảo. Bản An Nam chí lược chúng tôi dùng là hiệu bản do Đại học Huế xuất bản vào năm 1961. Hiệu bản này không tốt lắm, nhưng tối thiểu nó cho những cách đọc khác nhau từ các truyền bản như Lạc thiện đường, Nhật Bản nội các văn khố, Đông Kinh Tỉnh gia đường văn khố và sao bản của Bảo tàng Anh ở Luân Đôn. Cho nên khi dịch những văn thư, mà không có trong các nguồn khác, thì chúng tôi dùng hiệu bản này. Trong những trường hợp chúng tôi không đồng ý với hiệu bản, chúng tôi dựa vào cách đọc của những truyền bản có ghi chú ở phần khảo dị, mà điều chỉnh cho thích hợp, để dịch.
Nguồn thứ ba là Thiên nam hành ký do Từ Minh Thiện ghi lại trong đợt đi sứ tới nước ta vào năm Chí Nguyên 26 (1289). Từ Minh Thiện chép cả thảy được 6 văn kiện sau xếp theo thứ tự đã có trong Thiên nam hành ký:
1.Văn thư gửi Hốt Tất Liệt năm Chí Nguyên 25 (1288)
2.Văn thư gửi Hốt Tất Liệt năm Chí Nguyên 26 (1289).
3.Văn thư gửi Hốt Tất Liệt tháng 3 năm Chí Nguyên 26 (1289)
4.Văn thư gửi hoàng hậu cùng tháng năm
5.Văn bản gửi cống vật năm Chí Nguyên 26 (1289)
6.Văn kiện gửi cống vật năm Chí Nguyên 23 (1286)
Trong 6 văn kiện này thì văn kiện cuối cùng có một lời chua: “Một đoạn ở đây được bổ thêm vào tờ trạng dâng phương vật”(thử nhất đoạn bổ nhập phương vật trạng trung). Điều này chứng tỏ văn kiện số 6 đúng là văn kiện ghi những phương vật do vua Trần Nhân Tông gửi biếu cho Hốt Tất Liệt vào năm 1286, sau khi ta đã đánh bại đợt tấn công năm 1285 nhằm làm dịu tình hình căng thẳng trong quan hệ giữa ta và triều đình Nguyên. Nó cho thấy có tới 52 món đồ vàng bạc châu báu cùng những chim thú lạ như chim Bát ca tức chim thu tử (sari), chồn gió, cá sấu v.vỢ Vua Trần Nhân Tông muốn qua chúng để làm cho Hốt Tất Liệt thấy quan điểm của vua Trần Nhân Tông về cuộc chiến tranh 1285. Đó là do các bọn tướng biên giới tham công gây nên, như chính vua đã bày tỏ trong lá thư viết về sau vào năm Chí Nguyên 25 (1288), chứ không phải do Hốt Tất Liệt.
Năm văn kiện còn lại tất cả đều thuộc vào những trao đổi ngoại giao vào năm Chí Nguyên 25 và 26. Những văn kiện này không thấy chép ở bất cứ nơi nào khác. Chúng soi sáng cho ta rất nhiều về những quan hệ Việt Nguyên, sau khi quân Đại Việt đã quét sạch những đội quân xâm lược do Thoát Hoan chỉ huy. Văn bản mà chúng tôi dùng nằm trong bộ Thuyết phu 51 tờ 18b3-23b7 do Hàm phần lâu in dập lại. Nguyên bản Hán văn chúng tôi sẽ dùng bản Hàm phần lâu này.
Bên cạnh bản in của Hàm phần lâu, chúng tôi cũng sở hữu một bản chép tay Thiên nam hành ký như tập thứ nhất trong Bắc thư tải Nam sự ngũ tập. Bản chép tay này không biết do ai thực hiện và vào lúc nào. Nhưng người chép trong Tiểu dẫn cho biết ông đã dùng bản của Tục thuyết phu. Khi so sánh, chúng tôi thấy có một số xuất nhập, không biết đến từ đâu. Chẳng hạn, tờ trạng dâng cống vật nằm cuối sách Thiên nam hành ký, bản Hàm phần lâu ghi năm Chí Nguyên 23, trong khi bản chép tay lại ghi năm 26 và không có lời chua nhỏ “thử nhất đoạn bổ nhập phương vật trạng trung”. Chúng tôi, vì thế, coi bản chép tay như một dị bản để tham khảo, còn dùng bản Hàm phần lâu, để in lại nguyên bản Hán văn các văn thư của vua Trần Nhân Tông do Từ Minh Thiện ghi lại.
Nguồn thứ tư là Trần Cương Trung thi tập phụ lục hiện còn lưu giữ cho ta 7 văn thư, đó là:
1.Văn thư gửi Lương Tăng ngày 13 tháng giêng năm Chí Nguyên 30 (1293)
2.Văn thư gửi Lương Tăng ngày 21 tháng 2 cùng năm
3.Văn thư gửi Lương Tăng ngày 25 tháng 2 cùng năm
4.Văn thư gửi Lương Tăng ngày 1 tháng 3 cùng năm
5.Bài thơ chúc thọ Hốt Tất Liệt
6.Văn thư gửi Hốt Tất Liệt nhân bài thơ ấy ngày 4 tháng 3 cùng năm
7.Văn thư gửi Hốt Tất Liệt cùng ngày tháng năm
Đấy là 7 văn kiện mà Trần Phu với tư cách là phó đoàn của phái bộ Lương Tăng do Hốt Tất Liệt gửi đến nước ta vào năm 1293 đã sao chép lại cho ta trong thi tập của ông. Bốn văn kiện đầu là những trao đổi giữa vua Trần Nhân Tông và Lương Tăng về nội dung của việc đi sứ, chủ yếu là đòi biện giải về việc sang chầu và những tù binh do ta bắt được. Điểm lý thú là trong đợt tiếp sứ này, vua Trần Nhân Tông đã gửi biểu và tấu cùng một bài thơ mừng Hốt Tất Liệt thọ 80 tuổi, trong khi Hốt Tất Liệt đang hung hăng chuẩn bị đợt xâm lược nước ta lần thứ tư. Bài thơ mừng Hốt Tất Liệt vạn thọ đã được Trần Phu chép lại như sau:
Thiên tứ hoàng đế
Đế tứ thứ dân
Thần chúc thánh thọ
Ức vạn niên xuân
(Trời ban cho vua
Vua ban xuống dân
Thần chúc thánh thọ
Ức vạn năm xuân)
Đây là bài thơ thù tạc hiếm thấy, và qua nó ta thấy ý chí muốn xây dựng một nền hòa bình lâu dài giữa hai dân tộc láng giềng. Vua Trần Nhân Tông biết rất rõ ý đồ xâm lược của Hốt Tất Liệt cho nên đã kiên trì dùng những đòn ngoại giao mềm dẻo nhưng cương quyết, nhằm đè bẹp ý chí xâm lược ấy, sau khi đã trực tiếp đánh bại các đạo quân xâm lược do Hốt Tất Liệt gửi qua. Đọc những văn kiện trên cho ta thấy phần nào đối pháp ngoại giao của vua Trần Nhân Tông.
Văn bản mà chúng tôi dùng là bản chép tay của Tứ khố toàn thư đặt tại Văn uyên các của Trần Cương Trung thi tập.
Bản chép tay này do Đỗ Quần Ngọc chép và bốn người khác đọc và hiệu đối là La Cẩm Sâm, Tôn Cầu Phú, Hà Tư Quân và Thái Đình Hành. Vì là bản do vua Càn Long ra lệnh chép, nên chữ viết đẹp, chân phương, rõ ràng, dễ đọc, có đóng dấu vuông của Văn Uyên Các ấn ở đầu quyển một và cuối quyển hai có đóng dấu vuông của Càn Long ngự lãm chi bảo, quyển ba ở trang đầu cũng có dấu của Văn Uyên Các ấn và cuối quyển Trần Cương Trung thi tập phụ lục lại cũng có dấu Càn Long ngự lãm chi bảo. Các thư của vua Trần Nhân Tông được chép trong Trần Cương Trung thi tập phụ lục ở các tờ 5b6-6a5, 11a7-12a5, 15aa2-18a7, 19a1-6, 19a7-8, 19b1-20a6 và 20a7-22a2. Mỗi tờ 2 trang, mỗi trang có 8 dòng, mỗi dòng 20 chữ, chép tụt xuống một chữ.
Tổng kết như vậy ta có cả thảy 22 văn kiện ngoại giao hiện còn do vua Trần Nhân Tông gửi cho vua quan nhà Nguyên. Chúng tôi xếp thứ tự các văn kiện này theo trật tự thời gian mà chúng đã được viết, tức từ văn kiện đầu tiên vào tháng 11 nhuận năm Chí Nguyên 15 (1278) cho đến văn kiện cuối cùng vào ngày mồng 4 tháng 3 năm Chí Nguyên 30 (1293) để cho người đọc tiện theo dõi. Các nguyên bản Hán văn, chúng tôi cũng sắp đặt theo một thứ tự như thế.
7. Khảo dị và chú thích
Tác phẩm của vua Trần Nhân Tông tồn tại nhiều truyền bản khác nhau như đã thấy trên. Cho nên, về mặt văn bản học, chúng tôi đưa ra nhiều vấn đề. Điều may mắn là đa số các tác phẩm này xuất hiện trong các truyền bản tương đối xưa. Chúng đa số được chép hoặc in vào thế kỷ 18. Cụ thể, về thơ, ta có bản in của Việt âm thị tập của năm Bảo Thái thứ 10 (1729). Về phú, bản in Thiền tông bản hạnh của sa di ni Diệu Thuần thực hiện vào năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745). Về bài giảng, nằm trong bản in năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750) của Thánh đăng ngữ lục. Về ngữ lục, văn thư ngoại giao, chúng tôi cơ bản sử dụng các tư liệu Trung Quốc như Nguyên sử, Trần Cương trung thi tập, Thiên nam hành ký và An Nam chí lược. Những tác phẩm này, chủ yếu là những bản in xưa hay là những bản chép tay ở thế kỷ 18 trở về trước. Vì thế về mặt khảo dị, chúng tôi giới hạn tối đa khi sử dụng những bản in hay chép tay của những thế kỷ sau. Nói thẳng ra, trừ những trường hợp cần thiết, chúng tôi mới sử dụng những bản in chép tay hậu kỳ này khi phiên âm hay dịch nghĩa các tác phẩm của vua Trần Nhân Tông công bố trong toàn tập.
Về chú thích, chúng tôi chỉ chú thích những từ cổ và một số điển tích ngữ học. Còn các điển tích khác như về địa danh, nhân danh lưu hành trong các kinh điển trong hay ngoài Phật giáo, chúng tôi sẽ không chú thích. Lý do nằm ở chỗ nếu giải thích các điển cố ấy, sẽ có một lượng từ rất lớn mà không gian toàn tập này không cho phép. Thực tế, chỉ riêng đối với tiếng Việt như 2 bài phú, Cư trần lạc đạo và Đắc thú lâm tuyền, ta có thể làm một cuốn từ điển nhỏ cỡ 300 trang. Chúng tôi hy vọng sẽ có những nghiên cứu sâu hơn về các tác phẩm của vua Trần Nhân Tôngtrong tương lai theo từng cụm một. Khi đó những loại điển cố trên sẽ được chú thích chi tiết và đầy đủ.