06. Huyền Trang, Nhà Dịch Thuật

HUYỀN TRANG – NHÀ CHIÊM BÁI VÀ HỌC GIẢ
Hsuan-Tsang, the Pilgrim and Scholar
Nguyên tác Anh ngữ: HT. Thích Minh Châu-Việt dịch: Ni sư Thích Nữ Trí Hải
Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam tái bản, 1989

VI. HUYỀN TRANG, NHÀ DỊCH THUẬT

Nếu lúc ở Ấn Độ, hoạt động chính của Pháp sư là học hỏi, thuyết pháp, tranh biện và chiêm bái các thánh địa, thì sau khi trở về Trung Quốc cho đến ngày mất, Pháp sư để phần lớn thì giờ vào việc dịch các bản Phạn văn ra tiếng Trung Hoa. Vì một trong những mục đích cuộc Tây du của Ngài là sưu tầm các bản Phạn văn quan trọng về phổ biến trong nước Trung Hoa, nên Ngài đã mang về rất nhiều kinh Phạn văn để dịch ra Hoa ngữ.

Ngài đến thủ đô Trung Hoa vào năm 645 sau Tây lịch và từ năm này cho đến khi từ trần, Ngài chuyên chú dịch 75 tác phẩm ra thành 1335 tập. Sau khi hội kiến với Hoàng đế Trung Hoa, Pháp sư dọn đến ở chùa Hoằng Phước và chuẩn bị mọi việc để khởi sự dịch 600 cuốn kinh Phạn văn Ngài đã mang về.

Vào ngày mồng một tháng ba, Pháp sư đến chùa Hoằng Phước, và gợi lời thỉnh nguyển đến viên quan Thượng thư Huyền Linh yêu cầu cung cấp những dịch giả, nhà văn phạm, người tốc ký và người biên chép để giúp Ngài trong việc phiên dịch.

Vào ngày mồng 2 tháng 6, 12 vị sư danh tiếng đến. Các vị này đều tinh thông kinh điển đại thừa lẫn tiểu thừa và sẽ giúp Pháp sư phiên dịch. Những vị sư này tên là Linh Nhuận và Văn Bị chùa Hoằng Phước ở kinh đô, Tỳ-kheo Huệ Quý chùa La Hán, Tỳ-kheo Minh Diễn chùa Thực Tế, Tỳ-kheo Pháp Tường chùa Bảo Xương, Tỳ-kheo Phổ Hiền chùa Tinh Pháp, Tỳ-kheo Đạo Thâm chùa Pháp Giảng ở Quách Châu, Tỳ-kheo Huyền Trung chùa Diễn Giác ở Biện Châu, Tỳ-kheo Phổ Cú ở Bồ Châu, Tỳ-kheo Kính Minh chùa Trấn Hưởng ở Miên Châu và Tỳ-kheo Đạo Nhân chùa Đa Bảo ở Ích Châu.

Ngoài những người cộng sự danh tiếng này, còn có chín nhà văn phạm là Tỳ-kheo Thê Huyền chùa Phổ Quang ở Kinh đô, Tỳ-kheo Minh Tuấn chùa Hoằng Phước, Tỳ-kheo Biện Cơ chùa Hội Xương, Tỳ-kheo Đạo Tuyên chùa Phong Đức trên núi Chung Nam, Tỳ-kheo Tịnh Mai chùa Phước Tụ ở Giản Châu, Tỳ-kheo Hành Hữu chùa Phổ Cứu ở Bồ Châu, Tỳ-kheo Đạo Trác chùa Thê Nham, Tỳ-kheo Huệ Lạp chùa Chiếu Nhân ở U Châu và Tỳ-kheo Huyền Tắc chùa Thiên Ưng ở Lạc Châu. Một nhà nguyên ngữ học là Tỳ-kheo Huyền Ứng chùa Tổng Trì ở thủ đô và một nhà học giả về Phạn ngữ là Tỳ-kheo Huyền Mộ chùa Hưng Thiên ở thủ đô cũng giúp Pháp sư trong việc dịch thuật. Họ họp thành một khối cùng làm việc rất đắc lực giúp Pháp sư dịch những kinh Phạn văn ra Hoa ngữ.

Pháp sư khởi sự phiên dịch vào ngày mồng 1 tháng 7 và bắt đầu dịch các cuốn kinh Bồ tát tạng, kinh Phật Địa, kinh Lục môn Đà-la-ni và luận Hiển dương Thánh giáo. Cùng ngày hôm đó Ngài dịch xong cuốn Lục môn kinh và vào ngày 15 xong cuốn Phật địa kinh. Cuối năm ấy kinh Bồ tát tạng và Hiển dương luận cũng được hoàn thành.

Vào ngày mồng 1 tháng Giêng mùa xuân đệ nhị thập niên (646 sau Tây lịch), Pháp sư bắt đầu dịch Đại thừa A-tỳ-đạt-ma tập luận và xong vào tháng hai. Sau đó Ngài lại khởi dịch Du già sư địa luận, thành 100 cuốn xong vào ngày 14 tháng 5 mùa hạ.

Hoàng đế Trung Quốc chú ý đặc biệt đến công việc phiên dịch của Pháp sư. Một hôm hỏi Ngài về giá trị bản dịch cũ của Kinh cang Bát nhã, Pháp sư giảng cho vua nghe rằng bộ kinh ấy dạy vô phân biệt trí để trừ vọng chấp. Vì bản dịch cũ bỏ chữ “năng đoạn” (Chedika), có nghĩa là cắt đứt, trong nhan đề quyển kinh, nên nó không diễn đạt chính xác giá trị cao siêu của bộ kinh ấy. Hơn nữa một trong ba câu hỏi, 1 trong 2 bài tụng và 3 trong 9 thí dụ đã bị bỏ không dịch. Vua yêu cầu Pháp sư khởi sự dịch lại bộ kinh ấy. Bởi thế Ngài bắt đầu dịch lại bộ Năng đoạn Kim cang Bát nhã Ba-la-mật-đa hoàn toàn căn cứ trên cuốn kinh Phạn văn Ngài đã mang về.

Khi Pháp sư ở chùa Hoằng Phước do vua xây, Ngài hoàn thành bản dịch bộ luận Nhiếp Đại thừa với những lời chú của Bồ tát Asvabhasa (Vô Tánh) thành 10 quyển, cũng quyển luận ấy với lời chú của Thế Thân thành 10 quyển, bộ Nhân duyên kinh thành 1 quyển và bộ luận Bách pháp Minh môn thành 1 quyển.

Vì sợ kinh mang về bị cháy hoặc hư hại nên Pháp sư định dựng một tháp để chứa kinh vào tháng 3 mùa xuân năm Vĩnh Huy thứ ba (652 sau tây lịch). Tháp xây bằng gạch, ở phía tây chùa Từ Ân hoàn toàn theo kiểu Ấn Độ, cao 5 tầng, 180 bộ Anh gồm cả chân và đỉnh. Mỗi tầng dài 140 bộ Anh (khoảng 34 m). Pháp sư thân dự phần trong cuộc xây dựng ngôi tháp ấy. Ngài mang gạch đá, giúp nơi này một tay và nơi khác một việc, việc gì Ngài làm được là Ngài làm để góp phần công đức trong việc xây cất kéo dài 2 năm.

Vào ngày 23 tháng Giêng mùa xuân đời vua Hiển Khánh nguyên niên (656 sau Tây lịch), một buổi lễ tấn phong Thái tử được tổ chức trọng thể tại chùa Từ Ân. Năm ngàn vị Tỳ-kheo được mời dự và nhiều người tai mắt trong triều đình. Vào dịp ấy, Pháp sư giải thích cho Tiết Nguyên Siêu, Lý Nghĩa phủ về việc phiên dịch kinh điển Phật giáo đã được nhiều nâng đỡ của triều đình ngoài các vị sư, kể từ thời vua Phù kiên và Giao Hưng (351-417 TL).

“Tam tạng giáo điển rất vi diệu, khó hiểu được tận tường. Tuy nhiên nhiệm vụ của tăng sĩ là phải truyền bá giáo lý và cũng phải nhờ các vị vua nâng đỡ. Vì những thời Hán và Ngụy đã xa vời, chúng ta không thể nào bàn về chúng thật chi tiết. Nhưng bần tăng chỉ xin kể lại những vị đã cộng tác với tăng sĩ trong việc phiên dịch Phật kinh từ thời Phù Kiên và Giao Hưng.

Vào thời Phù Kiên khi Dharmanandi (Đàm-ma-nan-đề) dịch Phật kinh, có vị cận thần triều đình là Triệu Chính phụ tá. Vào thời Giao Hưng khi Cưu-ma-la-thập dịch Phật kinh có quan thái thú ở An Thanh là Dao Tung và vị quan là Dao Phụ giúp. Và khi Bồ đề Cưu Chi dịch Phật kinh vào thời Hậu Ngụy (386-534 TL) quan cận thần là Thôi Quang giúp phiên dịch và đề tựa cho các dịch phẩm. Và những trường hợp tương tự đã xảy ra trong các triều vua Tề, Lương, Châu và Tùy. Cả đến đầu triều Trình Quán khi Prab hanala (Ba-pha-la-na) phiên dịch kinh điển có quan Tả bộc Phòng Huyền Linh, Triệu Quân Vương, Thái tử Lý Hiếu Cung, quan Đảm sự Đỗ Chính Luân, quan Thái phu Tiêu Cảnh, viên thủ khố của triều đình đều được Hoàng đế sai coi sóc giúp đỡ công cuộc phiên dịch.

Đoạn Pháp sư lưu ý cho hai vị quan triều này thấy rằng hiện giờ không có chuyện như thế và nhờ họ tâu lại với Hoàng đế để yêu cầu cung cấp nhân lực phụ tá. Hôm sau khi thiết triều, hai vị ấy tâu vua lời thỉnh cầu của Pháp sư. Vua liền ra một chiếu chỉ chấp thuận điều cầu thỉnh:

“Việc phiên dịch kinh luận của Pháp sư Huyền Trang là một công trình mới mẻ, bản dịch cần được trau chuốt thật hoàn hảo về từ lẫn lý. Nay trẫm chỉ định cho các quan sau đây phải giúp đỡ việc phiên dịch ấy và nhuận sắc nếu cần: quan Tả bộc Yên Quốc Công Vu Chí Ninh, quan Trung thư lệnh kiêm kiểm giảo Lại bộ Thượng thư Nam Dương huyện Khai quốc nam Lai Tế, quan Lễ bộ Thượng thư Cao Dương huyện Khai quốc Nam Tiết Nguyên Siêu, quan Thị Lang khai quốc Nam Lý Nghĩa Phủ và Trung thư thị lang Đỗ Chính Luân. Nếu cần thêm học giả, có thể phái thêm vào người nữa.”

Pháp sư nhận lãnh chiếu chỉ với những giọt nước mắt cảm ơn và từ đấy công việc dịch thuật càng tiến mạnh với sự giúp đỡ quý báu của triều đình.

Pháp sư đã dịch xong bộ luận A-tỳ-đạt-ma Phát trí luận thành 30 quyển. Khi Ngài ở kinh đô, Ngài cũng khởi dịch bộ Đại-tỳ-bà-sa-luận và đã xong hơn 70 quyển chỉ còn 130 quyển. Bấy giờ Ngài bắt đầu dịch cho xong tác phẩm vĩ đại ấy. Pháp sư ở luôn trong chùa Từ Ân để dịch. Ngài vẽ ra một chương trình đều đặn và theo đúng như thế để khỏi mất giờ khắc nào. Nếu Ngài vì những việc khác không thể làm hết công việc như đã vạch định, thì Ngài thức khuya hơn thường lệ để làm nốt. Ngài thường thức dịch đến canh hai.

Đoạn xếp các việc lại thiền định và cầu nguyện suốt canh ba để gạn lọc tâm ý. Sau đó mới đi nghỉ. Canh năm Ngài đã thức dậy và sau vài phút tẩy rửa, Ngài tụng các bản kinh Phạn và làm dấu mực đỏ những đoạn phải dịch ngày hôm đó. Ăn điểm tâm xong, Ngài để ra hai giờ để giảng những kinh luận vừa dịch; những tăng sĩ và cư sĩ từ xa đều đến nghe Ngài. Mặc dù Ngài có chương trình hàng ngày rất bận rộn, Ngài vẫn làm việc rất có phương pháp và không để cho nhịp điệu công việc hàng ngày bị xáo trộn.

Vào ngày mồng 1 tháng Giêng, mùa xuân năm thứ năm (660 TL), Pháp sư khởi dịch Đại-bát-nhã-ba-la-mật kinh, gồm tất cả 20.000 câu Phạn ngữ. Mặc dù đồ đệ Ngài khuyên nên rút ngắn lại, Pháp sư vẫn so sánh cân nhắc các bản dịch khác nhau mà Ngài mang về. Chỉ sau khi nghiên cứu kỹ càng và suy nghĩ chín chắn Ngài mới khởi sự dịch ra Hoa ngữ. Trong thời gian dịch tác phẩm vĩ đại này, Pháp sư cứ lo mình sẽ chết trước khi hoàn thành công việc. Ngài nói để khích lệ các tăng sĩ:

“Nay Huyền Trang này đã 65 tuổi và chắc rằng sẽ chết ở trong chùa này. Vì bộ kinh này rất vĩ đại, tôi chỉ sợ tôi không sống được để dịch cho xong, vậy chúng ta phải cố gắng làm việc và đừng để mất phút nào.”

Vào ngày 23 tháng 10 mùa xuân năm thứ ba niên hiệu Long Sóc (663 TL), Ngài hoàn tất bản dịch bộ kinh thành 600 quyển dưới đầu đề Đại Bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh. Khi dịch đến trang cuối cùng, Pháp sư vô cùng phấn khởi hân hoan nói với các Tỳ-kheo rằng:

” Bộ kinh có nhân duyên với nơi này lắm. Chính nhờ thần lực của kinh mà tôi đến điện Ngọc Hoa này. Nếu tôi ở lại kinh đô rối ren phiền toái thì tôi đã không có thì giờ dịch xong được. Nhờ ơn Phật và chư vị Long thần, nay dịch phẩm đã xong. Bộ kinh cao cả là hòn ngọc quý của xứ sở, quý vị nên hoan hỷ thọ trì.”

Vào ngày mồng 1 tháng Giêng mùa xuân năm Lân Đức nguyên niên (664 TL), Pháp sư được thỉnh cầu dịch bản kinh Đại bảo tích ra Hoa ngữ. Pháp sư cố gắng thể theo lời cầu thỉnh, nhưng chỉ dịch được vài dòng Ngài liền xếp bản Phạn văn lại mà bảo rằng vì tuổi già sức yếu Ngài không thể nào có đủ nghị lực dịch bộ kinh này cũng đồ sộ không kém bộ Đại Bát nhã. Từ lúc đó trở đi, Ngài nghỉ tất cả các việc dịch thuật và chuyên chú vào thiền định tu tập.

Để phán đoán giá trị của dịch phẩm của Ngài, cần kê ra đây tất cả các dịch phẩm và hiểu quan điểm triết lý của Pháp sư cùng sự đóng góp của Ngài trong địa hạt trí thức Phật học.

A. Những dịch phẩm của Ngài Huyền Trang
1. Đại-bát-nhã-Ba-la-mật-đa kinh, 600 quyển, dịch từ năm 660-663; N.1; T.220.

2. Năng đoạn Kim cang Bát-nhã-ba-la-mật kinh, 1 quyển, 648 TL; N. 13.

3. Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh, 1 tập, 649 TL; N. 20; T. 251.

4. Đại Bồ tát tạng kinh, 20 quyển, 645 TL; T. 310; N. 23.

5. Đại thừa Đại tập Địa tạng thập luận kinh, 10 quyển, 651 TL; N. 64; T. 411.

6. Hiển vô biên Phật độ công đức kinh, 1 quyển, 654 TL, N. 95; T. 289.

7. Phật lâm niết bàn ký pháp trụ kinh: kinh về sự trường tồn của pháp Phật đã nói trước khi nhập Niết bàn; 1 quyển, 652 TL; N. 123; T. 390.

8. Phân biệt duyên khởi sơ thắng pháp môn kinh: Kinh giảng về luật nhân duyên tối thượng, 2 quyển, 650 TL; N. 140; T. 717.

9. Thuyết vô cấu xứng kinh 6 quyển, 650 TL; N. 149; T. 476.

10. Dược sư Lưu Ly Quang Như Lai bản nguyện công đức kinh, 1 quyển, 650 TL; N. 171; T. 450.

11. Xưng tán Tịnh độ Phật nhiếp thọ kinh, 1 quyển; 650 TL; N. 199; T. 367.

12. Giải thâm mật kinh, 5 quyển, 647 TL; N. 247; T. 676.

13. Như Lai thị giáo thắng quân vương kinh, 1 quyển, 649 TL; N. 249, T. 515.

14. Phật thuyết thậm hy hữu kinh, 1 quyển, 649 TL; N. 261; T. 689.

15. Phật thuyết tối vô tỉ kinh, 1 quyển, 649 TL; N. 269; T. 691.

16. Xưng tán Đại thừa công đức kinh, 1 quyển, 654 TL; N. 276; T. 840.

17. Duyên khởi Thánh đạo kinh, 1 quyển; 649 TL; N. 272; T.714.

18. Bất khoông quyền sách thần chú tâm kinh, 1 quyển, 659 TL, N. 316; T. 1094.

19. Thập nhất diện thần chú tâm kinh, 1 quyển, 659 TL; N. 328, T. 1071.

20. Chú ngũ thư kinh, 1 quyển, 664 TL; N. 330; T. 1034.

21. Thắng tràng trí ấn đà-la-ni kinh, 1 quyển, 654 TL; N. 361; T. 1363.

22. Chư Phật Tâm đà la-ni kinh, 1 quyển, 650 TL; N. 361; T. 918.

23. Bát tế cứu khổ nạn Đà-la-ni kinh, 2 tờ, 654 TL; N. 490; T. 1395.

24. Bát danh phổ mật đà la ni kinh, 3 tờ, 654 TL; N. 491; T. 1365.

25. Phật thuyết trì thế Đà-la-ni kinh, 4 tờ, 654 T; N. 492, T. 1162.

26. Phật thuyết lục môn Đà-la-ni kinh, 1 tờ, 646 TL; N. 493; T. 1360.

27. Phật thuyết Phật-địa kinh, 12 tờ, 645 T; N. 502, T. 680.

28. Tịnh chiếu Thần biến Tam-ma-địa kinh, 1quyển, 664 TL; N. 522: T. 648

29. Thọ trì thất Phật danh hiệu sở sanh công đức kinh, Kinh nói về công đức do sự niệm danh hiệu 7 đức Phật, 6 tờ, 651 TL; N. 528, T. 436.

30. Duyên khởi kinh, 3 tờ, 664 TL; N. 628; T. 124.

31. Bổn sự kinh, 7 quyển, 650 TL; N. 714; T. 765

32. Thiên thỉnh vấn kinh, 4 tờ, 648 TL; N.753; T.592.

33. Bồ tát giới Yết ma văn 7 tờ, 649 TL; N.1097; T.1499.

34. Bồ tát giới bổn 1 quyển, 649 TL; N.1098; T.1501.

35. Du già Sư địa luận, 100 quyển, 646-647 TL; N.1170, T.1579.

36. Nhiếp Đại thừa luận thích, 10 quyển, 648-649 TL; N.1171; T.159.

37. Nhiếp Đại thừa luận thích, 10 quyển, 647-649 TL; N.1171; T. 1598.

38. Quán sở duyên duyên luận, 3 tờ, 657 TL; N. 1173; T. 1624

39. Đại thừa ngũ uẩn luận, 10 tờ, 647 TL; N. 1176; T. 1621

40. Hiển dương thánh giáo luận; luận về sự hiển dương chánh pháp; 20 quyển, 645-646 TL; N. 117; T. 1602

41. Đại thừa A-tỳ-đạt-ma tạp tập luận, 16 quyển, 646 TL; N. 1178; T. 1606

42. Quảng bách luận bổn, 1 quyển, 650TL; N. 1189; T. 1570

43. Phật địa kinh luận 7 quyển, 649 TL; N. 1195; T. 1530

44. Thành duy thức luận, 10 quyển; 659 TL; N. 1197; T. 1585

45. Quảng bách luận thích luận, 10 quyển; 650 TL; N. 1198 ; T.1571

46. Đại thừa A-tỳ-đạt-ma tập luận, 7 quyển; 652 TL; N.1199 ; T. 1605

47. Vương pháp chánh lý luận, 1 quyển; 649 TL; N. 1200; T. 1615

48. Du già sư địa luận thích, 1 quyển; 654 TL; N. 1201 ; T. 1580

49. Hiển dương thánh giáo luận tụng, 1 quyển; 645 TL; N. 1202 ; T. 1603

50. Đại thừa bách pháp minh môn luận, 2 tờ; 648 TL; N. 1213 ; T. 1614

51. Duy thức tam thập luận, 6 tờ; 648 TL; N. 1215 ; T. 1586

52. Nhân minh nhập chánh lý luận, 6 tờ, 647 TL; N. 1216 ; T. 1630

53. Đại thừa thành nghiệp luận, 1 quyển; 651 TL; N. 1221 ; T. 1609

54. Nhân minh chánh lý môn luận, 1 quyển; 648-649 TL; N. 1224; T. 1628

55. Đại thừa chưởng trân luận, 2 quyển, 649 TL; N. 1237; T. 1578

56. Duy thức nhị thập luận, 11 tờ; 661 TL; N. 1240; T. 1590

57. Biện trung biện luận, 3 quyển, 661 TL; N. 1244; T. 1600

58. Biện trung biện luận tụng, 9 tờ, 661 TL; N. 1245; T. 1601

59. Nhiếp đại thừa luận bổn, 3 quyển, 648-649 TL; N. 1247; T. 1594

60. A tỳ đạt ma Đại tỳ bà sa luận, 200 quyển, 658-659 TL; N. 1263; T. 1545

61. A tỳ đạt ma thuận chánh lý luận, 80 quyển, 653-654 TL; N. 1265; T. 1562

62. A tỳ đạt ma tạng Hiển tông luận, 40 quyển, 651-652 TL; N. 1266; T. 1563

63. A tỳ đạt ma Câu xá luận tụng, 30 quyển, 651-654 TL; N. 1267; T. 1558

64. A tỳ đạt ma Câu xá luận bổn tụng, 2 quyển, 651 TL; N. 1270; T. 1560

65. A tỳ đạt ma Phát trí luận, 20 quyển, 657-660 TL; N. 1275; T. 1544

66. A tỳ đạt ma Tập dị môn túc luận, 20 quyển, 660-663 TL; N. 1276; T. 1536

67. A tỳ đạt ma phẩm Loại túc luận, 18 quyển, 659 TL; N. 1277; T. 1542

68. A tỳ đạt mà Thức thân túc luận, 16 quyển, 649 TL; N. 1261; T. 1539

69. A tỳ đạt ma Giới thân túc luận, 2 quyển, 663 TL; N. 1282; T. 1540

70. Ngũ sự Tỳ bà sa luận, 2 quyển, 663 TL; N. 1283; T. 1555

71. Dị bộ Tông luận, 10 tờ, 662 TL; N. 1286; T. 303

72. A tỳ đạt ma luận, 2 quyển, 658 TL; N. 1291; T. 1554

73. Thắng tôn thập cú nghĩa luận, 1 quyển, 648 TL; N. 1295; T. 2138

74. A tỳ đạt ma pháp uẩn túc luận, 12 quyển, 659 TL; N. 1295; T. 1537

75. Đại A La Hán Nan đề mật đa la sở thuyết pháp chú ký, 3 tờ, 654 TL; N. 1466; T. 2030

76. Đại thừa Tây du ký, 12 quyển, 646 TL; cộng tác với Biện cơ; N. 1503; T. 2087

77. Đại từ ân tự Tam Tạng Pháp sư truyện, do Huệ Lập soạn năm 665, 16 quyển; N. 1494
B. Số dịch phẩm:

Gồm 77 dịch phẩm. Nhưng chúng ta nên chú ý những điểm sau đây:
1. Dịch phẩm số 2 thuộc về bộ Đại Bát nhã đáng lẽ không kể.

2. Dịch phẩm số 4 mặc dù thuộc về bộ Maharatnakuta (Đại bảo tích) được xem như một dịch phẩm của Pháp sư.

3. Dịch phẩm số 33 và 34 chỉ rút từ số 35, đáng lẽ không kể.

4. Dịch phẩm 64 chứa những câu của 63, đáng lẽ khôngkể.

5. Dịch phẩm 42 chứa những câu của 45, đáng lẽ không kể.

6. Dịch phẩm 58, chứa những câu của 57, đáng lẽ không kể.

7. Dịch phẩm 49, chứa những câu của 40, đáng lẽ không kể.

8. Tác phẩm 76 và 77 không phải dịch phẩm, đáng lẽ không kể.
Như vậy, tổng cộng chỉ có 68 dịch phẩm.

C. Phân loại các tác phẩm trên

Thật khó phân loại cho cùng, bởi vì có nhiều tác phẩm không thể phân loại; nếu không đọc kỹ tất cả thì chúng ta thật khó bao gồm chúng trong bảng phân loại này. Tuy nhiên, bảng này ít nhất cũng giúp ta có một khái niệm về sự học uyên bác của Ngài Huyền Trang, xác định điển tích học và sở trường của Ngài.
1. Đại thừa Tỳ-nại-da: số 33, 34

2. Tiểu thừa A-tỳ-đàm: số 60, 61, 62, 63, 64, 65, 66, 67, 68, 69, 70, 72, 74

3. Các bộ thuộc Du già hay Đại thừa A-tỳ-đàm số 12, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 44, 46, 48, 49, 50, 51, 56, 57, 58, 59

4. Các bộ thuộc Bát-nhã: số 1, 2, 3, 42, 45

5. Các bộ thuộc Tịnh-độ: 9, 10, 11.

6. Các bộ thuộc Mật tông: số 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26

7. Nhân minh luận bộ: số 52, 54

8. Sử: số 76, 77

9. Tiểu thừa phái: 71

10. Ngoại giáo: số 73

11. Không phân loại: số 4, 5, 6, 7, 8, 13, 14, 15, 16, 17, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 43, 47, 53, 55, 75.
D. Sự bác học của Ngài Huyền Trang

Sự phân loại trên cho ta thấy rõ sự uyên bác của Pháp sư đến mức nào. Ngài khởi đầu bằng Đại thừa Tỳ-nại-da vì Ngài thiên về lý tưởng Bồ tát và hoàn toàn bỏ qua Tiểu thừa Tỳ-nại-da vì những người trước Ngài đã đề cập đến phái này nhiều. Dịch phẩm của Ngài về Tiểu thừa A-tỳ-đàm gồm Lục túc, Phát-trí-luận, bộ Đại-tỳ-bà-sa danh tiếng và vài tác phẩm khác liên quan đến Luận câu xá. Sự đóng góp của Ngài trong phạm vi này rất giá trị vì duy trì hầu hết Nhất thế hữu bộ, gồm cả bộ Đại Tỳ-bà-sa.

Thật đáng tiếc Pháp sư đã không dịch bộ A-hàm mà những người tiền bối của Ngài dịch không hoàn hảo lắm. Ngài thiên về văn học Du già rất rõ rệt, và chính vì vậy Ngài đã nuôi khát vọng Tây du để mang về bộ Du già Sư địa luận phổ biến cho người Trung Quốc. Ngài cũng dịch bộ Đại-bát-nhã có thể xem như là nguồn cội của giáo lý Trung Quán và vì Pháp sư muốn nối nhịp cầu thông cảm giữa hai thuyết Trung Quán và Du già.

Những sách Ngài dịch về Mật tông phản ảnh đức tin của Ngài về sự niệm thần chú và giảng nghĩa vai trò của những cơn mộng mị phép mầu và sự bói toán trong đời Ngài. Ngài cũng không quên dịch vài tác phẩm về Nhân minh, về Tịnh độ và hai tác phẩm về Ngoại giáo.

E. Quan niệm triết lý của Ngài Huyền Trang

Từ những dịch phẩm, chúng ta có thể đặt ra những tư tưởng của Pháp sư. Ngài dịch tác phẩm số 71 (Dị bộ tông luận) có thể xem như là nhập đề giới thiệu những khuynh hướng tư tưởng tà phái có đồng thời với Đức Phật.

Ngài dịch Lục túc, Phát-trí-luận, Đại-tỳ-bà-sa và Câu-xá-luận, nhập đề cho Tiểu thừa A-tỳ-đàm dựa trên bộ A-hàm.

Ngài dịch Du già Sư địa và những bộ luận liên hệ để phổ biến Đại thừa A-tỳ-đàm.

Ngài dịch những bộ luận Duy thức tông và những tác phẩm liên hệ để ghi lại những đặc điểm của tông phái mới mà Ngài tự cho là chính Ngài sáng lập ở Trung Quốc.

Ngài dịch Đại-bát-nhã để khỏi bị cho là đi ngược giáo lý Trung Quán, đồng thời ngài cố dung hòa hai giáo lý Trung Quán và Du già.

Ngài dịch vài tác phẩm về Mật tông và Tịnh độ tông để bênh vực đức tin riêng của Ngài vào sự thực hành hai môn phái ấy, với suốt thời gian Ngài chiêm bái và trở về. Ngài cũng muốn chứng tỏ ước nguyện của Ngài được tái sinh trên cõi trời Đâu Suất để học Du già Sư địa luận với Bồ tát Di Lặc.

Theo những xét đoán trên, Ngài Huyền Trang có thể xem là một nhà đại thừa dũng mãnh, đã tuyên dương giáo lý Duy thức và sự tu hành thiên về nguyện tái sinh ở trời Đâu Suất. Ngài được xem là vị sáng lập tông phái Pháp tướng Duy thức và ảnh hưởng của Ngài chói lọi đến nỗi làm lu mờ cả Tam luận tông. Tông này bênh vực Trung Quán. Sự đóng góp của Ngài trong địa hạt trí thức Phật học rất giá trị và sâu rộng vì Ngài đã giúp duy trì hầu hết bộ Tiểu thừa A-tỳ-đàm, Đại thừa A-tỳ-đàm, v.v… nhưng nguyên bản Phạn văn này bây giờ không còn thấy ở Ấn nữa.

F. Sự chính xác trong các dịch phẩm của Ngài

Để phán đoán sự chính xác ấy, cách độc nhất là so sánh những bản văn Ngài dịch với nguyên tác chữ Phạn, từng chữ và từng câu. Nhưng rủi thay tất cả nguyên tác Phạn văn đều đã mất. Mặc dù mới đây có tìm được một ít bản thảo Phạn ngữ vẫn rất khó mà quả quyết đấy chính là bản mà Ngài đã dịch ra.

Vì thời gian và khuôn khổ sách này rất giới hạn, tôi chỉ xin so sánh ở đây bản dịch hàng đầu bài kệ thứ nhất của Luận Câu-xá do Ngài dịch với bản do Tam tạng Chân đế dịch, như thế chúng ta hy vọng dò xét sự chính xác theo đúng nguyên văn bản dịch của Ngài.

Hàng đầu của bài kệ tiếng Phạn như sau:

“Yah sarvatha sarvahatandhakarah”

Ngài Chân Đế dịch:

“Nhất thiết chủng trí diệt chư minh
Trí huệ Phật phá tan các mê mờ.”

Pháp sư đã dịch:

“Chư nhất thiết chủng chư minh diệt
Người đã hoàn toàn phá tan mê mờ.”

Chân Đế có lẽ đã dịch danh từ ‘Yah’ bằng “Trí” (huệ), trong khi Huyền Trang duy trì nghĩa nó bằng danh từ “Chư”. Sự dùng danh từ ‘Yah’ này rất quan trọng vì nó chỉ sự bình đẳng của Phật tử luôn luôn sẵn sàng cung kính trước bất cứ người nào đã đạt được chánh đẳng chánh giác.

Lại nữa, đối với danh từ Sarvatha sarvandhakarah, Ngài Chân Đế dịch là “nhất thiết chủng trí diệt chư minh” (trí Phật diệt hết mê mờ). Trước tiên sự dịch “Sarvatha” là trí nhất thiết chủng không được chính xác vì từ ngữ này ở đây nên dùng như một trạng từ hơn là một tĩnh từ. Pháp sư dùng “Nhất thiết chủng minh” để dịch “Sarvathaandhakarah” và “chư minh” để dịch “Sarva andhakarah”. Vì Andhakarah ở đây có hai nghĩa. Akhishatan ajnanam và klishtasammoham, bản dịch của Pháp sư bao gồm cả hai ý nghĩa. Hơn nữa, với danh từ hata, Chân Đế đã đặt nó trước danh từ “chư minh” trong khi Pháp sư đặt nó ở sau cả hai từ ngữ nhất thiết chủng minh và chư minh, bởi thế bản dịch Huyền Trang chỉ rõ sự diệt trừ cả klishtasammoham và klishtanajnanam. Sự giảng giải Abhidharma Kosabhashya như sau chứng tỏ Pháp sư dịch rất sát nghĩa:

“Tacca Bhagavato Baddhasya pratipakshalabhenatyantam sarvatha sarvatra jneye punaranutpatthidharmatvaddhatam. Ato’ sausarvathasarvahatandhakarah. Pratyekabuddhasravaka api kamam sarvatra hatandhakarah. Klishtasammohatyantavigamat. Na tu sarvatha. Tatha hyeshamBuddhadharmeshvativiprakrshtadesakaleshu artheshu artheshu canantaprabhedeshu bhavatyevaklishtama jnanam.”

Đoạn văn ngắn này chứng tỏ bản dịch của Pháp sư chính xác và sát nguyên văn đến mức nào. Ngày nay, ở Nhật Bản, Trung Hoa cũng như Việt Nam, chúng ta đều học Câu-xá-luận qua bản dịch của Ngài Huyền Trang và dùng bản dịch của Chân Đế để tra cứu.

Add Comment