HUYỀN TRANG – NHÀ CHIÊM BÁI VÀ HỌC GIẢ
Hsuan-Tsang, the Pilgrim and Scholar
Nguyên tác Anh ngữ: HT. Thích Minh Châu-Việt dịch: Ni sư Thích Nữ Trí Hải
Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam tái bản, 1989
III. HUYỀN TRANG, VỊ HỌC GIẢ
Pháp sư đi Ấn Độ chiếm bái, cốt nhất để tìm học chánh pháp và sưu tầm kinh điển. Với mục đích duy nhất ấy, trong cuộc chiêm bái của Ngài, Pháp sư không bao giờ bỏ lỡ một dịp nào để học chánh pháp với bất cứ ai có biệt tài riêng về một bộ nào trong kinh điển. Dầu cuộc đi của Ngài đầy gian khổ, một khi đến nước nào, Ngài liền tìm hỏi người bản xứ có một vị Pháp sư nào xuất sắc tại chỗ, và Ngài liền đến học hỏi đạo với vị ấy.
Chính khi Ngài còn ở Trung Hoa, chí hiếu học và sự khao khát tìm hiểu đạo pháp của Ngài làm Ngài nổi tiếng khắp xứ. Khi mới xuất gia, ở với người anh, Ngài học quyển Mahaparimirvanasutra (Đại-bát-niết-bàn Kinh) với Cảnh Pháp sư. Ngài học quá say mê đến nỗi quên ăn bỏ ngủ. Ngài cũng học quyển Mahayanasamgraha (Nhiếp-đại-thừa luận) với Nghiêm Pháp sư. Ngài ham thích quyển ấy đến nỗi suốt cả một thời Ngài thuộc lòng cả bộ. Dân chúng hết sức khâm phục tài thần đồng ấy và mời Ngài lên giảng. Lời giảng của Ngài hoàn toàn phù hợp với những lời dạy của các vị Pháp sư và danh tiếng Ngài vang lừng từ đấy. Khi ấy Ngài chỉ mới 13 tuổi.
Tại Thành đô Ngài học bộ Mahayanasamgraha (Nhiếp đại thừa) và bộ Abhidhammasamuccaya (Tỳ-đàm-tập-yếu) với Pháp sư Cơ và Tiềm. Ngài cũng học bộ Abhidharmajnanaprasthanasastra (A-tỳ-đàm phát trí luận) của Ngài Katyayana (Ca-chiên-diên) với Chấn Pháp sư. Ngài học rất chuyên cần không lúc nào lãng phí thời gian và chỉ trong vòng 2, 3 năm đã thấu hiểu giáo lý của nhiều bộ phái.
Khi đến 20 tuổi, Ngài thọ giới tại Thành đô, an cư kiết hạ và học luật tạng. Chỉ học qua một lần Ngài thấu hiểu các giới điều. Sau khi học xong các kinh tạng và các bộ sớ giải ở nước Thục, Ngài liền đi thuyền xuống sông Dương Tử và đến Kinh Châu để tìm các bậc Pháp sư thâm thiểu giáo pháp. Sau khi giảng đạo ở Kinh Châu, Ngài đi về phía bắc dừng lại ở Tương Châu hỏi đạo với Hư Pháp sư để giải nghi một vài vấn đề.
Rồi Ngài đi đến Triều Châu học bộ Satyasaddhisastra (Thành-thực-luận) với Tham Pháp sư. Xong Ngài đi đến Trường An và học lại bộ Abhidharmakosa (Câu-xá-luận) với Nhạc Pháp sư.
Chỉ đọc qua một lần, Ngài thấu nhận ngay thâm nghĩa của đoạn ấy. Những gì mắt Ngài xem qua là được in sâu vào tâm trí. Cho đến các vị học giả kỳ tài cũng không thể nào hơn Ngài được. Còn về sự thấu triệt những gì sâu kín, sự chứng đạt những gì xa vời, sự cởi mở những gì nhỏ nhặt và sự trình bày những gì che kín, thật không ai có thể so sánh với Ngài. Chỉ một mình Ngài là chứng ngộ giáo lý mầu nhiệm sâu kín nhất và có nhiều ý kiến nhận xét đặc biệt.
Thời ấy ở Trường An có hai vị Pháp sư là Pháp Thường và Tâm Biện, giới hạnh tinh nghiêm lại thông hiểu cả giáo lý đại thừa và chuyên môn diễn giảng bộ Mahayanasamgraha (Nhiếp đại thừa). Ngài Huyền Trang tuy đã có danh tiếng nhưng vẫn học đạo với hai vị pháp sư này, và cuối cùng hai vị phải tuyên bố là không còn gì để dạy cho Ngài nữa. Hai vị nói: “Người thật là con ngựa câu ngàn dặm trong hàng Thích tử, chiếu sáng mặt trời trí tuệ sẽ là bổn phận của Người. Chúng tôi tiếc chúng chúng tôi đã lớn tuổi không chứng kiến được sự thành công của Người.”
Sau khi học đạo với nhiều vị Pháp sư và suy nghĩ kỹ đến những lời dạy của các vị này, Ngài thấy sự tương phản và mâu thuẫn trong giáo lý của các bộ phái và phân vân không hiểu vì sao có những quái tượng ấy. Do vậy, ngài quyết du hành qua Tây phương (Ấn Độ) để học đạo với các vị Pháp sư Ần. Và cuộc du hành của Ngài đã trở thành không những là cuộc chiêm bái các Phật tích mà còn là cả một sự hướng tìm chân lý và chánh pháp.
Khi đến tại thành Bhalluka (Ba-lợi-thành), Ngài hỏi một vị Pháp sư tiểu thừa tên là Prajnakara (Bát-nhã-yết-la) về một vài đoạn khó hiểu trong bộ Abhidharmakosasastra (Câu Xá luận) và Vibhashasastra (Tỳ-bà-sa-luận). Ngài ở tại tinh xá Jayandra (Già-da-nhân-đà-la) và học đạo với Pháp sư Sanghakirti (Tăng Xứng) một vị sư đã 70 tuổi nhưng rất hoan hỉ để dạy cho Pháp sư. Buổi sáng ngài Tăng Xứng dạy luận Câu xá và buổi chiều dạy bộ Abhidharmanyanusarasastra (A-tỳ-đạt-ma-chánh-lý-luận) và đến tối vị này giảng cho Ngài bộ Hetuvidyasastra (Nhân minh luận) và Thanh minh luận. Ngài học hết sực tinh tấn và nhận hiểu ngay những điều đã dạy đến nỗi Pháp sư Tăng Xứng đã phải khen ngợi như sau:
“Vị sự Trung Hoa này thật thông minh sắc sảo và không ai trong đại chúng ngày có thể sánh bằng. Trí tuệ của Ngài có thể tương đương với truyền thống của Ngài Vasubandhu (Thế Thân) và Ngài Asanga (Vô Trước). Thật đáng tiếc là Ngài sinh ở một biên địa không được sớm thấm nhuần đạo vị của các bậc thánh hiền.”
Lời tán thành này của Ngài Tăng Xứng khiến cho một vài vị Pháp sư trong đại chúng ghen tức, như ngài Suddhasimha (Tăng-kỳ-mậu-đà-ta-ha), dịch là Tịnh Sư tử, và Ngài Kinabandhu (Thân-nu-phạn-trà, dịch là Tối thắng thân) thuộc phái đại thừa, Ngài Tathagatamitra (Tát-bà-đa-học-tăng-tô-già-mạt-đà-la, dịch là Như Lai Hữu) và Ngài Vasumitra (Bà-tô-mạt-đa-la, dịch là Thế Hữu) thuộc phái Sarvastivada (Nhất thế hữu bộ), Ngài Suryadeva (Tăng-kỳ-bộ-học tăng tô-lợi-gia-đề-ba, dịch là Nhật Thiên) và Ngài Jinatrata (Thân-na-đán-la-đa, dịch là Tối Thắng Cừu) thuộc phái Mahasanghika (Đại chúng bộ). Họ nêu lên nhiều câu hỏi khó khăn và thắc mắc để làm khó dễ Ngài. Nhưng những câu trả lời ngay thẳng, rõ ràng đã làm cho các kẻ đối lập phải khâm phục tài cao học rộng của ngài. Tại xứ Kashmir này Ngài ở đến hai năm để học kinh điển và sớ giải.
Khi Ngài đến Cheka (Thước-ca) Ngài ở lại một tháng để học bộ Stasastra (Bách-luận) và bộ Satasastravaipulya (Quảng-bách luận) với một vị Bà-la-môn già; vị này là đệ tử của Ngài Nagarjuna (Long Thọ) và thâm hiểu bộ Madhyamikasastra (Trung luận) và bộ Satasastra (Bách luận).
Từ Cheka (Thước-ca), Pháp sư đi đến nước Cinabhukti (Chi-na-phác-đế) và ở tại tinh xá Tosasana (Đột-xá-tát-na) trong mười bốn tháng để học bộ Abhidharmasamuccayavyakhya (Đối pháp luận), bộ Abhidharma-prahranasasanasastra (Lý môn luận) và các bộ luận khác với Ngài Vinitaprabha (Tỳ-ni-bát-nhã-bà, dịch là Điều phục quang). Ngài Vinitaprabha này đã soạn hai bộ sớ về quyển Pancaskandhasastra (Ngũ-uẩn luận) và quyển Vidyamatrasiddhitridasakarikasastra (Duy thức tam thập luận thích).
Khi Ngài đến nước Jalandhara (Xà-lan-đạt-na), Ngài ở tại chùa Nagaradhana (Na-già-la-đà-na) trong 4 tháng để học bộ Abhidharmaprakaranapadavibhasasastra (Chúng sự phần tỳ-bà-sa) với Đại đức Chandravarma (Chiến-đạt-la phạt-ma, dịch là Nguyệt Trù).
Tại Gangadvara (Căng-già) (nguồn của sông Hằng), Ngài ở cả mùa đông và nửa mùa xuân để học bộ Vibhâshasàtra (Tỳ-bà-sa) của phái Sautrantika (Kinh bộ) với một đại đức tên là Jayagupta (Na-già-cúc-đa).
Sau khi qua sông lên bờ phía đông, Ngài đến nước Matipura (Mạt-đế-bổ-la) trong nước này có một đại đức lão thành tên Mitrasena (Mạt-đa-tư-na), vị này là đệ tử của luận sư Gunaprabha (Cù-na-bát-thích-bà, dịch là Đức Quang) và rất tinh thông ba tạng kinh điển. Pháp sư ở đây nửa mùa xuân và cả mùa hạ để học bộ Tattvasandesasastra (Tát-bà-đa-bố, Đán hỏa tam đệ thước luận, dịch là Biện chơn luận), bộ Abhidharmajnanaprasthanasastra (Phát trí luận) và một vài bộ khác của phái Nhất thế hữu bộ.
Khi Pháp sư đến nước Kanyakubja (Yết-nhã-cúc-xà, dịch là Khúc-nữ thành), Ngài ở tinh xá Bhadra (Bát-đà-la-tì-ha-la) và học bộ Vibhashasastra (Tỳ-bà-sa luận) của Suryavarman (Nhật Trụ) với Ngài Viryasena (Tỳ-li-gia-tư-na), một Pháp sư tinh thông ba tạng kinh điển.
Tại Phật học viện Nalanda, Ngài học chánh pháp với Ngài Silabhadra (Giới Hiền), Ngài nghe giảng bộ Yogacaryabhumisastra (Du-già sư-địa-luận) ba lần, bộ Abhidhãmanyayanusara (Thuận-chánh-lý luận), bộ Prakaranaryavacasasastra, bộ Abhidharmasamuccayavyakya (Đối pháp) mỗi bộ một lần, bộ Hetuvidyasastra (Nhơn minh luận), bộ Sabdavidyasastra (Tập lượng), mỗi bộ hai lần, bộ Madhyamikasastra (Trung luận), và bộ Satasastra (Bách luận) mỗi bộ ba lần. Còn các bộ như Abhidharmamakosasastra (Câu xá luận), bộ Vibhashasastra (Tỳ bà sa luận) và sáu bộ Abhidharmapadasastra (Lục túc luận) mà Ngài đã học tại Kashmir (Ca-thấp-ba) hay tại các chỗ khác, Ngài chỉ tìm hỏi những đoạn nghi ngờ.
Ngài cũng học một quyển sách Bà-la-môn tên là Ký luận, từ trước đến nay không biết tác giả là ai. Quyển sách này rất dày gồm có trăm vạn bài tụng. Tục truyền quyển này do Phạm Thiên giảng còn tất cả 100 vạn bài tụng. Kế đến Đế Thích soạn ngắn lại có 100 ngàn bài tụng. Sau ông Panini lại giảm xuống còn tám ngàn (8.000) bài tụng. Đây là bản luận đang lưu hành ở Ấn Độ. Pháp sư thâm hiểu tiếng Phạn và có thể biện luận Phật pháp với dân chúng Ấn Độ bằng tiếng Phạn. Pháp sư ở tại Nalanda đến năm năm để học hỏi Tam Tạng kinh điển của các bộ phái và một vài bộ sách Bà-la-môn.
Sau khi rời Nalanda, Pháp sư lại đi đến xứ Hiranyaparvata (Y-lan-noa). Tại chỗ này Pháp sư ở tới một năm để học quyển Vibhashasastra (Tỳ-bà-sa) và quyển Abhidharmanyayanusara (Thuận chánh lý luận) với Ngài Tathagatagupta (Đán-tha-yết-đa-cúc-đa dịch là Như Lai mật), và Ngài Kshantisimba (Sằng-đề-tăng-ha, dịch là Sư tử nhẫn), hai vị này thâm hiểu Tam tạng của phái Nhất hữu bộ.
Tại nước Dhanakataka (Đà-na-yết-kiệt-đà) Pháp sư gặp hai vị sư tên là Subhiti (Tu-bồ-đề) và Surya (Tô-lộc-gia), hai vị này tinh thông Tam tạng của Đại chúng bộ. Pháp sư ở tại đây vài tháng để học tập Mulabhidhamasastra (Căn bản A-tỳ-Đạt-ma-luận) và các bộ khác của Đại chúng bộ với hai vị này.
Khi Pháp sư đến nước Parvata (Bá-phạt-đa), Ngài ở lại đây hai năm để học tập quyển Mulàbhidharma (căn bản A-tỳ-đạt-ma) của Chánh lượng bộ (Sammatiya), quyển Saddharmasamparigrahasastra (Nhiếp chánh pháp luận) và quyển Prasikshasastra (Giáo thực luận) với một vài vị Pháp sư có danh tiếng tại đây.
Từ nước Parvata, Pháp sư về lại Nalanda. Rồi Ngài lại đi đến chùa Tialanaka (Để-la-bịch-ca) cách Nalanda ba dặm, ở tại đó hai tháng với Ngài Prajnabhadra (Trí Hiền) để giải quyết một vài nghi vấn. Vị này tinh thông Tam tạng của Nhất thế Hữu bộ và cả Nhơn minh, Thanh minh. Rồi Ngài lại đến núi Trượng Lâm thăm vị cư sĩ luận sư tên là Prasenajit (Thắng Quân). Vị này trước học Nhơn minh với ngài luận sư Bhadraruci (Hiền Ái), sau học bộ Thanh minh và các luận tiểu thừa, đại thừa với Sthitamati Bodhisattva (Anh huệ Bồ tát).
Vị này cũng học bộ Yogacaryabhumisastra (Du già sư địa luận) với Ngài Silabhadra (Giới Hiền). Vị này cũng tinh thông các loại sách không thuộc về Phật giáo như bốn quyển Phệ đà, Thiên văn, Địa dư, Y phương và Thuật số. Ngài Huyền Trang ở với hai vị này hai năm để học bộ luận về Vijnaptimatrasiddhisastra (Thành vô uý luận), Bất trú niết bàn, Thập nhị nhơn nhiên luận, bộ Mahayanasutralankarasastra (Trang nghiêm kinh luận). Ngài cũng tìm giải nghi một vài vấn đề trong bộ Du già sư địa luận và Nhơn minh luận.
Như vậy cuộc hành trình của Ngài trở thành một cuộc hành trình chánh pháp hơn là một cuộc chiêm bái các thánh địa. Trừ những bộ kinh và luận mà Ngài học ở Trung Hoa và Ấn, chúng ta thấy rõ rằng cuộc học hỏi nghiên cứu của Ngài thiên hẳn về A-tỳ-đạt-ma mà hầu như quên đi Kinh tạng và Luật tạng. Và đứng về A-tỳ-đạt-ma mà nói, dầu Ngài Huyền Trang thiên hẳn về học phái Du già (Yogacara), Ngài cũng học hỏi các bộ tiểu thừa quan trọng cho đến nỗi khi có cuộc biện luận nào với các vị sư tiểu thừa, Ngài cũng làm họ ngạc nhiên với những câu dẫn chứng đúng đắn trong kinh tạng của họ, rồi làm họ kính phục nể vì với sự uyên bác của Ngài.