Cư sĩ TRÚC THIÊN – NGUYỄN ĐỨC TIẾU

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành

Cư sĩ TRÚC THIÊN – NGUYỄN ĐỨC TIẾU
1920 – 1972

CƯ SĨ TRÚC THIÊN
1920 – 1972

Cư sĩ Trúc Thiên tên thật là Nguyễn Đức Tiếu, sinh ngày 12 tháng 4 năm Canh Thân (1920) tại làng Tân Mỹ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, trong một gia đình truyền thống hiếu học và tin Phật nhiều đời.

Ngay từ thuở thiếu thời, Cư sĩ nhờ vào truyền thống quý báu đó của gia đình nên đã tỏ ra am tường các sở học mà một người cùng lứa ít khi đạy được. Trong khi đó, bối cảnh xã hội lúc bấy giờ thường không được an ổn bởi các tranh chấp và các phong trào nổi dậy của các sĩ phu Văn thân cũng như làn gió Cần Vương, còn là dư âm đã có sức ảnh hưởng rất lớn. Bộ máy cầm quyền thực dân cũng không chịu nhường bước, càng ra sức đàn áp, khủng bố khắp nơi, gây nên bối cảnh xáo trộn nặng nề, nhất là đối với đàn ông và đặc biệt là các thanh thiếu niên mới lớn.

Năm Ất Hợi (1935) ông đã hoàn tất chương trình trung học một cách xuất sắc, được giới cầm quyền lúc bấy giờ chú ý, muốn đào tạo ông trở nên người có đủ đầy kiến thức tân học mai sau phục vụ cho chính họ. Vì thế một kế hoạch lớn, lâu dài được vạch ra để thực hiện bằng cách trao một học bổng tại nước Pháp cho ông. Tuy ông cũng có phần muốn nương nhân duyên đó để tiến thân, vì so với thanh niên thời ấy chuyện du học là một vinh hạnh, tự hào rất lớn, có điều kiện tiếp cận nền văn minh xứ người; nhưng điều đó không lớn hơn tinh thần dân tộc cao đẹp mà truyền thống gia đình và hình ảnh các phong trào yêu nước đang diễn ra khắp mọi nơi, cộng vào cảnh đàn áp của thực dân bản địa… đã góp phần không nhỏ để ông đi đến quyết định dứt khoát : từ chối niềm vinh hạnh đó.

Để bù đắp lại, ông nỗ lực tự tìm tòi, học hỏi qua các sách vở cả Đông lẫn Tây để không lạc hậu với thời thế, mà vẫn bảo toàn được giá trị quyết định chính đáng của mình và gia đình. Đối với chính quyền, đó là một thất bại lớn nên thực dân đã dùng đủ mọi áp lực để đe dọa bản thân ông và gia đình, khiến tình thế lại trở nên nặng nề.

Năm Bính Tý (1936), sau khi bàn bạc với gia đình và được sự khuyến khích của bạn bè cùng chí hướng, ông quyết định rời Nha Trang vào Sài Gòn sinh sống. Đó là quyết định sáng suốt vì nơi đây sẽ là mảnh đất màu mỡ để ông ươm mầm cho bao dự định của mình.

Kể từ đây là một quảng thời gian dài phấn đấu nhiều mặt và còn là bước rẽ ngoặc lớn đối với cuộc đời của ông. Từ chuyện lo sinh kế, tự học và tạo ra các mối liên kết rộng rãi để bổ sung sở học, cho đến việc ổn định đời sống và thành lập gia đình. Đặc biệt cũng thời gian đó ông đã đến với tri thức Phật giáo như một sự trở về tất yếu, vì Phật giáo còn là một phần lý tưởng đã giúp ông có nhiều quyết định sáng suốt trong cuộc đời. Tư tưởng Phật giáo đã thể hiện nơi con người ông là sự hiền hòa – dung dị – ít nói và sống rất thanh đạm.

Từ năm Ất Dậu (1945), ông bắt đầu bước vào lãnh vực văn học Phật giáo, và trở thành một ngòi bút không thể vắng mặt trong các tạp chí Phật học ngay từ buổi sơ khai.

Về biên khảo dịch thuật, ông đã có những tác phẩm được nhiều người biết đến như : “Hiện tượng KRISNAMURTI”; “ Đường vào hiện sinh”; “Sáu cửa vào động thiếu thất”; “Ngữ lục”; “Cốt tủy của đạo Phật”; “Thiền luận (tập I)” v.v…

Về thơ văn, ông đã có nhiều tập thơ được xuất bản rất được hâm mộ như “Chuyển một hướng say”; “Thơ chết” v.v… đặc biệt là bài “Trường ca KALINGA”, thuật lại cuộc đánh chiếm xứ KALINGA của bạo chúa bách chiến bách thắng ASOKA, sau này lại trở nên một vị chuyển luân vương và tích cực hộ trì chánh pháp.

Từ năm Canh Dần (1950), tài năng của ông được biết đến không chỉ riêng về nghiên cứu, sáng tác thơ văn Phật học; mà cả trên lãnh vực kiến thức pháp luật của ông cũng được trọng thị, do vậy ông được mời làm việc một thời gian dài ở Bộ Tư pháp chính quyền Sài Gòn.

Năm Đinh Dậu (1957), ông gia nhập Hội Phật học Nam Việt khi chùa Xá Lợi, trụ sở của Hội được khánh thành. Ông được Cư sĩ Hội trưởng Chánh Trí-Mai Thọ Truyền mời viết bài và biên tập cho tạp chí Từ Quang, cùng tham gia vào Ban Quản trị Hội Phật học.

Năm Giáp Thìn (1964), sau pháp nạn Phật giáo năm 1963, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được hình thành, ông được mời tham gia ở hai Tổng vụ giáo dục và văn hóa. Khi Đại học Vạn Hạnh được thành lập, ông cũng được mời giảng dạy ngay những ngày đầu tiên.

Năm Canh Tuất (1970), ông lại được mời tham gia vào Giám sát Viện, là một cơ quan quan trọng của ngành tư pháp.

Tất cả những đóng góp của ông cho văn hóa Phật giáo lẫn các mặt hoạt động xã hội, được biểu hiện một cách tích cực ở góc độ cuộc đời bản thân mình mà qua những lời tự bạch khiêm nhường trong “Chuyển một hướng say” đã viết như sau :

“Trúc Thiên, đó là người làm thơ thơ hỏng, viết văn văn hỏng, dịch sách sách hỏng. Bằng tất cả cái hỏng ấy, người lội qua hai ngọn trào văn hóa với lời thơ cao ngạo trên môi : Trần thế nan phùng khai khẩu tiếu.

Rồi một ngày nào đó người nhận chân con người của chính mình, không thể là gì khác hơn một con số 0 ! Không to tướng : Không dĩ vãng, không tương lai, không kỷ niệm sau lưng, không thiên đường trước mặt, không thân thế, không tiểu sử, không tuổi không tên, không là gì hết !

Lớn và ngu, người mang tất cả một tấm lòng trịnh trọng đối với đời, biết ơn tất cả, cả đau thương và bệnh tật, chấp nhận tất cả, cả cái chết và hư vô…”

Bàng bạc trong những dòng ấy là cả một không gian tri thức Phật học lớn lao, nói lên được giá trị của một người làm văn hóa Phật giáo đúng nghĩa, đáng để cho đời sau noi gương.

Năm Tân Hợi (1971,) căn bệnh nan y đã khép lại cuộc đời tài ba của Cư sĩ vào lúc 6 giờ 30 sáng ngày 5 tháng 4 năm 1971 một cách âm thầm tại nhà riêng ở đường Cô Bắc – Sài Gòn, hưởng dương 54 tuổi.

Cư sĩ mất đi đã để lại cả một gia tài văn học của cuộc đời mình cho văn đàn nghệ thuật, cũng là để lại những đóng góp cho văn học Phật giáo nhiều tác phẩm biên khảo dịch thuật có giá trị muôn thuở cho người học Phật.