Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành
HÒA THƯỢNG THÍCH THUẬN ĐỨC
(1918 – 2000)
Hòa thượng Thích Thuận Đức, thế danh Nguyễn Thanh Đễ, sinh ngày mùng 3 tháng 9 năm Mậu Ngọ 1918 tại thôn Quần Lạc, xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nông dân yêu nước thuần thành Phật giáo. thân phụ là cụ Nguyễn Văn Hạ, thân mẫu là cụ Phạm Thị Ty, Ngài là con út trong gia đình có 5 anh chị em, 3 trai 2 gái.
Năm lên 8 tuổi (1926), Ngài được song thân hướng cho đi xuất gia đầu Phật tại chùa làng (chùa Quần Lạc) hiệu Khánh Minh tự, ở với Sư cụ Thích Tâm Quán và được Sư cụ cho đi học văn hóa, học Hán văn và học thiền gia Phật pháp.
Năm 13 tuổi (1931), Ngài được Bổn sư đưa sang chốn Tổ Kim Sa (chùa Lãng Lăng) để Ngài sơ tâm cầu pháp Sư tổ Thích Quảng Lãm, được Tổ tế độ và đưa về chùa Đông An, xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường để tu học. Với đức hạnh khiêm tốn, siêng năng và ham học hỏi, Ngài luôn được Sư tổ thương yêu và hy vọng sẽ có một ngày đạo pháp huy hoàng, sơn môn pháp phái nhờ Tam bảo gia ân mà vững bền phát triển.
Năm 15 tuổi (1933), Ngài được Sư tổ Lãng Lăng cho đăng đàn thụ Sa di giới tại chùa Đông An. Sau khi thụ giới, Ngài chuyên cần học tập kinh luật thiền môn, làm nền tảng cho đại giới sau này.
Năm 18 tuổi (1936), Ngài trở về chùa Lãng Lăng để phụng Phật sự Sư và cũng để được gần thầy giáo dưỡng dạy bảo truyền bá pháp nhũ của chư Phật.
Ngày mùng 2 tháng 9 năm Mậu Dần 1938, khi tuổi đời đã đủ 20, tâm Bồ đề đã đơm bông trí tuệ ứng thụ Cụ túc. Ngài được Sư tổ cho đăng đàn thụ Tỳ khưu giới tại chốn Tổ Lãng Lăng (Kim Sa tự) xã Xuân Đài, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. giới đàn này gồm các Hòa thượng : Thích Quy Minh, chùa Trà Bắc; Thích Tâm Tịnh, chùa Bộ La-Thái Bình; Thích Chính Nghiễm, chùa Phú Ninh; Thích Thanh Nghị, chùa Thanh Khiết và Thích Thanh Lãm, chùa Lãng Lăng làm giới sư truyền thụ. Từ đây Ngài thực thụ trở thành Như Lai sứ giả, gánh vác Phật sự giáo hóa quần sinh và tuyên dương Phật pháp.
Noi gương và phát huy truyền thống hiếu học của các Đại lão thiền sư tiền bối. Ngài chăm chỉ tiếp thu và trau dồi tam vô lậu học để nâng cao trí lực và thiền lực nhằm lợi lạc quần sinh.
Do có nhiều thành tích đóng góp Phật sự cho Giáo hội, năm 1945 Ngài được bầu làm Thư ký Phật giáo Cứu quốc huyện Xuân Trường.
Năm 1947, Ngài được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Phật giáo Cứu quốc tỉnh Nam Định.
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đang thời loạn lạc, Ngài đã “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong một thời đại đầy biến động xã hội và chiến tranh do thực dân Pháp gây nên. Tâm Bồ đề ngát tỏa giới hương thành sự thành tâm yêu nước, thương dân đã đưa Ngài từ địa vị của nhà tu hành thành một nhà yêu nước chân chính. Đó là nội dung tôn giáo hòa quyện đạo đời. Trong thời gian này, Ngài vẫn ở chùa Lãng Lăng và đến đầu năm 1950, Ngài giữ trọng trách Bí thư Phật giáo Cứu quốc tỉnh Nam Định.
Sau hiệp định Genève chia đôi đất nước năm 1954, Phật giáo các tỉnh phía Bắc vận động để thống nhất thành một tổ chức Phật giáo chung. Ngài là thành viên Ban Vận động, đến đầu năm 1958 tại Đại hội thống nhất Phật giáo miền Bắc thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (ở miền Bắc), Ngài được bầu vào Ban Trị sự Trung ương Hội, kiêm chánh Thư ký chi hội Phật giáo Nam Định cho đến ngày thống nhất Phật giáo cả nước.
Năm 1980, Ngài tham gia Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, đến tháng 11 năm 1981, tại Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở thủ đô Hà Nội, Ngài được suy cử vào Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 1985, Ngài được Sơn môn cung thỉnh về trụ trì chùa Cổ Lễ, một danh thắng lịch sử văn hóa Phật giáo ở huyện Trực Ninh, Nam Định.
Tháng 11 năm 1987, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ II, Ngài được bầu vào Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 1991, Ngài lại được kiêm Trụ trì chùa Đại Bi, huyện Nam Trực và chùa Vọng Cung, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.
Năm 1992, Ngài được cử làm Đại biểu tham gia Hội nghị Phật giáo Châu Á vì hòa bình (ABCP) tại Mông Cổ, nhân dịp này đoàn đã sang thăm hữu nghị Hội Phật giáo Liên Xô.
Tháng 12 năm 1992, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III, Ngài lại được tái cử Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 1997 tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV, Ngài được suy tôn và suy cử vào Hội đồng Chứng minh Trung ương; Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiêm Trưởng ban Nghi lễ Trung ương – Phó Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nam Định.
Cuối năm 1999, Ngài tham gia đoàn Đại biểu Phật giáo Việt Nam sang thăm Phật giáo Trung Quốc với tư cách là Phó Trưởng đoàn.
Tháng 4 năm 2000, Ngài được bầu giữ chức vụ Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nam Định.
Đối với Phật giáo tỉnh Nam Định, Ngài đã tận tâm tận lực cùng với Cố Hòa thượng Trưởng ban Thích Tâm Thông xây dựng trường Trung cấp Phật học của tỉnh, Ngài luôn giáo hóa quần sinh “minh tâm kiến tánh”, ứng dụng thích nghi vào sự nghiệp đào tạo thế hệ Tăng Ni trẻ có đức có tài, đáp ứng với sự nghiệp phát triển của xã hội hiện đại và nhu cầu phát triển Phật giáo Việt Nam. truyền thống ấy chính là pháp môn thực hành Tam vô lậu học, là tiến trình giác ngộ, giải thoát tri kiến.
Trong các sinh hoạt Tăng đoàn, an cư kiết Hạ hằng năm. Ngài cùng Ban Thường trực Tỉnh hội đã lãnh đạo và động viên Tăng Ni vân tập an cư đông đủ, hướng dẫn Tăng Ni tiếp thu giáo lý của chư Phật nhằm trưởng dưỡng đạo tâm, tu tập giới hạnh, kiên trì nhẫn nại của người xuất gia để tuệ lực và thiền lực ngày một tăng trưởng, có đủ điều kiện để duy trì chánh pháp và phục vụ tínn gưỡng cho nhân dân. Nhiều mùa an cư Ngài là Thiền chủ trường Hạ tại chùa Cổ Lễ và trường Hạ chùa Cả.
Trong kháng chiến chống Pháp, Ngài là Ủy viên Mặt trận Việt Minh huyện Xuân Trường. Từ năm 1954 đến cuối đời là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Nam Ninh, rồi Nam Hà đến Nam Định và Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiều khóa.
Do có nhiều công lao trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam, Ngài đã được Nhà nước tặng thưởng : Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba; Huy hiệu Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân và nhiều huy hiệu cao quý khác.
Hạnh nguyện hoằng dương Phật pháp và tế độ quần sinh của Ngài đã viên mãn. Luật vô thường đã đưa Ngài về Tây phương kiến Phật vào hồi 12 giờ 35 phút ngày 14 tháng 11 năm 2000, nhằm ngày 19 tháng 10 năm Canh Thìn, trụ thế 82 năm, Hạ lạp 59 năm.
Dù bất cứ công việc gì trong đạo hay ngoài đời, Ngài đều coi đó là một Phật sự và là một phương tiện để hoằng dương Phật pháp. là một danh Tăng cống hiến trọn đời cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, Ngài đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc chấn hưng, thống nhất và hòa hợp Phật giáo, xây dựng và bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc phụng sự đất nước. Ngài là một bậc tôn sư khả kính đã có nhiều công lao giáo dưỡng và dìu dắt hàng trăm môn đồ đệ tử đã trưởng thành, noi gương tự giác giác tha của Ngài để bền vững đạo tâm và trang nghiêm Giáo hội.