Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành
HÒA THƯỢNG THÍCH HOẰNG TU
(1913 – 1999)
Hòa thượng Thích Hoằng Tu, pháp tự Tông Tế, pháp hiệu Kim Tế, xuất gia thuộc dòng Lâm Tế, sau nối pháp đời thứ 50 dòng Tào Động.
Ngài thế danh Từ Khải Niên, sinh giờ Ngọ, ngày mùng 4 tháng Chạp năm Quí Sửu 1913 (nhằm Trung Hoa Dân Quốc năm thứ 2) tại thôn Tú Thủy, làng Thang Khanh, huyện Phong Thuận, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc, thân phụ là cụ Từ Thể Nhạc, thân mẫu là bà Sô Thị. Ngài sinh trưởng trong một gia đình nông dân, nhiều đời sùng kính Tam bảo, giàu lòng nhân ái.
Tuổi ấu thơ của Ngài sống trong bối cảnh đất nước Trung Quốc sau cuộc cách mạng Tam Dân, và lớn lên trong thời ly loạn bởi sự xâm lăng của quân phiệt Nhật chiếm đóng tỉnh Quảng Đông, nên Ngài sớm thấy rõ cảnh đời là vô thường, khổ không. Nhờ sống trong sự dạy dỗ của một gia đình thuần thành Phật đạo, Ngài có dịp gần gũi Tam bảo, thấm nhuần giáo lý từ bi, là nhân duyên để hạt giống Phật đà trong Ngài được nẩy mầm tăng trưởng.
Năm Kỷ Tỵ – 1929, lúc lên 16 tuổi, Ngài xin phép song thân đến xuất gia tại chùa Thái Bình, huyện Phong Thuận, phủ Triều Châu, được Hòa thượng Bổn sư húy Tập Cảnh thế độ, ban cho pháp danh là Hoằng Tu, pháp tự Tông Tế, nối pháp dòng Lâm Tế. Với đức tính cần mẫn siêng năng, Ngài nỗ lực công phu học đạo với Bổn sư trong suốt sáu năm, luôn được Tăng chúng kính mến.
Năm Ất Hợi – 1935, Ngài được Bổn sư cho thọ Tam đàn đại giới tại Trấn Quốc Thiền Tự, thuộc trấn Khai Nguyên, phủ Triều Châu, do Ngài Phúc Lai Luật sư làm Hòa thượng truyền giới. Sau đó, Ngài đến cầu pháp với Hòa thượng Cao Tham-Đằng Tánh, được ban pháp hiệu là Kim Tế, nối pháp dòng Tào Động Chánh Tông đời thứ 50.
Năm Ất Dậu – 1945, người Trung Quốc ở hai tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến di cư sang Việt Nam lập nghiệp làm ăn khá đông, nhất là tập trung ở vùng Sài Gòn, Chợ Lớn. Cùng theo đó, là nền văn hóa tín ngưỡng bản địa Đền, Từ, Miếu, Phủ được lần lượt kiến tạo ở các cộng đồng dân cư người Hoa. Dần dà, cuộc sống ổn định và trù phú, nhu cầu về tôn giáo được phát triển lên, Phật giáo Hoa Tông được mời từ Trung Quốc sang để hoằng hóa đáp ứng nhu cầu những Hoa kiều ở đây.
Năm Đinh Hợi – 1947, nhận được lời thỉnh cầu của cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn – Chợ Lớn, Ngài là một trong số bốn Tăng sĩ Trung Quốc sang Việt Nam thời kỳ đầu tiên: Thanh Thuyền (1944); Diệu Duyên; Lương Giác; Hoằng Tu (1947). Lúc đầu mới sang, các Ngài đều ở tạm nơi Quan Âm Miếu, cũng là Hội quán Phúc Kiến nằm trên đường Lão Tử – Chợ Lớn.
Các Ngài thấy vùng đất này có đủ nhân duyên phát triển Phật giáo lâu dài, nên mỗi vị mỗi hướng tìm nơi tạo lập chùa cảnh để hoằng hóa lợi sanh và tu hành giải thoát. Hòa thượng Thanh Thuyền lập chùa Nam Phổ Đà; Hòa thượng Diệu Duyên lập chùa Thảo Đường; Hòa thượng Lương Giác lập chùa Quan Âm Tử Trúc Lâm; còn Ngài chọn khu đất vốn là vườn rau Bình Thới, quận 11 – Chợ Lớn, lập một am nhỏ bằng nhà sàn, làm nơi dừng chân tu hành suốt 10 năm trường, sống đời đạm bạc của bậc chân tu thạc đức.
Năm Đinh Dậu – 1957, với sự thỉnh cầu và ủng hộ của đàn na tín chủ khắp nơi trong cộng đồng người Hoa, Ngài đứng ra khai sáng và tạo dựng ngôi Tam bảo Từ Ân Thiền Tự, một phạm vũ trang nghiêm tráng lệ của Phật giáo Hoa Tông mà Ngài dành trọn cuộc đời vừa tu hành vừa xây dựng, phải mất 35 năm để hoàn thành tâm nguyện. Chùa được hoàn thành vào ngày mùng 4 tháng Chạp năm Canh Thân 1992, và cũng là lần sinh nhật thứ 79 của Ngài.
Trong sự nghiệp tiếp Tăng độ chúng, Ngài đã đào tạo nhiều vị đệ tử xuất chúng phụng sự cho hệ phái Phật giáo Hoa Tông và trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam như : Hòa thượng Duy Lực, Duy Nhật, Ngộ Chân…
Về công hạnh, Ngài là một bậc cao Tăng giàu lòng từ mẫn, vô ngã vị tha trong công tác từ thiện. Hầu hết các ban, hội , phong trào cứu tế, cứu trợ, đều được Ngài chứng minh, kêu gọi lòng hảo tâm của tín đồ người Hoa, và tự mình Ngài toàn sức toàn ý ủng hộ giúp đỡ.
Bằng kinh nghiệm trong cả cuộc đời tu hành của mình, Ngài đã trích dẫn những ý chỉ tâm đắc biên soạn thành tập sách “Thiền môn Chư kinh Yếu chỉ” (cảo bản), mà mãi đến sau khi Ngài khuất bóng mới tìm thấy trong hành trang để lại.
Từ năm 1993 đến năm 1997, Ngài được suy cử làm Chứng minh Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh trải qua 2 kỳ đại hội lần IV và lần V.
Năm Đinh Sửu 1997, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ V ở thủ đô Hà Nội, Ngài được suy tôn làm Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến ngày viên tịch.
Năm Kỷ Mão 1999, cảm thấy tuổi cao sức yếu, nhiều bệnh duyên, vô thường sắp đến, Ngài phó chúc việc Tam bảo lại cho môn đồ trông nom điều hành Từ Ân Thiền Tự. Ngài lui về nhập thất hành trì tịnh nghiệp, cùng dưỡng bệnh đợi ngày mãn duyên.
Vào lúc 18 giờ ngày 30 tháng 7 năm Kỷ Mão (nhằm ngày 9 tháng 9 năm 1999), Ngài nhẹ nhàng xả bỏ báo thân, thân thần về cõi tịch tịnh, trụ thế 87 mùa đông, giới lạp 64 mùa hạ. Môn đồ pháp quyến trà tỳ nhục thân, xây Bảo tháp tôn thờ trong khuôn viên Từ Ân Thiền Tự.
Cuộc đời tu hành của Hòa thượng thật đơn sơ mà đức độ, thế nhưng việc làm mà Ngài để lại là công đức vô cùng : một đời kiến tạo nên ngôi Từ Ân Thiền Tự trang nghiêm tráng lệ còn mãi với đời, cùng dấu ấn lớp người đầu tiên hoằng khai Phật giáo Hoa Tông tại miền đất này và tỏa rộng muôn nơi.