Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành
HÒA THƯỢNG THÍCH HOÀN KHÔNG
(1900 – 1997)
Hòa thượng Thích Hoàn Không, thế danh Phạm Tùng Minh, sinh năm Canh Tý 1900 tại quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) trong một gia đình trung nông. Thân phụ Ngài là cụ ông Phạm Văn Lê, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Nga. Ngài là con út trong gia đình có 8 anh chị em, người anh thứ 3 của Ngài xuất gia đầu Phật từ nhỏ.
Thiếu thời, Ngài thường theo mẹ đến chùa lễ Phật, thăm anh. Nhân duyên với Tam bảo buổi đầu chỉ có thế, nào ngờ câu kinh tiếng kệ đượm thắm tâm thiền, hoa giác ngộ dần dần kết nụ. Năm 20 tuổi (1919-Kỷ Mùi), rũ bỏ trần duyên, Ngài vào chùa Sắc tứ Linh Thứu (Mỹ Tho) xin xuất gia với Ngài Thiện Huệ – Giáo thọ chùa Sắc tứ.
Năm Kỷ Tỵ 1929, Hòa thượng Khánh Hòa khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam, đến năm 1930 (Canh Ngọ), Hòa thượng kiêm trụ trì cả hai chùa Tuyên Linh (Mỏ Cày, Bến Tre) và Sắc tứ Linh Thứu, đặt trụ sở cho tạp chí Pháp Âm tại chùa Sắc tứ, và nơi đây cũng là trụ sở báo Dân Cày của Tỉnh ủy Mỹ Tho. Không khí cách mạng, đấu tranh giành độc lập hòa quyện với cao trào chấn hưng Phật giáo đang bừng bừng khí thế, lôi cuốn tầng lớp thanh niên nhiệt huyết nhập cuộc và Ngài cũng tham gia cách mạng, cơ sở hoạt động đặt ngay tại chùa. Tháng 2 năm 1930, cơ sở bị mật thám Pháp phát hiện bao vây chùa. Ngài phải bỏ trốn sang Bến Tre.
Năm Giáp Tuất 1934, Hòa thượng Khánh Hòa cùng chư vị tôn túc thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học tại Trà Vinh, Ngài về đây nương chư Tổ để tu học. Được một thời gian, chư tôn đức cử Ngài về trụ trì chùa Long Hội (Ấp Long Thạnh, xã Huyền Hội, huyện Càng Long). Trong thời gian trụ trì ở đây Ngài luôn âm thầm giúp đỡ cách mạng, tiếp tế lương thực, thuốc men… lại bị địch phát hiện, Ngài rời chùa, ra tham gia kháng chiến và được bầu làm Chủ tịch Liên xã Tân An – Huyền Hội, huyện Càng Long.
Sau hiệp định Genève (1954), Ngài trở về xã Tân An, làm công tác từ thiện, giúp đỡ đồng bào nghèo sau chiến tranh, và trở lại cửa thiền như bản nguyện ban đầu.
Đầu năm Quý Mão 1963, Ngài được Hòa thượng trụ trì chùa Phước Thanh (xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang – Trà Vinh) mời về trợ giúp Phật sự và Ngài An cư kiết Hạ tại đây. Cuối năm 1963, Ngài được Phật tử thỉnh về trụ trì chùa Phật Bửu, xã Huyền Hội, huyện Càng Long.
Năm Đinh Mùi 1967, chùa Phật Bửu bị chiến tranh thiêu rụi, Ngài được Giáo hội mời về chùa Phước Hòa, thị xã Trà Vinh để cùng quý tôn túc điều hành Phật học viện Phước Hòa.
Năm Nhâm Tý 1972, Ngài được chư Sơn thiền đức cung thỉnh làm Thiền chủ trường Hạ chùa Phước Thanh. Sau khóa Hạ này, Ngài được cung thỉnh ở lại nhận chức trụ trì chùa Phước Thanh.
Năm Quý Sửu 1973, uy tín và đức độ ngày một tăng cao, Ngài được cung thỉnh làm Thiền chủ khóa An cư kiết Hạ tại chùa Phật Tâm (xã Phước Hảo).
Năm Giáp Dần 1974, Ngài lại được cung thỉnh làm Thiền chủ trường Hạ chùa Phổ Quang (xã Long Thới).
Đầu năm Ất mão 1975, Ngài được Hòa thượng Thích Hoàn Thông, Chánh đại diện Phật giáo tỉnh Vĩnh Bình mời về trụ trì chùa Long Khánh, trụ sở của Tỉnh hội Phật giáo tại thị xã Trà Vinh. Và cũng trong năm này, Ngài được Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất suy cử làm Chánh đại diện Phật giáo tỉnh Vĩnh Bình thay cho Hòa thượng Hoàn Thông bị bệnh duyên.
Năm Bính Thìn 1976, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tổ chức Đại hội Phật giáo nhiệm kỳ 7. Ngài được mời dự Đại biểu chính thức đơn vị Trà Vinh. Do đường xá trắc trở, và muốn thể hiện tấm lòng vì đạo pháp của mình, Ngài đã thực hiện chuyến đi về dự Đại hội bằng xe đạp với cả ý chí ở độ tuổi 76, và Ngài đã đến đích đúng ngày khai mạc Đại hội tại chùa Ấn Quang, quận 10, Tp. Hồ Chí Minh.
Năm Tân Dậu 1981, Phật giáo ba miền đất nước được thống nhất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời. Ngài được suy cử làm Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ I. Sau đó, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Trà Vinh được thành lập, Ngài được cung thỉnh Chứng minh Ban Trị sự Tỉnh hội cho đến ngày viên tịch.
Năm Canh Ngọ 1990, tuổi cao sức kém và thường hay đau bệnh, Ngài được đệ tử là Thượng tọa Thích Lệ Sỹ, trụ trì chùa Phước Thanh cung thỉnh Ngài về chùa để phụng dưỡng.
Ngày mùng 6 tháng 2 năm Đinh Sửu, nhằm ngày 14 tháng 3 năm 1997, vào lúc 15 giờ 30 phút, Ngài an nhiên thị tịch tại chùa Phước Thanh, trụ thế 98 tuổi đời, với gần nửa thế kỷ dành cho đạo pháp.
Một đời đem hết tâm lực vừa phụng sự đạo pháp – vừa cống hiến cho đất nước dân tộc. Ngài là tấm gương phương tiện thể nhập tự tại, để cho Tăng bảo được trùng hưng trong từng giai đoạn lịch sử dân tộc.