159. HÒA THƯỢNG THÍCH CHÂN THƯỜNG

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành

HÒA THƯỢNG THÍCH CHÂN THƯỜNG
(1912 – 1993)

Hòa thượng Thích Chân Thường, pháp húy Bản Như, pháp hiệu Chân Thường, thế danh là Trần Đức Ký, sanh năm Nhâm Tý 1912 (niên hiệu Duy Tân thứ 5) tại làng Trà Trung, tổng Trà Lũ, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ngài sinh trưởng trong một gia đình am tường Nho giáo, cũng là một gia đình nhiều đời theo đạo Phật. Thân phụ Ngài là cụ Trần Đức Huấn tự Chất Lượng, thân mẫu là cụ Trần Thị Chắt, hiệu Diệu Trinh. Ngài là người con thứ hai trong gia đình có 3 trai, 3 gái.

Năm Ất Hợi 1935, khi 23 tuổi Ngài vâng lệnh song thân lập gia đình để giữ tròn đạo hiếu người con trai, nối dõi tông đường và sống đời cư sĩ thờ Phật, phụng dưỡng cha mẹ. Tuy sống trong nhà thế tục với người vợ hiền và 3 con : hai gái một trai, nhưng Ngài luôn hướng tâm về con đường giác ngộ – giải thoát, mong một ngày nào có thể, sẽ xuất trần nhập đạo.

Vốn bản tính nhân hậu lại giàu lòng thương người nên Ngài rất ham thích làm những việc từ thiện xã hội. Ngài thường xuyên giúp đỡ người nghèo khó, phụ trách công việc làng về các việc tế lễ, hộ niệm và thường phát tâm đóng góp tài vật để tu bổ chùa chiền Phật sự; đặc biệt là công trình xây dựng cảnh chùa Hương Tích ở Hương Sơn – Hà Tây, Ngài và gia đình đã có rất nhiều công đức…

Năm Canh Thìn 1950, với ý chí xuất trần đã được hun đúc từ lâu, gần nửa cuộc đời sống ở trần gian làm tròn bổn phận tình nhà lẫn hiếu hạnh. Năm 38 tuổi Ngài quyết định cắt ái từ thân, xuất gia đầu Phật với Tổ Trà Trung – Linh Ứng. Cùng vào năm này, Ngài được Tổ cho đăng đàn thọ Cụ túc giới tại bản tự, sau đó sang tham học luật Tỳ Ni tại chốn Tổ Tuệ Tạng, chùa Vọng Cung, Nam Định.

Tuy xuất gia tuổi trugn niên, nhưng Ngài đã vượt qua mọi ngoại cảnh trần duyên để nỗ lực tinh tấn tu hành, ngõ hầu hoằng dương Phật pháp. Việc đầu tiên là Ngài cảm hóa gia đình cùng hướng nẽo thiện, hai người con gái đầu đã đi theo bước chân giải thoát của Ngài, thế phát xuất gia với Ni trưởng Tịnh Nguyệt. Nay là Ni sư Diệu Tâm, trụ trì chùa Hải Ninh – Hải Phòng và Ni sư Diệu Minh trụ trì chùa Quán Âm – Paris (Pháp Quốc), người con trai út là Trần Đức Vinh cũng là Phật tử thuần thành tôn kính Tam bảo.

Năm Giáp Ngọ 1954, thuận theo hoàn cảnh khách quan của đất nước. Ngài rời gót vân du vào miền Nam, trụ nơi đất Sài Gòn, chuyên tu pháp môn Tịnh độ và bắt đầu sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh ở đây.

Năm Mậu Tuất 1958, Ngài đã cùng một số Phật tử nhiệt tâm kiến tạo ngôi tịnh xá An Lạc, tiền thân của chùa An Lạc, đường Phạm Ngũ Lão, quận Nhất, Sài Gòn. Ngài khuyến hóa tín đồ ấn tống kinh sách Phật học nhiều loại để biếu tặng cho các nơi xa xôi thiếu thốn chánh pháp.

Trong hành trình vân du hiển dương Phật pháp, ấn tống kinh sách và khuyến tu Tịnh độ, Ngài đã vận động kiến tạo thêm 2 ngôi chùa, một ở Biên Hòa và một ở Thủ Dầu Một để giúp Phật tử những nơi này có chỗ lễ bái tụng niệm. Sau này, Ngài giao lại cho Phật tử địa phương tiếp tục trông coi giữ gìn ngôi Tam bảo.

Để trau giồi thêm kiến thức Phật học, cũng như tìm hiểu về Phật giáo ở các nước. Năm 1961, Ngài sang nước Cao Miên nghiên cứu giáo lý Theravàdà (Nguyên Thủy Phật giáo) một thời gian, rồi tiếp tục sang Lào hành đạo và học hỏi ở xứ này.

Năm Giáp Thìn 1964, vì nhu cầu Phật sự và đáp lời thỉnh nguyện của Cư sĩ Trần Đình Quế – Hội trưởng Giáo hội Phật giáo Linh Sơn ở châu Âu, Ngài lên đường sang Pháp để hành đạo, hóa duyên và Ngài cũng chính thức khai sáng chùa Linh Sơn, trụ trì nơi này một thời gian rồi giao lại cho Hòa thượng Thích Huyền Vi kế nhiệm.

Năm Mậu Thân 1968, từ nước Pháp Ngài sang Ấn Độ chiêm bái Phật tích, rồi trở lại Pháp để tiếp tục con đường hoằng pháp của một sứ giả Như Lai, Ngài đã tìm mua một khu đất tại vùng Champigny, ngoại ô Paris và khai sáng chùa Quán Âm cùng thành lập Hội Phật giáo Quán Âm Paris, đó cũng là trụ xứ hoằng đạo của Ngài trên đất Pháp cho đến lúc cuối đời.

Ngoài sự nghiệp khai sáng 2 ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Pháp ra, Ngài còn đặt trọng tâm vào việc hướng dẫn các hàng Phật tử tu học, cùng ra sức phiên dịch, ấn tống các loại kinh sách để phổ biến cho Phật tử trong và ngoài nước. Các tác phẩm Ngài đã dịch và ấn hành gồm :

Chư kinh Nhật tụng,
Kinh A Di Đà,
Kinh Đại phương tiện Phật báo ân,
Kinh Đại bát Niết Bàn,
Kinh Pháp Hoa Huyền Tán,
Thế giới An Lập Đồ,
Kinh Địa Tạng,
Kinh Phổ Môn,
Kinh Vô Lượng thọ,
Phổ Đà sơn dị truyện,
Và cuối cùng là Bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Ngài còn tu hạnh phước thiện, cúng dường, bố thí cho các nơi thiếu thốn cần giúp đỡ dù gần hay ở xa, khi có thỉnh cầu thì đều được Ngài phát tâm tùy hỉ công đức. Những năm cuối đời, tuy tuổi già sức yếu nhưng Ngài vẫn nhiệt tâm chăm lo Phật sự, cũng như giúp đỡ tinh thần, vật chất cho các hội đoàn từ thiện, cứu trợ trẻ em tị nạn, mồ côi… và trùng tu kiến tạo lại ngôi chùa Quan Âm ngày một khang trang tú lệ như ngày nay tại ngoại ô thủ đô Paris – Pháp quốc.

Đây phải chăng là nơi viên mãn quả nguyện cuối cùng của Ngài, để lưu dấu biết bao công đức và đạo hạnh. Ngài viên tịch lúc 6 giờ ngày 18 tháng 12 năm 1993 (tức ngày 6 tháng 11 năm Quý Dậu), trụ thế 82 tuổi đời và có 42 tuổi đạo.

Ngài là một trong những vị Tăng sĩ Việt Nam đầu tiên có công đem Phật giáo truyền bá tại thủ đô Paris – nước Pháp. Suốt đời Ngài tận tụy với trách nhiệm làm xương minh Phật đạo nơi đất khách quê người, với hoài bão nên cao ánh đuốc Từ bi đến cho chúng sinh mọi nơi quy ngưỡng.