156. HÒA THƯỢNG THÍCH VIÊN QUANG

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành

HÒA THƯỢNG THÍCH VIÊN QUANG
(1921 – 1991)

Hòa thượng Thích Viên Quang, pháp danh Nguyên Minh, pháp tự Công Huệ, húy Minh Tự – Thiện Hòa, thuộc dòng Thiền Lâm Tế chi phái Liễu Quán đời thứ 44. Ngài thế danh là Trương Trọng Cửu, sinh ngày mùng 8 tháng 12 năm Tân Dậu 1921 (năm Khải Định thứ 5) tại thôn Phú Hội, xã An Ninh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Ngài sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Phật giáo nhiều đời, thân phụ là cụ ông Trương Khoa Cử, thân mẫu là cụ bà Phan Thị Phiên.

Năm Ất Hợi 1935 (năm Bảo Đại thứ 10) với túc duyên sẵn có, khi vừa tròn 15 tuổi, Ngài đến cầu xuất gia với Hòa thượng Vạn Đạo, chùa Thiên Sơn, Phú Yên nhân ngày vía Phật Di Đà 17 tháng 11, được Hòa thượng ban pháp danh Nguyên Minh, tự Công Huệ.

Năm Bính Tý (1936), Ngài được Hòa thượng Bổn sư gởi đi học luật nghi với Hòa thượng Hưng Từ, chùa Pháp Hội, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.

Năm Kỷ Mẹo (1939) theo đúng luật, sau thời gian 3 năm chấp tác, hành điệu và sách tấn trau giồi luật nghi nghiêm mật, Ngài được thọ tam đàn Cụ túc giới đàn Tổ đình Linh Sơn Trường Thọ do Hòa thượng Vĩnh Sung làm Đàn đầu truyền giới.

Năm Tân Tỵ (1941), Ngài đến cầu học pháp môn Du Già khoa nghi với Hòa thượng Xuân Quang, chùa Liên Trì trọn một năm.

Năm Quý Mùi (1943), nhận thấy chưa thông đạt trọn vẹn tâm pháp cầu học, Ngài thiết tha xin Hòa thượng Bổn sư cho trở lại chùa Liên Trì tiếp tục trau giồi, sách tấn và để bước đầu thực hiện công việc hoằng hóa nương tựa vào oai đức của Hòa thượng Xuân Quang.

Năm Ất Dậu (1945), vua Bảo Đại thoái vị, tình cảnh đất nước lại đang lâm vào nạn đói khủng khiếp. Ngài xin được phép trở về Phú Yên, và đảm nhận trụ trì chùa Long Phú. Trong thời gian này, Ngài chuyên hành mật hạnh và phụng dưỡng mẫu thân đang già yếu, đồng thời dìu dắt, dạy dỗ em trai mình ( ).

Tuy vậy, Ngài cũng không quên những nơi đã un đúc cho mình trở nên hàng Tỳ kheo đạo hạnh, giữa lúc thời buổi chiến tranh loạn lạc, Ngài tiếp tục tham học nên bất chấp khó khăn trở ngại, Ngài thường lui tới các Tổ đình Liên Trì, Cổ Vân, Thiên Long, Kim Cang, Thiên Tứ (Ninh Hòa). Đó còn là những nơi Ngài đều đặn tham dự các khóa An cư kiết Hạ thường niên.

Nhờ vào các chuyến vân du lui tới những nơi như thế, ngoài những thầy Tổ và các bạn lữ trong tông môn đại gia đình Tăng bảo, Ngài còn được tiếp xúc với rất nhiều những tư tưởng lớn ngoài xã hội, giữa lúc đất nước còn đau khổ (sau khi Nhật đầu hàng đồng minh ở thế chiến thứ II, thực dân Pháp trở lại). Do đó, hưởng ứng lời kêu gọi của đất nước, Ngài cũng như một số Tăng lữ tạm thời xếp lại công việc hoằng hóa để tham gia phong trào Phật giáo Cứu quốc do Hòa thượng Hưng Từ và các bậc danh Tăng lãnh đạo, nhằm hỗ trợ cho Mặt trận Việt Minh kháng Nhật, kháng Pháp.

Năm Giáp Ngọ (1954), một nửa đất nước được an lành nhưng còn một nửa tiếp tục lâm vào cảnh dầu sôi lửa bỏng. Nơi quê hương trú xứ của Ngài nằm lại một nửa sau. Tuy vậy, tình thế không đến nỗi gắt gao như trước nên các Ngài trở về phục hưng lại ý chí, trùng tuyên Phật pháp và tinh tấn chuyên tu.

Năm Quý Mão (1963), sau hằng chục năm trời từ khi ách thực dân đô hộ đã lùi xa, Phật giáo lại một lần nữa đương đầu trước nạn kỳ thị và đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm, một tôn giáo lớn của nhân loại và đối với dân tộc đã là nếp sống gắn bó tự bao đời. Trước tình cảnh thúc bách đó, Ngài cùng toàn thể Phật giáo đồ tỉnh Phú Yên đứng lên đấu tranh, chung sức giành lại vị trí cao cả của Phật giáo Việt Nam đi vào lòng dân tộc hơn 20 thế kỷ.

Năm Ất Tỵ (1965), Ngài trở lại Bình Thuận để tiếp tục hoằng dương chánh pháp, trụ trì chùa Thiền Lâm – lúc này là chùa Tỉnh hội Phật giáo Bình Thuận.

Những năm 1970 – 1973, Ngài giữ chức Phó Giám viện kiêm Giám học Phật học viện Nguyên Hương, Bình Thuận.

Từ năm 1972 đến năm 1976, Ngài được tiếp tục suy cử giữ chức trụ trì chùa Tỉnh hội Phật giáo Bình Thuận.

Năm Quý Sửu (1973), Ngài khai sơn tịnh thất Long Thiền thuộc xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân, để chọn nơi nghiêm trì tịnh nghiệp.

Năm Nhâm Tuất (1982), Ngài được Ban Trị sự Tỉnh hội cử giữ chức trụ trì Tòng lâm Vạn Thiện, đồng thời đảm nhiệm Ủy viên Nghi lễ, Ủy viên Giáo dục Tăng Ni và là Phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Thuận.

Năm Đinh Mão (1987) Ngài trùng hưng lại chùa Long Phú đã xuống cấp theo thời gian vì hoàn cảnh chiến tranh.

Năm Tân Mùi (1991), trước dự kiến thành lập trường Cơ bản Phật học tỉnh Bình Thuận để theo kịp đà phát triển chung của Phật giáo đương đại Ngài được đề bạt làm Hiệu trưởng. Thế nhưng, Ngài cảm thấy sức khỏe dần kém do tuổi đã cao, nên ngày 14 tháng 3, Ngài cho triệu tập tất cả Tăng chúng lại, dặn dò phó chúc những Phật sự cần thiết và mong mỏi hàng đệ tử hết lòng phụng sự chánh pháp, giúp ích dân tộc.

Sang ngày Rằm tháng 3 năm Tân Mùi (nhằm ngày 19 tháng 4 năm 1991), Ngài an nhiên thâu thần thị tịch tại tịnh thất Long Thiền, thọ thế 71 năm, Hạ lạp 51 mùa an cư.

Cảm niệm ân đức sâu dày của Ngài, đồ chúng đã xây Bảo tháp bảy tầng để tôn thờ nhục thể Ngài tại Tòng lâm Vạn Thiện, Phan Thiết.