Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành
HÒA THƯỢNG THÍCH HUYỀN TẤN
(1911 – 1984)
Hòa thượng Thích Huyền Tấn, pháp danh Như Chánh, pháp hiệu Huyền Tấn, tự Giải Trực, thế danh là Lê Nghiêm, sinh vào ngày 19 tháng 02 năm Tân Hợi (1911), tại làng Mỹ Lai, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Ngài xuất thân trong một gia đình trung lưu, thuần kính Tam Bảo, thân phụ là cụ Lê Văn Tuyên, pháp danh Chơn Phúc, hiệu Phước Thông, thân mẫu là cụ Đỗ Thị Thẩn. Song thân Ngài đều quy y Phật, thọ lãnh pháp danh và hành trì thập thiện, Ngài là anh trưởng của 4 em trai và 1 em gái. Sau này Ngài cũng đã dìu dắt 2 em trai bước vào con đường giải thoát giác ngộ, đó là Thượng tọa Giải Lợi, thế danh Lê Quý và Đại đức Hạnh Giám thế danh Lê Bình.
Thuở thiếu thời, Ngài đã sớm thấm nhuần tư tưởng Phật đà, có chí hướng tu hành để hoằng pháp độ sanh, nên năm 14 tuổi (1924), Ngài đến xin quy y và xuất gia làm đệ tử của Hòa thượng Chơn Trung – Diệu Quang (Đệ lục Tổ sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn) – một vị cao Tăng thạc đức lúc bấy giờ.
Từ đó, Ngài tinh tấn tu hành, trau giồi giới luật. Năm Tân Mùi 1931, Đệ lục Tổ sư khai đàn trao Sa di giới cho Ngài và đặt pháp tự là Giải Trực. Bốn năm sau vào ngày mồng 4 tháng 4 Giáp Tuất (1934), khi 23 tuổi Ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Thạch Sơn, do Hòa thượng Hoằng Thạc làm Đường đầu truyền giới, chính thức dự vào hàng Tăng Bảo với pháp hiệu là Huyền Tấn.
Vốn là người thông minh, lại có lòng hiếu học, cầu tiến nên sau khi đắc pháp, Ngài tham phương học đạo ở các Phật học đường Bảo Lâm (Quảng Ngãi), Báo Quốc (Huế). Đồng là học Tăng với Ngài lúc bấy giờ có các Hòa thượng : Thiện Hòa, Thiện Hoa, Trí Tịnh… là những bậc lương đống của Phật pháp sau này. Đến đâu Ngài đều được thầy yêu, bạn nể về tu học và giới hạnh uy nghiêm của mình.
Năm 1943, nhận thấy Ngài thật là một pháp khí Phật tự, nên Tổ sư Đệ lục bổ nhiệm Ngài về trụ trì chùa Kim Liên ở Quảng Ngãi để hoằng pháp lợi sanh. Thời điểm này đến Cách mạng mùa Thu 1945 thành công, Ngài vừa lo Phật sự tham gia phát triển An Nam Phật học Chi hội Quảng Ngãi, vừa góp sức bảo vệ đất nước qua các phong trào Phật giáo liên lạc, Phật giáo Cứu quốc thuộc liên khu 5.
Ngày 16 tháng Giêng năm Ất Mùi (1955), môn đồ đệ tử Tổ đình Thiên Ấn cử Ngài giữ trọng trách trụ trì ngôi Tổ đình này, kế thừa Đệ lục Tổ sư, nối dòng thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh đời 41 để hoằng truyền tổ ấn, tiếp dẫn hậu lai.
Nơi Tổ đình này, Ngài tích cực hoạt động Phật sự, đấu tranh bảo vệ quyền lợi Phật giáo cùng với tín đồ Phật tử. Ngài đã tổ chức trọng thể lễ cung nghinh Phật tượng, pháp khí bị di tản từ chùa Khánh Vân về Tổ đình Thiên Ấn vào ngày 01 tháng 3 năm Bính Thân (1956). Đồng thời với cương vị Trị sự trưởng Giáo hội Tăng Già Quảng Ngãi, Ngài đệ đơn trình bày những đòi hỏi công bằng về quyền lợi của Tổ đình lên Tòa Hành chánh tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 11 tháng 11 năm 1958, Tòa đại biểu chính phủ tại Trung Nguyên, Trung Phần đã phải thực hiện công văn số 211 nội dung : Giao chùa Thiên Ấn về Giáo hội Tăng Già tỉnh Quảng Ngãi quản lý và trùng tu.
Sau khi nhận lãnh trách nhiệm trụ trì Tổ đình Thiên Ấn, Ngài ra sức hoằng dương Phật pháp. Ngày 06.8.1959, lễ đặt viên đá trùng tu ngôi Tam Bảo được diễn ra trước sự hân hoan của đông đảo Tăng Ni Phật tử và đồng bào các giới. Ngày 4.3.1961, sau gần 2 năm thi công khẩn trương, công trình trùng tu được hoàn thành. Ngài cùng hàng vạn Tăng Ni, tín đồ Phật tử cung thỉnh Hòa thượng Thích Tịnh Khiết – Hội chủ Giáo hội Tăng Già Trung Phần và Thượng tọa Trị sự trưởng Thích Mật Nguyện quang lâm về trụ xứ, chứng minh công đức và cắt băng khánh thành ngôi Tổ đình Thiên Ấn đã được trùng tu tái thiết.
Ngoài ra, Ngài cũng chứng minh hưng công khai sáng ngôi Tam Bảo Kim Tân và trùng tu các tự viện lớn như Kim Liên, Long Sơn…
Những năm 1961 – 1963, trước nạn kỳ thị tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm ngày càng khắc nghiệt, xô đẩy Phật giáo vào bước đường phải đứng lên đấu tranh. Với tư cách là Trị sự trưởng, được sự chỉ đạo của Giáo hội Trung Phần, Ngài lãnh đạo Tăng Ni, tín đồ tỉnh Quảng Ngãi cùng với phong trào Phật giáo cả miền Nam kiên quyết đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng trên cơ sở đường lối bất bạo động.
Sau khi chế độ nhà Ngô sụp đổ, ngày 06 tháng 4 năm 1964, Đại hội khoáng đại của nhiều Hệ phái Phật giáo để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Ngài được Hội đồng Viện Hóa Đạo công cử vào cương vị Chánh đại diện Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Quảng Ngãi.
Đầu năm 1967, do tuổi cao sức yếu, Ngài xin từ nhiệm không đảm nhận công việc trụ trì cũng như việc Giáo hội nữa, để chỉ tập trung vào nghiên cứu, tu trì, làm hình bóng một vị đạo sư mẫu mực cho Tăng Ni Phật tử noi theo.
Theo sự tuần hoàn sanh diệt, tứ đại đến thời hoại không, Ngài lâm bệnh nhẹ rồi an nhiên thị tịch vào lúc 6 giờ sáng ngày 07 tháng 12 năm Giáp Tý 1984, trụ thế 73 tuổi đời, Hạ lạp 50 tuổi đạo.
Hòa thượng Thích Huyền Tấn xứng đáng là một vị đệ tử tài đức vẹn toàn nối tiếp dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 41, là một vị cao Tăng đã có nhiều đóng góp cho phong trào chấn hưng và thống nhất Phật giáo. Ngài đã hoạt động liên tục không phút nghỉ ngơi. Nhờ đó, Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi được khởi sắc từ công hạnh của Ngài góp phần tạo nên, nối tiếp cho mai hậu vững bền tỏ rạng.