Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành
HÒA THƯỢNG THÍCH HUỆ HÒA
(1915 – 1980)
Hòa thượng pháp danh Niệm Hòa, pháp tự Hồng Từ, pháp hiệu Huệ Hòa. Ngài thế danh là Huỳnh Văn Nhành, sinh năm Ất Mão (1915) tại xã Bình Chánh, Tam Bình, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang), thân phụ là cụ ông Huỳnh Văn Kiện, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Khuê. Ngài là con thứ mười trong gia đình có nhiều anh em. Gia đình Ngài nhiều đời hấp thụ Nho giáo, hiền lương rất mực, trong gia tộc Ngài có hai vị xuất gia tu Phật.
Thuở nhỏ Ngài thường theo mẹ đến chùa Hưng Long, xã Phú Quý lễ Phật nghe kinh, cũng từ đấy thiện căn sẵn có dần dà kết nụ. Năm 16 tuổi (1929 – Kỷ Tỵ), Ngài phát tâm xuất gia với Hòa thượng Huệ Tiên, chùa Hưng Long, được Hòa thượng hứa khả thế phát và cho pháp danh là Niệm Hòa.
Năm 1932 (Nhâm Thân), lúc này Ngài vừa tròn 17 tuổi, Hòa thượng Bổn sư cho Ngài thọ Sa di giới tại trường Kỳ chùa Minh Đức, xã Phú Túc, Bến Tre.
Năm 1933 (Quý Dậu), Ngài sang Mỹ Tho nhập chúng học kinh luật tại chùa Vĩnh Tràng dưới sự giảng dạy của Hòa thượng Quảng Ân, tọa chủ chùa Linh Phước – Phật Đá.
Năm 1934 (Giáp Tuất), Ngài sang Sa Đéc cầu pháp với Hòa thượng Chánh Thành chùa Vạn An, được Hòa thượng cho pháp hiệu là Huệ Hòa, húy Hồng Từ. Sau đó Ngài ở lại đây tu học, cũng trong năm này Ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới.
Năm 1936 (Bính Tý), bổn đạo chùa Hưng Lâm xã Giao Long (Bến Tre) thỉnh Ngài về trụ trì. Ở đây được một năm, Ngài tiến cử Thầy Quảng Tăng thay thế đảm nhiệm ngôi vị trụ trì chùa Hưng Lâm, còn Ngài sang Mỹ Tho, đến chùa Linh Phong Cổ tự nhập chúng tu học, đạo tràng này do Hòa thượng Kiểu Lợi làm Pháp sư.
Năm 1944 (Giáp Thân), trường gia giáo Linh Phong mãn duyên. Ngài trở về Bến Tre nhập chúng tại trường Phật học Phước Duyên. Trường này do Hòa thượng Hiển Pháp mở ra và Hòa thượng Pháp sư Kiểu Lợi đảm trách giảng dạy, ở trường này, Ngài được bầu làm chánh Duy Na.
Năm 1945 (Ất Dậu), ông bà Hồ Văn Vàng ở xã Phú Nhơn, Bến Tre phát tâm cất một ngôi chùa, kiến trúc cây lá đơn sơn, lấy tên Vạn Phước. Mến mộ đạo hạnh của Ngài, hai ông bà đến chùa Phước Duyên thỉnh Ngài về trụ trì và Ngài đã về đây hóa duyên cho đến lúc cuối đời.
Với đạo đức cao dầy, Phật học uyên thâm, tánh tình hòa nhã, hoan hỷ nên Ngài được bổn đạo gần xa cảm mến quy ngưỡng rất đông, ngôi chùa Vạn Phước ngày càng hưng thịnh. Năm 1959 (Kỷ Hợi), Ngài cho tiến hành tái thiết lại ngôi Tam bảo Vạn Phước, mái ngói nền gạch cao rộng, khang trang.
Mặc dù công việc trụ trì có đa đoan nhưng Ngài vẫn đáp lại lòng kỳ vọng của Tăng Ni tỉnh nhà, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của Giáo hội giao phó.
Từ năm 1947 đến năm 1955, Ngài giữ chức vụ Chánh Thư ký Giáo hội Tăng Già tỉnh Mỹ Tho.
Năm 1966 đến năm 1971, Ngài lại đảm nhiệm chức vụ Chánh Thư ký Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Mỹ Tho.
Năm Nhâm Tý 1972, Ngài được Tăng Ni suy cử làm Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Mỹ Tho.
Ngoài những công tác thuần túy Phật sự ra, Ngài còn là người có tinh thần yêu nước rất cao. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, rồi đến chống Mỹ, Ngài luôn âm thầm trợ giúp cách mạng, bằng nhiều hình thức, hoặc tiếp tế lương thực, thuốc men, hoặc bảo mật cơ sở, hoặc che dấu cán bộ v.v… Nhiều cán bộ cao cấp như Hòa thượng Thiện Hào, Hòa thượng Minh Nguyệt, Hòa thượng Pháp Tràng, trong thời kỳ hoạt động kháng chiến từng được Ngài che dấu, giúp đỡ.
Ngoài ra, còn biết bao thanh niên trong lứa tuổi quân dịch được Ngài cưu mang dưới lớp áo tu sĩ, trợ giúp để họ khỏi phải cầm súng chống lại đồng bào, Ngài làm mọi việc với tinh thần vô ngã, từ bi của nhà Phật, nên việc nào Ngài cũng tận tâm tận lực.
Năm 1980 (Canh Thân), Ngài về Tổ đình Hưng Long (Nhị Quý, Mỹ Tho) dự lễ Kỵ Tổ. Lúc trở về, gần đến chùa Linh Phước (Mỹ Tho), Ngài gặp tai nạn xe, nên phải nằm viện một thời gian. Từ đây, sức khỏe Ngài suy yếu dần.
Trong giai đoạn đang nằm dưỡng bệnh ở chùa, Ngài thấy ngôi Giảng đường hư mục quá nhiều, không đành lòng, Ngài sai đệ tử kêu thợ tới tu sửa. Môn nhơn đệ tử thương Ngài nên xin hoãn lại, chờ khi bệnh Ngài thuyên giảm hãy thi công, nhưng Ngài không bằng lòng, nói rằng : “Thân này đau mạnh, đi ở, là chuyện thường. Chùa hư thì phải sửa, sửa rồi ai ở cũng được”.
Thế là Ngài cương quyết thực hiện ý nguyện của mình. Ngày 16 tháng 10 khởi công, được gần một tháng, ngôi Giảng đường sắp sửa hoàn thành, thì Ngài thâu thần thị tịch, vào lúc 8 giờ 30 phút sáng ngày 11 tháng 11 năm Canh Thân (tức ngày 17 tháng 12 năm 1980), Ngài thọ thế 65 năm, giới lạp trải qua 32 mùa Hạ.