137. HÒA THƯỢNG THÍCH CHÍ TỊNH

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành

HÒA THƯỢNG THÍCH CHÍ TỊNH
(1913 – 1972)

Hòa thượng Thích Chí Tịnh, pháp danh Hồng Căn, thế danh Nguyễn Văn Đại sinh năm 1913 (Quý Sửu) tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Ngài xuất thân trong một gia đình trung nông, có truyền thống tín ngưỡng Phật giáo lâu đời. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn An, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Điều, vốn là những Phật tử thuần thành chất phác.

Thuở nhỏ, Ngài thường hay đau ốm, khó nuôi nên năm lên 7 tuổi (1920 Canh Thân), thân mẫu Ngài đưa lên chùa Phước Long, xã Phú Phong huyện Châu Thành, Tiền Giang cho xuất gia với Hòa thượng Như Bửu, hiệu Thanh Châu được Bổn sư đặt pháp danh là Hồng Căn. Ngài ở đây hầu thầy, học đạo suốt 13 năm liền. Bản tánh thông minh, lại thêm cần mẫn siêng năng, nên chẳng mấy chốc, thiền môn kinh luật, phạm tắc oai nghi, Ngài đều làu thông. Năm 1930 (Canh Ngọ), thấy Ngài hiếu học, Hòa thượng Bổn sư cho Ngài học thêm chữ quốc ngữ và xuống chùa Phước Long, xã Kim Sơn học chữ nho và kinh bộ với Hòa thượng Chí Nghĩa.

Năm 1932 (Nhâm Thân), lúc này Ngài vừa tròn 20 tuổi, nhận thấy thiện duyên đã đủ, đạo hạnh đã thuần, Hòa thượng Bổn sư cho Ngài đăng đàn thọ Tỳ kheo-Bồ tát giới tại trường Kỳ chùa Minh Đức, Phú Túc, Bến Tre và cho pháp hiệu là Chí Tịnh.

Năm 1935 (Ất Hợi), được phép của Hòa thượng Bổn sư, Ngài đến chùa Vạn An, Sa Đéc, tham học giáo lý và thiền môn nghi lễ với Hòa thượng Chánh Thành. Suốt bảy năm Ngài chuyên cần tu học, Phật điển mỗi lúc một uyên thâm, khoa nghi ứng phú mỗi lúc thêm tinh tường.

Năm 1942 (Nhâm Ngọ), giã từ đạo tràng Vạn An, Ngài đến chùa Tuyên Linh, Bến Tre tham học với Hòa thượng Khánh Hòa. Sau đó được Hòa thượng đưa vào nhập học tại Phật học đường Lưỡng Xuyên.

Trong thời gian tu học ở đây, Ngài được quý Phật tử cảm mến đạo hạnh, cung thỉnh về trụ trì chùa Lạc Thiện ở xã Tân Thạch, Bến Tre. Ở đây Ngài dốc lòng chăm lo Phật sự, trùng tu Tam bảo đến nỗi Bổn sư lâm bệnh nặng Ngài vẫn không hay để về phụng dưỡng.

Năm 1951 (Tân Mão), Hòa thượng Bổn sư viên tịch, di chúc lại cho Ngài kế tục đảm nhiệm ngôi vị trụ trì. Phụng theo di chúc của Thầy, Ngài giao chùa Lạc Thiện lại cho đệ tử lớn là thầy Quảng Mai và về trông coi Tổ đình Phước Long.

Những năm 1951 – 1954, Ngài được mời đi họp ở Đồng Tháp Mười, và cùng Hòa thượng Pháp Tràng tham gia phong trào Phật giáo Cứu quốc, lo vận động đồng bào Phật tử đóng góp tài lực vào cuộc kháng chiến chống Pháp.

Năm 1954, hòa bình lập lại, Ngài trở về chùa Phước Long, trùng tu Tam bảo, hướng dẫn thiện tín tu hành. Dù Phật sự đa đoan, năm nào đến mùa an cư, Ngài cũng tham dự kiết Hạ, nhập chúng tu học, khi ở gần, lúc ở xa, khi ở Sài Gòn, lúc ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Sa Đéc v.v…

Năm 1955 (Ất Mùi) Giáo hội Lục Hòa Tăng được thành lập. Ở Mỹ Tho, Hòa thượng Quảng Ân được bầu làm Tăng trưởng, Hòa thượng Pháp Tràng làm Tăng giám. Ngài được bầu làm Ủy viên Hoằng pháp. Hòa thượng Nguyên Thanh làm thư ký, Hòa thượng Trí Long làm Ủy viên tài chánh. Hội sở đặt tại chùa Vĩnh Tràng.

Năm 1963 (Quý Mão), chiến tranh lan tràn khốc liệt, ở thôn quê giặc càn quét khắp nơi, ở thành phố thì bị pháp nạn, chùa chiền Tăng Ni bị chính quyền họ Ngô đàn áp, bắt bớ. Ngài thấy không thể hoạt động Phật sự ở chùa Phước Long được nữa nên đã tản cư xuống chùa Chơn Minh (Mỹ Tho). Ở đây, Ngài hợp tác với Hòa thượng trụ trì, Hòa thượng Hiển Pháp mở lớp dạy giáo lý cho chư Tăng quy tụ về tu học rất đông.

Năm 1966 (Bính Ngọ), Ngài được Phật tử cung thỉnh về trụ trì chùa Phật Ân (thị xã Mỹ Tho). Chùa là cơ sở của Hội Phật học tỉnh Định Tường, nên về đây Ngài hợp tác với Hội mở trường đào tạo Tăng tài, cung thỉnh Hòa thượng Thiền Định cùng quý giảng sư ở Sài Gòn giảng dạy. Hơn sáu năm trụ trì chùa Phật Ân, Ngài đã góp phần đào tạo được một thế hệ Tăng trẻ có tài đức, kế thừa sự nghiệp hoằng pháp ở Tiền Giang.

Năm 1972 (Nhâm Tý), Ngài tham dự khóa an cư kiết Hạ tổ chức ở chùa Sùng Đức, Phú Lâm – Chợ Lớn và được đại chúng bầu làm Chánh chúng trường Hạ. Giữa khóa Hạ, Ngài lâm bệnh nặng nhưng nhất quyết không bỏ Hạ, bệnh tình mỗi lúc một thêm nặng nên đại chúng phải đưa Ngài vào bệnh viện Sùng Chính để điều trị. Tưởng bệnh sơ sài rồi sẽ qua, nào ngờ, ngày mùng 6 tháng 6 năm Nhâm Tý, vào lúc 3 giờ sáng Ngài an nhiên thị tịch, hưởng dương 59 tuổi, tròn 40 Hạ lạp.

Tang lễ Ngài được Ban chức sự trường Hạ tổ chức vô cùng trọng thể trong suốt bốn ngày, Hội đồng Viện Tăng thống do Hòa thượng Huệ Thành và Hội đồng Viện Hóa Đạo do Hòa thượng Bửu Ý dẫn đoàn giáo phẩm về trường Hạ làm lễ truy điệu và truy tặng Ngài một “Anh dũng Phật chương”. Sau đó, Tăng Ni, Phật tử trường Hạ cung tiễn Kim quan Ngài lên xe tang đưa về chùa Chơn Minh (Mỹ Tho). Sau đó đưa về chùa Phước Điền, xã Long Bình Điền – Chợ Gạo, nhập Bảo tháp.

59 năm trụ thế, 40 năm tu học phụng đạo, thời gian tuy ngắn ngủi nhưng đức tánh khắc kỷ, lợi tha, tinh thần vì đạo quên thân của Ngài luôn là một tấm gương sáng cho môn đồ hậu tấn noi theo.