132. VỊ PHÁP THIÊU THÂN THÍCH THIỆN LAI

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành

VỊ PHÁP THIÊU THÂN THÍCH THIỆN LAI
(1896 – 1970)

Thầy Thích Thiện Lai, thế danh Bùi Đình Tần, sinh năm Bính Thân 1896, tại tỉnh Nam Định – Bắc Việt.

Thầy sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, Phật Nho thuần hậu. Nhờ vào nền tảng đạo đức gia đình, nên Ngài và anh em luôn sống chan hòa với nhau, được tiếng thơm trong làng thôn.

Tuổi thơ ấu và trưởng thành của Thầy đã đi qua trong hoàn cảnh đất nước loạn ly, chiến tranh tàn phá. Thầy đã chứng kiến hàng vạn đồng bào chết chóc, tang thương vì bom đạn, vì đói khổ bởi giặc ngoại xâm giày xéo quê hương lãnh thổ.

Để tìm kiếm lý tưởng giải thoát cho mình và cho những đồng bào, xóa bỏ hận thù, chung sống hòa bình với nhau,Thầy tìm đến giáo lý Phật đà, lấy từ bi, bác ái làm nền tảng tâm linh, hầu rửa sạch oán thù mê muội. Chính vì vậy, người thanh niên trẻ ấy, đã đi khắp đó đây, dọc miền Nam đất nước, chia sẻ niềm đau, cứu giúp người nghèo bằng tất cả tâm huyết, vật chất gì mà mình có được của một người cư sĩ Bồ Tát tại gia.

Năm Giáp Ngọ (1954), khi đang ở miền Nam Việt Nam thì Hiệp định đình chiến Genève ra đời, chia cắt đôi miền đất nước. Hơn nửa cuộc đời chịu chung cộng nghiệp của dân tộc, gắn bó với sự khổ đau mất mát của kiếp nhân sinh – cũng là thời gian Thầy huân tập chủng tử Như Lai, vun trồng thiện duyên, ngày càng thâm nhập vào chân lý Đại thừa. Thế cho nên, dù tuổi cao, nhưng hoài bão xuất gia và ý chí cứu thế độ sanh không bao giờ chùn bước; Thầy thành tâm cầu thỉnh Hòa thượng Thích Hải Tràng, chùa Phổ Quang, Phú Nhuận, tỉnh Gia Định tế độ xuất gia và được ban pháp danh Thiện Lai. Năm ấy Thầy 59 tuổi (1955).

Từ lời Phật dạy : “Thân người khó được, Phật pháp khó gặp” khi trở thành một vị tu sĩ, thực hiện được hoài bão cao đẹp của mình, Thầy luôn cố gắng tu học, kiên tâm trì chí nên rất được Hòa thượng Bổn sư hài lòng; Tăng chúng lấy đó làm gương sách tấn lẫn nhau.

Trong lúc này, hoàn cảnh hai miền đất nước vẫn lâm vào cảnh khói lửa chiến tranh càng sâu nặng bi thương; tình hình chính trị xã hội ở miền Nam lại trở nên khủng hoảng trầm trọng – Phật giáo theo đó đã bị ảnh hưởng rất lớn và trở thành mục tiêu quan trọng của các thể chế ở miền Nam lúc bấy giờ, nhằm tiêu diệt, khủng bố.

Con thuyền Phật giáo lại gặp phải phong ba bão táp: hết hạn pháp nạn Phật giáo năm 1963 dưới thời Ngô Đình Diệm, lại đến các chính phủ kế tục thay nhau đàn áp Phật giáo bằng đủ mọi âm mưu thủ đoạn. Họ một mặt gây sức ép với các hoạt động Phật giáo, một mặt ly gián, xé lẻ nội bộ Giáo hội hầu giảm thiểu sức đề kháng chính quyền. Sự kiện “Việt Nam Quốc Tự” là một vết nhơ đau lòng nhất của Tăng tín đồ miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.

Trước những thực trạng đau lòng đó, không ngại tuổi đời đã cao, tuổi đạo chưa nhiều, chỉ vì tấm lòng với đạo không gì so sánh ! Thầy đi đến quyết định cuối cùng : dùng ngọn lửa thiêu đốt xác thân huyễn hóa của mình, để cảnh tỉnh chính quyền sửa đổi hành động sai lầm và thực thi đường lối phù hợp với nền hòa bình đạo pháp và dân tộc.

Ngày 11 tháng 6 năm 1970, lúc 4 giờ 15 phút, nhằm ngày mồng 8 tháng 5 năm Canh Tuất, dưới gốc cây Bồ đề chùa Phổ Quang, quận Phú Nhuận, tỉnh Gia Định, Thầy đã tịch tọa trong ngọn lửa hồng rực sáng để cầu nguyện cho hòa bình Việt Nam và đạo pháp trường tồn. Thầy trụ thế 74 tuổi và được 15 tuổi đạo.

Thầy đã để lại 3 bức thư gửi :

1. Dâng lên Hội đồng Viện Hóa Đạo.
2. Dâng lên Hòa thượng Bổn sư Thích Hải Tràng.
3. Gửi Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.

Sự hy sinh vì đạo pháp và dân tộc của Thầy đã tô đậm thêm nét son trang sử Phật giáo và đất nước. Hình ảnh một vị Tu sĩ dám quên mình tự thiêu, trở thành ngọn đuốc sáng thiêng liêng, bất tử trong lòng các thế hệ Tăng Ni, Phật tử Việt Nam.