124. VỊ PHÁP THIÊU THÂN ĐẠI ĐỨC THÍCH NGUYÊN HƯƠNG

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành

VỊ PHÁP THIÊU THÂN
ĐẠI ĐỨC THÍCH NGUYÊN HƯƠNG
(1940 – 1963)

Đại đức Thích Nguyên Hương, pháp hiệu Đức Phong, thế danh là Huỳnh Văn Lễ, sinh năm Canh Thìn (1940) tại làng Long Tĩnh, xã Liên Hương, quận Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận (Phan Thiết), thân phụ là ông Huỳnh Thân, thân mẫu là bà Trương Thị Sang. Ngài là người con duy nhất của ông bà.

Làng quê nơi Ngài chào đời và lớn lên thuộc vùng rừng núi, đời sống của hầu hết bà con nơi đây chỉ dựa vào một ít ruộng khô hạn quanh năm, còn lại thì làm những nghề khác như nung gạch, ngói hoặc các nghề thủ công gia truyền lạc hậu khác; số còn lại thì làm thuê kiếm cơm độ nhật. Gia đình Ngài cũng không ngoài thực trạng chung ấy. Tuy nhiên, không vì thế mà người dân nơi đây thiếu vắng nếp sống cao đẹp, trái lại biết bao là sự hoan lạc, hòa ái, tương thân, nhờ vào khả năng thích nghi với Phật đạo, tạo nên truyền thống tốt đẹp tự bao đời. Nhờ vậy mà cuộc sống vật chất tuy khó khăn, chật vật nhưng vẫn có được niềm tin son sắt và biết nhìn thực tại trong tinh thần lạc quan yêu đời của người dân Long Tĩnh, trong đó có Ngài và song thân.

Gia đình Ngài thừa hưởng một thuận duyên rất lớn là được ở cạnh một ngôi chùa làng thân yêu, do đó ngay từ lúc vừa chập chững bước đi đã được song thân dìu những bước chân đầu đời vào nẽo đạo, nhờ vậy chất đạo thanh thoát ấy đã sớm ươm mầm nhuần thấm và phát triển rực rỡ mai sau.

Năm Bính Tuất (1946), Ngài được song thân nhất trí cho xuất gia làm một chú tiểu hầu thầy khi vừa tròn sáu tuổi, được Hòa thượng Quang Chí, tọa chủ chùa Linh Bửu trong làng, được đặt pháp danh Nguyên Hương.

Cho đến năm Nhâm Thìn (1952), Ngài mới thọ ngũ giới. Từ đó, Ngài chuyên tâm công phu, dốc lòng phụng sự Tam bảo. Thấy người đệ tử có tâm tu, Bổn sư cho theo tập sự hầu hạ chư Tăng an cư tại chùa Linh Quang, trụ sở Giáo Hội Tăng Già ở Huế. Và cứ thế, mỗi năm mùa Hạ lại về, Ngài lại được cơ duyên tập sự tại chùa Phật Quang, Phan Thiết.

Năm Mậu Tuất (1958) 18 tuổi, sau bao năm tháng học hạnh thiền môn, Ngài được Bổn sư cho đến cầu pháp thọ Sa di giới với Hòa thượng Viên Trí tọa chủ chùa Bửu Tích, quận Hòa Đa, Phan Rí Thành. Từ đây cuộc đời tu học của Ngài đều y chỉ vào Bổn sư truyền giới, để chuẩn bị cho giai đoạn được dự vào hàng Thích tử sau này.

Năm Canh Tý (1960) khi vừa tròn 20 tuổi Ngài được thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Bửu Tích và được Bổn sư truyền thụ ban pháp hiệu là Đức Phong.

Qua từng giai đoạn, kể từ lúc bước vào cuộc sống thiền gia, Ngài đã được Bổn sư giáo dưỡng, vừa chu toàn kiến thức Phật học, vừa hoàn tất các chương trình phổ thông thế học. Từ đó, Hòa thượng Bổn sư an tâm cho Ngài thực hiện bước vân du học đạo nơi chư tôn đức gần xa. Ngài đã xuôi đến các vùng đất phía Nam, đặc biệt là Sài Gòn. Trong lúc này, Ngài đã nhìn thấy chính quyền Ngô Đình Diệm ra tay đàn áp Phật giáo, các phong trào chống đối sự kỳ thị tôn giáo của Diệm khắp nơi nổi lên. Là một tu sĩ Phật giáo, Ngài không khỏi chạnh lòng, bàng hoàng và đau xót, vội quay trở về quê nhà Phan Thiết và đảm nhiệm trụ trì chùa Bửu Tạng.

Năm Quý Mão (1963) khi bao dự án tái thiết và lập chương trình tu học cho Phật tử nơi chùa Bửu Tạng chưa kịp hoàn thành, thì ngày 11.6 ngọn lửa thiêu thân của Hòa thượng Quảng Đức đã thổi bùng, lan tỏa khắp mọi miền đất nước, nung thêm khí thế của Tăng tín đồ vốn đã từng sôi sục ý chí đấu tranh để bảo vệ chánh pháp. Trong chiều sâu tâm khảm kiếp nhân sinh, đó còn là một ai tín, gây sửng sốt không riêng gì hàng triệu Phật giáo đồ Việt Nam, mà còn cảm động loài người khắp năm châu.

Sự kiện tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức đã đánh thức lương tri nhân loại và hai từ “Phật Giáo” dù đối với các thế lực chính trị chưa hoặc còn lờ mờ về tôn giáo này, phải được minh định vị trí và tôn trọng. Chính Tổng thống Hoa Kỳ J.Kennedy trước buổi họp của Hội đồng An ninh Quốc gia ngay sau sự kiện Hòa thượng Quảng Đức tự thiêu, đã hỏi một câu rất ngây thơ nhưng cũng không kém phần chua xót rằng “Phật giáo là cái gì ?”. Rõ ràng các tập đoàn lãnh đạo Pháp, Mỹ đến xâm lược nước Việt Nam họ rất xem thường hoặc chẳng cần biết đến Phật giáo, một tôn giáo lớn vốn gắn liền như xương với thịt, như máu với linh hồn của dân tộc Việt Nam.

Với Ngài, sự kiện đó vừa làm tăng nỗi đau vừa như dung nạp thêm bao điều bức xúc đã dồn nén bấy lâu. Ngay tại ngôi chùa Ngài đang trụ trì ngày 30.5.1963, đáp ứng lời kêu gọi đấu tranh của Hòa thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết, tổ chức lễ cầu siêu cho Phật tử bị tàn sát tại Huế ngày 8.5.1963, việc này đã bị chính quyền tỉnh Bình Thuận buộc phải giải tán, đe dọa mọi người và bản thân Ngài bị gán cho tội manh động.

Hệ quả đã trở thành thảm trạng : sự lo sợ vu vơ cứ đè nặng trong đầu những người Phật tử chơn chất chân quê; không còn ai dám đến chùa, bàn thờ tổ tiên, thờ Phật ở gia đình cũng phải vội xếp cất ! Một số Phật tử có tâm huyết thì gạt nước mắt tạ từ Ngài, giã biệt quê hương; lớp tránh bắt đi cải huấn, lớp tránh bị vu cáo “tay sai cộng sản”; lớp tìm vào Sài Gòn trực tiếp hòa nhập công cuộc đấu tranh sâu rộng hơn.

Riêng Ngài, cũng đã định sẵn cho mình một hình thức đấu tranh, hình thức đó vẫn còn trong ý niệm nếu bản thông cáo giữa Phật giáo và chính quyền không bị biến thành kế hoãn binh của Ngô Đình Diệm, để rồi tiếp theo sau đó là từng bước phản bội, đàn áp. Trong ba vùng Phan Rang – Phan Rí – Phan Thiết những ngày ấy các ngôi chùa trở nên hoang vắng, thê lương. Những đêm vắng tiếng chuông chùa, vắng thời khóa và người qua lại, Ngài thường ngồi bên ngọn đèn dầu lạc cháy leo lét, tâm tư luôn đè nặng bao tấm lòng thiết tha với vận mệnh đạo pháp. Ngài đôi lần đắp y lên chánh điện lễ Phật rồi đi xuống, không đánh một tiếng chuông, thậm chí không một bước đi mạnh, bởi mật vụ lãng vãng chung quanh, chờ có sơ hở để phục bắt Ngài.

Tất cả những diễn biến trên xảy ra chưa đầy sáu tháng của năm 1963, đã đưa Phật giáo Việt Nam đến bước phải khẳng định thế đứng của mình. Thế mà vẫn chưa đủ để Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam lúc bấy giờ là Nolting báo cáo về Ngũ Giác Đài với ý đồ xuyên tạc, đánh lừa dư luận và có vẻ khinh thường nỗ lực đấu tranh của Phật giáo Việt Nam, nên ngày 01.8.1963 Hòa thượng Hội chủ gởi Tổng thống Hoa Kỳ một điện văn phản đối về hành động này một cách quyết liệt nhưng vẫn bặt vô âm tín. Ngài quyết định thực hiện ý nguyện thiêu thân, để chứng tỏ với thế giới rằng ở miền Nam Trung bộ lửa đấu tranh đã bùng cháy. Vấn đề còn lại là chọn ngày giờ và thời điểm, để thực hành chí nguyện tha thiết đó.

Ngày 2 tháng 8 năm 1963, Ngài nhận được tin chư tôn đức khắp nơi và ngay cả Phật tử ở Bình Thuận bị bắt bớ, Ngài cùng Tỉnh hội Phật giáo Bình Thuận quyết định tổ chức cuộc tuyệt thực với quy mô lớn tại chùa Tỉnh hội từ 12 giờ trưa ngày 3 tháng 8 đến 12 giờ trưa ngày hôm sau.

Vào 12 giờ trưa ngày 4 tháng 8 năm 1963 (đúng ngày Rằm tháng 6 Âm lịch), Ngài lặng lẽ một mình tay xách thùng xăng 4 lít, tay mang y thất điều, tiến về Đài Chiến Sĩ đối diện với Tòa tỉnh trưởng Bình Thuận (Phan Thiết) ngồi xuống trong tư thế kiết già sau khi đắp y hậu và quyết ấn, tự đổ xăng và châm lửa. Chỉ trong chốc lát vẫn tư thế kiết già bất động, ngọn lửa đã bùng cao thẳng đứng khi trời trong xanh lặng gió, để làm một chân lý bất diệt : soi sáng u minh.

Ngài đã để lại bức trần tình thư đầy tâm huyết với đạo, với đời thiết tha gửi cho toàn thể Phật giáo đồ :

“Tôi, một chú tiểu quét lá đa nhà chùa, cảm thấy cái trách nhiệm mình đã đến không thể ngồi yên nhìn đạo pháp suy tàn, lý tưởng thiêng liêng bị dày xéo, nên đã phát nguyện tự thiêu thân giả tạm này cho cúng dường mười phương chư Phật, nguyện cầu bản Thông cáo chung được chính phủ thực thi một cách trọn vẹn”.

Năm ấy Ngài vừa đúng 23 tuổi, một tuổi Hạ, 15 tuổi đạo. Xúc động trước sự hy sinh cao cả của Ngài, một thi nhân đã cảm tác:

Trong tìm dân tộc đá vàng
Thiên thu kỷ niệm chưa tàn NGUYÊN HƯƠNG
(Mật Hạnh)