106. HÒA THƯỢNG TRA AM – THÍCH VIÊN THÀNH

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành

HÒA THƯỢNG TRA AM – THÍCH VIÊN THÀNH
1879 – 1928

Hòa thượng Thích Viên Thành, pháp húy Trừng Thông, thế danh là Công Tôn Hoài Trấp ( ) sinh ngày ngày 17 tháng 11 năm Kỷ Mão (1879) nhằm năm Tự Đức thứ 32 ( ) tại Kinh đô Huế. Thân phụ là Tĩnh Quy, vốn công tử thứ 38 con của Hoàng tử Nguyễn Phúc Bính (1797 – 1863) ( ), thân mẫu là bà Vũ Thị Dần, con gái ông Vũ Văn Lợi. Như vậy quê nội của Ngài ở huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam còn quê ngoại ở xã Xuân Mỵ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Là người con trai thứ ba trong một gia đình danh gia vọng tộc và là cháu con của một vị vua đã khai sáng nên cơ nghiệp triều Nguyễn, nhưng tuổi thơ của Ngài không phải theo định kiến tất nhiên như người đời thường nghĩ. Ngược lại, thực tế của cuộc đời đã làm tan tác bao hoài bão tốt đẹp, cuốn phăng sự bình an sinh sống của một gia đình dẫu là thứ dân cũng có được. Ngay từ lúc Ngài chào đời, những sự kiện cuối trào Tự Đức đủ đun nóng tình thế nội triều và đất nước ở thế lửa bỏng dầu sôi, đến nỗi chưa đầy một năm sau đó (ngày 25 tháng Chạp 1880) triều đình đã chính thức sang cầu viện nhà Thanh. Cái nghèo khó là chuyện riêng mang cam chịu, nhưng tình thế đất nước như vậy dù là hàng dòng dõi vua chúa, song thân Ngài cũng không thể dửng dưng, ít nhất là chọn riêng một thái độ rẽ hướng nào đó cho phải đạo.

Năm Quý Mùi (1883) – năm Tự Đức cuối cùng, thân mẫu Ngài qua đời trong cảnh thiếu hụt, để lại nguyên trạng nỗi lo toan vào cội nguồn duy nhất còn lại là phụ thân. Năm ấy Ngài chỉ mới hơn bốn tuổi đầu, hãy còn nhiều ngơ ngác, vô tư. Có lẽ như thế sẽ tốt hơn để Ngài sớm nhận ra vì sao cuối năm ấy vua Dục Đức (1853 – 1883) chỉ lên ngôi được ba ngày đã phải chết tức tưởi.

Năm Kỷ Sửu (1889), chỉ sáu năm thôi mà bao biến thiên dồn dập với những đời vua nối tiếp nhau : Hiệp Hòa – Kiến Phúc – Hàm Nghi – Đồng Khánh đi vào ngõ tối tăm, tủi nhục, chưa đầy một năm mà ba vua bị giết, trong bốn tháng mà triều đình đổi chủ ba lần. Đâu đâu cũng nghe những lời ví von đầy ẩn ý “Nhất gian lưỡng quốc nan phân thuyết, tứ nguyệt tam vương triệu bất tường” ( ). Đặc biệt quan tâm là sự kiện kinh thành Huế thất thủ ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu 1885 và việc vua Hàm Nghi xuất bôn một giờ sáng hôm ấy, đã khiến phụ thân Ngài không khỏi nao lòng, từ đó trí não và sức lực xuôi dần trong tiếng thở dài, và phụ thân Ngài đã ra đi vĩnh viễn – 10 tuổi đầu Ngài đã khóc và tiếc thương cho tất cả.

Là hoàng tộc lại đa thê, cho nên sau khi cha mất, cảnh mạnh ai nấy lo thân là chuyện không có gì tắc trách. Vì thế Ngài đã thật sự bơ vơ ly tán, tạm về núp bóng người dì ruột và cũng là người dì ghẻ ( ), chấp nhận cảnh sống “cô ai tử” với tâm ý thản nhiên của nghiệp dĩ. Ngay từ lúc ấy, Ngài đã bất đầu ghi khắc vào tâm tư lời trối trăn của thân phụ rằng “thà làm một chúng dân bình thường mà đỡ tủi hổ và quay lưng được với tất cả khổ đau”. Đó là thứ hành trang duy nhất được đặt vào tâm khảm trong trắng tuổi thiếu thời, nuôi sống được Ngài thay cơm gạo.

Năm Canh Dần (1890) lúc 11 tuổi, lần đầu tiên Ngài được đi học, điều đó với Ngài là một bước ngoặt sáng không kém một niềm vui ấu thơ nào. Với người hiểu chuyện thì đó lại là một sự miễn cưỡng còn sót lại nơi người dì ruột dành cho Ngài chứ không là của một gì ghẻ, dù có muộn màng nhưng vẫn là một tình cảm đáng trân trọng.

Đời Ngài lại thêm những nghiệp quả đầy nghịch duyên trái ý, bởi sự phân biệt con em hoàng tộc với đẳng cấp bần hàn luôn được thầy dạy học quan tâm. Bị liệt vào đẳng cấp thứ hai qua lớp áo, cùng tuổi học muộn đã khiến Ngài cảm thấy bị xúc phạm. Để rồi không lâu sau đó, Ngài phải buộc lòng rời bỏ nơi mà những ngỡ rằng cuộc đời sẽ đổi khác, mà tìm đến với những cuộc vui của những đứa trẻ cùng đinh, để vùi lấp bớt nỗi cô đơn, lây lất của mình.

Năm Bính Thân (1896) trong dòng chảy cô đơn lây lất ấy đã dẫn bước chân Ngài đến chùa Ba La Mật, nơi có người anh rể con chú bác là Thanh – Chân – Viên Giác trụ trì ( ). Đây mới chính là nơi an ổn, cắt đứt được nghiệp trần nghiệt ngã và là nơi thực sự thấm đượm tình yêu thương, mở bước sang trang sau này. Ngài được Sư Viên Giác cho thế độ xuất gia.

Năm Canh Tý (1900) trước khi viên tịch, Sư Viên Giác đã phú pháp cho Ngài bài kệ như sau :

Tào khê nhất phái thủy đông lưu
Bình bát chân truyền bất ký thu;
Giáo ngoại bản lai vô biệt sự;
Viên thành tâm pháp ấn tiền tu.

Năm Canh Tý (1900) Thành Thái thứ 12, Ngài chính thức được thọ giới với pháp danh Viên Thành, húy Trừng Thông thuộc đời thứ 42 dòng Lâm Tế. Và là thế hệ thứ 8 thuộc dòng Thiền Liễu Quán, đủ thuận duyên kế thế trụ trì chùa Ba La Mật theo di huấn của Bổn sư.

Năm Tân Sửu (1901) Thành Thái thứ 13, Ngài thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn ở Phú Yên và đậu thủ Sa di. Ngài được thưởng bộ kinh Lăng Già Tâm Ấn, một bình bát được làm tại Trung Quốc và một bộ Sô y.

Từ đó Ngài chuyên tâm tu hành phát tấn, vốn bản tính thích gần gũi thiên nhiên, thiền hành phóng khoáng lại chuộng thơ văn nên Ngài đã tạo riêng cho mình một thế giới bao la đạo hạnh rất thư thái và an nhiên.

Năm Quý Hợi (1923), tức 23 năm sau, những tưởng cuộc đời Ngài đã an bày nơi thiền tự giải thoát, nào ngờ các con cháu của Sư Viên Giác (lúc còn là Bố Chánh) giờ đây thấy chùa Ba La Mật rạng rỡ hơn xưa, tranh giành chủ quyền, lấy chính những lối hành thiền, đạo phong của Ngài ra làm nguyên nhân để tìm cách thủ đắc. Với bản chất phóng khoáng, Ngài không khó khăn chi lắm khi ra đi, trả lại chùa cho con cháu dòng họ Nguyễn Khoa.

Ngài tìm đến núi Ngũ Phong, dựng một thảo am nhỏ bên cạnh tháp mộ Bổn sư Viên Giác để tiện việc chăm nom. Đây là vùng đất bằng phẳng với phong thủy hữu tình, phía xa phương Nam có núi Thiên Thai cao ngất, phía Bắc có núi Ngự Bình và phía Đông chính là ngọn núi Ngũ Phong. Năm ấy là năm Khải Định thứ 8, chùa Tra Am đã có mặt từ duyên khởi đầu tiên ấy ( ).

Năm Giáp Tý (1924) năm Khải Định thứ 9, Ngài được cung thỉnh vào hàng Đệ nhị Tôn chứng ở Giới đàn chùa Từ Hiếu.

Chùa Tra Am ngày một tấn phát, được nhiều người tìm đến tu học và thỉnh giảng. Ngoài ra chùa còn là nơi danh lam được các hàng thức giả, nhà văn thơ trong hai triều Khải Định và Bảo Đại tìm đến ứng vịnh thi pháp, trao đổi đạo tình. Đặc biệt từng đón các cao Tăng như Ngài Tâm Tịnh ở chùa Tây Thiên; Giác Tiên ở chùa Trúc Lâm; Huệ Pháp ở chùa Thiên Hưng; Phổ Huệ ở chùa Tịnh Lâm, Từ Nhẫn ở miền Nam… tìm đến thăm nom và thư đạo. Đáng lưu ý hơn hết về giá trị của chùa Tra Am qua bài “Tra Am Ký” do Mai Tu – Nguyễn Cao Tiêu viết, càng làm tăng thêm danh tiếng lẫn phong cảnh đạo vị nơi này.

Năm Mậu Thìn (1928) năm Bảo Đại thứ 3, Ngài đã an nhiên thị tịch tại chùa Tra Am, thọ 49 tuổi đời, 32 năm xuất gia tu tập, với 27 Hạ lạp.

Tháp bảy tầng của nhục thân Ngài được các đệ tử xây dựng bên phải chùa Tra Am, mặt hướng về phía Tây, nhìn ra dòng Tẩy Bát Lưu.