Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành
—o0o—
HÒA THƯỢNG THÍCH LIỄU NGỌC
(1826 – 1900)
Hòa thượng pháp danh Liễu Ngọc, tự Phổ Minh, sau cầu pháp với Tổ Tiên Giác – Hải Tịnh được pháp hiệu là Minh Ngọc, tự Châu Hoàn, nối pháp dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 37. Ngài thế danh là Trần Viên Ngoạn, sinh năm Bính Tuất (1826 – đời vua Minh Mạng thứ 7) tại làng Bình Thủy, tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang (nay là tỉnh Cần Thơ).
Ngài sinh ra trong một gia đình trung lưu. Thuở nhỏ ngài theo học nho, được thầy bạn khen là thông minh và có nết hạnh tốt. Chẳng may phụ thân mất sớm, Ngài được mẹ già sớm hôm nuôi dưỡng và thường dẫn đi chùa lễ Phật nghe kinh. Do đó căn lành được khơi dậy Ngài quyết chí qui hướng về Tam bảo.
Năm 16 tuổi (1842), Ngài được mẫu thân cho phép xuất gia học đạo với Hòa thượng trụ trì chùa Long Quang, ngôi chùa làng ở quê nhà, được Bổn sư ban pháp danh là Liễu Ngọc. Từ đó, nương mình dưới bóng từ bi, trên nhờ minh sư dạy bảo, dưới cùng pháp lữ tham tầm, sớm chiều làm bạn với hoa đàm, đuốc tuệ, nghiên cứu kinh tạng Phật môn, không bao lâu Ngài đã có được bước tiến rất dài trên đường ngộ nhập.
Năm Bính Ngọ (1846) đời Thiệu Trị thứ 6. Một hôm, nhân thời công phu tịnh độ tại điện Phật, bất chợt nhìn thấy cánh hoa héo rụng trên bàn, Ngài thoát nhiên giác ngộ. Từ biệt bổn sư, Ngài đến Tổ đình Giác Lâm ở làng Phú Thọ, tỉnh Gia Định, thỉnh cầu Hòa thượng Tổ sư Tiên Giác – Hải Tịnh là vị cao Tăng danh tiếng thời bấy giờ, ấn chứng sự tỏ ngộ của mình. Hòa thượng Tổ sư rất hài lòng, bèn truyền Đại giới cho Ngài và đặt pháp hiệu là Minh Ngọc, tự Châu Hoàn. Sau đó, Ngài ở lại chùa Giác Lâm, phụ tá Hòa thượng Tổ sư trong công cuộc hoằng hóa lợi sanh, và để học hỏi thêm giáo điển.
Ngày 10 tháng 10 năm Kỷ Dậu, triều Tự Đức năm thứ 2 (1849) lúc đó Ngài mới 24 tuổi, được Tổ sư Tiên Giác – Hải Tịnh cử về trụ trì chùa Hội Phước ở rạch Nha Mân, huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Nhận thấy ngôi Tam bảo Hội Phước tuy gọi là chùa nhưng thực ra đây là một ngôi thảo am nhỏ bé, không đủ rộng để tiếp Tăng độ chúng và hoằng dương chánh pháp, nên qua năm sau, năm Tự Đức thứ 3 (1850) Ngài khuyến giáo thập phương đóng góp công đức, rồi lên vùng Tây Ninh mua cây gỗ về kiến tạo thành một ngôi phạm vũ huy hoàng. Đến nay, đó vẫn còn có một danh lam thắng cảnh của tỉnh Đồng Tháp.
Năm Mậu Thìn (1868) chùa Phước Lâm ở Mỹ Tho mở Đại giới đàn, Ngài được chư Sơn cung thỉnh giữ chức Giáo thọ A Xà Lê.
Trải bao năm trên cuộc hành trình của một Như Lai sứ giả, Ngài hết lòng vì đạo pháp : nào là khai Hương kiết Hạ, tiếp chúng độ Tăng, nào là xây dựng già lam, trùng tu phạm vũ; đâu có Phật sự cần đến, Ngài sẵn sàng ghé vai chung lo, không quản ngại tuổi già sức yếu. Uy tín và đức độ của Ngài đã cảm hóa biết bao tín đồ tại gia và xuất gia ở vùng Nha Mân – Sa Đéc, rất nhiều vị qui ngưỡng đến xin cầu pháp nương học với Ngài.
Đến năm Canh Tý(1900) ngày mồng 3 tháng 3, Ngài lâm bệnh nhẹ, cho gọi môn đồ đến khuyên bảo tinh tấn tu học, trau dồi giới hạnh, giữ vững đạo mạch, bảo tồn uy danh môn phái. Đoạn Ngài chắp tay niệm Phật rồi an tường thị tịch, hưởng thọ 75 tuổi đời, 54 tuổi Hạ. Môn đồ pháp quyến xây tháp tôn thờ nhục thân Ngài trong khuôn viên chùa Hội Phước.
Khi đã ngộ ra chân lý khổ, không, vô ngã thì dù hành trạng ít nhiều ở một lần có mặt của một Thiền sư, đều là một dấu son đáng trân trọng. Ở đây, Ngài Liễu Ngọc – Châu Hoàn như cơn gió thoảng qua, làm tươi mát trên đường đời một khoảng thời gian, để lại sự cảm hoài nhè nhẹ mãi vấn vương cho hậu thế. Song đâu phải mục đích là đây và hơn nữa, trước khi giác tha, phải tích lũy thật cao dày sự tự giác. Trường hợp Hòa thượng Liễu Ngọc là một minh chứng ghi lại cho đời.