Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP I
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành
HÒA THƯỢNG
THÍCH THIỆN CHƠN
(1914 – 1992)
Hòa thượng pháp danh Kiểu Lợi, pháp hiệu Ngộ Chơn, pháp tự Thiện Chơn, thế danh Trần Thanh, sinh năm Giáp Dần (1914), tại xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ngài là trưởng nam trong một gia đình trung nông Nho giáo, nhưng lại qui ngưỡng Phật giáo. Thân phụ là ông Trần Văn Tri, pháp danh Kiểu Sanh, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Giận, pháp danh Quảng Thời. Khi Ngài lên 10 tuổi thì thân phụ xuất gia, về sau người em trai của Ngài cũng xuất gia và trú trì chùa Phước Duyên ở xã Tân Thạch.
Khi lên 7 tuổi, Ngài được đi học quốc ngữ ở trường làng. Về nhà, lại được thân phụ dạy thêm chữ Nho nên Ngài sớm có vốn Nho học. Lớn lên, Ngài có ý muốn xuất gia, nhiều lần bày tỏ cùng thân mẫu, nhưng đều bị can ngăn, Ngài vẫn không nhụt chí. Mãi đến năm Giáp Tuất (1934), lúc đó Ngài tròn 20 tuổi, mới được toại nguyện.
Ngài tìm đến chùa Vạn An ở Sa Đéc, xin quy y thọ giới với Hòa thượng Liễu Ngọc. Nhờ sẵn có vốn Hán học, lại thêm chí tâm tu học, Ngài sớm thông hiểu kinh tạng và được thọ giới Cụ túc.
Năm 1937, sau khi đã học xong khóa Tiểu học Phật giáo tại chùa Vạn An – Sa Đéc, do chi hội của Hội Lưỡng Xuyên Phật Học tổ chức. Ngài được Bổn sư cho ra Huế theo học trường Trung học Phật giáo tại chùa Báo Quốc trong hai năm, Ngài luôn tỏ ra là một học Tăng xuất sắc.
Năm 1939, Ngài trở về Nam giữa lúc người Pháp ra sức đàn áp các phong trào yêu nước, nhiều người bị bắt bớ, tra tấn và tù đày, sinh hoạt các chùa chiền cũng bị ảnh hưởng lớn. Ngài được Bổn sư cho về chùa Hội Phước ở Nha Mân. Trong thời gian này, Ngài cùng tham cứu kinh điển với các Hòa thượng Bửu Chung, Hòa thượng Phước Ân, Hòa thượng Long An…
Năm 1940, với bản tính hiền hòa, lịch thiệp và tinh thông Phật pháp, Ngài được Tổ Vạn An phong chức Pháp sư và làm Đốc giáo Phật học viện Vạn An – Sa Đéc, hướng dẫn Tăng Ni tu học hơn 100 vị.
Năm 1942, Ngài được cử làm Pháp sư giảng dạy trường Hương ở chùa Thiên Phước, Tân Hương, Long An.
Năm 1943, Ngài liên tiếp dạy trường Hương chùa Tân Thạnh ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, rồi đến chùa Linh Phong ở Tân Hiệp.
Năm 1944, Ngài trở về quê nhà xây dựng nên ngôi chùa Vạn Phước.
Năm 1945, Ngài mở Phật học đường Bảo An ở Quới Sơn, với số lượng Tăng Ni tới học có đến 200 vị.
Năm 1948, Ngài lại mở trường gia giáo tại chùa Tôn Thạnh, Long An trong ba năm.
Năm 1957, Hòa thượng Thích Hành Trụ mở Phật học đường Tăng Già và Giác Nguyên ở Khánh Hội Sài Gòn, mời Ngài đảm trách chức vụ Pháp sư, hướng dẫn Tăng Ni tu học trong bốn năm.
Năm 1963, Ngài tham gia cùng Tăng Ni, Phật Tử trong phong trào đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Sau đó, Ngài về đảm trách Phật sự và dạy bảo Tăng chúng tại chùa Hội Long ở thị xã Long An.
Năm 1965, Ngài về trú trì chùa Phước Duyên. Tại đây, Ngài dừng chân tịnh dưỡng, tiếp tục phiên dịch kinh sách và trước tác cho đến khi Ngài viên tịch vào ngày 15 tháng 6 năm 1992 tức rằm tháng 5 năm Nhâm Thân, hưởng thọ 78 tuổi đời, 58 tuổi đạo.
Trong cuộc đời hoằng pháp, Ngài đã dành tâm lực và thì giờ cho công tác phiên dịch. Các tác phẩm để lại như sau:
– Luật Tứ Phần hiệp chú.
– Luật Tứ Phần Tỳ Kheo Ni lược ký.
– Tỳ Ni Hương Nhũ
– Kinh Vạn Phật.
… và nhiều bộ khác.
Hòa thượng là một Pháp sư danh tiếng ở khắp miền Lục tỉnh Nam bộ, góp phần đem pháp âm chuyển hóa nhân gian và giáo dục thế hệ kế thừa sự nghiệp sứ giả Như Lai.