Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP I
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành
HÒA THƯỢNG
THÍCH HUỆ HƯNG
( 1917 – 1990 )
Hòa thượng Thích Huệ Hưng, húy Ngộ Trí thuộc dòng thiền Lâm Tế đời thứ 39, là đệ tử Sư tổ Vạn An (Sa Đéc ).
Ngài thế danh là Nguyễn Thanh Chẩm, sanh năm Đinh Tỵ (1917) tại làng Mỹ Tho, quận Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ là cụ Nguyễn Minh Biện, pháp danh Minh Chiếu, thân mẫu là cụ Trần Thị Mậu pháp danh Diệu Thiệt. Năm 62 tuổi, cụ bà xuất gia thọ giới Sa Di Ni.
Là con trưởng trong gia đình gồm bảy anh em, Ngài dìu dắt các bào đệ bước vào lộ trình giải thoát như :
1/ Thượng tọa Thích Huệ Viên, trụ trì chùa Sơn Bửu (Vũng Tàu ).
2/ Thượng tọa Thích Minh Cảnh, trụ trì tu viện Huệ Quang.
3/ Ni Sư Thích Nữ Như Trí (đã viên tịch năm 1978).
4/ Ni Sư Thích Nữ Như Diệu, trụ trì tu viện Diệu Đức, Quận Bình Thạnh.
Vốn sanh trong gia đình trung lưu phúc hậu, nhiều đời kính tín Tam Bảo, sâu trồng ruộng phước Tăng già, Ngài sớm nhận thức cảnh trần gian ảo mộng, cuộc đời giả huyễn vô thường. Ngài đến núi Sập để tìm nơi tu dưỡng, hằng ngày lo niệm Phật tụng kinh. Cơ duyên hội đủ, Ngài được Tổ Vạn An (Sa Đéc) cho thế phát năm 1938, lúc ấy Ngài vừa tròn 21 tuổi.
Năm 1942, Tổ Vạn An khai đàn trao giới, Ngài chính thức thọ Sa Di. Vốn thông minh sẵn có và lòng khát ngưỡng Đại Thừa, ngày đêm Ngài tinh tấn tu hành, lo phụng trì chánh giới.
Năm 1943, Tổ Vạn An biết Ngài là bậc pháp khí Đại Thừa, xứng đáng ngôi Long Tượng của Phật pháp bèn quyết định cho thọ Tỳ Kheo Bồ Tát Giới tại chùa Viên Giác ở Vĩnh Long. Sau đó ở lại chùa này học kinh luật trong mười tháng rồi qua chùa Phước Duyên ở Mỹ Tho tu học cho đến năm 1945, Ngài vào học tại Phật Học Đường Lưỡng Xuyên – Trà Vinh được 6 tháng. Vì tình hình chiến sự trong nước, Ngài phải trở về học với Hòa thượng Hành Trụ tại chùa Long An – Sa Đéc.
Cuối mùa đông 1947, Ngài cầu học với Hòa Thượng Thích Trí Tịnh tại Phật Học Đường Liên Hải – Sàigon.
Năm 1951, Ngài dưỡng bệnh tại chùa Giác Nguyên – Khánh Hội, đồng thời dạy kinh pháp cho Tăng chúng. Cũng tại chùa Giác Nguyên này, Ngài phiên dịch kinh Duy Ma Cật và Kim Cang Giảng Lục.
Năm 1954, với hoài bão “ Hoằng pháp là nhà, lợi sanh là sự nghiệp”, Ngài đã phụ giúp Hòa Thượng Thích Thiện Hòa, viện chủ chùa Ấn Quang giảng các bộ kinh Đại Thừa.
Năm 1955, Ngài làm Phó Liên trường Hội Cực Lạc Liên Hữu do Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Chánh Liên trường.
Năm 1956, Ngài sang Nam Vang dạy khóa hạ tại chùa Chuẩn Đề, khi trở về Ngài được mời làm trụ trì chùa Kim Huê – Sa Đéc.
Năm 1957, Giáo Hội Tăng Già Nam Việt mở khóa huấn luyện trụ trì “Như Lai Sứ Giả” tại chùa Pháp Hội do Hòa Thượng Thích Thiện Hòa làm Trưởng ban và mời Ngài đảm nhiệm Phó trưởng ban kiêm Thư ký.
Năm 1958, Ngài giảng dạy tại Phật Học Đường Phước Hòa – Trà Vinh.
Năm 1960, Ngài mời Thượng tọa Huệ Phát giữ chức vụ trụ trì chùa Kim Huê để Ngài yên tâm nhập thất thiền định.
Năm 1962, Ngài xây dựng Thiền viện Tập Thành ở Bà Chiểu và làm giới sư Đại giới đàn Phật Học Đường Nam Việt chùa Ấn Quang.
Năm 1964, ngài được mời làm giới sư tại Đại giới đàn Việt Nam Quốc Tự.
Từ năm 1966 đến 1969 Ngài làm giáo sư tại Phật Học Viện Cao Đẳng Huệ Nghiêm và giảng kinh Viên Giác tại chùa Tuyền Lâm.
Năm 1970, Ngài khai sơn Tu Viện Huệ Quang rồi thường trụ và hành đạo tại đây. Ngài được mời làm giới sư tại các giới đàn: Huệ Quang – Mỹ Tho (năm 1972), Phước Huệ – Nha Trang (năm 1973), Quảng Đức – Long Xuyên (năm 1974) và được mời làm thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cùng được suy cử làm Tổng lý Hội đồng Quản trị Tổ đình Ấn Quang.
Từ năm 1976 đến 1980, hai Đại giới đàn Quảng Đức và Thiện Hòa được mở ra tại chùa Ấn Quang, Ngài được cung thỉnh làm Yết Ma A Xà Lê.
Năm 1982, Thành Hội Phật Giáo Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ I đề cử ngài giữ chức vụ Phó Ban Trị Sự Thành hội kiêm Ủy Viên Giáo Dục Tăng Ni.
Năm 1984, Ngài là giới sư Đại giới đàn do Thành Hội Phật Giáo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại chùa Ấn Quang. Đồng thời Ngài được mời giảng dạy tại các trường hạ do Thành Hội tổ chức cùng giữ chức Hiệu Phó kiêm giảng viên trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam cơ sở 2.
Năm 1987, Đại Hội Phật Giáo nhiệm kỳ II, Ngài được tái cử chức vụ Phó Ban Trị Sự Thành Hội. Mùa an cư năm này, Ngài làm thiền chủ trường hạ do Thành Hội tổ chức tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm. Tháng 10/1987, Ngài đi dự Đại Hội Phật Giáo toàn quốc kỳ II tại Hà Nội. Ngài được tấn phong Hòa thượng và được đề cử làm Trưởng ban Tăng sự Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Năm 1988, Ngài làm Yết Ma A Xà Lê tại Đại giới đàn do Thành Hội Phật Giáo tổ chức lần thứ II tại chùa Ấn Quang.
Năm 1989, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam được thành lập, Ngài được cử làm Trưởng ban Phật giáo chuyên môn.
Cuộc đời hành hóa của Ngài rất bình dị, chơn tu thật học, nghiêm trì giới luật, xiển dương Phật pháp bằng con đường giáo dục. Ngài là một luật sư giáo thọ của Tăng Ni, Phật Tử trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Trong sự nghiệp tham thiền và giảng dạy, Hòa Thượng đã phiên dịch:
– Kinh Duy Ma Cật.
– Kim Cang Giảng Lục.
– Lược Sử Đức Lục Tổ.
– Pháp môn tu chứng Lăng Nghiêm Đại Định.
Chưa xuất bản:
– Kinh Phật thuyết Đương Lai Biến.
– Kinh Phật thuyết diệt tận.
– Tập Tri Kiến Giải Thoát.
Đang soạn dịch:
– Kinh Phạm Võng Hiệp Chú.
Theo năm tháng trôi qua, bốn đại tùy duyên thuyên giảm, Ngài ngọa bịnh tại thiền sàng. Chẳng bao lâu Hòa thượng thu thần viên tịch vào ngày 28 tháng Giêng năm Canh Ngọ (1990). Ngài trụ thế được 74 năm, với 46 hạ lạp. Bảo tháp Ngài được xây dựng tại Đại Tòng Lâm – Bà Rịa để cùng đứng chung với các vị tiền bối đã kiến tạo nên cơ sở Tổ đình Ấn Quang.