Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP I
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành
HÒA THƯỢNG
HỘ TÔNG
(1893- 1981)
Hòa thượng Hộ Tông thế danh là Lê Văn Giảng, sinh năm 1893 tại làng Tân An, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. Ngài xuất thân trong một gia đình trung lưu trí thức, thân phụ là ông Lê Văn Như, thân mẫu là bà Đinh Thị Giêng. Thuở nhỏ Ngài theo học chữ Hán và chữ Việt tại làng Tân An. Đến năm 20 tuổi Ngài sang Phnômpênh học chương trình Pháp văn tại trường Collège Sisavatt. Ngài thi đậu bằng Diplôme. Sau đó Ngài về học ngành Thú y tại trường Cao Đẳng ở Hà Nội, đậu bằng bác sĩ thú y, và làm việc tại Campuchia.
Mặc dù thành công mỹ mãn trên đường đời, có địa vị trong xã hội, nhưng men danh lợi không làm say lòng Ngài. Năm 34 tuổi, Ngài phát tâm bắt đầu từ bỏ thế tục, hướng về nghiên cứu con đường tu hành, thoát khỏi mùi danh bả lợi. Ngài tìm đọc nhiều kinh sách khác nhau và thực hành khổ hạnh, tuyệt dục. Cuối cùng Ngài gặp được đức Phó Vua sãi tại chùa Unalom Phnômpênh Campuchia. Ngài được Đức Phó Vua sãi giảng dạy bát chánh đạo và bảo Ngài hãy đến Pháp Bảo Viện đọc quyển Bát Chánh Đạo bằng tiếng Pháp. Từ đó Ngài có duyên lành với Phật giáo Nam Tông tại xứ Chùa Tháp Campuchia. Ngài cùng với ông Nguyễn Văn Hiểu và các cư sĩ người Việt khác hội họp lúc thì tại Sài Gòn, lúc tại Phnômpênh để đàm đạo về Phật pháp. Ngài lập một ngôi chùa tại Phnômpênh là chùa Sùng Phước để hướng dẫn Việt kiều tu học theo Phật giáo Nam Tông. Mọi người gọi Ngài là A-Cha Giảng với lòng tôn kính. Vào ngày rằm tháng 10 năm Canh Thìn (1940), Ngài được đức Phó Vua sãi Campuchia truyền giới xuất gia tại chùa Sùng Phước Phnômpênh.
Cũng trong năm 1940, Ngài về Việt Nam xây dựng Tổ đình Bửu Quang tại ấp Gò Dưa, xã Tam Bình, huyện Thủ Đức, Sài Gòn. Đây là ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Nam Tông người Việt. Từ đây nhiều ngôi chùa của Phật giáo Nguyên Thủy được thành lập và Phật giáo Nguyên Thủy bắt đầu được truyền bá ở Việt Nam.
Năm 1944, Ngài trở lại Phnômpênh. Tại xứ chùa Tháp, Ngài chu du khắp nơi, Ngài vào rừng để thực hành thiền định Vipassanà theo hạnh Đầu Đà (Dhutanga).
Năm 1949, Ngài trở về Việt Nam cùng với cư sĩ Nguyễn Văn Hiểu và các thiện tín ban đầu của Phật giáo Nguyên Thủy lập chùa Kỳ Viên ở Bàn Cờ, quận 3, Sài Gòn. Ở đây Ngài thường xuyên thuyết pháp về kinh điển Pàli cho cư sĩ tín đồ tu học theo giáo lý Nguyên Thủy.
Từ lúc thấm nhuần chánh pháp, Ngài luôn luôn tinh tấn hành đạo và hoằng pháp lợi sanh.
Năm 1954, Ngài cùng với Hòa thượng Bửu Chơn đã tham dự hội nghị kết tập Tam Tạng Pàli lần thứ 6 tại Rangoon – Miến Điện. Ngài đã đọc diễn văn trong ngày bế mạc hội nghị.
Ngài đến Ấn Độ chiêm bái bốn Thánh tích trung tâm : Bồ Đề Đạo Tràng, Vườn Lộc Uyển, Vườn Lâm Tì Ni và nơi Phật nhập Niết Bàn. Ngài cũng xuất ngoại sang Thái Lan và Tích Lan để nghiên cứu Tam Tạng Pàli và thực hành Thiền Tứ Niệm Xứ.
Ngày 18-12-1957 Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam được thành lập. Trong Ban Chưởng Quản lâm thời, Ngài được bầu làm Phó Tăng Thống đệ nhị. Sau đó, chính thức bầu Ban Chưởng Quản Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam khóa I, Ngài được suy cử chức vụ Tăng Thống.
Ngài đã xây dựng nhiều ngôi chùa, đào tạo nhiều Tăng tài, cho xuất gia nhiều tu nữ, thành lập Phật học viện, Thiền viện.
Ở Lâm Đồng, Ngài lập Thiền viện Tam Bố năm 1963 và Thiền viện Phi Nôm năm 1964.
Ở Thủ Đức, Sài Gòn, Ngài lập tu viện Bửu Long và Phật học viện Nguyên Thủy năm 1970, và ở Vũng Tàu, Ngài lập chùa Bồ Đề năm 1969 trên Núi Lớn.
Ngài cũng hợp tác với các vị cao Tăng khác trong Phật giáo Nguyên Thủy để lập các chùa Tam Bảo-Đà Nẵng năm 1953, chùa Giác Quang- Chợ Lớn năm 1950, chùa Pháp Quang-Gia Định năm 1958, chùa Tăng Quang ở Huế năm 1959 v.v…
Đến năm 1971, Ngài tiếp tục đảm nhận chức Tăng Thống, nhưng ủy quyền lại cho Hòa thượng Bửu Chơn lúc bấy giờ là Phó Tăng Thống điều hành, còn Ngài sang Thái Lan để hành thiền và nghiên cứu Tam Tạng Pàli. Sau đó Ngài trở về Việt Nam tiếp tục hành đạo và hoằng dương giáo pháp.
Năm 1980, Nhà nước Việt Nam cho phép Ngài xuất cảnh sang Pháp chữa bệnh. Ở Pháp hơn một năm vì nỗi nhớ quê hương, nhớ chư Tăng và các ngôi chùa thân yêu, Ngài xin trở về Việt Nam, dừng bước tại chùa Bửu Long- Thủ Đức, nơi đây Ngài trùng tu cảnh Bồ Đề Đạo Tràng. Sau đó, Ngài tổ chức làm phước cúng dường trai Tăng bảy ngày và cúng dường đến 33 ngôi chùa Phật giáo Nguyên Thủy.
Ngày 26-7 năm Tân Dậu, tức 25/8/1981 trước những giờ phút cuối cùng, Ngài rất minh mẫn còn giảng dạy Thiền định về đề mục niệm hơi thở cho các đệ tử thân cận. Bài pháp vừa xong, Ngài an lành viên tịch, với nét mặt trang nghiêm tươi tỉnh như đang nằm nghỉ ngơi. Lúc ấy là 16 giờ 45 phút. Ngài hưởng thọ 89 tuổi đời, 41 tuổi đạo.
Công đức du nhập Phật giáo Nguyên Thủy vào Việt Nam của Ngài vô cùng to lớn. Ngài là vị Tổ khai sơn của Phật giáo Nam Tông người Việt. Ngài có nhiều đức tính ưu việt mà các hàng đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài không bao giờ quên được. Ngài là một người ngay thẳng, bộc trực, nghiêm khắc nhưng bao dung, thích độc cư thiền định, thực hành hạnh bố thí xả ly. Báo thân ấy đã tan rã, nhưng sự nghiệp hoằng pháp và tấm gương tu hành tinh chuyên của Ngài còn mãi. Các kinh sách đã được Ngài phiên dịch và ấn hành:
– Nhật hành của cư sĩ.
– Cư sĩ thực hành.
– Luật Xuất Gia quyển 1, 2.
– Vi Diệu Pháp vấn đáp.
– Nền Tảng Phật Giáo.
– Sơ Thiền Tâm.
– Thanh Tịnh Kinh.
– Quỷ Vương Vấn Đạo.
– Tứ Diệu Đế.
– Bát Chánh Đạo.
– Pháp Trích Yếu.
– Phật Giáo chánh lời Phật thuyết.
– Phép Chánh Định.
– Phật Ngôn.
– Thập Độ.
– Triết lý về nghiệp v.v…