Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành
HÒA THƯỢNG THÍCH KHẾ HỘI
(1921 – 1999)
Hòa thượng Thích Khế Hội, pháp danh Nguyên Chơn, tự Thiện Minh, hiệu Trí Thành; Ngài họ Nguyễn, húy Khế Hội, sinh năm Tân Dậu 1921, tại làng Triều Sơn, xã Xuân Thọ, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, thân phụ là cụ Nguyễn Văn Chốn, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Chữ. Song thân Ngài đều thâm tín Phật pháp, hai cụ có 7 người con, Ngài là con thứ 7 trong gia đình; tư chất thông minh, hiếu học.
Nhờ truyền thống tín ngưỡng Phật đạo trong gia đình, và nhờ Hòa thượng Phúc Hộ, một vị danh Tăng của đất Phú Yên, cũng là cậu ruột của Ngài, đã khuyến tấn hướng dẫn Ngài sơ phát tâm xuất gia từ năm 13 tuổi (1931), tại Tổ đình Sắc Tứ Phước Sơn, Đông Tròn, Phú Yên.
Sau đó, Ngài đắc duyên thọ học với Hòa thượng húy Tâm Đạo hiệu Từ Nhân, trụ trì Tổ đình Sắc tứ Long Sơn Bát Nhã Tự tại thôn Phú Mỹ, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, được Hòa thượng thâu làm đệ tử.
Năm 14 tuổi (1932), Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho ra Thuận Hóa tham học tại Phật học đường Báo Quốc kinh đô Huế.
Suốt mười năm miệt mài đèn sách, Ngài đã thâm nhập giáo điển cơ bản từ khóa tu học và tốt nghiệp Đại học Phật giáo tại Tổ đình Báo Quốc, Huế năm 1944. Vừa tròn 24 tuổi, Ngài đã phải ra trường vì nhu cầu cấp bách cho Phật sự. Hòa thượng Bổn sư chỉ có một mình Ngài là đệ tử xuất gia, nên Ngài phải từ giã mái trường Báo Quốc, để trở về lo báo ân Thầy Tổ.
Năm Đinh Hợi 1947, Ngài thọ tam đàn Cụ túc giới nơi Đại giới đàn tổ chức tại chùa Bảo Sơn, Đồng Tre thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, do Hòa thượng Thích Vạn Ân, trụ trì chùa Hương Tích, xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, làm đàn đầu truyền giới.
Ngài đã trưởng thành trong bối cảnh Phật giáo cả nước đang trong thời kỳ chấn hưng và quốc dân đang vùng lên giành độc lập thống nhất giang sơn từ tay người Pháp thống trị. Hội Phật giáo Cứu quốc Phú Yên được thành lập và Ngài được bầu làm Phó Chủ tịch của Hội.
Năm Bính Tuất 1946, Hòa thượng Chủ tịch Thích Hưng Từ xin thôi chức vụ vì lý do sức khỏe, Ngài được cử lên thay, điều hành công tác Phật sự cho đến khi Hiệp định Genève được ký.
Sau năm 1954, phong trào chấn hưng Phật giáo lại được tiếp nối mạnh mẽ khắp Trung Nam. Giáo hội Phật giáo Trung Phần ra đời, Phật giáo Phú Yên là một thành viên trong tổ chức này và Ngài là một trong nhiều tu sĩ trí thức trẻ của đất Phú Yên được giao phó nhiều trọng trách.
Song song với việc đối phó chế độ kỳ thị tôn giáo, độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, cũng như Dụ số 10… Ngài đã chuẩn bị nhân sự kế thừa cho tương lai Phật giáo Phú Yên bằng các phương án :
– Mở rộng việc tiếp Tăng độ chúng để có đội ngũ kế thừa.
– Mở trường Bồ Đề để giáo dưỡng con em Phật tử, tài bồi nhân sự để tích cực hộ trì chánh pháp sau này.
– Mở Phật học viện, gởi Tăng học sinh Phú Yên đến các trường Phật học để được đào tạo. Kết quả hôm nay nhiều vị đã thành đạt và đang giữ nhiều trọng trách chủ chốt trong Giáo hội.
Cuối năm 1963, chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, cuộc đấu tranh của Phật giáo thành công, dẫn đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập từ năm 1964. Ngài được Đại hội đại biểu Phật giáo Phú Yên cung tôn làm Chánh đại diện Phật giáo Tỉnh hội.
Năm Tân Dậu 1981, tất cả 9 giáo phái, hệ phái Phật giáo cả nước họp tại chùa Quán sứ, thủ đô Hà Nội đồng lòng thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài được bầu làm Thành viên trong Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội.
Năm Nhâm Tuất 1982, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Khánh ra đời, Ngài là một trong bốn vị Phó Trưởng ban Trị sự phụ trách Phật giáo cánh Bắc (Phú Yên ngày nay).
Sau khi tách tỉnh, tháng 7 năm 1989, từ nhiệm kỳ đầu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Yên được thành lập (1991) cho đến ngày viên tịch, Ngài được Đại hội Đại biểu Phật giáo khắp toàn tỉnh Phú Yên suy cử làm Trưởng ban Trị sự.
Với chức vụ đứng đầu Phật giáo tỉnh Phú Yên, Ngài được lãnh đạo chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Yên bầu vào Hội đồng nhân dân tỉnh khóa II và là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên suốt 3 nhiệm kỳ (từ khóa V, VI, VII).
Trong cuộc đời hoằng pháp độ sanh, Ngài đã truyền cao ngọn đuốc chánh pháp của riêng mình cho hơn 20 vị đệ tử : Thượng tọa Quảng Hiển, Quảng Phát, Quảng Đàm, Quảng Mẫn, Quảng Niệm, Quảng Định… tùy duyên phổ hóa trải dài từ vùng đất Phú Yên tới thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu… Và trùng tu, xây dựng những ngôi già lam: Bảo Tịnh, Bát Nhã, Từ Quang… thành nơi cảnh trí trang nghiêm, cơ ngơi kỳ vĩ.
Vào ngày 14 tháng 6 năm 1999, tức mùng 1 tháng 5 năm Kỷ Mão, hóa duyên đã mãn, Ngài thâu thần thị tịch, với 78 năm trụ thế, có 52 Hạ lạp.
Trên 40 năm tận tụy phục vụ đạo pháp – nhân sinh, khơi thông mạng mạch, thắp sáng nguồn thiền, công đức của Hòa thượng thật mênh mông rộng lớn, làm rạng danh Phật giáo Phú Yên cho đương thời và hậu thế.