Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành
HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN TÍN
(1921 – 1999)
Hòa thượng Thích Thiện Tín, pháp húy Nhựt Trí, pháp tự Thiện Tín, pháp hiệu Phổ Thông, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 41. Ngài thế danh Lê Văn Điệp, sanh ngày 02 tháng 02 năm Tân Dậu (1921) tại xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, thân phụ là cụ ông Lê Văn Nghĩnh, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Trừu, Ngài là người con thứ 5 trong gia đình có 10 anh em.
Song thân Ngài vốn theo nghề nông nhưng rất chú trọng đến văn hóa, nên thuở nhỏ Ngài được cha mẹ chăm lo việc học chữ một cách chu đáo. Năm lên 7 tuổi Ngài bắt đầu vào học tại trường Tiểu học Tân Thạch – Bến Tre. Sáu năm hết chương trình Tiểu học, năm 13 tuổi(1933), Ngài thi vào trường Trung học tỉnh Mỹ Tho, thi đậu nhưng do học xa, chi phí nhiều, gia đình không đủ tài chánh nên Ngài đành bỏ dở việc học.
Thuở ấy gần nhà có một ngôi chùa tên Hội Phước, Hòa thượng trụ trì là một vị cao Tăng đương thời, đạo cao đức trọng nên Tăng Ni, Phật tử gần xa quy ngưỡng về tu học rất đông. Đương cơn thất chí thấy cảnh chùa sùng thịnh thanh thoát, Ngài tìm đến những mong khuây khỏa nỗi lòng. Ngày qua ngày câu kinh tiếng kệ dần dà tỉnh thức túc duyên. Như người du tử sau bao năm tháng lìa bỏ quê nhà nay trở lại chốn cũ. Ngài đã thấy thân quen từng bờ cây, bụi cỏ, người xuất gia sao mà hiền hòa dung dị, chư Phật Bồ Tát sao mà từ bi, yêu thương, giáo pháp sao mà cao siêu mầu nhiệm, đời sống phạm hạnh sao mà nhẹ nhàng thanh thoát, Ngài thật sự cảm nhận đây chính là nhà của mình và ý hướng gắn bó đời mình với chốn này ngày càng mãnh liệt.
Cuối cùng khi thiện duyên chín muồi, Ngài xin phép gia đình cho được xuất gia, song thân tuy biết con đường này là đúng đắn nhưng nghĩ đời sống tu hành gian khổ, thương con nên không muốn cho Ngài đi tu. Thế nhưng chí đã quyết, duyên đã hội, cha mẹ Ngài dẫu cố níu kéo nhưng vẫn không sao ngăn nỗi ý hướng xuất trần của Ngài.
Năm Bính Tý 1936, lúc Ngài vừa tròn 15 tuổi, được sự chấp thuận của song thân, Hòa thượng Tổ Hội Phước đã chính thức làm lễ thế phát, truyền trao giới pháp và ban pháp danh là Nhựt Trí.
Duyên trần dứt bỏ, nẽo đạo tầm tu, Ngài nương tựa Hòa thượng Bổn sư dốc tâm nghiên cứu kinh luật, rèn trao giới hạnh. Bản tính thông minh lại thêm cần mẫn siêng năng nên chẳng bao lâu hai thời công phu khóa lễ Ngài đều làu thông, phạm tắc oai nghi thảy đều thuần thục.
Năm Kỷ Mão 1939, nhận lời cầu thỉnh của chư Ni chùa Thiên Phước, Hòa thượng Bổn sư về trụ trì chùa Thiên Phước – Tân Hương, Ngài cũng theo về đây tu học.
Năm Canh Thìn 1940, Hòa thượng khai trường Hương – trường Kỳ tại chùa Thiên Phước, Tăng Ni quy tụ về tu học có cả trăm vị. Hòa thượng làm chủ Hương, Hòa thượng Phước Tường làm Thiền Chủ, Hòa thượng Khánh Anh làm Pháp sư và Sư bà Diệu Kim (Cần Thơ) làm Pháp sư Ni giới, Ngài được Bổn sư cho thọ Sa di giới trong đàn giới này.
Đàn giới hoàn mãn, thấy sức khỏe mình suy kém nên Hòa thượng giao chùa lại cho Ni sư Thiên Phước rồi lui về chùa Hội Phước an dưỡng. Ngài cũng theo Thầy trở lại bản tự, ít lâu sau Ngài lại xin phép Bổn sư cho đi du phương tham học.
Năm Tân Tỵ 1941, Ngài đến chùa Long An, Đồng Đế, Trà Ôn học bộ Luật Giải với Hòa thượng Khánh Anh.
Năm Nhâm Ngọ 1942, Hòa thượng Khánh Anh trụ trì chùa Phước Hậu, Trà Ôn. Ngài theo Hòa thượng về đây học bộ Di Đà Sớ Sao và Bộ Lục Ly Hiệp Thức.
Năm Quý Mùi 1943, Hòa thượng Khánh Anh dẫn chúng về Phật học đường Lưỡng Xuyên. Ngài lại theo Hòa thượng về đây tu học, ở đây Ngài được học các bộ: Bách Pháp Minh Môn Luận, Thập Thiện, Bát Đại Nhân Giác, Duy Thức đích khoa học, Lăng Nghiêm Chánh Mạch v.v… và cũng trong năm này Ngài đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đàn giới chùa Lưỡng Xuyên, lúc ấy Ngài vừa tròn 22 tuổi.
Năm Giáp Thân 1944, giặc giã, chiến tranh nổi lên khắp nơi, Phật học đường Lưỡng Xuyên phải ngừng hoạt động, Ngài trở lại Tổ đình Hội Phước.
Năm Ất Dậu 1945, Hòa thượng Bổn sư bệnh nặng phải dời về nhà Phật tử Lâm Tấn Tài ở Vang Quới – Bình Đại an dưỡng, Ngài cũng theo về đây để phụng sự, chăm sóc cho Hòa thượng, trong thời gian này, Hòa thượng sai đệ tử dựng một thảo am trong vuông đất của cư sĩ Lâm Tấn Tài để tịnh dưỡng và Hòa thượng đặt tên am là Bửu Tháp. Khi am tranh vừa hoàn tất thì Hòa thượng viên tịch. Nhục thân của Hòa thượng được nhập tháp trong khuôn viên ngôi Bửu Tháp này.
Sau khi Hòa thượng Bổn sư viên tịch, Ngài đã trụ lại đây suốt 12 năm để cư lư, hương khói thờ Thầy. Trong thời gian cư lư Ngài đã chánh thức biến am Bửu Tháp thành chùa và mở lớp dạy gia giáo cho Tăng Ni trẻ trong vùng, vì thế mà tiếng tăm chùa Bửu Tháp ngày càng được nhiều người biết đến, đạo tràng nhờ đó mà mỗi lúc một thêm hưng thịnh. Có một vị danh Tăng trong thời kỳ này cũng đến đây tịnh tu, đồng thời trợ duyên giáo hóa với Ngài, đó là Hòa thượng Thiền Tâm, Hòa thượng chuyên tu Tịnh độ, cất một tịnh thất gần chùa, hiển dương pháp môn niệm Phật.
Năm Đinh Dậu 1957, nhận lời thỉnh cầu của Phật tử Trần Kim Tính, Ngài về trụ trì chùa Phật Quang ở thị xã Bến Tre.
Năm Mậu Tuất 1958, Ngài tham dự khóa Như Lai sứ giả do Giáo hội Tăng Già Nam Việt tổ chức tại chùa Pháp Hội – Sài Gòn.
Năm Canh Tý 1960, Ngài trùng tu lại Tổ đình Hội Phước, do đã hư hoại sau khi Hòa thượng Bổn sư viên tịch.
Năm Tân Sửu 1961, Hội đồng xã An Hội – tỉnh Bến Tre cúng chùa Viên Minh cho 3 vị : Hòa thượng Thanh Từ, Hòa thượng Huyền Vi và Ngài. Hai vị kia vì công tác Giáo hội nên không có mặt thường xuyên, Ngài chịu trách nhiệm thường trực trụ trì, ít lâu sau đó do nhu cầu Phật sự quá đa đoan nên Ngài thỉnh Hòa thượng Thích Hiển Pháp về làm Phó trụ trì, phụ giúp trông coi việc xây cất trường Bồ Đề.
Hoạt động Phật sự đang hồi phát triển tốt đẹp, Ngài cùng quí Hòa thượng tôn túc đang dốc hết tâm lực mở mang Phật giáo tỉnh nhà, thì kế đến năm 1963 chính quyền Ngô Đình Diệm với chế độ độc tài đàn áp Phật giáo khiến cho Tăng Ni, tín đồ phải lao đao khổ sở. Trong giai đoạn pháp nạn này, Ngài bản tính vốn hiền hòa, nhưng trước hoàn cảnh bị áp bức, chèn ép nên đã tham gia cùng Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà đấu tranh đòi quyền tự do tín ngưỡng.
Năm Giáp Thìn 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất ra đời, Ban Đại diện Phật giáo các tỉnh được thành lập. Ngài được Tăng Ni, Phật tử tỉnh Bến Tre tín nhiệm bầu làm Chánh đại diện Phật giáo tỉnh và Ngài đảm nhiệm Phật sự này suốt 3 nhiệm kỳ liền, cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Năm Ất Mão 1975, đất nước thống nhất, với lòng mến đạo thương đời, Ngài tích cực tham gia vào mọi công tác xã hội, đóng góp công sức tài vật cho những nhu cầu thiết thực của quần chúng và nhân dân.
Năm Đinh Tỵ 1977, Ngài được mời làm Ủy viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bến Tre.
Năm Nhâm Tuất 1982, Ngài được đề cử làm Trưởng tiểu ban Phật giáo tỉnh Bến Tre, đại diện cho Tăng Ni, Phật tử liên hệ sinh hoạt Phật sự với chính quyền, Mặt trận các cấp.
Năm Kỷ Tỵ 1989, tỉnh Bến Tre thành lập Ban đại diện Phật giáo lâm thời, Ngài được bầu làm Chánh đại diện.
Năm Nhâm Thân 1992, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bến Tre được thành lập, Ngài lại một lần nữa được Tăng Ni tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban trị sự Phật giáo tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ I.
Ngài làm việc được 3 năm, đến năm 1994 sức khỏe ngày càng suy kém, thường hay đau yếu, thấy không còn đủ khả năng đảm trách Phật sự nên Ngài xin nghỉ về tịnh dưỡng và tu niệm.
Năm 1996 Ngài cho trùng tu lại Hậu tổ chùa Bửu Tháp. Sang năm 1997 Ngài được suy cử vào Ban Chứng minh Phật giáo tỉnh, đến năm 1998 Ngài trùng tu lại Tháp của Hòa thượng Bổn sư.
Ngoài những công tác Giáo hội kể trên Ngài còn Chứng minh rất nhiều Đàn giới, được thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu trong nhiều giới đàn quan trọng của Giáo hội tỉnh. Ngài cũng góp phần rất lớn trong việc đào tạo những bậc Tăng tài rường cột của Phật pháp, đệ tử xuất gia, cầu pháp với Ngài nhiều người đã thành danh hiện đang công tác cho Giáo hội tỉnh, hoặc giảng dạy ở các trường Phật học, hoặc trụ trì các tòng lâm, tự viện.
Ngài sống giản dị, không thị giả, tự mình làm tự mình ăn, không phiền lụy đến ai. Trong những năm tháng khó khăn Ngài không nỡ thọ nhận sự cúng dường của Phật tử, nên tự mình nuôi giấm, làm kinh tế để độ nhật, rồi lấy tiền đó giúp đỡ cho những người nghèo thiếu khác. Nhiều Phật tử đến thăm thấy Ngài tuổi già, đơn chiếc mà lại vất vả, thương quá không cho Ngài làm nữa. Nhưng Ngài nói : “Chúng sanh khổ thì Thầy đâu có vui; chúng sanh khó khăn, túng thiếu thì sao Thầy có thể ngồi không thọ nhận được. Thầy vốn còn khỏe, quý Phật tử cứ để cho Thầy làm. Tổ đức xưa có dạy : “Một ngày không làm thì một ngày không ăn”. Nay Thầy xét mình công đức tu hành chưa có được là bao mà lại làm phiền đến người khác Thầy thật không muốn như vậy”.
Những năm cuối đời, mặc dù sức khỏe rất yếu, đi lại khó khăn nhưng tinh thần Ngài vẫn luôn minh mẫn, xâu chuỗi trên tay vẫn được đều đặn lần từng hạt, từng giờ chánh niệm, nếu có ai đến thăm vẫn thấy Ngài hiền hòa, giản dị như bấy lâu, vẫn tự mình làm hết mọi việc lặt vặt không thị giả, mặc dù đệ tử của Ngài rất nhiều người tình nguyện phụng dưỡng, nhưng Ngài đều từ chối.
Tâm nguyện cuối cùng của Ngài là trùng tu lại chùa Phật Quang, bản vẽ đã xong, giấy phép đã ký chỉ còn đợi ngày khởi công, thế nhưng một sớm ngày 17 tháng 11 năm 1999, như thường lệ, sau khi điểm tâm Ngài đi tưới hoa kiểng quanh chùa, vô tình té ngã và vĩnh viễn rời xa đồ chúng, Ngài sống giản dị mà ra đi cũng giản dị, không phiền lụy đến ai.
Ngài hưởng thọ 79 tuổi, với 57 Hạ lạp – tang lễ được môn đồ pháp quyến tổ chức vô cùng long trọng nhưng cũng rất giản dị. Nhục thân Ngài nhập tháp trong khuôn viên chùa Phật Quang với sự thương tiếc của Tăng Ni Phật tử gần xa.