Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành
HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN CHÂU
(1931 – 1998)
Hòa thượng Thích Thiện Châu, pháp danh Tâm Thật, thế danh là Hồ Đắc Cư, sinh ngày 23 tháng 2 năm 1931 (nhằm ngày 7 tháng 11 năm Tân Mùi) tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngài sinh ra và lớn lên trong một gia đình nho phong nề nếp, thuần kính Tam bảo, thân sinh là cụ ông Hồ Đắc Phách, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Cần. Song thân Ngài đều là người đức độ, hiền lương.
Tuổi còn nhỏ, Ngài đã bộc lộ sự thông minh đĩnh ngộ và có ý chí hướng thượng, khác hẳn với chúng bạn. Ngoài việc học chữ nghĩa theo trường lớp ở thế gian, Ngài còn thường xuyên lui tới Tổ đình Tây Thiên để tụng kinh và nghe quý thầy thuyết giảng giáo lý Phật đà.
Năm 1947, như đã có căn duyên túc trí sâu dày với Phật pháp, đến năm 16 tuổi, Ngài xin phép song thân phát tâm xuất gia với Đại lão Hòa thượng Thích Giác Nguyên, một danh Tăng trong phong trào chấn hưng Phật giáo, tại Tổ đình Tây Thiên Huế, được Hòa thượng thế độ, truyền giới Sa di và ban pháp danh là Tâm Thật.
Năm 1952, Ngài được Bổn sư cho đăng đàn thọ giới Tỳ kheo tại Đại giới đàn chùa Thiên Bửu – Bình Định, dự lãnh vào hàng Tăng bảo, truyền trì mạng mạch chánh pháp của Như Lai, nối tiếp dòng thiền Lâm Tế Liễu Quán thuộc đời thứ 43.
Sau đó, Ngài được Bổn sư gởi đến tham dự khóa đào tạo tại Phật học đường Báo Quốc từ năm 1948 đến năm 1958 với một căn bản về Phật học và Hán văn. Do sở học uyên bác, sở tu nghiêm mật, thêm biện tài thuyết pháp, Ngài lần lượt được cử làm giảng sư tại các tỉnh thành Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Ban Mê Thuột, Phan Thiết và cuối cùng là Sài Gòn, nơi chùa Xá Lợi do cư sĩ Mai Thọ Truyền thân thỉnh. Các buổi thuyết pháp của Ngài thường được đông đảo đồng bào Phật tử dự nghe và tôn kính, Ngài được mệnh danh là : “Ngôi sao sáng Phật học Việt Nam” lúc bấy giờ.
Năm 1961, Ngài được Giáo hội giới thiệu du học tại Viện Đại học Phật giáo Nalanda, bang Bihar, Ấn Độ.
Năm 1963, Ngài tốt nghiệp cử nhân Pàli (Pàlyacharya); đến năm 1965, Ngài tốt nghiệp cử nhân Anh ngữ về triết học Phật giáo.
Từ năm 1965 đến năm 1967, Ngài được Đại đức Shangharahshita, người Anh, mời sang Luân Đôn làm việc cho Giáo hội Tăng già Anh Quốc và nghiên cứu tại trường Đông Phương và Phi Châu học (School of Oriental and African Studies) thuộc Viện Đại học Luân Đôn.
Năm 1967, Ngài sang Pháp tiếp tục nghiên cứu Phật học với Giáo sư André Bareau, tại Collège de France – Paris; đảm nhận chức Chủ tịch Hội Phật tử Việt kiều hải ngoại, chi bộ Pháp, và hướng dẫn tu học cho Liên đoàn sinh viên Phật tử Việt Nam tại Âu châu.
Ngài là một trong các vị Tăng sĩ Việt Nam hoằng pháp tại châu Âu và có đông đảo đệ tử trong giới sinh viên, trí thức, kiều bào tại Pháp, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ…
Năm 1968, song song với việc phát hành tờ báo Gió Nội do liên đoàn sinh viên Phật tử Việt Nam tại Pháp đảm trách, là phương tiện đấu tranh cho Hòa bình tại Việt Nam; Ngài còn ra thêm tờ “Tôn Phật” chuyên về giáo lý phổ thông cho các Phật tử trung và cao niên. Hai tờ báo này do Ngài chỉ đạo tư tưởng và chịu trách nhiệm lưu hành.
Năm 1971, Ngài đỗ Tiến sĩ Triết học (Docteur 3è cycle – Sorbonne) với luận án “Le Traité des Trois Lois Tridharmaka Sastra”.
Năm 1972, Ngài trở thành nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS).
Năm 1975, Ngài là chủ tịch sáng lập Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp, phụ trách điều hành tổ chức Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại và xuất bản tờ báo Hương Sen.
Năm 1977, Ngài đỗ Tiến sĩ quốc gia về Văn học và Khoa học nhân văn (Docteur d’ E’tat ès lettres et sciences humaines) với luận án “La Littérature des personnalistes (Pudgalavàdin) dans le Boudhisme ancien” tại Viện Đại học Sorbonne – Paris. Cùng năm này, Ngài và Ni sư Mạn Đà La tổ chức quyên góp xây dựng một ngôi chùa Việt Nam trên đất Pháp, làm một kiểu mẫu biểu tượng cho văn hóa truyền thống Việt Nam tại Pháp.
Năm 1980, Ngài khởi công xây dựng Trúc Lâm Thiền Viện, một ngôi chùa Việt Nam tại hải ngoại, với diện tích 600m2, trên sườn đồi Hoàng Vân Sơn (Villebon sur Yvette, vùng ngoại ô Paris). Một công trình kiến trúc Việt Nam, với sắc thái thanh thoát, thạch động, vườn hoa, tượng Phật lộ thiên, thật là một cảnh y báo trang nghiêm, thanh tịnh.
Từ năm 1981 đến 1998, Ngài là Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại, kiêm các chức vụ: Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng phiên dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật Giáo Việt Nam tại Huế, và là Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trong thời gian này, Ngài vừa là Giáo sư thường được mời đi thuyết giảng tại các Viện Đại học các nước trên thế giới; vừa là Pháp sư giảng dạy ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, cùng tham dự các hội nghị Phật giáo quốc tế.
Những năm cuối đời, Ngài vẫn không ngừng hoạt động Phật sự, giáo hóa chúng sanh. Đệ tử tại gia trong giới trí thức của Ngài rất đông, hằng năm có trại mùa hè, mùa đông tại Pháp, Đức và các buổi đại lễ Phật giáo, có cả hàng ngàn người Việt tham dự.
Những tưởng Ngài còn trụ ở cõi đời làm ngọn đuốc trí tuệ soi sáng lâu thêm ít nữa. Nào ngờ ngày 5 tháng 10 năm 1998 (ngày Rằm tháng Tám năm Mậu Dần) vào lúc 11 giờ 30 phút, Ngài đã trở về cõi vĩnh hằng tịch tịnh tại trụ xứ Thiền viện Trúc Lâm – Paris, trụ thế 68 tuổi đời với 46 Hạ lạp.
Ngài ra đi đã để lại sự kính tiếc của hàng vạn Tăng tín đồ Phật tử trong và ngoài nước đối với một bậc thầy khả kính, trọn cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp Phật tuệ phục vụ chúng sanh.
Di sản tinh thần của Ngài là một kho tàng tác phẩm quý báu giúp cho đoàn hậu tấn làm kim chỉ nam tu học sau này :
* Về trước tác :
– Đường về xứ Phật, viết chung với Hòa thượng Minh Châu – Sài Gòn 1964
– Nghi thức lễ Phật – 1968.
– Vài lá Bồ Đề – Paris 1972.
– Le Traité des Trois Lois, Sorbonne – Paris 1971.
– La Littérature des Personnalistes dans le Boudhisme Ancien – Sorbonne 1977.
– Kinh Pháp Cú (Dhammapada) dịch từ Pàli – Paris 1980.
– Dictionnaire des Philosophies đồng soạn giả – 1988.
– Tìm đạo, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Tp.HCM – 1996.
– The Literature of the Personalists of larly Buddhism VBRI -–TPHCM – 1997.
– The Philosophy of the Milirdapânhâ (chưa in).
– Phật tử (đã in lần thứ 10).
* Về khảo cứu :
– Những khảo cứu quan trọng về Nghiệp và Nhân bản Phật giáo Ấn Độ cổ xưa, qua hai bộ Kinh do Ngài Huyền Trang thỉnh và dịch ra chữ Hán thế kỷ thứ VII.
– . . . và nhiều bài viết đăng trên Gió Nội, Hương Sen, Tập văn PGVN, Giác Ngộ. . .
* Về phiên dịch :
Dịch từ Sanskrit, Pàli, chữ Hán sang tiếng Việt như :
– Kinh Chuyển Pháp Luân.
– Kinh Vô Ngã Tưởng
– Kinh Từ Bi.
– Kinh Chân Hạnh Phúc
– Kinh Cửa Bại Vong
– Kinh Cảm Ứng về Niết Bàn của Phật
– Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt
– Kinh Nhập Tức Xuất Tức Niệm
– Kinh Nhất Dạ Hiền Giả
– Tâm Kinh Đại Trí Tuệ Siêu Việt