Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành
HÒA THƯỢNG THÍCH HƯNG DỤNG
(1915 – 1998)
Hòa thượng Thích Hưng Dụng pháp danh Trừng Hóa, pháp tự Lương Bật, nối pháp đời thứ 42 dòng thiền Lâm Tế. Ngài thế danh Đào Ngọc Thố, sinh ngày mùng 8 tháng 8 năm Ất Mão 1915, tại làng Trung Kiên, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Song thân là cụ ông Đào Văn Độ và cụ bà Đỗ Thị Phấn. Ngài là con trưởng trong gia đình có 6 anh em.
Sinh trưởng trong một gia đình thâm tín Tam bảo. Ngài lớn lên với tuổi thơ bên dòng sông Thạch Hãn, với tiếng chuông của ngôi cổ tự Linh Quang trong làng, ngôi chùa đã un đúc nên các bậc cao Tăng, chính là nhân duyên sớm thuyết phục đưa Ngài vào chốn không môn.
Năm 12 tuổi (1926), nhân đi xem lễ khánh thành chùa Linh Quang, nhìn uy phong của Ngài Tăng Cang chùa Diệu Đế là Hòa thượng Tâm Khoan về dự lễ, thiện duyên này đã đưa Ngài hướng tâm theo gót Hòa thượng. Sau khi khẩn khoản xin phép, Ngài được song thân cho rời gia đình vào Huế, đến đồi Hàm Long vào chùa Báo Quốc bái yết Hòa thượng Tăng Cang xin xuất gia học đạo.
Năm Mậu Thìn 1928, trải qua những tháng ngày hành điệu tinh cần, với bản chất đôn hậu, chất trực, Ngài được Bổn sư trao truyền Sa di giới tại Tổ đình Báo Quốc để tiếp tục tu học thiền môn kinh luật.
Năm Giáp Tuất 1934, nhận thấy Ngài có tư chất pháp khí Đại thừa, nên khi Đại giới đàn chùa Sắc tứ Thạch Sơn ở Quảng Ngãi khai mở, Hòa thượng Bổn sư cho phép Ngài được đặc cách miễn tuổi, thọ Cụ túc giới lúc 19 tuổi. Giới đàn này do Hòa thượng Hoằng Thạc làm đàn đầu truyền giới. Sau khi đắc giới, Ngài được Bổn sư trao truyền pháp kệ :
Trừng thần quán tưởng định chơn hương
Tuệ nhật Hưng Dụng đạo mạch trường
Vạn pháp bản lai chơn thị pháp
Hỏa đăng kế mỹ mích uy vương.
Từ đây, Ngài bắt đầu tham phương tu học và hành đạo nơi các đạo tràng Phật học khắp xứ kinh kỳ đang nở rộ từ phong trào chấn hưng Phật giáo, cho đến khi các trường lớp đình giáo do phong trào kháng chiến chống Pháp bùng nổ khắp nơi, khiến thực dân Pháp trở lại càn bố vì nghi ngờ chùa chiền, Tăng Ni là cơ sở của kháng chiến.
Đầu năm 1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chính thức bùng nổ, chư Tăng cũng phải theo đồng bào đi tản cư trước sự tái chiếm của quân Pháp. Ngài trở về quê nhà tạm ở trong gia đình ẩn náu khói lửa chiến tranh, cùng phụ giúp cha già trồng tỉa ruộng vườn một thời gian. Trong tình cảnh ấy, Ngài vẫn một lòng chay tịnh giữ giới thanh nghiêm.
Cuối năm 1946, Ngài được Giáo hội Tăng Già Trung Việt cử giữ chức trụ trì Hội quán Phật học tỉnh Quảng Trị. Giai đoạn này chiến tranh ngày càng khốc liệt, nhân sự Giáo hội Quảng Trị thiếu thốn, công việc Phật sự của Ngài phải tùy duyên trước những khó khăn mọi bề. Từng bước, Ngài xây dựng hạ tầng cơ sở Giáo hội từ những vùng đồi núi cao xa như Ba Lòng, Khe Sanh đến tận các vùng duyên hải Gia Đẳng, Gia Độ… đến đâu Ngài cũng chủ trì đặt đá xây dựng Niệm Phật Đường. Từ chỗ vài chục Niệm Phật Đường trong thị xã, đã nhân rộng lên vài trăm đơn vị khắp các địa phương, tạo cho Phật giáo Quảng Trị một bộ mặt khá vững vàng sánh cùng Phật giáo các tỉnh bạn, góp phần cho sự nghiệp xây dựng Phật giáo Việt Nam.
Nét nổi bật và chuyên nhất của đời Ngài là sự nhiệt tâm tinh cần, tôn trọng học hỏi với bất cứ người nào hơn mình dù lớn hay nhỏ. Không năm nào Ngài không rời trú xứ để trở về Tổ đình Báo Quốc nương tựa các bậc cao đức an cư kiết Hạ. Với hoài bão đào tạo thế hệ kế thừa, Ngài khuyến khích dìu dắt những bước đầu cho nhiều Phật tử xuất gia, khuyến hóa Phật tử hỗ trợ tài chánh cho chúng điệu được Ngài gởi theo học tại các Phật học đường ở Huế, Nha Trang. Một số vị Tăng Ni đã thành đạt như ý nguyện của Ngài.
Năm Giáp Thìn 1964, Sư huynh Ngài là Hòa thượng Thích Hưng Mãn, trú trì Tổ đình Kim Tiên viên tịch. Ngày 21 tháng 6 năm nầy, chư tôn đức trong môn phái Báo Quốc họp cung cử Ngài kế nhiệm trú trì. Dù một cảnh hai quê khó khăn, Ngài cũng tuân thủ tôn ý môn phái, dần dần giao phó Phật sự ở Quảng Trị cho đệ tử lớn là Thượng tọa Thích Chánh Trực đảm nhận, để Ngài làm tròn trách nhiệm ở Tổ đình Kim Tiên.
Năm Ất Tỵ 1965, Ngài được cung thỉnh làm Đệ thất Tôn chứng trong Đại giới đàn Vạn Hạnh tổ chức tại Tổ đình Từ Hiếu.
Năm Canh Tuất 1970, Ngài được cung thỉnh làm Đệ lục Tôn chứng trong Đại giới đàn Vĩnh Gia tổ chức tại Đà Nẵng.
Tại hai giới đàn tổ chức ở Tổ đình Báo Quốc vào năm 1977 và 1981, Ngài được cung thỉnh làm Đệ nhị Tôn chứng.
Năm Mậu Thìn 1988, Ngài được cung thỉnh làm Giáo thọ A Xà Lê trong giới đàn Tổ đình Báo Quốc.
Năm Nhâm Thân 1992, trong Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ III tại Hà Nội, Ngài được cung cử làm Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm Giáp Tuất 1994, Ngài được cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng trong Đại giới đàn tổ chức tại Tổ đình Báo Quốc.
Ngài là vị cao Tăng đức độ khả kính, là Y chỉ sư của Tăng Ni Phật giáo Thừa Thiên – Huế cho đến khi tuổi già sức yếu. Đời Ngài là cuộc sống bình dị rất thân gần quần chúng Phật tử tại gia ở Quảng Trị và Thừa Thiên. Hàng Tăng Ni đệ tử xuất gia của Ngài đã trưởng thành rất đông, nhiều vị đã đóng góp công sức tài năng cho sự nghiệp Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 1998, Ngài an nhiên thâu thần thị tịch vào lúc 12 giờ ngày mùng 7 tháng 11 năm Mậu Dần giữa tiếng niệm Phật của chư Tăng Ni Phật tử. Ngài trụ thế 84 năm, trên 70 năm tu tập với 65 Hạ lạp.