Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành
HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ ĐĂNG
(1927 – 1997)
Hòa thượng Thích Tuệ Đăng, pháp húy Thanh Thuần, đạo hiệu Tuệ Đăng, thế danh Nguyễn Đức Nhung, sinh ngày mùng 8 tháng 2 năm Đinh Mão (1927), nhằm ngày vía Phật Thích Ca xuất gia; tại làng Vân Bồng, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình (nay là xã Khánh Hải, huyện Tam Điệp).
Ngài sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho giáo mẫu mực, thân phụ là cụ Nguyễn Đức Du, hiệu Lạc Đạo, vừa dạy học chữ nho, vừa giữ chức sắc trong làng; thân mẫu là cụ Vũ Thị Tơ, pháp danh Diệu Từ, một lòng tề gia nội trợ, đức hạnh kiêm toàn. Ngài là người con thứ ba trong gia đình có 7 anh em.
Năm lên 6 tuổi (1932), Ngài học chữ quốc ngữ tại trường làng Yên Ninh và học thêm nho học với các cụ Đồ trong làng, với tư chất thông minh hơn chúng bạn nên Ngài đã thu thập rất nhanh. Chỉ 3 năm sau, Ngài đậu bằng Sơ học yếu lược, am tường các bộ sách Nho căn bản như Tam Tự Kinh, Ngũ Ngôn Thi, Minh Tâm Bửu Giám…
Khi vừa tròn 10 tuổi (1936), như đã có thiện duyên nhiều đời nhiều kiếp sớm phát lộ, Ngài một dạ cầu xin phụ mẫu cho phép xuất gia học đạo, noi theo lý tưởng Phật đà, ngưỡng mong giải thoát cho mình và chúng sinh.
Bước đầu học Phật, Ngài được song thân đưa đến quy y xuất gia với Hòa thượng Thích Quảng Thân, trụ trì chùa Phúc Sanh, còn gọi là chùa Bến, thuộc xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương, Hòa thượng thế độ và ban pháp danh là Thanh Thuần, đạo hiệu Tuệ Đăng. Ngài dốc lòng tu học Phật và nghiên cứu nho học Tứ thư, Ngũ kinh ngày thêm sâu xa.
Năm 14 tuổi (1940), tức sau 4 năm tu Phật, Ngài được Bổn sư cho phép thọ giới Sa di tại chùa Thanh Mai, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Sau khi đắc giới, Ngài lại được Sư cụ chùa Thanh Mai cho tiếp tục học thêm văn hóa phổ thông, đến năm 17 tuổi Ngài đã đậu bằng Thành Chung.
Năm 1944 Ngài đến tham học thiền và nho với các bậc tiền bối tại các chốn Tổ Bối Giang, Gia Xuyên (Kiến An), Chính Đại (Thanh Hóa)…
Năm 20 tuổi (1946), Ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới tại chùa Đông Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương do Hòa thượng trụ trì chùa Thiên Hương, làng Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương là Đàn đầu truyền giới. Sau đó, Ngài được Hội Phật giáo đề bạt chức vụ Giám đốc kiêm Thư ký lớp Bình Dân học vụ của Hội Phật giáo Cứu quốc huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương.
Năm Canh Dần 1950, Ngài được tỉnh Giáo hội đề cử giữ chức Thư ký Hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình, lúc ấy Ngài được 24 tuổi.
Năm Nhâm Thìn 1952, Ngài vừa làm việc cho Giáo hội, vừa nỗ lực tu học thêm nơi chốn Tổ Chính Đại và Đồng Đắc. Cũng dịp này, Ngài cầu pháp y chỉ với Hòa thượng Thích Đức Nhuận, trụ trì chùa Kim Liên, làng Đồng Đắc, tỉnh Ninh Bình (bấy giờ Hòa thượng làø Hội trưởng Phật giáo tỉnh Ninh Bình) để nương theo giới đức của Tổ và trau giồi giáo lý kinh điển.
Từ năm 1953 đến 1954, sau khi Hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập, Ngài được tiến cử giữ chức vụ Tổng thư ký Hội Phật giáo Tăng Già Bắc Việt, trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ – Hà Nội. Ngài còn viết bài cho báo Đuốc Tuệ – cơ quan ngôn luận của Tăng Ni, Phật tử miền Bắc lúc bấy giờ.
Năm Giáp Ngọ 1954, sau hiệp định Genève, Ngài vào Nam để hoằng dương Phật pháp. Buổi đầu Ngài được một số Tăng Ni, Phật tử cung thỉnh giữ chức Giám viện chùa Giác Hoa – Gia Định.
Năm Bính Thân 1956, thể theo sự thỉnh cầu của ông bà chủ chùa Văn Thánh – Thị Nghè, Ngài về trụ trì tại đây, vừa lo Phật sự, vừa đi dạy Hoa ngữ tại trường Đức Trí (Chợ Lớn), vừa tiếp tục học hết chương trình văn hóa. Ngài thi đậu Tú tài toàn phần và năm 1958, rồi tốt nghiệp Đại học Sư Phạm – Ban Hoa Ngữ năm 1962.
Năm Quý Mão 1963, Ngài cùng chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử miền Vĩnh Nghiêm tích cực đấu tranh chống chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Diệm – Nhu cho đến ngày thành công.
Năm Giáp Thìn 1964, sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, Ngài được chư tôn đức miền Vĩnh Nghiêm cử làm Giám đốc Phật học viện Vĩnh Nghiêm, và tiếp nhận chùa Kim Cương làm cơ sở Phật học viện cho Tăng Ni miền Bắc tu học (chùa này do Hòa thượng Thích Thanh Thạnh hiến cúng) Ngài đã vận động tín đồ Phật tử mua thêm đất, nhà cạnh chùa để kiến lập thành ngôi Tùng lâm thắng địa, làm cơ sở đào tạo Tăng tài.
Từ năm 1979 đến năm 1986, Ngài đã giảng dạy Phật học và Nho học ở khắp các Phật học viện trước đây như : Ấn Quang, Từ Nghiêm, Dược Sư, Vĩnh Nghiêm và ngay tại bản tự Ngài đang trụ trì. Những bộ kinh như: Kim Cương, Tứ Thập Nhị Chương kinh; những bộ luật-luận như Tứ phận luật, Thiền Lâm Bảo Huấn; Nho học như: Đại học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử… đều được Ngài giảng dạy tường tận cho các Tăng Ni, Phật tử tòng học.
Về sự nghiệp văn chương, Ngài còn là một ngòi bút xuất sắc, đóng góp nhiều bài vở như làm Bỉnh bút báo Đuốc Tuệ – xuất bản tại chùa Giác Minh (Sài Gòn) do Hòa thượng Thanh Cát làm Chủ nhiệm, Hòa thượng Đức Nghiệp làm chủ bút; và tờ Nhật báo Miền Nam do ông Trần Đình Thân làm chủ nhiệm.
Về tác phẩm, Ngài còn để lại một số biên khảo và phiên dịch:
– Kinh Vô Lượng Thọ (dịch).
– Phật học Khóa bản (biên soạn).
– Phật giáo với Khoa học (dịch).
– Tại Gia Phật Học Pháp yếu, (những bài giảng pháp).
– Nhận định và so sánh Phật giáo với Cơ đốc giáo (dịch).
– Phật giáo với văn chương Việt Nam (biên khảo).
Năm Giáp Tuất 1994, tuy tuổi già sức yếu, nhưng Ngài vẫn đáp lời cung thỉnh tham gia Ban giảng huấn, giảng dạy Tăng Ni sinh trường Cao cấp Phật Học Việt Nam cơ sở I tại chùa Quán Sứ – Hà Nội.
Thế nhưng, vô thường vội đến với huyễn thân tứ đại. Ngài đã an nhiên thị tịch vào sáng ngày 25 tháng 11 năm Bính Tý, tức ngày 3 tháng 1 năm 1997, trụ thế 70 năm, hành đạo 50 Hạ lạp.
Hòa thượng là một bậc tôn sư khả kính với nếp sống thanh bần lạc đạo, vô ngã vị tha. Ngài luôn lấy việc giáo dục, đào tạo thế hệ kế thừa làm sứ mạng trọng đại của đời mình, và đó là ân trọng đối với hàng hậu học mai sau khi nhớ đến bậc “ Thành nhân chi Mỹ”.