Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành
HÒA THƯỢNG THÍCH TÂM MINH
(1910 – 1997)
Hòa thượng Thích Tâm Minh, pháp danh Tâm Minh, pháp hiệu Thông Đạt, thế danh là Đặng Văn Tiến, sinh năm Canh Tuất-1910, tại thôn Tiên Hội, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Ngài sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nho học và thuần tín Phật giáo, thân phụ là cụ Đặng Văn Năm, thân mẫu là cụ Phan Thị Thanh. Ngài là con thứ hai trong gia đình.
Năm Tân Dậu 1921, như đã có căn duyên với Tam bảo từ thuở thiếu thời, nên đến năm 11 tuổi, Ngài được song thân cho phép đến xuất gia cửa Phật, theo hầu Sư tổ Thích Thông Tụng, trụ trì Tổ đình Liên Phái, phố Bạch Mai – Hà Nội. Trải qua những năm đầu khai tâm học đạo, Ngài luôn siêng năng chấp tác hành đạo, hiếu học kinh luật, nghi tắc thiền môn.
Năm 17 tuổi (Đinh Mão – 1927), Ngài được Sư tổ truyền thụ Sa di giới tại Tổ đình Liên Phái, tiếp tục trau dồi đức hạnh để tiến tu đạo nghiệp.
Năm 20 tuổi (Canh Ngọ – 1930), Ngài được đăng đàn thụ giới Cụ túc tại Tổ đình Liên Phái, do Sư tổ làm Đàn đầu truyền trao giới pháp, Sư tổ ban cho Ngài pháp tự là Thông Đạt, để chính thức bước vào hàng Tăng bảo.
Sau khi đắc pháp, Ngài nỗ lực tu hành, thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức. Nhận thấy Ngài có tư chất học Phật, những mong phát túc siêu phương, nghiên tầm giáo điển, nên Sư tổ đã cho Ngài đến tham học nơi chốn Tổ Bằng Sở, một đạo tràng đào tạo Tăng tài danh tiếng lúc bấy giờ do Hòa thượng Thích Trung Thứ giảng dạy. Ngài theo học nơi đây trong nhiều năm liền.
Đến năm Giáp Thân – 1944, sau 14 năm hầu cận bên Thầy, Ngài được Sư tổ cùng chư Tăng trong Sơn môn cử về trụ trì chùa Ông Đình, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Giai đoạn này; một mặt Ngài lo hoằng dương Phật pháp, cùng với tín đồ trùng tu lại ngôi chùa cho Tăng Ni, Phật tử tu học; một mặt vận động Phật tử và nhân dân tham gia vào công cuộc kháng chiến giành độc lập của Tổ quốc.
Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, Ngài đã tham gia cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền nhân dân vừa thành lập. Năm 1947, Ngài được bầu vào Ban chấp hành Phật giáo Cứu quốc huyện Khoái Châu và vận động cứu tế, quyên góp ủng hộ cho trung đội Tăng Già cứu quốc của huyện.
Từ năm này cho đến năm 1965, Ngài đã đóng góp công sức rất nhiều cho đất nước qua các công tác đảm nhiệm: Ủy viên Mặt trận Liên Xã (1949); Chủ tịch Mặt trận xã Ông Đình (1953-1955); Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Khoái Châu (1956), Đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện (1962-1965); xây dựng đội Phụ lão trồng cây gây rừng trong 9 năm, trở thành lá cờ đầu của tỉnh Hưng Yên (1962), đúng như tinh thần Phật giáo: “Phật pháp bất ly thế gian giác”.
Năm Mậu Thân – 1968, khi tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương hợp nhất, Ngài được chư Tăng Ni suy cử giữ chức Hội phó Chi hội Phật giáo Thống nhất tỉnh Hải Hưng; đồng thời suy tôn Ngài đảm lãnh chức vị trụ trì chốn tòng lâm Côn Sơn.
Tại chùa Đông Thuần, nơi trụ sở của Tỉnh hội Phật giáo ở thị xã Hải Dương. Ngài đã vận động trùng tu Tam bảo, tôn tạo chính điện, Tăng viện, trai đường trở nên khang trang tráng lệ như ngày nay.
Năm Bính Thìn – 1976, Ngài được đề bạt chức vụ Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Hưng. Đồng thời, Ngài được bầu vào Hội đồng Nhân dân thị xã Hải Dương liên tiếp từ khóa 5 đến khóa 12.
Năm Tân Dậu 1981, tại Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Toàn quốc được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Ngài được cung thỉnh vào Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và giữ chức vụ Phó Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Hải Hưng.
Là một vị cao Tăng cống hiến trọn đời cho đạo pháp và dân tộc, Ngài luôn giữ truyền thống sinh hoạt Phật giáo nghiêm mật, hàng năm đều đặn tổ chức khóa Hạ an cư, trực tiếp giảng dạy cho Tăng Ni hậu học và truyền trao giới pháp cho hàng trăm giới tử được ân triêm pháp nhũ.
Là một bậc tôn sư đã dày công dìu dắt hàng ngàn môn đồ Phật tử và hàng trăm Tăng Ni, Cư sĩ; trong đó có nhiều vị đã trưởng thành, noi theo gương sáng của Ngài, bền vững đạo tâm, tinh nghiêm giới hạnh, hoằng dương chính pháp.
Thế nhưng, tuổi càng cao, xác thân tứ đại đến lúc hoàn nguyên, Ngài đã thu thần thị tịch vào lúc 13 giờ ngày mùng 8 tháng Giêng năm Đinh Sửu (nhằm ngày 14 tháng 2 năm 1997), Hòa thượng trụ thế 87 năm, với 50 tuổi đạo.