172. HÒA THƯỢNG THÍCH ĐẠT HẢO

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành

HÒA THƯỢNG THÍCH ĐẠT HẢO
(1916 – 1996)

Hòa thượng Thích Đạt Hảo, pháp húy Tánh Tướng, thế danh Nguyễn Văn Bân, sinh năm 1916 (Đinh Tỵ), tại ấp Bình Hữu, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Thân phụ Ngài là ông Lê Văn Bộn, pháp danh Tánh Từ, tự Đạt Bi; thân mẫu là bà Ngô Thị Cờ, pháp danh Tánh Niệm, tự Đạt Phật. Ngài có tất cả 6 anh em, 2 trai, 4 gái. Ngài là con út trong một gia đình sùng tín Tam bảo, cả 6 anh em đều quy y, xuất gia tu hành theo đạo Phật.

Năm 1921, khi vừa lên 6 tuổi, Ngài được thân phụ dẫn đến chùa Pháp Minh (Giồng Dứa – xã Đức Hòa Thượng), lễ Phật nghe kinh, quy y Tam bảo. Sau đó một thời gian, Ngài được Hòa thượng Liễu Lạc làm lễ thế phát xuất gia, ban cho pháp húy là Tánh Tướng, tự Đạt Hảo nối pháp dòng Thiên Thai Giáo Quán tông, đời thứ 22.

Năm 1933 (Ất Hợi), dưới sự dạy dỗ của Hòa thượng Bổn sư, thêm căn lành vốn sẵn nên chẳng bao lâu kinh, luật sơ cơ Ngài đều làu thông, thiền môn nghi tắc Ngài đều vững chải. Hòa thượng Bổn sư cho Ngài thọ Sa di giới tại giới đàn chùa Pháp Hoa (Vĩnh Long).

Năm 1935, Ngài được Bổn sư chấp thuận cho đăng đàn thọ Cụ túc giới tại chùa Tôn Thạnh (Cần Giuộc) do Hòa thượng Liễu Thiền làm Đàn Đầu truyền giới.

Sau khi thọ giới xong, được phép của Bổn sư, Ngài bắt đầu du phương tham học. Trải khắp các chốn tòng lâm, nghe đạo tràng nào có các bậc cao Tăng thiền đức xiển dương khai hóa, thì Ngài đều tìm đến cần cầu học hỏi như : Tổ Từ Phong chùa Giác Hải (Phú Lâm), Tổ chùa Thiền Lâm (Tây Ninh), Tổ Huệ Đăng chùa Thiên Thai (Bà Rịa)…

Năm 1938, vâng lệnh Hòa thượng Bổn sư, Ngài về xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, Long An kiến tạo ngôi chùa lấy hiệu là Pháp Vân và trụ trì chùa này trong một thời gian dài.

Năm 1940, Ngài trở lại quê nhà thực hiện việc cải gia vi tự, lập thành chùa Pháp Bảo ở huyện Đức Hòa, Long An.

Năm 1942, Ngài cùng với Sư bà Đạt Đạo (chị Hai của Ngài) khởi công xây dựng chùa Pháp Quang ở chân cầu Nhị Thiên Đường, quận 8, trên một mảnh đất hoang dã, bùn lầy. Ngày 02.5.1955, chùa bị tàn phá nặng nề bởi cuộc chiến tranh giặc Bình Xuyên.

Năm 1957, Ngài cùng các pháp lữ : Hòa thượng Đạt Pháp, Hòa thượng Đạt Đồng, Hòa thượng Đạt Hương tham dự khóa đào tạo trụ trì Như Lai Sứ Giả do Giáo hội Tăng Già Nam Việt tổ chức tại chùa Pháp Hội (Chợ Lớn).

Năm 1963, trong phong trào đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, Ngài đã hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tích cực đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo, cùng Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo đưa sự nghiệp chung đến thành công và thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Năm 1964, Ngài khởi công tái thiết lại chùa Pháp Quang. Đến năm 1966 chùa xây dựng hoàn tất, Ngài tổ chức lễ khánh thành vô cùng trọng thể dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Hành Trụ, thành viên Hội đồng Trưởng Lão Viện Tăng Thống và Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Viện trưởng Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Năm 1967, Ngài đảm nhận công tác trùng tu chùa Châu Hưng (Thủ Đức) và sau đó giao lại cho Sư đệ là Hòa thượng Đạt Đồng trụ trì, kế đến là đệ tử của Ngài, Thượng tọa Tắc Lãnh kế tục trụ trì ngôi Tam bảo này. Ngoài những chùa trên, từ năm 1966 – 1996, Ngài còn trùng tu, xây dựng thêm nhiều chùa khác như : chùa Quảng Tế (Long Xuyên), chùa Pháp Hưng (Long Thành), chùa Pháp Thạnh (Đức Hòa), chùa Pháp Giới (Cầu Tre), chùa Linh Phước (Quận 8)…

Năm 1968, Ngài được Viện Hóa Đạo đề cử làm Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất quận 8.

Năm 1970, Ngài mở Phật học viện Pháp Giới, nội trú cho 70 chư Tăng tu học do Ngài làm Giám viện, theo chương trình giảng dạy của Hội đồng Trị sự Thiên Thai Giáo Quán Tông.

Năm 1971, Ngài tổ chức Đại hội bầu Ban Trị sự Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán và được Đại hội suy cử làm Phó Ban Trị sự, Hòa thượng Tắc Nghi làm Trị Sự trưởng.

Năm 1973, Đại hội nhiệm kỳ II, Ngài được suy cử làm Trị Sự trưởng Thiên Thai Giáo Quán Tông cho đến ngày thống nhất Phật giáo cả nước.

Năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ban liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh được thành lập do Hòa thượng Minh Nguyệt làm Chủ tịch, Ngài được đề cử làm Ủy viên Đoàn chủ tịch Ban liên lạc Phật giáo Yêu nước thành phố, kiêm Trưởng Ban liên lạc Phật giáo quận 8.

Bên cạnh những Phật sự đa đoan do Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố ủy nhiệm, Ngài còn được đề cử làm Ủy viên Mặt trận Tổ quốc quận 8 nhiệm kỳ I (1976 – 1978).

Năm 1980, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam được thành lập, Ngài được tham gia thành viên, đại diện cho Tông Thiên Thai Giáo Quán trong 9 tổ chức hệ phái Phật giáo, đã đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Cuối năm 1981, Đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam được tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Ngài được Đại hội suy cử làm thành viên Hội đồng Chứng minh nhiệm kỳ I và Ngài ở ngôi vị này suốt 3 nhiệm kỳ cho đến ngày viên tịch.

Năm 1982, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập, Ban Đại diện Phật giáo quận 8 ra đời. Ngài được Tăng Ni Phật tử quận nhà cung thỉnh vào Ban Chứng minh.

Từ năm 1984, thực hiện chương trình mở khóa An cư kiết Hạ cho Tăng Ni thành phố, Ban đại diện Phật giáo quận 8 chọn chùa Pháp Quang là trú xứ của Ngài làm điểm An cư kiết Hạ trong suốt 10 năm liền và cũng trong suốt thời gian này, Ngài luôn được cung thỉnh làm Chứng minh và làm Thiền chủ, Hóa Chủ trường Hạ.

Năm 1987, Ngài được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ II và III (1987 – 1997) đề cử làm Ủy viên ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ngoài những Phật sự kể trên, Ngài còn luôn được Tăng Ni quy ngưỡng là bậc Tòng lâm mô phạm, nên suốt bốn thập niên từ năm 1956 – 1996, hầu hết Đàn giới, trường Hương, khóa Hạ nào cũng đều cung thỉnh Ngài làm Giới sư truyền giới, hoặc làm Pháp sư giáo đạo cho giới tử. Đã biết bao giới tử từ nơi Ngài mà giới thể được châu viên, tuệ mạng được thành tựu, trở thành pháp khí Đại thừa, lợi đạo tốt đời.

Không chỉ dừng lại ở những hoạt động Phật sự, Ngài còn tham gia những công tác từ thiện xã hội, cứu trợ thiên tai bão lụt, giúp đỡ người nghèo, trẻ em mồ côi khuyết tật, vận động đóng góp xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa v.v…

Hơn thế nữa, Ngài còn là một công dân yêu nước nồng nàn, đã góp phần xứng đáng vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, được Nhà nước trao tặng thưởng huân chương Kháng chiến hạng Nhất, huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì. Ngoài ra, trong giai đoạn xây dựng đất nước sau chiến tranh, Ngài cũng được Ủy ban Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc thành phố và quận 8 tặng nhiều bằng khen và giấy khen.

Nửa thế kỷ cống hiến tâm lực cho đạo pháp và dân tộc, thân tứ đại đến lúc hoàn nguyên. Ngày 09 tháng 8 năm 1996 (Bính Tý), lúc 14 giờ, tay quyết ấn cam lồ, Ngài an nhiên xả bỏ báo thân, hưởng thọ 80 năm, có 60 Hạ lạp.

Ngài đã trở về cõi Niết Bàn tịch tịnh, nhưng công đức và đạo nghiệp của Ngài luôn là tấm gương sáng về hoằng pháp lợi sanh cho môn đồ, tử đệ noi theo.