Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành
HÒA THƯỢNG THÍCH MINH TÁNH
(1924 – 1995)
Hòa thượng Thích Minh Tánh, pháp húy Nguyên Chơn, pháp hiệu Minh Tánh, thuộc dòng Lâm Tế-Liễu Quán đời thứ 44, Ngài thế danh Từ Phước Thạnh, sinh năm Giáp Tý (1924) tại xã Minh Hương, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.
Thân phụ của Ngài là ông Từ Thanh Huy, thân mẫu là bà Lê Thị Bông. Ngài là con thứ 9 trong gia đình có 9 anh em. Gia đình Ngài từ nhiều đời, vốn có truyền thống kính tin Tam bảo và yêu nước nồng nàn.
Năm Canh Ngọ (1930), khi lên 7 tuổi, Ngài theo thân phụ đến công quả, học đạo ở chùa Từ Quang (Huế). Đó là nhân duyên ban đầu phát khởi thiện tâm để làm bậc xuất gia sau này.
Năm Canh Thìn (1940), lúc 17 tuổi, Ngài xin xuất gia với Hòa thượng Tâm Thông – Quảng Nhuận, trụ trì chùa Từ Quang. Được Hòa thượng Bổn sư hứa khả và cho vào làm lễ thế phát tại chùa Linh Quang (Đà Lạt).
Sau đó, Hòa thượng Bổn sư gởi Ngài vào học ở Phật học đường Tây Thiên (Huế). Kế đến là Phật học đường Báo Quốc (Huế). Ngài đã trải 8 năm theo học tại hai trường Phật học danh tiếng nhất ở kinh đô thời bấy giờ.
Năm Mậu Tý (1948), lúc này đã 25 tuổi, nhận thấy Ngài học hành tạm đủ. Hòa thượng Bổn sư cho Ngài đăng đàn thọ giới Cụ túc tại Đàn giới “Hộ Quốc Đàn”, tổ chức tại Phật học đường Báo Quốc, do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Hòa thượng Đàn đầu.
Sau khi tốt nghiệp Phật học đường Báo Quốc, từ năm 1948 – 1959, Ngài được bổ nhiệm làm Giảng sư, giảng dạy tại các Phật học đường Trung Phần; làm trụ trì chùa Tỉnh hội Bình Thuận; trụ trì chùa Linh Quang (Đà Lạt).
Năm Kỷ Hợi (1959), Ngài vào Nam, trụ trì chùa Nguyên Thủy tại thị xã Tân An, tỉnh Long An. Nơi đây, Ngài mở lớp dạy gia giáo, mở trường tư thục Bồ Đề. Tăng Ni Phật tử theo học rất đông.
Năm Giáp Thìn (1964), sau pháp nạn 1963, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, Ngài được Tăng Ni, Phật tử suy cử làm Chánh đại diện Phật giáo tỉnh Long An, và Ngài đảm nhiệm chức vụ này liên tiếp nhiều nhiệm kỳ.
Năm Tân Dậu (1981), khi Phật giáo ba miền thống nhất các hệ phái, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài cùng quý vị Giáo phẩm địa phương tích cực vận động để thống nhất Phật giáo tỉnh Long An.
Năm Quý Hợi (1983), Ban trị sự Phật giáo Tỉnh hội Long An được thành lập, Ngài được Tăng Ni suy cử làm Phó Ban thường trực Phật giáo tỉnh Long An.
Năm Kỷ Tỵ (1989), Ban trị sự Phật giáo Long An mở Đại giới đàn đầu tiên của Tỉnh hội, Ngài được cung thỉnh làm Yết ma A Xà Lê.
Năm Canh Ngọ (1990), trong nhiệm kỳ III của Ban trị sự Phật giáo tỉnh Long An, Ngài đảm trách chức vụ Phó Ban thường trực và được đề cử kiêm nhiệm Ủy viên Tăng sự.
Năm Tân Mùi (1991), Ban trị sự Phật giáo Long An khai Đại giới đàn làn thứ hai của Tỉnh hội, và Ngài lại được cung thỉnh làm Yết ma A Xà Lê.
Năm Nhâm Thân (1992), trường Cơ bản Phật học tỉnh Long An được thành lập, Ngài được Tăng Ni thỉnh cầu đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng.
Năm Quý Dậu (1993), trong Đại hội Phật giáo tỉnh Long An nhiệm kỳ IV (1994-1998), Ngài tiếp tục được suy cử làm Phó ban Thường trực kiêm Ủy viên Tăng sự.
Đầu năm 1995, chiếc xe tứ đại sau những năm tháng dài truyền đăng tục diệm, kế thế khai lai, nay đã bắt đầu rệu rã phân ly, Ngài lâm trọng bệnh. Đến ngày 09 tháng 8 năm Ất Hợi (1995), Ngài thâu thần thị tịch hưởng thọ 72 tuổi, 47 Hạ lạp. Tang lễ Ngài được Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Long An tổ chức vô cùng trọng thể, nhục thân Ngài nhập Bảo tháp trong khu tháp mộ chùa Thiên Khánh (Tân An – Long An).
Suốt cuộc đời hoằng hóa độ sinh, Ngài luôn là tấm gương sáng thiết tha với tiền đồ đạo pháp, tận tụy với công việc. Đời sống thanh bần, giản dị, từ bi yêu thương, luôn chăm lo nhắc nhở đàn hậu tấn, Ngài như đóa Ưu Đàm trong vườn hoa Phật giáo, xứng đáng cho hậu thế noi theo.