Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành
HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ TẤN
(1906 – 1995)
Hòa thượng Thích Trí Tấn, pháp danh Nhật Quân, pháp tự Nhất Bổn, thế danh Huỳnh Văn Xông, sanh ngày 15 tháng 2 năm Bính Ngọ – 1906, tại làng Dư Khánh, tổng Chánh Mỹ Trung, tỉnh Biên Hòa – nay là ấp 2, xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Ngài sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho giáo và tôn kính Tam bảo. Thân phụ Ngài là cụ đồ Nho Huỳnh Văn Bẩm, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Nghe. Ngay tuổi ấu thơ Ngài đã được học chữ nho với cha, cho đến năm 12 tuổi, một hôm theo cha lên chùa Hưng Long lễ Phật, như có nhân duyên từ bao kiếp trước, Ngài nảy sinh ý định xuất gia, và được Hòa thượng Thôi Biện, trụ trì chùa thu nhận làm đệ tử.
Năm Canh Thân – 1920, Ngài chính thức được thế phát xuất gia, nhận pháp danh là Nhật Quân, pháp tự Nhất Bổn, sau hai năm tập sự tu học.
Năm Quý Hợi – 1923, Ngài được thọ giới Sa di tại chùa Hưng Long với Hòa thượng Bổn sư và hai năm sau (1925), Ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Hưng Long do Đại lão Hòa thượng Tái Khai làm Đàn đầu truyền giới. Năm đó Ngài tròn 20 tuổi.
Năm Đinh Mão – 1927, Hòa thượng Bổn sư của Ngài viên tịch, sau khi tang lễ xong, Ngài đứng ra vận động xây dựng tháp bảy tầng, an trí linh vị Bổn sư rồi sắp xếp công việc Phật sự giao lại cho huynh đệ đồng môn, tiếp tục tham phương học đạo.
Với quyết tâm cầu tiến, Ngài đã đến cầu pháp với Hòa thượng Tâm Thường tại chùa Long Hưng, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, và được Hòa thượng đặt pháp húy Nhựt Tinh, pháp hiệu Trí Tấn.
Năm Tân Mùi – 1931, Ngài được Tổ đình Long Thiền, Biên Hòa mời về làm tri sự, vừa tu học, vừa hoằng bá đạo pháp nơi đây.
Năm Ất Hợi – 1935, Ngài được chư Sơn thiền đức và các huynh đệ đề cử trụ trì chùa Hưng Long nơi mà trước đây Ngài đã xuất gia học Phật. Với đức độ và uy tín ngày càng cao, nên trong mùa An cư kiết Hạ và khai giới đàn năm Canh Thìn – 1940, Ngài được suy cử Giáo Thọ A Xà Lê tại chùa Long Hưng, Long Thành, Biên Hòa.
Năm Ất Dậu – 1945, Ngài là Tổng thư ký Hội Phật giáo Cứu quốc miền Đông Nam Bộ. Ngài động viên 4 tu sĩ ở chùa Hưng Long tham gia kháng chiến chống Pháp, và quý vị này đã hy sinh năm 1947.
Năm Đinh Hợi – 1947, Ngài hưởng ứng phong trào “tiêu thổ kháng chiến” của cách mạng đề xướng, cho đốt chùa Hưng Long để chống sự chiếm đóng của quân Pháp.
Năm Đinh Dậu – 1957, Ngài được tôn cử làm Yết Ma A Xà Lê tại trường Hạ – Chúc thọ giới đàn chùa Long Sơn, Thới Hòa – Tân Uyên – Biên Hòa.
Năm Mậu Tuất – 1958, Ngài được Giáo hội suy cử làm Tăng Giám tỉnh Biên Hòa thuộc Giáo hội Phật giáo Cổ truyền – Lục Hòa Tăng Việt Nam.
Từ năm 1959 – 1975, trong thời kỳ chính quyền Ngô Đình Diệm và thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Ngài đã yểm trợ, nuôi giấu rất nhiều các chiến sĩ giải phóng được bảo toàn bí mật công tác.
Năm Canh Tuất – 1970, Ngài được mời làm Pháp sư giảng luật và làm Chánh chủ kỳ trường Hương chùa Thanh Long, Đức Tu – Biên Hòa.
Năm Tân Hợi – 1971, Ngài được chư Sơn đề cử đảm nhận chức vụ Tăng trưởng Phật giáo Cổ truyền – Lục Hòa Tăng, tỉnh Biên Hòa.
Năm Nhâm Tý – 1972, Ngài được toàn thể chư Sơn thiền đức đề cử lên hàng Giáo phẩm Hòa thượng tại Đại giới đàn chùa Bửu Phong, núi Bửu Long, Biên Hòa và cử làm chánh Thư ký Viện Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền – Lục Hòa Tăng Việt Nam.
Năm Ất Mão – 1975, sau khi đất nước thống nhất, Ngài được mời tham gia Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Uyên, tỉnh Sông Bé. Ngài ở chức vụ này đến năm 1983.
Năm Canh Thân – 1980, Ngài làm Hòa thượng Đàn đầu tại giới đàn chùa Long Vân, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Năm Tân Dậu – 1981, Ngài làm Trưởng đoàn đại diện Giáo hội Phật giáo Cổ truyền – Lục Hòa Tăng, tham dự Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ I tại thủ đô Hà Nội. Cũng trong đại hội này, Ngài được suy tôn làm Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và là Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội.
Năm Quí Hợi – 1983, tại Đại hội Phật giáo tỉnh Sông Bé lần thứ I, Ngài được suy cử làm Trưởng ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sông Bé, và là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sông Bé cho đến năm 1995.
Suốt trong bốn nhiệm kỳ từ năm 1983 – 1994, Ngài đều được tín nhiệm trọng trách này. Trong thời gian này, Ngài đã tổ chức được 3 lần Đại giới đàn và làm Hòa thượng Đàn đầu ban truyền giới pháp cho nhiều giới tử, môn đồ.
Trong Đại hội kỳ III Giáo hội Phật giáo Việt Nam tháng 11 năm 1992, Ngài được Hội đồng Chứng minh và Trị sự của Giáo hội tín cử làm Chủ tọa cho phiên họp bầu Ban thường trực của hai hội đồng. Ngoài ra, với phương châm đời sống : đạo pháp – dân tộc, nên suốt đời Ngài dành trọn vẹn để chu tất cho cả trong đạo lẫn ngoài xã hội.
Ngày 13 tháng 12 năm Giáp Tuất – 1995, Ngài xả báo an tường, thu thần thị tịch, trụ thế 89 năm, hưởng 69 tuổi đạo. Bảo tháp của Ngài được an trí tại khuôn viên chùa Hưng Long để Tăng Ni, Phật tử chiêm bái thờ phụng.