164. HÒA THƯỢNG THÍCH THANH THUYỀN

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành

HÒA THƯỢNG THÍCH THANH THUYỀN
(1914 – 1994)

Hòa thượng Thích Thanh Thuyền, pháp danh Hoằng Chí, pháp hiệu Nguyện Tây, thuộc Tổ đình Trường Khánh, thiền phái Lâm Tế. Ngài còn có pháp tự là Kim Tế, nối pháp đời thứ 50, thiền phái Tào Động.

Ngài thế danh là Khưu Hàn Cảnh, sinh ngày 19 tháng 2 năm Giáp Dần 1914 (năm Dân Quốc thứ 3), tại thôn Hiểu Ốc, huyện Liên Giang, phủ Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Gia đình Ngài chuyên nghề nông trang, cha là ông Khưu Tình Phúc, mẹ là bà Hồ Từ Kiều, Ngài là người con còn lại duy nhất trong gia đình.

Năm lên 8 tuổi, song thân Ngài lần lượt qua đời. Ngài được bà ngoại đem về nuôi dạy. Bà ngoại Ngài là người kính tin Tam bảo, lại thêm người cậu của Ngài là cư sĩ Minh Tánh, một nhà nghiên cứu Phật học uyên thâm, đã tận tình hướng dẫn Ngài đến với Phật pháp từ thuở niên thiếu, đó là nhân duyên ban đầu phát Bồ đề tâm, để Ngài ước nguyện khi lớn lên quyết sẽ trở thành Thích tử xuất gia.

Năm Nhâm Thân 1932, khi được 18 tuổi, Ngài tìm đến Di Sơn Tây Thiền Tự, đảnh lễ Hòa thượng Ngưỡng Tham xin thế độ xuất gia, được Hòa thượng Bổn sư ban cho pháp danh là Hoằng Chí, nhập chúng tu học thiền môn qui tắc.

Năm Giáp Tuất 1934, Ngài được Bổn sư cho thọ tam đàn giới pháp tại giới đàn Di Sơn Tây Thiền Tự, đắc giới nơi Hòa thượng Viên Thông, được ban pháp tự là Thanh Thuyền. Ngài tinh tấn hành trì pháp môn Tịnh độ và học tập kinh luật trải qua 10 năm nơi Tổ đình Trường Khánh, thiền phái Lâm Tế.

Năm Giáp Thân 1944, theo sự thỉnh cầu của Hội đồng hương Phúc Kiến tại Việt Nam, Ngài vâng lệnh Hòa thượng Giám viện – Y chỉ sư là Diễn Ngộ-Chứng Lượng, phái Ngài sang hoằng đạo tại Việt Nam, cùng đi với Ngài có 2 đệ tử xuất gia là Pháp sư Ninh Hùng và Diệu Hoa.

Sang đến Việt Nam, Ngài và đệ tử bước đầu tạm trú tu hành ở Nhị Phủ miếu và Quan Âm miếu, cũng là Hội quán Phúc Kiến, tọa lạc trên đường Lão Tử, Chợ Lớn. Được một thời gian, Ngài thấy nơi đây không thuận tiện cho việc hành đạo, nên khuyến giáo bổn đạo người Hoa để lập nên một ngôi chùa nhỏ, lấy tên là Nam Phổ Đà Tự, tọa lạc trên đường Lục Tỉnh, Chợ Lớn (nay là đường Kinh Dương Vương, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh). Đây là ngôi chùa của Phật giáo Hoa Tông đầu tiên tại vùng Sài Gòn – Chợ Lớn thời bấy giờ.

Năm Mậu Tý 1948, việc hoằng pháp ngày càng thuận lợi, Ngài bắt đầu hưng công xây dựng lại ngôi Nam Phổ Đà Tự, để trở thành một ngôi Tùng lâm Phạm Vũ xứng đáng tầm vóc của Phật giáo Hoa Tông, sánh với các Đền, Phủ, Miếu, Từ… theo tín ngưỡng dân gian truyền thống trước đó của người Hoa.

Năm Tân Mão 1951, sau 3 năm trùng tu, ngôi bảo tự Nam Phổ Đà được khánh thành, Ngài trở về Trung quốc cung thỉnh nhị vị Bổn sư Ngưỡng Tham, Y chỉ sư Chứng Lượng sang Việt Nam dự khánh thành và ở lại đây trụ trì hoằng dương Phật đạo, còn Ngài chỉ đảm nhận chức Giám viện.

Năm Đinh Dậu 1957, trước khi Bổn sư viên tịch, Ngài được truyền thừa Tổ ấn kế thừa Tổ đình Trường Khánh tại Việt Nam, và được phó chúc trụ trì Nam Phổ Đà Tự. Đến khi các vị tiền bối đã viên tịch, Ngài xây Bảo tháp tôn thờ ở khuôn viên chùa. Sau đó, Ngài sang Tân Gia Ba (Singapore) cầu pháp với Hòa thượng Cao Tham-Đằng Tánh, được ban pháp hiệu Kim Chí, kế thừa thiền phái Tào Động, đời thứ 50.

Ngài lãnh trọng trách hoằng dương chánh pháp ở Nam Phổ Đà Tự được 28 mùa An cư kiết Hạ. Cơ duyên Phật giáo Hoa Tông ở Việt Nam ngày càng phát triển, chùa cảnh thêm nhiều, đệ tử xuất gia – tại gia thêm đông, việc tu học và truyền bá Phật đạo đã có lớp kế thừa vững chắc. Ngài phó chúc chùa Nam Phổ Đà lại cho đệ tử lớn là Pháp sư Ninh Hùng quản lý trụ trì cùng 2 đệ tử Trì Hùng, Thánh Hùng, còn Ngài chuyên tâm lo việc tu niệm và vân du chiêm bái thắng tích.

Năm Nhâm Tuất 1982, nhận lời thỉnh cầu của Hội trưởng Hội Phật giáo Ca Châu (California) tại Mỹ quốc là cư sĩ Tạ Mãn Căn, Ngài được phép xuất dương sang Hoa Kỳ để lãnh đạo và phát triển Phật giáo Hoa Tông. Sang đến nơi, Ngài được cung thỉnh trụ trì chùa Nặc Na kiêm Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Ca Châu – Mỹ Quốc để dẫn dắt tín đồ hoằng pháp lợi sanh tại đây.

Năm Quý Hợi 1983, nghĩ tưởng đến song đường sớm khuất bóng mà Ngài chưa có dịp báo đáp công ơn sinh thành như lời Phật dạy, Ngài trở về cố hương Trung Quốc xây tháp báo ân cho cha mẹ, lập Trai đàn thí thực thỉnh chư Tăng gia trì Pháp hội, siêu tiến song đường tại Tổ đình Trường Khánh – núi Di Sơn. Đó cũng là tâm nguyện cuối cùng của Ngài trong cuộc đời xuất gia và nguyện báo tứ trọng ân.

Trở lại Mỹ Quốc, như đã thỏa nguyện độ sanh báo đức, Ngài chỉ còn chuyên tâm tu niệm, hành trì pháp môn Tịnh độ mong xả báo thân. Vào lúc 9 giờ 30 phút ngày mùng 7 tháng 5 năm Giáp Tuất (15.6.1994), Ngài an nhiên thị tịch tại chùa Nặc Na, trụ thế 80 năm, trải qua 60 mùa an cư kiết Hạ. Môn đồ pháp quyến trà tỳ nhục thân, chia xá lợi làm 3 phần, xây dựng Bảo tháp ở 3 nơi để thờ phụng là : Di Sơn Tây Thiền Tự (Trung Quốc). Nam Phổ Đà Tự (Việt Nam), Nặc Na Tự (Mỹ Quốc).

Trong cuộc đời hoằng hóa độ sanh của Thanh Thuyền – Kim Chí thượng nhân, Ngài đã thế độ xuất gia trên 20 vị, đa phần ở tại Việt Nam, hiện đang tiếp nối sự nghiệp phụng sự Phật giáo Hoa Tông trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngài đã kiến tạo nên ngôi Tùng lâm Nam Phổ Đà trang nghiêm tráng lệ, để lại dấu ấn là người khởi nguyên cho nền móng Phật giáo Hoa Tông tại vùng Sài Gòn – Chợ Lớn.