158. HÒA THƯỢNG INDA PPANNÀ DANH DINL

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành

HÒA THƯỢNG INDA PPANNÀ DANH DINL
(1908 – 1992)

Hòa thượng thế danh là Danh Dinl – pháp danh là Inda Ppannà, sinh năm Mậu Thân 1908 tại làng Ngang Dừa, Chương Thiện, tỉnh Rạch Giá (nay là huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu). Ngài sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, thân phụ là cụ ông Danh Chea, thân mẫu là cụ bà Neang Thị Sư, Ngài là người thứ hai trong gia đình có 4 anh em.

Ngài có tư chất thông minh. Năm 14 tuổi, cha mẹ dẫn đến cho học chữ Khmer với Hòa thượng Đuông trụ trì chùa Khlăng, thị xã Sóc Trăng. Ngài học ở đây đến năm 17 tuổi, thì xin trở về nhà phụng dưỡng cha mẹ.

Năm Canh Ngọ 1930, lúc 22 tuổi, Ngài xin phép song thân được phát tâm xuất gia tại chùa Peang-Som-Ritch, xã Phú Ninh (nay là huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng). Liền sau đó, Ngài được thọ Cụ túc giới, với Hòa thượng Phân, trụ trì chùa Tro Nup làm Thầy tế độ, Hòa thượng SinL chùa Com-Poong-Trop làm Thầy tuyên ngôn và Hòa thượng Danh Pik chùa Peang-Som-Ritch làm Thầy Yết ma, được Hòa thượng tế độ ban cho pháp danh là Inda Ppannà.

Năm Quý Dậu 1933, sau khi thọ giới 3 năm, Ngài xin phép Thầy tế độ sang nước Cao Miên để học chữ Pàli ở chùa Girivansa tỉnh Kom-Pôoth hết 3 năm. Sau đó Ngài lại xin phép Thầy trụ trì qua chùa Prêk-Tà-Têen huyện Kom-Poong-H.Luông, tỉnh Kom-Poong-S.Pư để học tiếp kinh tạng Pàli trong 2 năm nữa. Tiếp tục, Ngài qua chùa Prash-Putch-Meanl-Punn, thành phố Phnôm Pênh để học lớp nâng cao Pàli và thi đậu bằng Pàli-Roông (Trung cấp Pàli ngữ).

Năm Kỷ Mão 1939, sau 8 năm ở Cao Miên, Ngài thấy vẫn chưa thỏa mãn sở học, nên ở lại nhập Hạ tại chùa Lăng-Ka thành phố Phnôm Pênh để bổ túc thêm luật tạng Pàli ngữ.

Năm Canh Thìn 1940, Ngài nhận lời thỉnh mời của chư Tăng và Phật tử, đến ở chùa Konl-Đâng, tỉnh Bath-Đom-Boong, làm giảng sư Pàli ngữ hết một năm.

Từ năm 1941-1944, Ngài trở lại chùa Lăng-Ka tại thành phố Phnom-Pênh tiếp tục theo học lớp cao cấp Pàli tại Trường Cao cấp Phật học của hội trí thức Phật học Campuchia. Sau khi đậu Diplôme Pàli ngữ, Ngài bắt đầu sự nghiệp giảng dạy, truyền bá đạo pháp.

Năm Ất Dậu 1945, Ngài nhận lời thỉnh mời của chư Tăng và Phật tử đến ở chùa H.Luông huyện Ba-Kanl, tỉnh Pô-Sath. Năm 1946, Ngài được thỉnh làm giảng sư dạy trường Cao cấp Pàli-Phật học tại chùa S.Konl tỉnh Kom-Poong-Cham. Năm 1947, Ngài dạy Pàli ngữ cho chư Tăng và Phật tử ở chùa Dhamma-Kêr tỉnh Prêy-Vêng. Sang năm 1948, Ngài dạy Pàli ngữ ở chùa S-Vay-Mes tại Pô-Chienh-Tông, tỉnh Konl-Đal.

Năm Kỷ Sửu 1949, Ngài về Việt Nam, trở lại chùa Sirì Muni Varisà-Peang-Som-Ritch xã An Ninh, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng và tiếp tục dạy Pàli ngữ cho chúng Tăng ở đây. Thời gian này, Ngài đã vận động đồng bào Phật tử ủng hộ xây dựng thêm liêu, cốc và chỉnh trang lại chùa cảnh.

Năm Canh Dần 1950, chư Tăng và Phật tử chùa Ph-Noôr-R-Ka xã Phú Tâm, Sóc Trăng thỉnh Ngài qua dạy chữ Pàli hết một năm.

Năm Tân Mão 1951, với chí nguyện học trọn vẹn tam tạng giáo điển Pàli ngữ, Ngài lại sang Cao Miên lần thứ hai, đến chùa Jotanàràma tỉnh Kom-Poong-Cham để học Abhidhamma (luận tạng) và giảng dạy Pàli ngữ, sau đó Ngài vào rừng Tua- S-Lêeng tu hạnh Đầu đà suốt 3 tháng.

Năm Quý Tỵ 1953, Ngài đến ở Xứ-Tứk-Voôl (Takh-Mao) trung tâm Thiền học làng Nirodha (Trung tâm thiền học Điền Trung) tỉnh Konl-Đal trong 7 năm. Từ đó trở đi, Ngài tiếp tục công việc giảng dạy Pàli ngữ cho khắp các chùa trong tỉnh.

Đến năm Giáp Dần 1974, Ngài trở lại Việt Nam, về chùa Siri Muri Varisà-Peang-Som-Ritch, xã An Ninh, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng để dạy kinh, luật, luận và thiền cho chư Tăng.

Năm Đinh Tỵ 1977, Ngài được chư Tăng và đồng bào Phật tử tín nhiệm đề cử Ngài giữ chức vụ trụ trì chùa Siri Muri Vansà-Peang-Som-Ritch với sự quyết định bổ nhiệm trụ trì của Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo và Ban dân tộc tỉnh Hậu Giang.

Năm Canh Thân 1980, ngoài việc giảng dạy Giáo lý cho chúng Tăng và đồng bào Phật tử khắp nơi tu học. Ngài còn xây dựng thêm một lò thiêu, giảng đường, Tăng xá, trang trí bày biện, an vị các tượng Phật thờ trên chánh điện cho thêm phần tôn nghiêm tướng hảo. Đặc biệt, Ngài đã xây dựng một ngôi học đường quy mô, để các Sư và đồng bào Phật tử thường xuyên lui tới tham dự các lớp giáo lý Phật pháp, Pàli ngữ và Khmer.

Tuổi cao lão bệnh, theo định luật vô thường, Ngài đã thu thần thị tịch vào lúc 8 giờ 45, ngày 23 tháng 08 năm 1992, nhằm ngày 25 tháng 07 năm Nhâm Thân. Ngài trụ thế 84 năm, hưởng 62 tuổi đạo.

Suốt một đời vì đạo pháp, vì văn hóa giáo dục, Hòa thượng Indappnnà – Danh Dinl đã nêu cao đuốc tuệ cho các hàng đệ tử mai sau noi theo. Xá lợi của Ngài được tôn thờ ngay tại chùa Peang-Som-Ritch, để các hàng hậu học gần xa chiêm ngưỡng và ghi nhớ mãi mãi.