Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành
HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỨC TÂM
(1828 – 1988)
Hòa thượng Thích Đức Tâm, pháp danh Nguyên Tánh, pháp hiệu Đức Tâm, thuộc dòng Lâm Tế Liễu Quán đời thứ 44. Ngài thế danh Trần Hoài Cam, sanh ngày 12 tháng 10 năm Mậu Thìn (1928) tại làng Hồi Thành, xã Hương Lưu, tỉnh Thừa Thiên, nay thuộc phường Vĩ Dạ – Huế, thân phụ là cụ bà Nguyễn Thị Lượng. Ngài là con trai độc nhất của gia đình thâm tín Tam bảo.
Bởi là con một, nên cha mẹ một mực thương yêu và kỳ vọng Ngài nối dõi tông đường mai hậu. Thời niên thiếu Ngài được theo Nho học và sau đó chuyển qua tân học để trau dồi kiến thức thế gian, ngõ hầu phục vụ tốt hơn cho gia đình – xã hội.
Thế nhưng, như có túc duyên Phật pháp sâu dày nên mới 14 tuổi, Ngài đã có chí nguyện xuất gia học đạo. Buổi đầu khai tâm học Phật, Ngài được thọ giáo với Hòa thượng Thích Trí Thủ, một cao Tăng lúc bấy giờ tại chùa Ba La Mật – Huế, sau này là Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 1943, sau một năm xuất gia, Ngài được Bổn sư cho thọ Sa di giới, pháp danh Nguyên Tánh, pháp tự Đức Tâm. Từ đó, Ngài tinh tấn tu học, thúc liễm thân tâm và được theo học tại trường Sơn môn Phật Học Linh Quang và Phật Học đường Báo Quốc – Huế.
Năm 1948, Ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới tại giới đàn Tổ đình Báo Quốc do Hòa thượng Tịnh Khiết làm Đàn đầu truyền giới. Năm ấy, Ngài vừa tròn 20 tuổi. Sau khi đắc pháp, dự nhập vào hàng Tăng bảo, Ngài lại càng gia công khổ luyện tu học; để mau chóng vận dụng sở tu, sở học của mình phụng sự chúng sanh, báo đáp Tổ đức, Bổn sư.
Khởi đầu sự nghiệp hoằng pháp lợi snah, Ngài đã cùng quý tôn túc sáng lập Gia đình Phật Hóa Phổ, tiền thân của Gia đình Phật tử Việt Nam; đồng thời cùng với Hòa thượng Minh Châu, Hòa thượng Thiên Ân, Thầy Chơn Trí biên soạn cuốn Phật pháp để làm cơ sở hướng dẫn giáo dục cho Phật tử.
Năm 1954, Ngài 26 tuổi, được cử giữ chức vụ Tổng thư ký nguyệt san Liên Hoa, một cơ quan ngôn luận hoằng pháp nổi tiếng của Phật giáo Trung phần lúc bấy giờ. Cũng năm này, Ngài làm Giảng sư cho Tổng hội Phật giáo Trung phần; Giáo sư tại Phật học đường Báo Quốc và các trường Trung học Bồ Đề – Huế.
Năm 1958, Ngài được Giáo hội Tăng Già Thừa Thiên giao trách nhiệm Phó trụ trì Quốc Tự Diệu Đế – Huế.
Năm 1964, Ngài đứng ra tu tạo lại chùa Diệu Minh sau đổi lại hiệu là Pháp Hải. Cũng chính năm này, Ngài dẫn đầu đoàn đại biểu Tổng hội Phật giáo Trung phần tham dự Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam tại chùa Ấn Quang – Sài Gòn. Sau đại hội, tại tỉnh nhà Ngài được đề cử làm Đặc ủy hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Năm 1965, Ngài được mời làm Tổng thư ký Đại giới đàn Vạn Hạnh tổ chức tại Tổ đình Từ Hiếu – Huế.
Nhằm mục đích phát huy tinh thần đạo pháp với dân tộc, Phật giáo với tư tưởng hòa bình cho nhân loại, trung tâm văn hóa Liễu Quán – Huế ra đời và Ngài được giữ trọng trách làm Giám đốc trung tâm.
Song song với việc vun bồi trí tuệ cho hàng hậu tấn, Ngài còn quan tâm đến đời sống của Tăng Ni, Ngài xây dựng mở rộng Châu Hoằng liên xã ở Lại Bằng trong việc khai hoang Đồng Chàm để canh tác trồng trọt hoa màu.
Năm 1972, Ngài được cung cử chức vụ Phó đại diện kiêm Đặc ủy hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Thừa Thiên.
Năm 1973, Đại giới đàn Phước Huệ – Nha Trang tổ chức, Ngài được giữ chức vụ Phó Chủ khảo. Cũng năm này, Ngài được Bổn sư Thích Trí Thủ trao kệ đắc pháp với pháp hiệu Hải Tạng.
Năm 1978, Ngài được chư tôn đức trong sơn môn cử làm Trưởng môn phái Tổ đình Từ Hiếu.
Năm 1981, sau khi đất nước được thống nhất, và trong sự thống nhất Phật giáo cả nước, Ngài là một trong số 165 đại biểu tham dự Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam tại thủ đô Hà Nội.
Năm 1982, với tinh thần xây dựng Giáo hội, phụng sự quê hương xứ sở, Ngài được đắc cử giữ chức vụ Phó ban Trị sự kiêm Ủy viên Giáo dục Tăng Ni Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên liên tiếp 2 nhiệm kỳ.
Đầu xuân năm 1987, Ngài lâm bệnh nặng, linh cảm nhân duyên hoằng pháp sắp mãn, mùa đông năm Đinh Mão (1987), Ngài đã đến tham yết các chốn Tổ đình, các vị tôn túc, pháp hữu trước khi trở gót về Tây phương.
Ngài đã an nhiên thị tịch lúc 9 giờ 45 phút ngày 13 tháng Giêng năm Mậu Thìn tức 29 tháng 2 năm 1988. Ngài trụ thế 60 tuổi đời và 40 tuổi đạo.
Cả cuộc đời tu học và hoằng pháp của Ngài là một tấm gương sáng cho tất cả thế hệ mai sau. Ngài vun trồng trí tuệ cho đàn hậu học, thắp sáng đuốc tuệ cho cả nhân sinh và nỗ lực đóng góp sức mình cho sự nghiệp chung của Giáo hội. Pháp thân tuệ mạng của Ngài vẫn còn thắm đượm mai sau.