152. HÒA THƯỢNG THÍCH HUYỀN TẾ

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành

HÒA THƯỢNG THÍCH HUYỀN TẾ
(1905 – 1986)

Hòa thượng Thích Huyền Tế, pháp danh Như Long, pháp hiệu Huyền Tế. Ngài sanh vào ngày Rằm tháng Bảy – nhân lễ Vu Lan Thắng Hội năm Ất Tỵ (1905), tại làng Sung Tích (nay là xã Sơn Hội), huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Thân phụ Ngài là một Phật tử tại gia thuần thành quy y với Hòa thượng Diệu Quang đệ lục Tổ sư Thiên Ấn với pháp danh Như Tiếp, tự là Giải Đạo. Ngài xuất thân trong một gia đình trung lưu khá giả, là người con thứ 10 trong gia đình.

Từ thuở ấu thời đến khi trưởng thành, Ngài được rèn luyện, học tập triết lý Nho gia và cũng thường đến học Phật tại Tổ đình Thiên Ấn, thỉnh giáo kinh sách với Hòa thượng Chơn Trung – Diệu Quang để mở mang trí tuệ.

Vào ngày 19 tháng 6 năm Quý Hợi (1-8-1923), khi vừa tròn 18 tuổi, Ngài chí thành cầu thỉnh Tổ sư đệ lục xin xuất gia đầu Phật, được Tổ đặt pháp danh Như Long, nhờ chí tâm tu học, nỗ lực ngày đêm; không bao lâu sau Ngài đã trở thành một học Tăng xuất sắc ở Tổ đình Thiên Ấn.

Năm Đinh Mão 1927, sau 4 năm chuyên cần tu tập dưới sự dìu dắt tận tình của Tổ sư đệ lục, Ngài được thọ giới Sa di tại Đại giới đàn chùa Từ Hiếu được tổ chức chung cho các tỉnh : Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định và đắc pháp với pháp tự là Giải Thuyền.

Năm Canh Ngọ 1930, thiện duyên đã đến lúc 25 tuổi, Ngài được Bổn sư tuyển chọn cho đi thọ giới Tỳ kheo tại giới đàn chùa Bảo Lâm, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi và đắc pháp với pháp hiệu là Huyền Tế.

Suốt 8 năm tu học, với đức độ khiêm cung, học lực uyên thâm, giới hạnh trang nghiêm, tánh tình hòa nhã, năm 1931, Ngài được Tăng chúng, huynh đệ và tín hữu đề cử làm tri sự kiêm Duy Na tại Tổ đình Thiên Ấn.

Năm Nhâm Thân 1932, nhận thấy lòng hiếu học cầu tiến và đức độ khiêm cung của Ngài, Tổ sư đệ lục cho phép Ngài vào miền Nam tham học, nghiên cứu kinh luật giáo lý Đại thừa. Cuối năm 1934, được lệnh Bổn sư Ngài trở ra Bình Định vào chùa Thập Tháp thọ giáo cầu pháp thêm ở Hòa thượng Phước Hưng, một vị đức độ tài ba, uy tín ở miền Trung lúc bấy giờ.

Đầu năm Bính Tý 1936, do nhu cầu Phật sự, Ngài được chư Sơn và môn phái triệu về giao cho chức vụ Trị sự trưởng, để cải tổ và trùng hưng lại chùa Quang Lộc ở Quảng Ngãi.

Năm Mậu Dần 1938, Hòa thượng Vĩnh Thừa có việc Phật sự phải về Huế, Ngài được Tổ sư đệ lục và chư Tăng tín đồ đề cử làm trụ trì chùa Bảo Lâm thuộc làng Vĩnh Lại (Mỹ Khê), huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ngài đã trùng tu chánh điện, kiến lập trai đường, Tăng xá để phục vụ cho sự sinh hoạt tu học và tín ngưỡng của đông đảo Tăng Ni, Phật tử, để tiếp tục duy trì mạng mạch Phật pháp, lợi lạc quần sanh.

Năm Bính Tuất 1946, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) một số Tăng sĩ trẻ đã “cởi áo cà sa, khoác chiến bào”. Cảnh chùa trống vắng, tín hữu thất lạc, Ngài đã cùng quý Hòa thượng Khánh Tín, Huyền Đạt, Huyền Ấn, Huyền Tịnh, Huyền Tấn vượt các gian lao, quyết tâm sắt son giữ gìn Tam Bảo cho đến ngày hòa bình lập lại năm 1954.

Năm Ất Mùi 1955, sau 10 năm hoạt động Phật sự bị ngừng trệ do chiến tranh, Ngài đã tổ chức lại khóa Hạ đầu tiên tại chùa Bảo Lâm cho Tăng Ni trong tỉnh và ngoài tỉnh đến an cư tu học.

Thời kỳ pháp nạn 1963, thời điểm mà các nhà tu hành Phật giáo chân chính, các tín đồ Phật tử thuần thành không ai không ưu tư, hành động. Ngài ở tận miền thôn dã, cũng đã phát động những phong trào đấu tranh chống lại sự đàn áp kỳ thị Phật giáo của chính phủ nhà Ngô, bất chấp mọi sự đe dọa của chính quyền sở tại. Ngài vẫn sát cánh với quý Hòa thượng lãnh đạo ở Tỉnh hội tranh đấu, buộc chính quyền đương thời phải thỏa mãn những nguyện vọng chính đáng của Phật giáo đồ Việt Nam.

Năm Ất Tỵ 1965, Ngài và chư Tăng, Phật tử phải tạm trú tại chùa Hội Phước trong thị xã Quảng Ngãi một thời gian, vì chùa Bảo Lâm nằm trong vùng có chiến sự lan rộng.

Năm Bính Ngọ 1966, Ngài vận động đạo hữu, tín đồ đóng góp xây dựng chùa Bảo Linh tại Bàu Cả làm nơi đào tạo Tăng tài, để các Tăng sĩ trẻ có nơi tu học, nhiều vị hiện nay đang phục vụ cho Giáo hội các tỉnh như : Thượng tọa Thích Hạnh Diên, Hạnh Trình, Hạnh Trân, Đại đức Trí Thắng…

Những năm 1967-1969, Ngài được Giáo hội cung thỉnh kiêm nhiệm trụ trì chùa Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Quảng Ngãi.

Năm Kỷ Dậu 1969, Ngài được đề cử chức vụ Cố vấn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Quảng Ngãi và là thành viên trong Hội đồng Trưởng lão Viện Hóa Đạo.

Đến năm Tân Hợi 1971, đại hội Phật giáo cử Ngài làm Đặc ủy Tăng sự suốt nhiệm kỳ, và tham dự các cuộc họp quan trọng trong Hội đồng Trưởng lão Trung ương. Ngoài ra, mỗi năm Ngài còn làm Thiền chủ cho các khóa Hạ ở Tăng học đường Tích Sơn; Trúc Lâm, ở chùa Bảo Kinh và ở Tỉnh Giáo hội Quảng Ngãi.

Những năm cuối đời, Ngài vẫn hoạt động Phật sự, không phút nào ngơi nghỉ. Dù tuổi già sức yếu, nhưng tâm trí vẫn còn minh mẫn, lúc nào cũng lo cho Phật pháp.

Hàng bao lớp Tăng Ni thành tài phụng sự cho Giáo hội, hàng vạn tín đồ Phật tử được Ngài dạy dỗ, khuyến tu đều trở thành những người hộ đạo đắc lực. Trong số đó, có đạo hữu Huỳnh Dương đã phát tâm phụng cúng ngôi chùa Giác Lâm ở Sung Tiếp, Sơn Tịnh – Quảng Ngãi cho Ngài cùng môn phái trùng tu, quản lý và hoằng truyền Phật đạo.

Năm Bính Dần 1986, Ngài chấm dứt báo thân, siêu thoát về cõi vô dư tịch diệt. Ngài trụ thế 81 năm, có 56 Hạ lạp.

Hòa thượng Thích Huyền Tế trải qua một đời tu hành công hạnh viên minh, Ngài đã kiến tạo nhiều ngôi Tam bảo, Thiền chủ các trường Hạ, tích cực đào tạo Tăng tài, đóng góp rất nhiều công đức cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngài xứng đáng là bậc Minh sư được truyền tụng và nhớ mãi trong tâm khảm những người con Phật đất Quảng Ngãi.