Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành
HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN HƯƠNG
(1903 – 1971)
Hòa thượng Thích Thiện Hương, pháp danh Như Huệ, pháp hiệu Nhuận Huê, pháp tự Thiện Hương, pháp tự truyền thừa tông môn là Thị Huê, thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 42, thế danh Lê Văn Bạch sanh ngày 14 tháng 5 năm Quý Mão (1903), tại làng Tương An, tổng Bình Thổ ( ) tỉnh Thủ Dầu Một (nay là xã Tân An, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
Ngài sanh trong một gia đình có truyền thống kính tin Tam bảo theo Phật giáo Cổ truyền. Thân sinh là cụ ông Lê Văn Đông, thân mẫu là cụ bà Đào Thị Siêng. Ngài là con cả trong gia đình có 4 anh em gồm 2 trai, 2 gái.
Năm Mậu Thân 1908, lúc lên 5 tuổi, Ngài được cha mẹ đưa đến chùa Phước Hưng, xã Tân An xin quy y với Hòa thượng Chơn Vị – Minh Vạn, được ban pháp danh là Như Huệ. Từ đó, với nhân duyên gần gũi Tam bảo và công quả sớm hôm, đã giúp Ngài sớm có tâm thành xuất gia tu học.
Năm Ất Mão 1915, khi lên 13 tuổi, đúng vào ngày Rằm tháng Tám, Ngài được cha mẹ đem vào chùa Long Minh xin thế phát xuất gia với Hòa thượng Quảng Long, nên có được 3 năm công phu bái sám, học tập quy tắc Thiền môn.
Năm Mậu Ngọ 1918, Ngài được Bổn sư trao pháp thế độ là Nhuận Huê, tự là Thiện Hương, được cho đi dự khóa luật và thọ giới Sa di tại giới đàn trường Kỳ chùa Long Phước – Tân An. Năm sau (1919), Ngài được theo học khóa giáo lý tại Tổ đình Hội Khánh – Thủ Dầu Một do Pháp sư Từ Văn khai mở và Ngài nhập chúng ở luôn lại đây tu học.
Năm Nhâm Tuất 1922, lúc Ngài 20 tuổi, được Hòa thượng Từ Văn cho đi thọ đại giới tại giới đàn chùa Giác Lâm, Chợ Lớn do Hòa thượng Như Phòng – Hoằng Nghĩa làm đàn đầu truyền giới. Từ đó, Ngài chuyên tâm tinh tấn tu học ở Tổ đình Hội Khánh. Đến năm 1930, Ngài cầu pháp với Hòa thượng Từ Văn được ban pháp hiệu Chơn Duyên, tự Từ Giác, đồng thời được Hòa thượng và Tăng chúng cử làm Thủ tọa.
Năm Nhâm Thân 1932, Hòa thượng Từ Văn viên tịch. Trưởng lão chùa Từ Ân cùng chư sơn thiền đức đứng ra lập Ban trụ trì chùa Hội Khánh, gồm Hòa thượng Từ Tâm là chánh trưởng tử, sư cụ Giáo thọ Thiện Quới làm trụ trì, Thủ tọa Thiện Hương làm phó nhất trưởng tử. Nhằm để theo thứ tự truyền thừa, Hòa thượng Từ Tâm đặt chữ thế độ cho Ngài là Thị Huê. Lúc bấy giờ mọi công việc Phật sự ở chùa Hội Khánh đều do Ngài quản lý, vì các vị trong Ban trụ trì đều già yếu.
Năm Quý Dậu 1933, Ngài được suy cử lên ngôi vị Yết Ma A xà lê trong đại giới đàn chúc thọ chùa Sắc tứ Thiên Tôn. Năm 1934, Ngài liên tiếp được cung thỉnh vào các chức sự : Phó Pháp sư trường Gia giáo chùa Tân Long (Gia Định); Chánh chủ Kỳ chùa Long Quang (Lái Thiêu); Thư ký trường Kỳ chùa Long Khánh (Thủ Dầu Một); Chủ Kỳ chùa Long Sơn (Thủ Dầu Một). Sang năm 1936, Ngài đứng ra trùng tu lại cổng Tam quan chùa Hội Khánh.
Năm Tân Tỵ 1941, Ngài được Chư sơn thiền đức giáo phẩm trong tỉnh Thủ Dầu Một công cử làm Trụ trì chùa Hội Khánh – sau khi chư Hòa thượng trong ban Trụ trì đã lần lượt viên tịch – Ngài mở khóa gia giáo, kêu gọi Chư sơn thiền đức trong tỉnh nhà có môn đệ hãy gởi đến chùa Hội Khánh tu học. Chính Ngài là Pháp sư giảng dạy cho khóa học, góp phần đào tạo Tăng tài tương lai cho tỉnh nhà.
Năm Ất Dậu 1945, theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến giành độc lập nước nhà, Ngài tham gia hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Thủ Dầu Một, Hòa thượng Minh Tịnh được bầu làm Chủ tịch, Ngài làm Phó chủ tịch Hội.
Năm Quý Tỵ 1953, Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam được thành lập (31.12.1953), và Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Bình Dương cũng được thành lập trong ngày này. Ngài được trung ương Giáo hội và toàn thể Tăng tín đồ Bình Dương suy cử lên ngôi vị Hòa thượng, đảm nhận Tăng trưởng Phật giáo tỉnh Bình Dương.
Đến năm Canh Tý 1960, Ngài được Hội đồng Trưởng lão Giáo hội suy cử Đệ nhất phó Tăng giám Trung ương Giáo hội Lục Hòa Tăng. Ngài đảm nhận danh vị này cho đến cuối đời.
Trong suốt thời gian hành đạo, Ngài đã tham gia nhiều Phật sự cho Phật giáo Bình Dương, góp phần to lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo tỉnh nhà, Ngài đã đào tạo nhiều thế hệ kế thừa như : Hòa thượng Quảng Viên, Hòa thượng Đồng Lưu, Hòa thượng Đồng Nghĩa…
Năm Quý Mão 1963, khi mà cuộc đấu tranh của giới Phật giáo chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đang ở cao trào, thì Ngài lâm bệnh. Tuy thế, Ngài vẫn luôn dõi hướng về cuộc đấu tranh chung qua tin tức, và luôn cầu nguyện Tam bảo gia hộ cho Phật giáo đồ toàn quốc vượt qua cơn sóng gió, đoàn kết chặt chẽ để đấu tranh cho đến thành công.
Rồi đến lúc tùy duyên trở về cùng tứ đại, Ngài nhẹ nhàng xả thân giả huyễn, lúc 17 giờ ngày 10 tháng 5 nhuần năm Tân Hợi, tức ngày 02 tháng 7 năm 1971, thọ thế 68 tuổi, giới lạp 48 năm. Đồ chúng lập tháp thờ trong khuôn viên chùa Hội Khánh.
Hòa thượng Thiện Hương là một bậc thạch trụ thiền môn của Phật giáo Bình Dương. Cuộc đời Ngài là một tấm gương kiên trì hành đạo, nêu cao hạnh tinh tấn cho hàng hậu học noi theo và là niềm tự hào về một thế hệ danh Tăng nước Việt.