Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành
HÒA THƯỢNG THÍCH PHÁP LONG
(1901 – 1971)
Hòa thượng Thích Pháp Long, pháp danh Quảng Hương, pháp húy Trừng Hinh, pháp tự Pháp Long, pháp hiệu Từ Hội, nối pháp dòng Tế Thượng Thiên Thai Thiền Giáo Tông, đời thứ 42. Ngài thế danh là Trần Minh Châu, sinh năm 1901 (Tân Sửu) tại làng Mỹ Hạnh Trung, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho. Thân phụ là cụ Trần Văn Trương; thân mẫu là bà Nguyễn Thị Mùi, gia đình Ngài có tất cả là 10 anh em, và Ngài là người con thứ 5 trong gia đình.
Được sinh trưởng trong một gia đình đạo đức, tin kính Tam bảo, nên Ngài đã được huân dưỡng tánh đức hiền lương từ tuổi ấu thơ. Năm lên 8 tuổi (1909) một thảm họa lớn đến với Ngài: từ ngày 25 tháng 6, đến mùng 10 tháng 7 trong năm ấy, lần lượt thân mẫu và các người anh em đều từ bỏ cõi đời sau một cơn bệnh dịch oan nghiệt. Sự việc xảy ra quá đột ngột, và hết sức thương tâm này, đã khiến cho Ngài sớm nhận ra đời người là vô thường huyễn hóa.
Từ đó, Ngài sống với cha và ông nội. Năm lên 10 tuổi (1911), ông nội Ngài lại vĩnh biệt dương trần, còn lại hai cha con nương nhau mà sống. Chán ngán cảnh đời đau khổ và mong manh, thoạt có rồi không. Để rồi từ nhân duyên với Phật pháp nhiều kiếp trước phát khởi, Ngài mạnh dạn xin phép phụ thân được xuất gia đầu Phật và đã được chấp thuận.
Ngày mồng 8 tháng 4 năm 1914, Ngài được thân phụ dẫn đến xin xuất gia tại Tổ đình Khánh Quới xã Tân Bình, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang hiện nay) được Bổn sư cho pháp danh là Quảng Hương. Từ đó trở đi Ngài bắt đầu cuộc sống tu hành của người cầu đạo giải thoát.
Ngày 19 tháng 2 năm Ất Mão (1915), thân phụ của Ngài lại qua đời. Trước nỗi đau đó, khi càng buồn thì Ngài càng tinh tấn tu niệm để tưởng nhớ và siêu tiến cho hương linh cố phụ.
Năm 1920 trải qua 4 năm phụng Sư học đạo, nỗ lực tu trì. Hòa thượng Bổn sư của Ngài viên tịch. Từ đây một mình một bóng, Ngài bước đi trên con đường tự độ, hóa tha.
Năm 1923, Ngài được 22 tuổi, nhận thấy muốn thoát khỏi sông mê về bến Giác, cần phải có thầy Tổ làm nơi nương tựa dẫn đường. Cho nên, Ngài tìm đến Tổ Phi Lai ở núi Tượng, Châu Đốc cầu học. Ngài ở nơi đây học đạo một năm, và được Tổ ban cho pháp hiệu là Hồng Hinh, pháp tự Từ Hội.
Năm 1924, Ngài trở về Tổ đình Khánh Quới, phát nguyện nhập thất trì tụng một tạng kinh Di Đà, 3000 biến Kinh Kim Cương và thọ nhất thực (một bữa Ngọ) trong 6 tháng. Sau khi ra thất, Ngài lên núi Điện Bà Tây Ninh tham dự trường Kỳ khóa Luật thọ Tỳ kheo giới. Sau đó vào hang đá tu tập thiền quán, quyết minh tâm kiến tánh. Nhưng tịnh chừng nào vọng nhiều chừng ấy, Ngài bèn đọc sách Quy Nguyên Trực Chỉ, đọc đến Sơn Cư Bách Vịnh có đoạn viết :
“Sơn cư phong cảnh tự thiên nhiên
Đại đạo chỉ triêu tại mục tiền
Bất thức tổ tông thân mật chỉ
Đồ lao niệm Phật dữ tham thiền”.
Nghĩa là :
Phong cảnh núi rừng vốn tự nhiên
Đạo chẳng đâu xa, ở hiện tiền
Nếu không Thầy, Tổ chơn truyền chỉ
Sợ uổng công niệm Phật, tọa thiền !
Ngài chợt tỉnh ngộ, nhận thấy do mình tự tu thiếu Tổ chơn truyền, cần phải tầm Sư chỉ giáo. Ngài tìm đến Hòa thượng Huệ Đăng ở chùa núi Thiên Thai, Long Điền – Bà Rịa xin cầu yếu chỉ. Tổ Thiên Thai nhận thấy Ngài có tuệ căn thông đạt, phước tướng trang nghiêm, có thể là rường cột Phật pháp sau này, nên thâu nhận làm đệ tử, ban pháp húy cho Ngài là Trừng Hinh; pháp hiệu là Pháp Long, với 4 câu kệ rằng :
“Trừng định tinh thần trí tuệ khai
Hinh phong hương thủy tẩy trần ai
Pháp hoa liễu ngộ vô sinh nhẫn
Long đạt tông phong đại biện tài.”
Sau khi nhận lãnh pháp ngữ thầy Tổ, Ngài nhất tâm chuyên trì giới luật, trên cung kính dưới khiêm nhường, khắp nơi ngưỡng mộ tài đức của Ngài theo học rất đông.
Năm 1927, Ngài được tiến cử chức Giáo thọ tại trường Kỳ chùa Thanh Long – Biên Hòa, và sau đó được tấn phong ngôi Yết Ma tại trường Kỳ chùa Khánh Quới – Cai Lậy.
Từ năm 1928 đến 1945, theo bước chân vân du hóa độ, Ngài đã tiếp độ rất nhiều đệ tử xuất gia và tại gia. Trong số rất nhiều các đệ tử, có trưởng tử là Hòa thượng Thích Bửu Huệ nguyên Phó viện trưởng viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm, và rất nhiều các Ni sư, Thượng tọa, Đại đức hiện đang trụ trì ở khắp nơi. Ngoài ra, Ngài còn chứng minh, xây dựng, trụ trì nhiều chùa như : chùa Thiên Cơ (Trà Ôn), chùa Tiên Châu (Vĩnh Long), chùa Bửu Long (Vũng Liêm – Vĩnh Long), chùa Thiên Tôn (Bình Khê – Bình Định).
Năm 1945 đến 1954, Ngài cùng với Hòa thượng Thích Thiện Cảnh tại Vĩnh Long hưởng ứng theo lời kêu gọi của ông Trần Văn Giàu, chủ tịch Nam Bộ kháng chiến và cùng với quý Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Thích Thiện Hào, Thích Pháp Tràng, Thích Pháp Dõng v.v… tham gia trong phong trào Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ chống lại thực dân Pháp.
Sau những năm góp sức gìn giữ quê hương, đạo pháp, Ngài nhận thấy tuổi già sức yếu muốn lui về Tổ đình nhập thất tịnh tu, giảng dạy Tăng Ni Phật tử, nhưng Phật sự bên ngoài đã không cho phép. Các huynh đệ cử Ngài cùng với Hòa thượng Pháp Chiếu đi thăm Tổ Huệ Đăng ở Bình Định, đi đến nơi thì nghe tin Hòa thượng Bổn sư vừa viên tịch, đau xót vô vàn, Ngài phải quay về báo tin cùng sơn môn tứ chúng làm lễ truy điệu. Một thời gian sau, để báo đáp thâm ân giáo huấn của Hòa thượng Bổn sư, Ngài lặn lội ra tận Bình Định để xây tháp thờ Bổn sư và trùng tu lại Tổ đình Thiên Tôn, tổ chức ổn định sinh hoạt tín ngưỡng nơi đây.
Năm Đinh Dậu 1957, Ngài được chư tôn đức thỉnh làm Hòa thượng Đàn Đầu cho Đàn giới tại chùa Thiên Thai, Bà Rịa. Sau đó Ngài trở về chùa Khánh Quới lập một tịnh thất để tĩnh tu an dưỡng và tiếp tục hoằng dương đạo pháp.
Vào năm 1961, do đấu tranh chống lại chính sách kỳ thị tôn giáo của Ngô Đình Diệm, Ngài đã bị bắt và giam tại khám Chí Hòa hơn hai năm. Dù bị tra tấn đánh đập, nhưng lúc nào Ngài vẫn một dạ sắt son với chánh nghĩa, với lý tưởng giác ngộ. Lúc ở trong tù, Ngài đã làm bài thơ :
“Đã ở tù thì lắm cái dơ
Dơ tâm, dơ tánh, thân càng dơ
Tu tâm dưỡng tánh thân tù sạch
Đạo chí bền lòng chẳng để dơ”.
Tháng 11 năm 1963, chính quyền nhà Ngô sụp đổ, Ngài được trả tự do, liền đó Ngài trở về chùa tiếp tục hoạt động Phật sự, giáo dục Tăng Ni, Phật tử. Năm 1966, Ban bảo tự Tổ đình Thiên Thai Thiền Giáo Tông hiệp khai trường Hương tại chùa Thiên Quang (Hóc Môn), Ngài được tiến cử làm Hòa thượng Chủ Hương. Đến mãn Hạ, lập đàn truyền giới, Ban chức sự cung thỉnh Ngài làm Tái thí Đàn đầu Hòa thượng.
Năm 1967, Ngài đến chùa Thiên Minh (Pháp Võ cũ, Chợ Cầu – Hóc Môn) hiệp chúng cấm túc an cư tu học trong 3 tháng. Sau đó, Ngài trụ lại đây cho đến ngày viên tịch.
Những ngày cuối đời, tuy tuổi cao, sức khỏe suy dần, nhưng Ngài vẫn tận tụy giảng dạy, lo cho tiền đồ Phật giáo sau này. Ngày 13 tháng 9 năm Tân Hợi (tức ngày 31 tháng 10 năm 1971), Ngài đã xả báo an tường, thu thần tịch diệt. Ngài trụ thế 70 năm với 47 tuổi đạo.
Suốt cuộc đời Ngài công hạnh vẹn toàn, hiến thân cho đạo pháp và dân tộc không biết mỏi mệt. Ngài là một bậc mô phạm xứng đáng cho hậu học quy ngưỡng.