Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành
HÒA THƯỢNG THÍCH DIỆU PHÁP
(1882 – 1959)
Hòa thượng Thích Diệu Pháp, pháp danh Không Đàm, thế danh là Lê Viễn, sinh năm 1882 (Nhâm Ngọ) tại làng Mỹ Thạnh, tổng Nhơn Nghĩa, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thân phụ Ngài là cụ ông Lê Phước Đặng, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Thình, đều là Phật tử thuần thành của chùa Thập Tháp – Bình Định.
Ngài sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nho phong. Ngay thuở nhỏ thường theo cha mẹ lên chùa Thập Tháp nghe kinh, giảng đạo. Vốn gieo trồng thiện duyên nhiều đời, nên năm 14 tuổi, Ngài đã xin song thân được xuất gia đầu Phật với Hòa thượng Phước Huệ trụ trì chùa Thập Tháp, được Bổn sư ban cho pháp danh là Không Đàm.
Năm Canh Tý 1900 (Thành Thái thứ 12), Ngài được 19 tuổi, sau hơn bốn năm khai tâm học đạo, Ngài xin phép Hòa thượng Bổn sư được đi tham học các nơi để tăng tiến đạo nghiệp. Nhân lúc này, có người chú là Hòa thượng Bửu Quang vào Nam, Ngài liền tháp tùng và tiếp tục tu học tại chùa Linh Tuyền nay là chùa Phước Minh, xã Mỹ Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.
Năm Tân Sửu 1901 (Thành Thái thứ 13), Ngài được Tổ Thập Tháp gọi về cho thọ tam đàn Cụ túc giới tại Đại giới đàn tỉnh Phú Yên, do chính Bổn sư làm Đàn đầu Hòa thượng, Ngài được Tổ Thập Tháp ban pháp hiệu là Diệu Pháp.
Sau khi thọ Đại giới được hai năm, Hòa thượng Bửu Quang viên tịch, Ngài kế vị trụ trì chùa Linh Tuyền, để hướng dẫn tín đồ tu học.
Nhận thấy tuổi đời còn trẻ, tuổi đạo lại chưa nhiều, Ngài quyết chí tầm sư học đạo để trau dồi tuệ nghiệp. Ngài liền giao lại chùa cho huynh đệ đồng tu, một mình sang chùa Tuyên Linh, xã Tân Hương, quận Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre cầu học kinh luật với Hòa thượng Khánh Hòa.
Ngài nỗ lực tu hành, nghiêm trì giới luật ở đây hơn 5 năm và đến năm 1910, lúc 29 tuổi, nhân chùa Phước Sơn, xã Cẩm Sơn, Bến Tre khai giới đàn, Ngài đến tu học và nhận chức Tôn chứng sư cho các giới tử.
Năm Tân Hợi 1911, Ngài giao hẳn chùa Linh Tuyền cho vị khác và tiếp nhận chùa làng Long Bình ở tỉnh Trà Vinh, là tiền thân của chùa Long Khánh hiện nay. Từ đây, cuộc đời sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của Ngài đã gắn chặt trên mảnh đất này.
Năm Đinh Mão 1927, sau gần 17 năm xây dựng, gắn bó với đồng bào Phật tử chung sức tôn tạo, ngôi chùa mới được hoàn thành. Ngài vâng lời Hòa thượng Bổn sư ở Tổ đình Thập Tháp lấy tên hiệu là chùa Long Khánh.
Năm Kỷ Tỵ 1929, chùa Phụng Sơn ở Chợ Lớn khai trường Kỳ, cung thỉnh Ngài làm Yết Ma tại Đại giới đàn.
Năm Tân Mùi 1931, Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học do Hòa thượng Khánh Hòa và các vị tôn túc, cư sĩ thành lập tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn; Ngài được cung thỉnh làm Hội viên Tăng già sáng lập, và nhận trách nhiệm phát hành tờ Phật Học bán nguyệt san Từ Bi Âm cho Hội tại Trà Vinh cho đến khi Hội giải thể.
Năm Quý Dậu 1933, sau 2 năm hoạt động, do Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học không thực hiện được việc mở Thích học đường; quý Hòa thượng miền Nam, đứng đầu là Hòa thượng Khánh Hòa, lui gót về lục tỉnh sáng lập Liên đoàn Phật Học Xã với mục đích chấn hưng Phật pháp, đào tạo Tăng tài. Ngài hưởng ứng chủ trương của Liên đoàn, mở trường gia giáo, tập họp hơn 60 vị Tăng trong chùa để giảng dạy nội, ngoại điển. Ngoài ra, Ngài vận động tín đồ Phật tử thỉnh Đại tạng kinh từ Trung Quốc về chùa để làm tư liệu tham khảo cho Tăng Ni tu học.
Năm Giáp Tuất 1934, Ngài cùng quý tôn túc như Hòa thượng Khánh Hòa, Huệ Quang, Tâm Quang, Niệm Nghĩa và cùng một số Phật tử giàu đạo tâm thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật Học tại chùa Long Phước, ấp Thanh Lệ, Trà Vinh để hoàn thành sứ mạng đào tạo nhân tài, hoằng dương chánh pháp. Cũng trong năm này, Hội Lưỡng Xuyên cho ra đời tờ báo Duy Tâm, khiến thực dân Pháp phải kiêng nể tiếng nói Phật giáo bấy giờ và Ngài giữ chức vụ Phó Tổng Lý trong Ban trị sự.
Từ năm 1945 đến năm 1955, hưởng ứng lệnh của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, Ngài cùng nhân dân địa phương tạm thời tản cư sang chùa Phước Sơn. Chùa Long Khánh bị giặc Pháp chiếm giữ hơn một năm, sau đó cảm thấy không ổn khi lòng dân và các Phật tử sục sôi đấu tranh quyết liệt, chúng đành phải trả lại cho Ngài.
Những năm sau đó, tuy tuổi già nhưng Ngài vẫn đảm nhiệm mọi Phật sự, đấu tranh chống sự áp bức cường quyền của thực dân Pháp.
Ngày 28 tháng 6 năm Kỷ Hợi (1959), biết trước thời duyên đã đến, sau khi dặn dò các chúng tiếp nối Phật sự, truyền thừa Tổ ấn, cũng như việc trà tỳ tang lễ một cách đơn giản, Ngài nhắm mắt thâu thần nhập diệt giữa ba hồi chuông trống Bát nhã tiễn đưa. Ngài trụ thế 77 tuổi đời, hưởng 57 tuổi đạo. Đồ chúng xây dựng Bảo tháp tôn thờ Ngài tại khuôn viên chùa Long Khánh.