108. HÒA THƯỢNG THÍCH TỪ VĂN

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành

HÒA THƯỢNG THÍCH TỪ VĂN
1877 – 1931

Hòa thượng Thích Từ Văn pháp hiệu Chơn Thanh, thế danh Nguyễn Văn Tầm, sinh năm Đinh Sửu (1877) tại làng Phú Cường, Thủ Dầu Một – Bình Dương.

Ngài sinh trưởng trong một gia đình sùng kính Tam Bảo. Thân phụ và thân mẫu của Ngài đều là người quy y Tam bảo. Nhờ ảnh hưởng truyền thống gia đình, năm lên 10 tuổi, Ngài sớm có nhân duyên mến mộ đạo Phật, và được phép song thân cho xuất gia học đạo.

Ngài được song thân đưa đến xuất gia tại Tổ đình chùa Hội Khánh với Hòa thượng Ấn Long – Thiện Quới vào năm 1887, lúc Ngài chỉ mới tròn 11 tuổi, được Bổn sư ban pháp danh là Từ Văn. Với bản chất thông minh, lanh lợi và tinh tấn công phu bái sám, Ngài đã được Hòa thượng Ấn Long cũng như Tăng chúng trong chùa thương mến. Sau 5 năm học đạo, Ngài thuộc nhiều kinh, luật, Hòa thượng Ấn Long thấy đệ tử Từ Văn thông minh hơn các Tăng chúng trong chùa nên quyết định giới thiệu đến học đạo với Tổ Huệ Lưu ở chùa Huê Nghiêm – Thủ Đức.

Sau khi Tổ Huệ Lưu viên tịch năm 1898, Ngài đến dự nhiều khóa Hạ tại chùa Sùng Đức, Chợ Lớn – Gia Định và theo học đạo với nhiều vị cao Tăng nổi danh khác.

Năm 1906, Đại lão Hòa thượng Ấn Long viên tịch, Ngài cùng môn đồ pháp quyến đứng ra tổ chức lễ tang và xây tháp cho Bổn sư. Mến trọng đức độ và tài trí của Ngài, chư sơn Thiền đức và môn đồ pháp quyến Tổ đình Hội Khánh đồng nhất trí công cử Ngài đảm nhiệm trụ trì để điều hành Phật sự. Tiếng tăm và uy đức của Ngài càng được chư sơn thiền đức trong vùng biết đến. Vào năm 1909, Ngài được cung thỉnh Chứng minh để trùng tu lại ngôi tháp Tổ Nguyên Thiều chùa Kim Cang – Biên Hòa.

Năm Quý Sửu (1913), Ngài lại được quý Hòa thượng miền Tây Nam Bộ cung thỉnh làm Pháp sư tại trường Hương chùa Tam Bảo – Rạch Giá, năm Nhâm Tuất (1922) làm Chánh chủ khảo kỳ thi tại trường Hương chùa Giác Lâm – Gia Định và năm Giáp Tý (1924) là Pháp sư Chúc thọ giới đàn chùa Giác Viên – Gia Định.

Vào năm Canh Thân 1920, tại Thủ Dầu Một nổ ra cuộc đấu tranh của đồng bào yêu cầu nhà cầm quyền Pháp phải có chính sách đối với những gia đình có con đi lính thuê cho Pháp. Đáp lại, nhà cầm quyền Pháp có tổ chức buổi lễ cầu siêu cho các tử sĩ tại thành phố Marseille, miền Nam nước Pháp. Mượn uy tín của hòa thượng Từ Văn, nhà cầm quyền Pháp ở Thủ Dầu Một đã cậy nhờ Ngài sang pháp làm Sám chủ cuộc lễ này. Với năng khiếu mỹ thuật bẩm sinh, nhân dịp này Ngài đã quản lý và chỉ đạo nhóm thợ thủ công ở Thủ Dầu Một mang mô hình chùa Hội Khánh và một số tượng Phật của chùa sang Marseille để triển lãm. Từ đây, ở cương vị Tăng thống, Ngài đóng một vai trò chủ đạo trong giới Phật giáo nước nhà, các nhà chức trách cũng như Tăng tín đồ đều gọi Ngài là Hòa thượng Cả.

Trong phong trào chấn hưng Phật giáo, Ngài đứng ra mở các lớp đầu tiên dạy giáo lý, qui tụ tất cả các Tăng sĩ Thủ Dầu Một lúc bấy giờ đến tham dự khóa học. Ngài đã khơi dậy ý thức cho giới Tăng sĩ trong công cuộc chấn hưng Phật giáo và các phong trào đấu tranh bảo vệ bản sắc dân tộc. Đặc biệt vào năm 1923, do tiếng tăm và đức độ cũng như tinh thần yêu nước của Ngài, nên cụ Phó bảng, Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Hồ Chủ Tịch) và cụ Tú Cúc – Phan Đình Viện, một sĩ phu yêu nước, hai vị đã tìm đến Hòa thượng Từ Văn. Cùng chung lý tưởng trên tinh thần yêu nước bảo vệ dân tộc, ba vị đã đứng ra thành lập “Hội danh dự yêu nước” tại chùa Hội Khánh. “Hội danh dự yêu nước” chủ trương giáo dục đồng bào sống đúng với đạo lý con người, truyền bá tư tưởng yêu nước chống ngoại xâm trong đồng bào cũng như Tăng sĩ Phật giáo ở Thủ Dầu Một. Hội hoạt động đến năm 1926 thì bị nhà cầm quyền Pháp giải tán.

Cũng trong năm này (Bính Dần 1926), Ngài được ông bà Hội đồng Lương Khắc Minh đứng ra xây dựng chùa Trường Thạnh ở Sài Gòn đến cung thỉnh trụ trì chùa tại đây. Ngài nhận lời và cử sư Thiện Tòng về trụ trì. Gắn bó, tâm huyết với Phật sự giáo dục Tăng Ni, giữa năm 1926, Ngài làm Pháp sư ở trường Hạ chùa Hội Phước, Mỹ Tho; rồi năm Mậu Thìn (1929), làm Chứng minh tại trường Hương chùa Long Phước.

Năm 1930, Ngài đứng ra tổ chức khắc bản in kinh để ấn tống cho khắp cả vùng miền Đông và Tây Nam bộ. Hiện nay bút tích của Ngài còn lưu lại tại nhiều chùa ở thành phố Hồ Chí Minh như chùa Giác Lâm, Giác Viên, Sắc Tứ Từ Ân, Trường Thạnh…

Hòa thượng là vị cao Tăng thạc đức trọn đời chăm lo hoằng dương Phật pháp và giàu lòng yêu nước xứng danh bậc thạch trụ của thiền lâm. Ngài đã góp phần xây dựng và định hướng cho sự phát triển của Phật giáo ở Thủ Dầu Một nói riêng và miền Đông Nam bộ nói chung từ đầu thế kỷ XX.

Ngài đã xả bỏ xác thân giả huyễn, an nhiên thị tịch vào lúc 11 giờ ngày 26 tháng 11 năm Tân Mùi (1931). Môn đồ tứ chúng tổ chức tang lễ một cách trọng thể và xây tháp tôn thờ trong khuôn viên Tổ đình chùa Hội Khánh. Tinh thần nhiệt thành vì đạo, vì đời và sự uyên thâm Phật học của Hòa thượng Từ Văn đã được chư Sơn thiền đức khắp vùng và tứ chúng đồng kính ngưỡng, niềm tôn kính bộc lộ rõ nét qua câu đối:

Đinh Sửu Hạ, long thần nhập đạo siêu nhân duy học tử
Tân Mùi Đông, thị tịch qui không tùy Phật chứng vô sanh