105. HÒA THƯỢNG THÍCH TÂM TỊNH

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành

HÒA THƯỢNG THÍCH TÂM TỊNH
(1868 – 1928)

Hòa thượng Thích Tâm Tịnh, pháp hiệu Tâm Tịnh, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 41, thế danh là Nguyễn Hữu Vĩnh, sinh năm Tự Đức thứ 21 (Mậu Thìn – 1868), tại Thừa Thiên – Huế. Ngài lớn lên trong thời kỳ triều đình nhà Nguyễn đang dần dần suy yếu, là đệ tử nối pháp thứ năm của Hòa thượng Diệu Giác – Hải Thuận (trụ trì chùa Báo Quốc).

Đồng một thế hệ với Ngài, gồm có Ngài Tâm Khoan (chùa Quang Bảo, chùa Thiên Tôn), Ngài Tâm Thiền (chùa Thiền Tôn), Ngài Tâm Quảng (chùa Báo Quốc), Ngài Tâm Thể (chùa Từ Ân), Ngài Tâm Truyền (chùa Diệu Đế, chùa Báo Quốc), Ngài Tâm An (chùa Thọ Đức), Ngài Tâm Thành (chùa Từ Quang), Ngài Tâm Minh (chùa Ngọc Sơn). Chín vị Tổ này được truyền tụng với danh hiệu “Cửu Tâm” theo cách gọi kính phục của quần chúng nhân dân xứ Huế, và được Hàm Long Sơn Chí ghi là “Nam chi cửu diệp” nghĩa là Cành Nam chín lá hoặc Thiền tông chín ngọn.

Tháng Tư năm Thành Thái thứ 6 (Giáp Ngọ – 1894), Đại giới đàn được tổ chức tại Tổ đình Báo Quốc. Trong Đại giới đàn này, Ngài Tâm Tịnh đã được Hòa thượng Diệu Giác thế độ và phú pháp cho, bấy giờ Ngài được 27 tuổi. Bổn sư đã ban cho Ngài bài kệ phú pháp như sau:

“Hà thanh ninh mật tứ phương an
Hữu vinh tâm tâm đạo tức nhàn
Tâm tợ Bồ đề khai huệ nhật
Bao hàm thế giới như thị quan”

Tạm dịch:

“Sống trong yên lặng bốn phương an
Vĩnh viễn tâm tâm đạo ấy nhàn
Tâm tựa Bồ đề soi mặt nhật
Một bầu thế giới ngó muôn vàn”

Sau khi pháp đắc, Ngài kế vị Hòa thượng Huệ Đăng làm trụ trì chùa Từ Hiếu trong nhiều năm. Nơi đây, Ngài một mặt trau giồi Tam học, một mặt hoằng dương đạo pháp, chấn hưng, trùng tu ngôi Tam bảo Từ Hiếu, trở thành một Tổ đình nguy nga, tráng lệ.

Năm Giáp Thìn 1904, sau mười năm kể từ khi trụ trì Tổ đình Từ Hiếu, Ngài truyền giao lại cho Hòa thượng Huệ Minh và tiếp tục sự nghiệp tu hành theo đúng sở nguyện : thích chốn u nhàn tịch mặc để tư duy kiến tánh và giáo hóa đệ tử kế thừa, Ngài lên núi Ngự Bình (Huế), cất một thảo am ở phía Tây Nam và gọi đó là am Thiếu Lâm. Đây cũng là tiền thân của chùa Tây Thiên – một Tổ đình nổi tiếng của đất thần kinh và của cả miền Trung đến nay.

Trong thời gian khai sơn chùa Tây Thiên này, Ngài tiếp tục truyền thụ tâm ấn cho các đệ tử, kế tục truyền thống của Bổn sư có chín vị đệ tử “Cửu Tâm”, còn Ngài thì đào luyện 9 vị đệ tử mang chữ Giác thành “Cửu Giác”. Đó là Hòa thượng Giác Tiên (khai sơn chùa Trúc Lâm), Hòa thượng Giác Nguyên (kế thừa Tổ đình Tây Thiên), Hòa thượng Giác Nhiên (Tọa chủ Tổ đình Thiền Tôn – Đệ nhị Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất) Hòa thượng Giác Viên (khai sơn chùa Hồng Khê), Hòa thượng Giác Hải (khai sơn chùa Giác Lâm), Hòa thượng Giác Bổn (trụ trì chùa Từ Quang), Hòa thượng Giác Ngạn (trụ trì chùa Kim Đài), Hòa thượng Giác Hạnh (khai sơn chùa Vạn Phước), Hòa thượng Giác Thanh tức Hòa thượng Đôn Hậu (trụ trì chùa Linh Mụ) để trở thành những vị lương đống cho Giáo hội về sau.

Với tài đức song toàn, giới hạnh túc nghiêm, uy tín Ngài mỗi lúc một vang xa. Lúc bấy giờ nơi triều đình Huế, vua Khải Định biết đến rất lấy làm tôn trọng và mến mộ. Nhà vua đã cử Ngài giữ trọng trách Tăng Cang chùa Diệu Đế để xiển dương đạo pháp. Tuy vậy, Ngài vẫn ở chùa Tây Thiên chuyên cần lo việc mở lớp giáo huấn các đệ tử xuất gia và tại gia.

Vào đại lễ Phật Đản năm Giáp Tý (1924), Ngài đứng ra tổ chức trọng thể Đại giới đàn tại chùa Từ Hiếu trong bốn ngày : mồng 8, 9, 10 và 11 tháng Tư âm lịch. Phật sự lớn lao đó đã được sự cúng dường, bảo trợ tận tình của chính vua Khải Định. Trong Đại giới đàn này, Ngài làm Đàn đầu Hòa thượng, số giới tử thọ giới lên đến 450 vị, trong đó có 300 Tăng, Ni thọ Đại giới.

Mùa xuân năm Mậu Thìn, ngày 6 tháng 4 triều Bảo Đại năm thứ ba (nhằm ngày 25 tháng 4 năm 1928), Hòa thượng Tâm Tịnh thị tịch, Ngài trụ thế 60 tuổi, hạ lạp 32 năm.

Hòa thượng Tâm Tịnh đã ra đi, nhưng hình ảnh của Ngài vẫn còn in đậm trong lòng đạo pháp dân tộc. Ngài đã chỉ đạo, góp phần chỉnh lý Tăng chế và đào tạo nhân tài cùng với quý Hòa thượng tôn túc ở miền Trung. Cả thảy chín vị đệ tử của Ngài (Cửu Giác) đều là các bậc lãnh đạo phong trào Chấn hưng Phật giáo từ những năm 1930 và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hiện đại.

Thiền sư Viên Thành, chùa Tra Am, một thi sĩ tài hoa lỗi lạc bậc nhất thuở bấy giờ, đã lược nghiệp và bi cảm viết về Ngài như sau :

“Tứ thập nhất đại Lâm Tế chân Thiền Phong, đào chú công thâm, thùy thọ đương đầu hát bổng.

Ngũ thập cửu niên Diêm Phù thùy hóa tích, trí bi nguyện mãn, nhi kim toát thủ hoàn gia”.

Tạm dịch :

“Lâm Tế đời bốn mươi mốt chấn chỉnh Thiền Tông nung đúc công sâu, còn ai trao truyền đánh hét.

Diêm Phù thọ năm mươi chín rõ lòng giáo huấn trí bi nguyện đủ, chừ đây buông thõng về nhà”.