082. HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ HƯNG

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP I
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành

HÒA THƯỢNG
THÍCH TRÍ HƯNG
(1908 – 1986)

Hòa thượng pháp hiệu là Trí Hưng, pháp tự Đạo Long, thế danh là Nguyễn Tăng. Sinh ngày mồng 8 tháng 7 năm Mậu Thân (1908) tại làng Thạch Trụ, xã Đức Mỹ, quận Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Ngài sinh trưởng trong một gia đình nhiều đời làm quan triều đình và kính tin Phật pháp. Thân phụ Ngài là quan Đại thần Cần Chánh Đại học sĩ, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Định. Song thân của Ngài bình sinh rất ngưỡng mộ đức độ vị Đệ tứ Tổ sư Tổ đình Thiên Ấn – Quảng Ngãi, thường hay đến hỏi pháp, nghe giảng, do đó Tổ Giác Tánh đã phú chúc cho hai người sau này có người con xuất gia học đạo. Với một gia đình tin hiểu Phật pháp thì lời phú chúc đó mang đến rất nhiều niềm hoan hỷ. Vì vậy sau khi sinh, thân mẫu đã bồng Ngài đến xin quy y với Tổ Hoằng Phúc (Đệ Ngũ Tổ Sư Tổ đình Thiên Ấn – Quảng Ngãi) được Tổ đặt cho Ngài pháp danh Chơn Miên.

Lúc trẻ Ngài được theo học trường Quốc học Khải Định và trường nhà Dòng Pellerin ở Huế đến hết bậc Trung học. Trong thời gian này, Ngài vẫn thường xuyên theo cha mẹ đến chùa lễ Phật và nghe pháp. Tuy nhiên, do sinh trưởng trong gia đình quý tộc và chịu nhiều ảnh hưởng bởi nghi thức triều đình, nên năm Đinh Mão (1927) Ngài buộc phải lập gia đình khi vừa 19 tuổi.

Năm Canh Ngọ (1930) lúc 22 tuổi, Ngài nhất quyết cắt ái ly gia, chọn đồi núi Đá Đen thuộc thôn Cổ Lủy, tỉnh Quảng Ngãi, lập một thảo am lấy hiệu là Thạch Liêm, để làm nơi tu dưỡng và nghiên cứu giáo lý. Trong vòng hai năm tự tu học tại đây, Ngài được sự hỗ trợ, chỉ giáo thường xuyên của Hòa thượng Diệu Nguyên.

Năm Quý Dậu (1933) Ngài thọ Sa Di giới với Hòa thượng Hoằng Thạc, trụ trì chùa Sắc Tứ Thạch Sơn, được Hòa thượng phú pháp tự là Đạo Long. Từ đấy Ngài ở chùa này hành đạo cho đến năm Giáp Tuất (1934) thì thọ Tam đàn Cụ túc giới, cũng tại giới đàn chùa Thạch Sơn. Năm Ất Hợi (1935), Bổn sư Hoằng Thạc xét thấy đức hạnh và tài năng của Ngài khả dĩ làm nhiều lợi ích cho Phật pháp ngày mai nên phú pháp hiệu Trí Hưng và truyền y bát. Liền sau đó, Ngài được Hòa thượng cùng toàn thể sơn môn cử đảm đương chức vụ Giám viện chùa Sắc Tứ Thạch Sơn. Trong thời gian điều hành, Ngài đã cho sửa sang lại trượng thất và giảng đường, nhờ vậy ngôi Tổ đình Sắc Tứ Thạch Sơn càng thêm trang nghiêm, tráng lệ.

Năm Mậu Dần (1938), Chư tôn Hòa thượng hiệp cùng chư sơn thuộc sáu phủ huyện trong tỉnh cung thỉnh Ngài giữ chức Kiểm Tăng tỉnh Quảng Ngãi.

Năm Kỷ Mẹo (1939), Ngài được chính thức cử giữ chức trụ trì chùa Sắc Tứ Thạch Sơn thay Hòa thượng Hoằng Thạc đã già yếu. Chính vì nhiệm vụ này nên Ngài không thể tiếp tục đảm nhận chức Kiểm Tăng và định thoái thác, nhưng Chư sơn tỉnh Quảng Ngãi và Tăng Cang Diệu Quang nhận thấy Ngài có đức độ và khả năng, ân cần mời Ngài đảm đương Kiểm Tăng Sơn môn lần thứ hai. Lần này Ngài đã lập bản Tăng ước, chỉnh đốn hàng ngũ Tăng Ni và tiến hành làm lý lịch Tăng tịch. Bên cạnh đó, Ngài còn đề xuất với chính phủ xin xác nhận các danh lam cổ tự trong tỉnh. Hơn 500 Tăng Ni cùng hàng vạn tín đồ của hơn 100 ngôi chùa trong tỉnh đã hỗ trợ Ngài một cách triệt để. Ngài cũng đã từng làm Chứng minh, Chủ hương, Hóa chủ rất nhiều trường hạ từ Trung vào Nam. Ngoài ra, Ngài còn tìm mọi cách hỗ trợ, giúp đỡ Chư sơn trong tỉnh trùng tu, kiến tạo hoặc chứng minh nhiều ngôi chùa, Tổ đình. Tổ Phước Huệ (chùa Thập Tháp Bình Định) cảm mến công đức ấy, đã tặng Ngài bức hoành với 4 chữ “Giác Hoàng Tứ Nhơn”.

Năm Mậu Dần (1938), Hội An Nam Phật Học tỉnh Quảng Ngãi được thành lập do Bác Sĩ Lê Đình Thám và Bác Sĩ Hoàng Mộng Lương chủ xúy ở Huế và Quảng Ngãi, Ngài cùng Đại lão Hòa thượng Hoằng Thạc và Tăng Cang Diệu Quang được cung thỉnh làm Chứng minh Đạo sư kiêm cố vấn đạo hạnh cho Tỉnh hội. Ngài đã kêu gọi khắp nơi ủng hộ cho hội trong bước mở đầu nhưng quan trọng trong lịch sử Phật Giáo nước nhà. Năm này, Ngài hợp cùng Tăng Cang Diệu Quang trùng tu chánh điện Tổ đình Thiên Ấn. Cũng năm này, chùa Phước Sơn huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định khai đại giới đàn thỉnh Ngài làm Đệ thất Tôn chứng.

Năm Kỷ Mão (1939), chùa Từ Lâm do Ngài kiến tạo được triều đình sắc tứ biểu ngạch và Ngài được sắc chỉ chuẩn phong Tăng Cang.

Năm Giáp Thân (1944), Ngài chứng minh Giới đàn tại chùa Thiên Phước, quận Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, do Ngài Yết ma Khánh Hạ tổ chức. Những năm kế tiếp, Ngài đảm nhận chức Kế Tổ Thiên Ấn. Chùa Thiên Đức ở Gò Bồi (Bình Định) khai Đại giới đàn, cung thỉnh Ngài chứng đàn. Rồi chùa Thiên Ấn bị bão lụt tàn phá, Ngài đứng ra đảm trách trùng tu lại.

Năm Đinh Hợi (1947), khi vừa đặt chân đến Huế để an dưỡng, ngày 12-4 Ngài được Sơn môn tỉnh Thừa Thiên mời giữ chức Tổng Thư Ký Hội đồng Trị sự Sơn môn, tiếp theo đó là chức Tòng Lâm Thuyền Chủ của tổ chức Chư Sơn Thuyền Lữ, trụ sở đóng tại chùa Ngự Chế Diệu Đế. Đến ngày 2-7, Ngài lại được cung thỉnh trụ trì Tổ đình Huệ Lâm. Từ đó, Ngài vẫn nguyên chức Tòng Lâm Thuyền Chủ kiêm Hội trưởng Sơn môn Tăng Già Trung Việt.

Năm Nhâm Thìn (1952),đáp lời mời của Phật giáo miền Bắc, ngày 5-3 Ngài ra thăm Hà Nội. Ngài đã đến viếng Tổ Vĩnh Tường tại chùa Thần Quang Ngũ Xã, Tổ Thuyền gia Pháp chủ Mật Ứng tại chùa Hòa Giai, Sư cụ chùa Bà Đá và chiêm bái các danh lam thắng tích của miền Bắc.

Tháng 3/1955 Chư sơn Quảng Ngãi cung thỉnh Ngài trở lại tỉnh nhà và trùng tu Tổ đình Thiên Ấn. Ngài chứng minh thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi để hợp pháp hóa việc hoằng đạo và tiến hành đại hội thành lập Phật Giáo Cổ Sơn Môn sau này. Dần dà Ngài tạo nhiều cơ sở như Tổ đình Bác Ái ở Kontum, kêu gọi những người có cảm tình với Sơn môn ủng hộ. Khi duyên hạnh tròn đầy, kể từ ngày có Đại hội Lục Hòa Tăng Sài Gòn ngày 01-10-1957, từ sự ủy nhiệm đặc trách Trung Nguyên và Cao Nguyên Trung phần, được tư thế hợp pháp và sự chấp thuận của tỉnh đường Quảng Ngãi, Ngài triệu tập đại hội tại chùa Sắc Tứ Từ Lâm ngày 29-4-1958 để thay đổi danh hiệu hội và bầu Ban quản trị Tỉnh Giáo hội Phật giáo Cổ Sơn Môn, và Ngài được cử chức Tăng trưởng Tỉnh hội. Sau đó hàng trăm chi hội, tỉnh hội ở miền Trung được thành lập và thu nạp rất nhiều tín đồ.

Ngày 11-4-1960 (Canh Tý), Ngài tổ chức khánh thành trùng tu chùa Sắc Tứ Từ Lâm rất trọng thể. Năm Tân Sửu (1961), Ngài khai trường hạ tại đây do Ngài làm chứng minh và hóa chủ. Đến ngày 6-7-1961, Ngài lại khai giới đàn 3 ngày đêm cũng tại chùa Sắc Tứ Từ Lâm. Tại giới đàn này Ngài được tấn phong Hòa Thượng (53 tuổi, 27 hạ lạp). Do đó, đây là lần đầu tiên Ngài thí giới theo nguyện vọng của Tăng tín đồ khắp nơi. Giới đàn này được nhiều vị danh Tăng toàn quốc tham dự chứng minh cũng như giảng dạy.

Ngày 6-6 năm Nhâm Dần (1962), toàn thể Chư sơn tỉnh Quảng Ngãi cùng môn đệ của Ngài khởi công xây cất ngôi bửu tháp bên cạnh chùa Sắc Tứ Từ Ân lấy tên là Linh Sơn Bửu Tháp để lưu niệm và tỏ lòng tôn kính công đức vô biên của Ngài. Sau đó Ngài vào Sài Gòn để cùng Chư tôn đức khác vận động thành lập Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ Sơn Môn Việt Nam. Đại hội thành lập được tiến hành ngày 12-6-1963 tại Tổ đình Giác Lâm, Phú Thọ Hòa-Gia Định. Trong Đại hội này, Ngài được cử giữ chức Phó Tăng Thống Quản Tăng Trung ương GHPGCSMVN, Hòa thượng Huệ Tâm là Tăng Thống, Hòa thượng Huệ Minh là Tăng thống Hành chính. Thời gian tiếp theo, Ngài cùng các cấp lãnh đạo Giáo Hội đi xuống các tỉnh miền Tây phát triển cơ sở hạ tầng. Sau đó Ngài trở về Quảng Ngãi, rồi vào Tổ đình Linh Sơn Trường Thọ Tự, núi Tà Cú tỉnh Bình Tuy chứng minh công việc xây cất tượng đức Bổn Sư nhập diệt (dài 59 thước). Ngày 8 tháng 2 năm Giáp Thìn (1964) nhân Đại Hội Chu Niên, Văn phòng Trung Ương Giáo Hội Cổ Sơn Môn chia ra làm hai Viện: Viện Đạo Thống và Viện Hành Đạo, Ngài được cử làm Phó Đạo Thống (thuộc Viện Đạo Thống).

Ngày 13 tháng 2 năm Ất Tỵ (1965), Ngài được mời trụ trì chùa Thiền Lâm số 570/2 đường Lục Tỉnh, Phú Lâm, Chợ Lớn.

Ngày 26 tháng 9 năm 1966, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc quyết nghị sát nhập 2 Viện Tăng Thống và Hành Đạo thành một viện duy nhất là Viện Tăng Thống. Ngài được cử giữ chức Phó Tăng Thống kiêm hành chánh và điều hành Giáo Hội. Từ chức vụ này, Ngài tiếp kiến nhiều vị danh Tăng nước ngoài như Đại Đức Narada Maha Théra (Tích lan), Thượng Tọa Yoshioka (Phật giáo Tăng Già Nhật Bản), Ngài Hội trưởng Phật Giáo Nam Hàn…

Ngày 15 tháng 2 năm Bính Thìn (1976), Ngài khai mở trường Hương tại chùa Thiền Lâm, quy tụ hơn 100 giới tử từ các tỉnh hội.

Tuổi già sức yếu sau hơn 50 năm hành đạo, hoằng pháp lợi sanh rộng khắp Trung, Nam, ngày 14 tháng 9 năm Bính Dần nhằm 17-10-1986 Ngài đã viên tịch tại chùa Thiền Lâm, thọ thế 79 năm, được 57 tuổi hạ .