08. Huyền Trang, Nhà Thần Bí

HUYỀN TRANG – NHÀ CHIÊM BÁI VÀ HỌC GIẢ
Hsuan-Tsang, the Pilgrim and Scholar
Nguyên tác Anh ngữ: HT. Thích Minh Châu-Việt dịch: Ni sư Thích Nữ Trí Hải
Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam tái bản, 1989

VIII. HUYỀN TRANG, NHÀ THẦN BÍ

Chúng ta đã thấy Pháp sư là một học giả, một giảng sư, một nhà hùng biện, một dịch giả và một tác giả. Sự học rộng tài cao khiến Ngài thành một vị trí thức khổng lồ giữa những người đồng thời. Nhưng điều kỳ lạ là ở nơi Ngài có một tâm tư thần bí sâu đậm, một lòng tin nồng nhiệt gần như cuồng tín, vượt ngoài mọi tưởng tượng. Trong suốt đời sống của Ngài, chúng ta chứng kiến một sự hỗ tương tác động giữa cầu khẩn, bói toán, thần thông và mộng mị đến nỗi mọi sự kiện quan trọng trong đời Ngài hình như được quyết định, không phải bởi những suy nghĩ đắn đo dựa trên thực tại, mà chính bởi một vài sức mạnh huyền bí mà Pháp sư hoàn toàn tin tưởng.

1. Lòng tin nồng nhiệt

Lòng tin nồng nhiệt của Pháp sư thật kỳ lạ và vô song. Trong khi Ngài đi chiêm bái, lúc đến một tháp hay Phật tích nào được xem là có tàng trữ xá lợi Phật, Pháp sư không bao giờ quên đến chiêm ngưỡng và đảnh lễ một cách thành tín.

Khi Pháp sư đến xứ Nagarahara, Ngài đảnh lễ và đi nhiễu xung quanh tháp do vua A-Dục lập lên tại chỗ Bồ tát Thích Ca trải áo bằng da nai và tóc trên bùn để đức Phật Nhiên Đăng bước qua. Một khi Pháp sư đến thành Phật Đảnh Cốt, Pháp sư cho nghiền một ít hương bột thơm để in dấu sọ của đức Phật và Ngài được hình ảnh một cây Bồ đề. Cũng tại thành này, Pháp sư đảnh lễ mắt của Đức Phật. Y Tăng già lê của đức Thế Tôn làm bằng vải rất mịn, tích trượng với những vòng tròn bằng sắc trắng và cán bằng gỗ trầm hương. Pháp sư cũng có cúng 50 đồng tiền vàng, một ngàn đồng tiền bạc, bốn tràng phan [Lá cờ (BT)] rất đẹp, hai cuộn lụa và hai bộ y.

Pháp sư tự đi một mình đến thành phố Dipankara để đến thăm động đá, tại đây đức Như Lai đã điều phục được con rắn thần và để lại hình bóng của Ngài. Trên con đuờng đi, Pháp sư gặp năm tên tướng cướp. Những tên này bị nhiếp phục bởi tín tâm và tánh vô úy của Ngài nên cũng đi theo để được chiêm bái bóng của đức Phật. Pháp sư đi vào động đá một mình, mò đường khoảng năm mươi bước và chạm vào bức tường phía đông, Ngài đứng lại, và với một lòng chí thành, Ngài lễ hơn trăm lạy. Khi không thấy gì hiện ra Ngài tự trách những bất tịnh nghiệp trong quá khứ và khóc than ảo não.

Đoạn Ngài thành khẩn tụng những bài kệ tán Phật trong kinh Srimàla-devi-simhanada (Thắng Man) và những kinh khác. Trong khi tụng, Ngài quỳ lạy và lạy đến lần thứ 100 thì có một ánh sáng lớn bằng bát ăn hiện ra trên tường rồi biến mất. Hình ảnh ấy khuyến khích Pháp sư, và Ngài lễ thêm 200 lạy. Khi ấy cả động bừng sáng và bóng Như Lai hiện rõ rệt, nhưng tòa sen không rõ lắm. Bóng của các vị Bồ tát, La hán hầu quanh Phật cũng thấy rõ. Trong số 6 người Ngài gọi vào xem bóng Phật, chỉ có 5 người thấy được. Bóng hiện ra rõ ràng chừng nửa thời gian một bữa ăn, và biến mất sau khi Pháp sư cùng những người khác đã chiêm bái dâng hương hoa. Người Bà-la-môn dẫn đường vô cùng hân hoan bảo rằng bóng ấy chỉ hiện bởi vì lòng tận tụy và ý định kiên trì của Pháp sư.

Pháp sư rất tin tưởng vào thần lực của Quan Thế Âm Bồ tát và Ngài chẳng bao giờ quên đảnh lễ mỗi khi đến gần một hình tượng nào của Bồ tát. Trên đường đến Hiranyaparvata (Hê-lô-sơn) Ngài đến chùa Kapota (Ca-bố-đức) trong ấy có một tượng Bồ tát Quan Âm bằng gỗ. Những hương hoa cúng dường đều được tung đến từ xa và người ta xem là điềm lành nếu hoa đậu trên tay hay treo trên cánh tay tượng. Pháp sư mang đến nhiều hoa và làm thành vài tràng. Ngài đến gần tượng và thành tâm tụng niệm. Đoạn Ngài quỳ xuống khấn nguyện như sau:

“Xin cho hoa đậu trên tay Ngài nếu con được trở về Trung Quốc bình an sau khi du học xong, xin cho hoa treo trên cánh tay Ngài nếu con được tái sinh trên cõi trời Đâu Suất và phụng sự Di Lặc Bồ tát nhờ công đức đã làm, xin cho những vòng hoa sẽ đậu ở cổ nếu con có Phật tánh và sẽ thành Phật trong tương lai.”

Khấn xong, Ngài tung hoa vào tượng và tất cả hoa đều đậu ở ba nơi mà Ngài mong ước. Pháp sư xem đấy là điềm tốt và những người có mặt ở đây đều ngạc nhiên trước hiện tượng xảy ra.

2. Tin vào sự cầu nguyện

Với một tâm hồn chí thành như thế, thật không lạ khi Pháp sư phần nhiều đều nương vào nguyện lực lúc gặp gian nguy.

Khi Pháp sư đến Lưỡng Châu, Ngài phải đương đầu với một hoàn cảnh rủi ro. Hai người đồng hành của Ngài, Đạo Chỉnh và Huệ Lâm đã bỏ trốn vì sợ hành trình vất vả. Ngài rất cần một người hướng đạo để đưa qua ải Ngọc Môn. Bởi thế Pháp sư cầu nguyện trước tượng Đức Phật Di Lặc trong ngôi chùa Ngài đang trú, để xin một người dẫn đường. Lời cầu của Ngài được ứng nghiệm, và một người lạ mặt đã xuất hiện, tình nguyện làm hướng dẫn viên.

Khi Pháp sư đang ngủ sau khi qua sông Hu-lee, người dẫn đường bỗng nhiên sấn tới Ngài, tay cầm kiếm tuốt trần. Pháp sư ngồi dậy, tụng kinh và niệm danh hiệu Quan Âm Bồ tát, sự cầu nguyện đã cứu Ngài thoát khỏi tên sát nhân.

Khi Pháp sư ở Trung Quốc, một người bệnh Ngài săn sóc đã dạy Ngài Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh. Khi qua sa mạc Mạc-hạ-diên, Ngài thường bị ma quỷ bao vây phá phách không ngừng, ngay cả khi Ngài niệm danh hiệu Bồ tát Quan Âm. Nhưng chúng biến vào không trung tức khắc khi Ngài đọc thần chú này.

Khi ngã quỵ trên cát ở sa mạc Mạc-hạ-diên, thần chết như lẩn khuất quanh Ngài. Mặc dù trong tình trạng tuyệt vọng, Pháp sư vẫn cầu cứu lòng từ bi của Quan Âm Bồ tát và cầu nguyện không dứt. Vào ngày thứ năm một cơn gió mát thổi đến và Ngài thoát chết.

Khi chạm trán kẻ cường đạo lần thứ ba, Pháp sư bị dẫn đến một bàn thờ để thiêu sống tế thần Durga. Ngài van xin bọn cướp tha mạng, nhưng vô hiệu. Đoạn Pháp sư tập trung hết tư tưởng vào Di Lặc Bồ tát. Sức thiền định sâu xa đến độ Ngài cảm thấy như đã được đưa đến trời Đâu Suất và chiêm ngưỡng chính tôn dung Bồ tát Di Lặc. Lúc ấy, một trận hắc cuồng phong bỗng nổi lên làm bọn cướp kinh hoàng, chúng phải phóng thích Pháp sư và xin Ngài tha tội. Thiên nhiên dường như đã hợp tác cùng những thần linh để cứu Pháp sư thoát nạn.

3. Vai trò của sự tiên đoán và phép mầu

Một cuộc đời phi thường như thế và một niềm tin vững mạnh vào nguyện lực đã xui khiến những lời tiên đoán và phép mầu hiển hiện. Cuộc đời của Pháp sư đã chứng kiến nhiều biểu tượng của lãnh vực vô hình.

Khi sắp sửa cuộc Tây du chiêm bái, Ngài hỏi một phù thủy tên Hà Hoằng Đạt thường nổi tiếng là có tài tiên đoán chính xác, để biết về cuộc hành trình sắp đến của Ngài. Vị phù thủy bảo Pháp sư có thể tiến hành cuộc hành trình sắp đến của Ngài. Vị phù thủy bảo Pháp sư có tiến hành cuộc Tây du phải cỡi một con ngựa gầy, già, mầu hung đỏ, và sẽ có mảnh sắc hơi đỏ trước yên. Khi Pháp sư sắp qua ải Ngọc Môn, có người xin đổi con ngựa của Ngài bằng một con ngựa già gầy. Ban đầu Pháp sư không chịu vì ngựa của Ngài trẻ mạnh hơn. Nhưng Ngài sực nhớ đến lời tiên đoán của người phù thủy.

Con ngựa già mang những dấu hiệu như ông ta đã tả, vì vậy Pháp sư đổi con ngựa Ngài lấy con ngựa ông già. Và con ngựa gầy mầu hung đỏ ấy không những đã đưa Pháp sư qua sa mạc Mạc-hạ-diên mà còn cứu sống Ngài bằng cách tìm và nhờ bản năng của nó, một đồng cỏ xanh tốt ra một hồ nước ngọt. Khi Pháp sư hoàn tất việc học ở Ấn Độ, Ngài hoang mang không biết nên trở về Trung Hoa hay nên ở lại đất Ấn. Lúc ấy, một người theo học phái Ni-kiền-đà tên là Kim Cương (Phạt-xà-la) đến thăm Pháp sư và vì những người này nổi tiếng bói rất hay, Pháp sư yêu cầu ông ta bói thử Ngài có thể về đến đất Trung Hoa an ổn không, và điều gì Ngài nên làm hơn, ở lại Ấn hay nên về Trung Hoa, và Ngài còn sống được bao lâu nữa? Người tướng số xin mảnh đá trắng rồi gạch vài hàng trên mặt đất để đoán. Đoạn ông ta bảo Pháp sư rằng Ngài nên ở lại Ấn vì Ngài sẽ được mọi người cả xuất gia lẫn cư sĩ của năm xứ Ấn Độ trọng đãi nể vì.

Về việc thọ yểu Pháp sư sẽ sống thêm mười năm nữa, nhưng nếu nhờ làm nhiều công đức thì ông ta không thể đoán Pháp sư sẽ sống thêm bao lâu. Khi Pháp sư tỏ vẻ lo vì phải mang thêm một số lớn kinh tượng, thì thầy tướng số khuyên chớ lo vì vua Giới Nhật và Cưu Ma La sẽ cho người hộ vệ Ngài về nước an ổn. Lúc bấy giờ Pháp sư chưa gặp hai vị vua ấy, nhưng những biến cố về sau chứng tỏ lời tiên đoán rất chính xác.

Khi về đến Trung Hoa, Ngài được Hoàng đế và dân chúng đón rước linh đình nồng hậu. Một đám rước trọng thể được tổ chức để cung nghinh những kinh tượng và xá lợi Phật do Pháp sư mang về từ đường Châu Tước đến chùa Hoằng Phuớc. Hàng ngàn dân chúng đứng dọc hai bên đường đốt hương để chào mừng đám rước. Vào ngày ấy, một đám mây ngũ sắc xuất hiện về phía bắc mặt trời và bay vòng quanh trong một chu vi nhiều lý ở trên kinh và tượng Phật như để chúc mừng. Đám mây biến mất khi đám rước đến chùa Hoằng Phước. Lại một điềm khác lạ lùng nếu không phải là kỳ bí đã xảy ra khi Pháp sư dịch xong bộ Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa kinh.

Khi dịch xong sáu trăm quyển kinh này, Pháp sư rất đỗi vui mừng và Tịch Chiếu, vị Duy-na [người giữ phép tắc trong chùa (BT)] ở Ngọc Hoa đã tổ chức một buổi tiệc lớn để mừng kỳ công ấy. Khi bộ kinh được cung nghinh trong đám rước, có một hào quang kỳ diệu phát ra từ bộ kinh và chiếu sáng, đồng thời một mùi hương lạ tỏa khắp không gian. Pháp sư rất vui mừng trước hiện tượng này và đoán rằng kinh sẽ được các vị vua, đình thần và quần chúng Phật tử che chở giữ gìn.

Cái chết của Pháp sư đã được báo trước bằng nhiều điềm lạ. Vào nửa đêm khi Pháp sư từ trần, Tỳ kheo Minh Huệ đang đi kinh hành quanh điện Phật. Ông thấy bốn cầu vồng trắng bắc ngang từ bắc đến nam và ngay trên nóc chùa Từ Ân trong đó Pháp sư viên tịch. Trong buổi sáng ngày thứ chín, những tin báo Pháp sư viên tịch đến kinh đô và ngày giờ viên tịch của Ngài trùng hợp với đêm mà những ráng trời đã xuất hiện. Tất cả những người biết đến hiện tượng này đều ngạc nhiên kinh dị trước điềm lạ đã xảy ra.

4. Những giấc chiêm bao trong đời Huyền Trang

Trong đời Pháp sư, những giấc mộng đã đóng vai trò rất linh động và quyết định, và tất cả những biến cố trong đời Ngài đều được báo trước bằng những giấc mộng hoặc dấu hiệu nào đó. Pháp sư rất có linh tính về những dấu hiệu ấy, không bao giờ quên hướng dẫn hoạt động tương lai của mình cho phù hợp với ngôn ngữ huyền bí của giấc mộng.

Khi Pháp sư ra đời, mẹ Ngài chiêm bao thấy Ngài mặc sắc phục trắng đi về hướng tây. Bà hỏi Ngài: Ngươi là con ta, ngươi muốn đi đâu?” Pháp sư trả lời: “Con đang đi tìmchánh pháp.”

Như thế cuộc hành hương của Pháp sư sang Tây vức đã được tiên đoán ngay khi Ngài mới ra đời.

Vào tháng Tám niên hiệu Trinh Quán thứ ba (629 Tây lịch), khi sẵn sàng lên đường chiêm bái, Ngài cầu nguyện xin một điềm lành. Đêm ấy, Ngài nằm mơ thấy đang leo ngọn núi Tu Di làm bằng bốn thứ ngọc quý và ở ngay chính giữa biển. Sóng triều lên rất cao, không thấy một con thuyền nào cả. Bỗng chốc những hoa sen bằng đá nổi lên trên sóng và đưa Ngài lên đến chân núi. Ở đấy những mỏm đá cheo leo quá đến nỗi Ngài không tài nào leo lên được. Bỗng nhiên một cơn gió nổi lên mang Ngài đến đỉnh núi. Với một điềm lành như thế, Pháp sư lên đường chiêm bái.

Khi đến Linh Châu, Ngài lo ngại vì không thể qua ải Ngọc Môn mà khôngcó bạn đồng hành và người hướng đạo. Đêm ấy một vị Tỳ kheo lạ cùng ở trong chùa ấy nằm mơ thấy Pháp sư đi về phương tây ngồi trên một hoa sen. Ông kể lại việc ấy và Pháp sư rất sung sướng vì giấc mộng đã tiên đoán sự thành công của chuyến tây du.

Khi qua sa mạc Mạc-hạ-diên, Ngài quá kiệt sức phải ngã quỵ gần bất tỉnh vì đã bốn đêm không uống một giọt nước nào. Vào nửa đêm ngày thứ năm, một ngọn gió mát thổi đến làm Ngài lai tỉnh. Ngài mở mắt nhưng lại gục ngay vì sức đã quá yếu. Trong giấc ngủ Ngài thấy một vị thần khổng lồ giục Ngài tiến lên thay vì nằm ngủ ở đấy. Pháp sư tỉnh dậy tiếp tục cuộc hành trình.

Khi đến xứ Ca-thấp-di-la, Ngài ở lại ban đêm trong ngôi chùa Hộ-sắc-ca-la. Đêm ấy tất cả tăng chúng đều chiêm bao thấy có một vị thần đến báo tin sẽ có một vị tăng từ Ma-ha-chi-na đến, và giục họ chớ ngủ một cách biếng nhác mà phải suy tư thiền quán, bởi vì nhiều thiên thần hộ vệ. Pháp sư cũng đang ở trong chùa. Nghe lời ấy toàn thể tăng chúng đều thức dậy siêng năng tụng kinh điển. Vào lúc bình minh họ kể lại giấc chiêm bao cho Pháp sư và tỏ lòng kính trọng vô biên đối với Ngài.

Lại nữa, việc Pháp sư đến Nalanda đã được tiên đoán ba năm trước đó trong một giấc mộng của Ngài Giới Hiền. Khi Pháp sư gặp Ngài Giới Hiền lần đầu tiên, Giới Hiền đã hỏi Pháp sư từ đâu đến. Pháp sư trả lời rằng Ngài từ Trung Quốc đến để học Du già Sư địa luận với Pháp sư Giới Hiền. Giới Hiền khóc và bảo đồ đệ là Buddhabhadra (Phật-đà bạt-đà-la) kể lại cơn bệnh của Ngài: ba năm về trước Ngài Giới Hiền bị tê thấp đã 20 năm; trong ba năm cuối, ngài không thể chịu đựng được nữa và muốn tự vẫn bằng cách tuyệt thực. Một đêm kia Ngài nằm mộng thấy ba vị thiên thần đẹp đẽ quang minh hiện đến trước mặt Ngài, một vị có sắc vàng chói, một vị có sắc lục và một vị bạch kim.

Ba vị bảo Giới Hiền Pháp sư chớ tự vẫn và khuyên Ngài hãy truyền bá chánh pháp, giảng Du-già Sư-địa-luận và những kinh sách khác. Họ bảo Ngài hãy đợi một vị sư Trung Hoa rất mong mỏi học chánh pháp và hãy dạy cho vị sư ấy. Giới Hiền hứa sẽ theo lời khuyên của họ. Đoạn ba vị Bồ tát biến mất và từ đó Ngài Giới Hiền không còn đau nữa. Vì thời gian mà Pháp sư dùng để đến Nàlandà phù hợp với lời bảo trong giấc mộng, nên Giới Hiền đãi Pháp sư vô cùng cung kính và chuyên cần dạy giáo pháp cho Ngài. Lại một giấc mộng khác cho ta thấy rõ ràng tất cả những đi lại của Pháp sư đều đã được tiền định. Khi trở về Nàlandà, Ngài yêu cầu Pháp sư Giới Hiền giảng Du-già Sư-địa-luận cho Ngài và những người khác.

Buối thuyết pháp vừa bắt đầu thì một người Bà-la-môn đến tu viện vừa cười vừa khóc. Khi hỏi vì sao lại làm thế, ông ta trả lời rằng ông ta là một người dân xứ Đông Ấn. Một ngày kia ông ta cầu nguyện trước tượng Quan Âm Bồ tát trên núi Potalaka để xin được tái sinh làm một vì vua. Bồ tát hiện ra trước ông và trách cứ ông về lòng ham muốn để trở thành vua. Bồ tát khuyên ông hãy đi nghe những buổi thuyết pháp của Giới Hiền Pháp sư giảng về Du già Sư địa luận cho một vị sư Trung Hoa để ông có thể thấy Phật. Bây giờ ông đã thấy Pháp sư nên biết rằng giấc mộng đã thành sự thật. Bởi thế ông ta vừa ngạc nhiên vừa sung sướng.

Đến đây, chúng ta chỉ mới nói đến những giấc mộng báo hiệu sự có mặt của Pháp sư trước khi Ngài đến thật, nhưng một đôi khi giấc mộng cũng gợi cho Pháp sư nên hành động như thế nào trong tương lai. Khi Pháp sư học xong, Ngài còn phân vân chưa quyết định nên trở về nước hay ở lại đất Ấn. Một đêm kia Ngài nằm mộng thấy chùa Nàlandà bị hoang vắng, dơ bẩn, có một vài con trâu đi quanh quẩn trong khu vực chùa. Ngài thấy ở tầng gác thứ tư một bức tượng vàng có hào quang chiếu sáng cả gian phòng.

Pháp sư muốn đi lên đấy nhưng bị tượng ấy cản trở bảo rằng ông là Văn Thù Bồ tát và Pháp sư không thể lên được vì nghiệp lực nặng nề. Đoạn Bồ tát chỉ ra ngoài chùa, Pháp sư nhìn theo thì thấy tất cả các khu làng và thành thị ở ngoài tu viện đều bốc cháy. Tượng vàng khuyên Ngài nên trở về Trung Quốc vì sau khi vua Giới Nhật băng hà, Ấn Độ sẽ lâm vào nạn đói kém bất an và những người tâm địa xấu có thể hại Ngài. Pháp sư hiểu được điềm báo và lời khuyên trong giấc mộng ấy nên Ngài quyết định trở về.

Khi Ngài trở về Trung Quốc, những giấc mộng vẫn còn biểu hiện để khuyên Ngài đi theo những phương thức hành động tốt đẹp nhất. Vào ngày 1 tháng Giêng mùa Xuân năm thứ năm (660 Tây lịch), Ngài khởi dịch bộ Đại Bát-nhã. Công việc này quá vĩ đại đến nỗi Pháp sư suýt theo lời khuyên các đồ đệ, dịch tóm tắt lại như Ngài Cưu-ma-la-thập đã làm, bỏ đi những đoạn lập lại và những đoạn vô vị. Nhưng đêm đến Ngài nằm mộng thấy bị thú dữ vây trong khi đang cố leo một đỉnh núi hiểm trở. Ngài cố thoát khỏi nanh vuốt của những con thú dữ. Pháp sư cho đó là điềm báo không được dịch kinh vắn tắt lại.

Bởi thế Ngài quyết định dịch toàn bộ kinh y như nguyên bản Phạn ngữ, không tóm tắt. Ngay đêm ấy nhiều đức Phật và Bồ tát hiện ra trước mặt Ngài trong giấc mộng. Chư vị ấy tỏa hào quang từ lông mày chiếu sáng cả người Ngài và Ngài cảm thấy vô cùng dễ chịu hân hoan. Pháp sư cũng nằm mộng thấy rằng Ngài dâng hoa và đèn cho chư Phật, giảng pháp cho dân chúng và được họ tán thán ca ngợi, cúng dường hoa trái thơm ngọt. Pháp sư tỉnh dậy sung sướng và quyết định dịch toàn bộ Đại Bát nhã.

Sự viên tịch của Pháp sư cũng được báo trước bằng những giấc chiêm bao đầy ý nghĩa. Vào ngày 8-1 mùa Xuân niên hiệu Lân Đức (664 Tây lịch), đồ đệ của Ngài là Huyền Giác, một vị sư ở Cao Xương nằm mộng thấy một ngôi chùa cao lớn vĩ đại bỗng nhiên sụp đổ. Pháp sư khi nghe về giấc mộng hiểu ngay rằng ấy là điềm mình sắp chết. Vào ngày 16, Ngài thấy một đóa sen trắng rất lớn tinh khiết và đẹp đẽ hiện ra trước mắt. Vào ngày 17, Ngài nằm mộng thấy hàng trăm ngàn người cao lớn mặc lụa là đi đến trang hoàng phòng ngủ và tu viện của Ngài bằng những gấm vóc, hoa và châu ngọc.

Âm nhạc trỗi lên trong không gian. Những đồi núi và rừng ở sau tu viện được trang hoàng bằng cờ ngũ sắc và lọng. Nhiều xe quý chở đầy thức ăn mỹ vị và trái ngon ngọt dừng lại trước cổng tu viện. Tất cả thức ăn ấy được mang đến cúng dường Pháp sư. Mặc dầu Ngài từ chối, phẩm vật được đưa đến dâng cúng không ngừng. Khi tỉnh dậy, Ngài cảm thấy rất sảng khoái và bảo thầy trụ trì Huệ Đức của tu viện rằng tất cả hành động tốt đẹp trong đời Ngài đã không phải là vô hiệu quả, như vậy chứng tỏ rằng luật nhân quả của Phật giáo không sai. Vị trụ trì cũng nằm mộng thấy rằng 1.000 vị thần sắc vàng đến tu viện từ hướng Đông với nhiều hoa thơm rải khắp không trung.

Ngày Pháp sư ra đời, những giấc mơ đã báo trước sứ mạng của Ngài ở trong đời và sự thành công mỹ mãn. Bây giờ, lúc lâm chung, những giấc mơ lại hiện ra để báo trước ngài sắp từ trần.

Sự thần bí rõ rệt này trong đời Pháp sư đã khiến nhiều học giả phê bình. S.J. Barthelemy Saint Hilaire chẳng hạn, trong cuốn sách nhan đề là “Huyền Trang ở Ấn” viết: “Nhưng về sự sùng bái và những giáo phái khác nhau, Pháp sư thường cho nhiều chi tiết làm cho chúng ta rất chú ý, mặc dầu sự ngây ngô của chúng một đôi khi có thể làm cho ta khinh thường.”

Nói về Huyền Trang đến viếng đô thị Phật Đảnh Cốt, và việc Ngài đã xay bột hương để in hình xương sọ Phật, Saint Hilaire có những nhận xét sau đây: “Chúng ta có thể giả thuyết rằng trong cuộc phiêu lưu đầu tiên này, Huyền Trang đã bị một vố lừa bịp nào đó, nhưng hành động sau thì lại càng phức tạp và phi thường hơn.”

Và khi Saint Hilaire kể xong chuyện Huyền Trang đến viếng bóng đức Phật, ông ta không khỏi thêm những giòng sau đây: “Về tất cả những sự hiển hiện ấy, nhà chêm bái một lần nữa lại bị một tên bịp bợm nào đó lường gạt, và có lẽ chính ông đã tự đánh lừa mình….”

Điều phê phán này theo tôi nghĩ dường như rất bất công đối với Pháp sư và đã tỏ ra thiếu đi sâu vào nhân cách cùng tâm lý của Ngài.

Trước hết, Pháp sư sẵn có một lòng tin tiềm tàng ở tính bản thiện và chất phác của con người, nếu không, Ngài không bao giờ mơ đến một cuộc hành trình chiêm bái phiêu lưu như thế. Bởi vì, nếu có một nghi ngờ nào ẩn náu trong tâm tư, Ngài sẽ bị hoài nghi và bất an vây phủ, như thế sẽ nguy hại đến lòng nhiệt thành và nghị lực của Ngài. Hơn nữa với lòng tin tưởng ở bản tính thiện của loài người, Huyền Trang không bao giờ gán cho một người nào Ngài gặp là có động lực xấu xa. Kẻ cướp, kẻ lừa bịp bất lương trước mắt Ngài cũng chỉ là người, và đã là người thì họ không thể bị ngược đãi như là những tội nhân. Trên đường đi đến đãnh lễ bóng của đức Phật, Pháp sư đã bị những tên cướp lại gần hỏi Ngài có sợ chúng không, Pháp sư đáp: “Kẻ cướp cũng là người vậy. Nay vì đi chiêm bái Phật dù có thú dữ đầy đường ta cũng không sợ, huống nữa là các người, hỡi các môn đồ vì các ngươi rốt cuộc cũng chỉ là người.” Một tư cách như thế sẽ làm cho chúng ta kính phục hơn là khinh thị.

Chúng ta cũng nên hiểu rằng ta không thể phê phán một thiên tài như Huyền Trang với khả năng hạn hữu của chúng ta. Người ta có lừa bịp và dối trá đối với Ngài, nhưng không có hiệu quả. Trái lại sự chân thành, nghị lực và sức mạnh tâm linh của Ngài có thể biến sự dối trá thành sự thật và biến đổi ảo tưởng thành ra sự thật. Chúng ta cũng nên nhắc lại ở đây câu chuyện thí dụ tả những khí giới mà ma vương đã ném đến đức Phật dưới cội Bồ đề. Tất cả khí giới nguy hiểm ấy đã biến thành hoa và bay xuống quanh đức Phật một cách vô hại. như vậy ta cũng không lạ khi thấy nhiều biến cố mà Pháp sư đã gặp phải xuất hiện như những phép mầu hay những “trò bịp bợm” đối với một vài người, tuy nhiên đối với pháp sư chúng lại hoàn toàn tự nhiên và thực hữu. Một điều nữa chúng ta nên nhớ là sự chân thành và trung thực của Pháp sư thì vô địch mà về vấn đề này thì không ai chối cãi.

Add Comment