072. HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ THỦ

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – TẬP I
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành

HÒA THƯỢNG
THÍCH TRÍ THỦ
(1909 – 1984)

Hòa thượng họ Nguyễn, húy Văn Kính, pháp danh Tâm Như, tự Đạo Giám, pháp hiệu Thích Trí Thủ. Ngài sinh ngày 19 tháng 9 năm Kỷ Dậu, tức ngày 01-11-1909 trong một gia đình nho phong thanh bạch, tại làng Trung Kiên, tổng Bích Xa, phủ Triệu Phong (Nay là xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong) tỉnh Quảng Trị. Thân phụ là cụ Nguyễn Hưng Nghĩa, thân mẫu là cụ Lê Thị Chiếu. Hai cụ là người rất kính tín Tam Bảo. Vì vậy, dù là con trai độc nhất trong gia đình, lúc 14 tuổi Ngài đã được song thân cho vào học kinh kệ ở chùa Hải Đức – Huế.

Năm 1926, khi được 17 tuổi, Ngài thực thụ xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Viên Thành tại chùa Tra Am ở Huế. Năm Ngài 20 tuổi (1929), được Bổn sư cho vào thọ giới Cụ Túc (Tỳ Kheo) tại Đại giới đàn chùa Từ Vân ở Đà Nẵng. Tại đại giới đàn này Ngài trúng tuyển Thủ Sa Di trong số 300 giới tử. Do đó, Bổn sư đã ban cho Ngài pháp hiệu là Thích Trí Thủ, ngụ ý khen tặng chữ THỦ là đứng đầu. Cũng vừa năm đó, Bổn sư của Ngài là Hòa thượng Viên Thành viên tịch. Ngài ở lại chùa Tra Am hai năm để thọ tang. Năm 1932, Ngài vào học tại Phật học đường Trúc Lâm do Hòa thượng Giác Tiên thành lập và mời Hòa thượng Phước Huệ ở chùa Thập Tháp-Bình Định ra làm chủ giảng.

Trong thời gian theo học tại Phật học đường Trúc Lâm, gặp lúc phong trào chấn hưng Phật giáo khởi phát ở miền Trung, Ngài tích cực tham gia, cùng với các pháp lữ khác góp phần rất lớn. Ngài đã từng làm giáo thọ, dạy ở trường Phật Học Phổ Thiên, Đà Nẵng.

Cuối năm 1934, Ngài trở ra Huế, cùng các pháp lữ ngày trước tổ chức trường Phật học ở chùa Tây Thiên, cung thỉnh Tăng Cang Giác Nhiên ở chùa Thuyền Tôn làm giám đốc, Hòa thượng Phước Huệ ở chùa Thập Tháp-Bình Định làm đốc giáo. Cùng thời gian này, Ngài còn làm giảng sư cho Hội Phật Học Thừa Thiên và lớp Trung đẳng Phật học cũng mở tại chùa Tây Thiên, cùng kiêm nhiệm việc giảng dạy tại trường Tiểu học Phật học mở tại chùa Báo Quốc – Huế.

Năm 29 tuổi (1938), sau khi tốt nghiệp trường Phật học Tây Thiên, Ngài được sơn môn cử về trú trì Tổ đình Ba La Mật. Ngài vẫn tiếp tục công việc giảng dạy và hỗ trợ cho các trường Phật học. Năm 1939, Ni trường chùa Từ Đàm được thành lập. Đây là cơ sở và khởi duyên Ni bộ đầu tiên được hình thành trong cả nước. Sơn môn và hội Phật học giao cho Ngài đặc trách việc đào tạo Ni chúng.

Năm 1942, Ngài được Giáo Hội Tăng Già Thừa Thiên bổ nhiệm trú trì chùa Báo Quốc. Thời gian này Ngài tích cực hoạt động cho việc phục hưng Phật Giáo và cùng các Tăng lữ cấp tiến như Thượng tọa Mật Thể, Thiện Minh, Thiện Siêu đề xướng cải tiến cách tu học, phổ cập cho phù hợp với thời đại.

Năm 1944, các lớp Đại, Trung và Tiểu học của trường Sơn Môn Phật Học được dời về chùa Linh Quang, Ngài được sơn môn Tăng Già giao phó nhiệm vụ Giám viện kiêm trú trì chùa.

Cuối năm 1945, chiến tranh Việt – Pháp lại bùng nổ sau cuộc Cách Mạng Tháng Tám giành độc lập cho nước nhà, Ngài đã cùng một số vị khác thành lập hội Phật Giáo Cứu Quốc Trung bộ và Thừa Thiên, và cho người đi khắp các tỉnh thành lập hội Phật Giáo Cứu Quốc tại tỉnh. Vào năm 1946, chiến sự xảy ra ngay tại thành phố Huế, nên Sơn Môn Tăng Già Thừa Thiên quyết định dời trường sơn môn Phật Học về chùa Báo Quốc, Ngài bàn giao nhiệm vụ trú trì chùa Linh Quang lại cho Hòa thượng Mật Nguyện.

Năm 1947, mặt trận Huế vỡ, cảnh tang thương, chết chóc diễn ra khắp thành thị đến nông thôn. Những Tăng tín đồ nào đã thực sự đứng trong hàng ngũ kháng chiến thì rút ra chiến khu. Những ai còn trong nội thành thì tập hợp nhau tại các chùa để cầu nguyện cho đất nước sớm thanh bình. Sau đó, các Phật sự được khôi phục dần dần. Cuối năm đó, Ngài được giao nhiệm vụ mở lại Phật học đường Trung Việt tại chùa Báo Quốc và tiếp tục làm Giám viện. Chính nơi đây đã đào tạo được nhiều Tăng tài, lỗi lạc hữu dụng cho các hoạt động Phật sự về sau. Từ giới đàn đầu tiên tại đây, sau cơn khói lửa, do Ngài làm đàn đầu, đã phục hồi ý nghĩa “Thất chứng” mà các trường giới thường ít coi trọng.

Năm 1950, sau khi hội Việt Nam Phật Học thành lập(1) được ba năm, Ngài được đại hội thường niên bầu làm Hội trưởng thay cho cư sĩ Chơn An – Lê văn Định. Từ ngày có phong trào chấn hưng Phật giáo tại Trung Việt năm 1932, đây là lần đầu tiên chức Hội trưởng thuộc về Tăng sĩ.

Thống nhất Phật giáo là nguyện vọng tha thiết nhất trong cuộc đời tu hành của Ngài. Do đó, khi được giao nhiệm vụ đứng đầu Hội Việt Nam Phật Học, Ngài liền vận động thống nhất Phật giáo cả nước. Năm 1951, một đại hội gồm 51 đại biểu đại diện cho 6 tập đoàn Phật giáo, cả ba miền Nam, Trung, Bắc họp tại chùa Từ Đàm ngày 06 tháng 5 dương lịch, đã quyết nghị thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của hàng Tăng sĩ và cư sĩ đã từng ước ao thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Năm 1952, trong chức vụ Ủy viên Hoằng pháp của Giáo Hội Tăng Già Trung Việt, Ngài đã đặt viên đá cho ngôi trường Trung, Tiểu học tư thục Bồ Đề đầu tiên của hội tại thành nội Huế. Từ đó về sau các trường Bồ Đề từ bậc Tiểu học đến bậc Trung học được lần lượt mở ở các tỉnh hội khắp Trung Việt, lan vào cả Sài gòn.

Năm 1956, Đại hội kỳ II của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam họp tại chùa Phước Hòa (Sài gòn), Ngài được bầu làm Ủy viên Giáo dục. Cũng trong năm này, Phật học viện Nha Trang được thành lập tại chùa Hải Đức trên núi Trại Thủy, Ngài được giao nhiệm vụ Giám viện.

Để có thêm tài chính yểm trợ ẩm thực cho Tăng sinh, Ngài đã cử một số học Tăng vào Sài Gòn học riêng khoa chế biến nước tương là một món ăn chay rất cần thiết và phổ biến trong các chùa và dân gian mà nhu cầu hàng ngày rất lớn. Khi số học Tăng này trở về, Ngài cho thành lập xưởng chế biến nước tương đóng chai, lấy hiệu “Lá Bồ Đề” cung cấp cho thị trường khắp Trung phần và Cao nguyên.

Phật học viện Nha Trang chỉ đào tạo Tăng sinh đến bậc Trung học, sau đó họ phải vào Sài Gòn theo học bậc Đại học. Để giúp đỡ số Tăng sinh này có nơi ăn ở đi học mà vẫn giữ được nếp sinh hoạt thiền môn, năm 1960 Ban Quản Trị ủy cho Ngài vào Sài Gòn mua một sở đất (nay ở đường Lê Quang Định) tại xã Hạnh Thông, quận Gò Vấp, xây dựng tu viện Quảng Hương Già Lam. Nơi đây cũng là trú sở của Ngài sau năm 1963 cho tới ngày viên tịch.

Năm 1962, Ngài dẫn đầu phái đoàn Phật Giáo miền Nam tham dự Đại lễ thế giới Phật lịch 2500- ngày Đức Phật nhập Niết Bàn tại thủ đô Vientaine Lào.

Năm 1963, sự kỳ thị tôn giáo xảy ra dưới chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngài trở về Huế cùng chư Tăng lãnh đạo cuộc đấu tranh đòi hỏi tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo. Ngài bị bắt giam và đưa vào Sài Gòn. Khi trung tâm đầu não của cuộc đấu tranh chuyển từ Huế vào Sài gòn, Ngài lại tích cực tham gia. Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, Ngài được cử vào Ban Dự thảo hiến chương và sau đó được bầu vào chức Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng Pháp, kiêm Tổng vụ Tài chánh. Với trách vụ này Ngài đã tổ chức được ba cuộc hội nghị hoằng pháp (tại Phật học viện Nha Trang, chùa Xá Lợi, chùa Ấn Quang), thành lập đoàn giảng sư phân công tới các địa phương thuyết giảng Phật pháp, và thành lập thêm được Phật học viện Phổ Đà ở Đà Nẵng.

Năm 1964, Ngài làm Viện trưởng viện Cao Đẳng Phật học đặt tại chùa Pháp Hội, tiền thân của Viện Đại Học Phật giáo Vạn Hạnh, Ngài còn chủ trương xuất bản các tập san Tin Phật, Bát Nhã để hỗ trợ cho công tác hoằng pháp.

Năm 1965, Ngài đi hành hương chiêm bái các danh lam Phật tích ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, đồng thời để mở rộng sự giao thiệp với các tổ chức Phật giáo tại các nước này trên đường phụng sự Phật pháp.

Năm 1969, Ngài được Hội đồng Lưỡng viện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tấn phong pháp vị Hòa thượng. Cùng năm này, Ngài khai Đại giới đàn tại Phật học viện Nha Trang. Năm 1969, Ngài trùng tu Tổ đình Báo Quốc-Huế. Năm 1970 Ngài mở lớp Trung đẳng II chuyên khoa tại Phật học viện Nha Trang, đến năm 1974 chuyển thành Viện Cao Đẳng Phật Học Nha Trang, Hòa thượng Thiện Siêu được thỉnh cử làm Viện trưởng.

Trong Đại hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất kỳ 5 và kỳ 6, Ngài được giao trách nhiệm hết sức quan trọng và nặng nề là Viện trưởng Viện Hóa Đạo để thay thế Hòa thượng Thích Thiện Hoa vừa viên tịch. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của đất nước cũng như Giáo Hội. Người lãnh đạo lèo lái con thuyền Giáo Hội phải đủ nghị lực, can trường và sáng suốt mới đi đúng hướng, đúng đạo pháp được. Đến năm 1975, Ngài lại phải gánh thêm một trách vụ nặng nề nữa, là xử lý thường vụ Viện Tăng Thống. Năm 1976, Ngài mở Đại giới đàn Quảng Đức ở chùa Ấn Quang và làm Đàn chủ.

Đất nước đã được thống nhất, Nam Bắc một nhà. Trước thực trạng đó, việc thống nhất Phật giáo hai miền là cần thiết. Thấy được điều đó, ngày 23-01-1977 trong Đại hội kỳ 7 của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Ngài đã đưa ra thông bạch nêu lên nguyện vọng ấy cụ thể như sau: Đại hội cần ủy cho Giáo hội Trung Ương tiếp tục vận động thống nhất Phật Giáo cả nước trong tinh thần đạo pháp và truyền thống dân tộc.

Năm 1980, Ngài khai Đại giới đàn Thiện Hòa tại chùa Ấn Quang và Ngài làm Đàn chủ. Đây cũng là Đại giới đàn cuối cùng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Và cũng là giới đàn có số giới tử Tăng Ni đông nhất 1.500 người.

Sau bao gian lao, vượt qua bao khó khăn trở ngại từ mọi phía, Ngài đã được các hệ phái Phật giáo đề cử làm Trưởng ban vận động thống nhất Phật giáo. Không lâu sau đó ngày 07-11-1981 Đại hội Thống nhất Phật giáo được tổ chức tại chùa Quán Sứ – Hà Nội, thành lập Giáo Hội toàn quốc với danh xưng “ Giáo Hội Phật giáo Việt Nam”. Ngài được bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Trung Ương – nhiệm kỳ I.

Trách nhiệm Phật sự khó khăn cho nền Thống nhất Phật giáo hoàn thành, đáng lẽ đã đến lúc Ngài lui về an trú tại chốn già lam thanh tịnh. Nhưng Ngài đã không quản tuổi già sức yếu, vẫn một lòng phụng sự đạo pháp. Ngài đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam tham dự Đại hội lần thứ 5 (1979), lần thứ 6 (1982) của Tổ chức Phật Giáo Châu Á Vì Hòa Bình (ABCP) họp tại Mông Cổ. Năm 1980, Ngài làm trưởng đoàn đại biểu Tôn Giáo Việt Nam dự hội nghị các nhà Tôn Giáo Thế Giới vì hòa bình và giải trừ quân bị, chống chiến tranh hạt nhân, tổ chức tại Nhật Bản. Năm 1981, Ngài làm trưởng đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam dự hội nghị các nhà hoạt động Tôn Giáo Thế Giới vì hòa bình và sự sống, chống chiến tranh hạt nhân, tổ chức tại Liên Xô.

Năm 1983, Ngài tham dự hội nghị các vị đứng đầu Phật giáo 5 nước Châu Á tổ chức tại thủ đô Veintaine Lào. Cũng năm này, Ngài được cử làm Ủy viên Đoàn Chủ Tịch Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.

Vào những năm tháng cuối đời, sau khi đã đem bao tâm lực cống hiến cho sự chấn hưng Phật giáo, cho sự phát triển và thống nhất các hệ phái dưới một mái nhà Phật giáo, cho sự tu hành thăng tiến của lớp hậu sinh, sức khỏe của Ngài có phần suy giảm nhiều.

Ngày 02 tháng 3 năm Giáp Tý, tức ngày 02 tháng 4 năm 1984, sau một cơn suy tim đột ngột, Ngài đã thâu thần viên tịch tại Bệnh viện Thống Nhất, thọ 76 tuổi đời, 56 tuổi đạo.

Ngoài những đóng góp Phật sự từ ngày xuất gia cho đến ngày lãnh các trọng trách trong Giáo hội, Hòa thượng Thích Trí Thủ còn để lại cho hậu thế nhiều sáng tác, dịch phẩm có giá trị như:

– Kinh Phổ Hiền.
– Mẹ Hiền Quan Âm.
– Kinh Vô Thường.
– Kinh A Di Đà (thể thơ 4 chữ).
– Pháp Môn Tịnh Độ.
– Nghi Thức Phật Đản.
– Tứ Phần Luật.
– Nghi Thức Truyền Giới Tại Gia và Bồ Tát Thập Thiện.
– Luật Tỳ Kheo.
– Để trở thành người Phật tử.
– Kinh Bất Tăng Bất Giảm.
– Thường Bất Khinh Bồ Tát.
– Phát Bồ Đề Tâm.
– Thử vạch qui chế đào tạo Tăng tài.
– Nghi thức tụng niệm hàng ngày của giới Phật tử.
– Điều căn bản cho giới Phật tử mới quy y v.v…
(và một số tác phẩm văn thơ khác.)

Nói đến Hòa thượng, là nói đến sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam giữa các hệ phái, từng giai đoạn lịch sử từ trước 1954 cho đến sau 1975 và cho đến khi hoàn thành bản nguyện. Ngài là thuyền Bát Nhã đưa Phật giáo Việt Nam bước qua lịch sử và làm nên lịch sử. Ngài đã đi qua, nhưng lịch sử vẫn còn lại ngàn năm với công hạnh và hình bóng Ngài trong lòng bao thế hệ kế thừa.

Chú thích :
(1) Hội Việt Nam Phật Học vốn là hậu thân của Hội An Nam Phật Học, thành lập năm 1948 đặt trụ sở tại số 1B đường Nguyễn Hoàng – Huế.