BẠN VÀ NHỮNG VẤN NẠN TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN NAY
Nguyên tác: Ven.Dr. K.Sri Dhammananda
Việt dịch: Thích Long Vân & Thiện Phúc
—o0o—
LỢI ÍCH CỦA SỰ BẰNG LÕNG
Ngày xưa có một vị vua tìm đến Đức Phật và hỏi Ngài một câu hỏi: “ Khi tôi nhìn vào các môn đồ của Ngài, tôi thấy nơi họ sự thanh thản, sự hồ hởi và vẻ bên ngoài rạng rỡ. Tôi cũng đã nghe họ chỉ ăn ngày một bữa. Nhưng tôi không hiểu bằng cách nào họ giữ một lối sống như vậy ?”. Đức Phật đã đưa ra một câu trả lời đẹp đẽ :
“ Các môn đồ của ta không quên những việc họ đã làm trong quá khứ nhưng vẫn tiếp tục làm ngày càng nhiều hơn những việc làm xứng đáng. Điều ấy không phải do sự hối hận, sự cầu nguyện và sự thờ cúng nhưng do làm nhiều việc giúp mọi người có thể khắc phục mọi lỗi lầm họ có thể phạm trong quá khứ. Các học trò của ta không bao giờ lo lắng về tương lai. Họ thỏa mãn với những gì họ có, và vì thế họ được hài lòng. Họ không hề nói rằng mọi việc không đủ đối với họ. Đó là cách sống của họ. Do vậy họ có khả năng giữ lấy trạng thái thanh tịnh, phấn khởi và nét rạng rỡ do kết quả của sự bằng lòng ”.
Không phải ai cũng duy trì được sự phấn khởi này do biết sự bằng lòng. Có người sẽ hỏi tại sao ta không thể thỏa mãn trong cuộc sống của ta mặc dù mình có nhiều hơn đủ mọi thứ ? Đâu là câu trả lời đúng ? Để cho câu trả lời đúng là “Chúng ta không có sự bằng lòng”. Nếu chúng ta thật sự có sự bằng lòng, sẽ không bao giờ chúng ta nói rằng ta không hề thỏa mãn với điều này việc kia. Chúng ta không thể thỏa mãn chính mình do bởi sự xung đột giữa tham vọng ích kỷ vô độ và luật vô thường.
Một trong những lời khuyên tốt nhất Đức Phật đã ban cho chúng ta để thực hành như một giáo điều là “ Sự bằng lòng là của cải cao nhất”. Một con người lành mạnh không nhất thiết là người giàu có. Một con người giàu có cứ triền miên nổi lo trong cuộc sống. Anh ta luôn luôn sống trong trạng thái nghi ngờ và lo sợ người ta đang chờ bắt cóc anh ta. Một người giàu có không thể đi chơi không cùng người bảo vệ và mặc dù với nhiều lớp cửa và khóa bằng sắt trong nhà, anh ta không thể ngủ mà không có nổi sợ và sự lo âu.
Đem so sánh, một con người biết bằng lòng mới thực sự là người may mắn vì đầu óc anh ta rảnh rang với mọi sự phiền não đó. Anh ta thật sự là giàu. Vậy điều gì là sự bằng lòng? Khi một người nào đó nghĩ “ bao nhiêu đây là đủ cho tôi và gia đình tôi và tôi không cần hơn thế nữa” thì đó là sự bằng lòng. Nếu mọi người có thể suy nghĩ bằng cách này, sẽ không có bất cứ vấn nạn nào xảy ra. Khi chúng ta có sự bằng lòng, sự ích kỷ sẽ không bao giờ che mờ tâm trí của chúng ta và từ đó, chúng ta cũng để cho những người khác thọ hưởng cuộc sống của họ. Nếu không có sự ích kỷ, sự giận dữ không thể phát sinh. Nếu không có sự giận dữ sẽ không có bạo lực và sự đổ máu. Mọi người có thể sống một cách an lành.
Một cuộc sống biết bằng lòng luôn luôn cho ta niềm hy vọng và sự tự tin. Điều này không phải là tính lý tưởng. Trong hơn 25 thế kỷ, người nam hay nữ, Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni trong cộng đồng Phật giáo đã sống một cuộc sống bình an như thế. Họ chỉ có 4 yêu cầu: thức ăn, chỗ ở, quần áo và thuốc men. Không người nào thật sự đòi hỏi điều khác để sống. Và nhiều Phật tử tại gia cũng thế, đã biết sống một cách biết đủ không để cho lòng tham xâm lấn những nhu cầu căn bản. Thật đáng ngạc nhiên nhu cầu chúng ta thật sự cần nhỏ bé biết bao khi chúng ta biết đủ. Hãy suy nghĩ về nó.