BẠN VÀ NHỮNG VẤN NẠN TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN NAY
Nguyên tác: Ven.Dr. K.Sri Dhammananda
Việt dịch: Thích Long Vân & Thiện Phúc
—o0o—
ĐIỀU GÌ PHẬT GIÁO YÊU CẦU NƠI CON NGƯỜI
Những việc Phật giáo yêu cầu nơi con người là gì? Một học giả Trung Quốc có lần đã hỏi một nhà sư những gì là cốt lõi của Phật giáo và vị sư đã trả lời :
Hãy làm các việc lành, Tránh làm các việc ác Giữ tâm trong sạch
Đây là lời dạy của tất cả chư Phật.
Cố nhiên học giả này mong chờ một câu trả lời “thâm thúy” hơn, một điều gì đó sâu xa và thâm thúy hơn, và ông ta nhấn mạnh rằng một đứa trẻ lên ba cũng hiểu được điều đó. Nhưng vị sư đã trả lời rằng đứa trẻ lên ba nào cũng hiểu được điều đó nhưng một người 80 tuổi chưa ắt làm được. Đức Phật đã báo trước một cách tương tự với thị giả của Ngài, Ananda, là không được xem những lời dạy đơn giản trên là việc dễ làm.
Đây là tinh túy của Phật giáo. Con người được yêu cầu tuân theo những lời dạy “đơn giản” trong việc tìm kiếm con đường giải thoát cho họ, nhưng việc thực hành năm điều này cực kỳ khó khăn. Hãy bắt đầu với :
– Người ta không được tước đoạt mạng sống của bất kỳ một sinh vật nào khác.
– Người ta không được lấy những gì không được cho.
– Người ta phải giữ mình chống lại ngoại tình xác thịt.
– Con người phải kiềm chế tránh không nói những lời độc ác.
– Con người không được sử dụng bất cứ loại thuốc uống hoặc chất lỏng nào làm cho mất sự sáng suốt.
Đây là những lời dạy quan trọng để Phật tử quán sát. Những lời dạy này không phải là sự biểu lộ hình thức bên ngoài, nhưng đơn thuần là đặt vấn đề thực hành với sự hiểu biết. Vấn đề trọng tâm của đời sống tinh thần là một vấn đề tích cực, vấn đề của sự thực hành áp dụng, chứ không phải là vấn đề thuộc lĩnh vực của sự hiểu biết.
Mục đích cuối cùng của con người theo Đạo Phật là phá vỡ và hủy bỏ mọi sự ràng buộc đã trói buộc anh ta vào sự tái sanh thường xuyên lặp lại trong chu kỳ của quá trình sanh tử luân hồi. Anh ta được dành sẳn cho một vòng tròn vô tận của sự tái sinh bởi vì sự ngu dốt của mình, con người nhận thức được một thực thể bền vững gọi là “cái tôi” hay “ bản ngã”.
Lấy ảo tưởng của “cái tôi” làm thật, anh ta phát triển sự tham lam ích kỷ. Vì vậy con người đang đấu tranh không hồi kết thúc để thỏa mãn tham vọng nhưng anh ta không bao giờ được thỏa mãn. Giống như việc quào một chỗ đau để tạm thời hết đau, nhưng ta lại thấy rằng làm như thế không tăng thêm sự ngứa ngái vì chỗ đau đang bị chọc tức.