Luật học tinh yếu – Viện nghiên cứu Phật học

Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
LUẬT HỌC TINH YẾU
Hoà Thượng Thích Phước Sơn
Nhà xuất bản Phương Đông 2006 – PL 2550
Chương 4
GIỚI BỒ-TÁT
I. KINH ĐIỂN CĂN BẢN CỦA GIỚI BỒ-TÁT
Những Kinh điển liên quan đến giới pháp mà Bồ-tát phải thọ trì được đề cập trong sáu bản sau đây:
1. Bồ-Tát Anh Lạc Bản Nghiệp Kinh
2. Phạm Võng Kinh Bồ-Tát Giới Bản
3. Du-Già Sư Địa Luận Bồ-Tát Giới Bản
4. Bồ-Tát Địa Trì Kinh
5. Bồ-Tát Thiện Giới Kinh
6. Ưu-Bà-Tắc Giới Kinh
Sau đây là tóm lược nội dung của phần Giới kinh trong các bản Kinh trên.
1. Bồ-tát anh lạc bản nghiệp kinh
Kinh này ở trong Đại Chính Tạng, tập 24, ký hiệu 1485, do Trúc Phật Niệm đời Diêu Tần dịch khoảng năm (376-378), gồm hai quyển, tám phẩm. Nội dung kinh nói về 52 thứ bậc của Bồ-tát. Anh lạc bản nghiệp là lối dụng ngữ theo hệ thống Kinh Hoa Nghiêm, cho nên giáo tướng của kinh này với kinh Hoa Nghiệm phù hợp nhau rất nhiều chỗ. Vì dùng 52 địa vị của Bồ-tát là: Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Vô Cấu Địa và Đẳng Giác Địa mà có tên gọi như vậy. Ở phần bài tựa của phẩm Đại Chúng Thọ Học nói về tam tụ tịnh giới như sau:
– Dùng 84.000 pháp môn lập ra Nhiếp Thiện Pháp Giới.
– Dùng từ bi hỷ xả, 4 vô lượng tâm lập ra Nhiếp Chúng Sinh Giới. (Nhiêu Ích Hữu Tình Giới).
– Dùng 10 Ba-la-di lập ra Nhiếp Luật Nghi Giới (10 Ba-la-di này với 10 trọng giới của kinh Phạm Võng giống nhau).
Bản kinh này ngoài ảnh hưởng của Kinh Hoa Nghiêm còn chịu ảnh hưởng của kinh Phạm Võng khá nặng; vì nội dung của Tam tụ tịnh giới thuộc giới Đại thừa. Đặc biệt là giới Bồ-tát có pháp thọ mà không có pháp bỏ, một lần thọ là vĩnh viễn không mất, dù phạm giới Ba-la-di cũng không mất giới thể. Vì chủ trương giới lấy tâm làm thể.
Khi khảo cứu bản kinh này thì tại Ấn Độ không có căn cứ lịch sử thật sự. Mọi thứ kinh luật tại Trung Quốc từ “Pháp Kinh Lục” trở đi đều chép là do Trúc Phật Niệm đời Diêu Tần dịch; nhưng trong phần dịch kinh thuộc “Xuất Tam Tạng ký tập” thì không thấy tên của nó, mà thấy ghi trong phần Thất dịch tạp kinh lục (những kinh lục tạp loại mất tên người dịch). Lịch Đại Tam Bảo Ký nói rằng ngoài bản dịch của Trúc Phật Niệm còn có bản dịch của Trí Nghiêm đời Tống. Thế nhưng, các học giả hiện đại căn cứ tính chất không xác định về dịch giả và nội dung của kinh để kiểm tra thì cho rằng bản kinh này do người Trung Quốc biên soạn. (PQĐTĐ, tr.5227a).
2. Phạm Võng kinh Bồ-tát giới bản
Kinh này ở trong Đại Chánh Tạng tập 24, ký hiệu 1484, tương truyền do Cưu-ma-la-thập (344-413) đời Hậu Tần dịch (nhưng chưa có gì chắc chắn), gồm 2 quyển, thuyết minh về cấp bậc tu hành của Bồ-tát và giới tướng của 10 giới trọng và 48 giới khinh. Theo bài tựa của kinh này do Tăng Triệu viết thì nguyên bản đầy đủ gồm 61 phẩm, 112 quyển mà bản này là phẩm thứ 10 của bộ đó. Vì giáo pháp của chư Phật trùng trùng vô tận, dùng để trang nghiêm pháp thân mà không chướng ngại nhau giống như mạng lưới của Phạm Thiên vương, do đó nên kinh này có tên là kinh Phạm Võng.
Quyển thượng trình bày việc đức Phật Thích Ca tiếp độ đại chúng tại cõi thiền thứ tư khiến họ trở về cung Kim Cương Quang Minh ở thế giới Liên Hoa Tạng, bằng cách đưa thính chúng đến trước đức Lô-Xá-Na hỏi về nhân hạnh của Bồ-tát, rồi đức Lô-Xá-Na nói rộng về 10 phát thú, 10 tâm trưởng dưỡng, 10 tâm kim cương và 40 pháp môn của Thập-địa.
Quyển hạ trình bày về 10 giới trọng và 48 giới khinh của Bồ-tát, dựa theo sự chỉ dạy của đức Thích Ca ngay dưới cội Bồ đề tại thế giới Ta-bà này.
Kinh này được xem là thuộc quyển kinh đệ nhất nói về giới luật của Đại thừa, được giới Phật giáo Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam trọng thị. Vị tăng Nhật Bản là Tối Trừng căn cứ vào nội dung của kinh cho rằng nó có liên quan đến giới luật ở thời điểm mà nó xuất hiện. Giới của kinh này khác với giới của Tiểu thừa, vì không phân biệt tại gia, xuất gia, chủ trương căn cứ vào giới cộng thông của chúng sinh, lấy việc tự giác về Phật tính làm cơ sở.
Bản kinh này được xem là thuộc hệ thống của Kinh Hoa Nghiêm. Tuy nhiên về nội dung còn được dẫn dụng từ nhiều kinh khác. Do đó, các học giả suy định rằng nó không phải được dịch từ Phạn văn mà do người Trung Quốc biên soạn vào khoảng cuối đời Lưu Tống. Xưa nay bản kinh này được thịnh hành nhất là quyển hạ, và gọi là Phạm Võng Bồ-tát Giới Kinh, Bồ-tát Giới Bản v.v… Về sớ giải có rất nhiều, nhưng các bản sau đây là chủ yếu:
1. Bồ-tát giới nghĩa sớ, 2 quyển, do Trí Khải đời Tùy soạn.
2. Bồ-tát giới sớ, 3 quyển, do Minh Khoáng đời Đường soạn để bổ sung bộ sớ giải của Trí Khải.
3. Phạm Võng Kinh Bồ-tát giới bản sớ, 6 quyển, do Pháp Tạng đời Đường soạn.
4. Bồ-tát giới bản sớ, 3 quyển, do Nghĩa Tịch, người Tân La (Triều Tiên) thuật.
(PQĐTĐ, tr.4642c-3c)
3. Du-già sư địa luận Bồ-tát giới bản
Giới bản này được gọi gọn là Bồ-tát giới bản, nằm trong Đại Chính Tạng, tập 24, với ký hiệu 1501, do Pháp sư Huyền Trang (600-664) dịch. Giới bản này thuộc quyển 40 và 41 của bộ Du-già Sư địa luận, gồm 100 quyển, cũng do Huyền Trang dịch và được đưa vào Đại Chính Tạng tập 30. Nội dung của Giới bản này trình bày 4 giới Tha Thắng (Ba-la-di) và 3 giới khinh; lấy Tam tụ tịnh giới làm cơ sở; tuy cũng gồm chung cả đạo tục, nhưng trước hết phải là 7 chúng đệ tử thuộc Tiểu thừa đã thọ giới trải qua một thời gian không vi phạm, thì mới được thọ giới này. Thế nên, đây thuộc về loại Tiệm giới.
4. Bồ-tát địa trì kinh
Giới bản của bộ kinh này có tên là Bồ-tát Giới bản, gồm 1 quyển ở trong Đại Chính Tạng, ký hiệu 1500, do Đàm Vô Sấm (385-433) đời Bắc Lương dịch. Giới bản này thuộc về quyển 4 trong bộ Bồ-tát Địa Trì Kinh gồm 10 quyển, do Đàm Vô Sấm dịch, được đưa vào Đại Chính Tạng tập 30. Nội dung của Giới bản trình bày giới văn của Bồ-tát gồm 4 giới Ba-la-di và 41 giới khinh. Tương truyền bộ Bồ-tát Địa Trì Kinh do đức Di-lặc thuyết, luận sư Vô Trước chép, nhưng người Tây Tạng cho rằng đây là tác phẩm của Vô Trước.
5. Bồ-tát thiện giới kinh
Bản kinh này gồm 2 bản, đều do Cầu-na-bạt-ma (367-431) đời Lưu Tống dịch và được đưa vào Đại Chính Tạng tập 30. Bản đầu gồm 9 quyển, ký hiệu là 1582, gồm phần Bài tựa, Chánh tông và phần Lưu thông. Bản hai gồm 1 quyển, ký hiệu là 1583, được rút ra từ quyển 4 và 5 của bộ 9 quyển; nội dung trình bày về 8 giới trọng và 46 giới Đột-cát-la (giới khinh) của Bồ-tát; nghĩa là chỉ có phần Chánh tông.
Bản 9 quyển này được sao ra từ Bồ-tát Địa trong Du-già Sư Địa Luận, và được chỉnh lý thành thể tài của kinh.
6. Ưu-bà-tắc giới kinh
Bản kinh này tiếng Phạn là Upàsaka-sìla-sutra, gồm 7 quyển, 28 phẩm, do Đàm Vô Sấm đời Bắc Lương dịch năm 426, được đưa vào Đại Chính Tạng tập 24, ký hiệu là 1488. Ngoài ra, nó còn có tên là Thiện Sanh Kinh Ưu-bà-tắc Giới bản. Phật vì trưởng giả Thiện Sanh mà nói về Tam quy ngũ giới cbo hàng Đại thừa tại gia có niềm tin. Nội dung thuyết minh về phát tâm, lập nguyện, tu hành, trì giới, tinh tấn, thiền định, trí huệ v.v… Đặc biệt tại phẩm Thọ Trì, trừ việc thuyết minh về năm giới của tại gia Bồ-tát, còn đề cập đến 6 pháp, 28 thất ý có liên quan đến giới pháp Đại thừa 10 trọng, 48 khinh của kinh Phạm Võng. Bản kinh này có dẫn nhiều tên kinh luật nên địa vị của nó khá đặc biệt, được người Trung Quốc rất trọng thị. (PQĐTĐ, tr.6409c).
Mấy điểm cần ghi nhận:
– Nếu phân biệt về phương diện đốn tiệm thì Kinh Anh Lạc (số 1), Phạm Võng (số 2) thuộc về đốn giới; Kinh Du-già (số 3), Địa Trì (số 4), Thiện Giới (số 5) và Ưu-bà-tắc (số 6) thuộc về tiệm giới.
– Hai Kinh Anh Lạc, Phạm Võng đều có nguồn gốc từ hệ thống Kinh Hoa Nghiêm và được các học giả suy định là do người Trung Quốc biên soạn.
– Ba Kinh Du-già, Địa Trì và Thiện Giới đều bất nguồn từ luận Du-già Sư Địa, cùng chung một nguyên bản, nhưng khác bản dịch, do đó, có tính cách đại đồng tiểu dị.
– Phạm Võng giới bản có vẻ khắt khe phiền toái hơn, người thọ rồi phải tuyệt đối y giáo phụng hành, tuân thủ nghiêm chỉnh giới trọng cũng như giới khinh; còn Du-già giới bản có vẻ phương tiện quyền xảo hơn, dù nhiễm ô cũng chưa phải đã phạm.
– Tại Trung Quốc, Phạm Võng giới bản tỏ ra thịnh hành; còn tại Tây tạng thì chỉ dùng Du-già giới bản.
– Ưu-bà-tắc giới thuộc giới Đại thừa của người tại gia chứ chưa hẳn là giới Bồ-tát.
II. NỘI DUNG CÁC GIỚI BẢN
A. Giới bản Phạm Võng
­ 10 Giới trọng
1. Không được tàn sát:
Là Phật tử thì phải khởi tâm từ bi che chở và cứu giúp tất cả mọi loài, tuyệt đối không được dùng bất cứ phương tiện gì để tàn sát hay bảo người tàn sát bất cứ một sinh vật nào.
2. Không được trộm cướp:
Là Phật tử thì phải phát tâm từ bi khuyên người làm phước, cho nên không được tự mình trộm cướp hay bảo người trộm cướp bất cứ một vật gì của bất cứ ai, dù vật nhỏ nhiệm như cây kim ngọn cỏ cũng không được cố ý trộm cướp.
3. Không được dâm dục:
Là Phật tử thì phải phát tâm từ bi cứu độ tất cả, cho nên không được tự mình dâm dục hay bảo người dâm dục với bất cứ nữ nhân nào, thậm chí đối với thiên nữ hay giống cái nào trong loài vật cũng đều không được cố ý dâm dục.
4. Không được vọng ngữ:
Là Phật tử thì phải phát ngôn chân chính và khuyên người nói lời chân chính, cho nên tuyệt đối không được tự mình vọng ngữ hay bảo người vọng ngữ với bất cứ phương cách nào.
5. Không được buôn rượu:
Là Phật tử thì phải làm cho chúng sinh phát sinh trí tuệ, cho nên không được tự mình mua bán rượu hay bảo người mua bán rượu, vì rượu là nhân tố gây ra mọi thứ tội lỗi.
6. Không được nói xấu đồng đạo:
Là Phật tử thì không lược nói xấu những người đồng đạo; khi nghe những kẻ ác tâm trong hàng ngũ ngoại đạo và nhị thừa công kích những sai trái trong tổ chức Phật giáo còn phải sinh tâm từ bi giáo hóa họ từ bỏ ác tâm, huống gì lại tự mình bươi móc những lỗi lầm của người đồng đạo, dù xuất gia hay tại gia.
7. Không được khen mình chê người:
Là Phật tử thì lẽ ra phải thay thế hết thảy chúng sinh chịu lấy những sự phỉ báng và tủi nhục, việc xấu thì nhận về cho mình, việc tốt thì dành cho người khác, thế nên, không được tự tán dương mình mà phỉ báng người khác.
8. Không được tiếc lẫn tài, pháp:
Là Phật tử thì khi gặp bất cứ người nghèo thiếu nào đến cầu xin, cũng phải tùy theo nhu cầu của họ mà cung cấp những thứ mình có; hoặc có ai đến cầu xin nghe pháp cũng phải giảng giải cho họ hiểu; thế nên, không được tự mình tiếc lẫn tài, pháp hay bảo người tiếc lẫn tài pháp mà không chịu phát tâm bố thí.
9. Không được giận dữ không nguôi:
Là Phật tử thì không được giận dữ hay bảo người giận dữ mà phải sinh tâm từ bi khoan dung đối với tất cả chúng sinh, nhất là những kẻ đã xúc phạm mình; khi họ biết ăn năn cầu xin sám hối, thì không được mắng chửi, đánh đập hay cự tuyệt sự hối lỗi của họ.
10. Không được phỉ báng Tam bảo:
Là Phật tử thì không được tự mình phỉ báng hay bảo người phỉ báng Tam bảo; khi nghe kẻ ngoại đạo hay người ác tâm buông lời phỉ báng đức Phật thì cảm thấy như tim mình bị 300 mũi kiếm đâm vào, huống gì lại tự miệng mình thốt ra lời phỉ báng.
Nếu Phật tử phạm một trong mười điều trên tức là phạm tội Ba-la-di của Bồ-tát.
­ 48 Giới khinh
1. Không được bất kính với thầy bạn.
Nếu Phật tử sắp nhận địa vị quốc vương, đại thần thì nên thọ giới Bồ-tát; khi thọ giới rồi phải sinh tâm cung kính tôn trọng các bậc tôn túc giáo phẩm; khi trông thấy các ngài phải đứng dậy tiếp đón, chào hỏi lễ độ, chứ không được sinh tâm kiêu căng vô lễ.
2. Không được uống các thứ rượu.
Là Phật tử thì không được uống rượu hoặc mời người khác uống, vì rượu là nguyên nhân phát sinh vô số lỗi lầm, do đó, bất cứ loại rượu gì cũng không được uống.
3. Không được ăn các thứ thịt
Là Phật tử thì không được ăn thịt của bất cứ loại sinh vật nào, vì ăn thịt thì làm hỏng mất hạt giống từ bi, khiến sinh vật trông thấy đều khiếp sợ bỏ chạy.
4. Không được ăn đồ cay nồng.
Là Phật tử thì không được ăn 5 thứ cay nồng là tỏi, kiệu, hành, nén và hẹ.
5. Không được không khuyên người sám hối.
Là Phật tử thì khi thấy người đồng giới phạm tội, phải khuyên bảo họ thành tâm sám hối, chứ không được làm ngơ trước tội lỗi của họ.
6. Không được không cầu chánh pháp.
Là Phật tử thì khi trông thấy các vị pháp sư tinh thông giáo pháp Đại thừa đi đến, phải đứng dậy cung kính đón tiếp lễ bái, cung cấp các thứ cần thiết, đồng thời cung thỉnh vị pháp sư ấy thuyết pháp cho mình nghe mỗi ngày 3 lần.
7. Không được không đi nghe pháp.
Là Phật tử thì khi biết nơi nào có vị pháp sư thuyết giảng kinh điển, giới pháp, đều phải đến nghe và tiếp thu một cách thành kính.
8. Không được phản lại giới pháp Đại thừa.
Là Phật tử thì không được phản bội giáo pháp Đại thừa, cho rằng giáo pháp ấy không do Phật thuyết, rồi thọ trì những kinh luật của Nhị thừa, ngoại đạo ác kiến, với nội dung phủ nhận Phật tính.
9. Không được không giúp đỡ người bệnh.
Là Phật tử thì khi thấy bất cứ người bệnh nào cũng phải hết lòng chăm sóc như phụng sự chính đức Phật, nhất là khi cha mẹ, sư trưởng đau ốm lại càng phải dốc lòng chữa trị; vì trong các đám ruộng phước thì sự chăm sóc người bệnh là đám ruộng phước tốt nhất.
10. Không được tàng trữ dụng cụ sát sinh.
Là Phật tử thì không được tàng trữ bất cứ dụng cụ gì có thể dùng để sát hại sinh vật, vì lẽ Phật tử Bồ-tát thì đối với kẻ sát hại cha mẹ mình, cũng không được giết lại để trả thù, huống chi lại tàng trữ những vật dùng để sát hại các sinh vật vô tội.
11. Không được làm kẻ chủ mưu gây chiến.
Là Phật tử thì không được vì lợi lộc hay vì ác ý mà làm sứ thần liên minh quân sự, gây ra chiến tranh, làm tổn hại sinh mệnh của đồng loại.
12. Không được buôn bán tàn nhẫn.
Là Phật tử thì không được cố ý buôn bán người, súc vật và các dụng cụ ma chay.
13. Không được vô cớ phỉ báng người khác.
Là Phật tử thì không được vu khống những người hiền lương nhân đức, những vị pháp sư, Hòa thượng v.v… rằng họ phạm 7 tội nghịch, 10 giới nặng một cách vô cớ.
14. Không được thiêu đốt bừa bãi.
Là Phật tử thì không được sinh tâm tàn ác phóng hỏa đốt cháy núi rừng, đồng nội, đến nỗi lửa cháy lan đến thành ấp, xóm làng, nhà cửa và cây cối của dân chúng.
15. Không được chỉ dạy sai lệch.
Là Phật tử thì phải hướng dẫn, chỉ dạy kinh luật Đại thừa cho bất cứ ai cần đến, chứ không được chỉ dạy cho họ kinh luật của Nhị thừa và học thuyết của ngoại đạo tà kiến.
16. Không được nói pháp rối loạn.
Là Phật tử thì phải học tập thấu đáo kinh giới của Đại thừa, rồi đem thuyết giảng cho những ai cần đến một cách chính xác, chứ tuyệt đối không được vì tham lợi mà giảng giải rối loạn, sai lạc kinh điển và giới pháp của Đại thừa.
17. Không được ỷ thế ham cầu.
Là Phật tử thì không được vì lợi lộc, danh vọng mà thân cận giới quyền quí, rồi cậy thế lực của họ, yêu sách, chiếm đoạt tài sản của người khác một cách ngang ngược.
18. Không được mù mờ làm thầy.
Là Phật tử thì phải thọ trì, học hỏi giới pháp của Bồ-tát cho thông suốt, chứ không được mù mờ mà làm pháp sư truyền giới cho người khác.
19. Không được hủy báng người có giới đức.
Là Phật tử thì không được sinh tâm xấu ác phỉ báng, vu khống những vị Tỳ-kheo có giới đức một cách vô cớ.
20. Không được không phóng sinh và làm phước.
Là Phật tử thì phải thực hiện phóng sinh và khuyến khích mọi người phóng sinh, đồng thời phải xem hai giới nam, nữ như cha mẹ của chính mình, nhất là khi cha mẹ, anh em qua đời, phải cung thỉnh pháp sư thuyết giảng kinh giới Bồ-tát, để tạo phước lành cầu cho họ được siêu sinh.
21. Không được giận dữ báo thù.
Là Phật tử thì không được trả thù đối với những kẻ đã gây họa cho mình, vì lẽ, tàn sát sự sống là trái với đạo hiếu sinh của Bồ-tát; nhất là những Bồ-tát xuất gia thì càng phải thể hiện tâm đại bi xóa bỏ mọi oán thù.
22. Không được kiêu căng không học.
Là Phật tử thì không được tự thị thông minh, giàu sang, địa vị, tuổi tác, rồi khinh thường những vị pháp sư nghèo hèn, thấp kém, nhỏ tuổi, vì thế không chịu đến thọ giáo, mặc dù họ có đủ tài đức xứng đáng để dạy bảo mình.
23. Thọ giới phải đúng quy định, không được không truyền kinh giới.
Là Phật tử, sau khi Phật Niết-bàn, muốn thọ giới Bồ-tất, mà trong vòng ngàn dặm không có vị pháp sư truyền giới, thì có thể sám hối cho đến khi nào thấy được tướng tốt, rồi tự thọ giới trước tượng Phật, Bồ-tát là đắc giới. Nếu không thấy được tướng tốt thì có thọ cũng không đắc giới. Nhưng, nếu thọ trước vị pháp sư, thì thọ là đắc giới, vì do sự kế thừa liên tục. Hơn nữa, nếu là pháp sư thì không được tự cho mình thông hiểu kinh luật, thân cận kẻ quyền quí, rồi khinh khi những người tha thiết cầu học, không chịu giải đáp những thắc mắc của họ.
24. Không được học các sách khác
Là Phật tử thì không được bỏ giáo pháp cao quí của Đại thừa mà học tập sách vở phủ nhận Phật tánh của Nhị thừa, ngoại đạo và những luận thuyết thế tục tạp nhạp khác.
25. Không được lạm dụng gây rối.
Là Phật tử, sau khi Phật Niết-bàn, nếu có trách nhiệm điều hành các pháp sự và những cơ sở của giáo hội, thì phải khéo léo hòa giải mọi sự mâu thuẫn và giữ gìn chu đáo các vật dụng của Tam bảo.
26. Không được không đãi khách Tăng chu đáo.
Là Phật tử đã thọ giới Tỳ-kheo Bồ-tát, khi thấy những khách Tăng từ xa đến thì phải đón rước, tiếp đãi niềm nở, ân cần, cung cấp cho họ những nhu yếu cần thiết. Nếu có thí chủ cúng dường chúng Tăng thì phải cúng dường các vị khách Tăng bình đẳng như những Tỳ-kheo cựu trú.
27. Không được thọ thỉnh riêng biệt.
Là Phật tử thì tuyệt đối không được lấy những lợi dưỡng mà thí chủ cúng dường (cho Tăng) làm của mình, vì những lợi dưỡng ấy là của chư Tăng mười phương.
28. Không được thỉnh Tăng riêng biệt
Là Phật tử, dù xuất gia hay tại gia Bồ-tát, khi muốn thỉnh chư Tăng để cúng dường cầu phước, thì phải thỉnh chư Tăng theo thứ tự mà thầy tri sự đã sắp xếp, chứ không được thỉnh riêng, vì thỉnh riêng là nề nếp của ngoại đạo. Hơn nữa, nếu thỉnh riêng thì dù thỉnh 500 vị Thánh Tăng cũng không bằng thỉnh một vị Tăng phàm phu theo thứ tự.
29. Không được sống bằng tà mạng.
Là Phật tử thì không được vì vụ lợi, tàn ác mà làm nghề mại dâm, coi tướng, tốt xấu, đoán mộng lành dữ, làm các chú thuật và pha chế thuốc độc v.v…, vì làm những việc ấy thì trái với đạo từ bi của Bồ-tát.
30. Không được làm những việc điên đảo.
Là Phật tử thì không được sinh tâm bất kính phỉ báng Tam bảo, nói tốt làm xấu, tâm lý đảo điên, phá trai phạm giới, không tuân thủ giới luật Phật chế.
31. Không được không cứu không chuộc.
Là Phật tử sống trong thời mạt pháp đầy những nhiễu nhương, nếu thấy hàng ngoại đạo hay kẻ tàn ác đem bán các tranh tượng Phật và Bồ tát, bán các kinh luật, hoặc đem bán những người xuất gia để làm tôi đòi cho quan lại, thì phải phát tâm từ bi, tìm mọi phương tiện mua lại các tranh tượng Phật, Bồ-tát và chuộc lại các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đã bị bán.
32. Không được làm tổn hại chúng sinh.
Là Phật tử thì không được cất giữ dao gậy, cung tên, mua bán gian lận, dựa thế kẻ cầm quyền cướp đoạt tài sản của người, cũng không được dùng tâm ác độc phá hoại sự thành công của kẻ khác, và nuôi các loại súc vật như chồn heo mèo chó.
33. Không được tà tâm làm quấy
Là Phật tử thì không được sinh tâm tàn nhẫn xem nam nữ đấu sức, không được xem nghe ca múa, không được cờ bạc, bói toán và làm liên lạc cho giặc.
34. Không được rời tâm Bồ-đề
Là Phật tử thì phải nghiêm trì giới pháp đã lãnh thọ, ngày đêm 6 thời đều đọc tụng, như giữ chiếc phao khi bơi qua biển cả, và tuyệt đối không một giây phút nào rời khỏi tâm Bồ-đề.
35. Không được không phát đại nguyện
Là Phật tử thì phải phát nguyện hiếu thuận với cha mẹ, sư trưởng, Tam bảo; nguyện gặp được bậc pháp sư cao minh, nguyện kiên trì gìn giữ giáo pháp của Phật dù phải mất mạng.
36. Không được không phát đại thệ
Là Phật tử thì phải phát thệ rộng lớn, kiên trì giữ giới pháp của chư Phật, thà bỏ thân mạng, quyết không đem cái thân phá giới mà thọ dụng 4 sự cúng dường của thí chủ; thà hủy hoại 6 căn, chứ quyết không để cho 6 căn đắm trước 6 trần mà vẫn ngang nhiên hưởng thọ thí chủ cúng dường; đồng thời thề nguyện làm cho tất cả chúng sinh đều thành Phật đạo.
37. Không được không hành đầu-đà và Bố-tát hằng tháng.
Là Phật tử thì mỗi năm phải thực hành đầu-đà trong hai kỳ mùa đông và mùa hạ; dù đi bất cứ nơi đâu cũng phải mang theo 18 vật dụng cần thiết bên mình, và không được mạo hiểm đi đến những nơi có tai nạn nguy hiểm, hằng tháng phải thực hiện Bố-tát 2 1ần, đọc tụng 10 giới trọng và 48 giới khinh.
38. Không được ngồi không thứ tự.
Là Phật tử thì phải ngồi đứng có thứ tự đúng với chánh pháp, nghĩa là ai thọ giới trước thì ngồi trước, ai thọ giới sau thì ngồi sau, chứ không kể là già hay trẻ; tuyệt đối không được ngồi hỗn loạn như những kẻ ngoại đạo ngu si.
39. Không được không làm lợi lạc.
Là Phật tử thì phải khuyến hóa mọi người xây dựng chùa tháp, kiến thiết Tăng xá; trong những lúc gặp hoạn nạn đau ốm, hay khi những người thân như cha mẹ, sư trưởng v.v… qua đời, nên trì tụng, diễn giảng kinh luật Đại thừa để cầu phước.
40. Không được chọn lựa truyền giới
Là Phật tử thì khi cho người thọ giới Bồ-tát không được chọn lựa, vì từ chư thiên các cõi trời Sắc giới, Dục giới cho đến loài người, thậm chí cả quỷ thần hễ ai nghe hiểu được tiếng nói của giới sư Bồ-tát thì đều có thể thọ giới Bồ-tát; ngoại trừ những kẻ phạm 7 tội nghịch, vì những người này dù có thọ cũng không đắc giới. Khi truyền giới rồi giới sư phải dạy giới tử mặc pháp y bằng màu sắc pha tạp (hoại sắc). Người xuất gia khi đã thọ giới Bồ-tát thì không được lạy bất cứ ai dù là cha mẹ hay quốc vương.
41. Không được vì tham lợi mà làm thầy.
Là pháp sư Bồ-tát thì phải hiểu thể thức trao truyền giới pháp Bồ-tát, không được cho người phạm 7 tội nghịch thọ giới. Khi giới tử thọ giới mà phạm 10 giới nặng thì giới sư phải dạy họ sám hối trước hình tượng Phật và Bồ-tát cho đến khi nào thấy được tướng tốt như thấy Phật đến sờ trên đầu, thấy ánh sáng hay hoa sen thì tội lỗi mới tiêu tan. Nếu như không thấy được tướng tốt thì phải thọ lại giới pháp. Nếu phạm 48 giới nhẹ thì đối thủ sám hối với một vị đồng pháp thanh tịnh, tội sẽ tan biến. Nhưng nếu phạm 7 tội nghịch thì dù có sám hối cũng không có hiệu quả. Là pháp sư thì phải am tường các vấn đề trên, chứ không được tham danh lợi mà làm thầy một cách mù mờ.
42. Không được nói giới cho kẻ ác.
Là Phật tử thì không được nói giới pháp cao quý của chư Phật cho những kẻ chưa thọ giới Bồ-tát, cho hàng ngoại đạo và những người ác, những kẻ phủ nhận Phật tính, ngoại trừ quốc vương.
43. Không được cố ý phạm giới.
Nếu Phật tử đã lãnh thọ giới pháp của chư Phật mà cố ý hủy phạm thì không được nhận mọi vật hiến cúng của thí chủ. Khi người này đi đến đâu thì bọn quỉ sẽ quét dấu chân cho mất, và sẽ bị người đời lên án là tên đạo tặc trong Phật pháp.
44. Không được không trọng kinh luật.
Là Phật tử thì phải trân trọng kinh luật Đại thừa, phải dùng những phương tiện tốt nhất để ghi chép và cất giữ vào trong hộp bằng thất bảo.
45. Không được không giáo hóa người và vật.
Là Phật tử thì phải phát tâm đại bi, khi thấy bất cứ ai đều nên khuyên thọ lãnh 3 quy y và 10 giới pháp; hoặc khi thấy loài cầm thú thì khuyên chúng phát tâm bồ-đề.
46. Không được thuyết pháp trái phép tắc.
Người xuất gia thọ giới Bồ-tát khi đi truyền giáo thì phải giữ đúng thể thức tôn quý của một vị pháp sư, không được đứng thuyết pháp cho thính chúng ngồi nghe.
47. Không được khống chế Phật giáo.
Nếu quốc vương, thái tử, đại thần v.v… đã đem đức tin thanh tịnh lãnh thọ giới pháp cao quý của chư Phật thì không được ỷ thị quyền quý cao sang mà phá hoại chánh pháp của Như Lai bằng cách đặt ra những quy định kiềm chế 4 chúng đệ tử của Phật xuất gia hành đạo, hoặc không cho xây chùa đúc tượng, truyền bá kinh luật; hoặc đặt ra chức thống quản để chế ngự Tăng chúng, lập sổ hộ tịch để kiểm tra chư Tăng; hoặc để cho Tỳ-kheo Bồ-tát đứng dưới đất mà bạch y cư sĩ lại ngồi trên tòa cao, trái với tôn ti trật tự theo tinh thần của giới pháp.
48. Không được phá hoại đạo pháp.
Là Phật tử đã có hảo tâm xuất gia thì không được dựa dẫm thế lực của vua quan, xuyên tạc giới pháp của Phật, bắt ép những người xuất gia phải làm công cụ cho chính quyền. Nếu làm như thế thì đó là con vi trùng trong thân sư tử ăn thịt sư tử, là người Phật tử phá hoại Phật pháp chứ không phải ngoại đạo ma vương nào phá hoại Phật pháp. Người đã lãnh thọ giới pháp của chư Phật thì phải hết lòng gìn giữ, khi thấy kẻ ác phá hoại Phật pháp thì mình tự cảm thấy như bị trăm ngàn mũi kim đâm vào tim mình; huống gì lại đang tâm hùa theo kẻ ác để làm băng hoại Phật pháp.
(Bảng tóm tắt này dựa vào Bồ-tát giới Phạm Võng của HT. Trí Quang, xb.1994)
B. Giới bản Du-già
­ 4 Giới trọng
1. Vì tham cầu lợi dưỡng mà khen mình chê người thì phạm tội Tha thắng (Ba-la-di).
2. Gặp người xin tiền, xin pháp mà không bố thí, thì phạm tội Tha thắng.
3. Vì giận dữ đánh người bị thương, có người can mà không nghe, thì phạm tội Tha thắng.
4. Hủy báng giáo pháp Bồ-tát, đề xướng giáo lý mới, thì phạm tội Tha thắng.
­ 43 Giới khinh
1. Không cúng dường Tam bảo, thì phạm Khinh tội.
2. Tham danh lợi, thì phạm Khinh tội.
3. Khinh người đồng pháp, thì phạm Khinh tội.
4. Người mời cúng dường mà không đến, thì phạm khinh tội.
5. Không nhận vật do người bố thí, thì phạm Khinh tội.
6. Không thí pháp cho người cầu xin, thì phạm Khinh tội.
7. Không làm lợi ích cho người, thì phạm Khinh tội.
8. Cùng học chung với Thanh Văn, thì phạm Khinh tội.
9. Vì phương tiện lợi tha, được làm các nghịch hạnh:
(1) Trừng trị người ác để cứu độ họ.
(2) Đoạt lại vật của kẻ cướp, để họ khỏi đọa địa ngục.
(3) Có thể hành dâm với người nữ, để cảm hóa họ.
(4) Có thể nói vọng ngữ, để cứu người khỏi đọa lạc.
(5) Có thể nói lời ly gián, để cứu người khỏi quả khổ.
(6) Có thể nói lời thô ác, để làm lợi cho người.
(7) Có thể nói thêu dệt, để dẫn người vào đường thiện.
10. Nếu cười nói múa may làm trò cười cho thiên hạ, thì phạm Khinh tội.
11. Nếu nói: “Chán Niết-bàn, không cần đoạn phiền não”, thì phạm Khinh tội.
12. Nói điên đảo pháp Bồ-tát, thì phạm Khinh tội.
13. Không cứu giúp người bị khốn khổ, thì phạm Khinh tội.
14. Nếu đánh mắng lại kẻ đánh mắng mình, thì phạm Khinh tội.
15. Không tha thứ người xâm phạm mình, thì phạm Khinh tội.
16. Không nhận người khác sám hối, thì phạm Khinh tội.
17. Giận hờn người khác mà không nguôi, thì phạm Khinh tội.
18. Tham của bố thí, ái nhiễm đồ chúng, thì phạm Khinh tội.
19. Lười biếng, mê ngủ, thì phạm Khinh tội.
20. Nói nhảm nhí mất thì giờ, thì phạm Khinh tội.
21. Kiêu căng không cầu thầy dạy, thì phạm Khinh tội.
22. Không bỏ tham dục, thì phạm Khinh tội.
23. Tham đắm thiền vị cho là công đức, thì phạm Khinh tội.
24. Nếu nói: “Bồ-tát không nên học pháp Tiểu thừa”, thì phạm Khinh tội.
25. Bỏ tạng Bồ-tát, học tạng Thanh văn, thì phạm Khinh tội.
26. Bỏ nội điển, học ngoại điển, thì phạm Khinh tội.
27. Đam mê nghiên cứu dị luận, ngoại đạo, thì phạm Khinh tội.
28. Phật pháp thậm thâm không tin mà hủy báng, thì phạm Khinh tội.
29. Dù giáo pháp khó hiểu, khó tin cũng không được hủy báng; nếu hủy báng thì phạm Khinh tội.
30. Vì sân si khen mình, chê người, thì phạm Khinh tội.
31. Kiêu căng không chịu đi nghe pháp, thì phạm Khinh tội.
32. Khinh thường, chê bai pháp sư, thì phạm Khinh tội.
33. Vì oán hận, không giúp đỡ bạn, thì phạm Khinh tội.
34. Giận dữ không giúp người bệnh, thì phạm Khinh tội.
35. Vì giận mà nói điên đảo giáo pháp cho người muốn nghe, thì phạm Khinh tội.
36. Không biết tri ân, báo ân, thì phạm Khinh tội.
37. Thấy chúng sinh gặp nạn mà không giải cứu, thì phạm Khinh tội.
38. Có người đến xin tiền, thức ăn mà không cho, thì phạm Khinh tội.
39. Nuôi Tăng chúng mà không cấp dưỡng, thì phạm Khinh tội.
40. Vì giận dữ mà không giáo hóa người khác, thì phạm Khinh tội.
41. Không tán thán người tài đức, thì phạm Khinh tội.
42. Không trị phạt kẻ đáng trị phạt, thì phạm Khinh tội.
43. Có thần túc mà không dùng để nhiếp phục kẻ ác, thì phạm Khinh tội.
(Tóm tắt Du-già Giới bản (Bồ-tát Giới bản), No.1501, Đ.24, tr.1110b)
C. Giới bản Ưu-bà-tắc
­ Sáu giới trọng
1. Từ thân này đến thân thành Phật, trong thời gian ấy, không được sát sinh.
2. Từ thân này đến thân thành Phật, trong thời gian ấy, không được trộm cắp.
3. Từ thân này đến thân thành Phật, trong thời gian ấy, không được tà dâm.
4. Từ thân này đến thân thành Phật, trong thời gian ấy, không được nói dối.
5. Từ thân này đến thân thành Phật, trong thời gian ấy, không được nói lỗi của người tại gia và người xuất gia.
6. Từ thân này đến thân thành Phật, trong thời gian ấy, không được bán rượu, nấu rượu.
­ 28 Giới khinh
1. Không cúng dường cha mẹ, sư trưởng, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
2. Say đắm rượu chè, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
3. Cố ý gớm ghê không chăm sóc người bệnh khổ, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
4. Khi gặp người hành khất, không nhiều thì ít, phải tùy tâm mà bố thí, nếu để họ đi về tay không, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
5. Nếu thấy Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Trưởng lão, bậc Tôn đức, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di v.v… không đứng dậy nghinh tiếp, lễ bái hỏi thăm, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
6. Nếu thấy Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di hủy phạm giới đã thọ, sinh tâm kiêu mạn, rồi nói rằng: “Ta hơn những người kia, những người kia không bằng ta”, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
7. Trong mỗi tháng có sáu ngày trai, nếu không đi thọ Bát quan trai giới, không cúng dường Tam bảo, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
8. Trong khoảng 40 dặm, có nơi thuyết pháp, mà không đến nghe, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
9. Thọ dụng vật của thường trụ Tăng như: ngọa cụ, giường, tòa ngồi, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
10. Nghi trong nước có vi trùng, nhưng vẫn tùy tiện dùng, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
11. Không có bạn mà vẫn một mình đi vào những nơi hiểm nạn, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
12. Một mình ngủ lại tại chùa Ni, nếu là Ưu-bà-tắc, hoặc chùa Tăng, nếu là Ưu-bà-di, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
13. Vì của cải, thân mạng mà đánh mắng người giúp việc, trẻ con hầu hạ, hoặc người ngoài…, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
14. Nếu đem thức ăn dư thừa dâng cúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, hoặc cung cấp cho người đồng giới, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
15. Nếu nuôi (những loài vật ăn thịt) như mèo, chồn…, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
16. Khi có các loài vật như voi, ngựa, trâu, dê, lừa, lạc đà v.v… mà không làm phép tịnh thí cho những người chưa thọ giới, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
17. Nếu không sắm các thứ y bát, tích trượng, ngọa cụ (để phòng khi cần cúng dường cho vị xuất gia thọ Bồ-tát giới), đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
18. Nếu vì nuôi thân mạng mà phải làm ruộng, nhưng không tìm nước trong (để tưới) và đất ruộng cũ (để trồng trọt), đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
19. Nếu vì nuôi thân mạng mà mở tiệm buôn bán hàng hóa, thì khi đã thỏa thuận giá cả với ai rồi, không được đem bán cho người trả giá cao hơn. Cân đấu dùng để cân đo hàng hóa phải đúng mức đã định từ trước; nếu cân đấu không đúng mức, phải sửa chữa lại cho đúng mức. Nếu không như vậy, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
20. Nếu hành dục tại chỗ không thích hợp, không đúng lúc, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
21. Nếu buôn bán mà đẩy giá lên xuống, mua rẻ, bán đắt, gian lận trốn thuế, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
22. Trái phạm luật pháp nhà nước, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
23. Nếu có lúa mới, hoa trái, dưa rau các thứ đầu mùa, không cúng dường Tam bảo mà thọ dụng trước, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
24. Nếu chúng Tăng không chấp thuận mà vẫn tự mình thuyết pháp, tán thán quan điểm riêng của mình, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
25. Trên đường đi mà dành đi trước Tỳ-kheo, Sa-di, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
26. Khi dọn thức ăn ở giữa Tăng chúng, mà thiên vị thầy mình lựa chọn các thứ ngon dâng nhiều hơn các vị khác, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
27. Nếu nuôi tằm, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
28. Trên đường đi gặp người bệnh tật mà không dừng lại chăm sóc, làm các phương tiện, dặn bảo những người tại chỗ giúp đỡ, lại thản nhiên bỏ đi, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.
III. KHỞI NGUYÊN CỦA GIỚI PHÁP BỒ-TÁT
Tại Ấn Độ, giới pháp Bồ-tát hình thành từ lúc nào và cách thức thọ như thế nào thì không làm sao tra cứu được. Nhưng giới Bồ-tát được truyền sang Trung Hoa thì có hai xuất xứ:
1. Giới Bồ-tát Phạm Võng của ngài Cưu-ma-la-thập:
Theo truyền thuyết, đức Phật Thích-ca truyền cho ngài Di-lặc, ngài Di-lặc lần lượt truyền xuống cho hơn 20 vị Bồ-tát, rồi pháp sư La-thập đem giới pháp này truyền sang Trung Hoa. Lần đầu tiên, các Sa-môn Tuệ Dung, Đạo Tường v.v… hơn 800 người thỉnh pháp sư La-thập truyền cho giới pháp này.
2. Địa Trì Giới Bổn của Tam tạng Đàm Vô Sấm:
Theo Lương Cao Tăng Truyện, khi Đàm Vô Sấm đến Trung Quốc, có Sa-môn Đạo Tấn (hay Pháp Tấn), Trương Dịch tha thiết thỉnh cầu Ngài truyền cho giới Bồ-tát. Ngài bảo họ thành tâm Sám hối và họ đã chí thành sám bối, do đó, mộng thấy đức Phật Thích-ca và các Đại sĩ truyền giới Bồ-tát cho mình. Hôm sau, Tấn cùng hơn 10 người khác đến chỗ Sấm tường thuật lại giấc mộng, khi vừa trông thấy họ, Sấm biết là họ đã cảm được giới, bèn dẫn đến trước tượng Phật, nói giới tướng cho họ nghe. Rồi sau đó, Sấm phiên dịch Địa Trì Giới Bản, làm cơ sở cho giới Bồ-tát. Theo giới bản này thì pháp Bồ-tát từ Bồ-tát Liên Hoa Tạng lần lượt truyền xuống hơn 30 vị Bồ-tát rồi đến Trung Quốc.
IV. ĐIỀU KIỆN TRUYỀN THỌ GIỚI BỒ-TÁT
1. Điều kiện của giới tử
Giới tử muốn thọ giới Bồ-tát phải có hai điều kiện chủ yếu sau đây:
1.1. Phải có cái thiện để cảm giới:
Theo Bồ-tát Giới Bổn Sớ của pháp sư Nghĩa Tịch thì người muốn thọ giới Bồ-tát phải có 10 thắng hạnh như sau:
(1) Sinh tâm tha thiết đối với Vô thượng Bồ-đề.
(2) Suốt đời lìa ác tri thức, gần thiện tri thức.
(3) Suốt đời hối lỗi, tùy hỷ khuyến thỉnh Phật pháp, hồi hướng chúng sanh, tăng trưởng Phật đạo.
(4) Suốt đời đem hết năng lực cúng dường Tam bảo.
(5) Suốt đời biên chép đọc tụng kinh điển Phương Đẳng, vì người giảng giải.
(6) Sinh lòng thương xót, tùy sức cứu giúp những người cô độc, nghèo khổ, vi phạm pháp luật.
(7) Suốt đời tinh tấn cần cầu Phật đạo.
(8) Khi ở trong trần lao ngũ dục có phiền não phát sinh, phải tìm cách khắc phục.
(9) Khi tâm cầu Vô thượng Bồ-đề bị lui sụt hay khi tâm sinh tham đắm pháp Tiểu thừa, phải tìm cách trừ diệt.
(10) Xả bỏ được tất cả vật sở hữu, không tiếc cả thân mạng.
1.2. Không có cái ác làm chướng giới:
Chủ yếu là 3 loại: Phiền não chướng; nghiệp chướng và báo chướng.
1/ Phiền não chướng gồm bốn thứ:
a) Phóng dật: do phóng dật thành tánh, tạm thời khó sửa đổi, vì thế không thọ giới được.
b) Không tha thiết: Tự mình không quyết tâm và theo bạn xấu, không mong mỏi việc thọ giới.
c) Bị người khác ràng buộc: Hoặc bị bậc Tôn trưởng, chồng, chủ nhân, vua, giặc, oan gia câu thúc, nên thân tâm chẳng được tự do, vì thế không được thọ giới.
d) Sinh hoạt cùng khốn: Luôn luôn bị sự sinh hoạt chi phối, lo lắng, vì thế không rảnh nghĩ đến thọ giới.
2/ Nghiệp chướng có hai thứ:
a) Phạm 7 tội nghịch: Làm thân Phật ra máu; giết cha; giết mẹ; giết Hòa thượng; giết A-xà-lê; phá pháp luân Tăng; giết Thánh nhân (La-hán của Tiểu thừa và hàng Thập Địa Bồ-tát trở lên của Đại thừa).
b) Phạm 10 giới trọng: Tức phạm10 giới trọng theo Kinh Anh Lạc và Phạm Võng.
3/ Báo chướng có 4 thứ:
a) Địa ngục.
b) Ngạ quỷ.
c) Súc sinh – không hiểu được lời của Pháp sư.
d) Sinh Bắc-câu-lô-châu, người bẩm tính hạ liệt không tin nhân quả, ý chí bạc nhược.
2. Điều kiện của pháp sư
Giới Bồ Tát vốn là giới “Đạo Tục Thông hành” (người xuất gia và tại gia cùng thọ như nhau) và có nhiều thứ, nên điều kiện của Giới sư cũng có những quan điểm bất đồng. Quan điểm của kinh Anh Lạc là rộng rãi hơn hết, kinh này cho rằng: “Vấn đề Giới sư thì vợ chồng, lục thân đều có thể làm thầy truyền giới cho nhau được cả”. Nhưng Giới bổn Phạm Võng do ngài La Thập truyền thì nói: “Thầy phải là người xuất gia đầy đủ 5 đức” như sau:
1) Kiên trì tịnh giới.
2) Đủ 10 giới lạp.
3) Hiểu rộng Luật tạng.
4) Có công phu tu thiền.
5) Có trí tuệ sâu, biện tài vô ngại.
Lại còn có 4 đức khác:
1) Đồng pháp Bồ-tát: biểu thị không phải là người học pháp Tiểu Thừa.
2) Đã phát đại nguyên: biểu thị không phải là người chưa phát tâm Bồ-đề.
3) Có trí có lực: biểu thị đối với văn nghĩa của kinh luật hiểu được, giữ được.
4) Có khả năng trao truyền: biểu thị có khả năng dùng ngôn ngữ để thuyết pháp rõ ràng khiến người dễ hiểu, nhờ thế họ khai mở được tâm trí.
Đó là những điều kiện của Giới sư, còn về số lượng của giới sư thì các bộ giới bản cũng không được nhất trí. Trong Kinh Địa Trì và Anh Lạc đều nói chỉ có một giới sư..
Trong Nghĩa Sớ của Phạm Võng cũng chỉ nói có một giới sư. Như vậy, quan điểm cho rằng chỉ có một giới sư thì được nhiều sự đồng tình hơn. Vả lại, giới sư là người giữ vai trò trung gian hướng dẫn giới tử thọ giới, còn giới sư chính thức của giới Bồ-tát vẫn là chư Phật và chư Bồ-tát, mặc dù chỉ hiện hữu qua hình tượng.
V. THỂ THỨC THỌ GIỚI BỒ TÁT
Vấn đề thọ giới Bồ-tát theo Kinh Anh Lạc gồm có 3 mức độ: “Thượng phẩm giới: thọ trước sự hiện diện của Phật và Bồ-tát; Trung phẩm giới: Sau khi Phật, Bồ-tát diệt độ, trong vòng nghìn dặm có người đã thọ giới Bồ-tát, phải đến đảnh lễ, thỉnh vị ấy truyền giới cho mình, nói như sau: “Kính thỉnh Đại Tôn giả làm thầy truyền giới cho con”; Hạ phẩm giới: Sau khi Phật diệt độ, trong vòng nghìn dặm không có pháp sư, được phép ở trước hình tượng Phật, Bồ-tát quỳ gối chắp tay tự thệ thọ giới.
Đó là 3 mức độ thọ giới; nhưng ngày nay cách Phật đã xa, chỉ còn duy trì 2 thể thức thọ giới là tự thệ thọ giới và thọ giới với pháp sư. Điều giới khinh thứ 23 của Phạm Võng nói: “Sau khi Phật diệt độ, người hảo tâm muốn thọ giới Bồ-tát mà trong vòng nghìn dặm không có pháp sư để truyền giới, thì có thể sám hối trước hình tượng Phật, Bồ-tát từ 7 ngày trở lên cho đến khi nào thấy được hảo tướng, như thấy Phật sờ tay trên đầu v.v…, rồi tự thệ thọ giới trước hình tượng Phật, Bồ-tát, liền đắc giới. Nhưng nếu thọ giới trước vị pháp sư đã thọ giới Bồ-tát, thì không cần thấy hảo tướng, hễ thọ là đắc giới. Vì vị pháp sư ấy đã được sư sư truyền thọ, lại nhờ tâm tôn kính của giới tử nên đắc giới”.
Giới Bồ-tát khác với giới Tỳ-kheo là có thể thọ từng phần hay toàn bộ, còn giới Tỳ-kheo thì bắt buộc phải thọ tất cả một lần.
1. Thể thức tự thệ thọ giới
Về thể thức này, Đại sư Hoằng Nhất đã dựa vào Kinh Anh Lạc soạn ra như sau:
1.1. Lễ kính Tam Bảo:
– Nhất tâm đảnh lễ quá khứ thế tận quá khứ tế nhất thiết chư Phật.
– Nhất tâm đảnh lễ vị lai thế tận vị lai tế nhất thiết chư Phật.
– Nhất tâm đảnh lễ hiện tại thế tận hiện tại tế nhất thiết chư Phật.
– Nhất tâm đảnh lễ quá khứ thế tận quá khứ tế nhất thiết tôn Pháp.
– Nhất tâm đảnh lễ vị lai thế tận vị lai tế nhất thiết tôn Pháp.
– Nhất tâm đảnh lễ hiện tại thế tận hiện tại tế nhất thiết tôn Pháp.
– Nhất tâm đảnh lễ quá khứ thế tận quá khứ tế nhứt thiết hiền Thánh Tăng.
– Nhất tâm đảnh lễ vị lai thế tận vị lai tế nhất thiết hiền thánh Tăng.
– Nhất tâm đảnh lễ hiện tại thế tận hiện tại tế nhất thiết hiền thánh Tăng.
1.2. Thọ tứ y (Tứ bất hoại tín).
– Từ nay đến tận vị lai tế, con nguyện đem thân quy y Phật, quy y pháp, quy y Tăng, quy y giới pháp (nói 3 lần).
1.3. Sám hối 3 nghiệp
– Nếu hiện tại, thân, khẩu, ý tạo 10 điều ác, thì nguyện cho đến cùng tận đời vị lai không sinh khởi nữa.
– Nếu trong tương lai, thân, khẩu, ý tạo 10 điều ác, thì nguyện cho đến cùng tận đời vị lai không sinh khởi nữa.
– Nếu trong quá khứ, tạo 10 điều ác, thì nguyện cho đến cùng tận đời vị lai không sinh khởi nữa.
Sám hối như vậy rồi, ba nghiệp thanh tịnh như lưu ly, trong ngoài đều chiếu sáng (nói 3 lần).
1.4. Phát bốn thệ nguyện lớn.
– Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.
– Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
– Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
– Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
1.5. Tự thệ thọ năm trọng giới.
– Từ nay cho đến khi thành Phật, trong khoảng thời gian ấy, không được cố ý sát sinh. Nếu phạm thì không phải hạnh Bồ-tát, mất 42 pháp Hiền thánh; có thể giữ được không? (tự đáp): Được.
– Từ nay cho đến khi thành Phật, trong khoảng thời gian ấy, không được cố ý vọng ngữ. Nếu phạm thì không phải là hạnh Bồ-tát, mất 42 pháp Hiền thánh; có thể giữ được không? (tự đáp): Được.
– Từ nay cho đến khi thành Phật, trong khoảng thời gian ấy, không được cố ý tà dâm. Nếu phạm thì không phải là hạnh Bồ-tát, mất 42 pháp Hiền thánh; có thể giữ được không? (tự đáp): Được.
– Từ nay cho đến khi thành Phật, trong khoảng thời gian ấy, không được cố ý trộm cướp. Nếu phạm thì không phải là hạnh Bồ-tát, mất 42 pháp Hiền thánh; có thể giữ được không? (tự đáp): Được.
– Từ nay cho đến khi thành Phật, trong khoảng thời gian ấy, không được cố ý bán rượu. Nếu phạm thì không phải là hạnh Bồ-tát, mất 42 pháp Hiền thánh; có thể giữ được không? (tự đáp): Được.
1.6. Tán thán giới đức.
Thọ giới rồi vượt qua tứ ma, thoát khỏi nỗi khổ trong 3 cõi, đời đời không mất giới này, thường theo người hành trì cho đến khi thành Phật.
1.7. Hồi hướng.
Tụng “Thọ giới công đức thù thằng hạnh…” rồi tụng 3 quy y và hồi hướng.
2. Thể thức thọ giới với Pháp sư.
(Xem phần phụ lục: Nghi thức truyền giới Bồ-tát tại gia)
VI. THỂ THỨC SÁM HỐI
Theo Bồ-tát giới Yết-ma văn thuộc Du-già thì người phạm tội chia làm 3 bậc, thượng, trung và hạ. Bậc thượng thì không thể sám hối, phải thọ giới lại, bậc trung và hạ mới có thể sám hối, được trình bày như sau:
1. Nếu Bồ-tát phạm Thượng phẩm triền, tức thường thường phạm 4 tha thắng (Ba-la-di) mà không hổ thẹn, còn sinh ưa thích cho là công đức thì xem như mất giới, phải thọ lại.
2. Nếu Bồ-tát phạm Trung phẩm triền, tức vô tình phạm bốn tha thắng, liền sinh tâm tàm quý thì có thể sám hối với 3 người trở lên, sám hối xong được xem là thanh tịnh.
3. Nếu Bồ-tát phạm Hạ phẩm triền, tức phạm 4 tha thắng nhẹ và các giới khinh thì có thể đối thủ sám hối với một người, liền được thanh tịnh.
(Bồ-tát Giới Yết-ma văn Đ.24, tr.1106).
Theo Bồ-tát Phạm Võng, giới khinh thứ 41 trình bày về hai thể thức sám bối như sau:
1/ Nếu người phạm mười giới trọng thì phải ngày đêm 6 thời lễ bái chư Phật cho đến khi thấy hảo tướng như Phật đến xoa trên đầu, thấy hào quang của Phật, thấy hoa sen, hoặc các tướng kỳ lạ khác thì tội được tiêu diệt. Nhưng, nếu không thấy được hảo tướng thì phải thọ giới lại.
2/ Nếu phạm 48 giới khinh thì đối thủ sám hối với một người, tội liền tiêu diệt. (Phạm Võng kinh Lô-xá-na Phật thuyết Bồ-tát Tâm địa Giới phẩm đệ thập, quyển hạ, Đ.24, tr.1008c). Người nhận sự sám hối, tốt nhất là chúng Bồ-tát thanh tịnh, đồng pháp; nếu như không có Bồ-tát thì sám hối với Tỳ-kheo Tiểu thừa cũng được. Ngoài ra, nếu phạm giới nhẹ mà không gặp người thanh tịnh để sám hối, thì tự trách tâm sám hối cũng được.
1. Trường hợp xả giới hay mất giới
Theo Bồ-tát giới Yết-ma văn thì có 2 nguyên nhân làm cho xả giới hay mất giới:
1) Xả bỏ tâm bồ đề, tức tâm cầu Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
2) Phạm thượng phẩm triền (như trên đã nói) thì coi như đã xả giới, phải thọ lại; vì trường hợp này sám hối không có hiệu quả.
Ngoài ra, nếu phạm 1 trong 7 tội nghịch thì đương nhiên mất giới; trong trường hợp này không thể sám hối cho tiêu tội và cũng không được thọ giới lại.
Giới Bồ-tát khi đã thọ rồi thì vĩnh viễn không mất, dù tái sinh bất cứ ở đâu, ngoại trừ phạm 7 tội nghịch. Nếu kiếp lai sinh, gặp bậc thiện tri thức, liền phát tâm bồ-đề thọ giới pháp Bồ-tát, thì đó là thọ lại, chứ giới thể xưa kia vẫn không mất.
2. Thể thức bố-tát
Phật tử sau khi đã thọ giới Bồ-tát phải thực hiện việc bố tát mỗi tháng hai lần như giới Tỳ-kheo. Khi Bố-tát, một người đọc lại 10 giới trọng và 48 giới khinh, trước hình tượng Phật, Bồ-tát, còn những người khác ngồi kính cẩn lắng nghe. Đồng thời, không cho những người chưa thọ giới Bồ-tát và những người phạm tội mà chưa sám hối tham dự.
Bồ-tát nếu không tụng giới mỗi nửa tháng thì phạm tội khinh cấu. Bồ-tát tại gia nếu không có tịnh thất riêng mà trong vòng một do tuần (10km-15 km) có tự viện Bố-tát, thì phải đến đó tham dự. Tuy nhiên, nếu trong nhà huyên náo và trong vòng một do tuần không có tự viện làm lễ Bố-tát thì không Bố-tát mà không phạm tội.
Ngoài ra, vấn đề tôn ti trật tự cũng cần phải biết. Nếu là Bồ-tát Tỳ-kheo thì phải căn cứ vào giới lạp của Tỳ-kheo để sắp xếp theo thứ tự. Vì giới Tỳ-kheo mới đích thực là nền tảng duy trì Phật pháp và hàng Tỳ-kheo mới là chúng Trung tôn có đủ tư cách để chủ trì các pháp sự. Nếu Bồ-tát tại gia thì căn cứ vào ngày giờ thọ giới Bồ-tát mà sắp xếp thứ tự
VII. SO SÁNH GIỚI TỲ-KHEO VÀ GIỚI BỒ-TÁT
1. a. Giới Tỳ-kheo có lịch sử thực sự, do Phật chế định.
b. Giới Bồ-tát có tính cách huyền sử, bị các học giả suy định là sản phẩm của người Trung Quốc.
2. a. Chỉ dành cho người xuất gia.
b. Đạo tục thông hành giới: người xuất gia và tại gia đều thọ trì như nhau.
3. a. Chỉ dành cho loài người.
b. Danh cho mọi loài chúng sanh từ cõi trời Sắc giới trở xuống, hễ ai hiểu được lời nói của Pháp sư đều có thể thọ giới, chỉ trừ những kẻ phạm 7 tội nghịch.
4. a. Chủ yếu nhằm mục đích tự giác.
b. Chủ yếu nhằm mục đích giác tha, lợi tha là chính.
5. a. Được chế định dần dần, nghĩa là “Tùy phạm tùy chế” (phạm vấn đề gì chế giới vấn đề đó)
b.Được chế định một lần đầy đủ tất cả các giới.
6. a. Thọ một lần phải đủ toàn bộ các giới.
b. Có thể thọ toàn phần hoặc thọ từng phần, tùy theo khả năng.
7. a. Chỉ có một cách thọ giới.
b. Có 2 cách thọ giới: Thọ giới với Pháp sư hoặc tự thệ thọ giới.
8. a. Giới sư chính thức là Tăng, do Tăng chủ trì.
b. Giới sư chính thức là chư Phật, chư Bồ-tát, vị Pháp sư chỉ giữ vai trò trung gian, hướng dẫn.
9. a. Giới sư phải là vị Tỳ-kheo 10 hạ trở lên.
b. Giới sư hoặc là vị Tỳ-kheo Bồ-tát, hoặc là một cư sĩ đã thọ giới Bồ-tát.
10. a. Già nạn của giới tử: 13 già nạn và 15 khinh nạn.
b. Già nạn của giới tử: gồm 7 tội nghịch (ngoài 5 tội nghịch như Tỳ-kheo còn thêm 2 tội nữa là: giết Hòa thượng, giết A-xà-lê).
11. a. Có pháp Yết-ma
b. Không có pháp Yết-ma.
12. a. Hễ phạm 4 Ba-la-di thì không thể sám hối và có sám hối cũng không thể trở lại thanh tịnh.
b. Phạm trọng giới (tương đương giới Ba-la-di) vẫn có thể sám hối để diệt tội.
13. a. Giới Tỳ-kheo chỉ có hiệu lực trong một kiếp.
b. Giới Bồ-tát khi đã thọ trì vĩnh viễn không mất giới, dù tái sinh ở đâu, ngoại trừ phạm 7 tội nghịch, phạm thượng phẩm trọng giới và bỏ tâm Bồ-đề.
14. a. Chưa phân biệt giữa Tiểu thừa và Đại thừa.
b. Đã phân biệt Tiểu thừa và Đại thừa: Các giới khinh 8, 15, 24 nói: “Không được phản lại giáo pháp của Đại thừa mà học tập giáo pháp của Tiểu thừa”.
15. a. Giới Tỳ-kheo là nền tảng để duy trì mạng mạch Phật giáo và là căn cứ để thiết lập tôn ti trật tự.
b. Giới Bồ-tát nhằm hỗ trợ đắc lực sứ mệnh hoằng dương chánh pháp hóa độ chúng sanh.

Add Comment