Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
LUẬT HỌC TINH YẾU
Hoà Thượng Thích Phước Sơn
Nhà xuất bản Phương Đông 2006 – PL 2550
Chương 3
THỂ THỨC SÁM HỐI VÀ TRỪNG PHẠT
I. PHẠM TỘI VÀ SÁM HỐI
1. Khái quát về ngũ thiên thất tụ
Trong 250 giới điều của Tỳ-kheo bao gồm có 8 cột, 5 thiên, 7 tụ và 6 loại quả báo, liệt kê như đồ biểu dưới đây:
8 cột 5 thiên 7 tụ 6 quả
4. Ba-la-di Ba-la-di Ba-la-di Diễm nhiệt địa ngục
13. Tăng tàn Tăng tàn Tăng tàn Đại khiếu địa ngục
2. Bất định Thâu-lan-giá Khiếu hoán địa ngục
30. Xả đọa Ba-dật đề Ba-dật đề Chúng hợp địa ngục
90. Đơn đọa
4. Hối quá Đề-xá-ni Đề-xá-ni Hắc thằng địa ngục
100. Chúng học Ác tác
Đột-cát-la Đẳng hoạt địa ngục
7. Diệt tránh Ác thuyết
Trên đây toàn là những danh từ chuyên môn vừa được dịch âm, vừa được dịch nghĩa, nên cần phải giải thích như sau:
(1). Ba-la-di, tiếng Phạn là Pàràjika, còn được dịch âm là Ba-la-thị-ca, nghĩa là tội khí (bỏ ra ngoài Phật pháp), tội đoạn đầu (như người bị chặt đầu, không thể dùng thuốc cứu chữa được nữa).
(2). Tăng-già-bà-thi-sa, tiếng Phạn là Samghà-vasesa (Sangha-disesa) dịch là Tăng tàn, nghĩa là kẻ bị trọng thương đối với Tịnh pháp của Tăng già nhưng vẫn còn có thể dùng phương pháp sám hối để cứa chữa được.
(3). Bất định (Aniyata), loại này không phải phạm một tội danh nào nhất định, có thể phạm Ba-la-di, Tăng tàn hoặc Ba-dật-đề, nên gọi là Bất định.
(4). Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề, tiếng Phạn là Nissaggiya Pàyattika (Nissaggiya Pàycittiya) đây là một tiếng Phạn hỗn hợp. Ni-tát-kỳ nghĩa là xả bỏ tất cả; Ba-dật-đề nghĩa là đọa. Hợp cả 2 gọi là Xả đọa. Tội này là do cất giữ những vật dụng mà mình không được phép cất giữ. Trước hết phải đem những vật ấy ra giữa Tăng thí xả, sau đó mới sám hối tội Ba-dật-đề.
(5). Ba-dật-đề, tiếng Phạn là Pàyattika (P: Pàcittiya) còn được dịch là Ba-dật-để-ca, Ba-dạ-đề, nghĩa là tội phải đọa địa ngục. Vì phạm tội này không có vật để xả bỏ, nên thông thường gọi là Đơn đọa.
(6). Ba-la-đề-đề-xá-ni, tiếng Phạn là Pràti-desaniya (P. Patidesaniya), còn được dịch là Ba-la-xá-ni hay gọi tắt là Đề-xá-ni, ý nghĩa của nó là hướng về một người khác sám hối, nên gọi là Hướng bỉ hối.
(7). Thi-sa-ca-la-ni, tiếng Phạn là Siksà-kàrani (Sekkhiyavatta), còn được dịch là Thức-xoa-ca-la-ni có nghĩa là môn học, nên thông thường gọi là Ưng đương học hay Chúng học pháp.
(8). Diệt tránh (P. Adhikarana Samattha). Trong Tăng đoàn, khi có sự tranh chấp về một vấn đề gì đến nỗi phát sinh những ý kiến bất đồng, chia làm 2 phe đối lập nhau, thì phải dùng đến pháp Diệt tránh để giải quyết. Nghĩa là dùng pháp Yết-ma, lấy ý kiến của đa số làm ý kiến chung quyết.
(9). Thâu-lan-giá, tiếng Phạn Sthùlàtyaya (Thullaccaya) dịch là Đại chướng thiện đạo, đại tội, thô ác, thô quá v.v…, hoặc gọi là phạm tội nặng, ô trược. Chủ yếu là do phạm tội Ba-la-di hoặc Tăng tàn mà chưa hoàn toàn đầy đủ. Nó gồm 2 loại: Nếu từ một tội khác mà phát sinh thì gọi là Tùng sinh Thâu-lan-giá, nếu nó phát sinh một cách độc lập thì gọi là Độc đầu Thâu-lan-giá.
(10). Đột-cát-la, tiếng Phạn là Duskrta (Dukkata), còn được dịch là Đột-sắt-cơ-lý-đa, Đột-tất-các-lật-đa, độc-kha-đa v.v… Ở đây gồm có 2 loại tội danh là ác tác, thuộc thân nghiệp và ác thuyết, thuộc khẩu nghiệp. Tội này là do những sơ xuất, những lỗi nhỏ thuộc cử chỉ, ngôn ngữ, phạm vi của nó rất rộng, nên trong giới bản gọi là Chúng học giới.
Đối với 4 tội Ba-la-di, sự sám hối không giải quyết được gì, vì các tội này thuộc về tánh tội. Sám hối chỉ trừ được già tội, còn tánh tội thì phải chịu quả báo.
Trong các giới của Tỳ-kheo, có nhiều giới tánh tội và già tội giống nhau, cũng có một số giới chỉ có già tội. Có tánh tội tức có già tội, nhưng có già tội chưa chắc đã có tánh tội. Có một số giới gồm cả 2 tội, có một số giới chỉ có một tội, đại khái phạm giới dâm, trộm, sát, vọng, hủy báng v.v… thì phạm một lần cả 2 tội: tánh và già, còn phạm các giới về oai nghi thì chỉ thuộc già tội mà thôi.
So sánh 5 thiên với ngũ hình (luật pháp của Trung Quốc đời nhà Tùy)
– Thiên Ba-la-di = tội Tử (tử hình).
– Thiên Tăng tàn = tội Lưu (đày đi xa).
– Thiên Ba-dật-đề = tội Đồ (khổ sai).
– Thiên Đề-xá-ni = tội Trượng (đánh bằng gậy).
– Thiên Pháp chúng học = tội Si (đánh bằng roi).
* Thời gian thọ quả báo tại các cõi địa ngục:
Diễm nhiệt địa ngục 16.000 năm = 92160 ức năm
(cõi trời Tha hóa) (cõi nhân gian)
Đại hào khiếu địa ngục 8.000… Hóa lạc = 23.040 ức năm
Hào khiếu địa ngục 4.000… Đâu suất = 5.760 ức năm
Chúng hợp địa ngụïc 2.000… Diệm ma = 1.440 ức năm
Hắc thằng đia ngục 1.000… Đao lợi = 360 ức năm
Đẳng hoạt địa ngục 500… Tứ thiên vương = 90 ức năm
Số người thọ sám thuộc các tội phạm
Tên tội Pháp sám Số người
1. Ba-la-di Dữ học Ba-la-di 20 người
2. Tăngtàn Sám Tăng tàn 20 người
3. Thâu-lan-giá Thâu- lan-giá 4 người
4. Ba-dật-đề Ba-dật-đề 3 người
5. Hối quá pháp Hối quá pháp 1 người
6. Đột-cát-la Đột-cát-la tự trách tâm
2. Sám hối tội Ba-la-di
Người phạm tội Ba-la-di có 3 trường hợp xử trí:
2.1. Trường hợp phạm tội mà che giấu.
Nếu Tỳ-kheo phạm tội Ba-la-di mà che giấu, không phát lồ, thì Tăng phải tác pháp ức niệm. Khi Tỳ-kheo đã tự xác nhận tội trạng, Tăng sẽ bạch tứ Yết-ma diệt tẫn.
Tác tiền phương tiện.
Thầy Yết-ma hỏi và Duy na đáp:
– Tăng đã tập họp chưa?
– Tăng đã tập họp.
– Hòa hợp không?
– Hòa hợp
– Người chưa thọ Cụ túc đã ra chưa?
– Trong đây không có người chưa thọ giới Cụ túc.
– Những Tỳ-kheo không đến có gởi dục Yết-ma không?
– Không có người vắng mặt.
– Tăng nay hòa hợp để làm gì?
– Để làm Yết-ma đuổi người phạm tội Ba-la-di.
Thầy Yết-ma gọi người phạm tội vào làm lễ Tăng, rồi bảo: “Tội của thầy đã phạm không thể sám hối. Vì ai phạm tội ấy, ví như người đã bị chặt đầu không thể sống lại được. Nếu thầy dốc lòng muốn sửa đổi thì nên tìm nơi núi rừng thanh vắng, ngày đêm tinh cần trì tụng lễ bái, chí thành sám hối, thề không tái phạm. Nếu cảm được chư Phật và Bồ-tát gia hộ, phóng hào quang, hiện tướng tốt cho thấy, thì đời này tuy không được trở lại làm Tỳ-kheo thanh tịnh, nhưng có thể chuyển được khổ báo nặng nơi cõi địa ngục, thành quả báo nhẹ trong hiện tại”.
Pháp bạch tứ Yết-ma đuổi hẳn.
Thầy Yết-ma bạch:
– Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo () này phạm tội Ba-la-di. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay bằng lòng cho Tỳ-kheo () phạm tội Ba-la-di pháp Yết-ma đuổi hẳn, không được ở chung, không được làm việc chung. Đây là lời tác bạch.
– Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo () này phạm tội Ba-la-di, Tăng nay cho Tỳ-kheo () phạm tội Ba-la-di pháp Yết-ma đuổi hẳn, không được ở chung, không được làm việc chung, các Đại đức nào bằng lòng cho Tỳ-kheo () phạm tội Ba-la-di pháp Yết-ma đuổi hẳn, không được ở chung, không được làm việc chung thì im lặng; ai không bằng lòng hãy nói (nói 3 lần).
Tăng đã bằng lòng cho Tỳ-kheo () phạm tội Ba-la-di pháp Yết-ma đuổi hẳn, không ở chung, không làm việc chung, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.
2.2. Trường hợp phạm tội mà phát lồ.
Luật dạy: Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni phạm tội Ba-la-di mà hoàn toàn không có ý che giấu, sám hối như pháp, thì Tăng nên làm pháp Yết-ma cho người ấy giới Ba-la-di, bảo họ đến trước Tăng đảnh lễ, quỳ gối chắp tay, cầu xin như sau:
– Bạch Đại đức Tăng! Con Tỳ-kheo () phạm tội Ba-la-di, hoàn toàn không có tâm che dấu. Nay theo Tăng xin giới Ba-la-di. Nguyện mong Tăng cho con Tỳ-kheo () giới Ba-la-di. Xin từ mẫn cho. (3 lần)
Tác tiền phương tiện (như thông lệ chỉ thay đổi những chỗ cần thiết).
Bạch tứ Yết-ma:
– Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo () này phạm tội Ba-la-di, không có tâm che giấu, nay theo Tăng xin giới Ba-la-di. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay cho Tỳ-kheo () giới Ba-la-di. Đây là lời tác bạch.
Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo () này phạm tội Ba-la-di, không có tâm che giấu, nay theo Tăng xin giới Ba-la-di. Các Đại đức nào bằng lòng cho Tỳ-kheo () giới Ba-la-di, thì im lặng; ai không bằng lòng hãy nói (3 lần).
Tăng đã bằng lòng cho Tỳ-kheo () giới Ba-la-di, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.
Sau khi Yết-ma xong, thầy Yết-ma trao cho người thọ học 35 pháp sau đây, bắt phải giữ gìn suốt đời:
– 5 pháp liên quan đến tư cách làm thầy.
1. Không được truyền giới Cụ túc cho người.
2. Không được cho người y chỉ.
3. Không được nuôi Sa-di.
4. Không được giáo giới Tỳ-kheo-ni.
5. Dù được Tăng sai cũng không nên đến giáo giới (1).
– 5 pháp liên quan đến Tăng.
Không được thuyết giới cho Tăng nghe (thuyết giới mỗi nửa tháng)
Không được vấn đáp Tỳ-ni trong chúng Tăng.
Không được nhận làm Tri sự do Tăng sai.
Không được nhận làm người xử đoán việc ở nơi khác do Tăng sai.
Không được nhận làm người đại diện cho Tăng.
– 5 pháp tự thúc liễm chính mình.
Không được sáng sớm vào trong làng, chiều tối mới về.
Phải gần gũi các Tỳ-kheo.
Không được gần gũi ngoại đạo và cư sĩ.
Phải thuận theo pháp của Tỳ-kheo.
Không được nói chuyện thế tục.
– 5 pháp liên quan đến luật nghi.
Không được dạy Luật cho chúng, nhưng nếu không có ai dạy được thì cho phép dạy. (dạy Luật cho người khác)
Không được tái phạm tội này.
Không được phạm tội tương tự hay tội tùng sinh, hoặc nặng hơn tội này (2).
Không được chỉ trích việc Tăng làm pháp Yết-ma.
Không được chỉ trích người làm Yết-ma.
– 5 pháp liên quan đến sự phục vụ.
Không được để Tỳ-kheo thanh tịnh trải tòa cho mình ngồi.
Không được để Tỳ-kheo thanh tịnh múc nước cho mình rửa chân.
Không được để Tỳ-kheo thanh tịnh rót nước cho mình uống.
Không được để Tỳ-kheo thanh tịnh lau giày cho mình.
Không được để Tỳ-kheo thanh tịnh xoa bóp thân thể của mình.
– 5 pháp thuộc về lễ độ.
Không được nhận sự lễ bái của Tỳ-kheo thanh tịnh.
Không được nhận sự đưa rước của Tỳ-kheo thanh tịnh.
Không được nhận sự chào hỏi của Tỳ-kheo thanh tịnh.
Không được để Tỳ-kheo thanh tịnh cầm giữ y của mình.
Không được đề Tỳ-kheo thanh tịnh cầm giữ bát của mình.
– 5 pháp thuộc về kiềm chế.
Không được cử tội Tỳ-kheo thanh tịnh hoặc ức niệm, hoặc tự ngôn trị.
Không được làm nhân chứng việc của người khác.
Không được ngăn Tỳ-kheo thanh tịnh tụng giới.
Không được ngăn Tỳ-kheo thanh tịnh Tự tứ.
Không được tranh chấp với Tỳ-kheo thanh tịnh. (1)
Ngoài ra, đối với sinh hoạt của Tăng chúng có những điều kiện liên quan đến người này như sau:
– Khi chúng Tăng Bố-tát tụng giới, người này đến dự hay không đến, Tăng chúng không phạm tội biệt chúng.
– Người này được phép tham dự 2 pháp Yết-ma Bố-tát và Tự tứ, nhưng không được tính vào túc số của Tăng.
– Khi Tăng Yết-ma Bố-tát cần túc số tối thiểu 4 Tỳ-kheo thanh tịnh, mà chỉ có 3 vị và vị học pháp này thì không được làm Tăng pháp Yết-ma mà chỉ đối thủ Bố-tát mà thôi. Ngoài ra, tất cả các pháp Yết-ma khác của Tăng, người này đều không được phép tham dự.
– Người được trao giới Ba-la-di này phải ngồi sau tất cả các Tỳ-kheo và trước tất cả Sa-di. Người này không được ngủ cùng phòng với Tỳ-kheo hay Sa-di quá 3 đêm.
– Nếu Tăng chúng nghi ngờ một Tỳ-kheo phạm giới Ba-la-di mà chưa có thể xác định được, thì hãy bảo họ tịnh tọa trong phòng, hướng dẫn họ thiền quán. Nếu giới thể của họ không bị ô nhiễm, thì họ sẽ vào được Định. Ngược lại, nếu giới thể đã bị phá vỡ thì họ không thể có được định tâm. Nhờ đó mà Tăng chúng có thể quyết đoán được sự phạm tội.
2.3. Trường hợp tái phạm.
Nếu vị này tái phạm tội Ba-la-di thì Tăng phải tác Yết-ma đuổi hẳn. Thể thức thực hiện như sau:
Tác tiền phương tiện như thông lệ (chỉ thay đổi những chỗ cần thiết).
Bạch tứ Yết-ma:
Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo () này phạm tội Ba-la-di, không có ý che giấu, đã theo Tăng xin giới Ba-la-di. Tăng đã cho Tỳ-kheo () giới Ba-la-di. Trong thời gian học pháp Học hối, Tỳ-kheo () này đã tái phạm tội Ba-la-di. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay cho Tỳ-kheo () tái phạm tội Ba-la-di này pháp Yết-ma đuổi hẳn, không được ở chung, không được làm việc chung. Đây là lời tác bạch.
Bạch Đại đức Tăng! Tỳ-kheo () này phạm tội Ba-la-di, không có ý che giấu, đã theo Tăng xin giới Ba-la-di. Tăng đã cho Tỳ-kheo () giới Ba-la-di. Trong thời gian thọ pháp Học hối, Tỳ-kheo () này tái phạm tội Ba-la-di. Tăng nay cho Tỳ-kheo tái phạm tội Ba-la-di này pháp Yết-ma đuổi hẳn, không được ở chung, không được làm việc chung. Các Đại đức nào bằng lòng Tăng cho Tỳ-kheo () tái phạm Ba-la-di, pháp Yết-ma đuổi hẳn thì im lặng; ai không bằng lòng hãy nói. (3 lần)
Tăng đã bằng lòng cho Tỳ-kheo () tái phạm tội Ba-la-di pháp Yết-ma đuổi hẳn, không được ở chung, không được làm việc chung, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.
Yết-ma xong, lấy lại y bát, rồi bảo họ rời khỏi trú xứ.
Ghi chú:
– Vị Tỳ-kheo phạm Ba-la-di về giới dâm là Nan-đề, được đức Phật ban cho pháp Học hối. Một hôm, Tỳ-kheo Nan-đề đang ngồi thiền dưới gốc cây, bỗng nhiên ma Ba-tuần hóa làm 1 cô gái đẹp, đến quyến rũ, phá hoại sự tu thiền của Tôn giả. Tôn giả trông thấy nó bèn khởi tâm say đắm, đứng dậy đến gần nó. Nó liền lùi xa. Tôn giả theo nó đến chỗ xác một con ngựa chết, cô gái ấy liền biến mất. Vì lửa dục vọng đang bốc mạnh, Tôn giả không thể kiềm chế được, liền hành dâm với tử thi con ngựa. Sau khi thỏa mãn dục vọng, Tôn giả cảm thấy rất ân hận, liền đi đến Thế Tôn, phát lồ tội lỗi vừa rồi, và xin Thế Tôn ban cho Tôn giả được phép học lại những pháp học của Tỳ-kheo (YMCN, trang 37).
– Trường hợp Tỳ-kheo nếu khởi tâm tham lấy trộm vật trị giá 5 tiền, nhưng khi lấy xong, liền hối hận, đem vật ấy trả lại chỗ cũ, rồi thành khẩn phát lồ, xin được học pháp Ba-la-di, thì Tăng có thể ban pháp Ba-la-di cho thầy.
– Về giới Đại vọng ngữ. Nếu nhân cơ hội có người khen mình tu hành đắc đạo, liền khởi tâm cao hứng nói vọng ngữ rằng đã chứng được pháp Thượng nhân. Nhưng liền sau đó hối hận, phát lồ, xin pháp học hối thì có thể ban cho pháp học hối.
– Về giới đoạn nhân mạng. Theo tinh thần chung của Luật tạng thì đã sát hại mạng người, dù không có tâm che giấu, cũng không thể khai cho thọ pháp học hối.
3. Sám hối tội Tăng tàn
3.1. Định nghĩa khái quát (1)
Nguyên chữ Sanskrit là Sanghàvasena và chữ Pàli là Sanghadisesa được phiên âm là Tăng-già-bà-thi-sa, và được định nghĩa là Tăng tàn hay còn gọi là Tăng sơ tàn, Chúng dư, Chúng quyết đoán. Loại tội này được xem là tội nặng, chỉ kém tội Ba-la-di mà thôi. Người phạm tội này nếu phát lồ với một Tỳ-kheo thanh tịnh ngay sau khi phạm, thì Tăng sẽ cho thi hành pháp Ma-na-đỏa, rồi sau đó cho xuất tội. Trái lại, nếu phạm mà che giấu thì Tăng sẽ cho pháp Yết-ma phú tàng, tức là hành pháp biệt trú. Biệt trú tức là ở phòng riêng nhưng cùng sinh hoạt chung với Tăng chúng, và phải chấp hành mọi việc khó nhọc mà Tăng chúng phân công.
3.2. Hành phú tàng hay hành biệt trú.
Người phạm tội Tăng tàn mà cố ý che giấu (phú tàng) không chịu phát lồ ngay khi phạm tội, trải qua một thời gian mới phát lồ, hoặc được Tăng chúng phát hiện, thì Tăng sẽ cho pháp Yết-ma phú tàng. Pháp Yết-ma này được thực hiện với Tăng số là 4 Tỳ-kheo thanh tịnh.
Trong thời gian hành pháp biệt trú này phải chấp hành 35 pháp hạn chế như đã được trình bày trong giới học hối thuộc thiên tội Ba-la-di. Đồng thời phải thực hiện 8 yếu tố khác, như sau:
1. Khi đến chùa khác phải bạch với Tăng chúng tại đó biết là mình đang hành phú tàng.
2. Khi có Tỳ-kheo khách đến chùa thì phải bạch cho họ biết.
3. Khi đi ra ngoài trú xứ, gặp các Tỳ-kheo phải bạch cho họ biết.
4. Lúc ở tại chùa, gặp Tỳ-kheo đi kinh hành, phải bạch.
5. Lúc đau ốm phải nhờ người tin cậy bạch cho Tăng biết.
6. Không được ngủ chung phòng với 2, 3 Tỳ-kheo khác.
7. Không được ở tại trú xứ không có Tỳ-kheo.
8. Mỗi nửa tháng tụng giới phải bạch với Tăng.
Nếu không thực hiện một trong 8 điều trên đây thì ngày hành biệt trú ấy bị hủy bỏ, phạm thêm tội Đột-cát-la, nên pháp này gọi là thất dạ (mất đêm); nghĩa là trọn ngày đêm 24 giờ hành biệt trú ấy không được tính.
Người đang hành biệt trú, nếu hay tin có Tỳ-kheo khách không đáng tin cậy sắp đến trú xứ mình, vì sợ hổ thẹn khi phải trình báo, thì có thể báo cho một Tỳ-kheo biết rằng mình tạm đình chỉ thi hành pháp biệt trú. Sau đó, khi thời gian thích hợp, sẽ đến một Tỳ-kheo thanh tịnh, xin tiếp tục hành biệt trú trở lại. Trong trường hợp có duyên sự phải đi xa, nên xin nghỉ pháp biệt trú mà đi, đến lúc trở về sẽ xin tiếp tục trở lại.
Trong thời gian hành phú tàng có 2 trường hợp xảy ra: 1. Tái phát lồ; 2. Tái phạm.
1/ Tái phát lồ:
Trong khi đang hành phú tàng mà tái phát lồ hoặc một tội, hoặc nhiều tội với những số ngày khác nhau, thì Tăng sẽ căn cứ tội nào nhiều ngày nhất lấy đó làm tiêu biểu chung cho các tội, cộng với số ngày còn lại của tội trước, cho pháp Yết-ma biệt trú. Ví dụ phát lồ một lúc 3 tội: tội a che giấu 10 ngày, tội b che giấu 20 ngày và tội c che giấu 30 ngày, thì sẽ lấy số 30 ngày làm tiêu biểu. Đồng thời số ngày của tội trước còn lại 5 ngày, thì bấy giờ cho hành biệt trú với số ngày: 30 + 5 = 35 ngày.
2/ Tái phạm
Nếu người đang hành biệt trú mà tái phạm thì có 2 trường hợp xảy ra: a. Phát lồ ngay sau khi phạm; b. Che giấu.
a. Phát lồ ngay sau khi phạm (nghĩa là không để qua cách đêm): Tăng sẽ cho tiếp tục hành số ngày biệt trú còn dang dở cho đến hết, rồi mới cho pháp Yết-ma Ma-na-đỏa.
b. Che giấu: nếu trong khi đang hành biệt trú mà tái phạm tội cũ rồi che giấu, sau đó hoặc tự phát lồ hoặc bị Tăng chúng phát hiện, thì số ngày đã hành biệt trú của tội trước coi như bị hủy bỏ. Do đó, phải hành lại toàn bộ số ngày của tội trước cộng với số ngày che giấu sau khi tái phạm. Trường hợp này gọi là hoại phú tàng bản nhật trị.
Người phạm tội trong khi thi hành pháp phú tàng mà không tái phát lồ, không tái phạm, chấp hành nghiêm chỉnh 35 pháp hạn chế và 8 pháp hỗ trợ, thì lúc thi hành xong sẽ đến xin Tăng ban cho mình pháp Yết-ma Ma-na-đỏa.
3.3. Hành Ma-na-đỏa.
Ma-na-đỏa là từ dịch âm của tiếng Phạn Mànàpya và tiếng Pàli Mànatta, được dịch nghĩa là duyệt chúng ý, tức làm cho tâm ý chúng Tăng vui thích, hay ý hỉ, nghĩa là làm cho tâm ý hoan hỷ. Pháp này phải thi hành trong thời gian 6 hôm mà danh từ Luật gọi là lục dạ Ma-na-đỏa. Trong thời gian thi hành pháp Ma-na-đỏa này vẫn tiếp tục chấp hành 35 pháp hạn chế, còn 8 pháp hỗ trợ thì chỉ giải tỏa điều thứ 6, là được ngủ cùng phòng với 2, 3 Tỳ-kheo khác.
Túc số Tăng để thực hiện pháp Yết-ma Ma-na-đỏa này là 4 Tỳ-kheo thanh tịnh. Trong khi hành pháp Ma-na-đỏa có thể phát sinh hai trường hợp: 1. Tái phát lồ; 2. Tái phạm.
1/ Tái phát lồ: Nếu trong lúc hành Ma-na-đỏa mà tái phát lồ một tội phạm trước đã che giấu bao nhiêu ngày, thì Tăng bắt đình chỉ pháp Ma-na-đỏa, rồi cho pháp Yết-ma phú tàng bắt hành biệt trú số ngày đã che giấu. Sau khi thi hành xong, Tăng sẽ cho pháp Ma-na-đỏa trở lại. Khoảng này có hai thuyết: một thuyết cho rằng phải hành 6 đêm Ma-na-đỏa của tội phát lồ sau, cộng với số đêm còn lại của tội trước. Thuyết thứ hai cho rằng gộp chung hai khoản tội trước sau chỉ hành 6 đêm Ma-na-đỏa là đủ. Thuyết này thường được chấp nhận hơn.
2/ Tái phạm: Nếu đang hành Ma-na-đỏa mà tái phạm thì có thể dẫn đến một trong 2 trường hợp: a. Phát lồ ngay sau khi phạm; b. Che giấu.
Phát lồ ngay khi phạm: trường hợp này Tăng sẽ cho hành 6 đêm Ma-na-đỏa của tội tái phạm, cộng với số đêm còn lại của tội trước.
Che giấu: nếu người đang hành Ma-na-đỏa mà tái phạm tội cũ rồi che giấu, sau đó hoặc tự phát lồ, hoặc bị phát hiện, thì Tăng bắt đình chỉ Ma-na-đỏa, cho pháp Yết-ma phú tàng, phạt biệt trú số ngày đã che giấu. Sau khi hành xong biệt trú, Tăng sẽ bắt hành 6 đêm Ma-na-đỏa của tội tái phạm, cộng với toàn bộ 6 đêm Ma-na-đỏa của tội trước, thành 12 đêm. Đây gọi là Hoại Ma-na-đỏa bản nhật trị. Nghĩa là khi đang hành Ma-na-đỏa mà tái phạm nên số ngày đã làm ấy bị hủy bỏ, phải làm lại toàn bộ số ngày cũ.
3.4. Xuất tội hay giải tội
Người phạm tội Tăng tàn sau khi hoàn tất các công đoạn biệt trú (nếu có phú tàng) và Ma-na-đỏa, sẽ đến giữa Tăng xin pháp Yết-ma xuất tội. Để thực hiện pháp Yết-ma này túc số Tăng phải đủ 20 Tỳ-kheo thanh tịnh, 20 người là con số tối thiểu, nhiều hơn thì không sao (các pháp bạch Yết-ma xin xem Yết-ma Chỉ nam).
Sau khi được Tăng làm Yết-ma xuất tội thì đồng thời cũng giải tỏa luôn 35 pháp hạn chế và 8 pháp hỗ trợ. Thầy Tỳ-kheo này đương nhiên phục hồi phẩm chất Tỳ-kheo, được xem là một Tỳ-kheo thanh tịnh.
Trong trường hợp người phạm tội hành xong Ma-na-đỏa, Tăng chưa làm pháp Yết-ma xuất tội mà qua đời, thì Phật dạy rằng người ấy cũng được xem là thanh tịnh. (Tăng già tác trì yếu tập, Hoằng Xuyên, tr. 271)
3.5. So sánh cách xử trị giữa Tăng và Ni
Số giới Tăng tàn của Tỳ-kheo-ni là 17 và số giới Tăng tàn cửa Tỳ-kheo là 13 giới. Trong 9 giới đầu hễ làm là phạm, còn 4 giới sau phải đến lần can gián thứ ba mà không bỏ mới gọi là phạm. Tuy gọi là ba lần can gián, nhưng cụ thể đến 9 lần: ba lần can gián ở chỗ vắng, ba lần can gián ở chỗ nhiều người và ba lần can gián ở giữa chúng Tăng. Nếu sau ba lần khuyên can giữa chúng Tăng mà không từ bỏ, mới thực sự phạm tội Tăng tàn.
Bảng so sánh thể thức xử trị giữa Tăng và Ni:
TĂNG
NI
1
Tăng có pháp Biệt trú
1’
Ni không có pháp này, dù có che giấu hay không.
2
Số ngày hành Ma-na-đỏa
= 6 ngày
2’
Số ngày Ma-na-đỏa
= 15 ngày, và phải hành giữa 2 bộ Tăng và Ni.
3
Túc số làm Yết-ma Ma-na-đỏa
= 4 người
3’
Túc số là 8 người
= 4 Tỳ-kheo và 4 Tỳ-kheo-ni.
4
Túc số làm Yết-ma xuất tội = 20 người
4’
Túc số là 40 người
= 20 Tỳ-kheo và 20 Tỳ-kheo ni
Ghi chú:
1. Tội tùng sinh:
(l) – Người phạm tội Tăng tàn mà không phát lồ ngay để trải qua một đêm thì phạm thêm một tội Đột-cát-la Kinh dạ phú tàng, nghĩa là che giấu qua một đêm. Đến đêm kế tiếp cũng không phát lồ, sẽ phạm thêm tội Đột-cát-la Tùy dạ triển chuyển phú tàng, nghĩa là che giấu liên tục đêm này qua đêm khác. Tội Đột-cát-la này sẽ chịu khổ trong địa ngục Đẳng hoạt thời gian 90.000.000 năm. Đó là số năm thọ báo của một tội; nếu tội càng nhiều thì thời gian thọ báo càng tăng.
(2) – Người phạm tội thì không được nghe Tăng tụng giới, nếu nghe tụng thì phạm một tội Đột-cát-la.
(3) – Khi Tăng tụng giới hỏi 3 lần “có thanh tịnh không?” mà không chịu đứng dậy phát lồ thì phạm thêm một tội Đột-cát-la im lặng vọng ngữ.
(4) – Khi Tăng tụng giới, mình đến trễ, muốn được tham dự bèn tự nói mình thanh tịnh, thì phạm một tội Ba-dật-đề cố ý vọng ngữ.
(5) – Khi đối thủ tụng giới với 1, 2 Tỳ-kheo khác, tự nói mình thanh tịnh, phạm một tội Ba-dật-đề cố ý vọng ngữ.
(6) – Khi Tăng Tự tứ, tự nói mình thanh tịnh, phạm một tội Ba-dật-đề cố ý vọng ngữ.
(7) – Khi đối thủ Tự tứ, tự nói mình thanh tịnh, phạm một tội Ba-dật-đề cố ý vọng ngữ.
(8) – Khi tâm niệm tụng giới, tự nói mình thanh tịnh, phạm một tội Đột-cát-la.
(9) – Khi tâm niệm Tự tứ, tự nói mình thanh tịnh, phạm một tội Đột-cát-la.
(10) – Bản thân mình không thanh tịnh mà tụng giới cho Tăng, phạm một tội Đột-cát-la.
(11) – Bản thân mình không thanh tịnh mà nhận sự sám hối của người khác, phạm một tội Đột-cát-la.
Những tội phạm kể trên gồm có 4 phẩm Tùng sinh Ba-dật-đề, 6 phẩm Tùng sinh Đột-cát-la và một tội căn bản Tăng tàn, tội lớn tội nhỏ gồm 11 phẩm. Nếu trải qua đêm đầu che giấu (Kinh dạ phú tàng), đêm kế tiếp lại che giấu (Triển chuyển phú tàng) sẽ thành ra tất cả 33 phẩm tội.
Ở trên, tuy được liệt kê thành 11 khoản, nhưng không phải phạm đủ tất cả; Ví dụ: nếu đã tham dự tụng giới với Tăng thì sẽ không có đối thủ và tâm niệm tụng giới. Do vậy, người làm Yết-ma phải tùy trường hợp mà hỏi.
2. Một số quan điểm cởi mở
– Trong bài tựa Luật Thập Tụng viết: Có 6 trường hợp sau đây khi phạm tội Tăng tàn, nếu phấn phát dũng mãnh tự trách tâm, thành khẩn sám hối, thì có thể được xem là thanh tịnh, không đọa ác đạo. Đó là: 1. Bậc Thượng tọa có uy danh; 2. Bậc tôn túc có tiếng đức hạnh; 3. Người cả hổ thẹn; 4. Người đang lâm bệnh; 5. Tăng không đủ túc số để làm các pháp Yết-ma; 6. Tăng chúng không thanh tịnh. (dẫn theo Trùng Trị Tỳ-ni Sự Nghĩa Tập Yếu, Ngẫu Ích)
– Luật Nhiếp đề cập: Có 6 hạng người khi phạm các lời giáo huấn (Chúng giáo: Tăng tàn), chỉ cần sám hối với một Tỳ-kheo thanh tịnh, thì tội có thể tiêu trừ. Đó là: 1. Người thọ trì tạng Kinh; 2. Người thọ trì tạng Luật; 3. Người thọ trì tạng Luận; 4. Người cả hổ thẹn; 5. Vị Thượng tọa cao tuổi nhất trong chúng; 6. Người có phước đức lớn.
Sáu hạng người này nếu bị trị phạt sẽ dẫn đến hậu quả không tốt đối với đại chúng. Do đó, nếu phạm tội mà họ quyết tâm sám hối, thì tội có thể trừ được.
3. Các trường hợp hoàn tục.
1. Xả giới làm cư sĩ.
2. Xả giới Cụ túc, làm Sa-di.
3. Bị điên loạn.
4. Bị bệnh tâm thần.
5. Bị bệnh trầm kha.
6. Bị Tăng cử tội “Có tội mà không thấy tội”.
7. Bị Tăng cử tội “Có tội mà không sám hối”.
8. Bị Tăng cử tội “Không chịu từ bỏ ác kiến”.
4. Các trường hợp truy phạt.
Nếu người phạm tội đang hành pháp phú tàng (Biệt trú) hay Ma-na-đỏa mà xả giới, hoặc bị tẫn, hoặc bị điên cuồng, sau đó hoặc được giải tẫn, hoặc lành bệnh, hoặc thọ Đại giới ở lại, thì vẫn phải thi hành đầy đủ các pháp dở dang trước, rồi mới cho xuất tội.
a. Trường hợp phát lồ hoặc che giấu: Nếu Tỳ-kheo phạm 2 tội Tăng tàn mà một tội phát lồ, một tội che giấu rồi xả giới hoàn tục; về sau xuất gia thọ Đại giới trở lại, tội phát lồ trước lại phát lồ, tội che giấu trước lại che giấu, thì nên xử trí: Tội trước sau đều phát lồ cho pháp Yết-ma Ma-na-đỏa; tội trước sau đều che giấu cho pháp Biệt trú số ngày đã che giấu.
b. Trường hợp nhớ hoặc không nhớ: Nếu người phạm tội mà nhớ số tội phạm và nhớ số ngày, hoặc không nhớ số tội phạm nhưng nhớ số ngày, thì tùy theo số ngày nhớ được mà cho pháp Yết-ma phú tàng. Nếu nhớ số tội phạm mà không nhớ số ngày, hoặc không nhớ tội phạm cũng không nhớ số ngày, thì nên tính số ngày từ lúc thanh tịnh trở lại mà cho Yết-ma phú tàng.
c. Trường hợp nghi: Nếu người phạm tội Tăng tàn mà nghi là tội Thâu-lan-giá, Ba-dật-đề v.v…, rồi che giấu, thì đó không phải là che giấu. Trường hợp này nên bảo người ấy sám hối tội Đột-cát-la tùng sinh, sám hối xong, cho pháp Yết-ma Ma-na-đỏa.
d. Trường hợp biết: Nếu người phạm tội Tăng tàn mà biết đó là Tăng tàn, rồi che giấu, đó mới gọi là che giấu (phú tàng). Trường hợp này nên bảo người ấy sám hối tội Đột-cát-la tùng sinh; sau khi sám hối xong, cho pháp Yết-ma phú tàng.
Nói chung, trong 4 trường hợp trên, mỗi trường hợp gồm 4 khía cạnh mà danh từ chuyên môn gọi là Tứ cú, và tổng cộng gồm có 16 khía cạnh, như đồ biểu tóm tắt sau đây:
16 Trường hợp sau khi tu lại
1.Trước sau đều che giấu
2. Trước che giấu sau phát lồ
3. Trước phát lồ sau che giấu
4. Trước sau đều phát lồ
5. Trước sau đều nhớ
6. Trước nhớ sau quên
7. Trước quên sau nhớ
8. Trước sau đều quên
9. Trước sau đều nghi
10. Trước nghi sau không nghi
11. Trước không nghi sau nghi
12. Trước sau đều không nghi
13. Trước sau đều biết
14. Trước biết sau không biết
15. Trước không biết sau biết
16. Trước sau đều không biết
(Luật Huyền Ty – tr.452)
4. Sám hối tội Thâu-lan-giá
4.1. Định nghĩa và phân loại:
Sau hai thiên tội Ba-la-di và Tăng tàn là tội Thâu-lan-giá. Tội này chủ yếu phát sinh là do phạm 2 thiên tội trên mà chưa đầy đủ. Thâu-lan-giá là cách phiên âm của tiếng Pàli Thullaccaya, và tiếng Phạn Sthùlàtyaya. Ngoài cách phiên âm trên, còn có những cách phiên âm khác là: Thâu-lan-giá-da, Thâu-la-giá, Thổ-la-giá, Tốt-thổ-la-để-dã. Đồng thời được dịch nghĩa là: Thô tội; trọng tội; thô ác; thô quá; đại tội; đại chướng thiện đạo v.v…
Tội này được chia thành 2 loại: a. Độc đầu; b. Tùng sinh.
Độc đầu, hay còn gọi là quả đầu; tự tánh; căn bản; cứu cánh; quả lan; chánh tội; dĩ toại tội.
b. Tùng sinh, hay còn gọi là phương tiện; nhân lan; vị toại tội.
Mỗi khoản tội trên đều được chia thành 3 bậc:
(1). Thượng phẩm; (2). Trung phẩm; (3). Hạ phẩm.
Như trên đã nói: Tội Thâu-lan-giá phát sinh từ 2 tội Ba-la-di và Tăng tàn mà chưa đầy đủ. Do đó, ta có thể lập sơ đồ để trình bày cho dễ hiểu như sau:
Thâu-lan-giá dưới mức Ba-la-di dưới mức Tăng tàn
1 .Thượng phẩm = bậc (1)
2. Trung phẩm = bậc (2) = bậc (1)
3 .Hạ phẩm = bậc (3) = bậc (2)
Đồng thời chúng được trình bày cụ thể:
(1). a. Thượng phẩm độc đầu gồm có: chủ xướng phá pháp luân Tăng; trộm lấy 4 tiền; trộm vật của thường trụ; giết loài phi nhân…
(1). b. Thượng phẩm tùng sinh gồm có: muốn phạm giới dâm, 2 căn tiếp xúc mà nam căn chưa vào trong nữ căn; muốn trộm 5 tiền mà lấy chưa đủ số, định giết người mà người chưa chết; định nói mình chứng thánh quả mà nói không rõ, người nghe không hiểu…
(2). a. Trung phẩm độc đầu gồm có: định phá Yết-ma Tăng; đồng lõa phá pháp luân Tăng; trộm 3 tiền hay 2 tiền…
(2). b. Trung phẩm tùng sinh gồm có: hai thân kề nhau mà nam căn chưa vào trong nữ căn; muốn lấy 5 tiền nhưng chỉ rờ mà chưa lấy, hoặc lấy ít hơn 5 tiền và chưa đem đi; định giết người mà người kia chưa bị hại…
(3). a. Hạ phẩm độc đầu gồm có: ác tâm hủy báng Tăng; cạo lông 3 chỗ: nách, đại tiện và tiểu tiện; để khỏa thân; mang da người; dùng bát bằng đá (vì bát này dành cho Phật dùng); ăn máu thịt sống…
(3). b. Hạ phẩm tùng sinh gồm có: nhận làm mai mối, đến nói với nhà kia mà không trở về báo lại; định làm phòng lớn, phòng nhỏ nhưng chưa làm; định hủy báng Tăng, nhưng chưa nói liền từ bỏ; phá Tăng và ngoan cố, nhưng khi Tăng vừa bạch Yết-ma liền từ bỏ…
4.2. Thể thức sám hối.
1/ Thể thức bạch Tăng để xin sám hối.
Sau khi Tăng tập họp, người phạm tội đến trước Tăng, quỳ gối tác bạch như sau:
– Xin Đại đức Tăng lắng nghe, tôi Tỳ-kheo (nói tên) phạm tội Thâu-lan-giá (nói tên tội), nay đến trước Tăng cầu xin sám hối; kính mong đại Tăng cho tôi Tỳ-kheo (…) sám hối, xin từ bi thương xót. (xin 3 lần)
Vị Thượng tọa bảo:
– Thầy đã 3 lần cầu xin, và Tăng chúng đã mặc nhiên chuẩn thuận; vậy trước hết thầy hãy thiûnh một vị làm sám chủ để thầy sám hối.
Người phạm tội tùy nghi đến trước vị nào mà mình kính mến nhất, lạy một lạy, quỳ gối chắp tay cầu thỉnh như sau:
– Đại đức nhất tâm niệm, tôi Tỳ-kheo (nói tên), nay xin thỉnh Đại đức nhận làm sám chủ tội Thâu-lan-giá. Xin từ bi thương xót. (nói 3 lần).
2/ Thể thức bạch Tăng để nhận sám hối:
Vị Đại đức này nhận lời rồi, liền phải bạch Tăng.
– Xin Đại đức Tăng lắng nghe, Tỳ-kheo (nói tên) phạm tội Thâulan-giá (nói tên tội), nay đến trước đại Tăng xin sám hối, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng bằng lòng cho tôi Tỳ-kheo (…) làm sám chủ cho Tỳ-kheo (…) thì tôi sẽ nhận.
Vị Thượng tọa đáp: Được lắm.
Khi Tăng đã chuẩn thuận, người thọ sám nên đảnh lễ Tăng một lạy, rồi mới nhận người kia sám hối. Nhưng nếu trong chúng không có vị Thượng tọa nào lớn hơn mình thì khỏi đảnh lễ, mà bảo người kia đến trước mình, quỳ gối chắp tay, rồi hỏi các chi tiết:
– Từ khi thầy phạm tội đến nay đã trải qua bao nhiêu ngày tháng? Khi vừa phạm tội, thầy đã từng đến trước một Tỳ-kheo thanh tịnh nào để phát lồ chưa?
Nếu đáp đã phát lồ tức là không có tội phú tàng, nếu nói chưa phát lồ tức là đã mắc các tội phú tàng, liền hỏi tiếp:
– Lẽ ra khi vừa phạm tội thầy phải đến trước vị Tỳ-kheo thanh tịnh để phát lồ sám hối; nhưng vì không phát lồ để đến hôm sau nên sinh ra một tội Đột-cát-la, do kinh hạ phú tàng (che giấu qua một đêm).
Thế rồi, đến ngày kế tiếp lại không phát lồ nên sinh thêm một tội Đột-cát-la tùy dạ triển chuyển phú tàng (che dấu liên tục qua đêm sau). Đã che giấu tất nhiên không thanh tịnh, nên không được nghe tụng giới, thế mà thầy lại nghe Tăng thuyết giới, cho nên phạm thêm một tội Đột-cát-la.
Hơn nữa, khi Tăng tụng đến giới ấy (giới đã phạm), hỏi 3 lần có thanh tịnh không, đáng lẽ thầy phải đứng dậy phát lồ, nếu như sợ làm náo loạn, thì thầy có thể nói khẽ với người ngồi bên cạnh rằng: “Tôi phạm tội ấy, đợi khi tụng giới xong, tôi sẽ phát lồ”. Thế nhưng, thầy không làm như vậy, nên phạm thêm một tội Đột-cát-la vì im lặng vọng ngữ.
Hai tội Đột-cát-la trên lẽ ra thầy phải phát lồ ngay, nhưng vì không phát lồ nên từ 2 tội này sinh thêm 2 tội Đột-cát-la kinh dạ phú tàng và tùy dạ triển chuyển phú tàng.
Sau khi nghe trình bày xong, vị sám chủ kết luận:
– Căn cứ theo những gì thầy đã trình bày thì thầy đã phạm 8 tội nhỏ: hai tội Tùng sinh (Nghe tụng giới và im lặng vọng ngữ) và 6 tội phú tàng. Vậy thầy phải thỉnh một vị sám chủ đến chỗ vắng để sám hối các tội nhỏ, xong rồi mới trở vào giữa chúng sám hối tội chính (Thâu-lan-giá).
3/ Thể thức sám hối tiểu tội tùng sinh.
Người phạm tội sau khi nghe dạy, có thể thỉnh ngay vị ấy hoặc một vị khác làm sám chủ để sám hối các tiểu tội tùng sinh. Và sau khi cầu thỉnh, vị kia đã đồng ý, bèn đem nhau đến chỗ vắng, quỳ gối chắp tay, tác bạch sám hối như sau:
– Đại đức nhấùt tâm thương tưởng, tôi Tỳ-kheo… phạm tội Đột-cát-la vì nghe thuyết giới và im lặng vọng ngữ. Nay tôi đến trước Đại đức xin phát lồ sám hối, không dám tái phạm. Nguyện xin Đại đức chứng nhận tôi là người thanh tịnh, giới thân đầy đủ, thanh tịnh Bố-tát. (nói 1 lần)
Vị sám chủ bảo: “Thầy hãy tự trách mình và quyết tâm sửa đổi”.
Đáp: “Xin vâng”.
Vị sám chủ trở lại trong chúng, tuyên bố: “Tôi đã nhận sự sám hối của người kia xong rồi”.
Thượng tọa nói: “Tốt lắm”.
Vị sám chủ lại bảo người phạm tội: “Bây giờ thầy hãy sám hối tội căn bản Thâu-lan-giá”.
4/ Chính thức sám hối Thượng phẩm Thâu-lan-giá.
Người phạm tội đến trước vị sám chủ quỳ gối chắp tay tác bạch:
– Đại đức nhất tâm thương tưởng, tôi Tỳ-kheo… phạm tội Thâu-lan-giá…, nay đến trước Đại đức phát lồ sám hối, không dám che giấu; vì sám hối thì được an lạc, không sám hối thì không an lạc. Kính xin Đại đức chứng nhận tôi đã thanh tịnh, giới thân đầy đủ, thanh tịnh Bố-tát. (nói 3 lần)
Vị sám chủ nói: “Thầy hãy tự trách lấy mình, mà quyết tâm sửa đổi”.
Người phạm tội đáp: Xin vâng, rồi lạy một lạy, quỳ gối chắp tay, lắng nghe Thượng tọa giáo huấn.
Bấy giờ, vị Thượng tọa giáo huấn:
– Hôm nay, Tăng chúng thanh tịnh nhóm họp tuân theo sự chế định của Phật mà tác pháp sám hối cho thầy đã xong. Nhưng e rằng sự phát tâm của thầy chưa được thành thật thì không thể sạch hết tội lỗi. Vậy, muốn sạch hết tội lỗi, thầy phải vận dụng lòng chí thành đảnh lễ thiên Phật (ngàn vị Phật) để sám hối, và trì niệm thần chú trong một thời gian. Nhờ công đức lễ bái tụng niệm ấy mà tội trước được tiêu trừ, tội sau không phát sinh, và thầy phải lập nguyện kiên cố rằng: “Thà bỏ thân mạng chứ không bao giờ tái phạm”.
Người phạm tội đáp: Y giáo phụng hành, rồi đầu thành đảnh lễ đại chúng 3 lạy.
5/ Thể thức sám hối Trung phẩm Thâu-lan-giá.
Tội trung phẩm này chỉ sám hối với 4 Tỳ-kheo. Do đó, nếu trong cương giới có số Tỳ-kheo nhiều hơn 4 người, thì chỉ thỉnh 4 người ra ngoài cương giới để sám hối. Vì, nếu sám hối riêng với 4 người này trong trú xứ, thì Tăng phạm tội biệt chúng. Nếu tại trú xứ chỉ có 4 Tỳ-kheo thì có thể tác pháp sám hối ngay trong trú xứ. Trong số 4 người ấy, một người làm sám chủ, còn lại 3 người, nên không thể áp dụng Tăng pháp Yết-ma mà chỉ áp dụng pháp đối thủ sám hối.
Nếu trường hợp trong trú xứ chỉ có 3 người cũng có thể thực hiện pháp sám hối này. Về thể thức thỉnh vị sám chủ, tác bạch sám hối và lời giáo huấn của Thượng tọa thì cũng tương tự như trong pháp sám Thượng phẩm ở trên.
6/ Thể thức sám hối hạ phẩm Thâu-lan-giá.
Người phạm tội này phải sám hối với một Tỳ-kheo thanh tịnh, chỉ trừ việc bạch Tăng xin sám hối, ngoài ra các việc còn lại giống như trước. Trong Tỳ-ni Mẫu nói: “Nếu Thượng tọa sám hối trước Hạ tọa, thì phải thực hiện 4 việc:
1. Trật vai áo bên phải.
2. Cởi bỏ giày dép.
3. Chắp tay cung kính.
4. Trình bày tội mình đã phạm.
Còn Hạ tọa sám hối trước Thượng tọa thì thêm một việc quỳ gối nữa. Thế nhưng, Tứ Phần Luật thì bảo: “Khi Thượng tọa sám hối trước Hạ tọa cũng phải thực hiện các việc kể trên, chỉ trừ việc đảnh lễ sát dưới chân”.
5. Sám hối tội Xả đọa
Tiếp sau thiên tội Thâu-lan-giá thứ 3, bây giờ đề cập đến thiên tội thứ 4. Trong thiên này gồm có 2 phần: tội Xả đọa và tội Đơn đọa.
Trước hết hãy nói về tội Xả đọa. Tiếng Phạn Nissaggiya-pàyattika được phiên âm là Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề. Ni-tát-kỳ nghĩa là xả bỏ tất cả; Ba-dật-đề nghĩa là Đọa. Người phạm tội này là do cất giữ những vật trái quy định, thế nên, trước hết phải mang vật ấy ra thí xả giữa chúng Tăng, rồi sám hối tội Đọa. Nếu phạm tội này mà không sám hối sẽ đọa vào địa ngục Chúng hợp, chịu khổ hai ngàn năm, tức là khoảng 144.000.000 năm ở cõi nhân gian.
Chữ Xả ở đây gồm có 3 nghĩa:
1. Xả tài: Xả bỏ tài vật đã phạm để trừ cái duyên phạm tội; 2. Xả tâm: xả bỏ tâm tham luyến đối với vật để lìa cái nhân gây tội; 3. Xả tội: sám hối đúng pháp sẽ dứt trừ được tội lỗi.
Người phạm tội này trước hết phải đem vật đã phạm ra xả giữa chúng Tăng rồi thỉnh một Tỳ-kheo thanh tịnh làm chủ sám, để sám hối tội lỗi đã phạm ngay giữa chúng Tăng. Do đó, pháp sám hối này gọi là Chúng pháp đối thủ. Tuy nhiên, nếu tại một trú xứ chỉ có 4, 3 hoặc 2 Tỳ-kheo, thì cũng có thể sám hối được, nhưng phải sám hối với sự hiện diện của tất cả, chứ không được sám hối biệt chúng.
Luật quy định, trong 30 điều này, nếu phạm điều 11 (dùng tơ tằm làm ngọa cụ) thì phải tự tay cắt vụn tơ tằm, trộn lẫn với đất dẻo, rồi trét vào tường. Nếu phạm điều 18 (cất giữ vàng bạc) và điều 19 (mua bán bảo vật), thì nên xả cho cư sĩ có đạo tâm, chứ không được xả giữa chúng Tăng, rồi sám hối với một người ở ngoài đại giới (trú xứ). Ngoài ra, nếu phạm 27 giới còn lại, thì phải xả và sám hối ở giữa chúng Tăng.
5.1. Thể thức xả vật và sám hối
Người phạm tội đem vật đã phạm ra giữa chúng Tăng, quỳ gối, chắp tay, bạch:
– Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Tôi Tỳ-kheo… cố chứa y dư, phạm tội Xả đọa. Nay xin xả cho chúng Tăng. (nói 1 lần)
1/ Thể thức xin Tăng để sám hối.
Sau khi xả vật xong, người này lại tiếp tục xin Tăng sám hối.
– Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Tôi Tỳ-kheo… cố chứa y dư, phạm tội Xả đọa. Y ấy đã xả cho Tăng; nay có (bao nhiêu) tội Ba-dật-dề, xin đến trước Tăng cần cầu sám hối, mong Tăng cho tôi Tỳ-kheo… sám hối. Xin hãy từ bi lân mẫn. (xin 3 lần)
Vị làm Yết-ma bảo: “Chúng Tăng không nói gì tức là đã mặc nhiên chấp nhận, vậy thầy hãy thỉnh một vị làm chủ sám, để sám hối tội phạm”
2/ Thể thức thỉnh vị chủ sám hối.
Người phạm tội liền đến trước một Tỳ-kheo làm lễ, quỳ gối, chắp tay, thỉnh như sau:
– Đại đức nhất tâm niệm! Tôi Tỳ-kheo… nay kính thỉnh Đại đức làm chủ sám hối tội Ba-dật-đề; xin Đại đức vì tôi làm chủ sám hối tội Ba-dật-dề. Mong Đại đức từ bi lân mẫn. (xin 3 lần)
3/ Thể thức xin Tăng để làm chủ sám.
Vị Tỳ-kheo được thỉnh phải bạch với Tăng như sau:
– Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Vị Tỳ-kheo… cố chứa y dư, phạm tội Xả đọa. Y ấy đã xả cho Tăng; trong đây phạm (bao nhiêu) tội Xả đọa. Nay theo Tăng xin sám hối. Nếu Tăng bằng lòng cho tôi làm chủ sám để thầy ấy sám hối, thì tôi sẽ nhận. (nói 1 lần)
Sau khi Tăng đã đồng ý, vị chủ sám phải rời tòa, đến đảnh lễ Thượng tọa 1 lạy. Nhưng nếu không có ai lớn hơn mình, thì khỏi phải lễ, mà bảo người kia quỳ gối, chắp tay trước mình, rồi hỏi các khoản: đã phạm tội từ bao lâu; có phát lồ hay che giấu; có sử dụng vật đã phạm hay không và có nghe Tăng tụng giới hay không v.v…; gồm có 5 phẩm Ba-dật-đề, 7 phẩm Đột-cát-la được tóm tắt như sau:
Chứa vật dư, phạm căn bản Ba-dật-đề.
Khi Tăng tụng giới, tự nói mình thanh tịnh, phạm Ba-dật-đề.
Khi đối thủ tụng giới, tự nói mình thanh tịnh, phạm Ba-dật-đề.
Khi Tăng Tự-tứ, tự nói mình thanh tịnh, phạm Ba-dật-đề.
Khi đối thủ tự-tứ, tự nói mình thanh tịnh, phạm Ba-đật-đề.
Tự mình có tội mà tụng giới cho Tăng, phạm Đột-cát-la.
Tự mình có tội mà nghe Tăng tụng giới, phạm Đột-cát-la.
Khi Tăng tụng giới, 3 lần hỏi mà im lặng vọng ngữ, phạm tội Đột-cát-la.
Khi tâm niệm tụng giới, tự nói mình thanh tịnh, phạm Đột-cát-la.
10. Khi tâm niệm Tự tứ, tự nói mình thanh tịnh, phạm Đột-cát-la.
11. Tự mình có tội mà nhận người khác sám hối, phạm Đột-cát-la.
12. Sử dụng vật đã vi phạm, phạm Đột-cát-la.
(Tứ Phần Giới Bổn Như thích, Hoằng Tán soạn, Thiùch Hành Trụ dịch, tr. 246)
Người phạm tội nếu che giấu, thì ngoài tội căn bản Ba-dật-đề còn phạm thêm một hoặc nhiều tội Ba-dật-đề và Đột-cát-la tùng sinh trên đây. Do đó, phải thỉnh một vị sám chủ khác, hoặc thỉnh vị vừa rồi, đi đến chỗ vắng để sám hối các tội tùng sinh Đột-cát-la và Ba-dật-đề.
4/ Sám hối tội tùng sinh Đột-cát-la
Người phạm tội quỳ gối, chắp tay bạch sám hối như sau:
– Đại đức nhất tâm thương tưởng! Tôi Tỳ-kheo… phạm tội sử dụng vật bất tịnh, nghe Tăng thuyết giới và im lặng vọng ngữ (có bao nhiêu tội tùng sinh Đột-cát-la kể ra hết) gồm có (bấy nhiêu) tội.
Nay đến trước Đại đức phát lồ sám hối, không dám tái phạm, nguyện xin Đại đức chứng nhận rằng tôi thanh tịnh, giới thân đầy đủ, thanh tịnh Bố-tát. (nói 1 lần)
Người thọ sám bảo: “Thầy hãy tự trách lấy mình mà sinh tâm từ bỏ”.
Người phạm tội đáp: “Xin vâng”.
Rồi sám hối tiếp tội tùng sinh Ba-đật-đề, nếu như có phạm.
5/ Sám hối tội tùng sinh Ba-đật-đề.
Người phạm tội bạch sám hối như sau:
Đại đức nhất tâm thương tưởng! tôi Tỳ-kheo… cố phạm tội Ba-dật-đề do im lặng vọng ngữ v.v…, không nhớ số lượng là bao nhiêu (nếu nhớ số lượng thì phải nêu ra rõ ràng). Nay đến trước Đại đức phát lồ không dám che giấu, sám hối thì được an lạc, không sám hối thì không an lạc, biết mình phạm tội, nay đã phát lồ, không dám tái phạm. Kính xin Đại đức chứng nhận rằng tôi đã thanh tịnh, giới thân đầy đủ, thanh tịnh Bố-tát. (nói 3 lần)
Người thọ sám bảo: “ Thầy hãy tự trách lấy mình mà sinh tâm từ bỏ”.
Người sám hối đáp: “Xin vâng”.
Sau khi sám hối xong, cả hai người cùng vào trong Tăng, người thọ sám tuyên bố: “Tôi đã nhận sự sám hối các tội tùng sinh của người kia rồi”.
Vị Thượng tọa bảo: “Tốt lắm”.
6/ Sám hối tội căn bản Ba-dật-dề
Bấy giờ người phạm tội quỳ gối, chắp tay bạch sám hối như sau:
– Đại đức nhất tâm niệm! Tôi Tỳ-kheo… cố chứa y dư quá 10 ngày, phạm tội Xả đọa. Y này đã xả cho Tăng. Trong đây có (bao nhiêu) tội Ba-dật-đề, nay hướng đến Đại đức phát lồ sám hối, không dám che giấu, sám hối thì được an lạc, không sám hối thì không an lạc, biết mình phạm tội nay đã phát lồ không dám tái phạm. Kính xin Đại đức chứng nhận rằng tôi đã thanh tịnh, giới thân đầy đủ, thanh tịnh Bố-tát. (nói 3lần)
Người thọ sám bảo: “Thầy hãy tự trách mình mà sinh tâm từ bỏ”.
Người sám hối đáp: “Xin vâng”, đoạn lễ tạ Thượng tọa rồi lui ra.
5.2. Thể thức trả lại vật
Vật dư thừa chủ yếu có 5 thứ:
1. Vải cất giữ trong vòng một tháng.
2. Y do thí chủ vì việc gấp mà cúng dường.
3. Bát dư thừa, ngoài cái mà Luật cho phép.
4. Loại thuốc 7 ngày còn thừa.
5. Chiếc y dư, ngoài ba cái luật định.
Trên nguyên tắc, các vật đã phạm, sau khi xả giữa chúng Tăng, sẽ thành tịnh vật (vật không có lỗi), và Tăng nên để cách một hôm, tác pháp hoàn lại chủ cũ. Nhưng nếu chiếc y phạm trong trường hợp ngủ cách ly với y, thì sau khi người phạm tội sám hối xong, sẽ được trao ngay tại đó. Vì nếu để qua cách đêm thì người này sẽ phạm tội thiếu y. Trong trường hợp thứ hai, nếu người này có công việc phải rời khỏi trú xứ gấp, và Tăng chúng đông đúc, tập hợp khó khăn, thì vật phạm kia cũng được trao lại ngay lúc ấy. Ngoài hai trường hợp này, các trường hợp khác phải để cách đêm mới trao lại. Vì, nếu trao ngay lại, thì vật phạm trước và vật nhận sau sẽ có thời gian liên tục, như vậy trái với Luật định.
Nhưng theo Luật Sư Hoằng Xuyên, trong Tăng Già Tác Trì Yếu Tập, trang 312, thì chỉ trừ 5 vật kể trên và các điều cất giữ vàng bạc, mua bán bảo vật, dùng tơ tằm làm ngọa cụ, ngoài ra các vật thuộc 22 giới khác từ ly y túc cho đến giới biển thủ Tăng vật, đều nên trao ngay tại lúc ấy.
1/ Thể thức trao lại vật ngay khi ấy:
Vị sám chủ hai tay cầm y, bạch như sau:
Bạch Đại đức Tăng, Tỳ-kheo… này cố chứa y dư quá 10 ngày, phạm tội Xả đọa. Y này đã xả cho chúng Tăng. Nếu Tăng bằng lòng, thì giờ đây đem y này trả lại cho Tỳ-kheo… đây là lời tác bạch.
Bạch Đại đức Tăng! Tỳ-kheo… này cố chứa y dư quá 10 ngày, phạm tội Xả đọa. Y ấy đã xả cho chúng Tăng. Tăng nay đem y ấy trả lại cho Tỳ-kheo… các Đại đức nào bằng lòng Tăng nay đem y ấy trả lại cho Tỳ-kheo… thì im lặng; ai không bằng lòng thì nói.
Tăng đã bằng lòng trả y lại cho Tỳ-kheo…, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.
2/ Thể thức để qua đêm trao lại vật:
Nếu như không có nhân duyên đặc biệt thì 5 vật kể trên phải để trải qua đêm mới trao lại. Nhưng khi tập họp Tăng, nếu tác pháp tại giới trường thì không cần phải thuyết dục. Nghĩa là không cần phải tập họp toàn bộ Tăng mà chỉ tập họp một số người vẫn được. Thể thức như đã trình bày ở trên.
3/ Thể thức trao lại bát:
Nếu cái bát của thầy Tỳ-kheo sử dụng, chưa hàn đủ 5 chỗ, mà vì chuộng đẹp, sắm thêm bát mới, thì cái bát này sau khi xả giữa chúng Tăng, Tăng bắt buộc phải để hôm sau mới hoàn lại.
Luật Tăng Kỳ nói: Sau khi ấn định ngày giờ hoàn lại bát, phải thông báo cho mọi người mang theo cái bát mình đang sử dụng lúc đến tập họp.
Khi Tăng tập họp xong, lại cử một người đi đưa bát. Người này trước hết cầm cái bát đã phạm ấy đến dâng cho Thượng tọa. Nếu ngài thích đổi, thì xin lại cái bát cũ của ngài, đem đến Trung tọa đổi tiếp. Cứ thế lần lượt cho đến cái bát cuối cùng của người thấp hạ nhất. Sau đó đem cái bát này trao cho người đã phạm tội, bắt phải giữ gìn cho đến trọn đời, không được sử dụng, không được tịnh thí và không được làm vỡ. Hoặc giả, Tăng chúng không ai muốn đổi cái bát ấy, thì cuối cùng bát ấy cũng được trao lại cho chủ cũ và bắt phải giữ gìn như trên.
6. Sám hối tội Ba-dật-đề
Sám hối tội này chủ yếu giống như sám hối tội Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề, chỉ khác nhau là không có tài vật để xả bỏ. Khi sám hối thì thỉnh một Tỳ-kheo thanh tịnh, rồi đối thủ sám hối ngay trong trú xứ (giới nội) mà không phạm tội biệt chúng.
Vị Tỳ-kheo cầu sám hối phải đến trước một Tỳ-kheo thanh tịnh làm lễ 3 lạy, chắp tay, quỳ gối thỉnh như sau:
– Đại đức nhất tâm niệm! Tôi Tỳ-kheo (mỗ giáp) cố ý vọng ngữ (giới thứ nhất của Ba-dật-đề), phạm tội Ba-dật-đề. Nay xin thỉnh Đại đức làm chủ sám hối, mong Đại đức vì tôi làm chủ sám hối. Xin thương xót tôi (3 lần).
Vị sám chủ đáp: “Tốt”.
Vị kia nói: “Xin vâng”. Rồi lạy 1 lạy.
Nếu vị thọ sám là Thượng tọa, hoặc là Sư trưởng thì nên bảo: “Cho phép ông sám hối”.
6.1. Thể thức thẩm sát các tội tùng sinh
Người xin sám hối lạy vị chủ sám 1 lạy, rồi chắp tay quỳ xuống. Vị sám chủ bắt đầu hỏi: “Thầy phạm tội ấy đến nay đã bao lâu rồi? Đã từng hướng đến người khác phát lồ chưa?”
(Nếu đáp có phát lồ thì không phạm tội phú tàng. Nếu đáp chưa phát lồ tức là có tội phú tàng. Đáp xong, lại hỏi tiếp).
Sau khi thầy phạm tội này rồi có nghe Tăng thuyết giới vào mỗi nửa tháng hay không?
(Nếu đáp “có” thì nên bảo):
– Sau khi thầy phạm tội này, lẽ ra phải hướng đến thầy Tỳ-kheo thanh tịnh phát lồ sám hối, nhưng vì không sám hối để trải qua 1 đêm, nên từ tội Ba-dật-đề này phát sinh 1 tội Đột-cát-la phú tàng. Hôm sau, lẽ ra phải phát lồ, thầy không phát lồ nên lần lượt trải qua 1 đêm, do đó mắc thêm 1 tội Đột-cát-la phú tàng. Thầy phạm tội mà che giấu không chịu phát lồ thì bản thân không thanh tịnh, không nên nghe giới, thế mà thầy lại nghe giới, nên lại phạm thêm một tội Đột-cát-la do nghe Tăng thuyết giới. Tội này lại cũng không phát lồ, rồi trải qua một đêm che giấu, tiếp theo đêm sau lần lượt che giấu, thế là mắc phải hai tội tùng sinh. Luật dạy: “Khi Tăng thuyết giới, trải qua 3 lần hỏi, người nào nhớ biết mình có tội mà không phát lồ thì phạm Đột-cát-la”. Thầy đã nghe Tăng thuyết giới, tụng đến giới ấy (tức là giới đã phạm), lại hỏi đến 3 lần “có thanh tịnh hay không?”, lẽ ra phải phát lồ, mà vì không phát lồ nên phạm tội Đột-cát-la khi Tăng thuyết giới mà im lặng vọng ngữ. Tội này lại cũng không phát lồ, trải qua đêm che giấu, rồi lần lượt đêm kế tiếp che giấu, nên mắc phải hai tội tùng sanh”.
Mỗi mỗi hỏi xong, thẩm định có hay không, tùy đáp nhiều hay ít, có (bao nhiêu) tội tùng sanh, liền bảo:
Căn cứ vào những điều thầy đã nói thì gồm chung có 8 tội nhỏ: Một là nghe giới, phạm 1 Đột-cát-la. Hai là im lặng vọng ngữ, phạm 1 Đột-cát-la. Hai phẩm tội này mỗi tội đều có trải qua đêm, rồi đêm kế tiếp che giấu, và 2 phẩm che giấu tội căn bản Ba-dật-đề, cho nên gọi là 8 phẩm tiểu tội. Trước đây thầy thỉnh làm chủ sám hối tội Ba-dật-đề, nay thầy phải thỉnh riêng tôi làm chủ sám hối tội Đột-cát-la. Trước hết phải sám hối tội nhỏ cho xong, sau đó mới sám hối tội Ba-dật-đề.
6.2. Thể thức thỉnh vị chủ sám tội Đột-cát-la
Người xin sám hối làm lễ một lạy, rồi chắp tay, quỳ xuống, thỉnh như sau:
– Đại đức nhất tâm niệm! Tôi Tỳ-kheo (mỗ giáp), nay xin thỉnh Đại đức làm chủ lễ sám hối tội Đột-cát-la. Kính mong Đại đức vì tôi làm chủ lễ sám hối tội Đột-cát-la. Xin thương xót tôi. (3 lần)
Vị thọ sám nói: “ Tốt lắm.”
Người sám hối nói: “Xin vâng”, rồi lạy 1 lạy.
6.3. Thể thức sám hối tội Tùng sanh Đột-cát-la
Người phạm tội quỳ gối, chắp tay bạch:
– Đại đức nhất tâm niệm! Tôi Tỳ-kheo (mỗ giáp), cố vọng ngữ (ngoài ra, tùy theo tội phạm, tên tội, chủng loại mà kê khai riêng ra), phạm tội Ba-dật-đề, trải qua một đêm che giấu, rồi qua đêm kế tiếp lại lần lượt che giấu, đồng thời nghe Tăng thuyết giới, và im lặng vọng ngữ, phạm tội Đột-cát-la. Trải qua đêm lại che giấu, tiếp theo đêm sau lại che giấu, phạm thêm tội Đột-cát-la, không nhớ số lượng (nếu chỉ có một lần thì không cần dùng câu “không nhớ số lượng” mà chỉ nói):
Nay hướng đến Đại đức phát lồ sám hối, không dám làm nữa. Kính mong Đại đức chứng minh cho tôi.(3 lần)
Vị chủ sám bảo: “Hãy tự trách tâm thầy mà sinh nhàm chán”.
Đáp: “Xin vâng”, rồi lạy 1 lạy.
6.4. Chính thức sám hối tội căn bản Ba-dật-đeÀ
Người sám hối quỳ gối, chắp tay, tác bạch như sau:
Đại đức nhất tâm niệm! Tôi Tỳ-kheo (mỗ giáp), cố vọng ngữ, phạm (bao nhiêu) tội Ba-dật-đề (nếu nhiều quá không nhớ số thì đổi hai chữ “bao nhiêu” thành ra nhiều tội).
Nay hướng đến Đại đức phát lồ sám hối, không dám che giấu. Sám hối thì được an lạc, không sám hối thì không an lạc, nhớ những tội đã phạm xin phát lồ, đã biết không dám che giấu nữa. Mong Đại đức nhớ cho tôi thanh tịnh, giới thân đầy đủ, thanh tịnh Bố-tát (ức ngã thanh tịnh, giới thân Cụ túc, thanh tịnh bố tát). (nói 3 lần).
Vị sám chủ bảo: “Hãy tự trách tâm thầy mà sinh nhàm chán”.
Đáp: “Xin vâng”, rồi lạy 1 lạy.
(Tăng già tác trì yếu tập, trang 323 – 333)
7. Sám hối tội Ba-la-đề Đề-xá-ni
Ba-la-đề-đề-xá-ni là phiên âm của chữ (Pàli) Patidesaniya, dịch nghĩa là Hướng bỉ hối, Tỳ-kheo gồm 4 pháp, Tỳ-kheo-ni có 8 pháp. Tội này là do vấn đề ăn uống mà tăng trưởng lòng tham làm hỏng lòng tín kính của thí chủ, cho nên Phật ngăn cấm. Căn bản Luật Nhiếp nói: Tại một trú xứ, hiện có bao nhiêu Tỳ-kheo, thì đều phải đối diện trình bày riêng với từng người, không giống như các tội khác, nên gọi là Hướng bỉ hối (hướng đến người kia sám hối). Khi phạm tội này, thì phải bày tỏ ngay, không được diên trì.
Căn cứ Luật Tăng Kỳ, Thập Tụng và Tứ Phần, khi phạm tội này, phải hướng đến một người, nói lên một lần sự hối lỗi, tội liền được tiêu trừ.
7.1. Phân biệt tướng của tội.
Nếu Tỳ-kheo không bệnh mà tự tay nhận thức ăn của Tỳ-kheo-ni không phải bà con; hoặc tại nhà cư sĩ, ăn thức ăn do Tỳ-kheo-ni trao cho; hoặc không bệnh mà nhận thức ăn của người học gia; hoặc ở A-lan-nhã không bệnh mà tự tay nhận thức ăn của thí chủ để ăn, thì thành tội. Trong 4 pháp này, nếu nhận thức ăn do Tỳ-kheo-ni trao cho, mà không có Tỳ-kheo nào khuyến cáo, thì thành phạm tội. Những Tỳ-kheo này đều phải hướng vào nhau mà nói lời sám hối (nghĩa là người phạm tội hướng vào người cùng ăn với mình mà nói lời hối lỗi), thì tội mới tiêu trừ. Ngoài ra, 3 pháp kia chỉ cần hướng đến một Tỳ-kheo nói lời sám hối, thì tội được tiêu trừ.
7.2. Thể thức thỉnh vị chủ sám hối tội Đề-xá-ni
Người xin sám hối phải đến một Tỳ-kheo thanh tịnh, đảnh lễ 3 lạy, quỳ gối, chắp tay, xin như sau:
Đại đức nhất tâm niệm! Tôi Tỳ-kheo (mỗ giáp), không bệnh mà ở tại thôn xóm kia, tự tay nhận thức ăn của Tỳ-kheo-ni không phải bà con để ăn, (ngoài ra tùy theo chỗ phạm mà kể ra từng loại tên riêng…) phạm tội Ba-la-đề-đề-xá-ni. Nay kính thỉnh Đại đức làm chủ sám hối, mong Đại đức vì tôi làm chủ sám hối. Xin thương xót. (3 lần).
Sám hối chủ đáp: “Tốt”.
Người ấy nói: “Xin vâng”. Rồi lạy một lạy.
Nếu người thọ sám là Thượng tọa, hoặc Sư trưởng, thì nên nói: “Cho phép thầy sám hối”.
Theo Căn Bản Luật Nhiếp thì khi phạm tội này phải trình bày ngay, không được để lâu, không giống như những tội khác, nên không có các tội phú tàng. Hơn nữa, trong San Bổ Yết Ma và Hành Sự Sao đều không có đề cập đến việc sám hối tiểu tội phú tàng.
7.3. Thể thức sám hối chính
Người xin sám hối, quỳ trước vị sám chủ chắp tay, chí thành xả tội:
Đại đức nhất tâm niệm! Tôi Tỳ-kheo (mỗ giáp) không bệnh mà ở tại thôn xóm cố ý tự tay nhận lấy thức ăn của Tỳ-kheo-ni không phải bà con để ăn, phạm tội Ba-la-đề-đề-xá-ni, phạm pháp đáng quở trách, lẽ ra không nên làm. Nay hướng đến Đại đức xin sám hối.(nói 3 lần)
Sám hối chủ hỏi: “Thầy có thấy tội không?”.
Người sám hối đáp: “Có thấy”.
– Cẩn thận chớ có tái phạm.
– Xin thành kính ghi nhận.
(Lạy 1 lạy rồi trở về vị trí)
8. Sám hối tội Đột-cát-la
Trường hợp phạm tội Đột-cát-la có hai loại không giống nhau.
Kinh Tỳ-ni Mẫu nói: “Nếu cố ý làm thì đối diện sám hối với một người. Nếu làm vì lầm lỡ thì tự trách tâm sám hối”.
8.1. Thể thức thỉnh vị chủ sám hối
Người xin sám hối, tùy ý đến một Tỳ-kheo thanh tịnh, làm lễ, quỳ gối chắp tay, thỉnh như sau:
Đại đức nhất tâm niệm! Tôi Tỳ-kheo (mỗ giáp), cố ý mặc Tăng-già-lê không tề chỉnh, phạm tội Đột-cát-la. Nay xin thỉnh Đại đức làm chủ sám hối, mong Đại đức vì tôi làm chủ sám hối. Xin thương xót (3 lần).
Sám hối chủ nói: “Tốt”.
Người xin sám hối nói: “Xin vâng”, rồi lạy 1 lạy.
Nếu sau khi phạm rồi che giấu, hoặc một ngày hoặc nhiều ngày mới sám hối thì nên thẩm xét các tội tùng sanh, gồm 5 phẩm, hoặc đủ hoặc không đủ, các việc không nhất định, tùy phạm mà nói. Nếu có, trước hết sám hối tội tùng sinh rồi đến căn bản. Cách thức sám hối, tương tự như sám tội Ba-dật-đề. Nếu không che giấu thì thỉnh vị chủ sám rồi, liền sám hối tội căn bản.
8.2. Phép sám hối tội do cố ý
Người xin sám hối, lại phải đối diệän với vị chủ sám, quỳ gối chắp tay, chí thành xả tội:
Đại đức nhất tâm niệm! Tôi Tỳ-kheo (mỗ giáp), cố ý mặc y Tăng-già-lê không tề chỉnh, phạm tội Đột-cát-la. Nay hướng đến Đại đức phát lồ sám hối, không dám làm lại, mong Đại đức chứng minh cho. (nói 1 lần)
Vị sám chủ bảo: “Thầy hãy tự trách lấy mình mà sinh tâm từ bỏ”.
Người sám hối nói: “Xin vâng”.
Ở đây chỉ căn cứ vào giới thứ 2 trong 100 giới chúng học, ngoài ra nếu phạm các giới khác thì cách sám hối giống như trên, chỉ có tên tội là khác thôi.
Nếu phá An cư, thì nói: “Cố phá An cư, phạm tội Đột-cát-la. Nay hướng đến Đại đức phát lồ sám hối, v.v.. .”
Người phá An cư, dù có sám hối cũng không được tuổi hạ, không được y công đức, chỉ khi mệnh chung khỏi sa vào địa ngục; nếu như không sám hối thì mệnh chung sẽ rơi vào địa ngục.
8.3. Sám hối tội do vô ý
Nếu vô ý làm thì pháp sám hối không cần đối diện với người khác, mà chỉ tự trách tâm mình. Nếu không làm nữa, thì tội liền tiêu diệt. Người phạm tội phải sửa soạn đầy đủ oai nghi, tâm sinh tàm quý, miệng nói như sau:
Tôi Tỳ-kheo (mỗ giáp), sơ ý mặc y Tăng-già-lê không tề chỉnh, phạm tội Đột-cát-la, tôi nay tự trách tâm mà hối lỗi. (nói 1 lần).
(1) – Nghĩa là trước đây đã được Tăng sai đi giáo giới, nhưng nay không được đi nữa.
(2) – Tương tự: 3 tội Ba-la-di khác.
Tùng sinh: Tức loại tội Thâu-lan-giá của Ba-la-di.
Nặng hơn: Tức tội nghịch hay phá phạm hạnh người khác.
(1) – Luật Trùng Trị và Huyền Ty.
II. VI PHẠM VÀ TRỪNG PHẠT
1. Pháp Yết-ma khiển trách
Sự kiện phạm tội xảy ra như sau:
Lúc bấy giờ Phật đang ở tại nước Xá-vệ, cĩ hai Tỳ-kheo Trí Tuệ và Lơ-ê-na, ưa đấu tranh, mắng chửi nhau, miệng vung ra đao kiếm, chỉ trích lẫn nhau. Nếu cĩ những Tỳ-kheo khác cũng ưa đấu tranh như thế thì họ liền đến khuyên: “Các thầy hãy nỗ lực, chớ để thua bọn kia. Các thầy là hạng nghe nhiều cĩ trí tuệ, của cải cũng nhiều hơn bọn kia, lại cĩ đơng bạn bè tri thức. Chúng tơi sẽ làm bạn với các thầy”. Do đĩ, trong Tăng chúng chưa cĩ sự tranh chấp thì xảy ra tranh chấp; đã cĩ tranh chấp thì khơng thể dập tắt. Bấy giờ cĩ các Tỳ-kheo thiểu dục, tri túc, nghiêm trì giới luật, khiển trách hai Tỳ-kheo kia, rồi đi đến bạch với Thế Tơn. Thế Tơn bèn cho tập họp các Tỳ-kheo, rồi khiển trách hai Tỳ-kheo ấy: “Các ngươi làm những việc sai trái, chẳng hợp oai nghi, chẳng phải pháp Sa-mơn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm những việc khơng nên làm. Vì sao hai người lại đấu tranh, mắng chửi nhau như thế?”. Rồi Thế Tơn bảo các Tỳ-kheo bạch tứ Yết-ma khiển trách hai Tỳ-kheo ấy qua thủ tục: tập họp Tăng, tác cử (nêu tội); tác cử xong, tác ức niệm (bảo họ hãy nhớ lại tội của mình); tác ức niệm xong, mới kết tội (dữ tội).
Thầy Yết-ma bạch Tăng như sau:
– Bạch Đại đức Tăng! Tỳ-kheo Trí Tuệ và Lơ-ê-na hay đấu tranh, mắng chửi nhau. Nếu cĩ Tỳ-kheo nào xích mích với người khác thì họ đến khuyên rằng: “Các thầy là hạng đa văn trí tuệ, của cải cũng nhiều hơn bọn họ, lại cĩ đơng bạn bè tri thức. Chúng tơi sẽ làm bạn với các thầy”. Do đĩ, khiến Tăng chưa cĩ sự tranh chấp thì sinh ra tranh chấp, đã cĩ tranh chấp thì khơng thể dập tắt. Thuận theo Tăng thời đã đến, xin Tăng bằng lịng cho Tỳ-kheo… pháp Yết-ma khiển trách. Sau này nếu cịn đấu tranh, mắng chửi nhau nữa, thì Tăng sẽ trị tội nặng hơn. Đây là lời tác bạch.
– Bạch Đại đức Tăng! Tỳ-kheo Trí Tuệ và Lơ-ê-na hay đấu tranh, mắng chửi nhau. Nếu cĩ Tỳ-kheo nào xích mích với người khác thì họ đến khuyên rằng: “Các thầy là hạng đa văn trí tuệ, của cải cũng nhiều hơn bọn họ, lại cĩ đơng bạn bè tri thức. Chúng tơi sẽ làm bạn với các thầy”. Do đĩ, khiến Tăng chưa cĩ sự tranh chấp thì sinh ra tranh chấp, đã cĩ tranh chấp thì khơng thể dập tắt. Thuận theo Tăng thời đã đến, xin Tăng bằng lịng cho Tỳ-kheo… pháp Yết-ma khiển trách. Sau này nếu cịn đấu tranh, mắng chửi nhau nữa, thì Tăng sẽ trị tội nặng hơn. Đại đức nào bằng lịng việc Tăng cho Tỳ-kheo… pháp Yết-ma khiển trách, thì im lặng; ai khơng bằng lịng hãy nĩi. (3 lần)
Tăng đã bằng lịng cho Tỳ-kheo… pháp Yết-ma khiển trách, vì im lặng. Tơi ghi nhận như vậy.
Sau khi kết tội, hai Tỳ-kheo ấy phải thi hành 35 việc, từ việc thứ nhất: “khơng được truyền đại giới cho người”, cho đến việc 35: “khơng được tranh chấp với Tỳ-kheo thanh tịnh”, như trường hợp người học hối.
Nếu sau đĩ họ ăn năn hối cải, khơng gây gổ nhau nữa, thì cĩ thể xin Tăng làm Yết-ma giải trừ pháp khiển trách, và Tăng sẽ bạch tứ Yết-ma giải trừ pháp khiển trách cho họ.
Trái lại nếu họ khơng chấm dứt gây gổ nhau, thì Tăng sẽ cho pháp Yết-ma xả trí (vứt bỏ ra ngồi Tăng đồn). (Căn Bản Ni Đà Na).
Hoặc giả họ phạm năm pháp sau đây thì Tăng cũng khơng cho giải trừ pháp Yết-ma khiển trách:
1. Dựa thế lực vua chúa.
2. Dựa thế lực các quan.
3. Dựa thế lực kẻ khác.
4. Dựa thế lực ngoại đạo.
5. Dựa thế lực Tăng đồn.
(Căn Bản Bách Nhất Yết Ma)
2. Pháp Yết-ma tẫn xuất
Lúc bấy giờ tại nước Ky-ly-na, cĩ hai Tỳ-kheo cựu trú tên A-thấp-ty và Phú-na-bà-ta, cĩ những hành vi bất hảo, làm hoen ố nhà người, ai cũng thấy, ai cũng nghe. Họ tự trồng hoa và khuyên người khác trồng hoa, rồi hái hoa kết thành tràng, đem tặng các nhà bạch y. Họ sống chung đụng với nam nữ cư sĩ, cùng ngồi một giường, ăn một bát, uống một ly, ca múa, cười đùa. Hoặc chơi các thứ nhạc cụ, hoặc người khác trổi nhạc, họ liền hịa theo; hoặc thổi sáo, thổi tù và, đánh trống; hoặc giả tiếng chim cơng, chim hạc; hoặc chạy, hoặc giả vờ đi khập khiễng; hoặc huýt sáo, hoặc làm trị hề. Bấy giờ cĩ các Tỳ-kheo từ nước Già-thi du hành đến nước Ky-ly-na. Sáng sớm, họ mặc y cầm bát vào thành khất thực, đi đứng cĩ oai nghi thứ tự, nghiêm trang, tề chỉnh, mắt ngĩ thẳng phía trước khơng liếc ngĩ hai bên. Các cư sĩ thấy thế liền bảo nhau: “Đây là những người nào mà mắt đăm đăm phía trước, khơng ngĩ qua ngĩ lại hai bên, khơng cĩ vẻ thân thiện, khơng chào hỏi an ủi ai cả, rất mất cảm tình. Chúng ta khơng nên cúng dường những người này mà chỉ cúng dường hai Tỳ-kheo A-thấp-ty và Phú-na-bà-ta của chúng ta mà thơi”. Do đĩ, hai Tỳ-kheo này được thức cúng dường dễ dàng. Các Tỳ-kheo nước Già-thi suy nghĩ: “Các Tỳ-kheo kỳ cựu này cĩ những hành vi bất hảo, xa rời các Tỳ-kheo tốt, làm những việc xấu thậm chí cịn làm sứ giả cho người”. Nghĩ thế rồi, họ bèn về trình lên Thế Tơn. Thế Tơn liền cho gọi hai Tỳ-kheo ấy đến khiển trách, rồi bảo các Tỳ-kheo bạch tứ Yết-ma khu tẫn hai Tỳ-kheo ấy. (Tứ Phần Luật, Đ 22 tr 890b-891b).
Thể thức bạch Yết-ma như sau:
– Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo… này, ở thơn xĩm (…), làm hoen ố nhà người, làm hạnh xấu. Làm hoen ố nhà người ai cũng thấy cũng nghe, làm hạnh xấu ai cũng thấy cũng nghe. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay cho Tỳ-kheo.. pháp Yết-ma tẫn xuất, khiển trách như sau: “Thầy làm hoen ố nhà người, làm hạnh xấu. Làm hoen ố nhà người ai cũng thấy cũng nghe, làm hạnh xấu ai cũng thấy cũng nghe. Thầy nên rời khỏi nơi này, khơng nên ở đây nữa”. Đây là lời tác bạch.
– Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo… này, ở thơn xĩm (…), làm hoen ố nhà người, làm hạnh xấu. Làm hoen ố nhà người ai cũng thấy cũng nghe, làm hạnh xấu ai cũng thấy cũng nghe. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay cho Tỳ-kheo… pháp Yết-ma tẫn xuất, khiển trách như sau: “Thầy làm hoen ố nhà người, làm hạnh xấu. Làm hoen ố nhà người, ai cũng thấy cũng nghe, làm hạnh xấu ai cũng thấy cũng nghe. Thầy nên rời khỏi nơi này, khơng nên ở đây nữa”. Các Đại đức nào bằng lịng cho Tỳ-kheo… này pháp Yết-ma tẫn xuất thì im lặng; ai khơng bằng lịng hãy nĩi. Đây là Yết-ma lần thứ nhất. (lần thứ hai, thứ ba cũng nĩi như thế).
– Tăng đã bằng lịng cho Tỳ-kheo… pháp Yết-ma tẫn xuất, vì im lặng. Tơi ghi nhận như vậy.
Sau khi tăng đã cho pháp Yết-ma tẫn xuất, vị này phải tuân hành 35 pháp như người học hối. Luật Tăng Kỳ cịn bảo: “Sau khi làm pháp Yết-ma, phải cho người này ở bên ngồi già lam”.
Luận Tỳ-bà-sa nĩi: “Làm hoen ố nhà người tức là làm những việc xấu, phá hoại lịng tín kính của người khác. Người tại gia đem của cải của mình cúng dường Tam bảo là để gieo trồng thiện căn, cầu được phước báo. Nếu người xuất gia đem của tín thí cho lại người tại gia tức là làm mất lợi ích của họ, khiến lịng tín kính của họ đối với Tam bảo bị thương tổn, đồng thời cịn làm cho những người xuất gia khác mất các thứ lợi dưỡng”.
Người bị tẫn xuất, nếu biết ăn năn hối cải, tùy thuận chúng Tăng, khơng dám trái nghịch, thì Tăng sẽ bạch tứ Yết-ma giải pháp tẫn xuất. Nhưng theo Luật Nhiếp, nếu phạm 20 việc sau đây thì khơng cho giải pháp tẫn xuất:
Ở trong Tăng chúng, khơng siêng năng, khơng tỏ vẻ cung kính.
Ở trong Tăng chúng, khơng biết khiêm tốn, vẫn giữ tính ngạo mạn.
Ở ngồi Tăng chúng, khơng phục tùng pháp trị phạt.
Ở ngồi Tăng chúng, tỏ ra ngang bướng, khơng biết cung kính.
Khơng cầu được giải trừ pháp diệt tẫn, khơng sám hối lỗi lầm.
Hoặc cậy thế nhà vua.
Hoặc cậy thế quan tịa
Hoặc nương tựa ngoại đạo.
Hoặc nương nhờ người cĩ thế lực.
10. Khơng nương tựa chúng Tăng.
11. Mặc áo như người thế tục.
12. Mặc áo ngoại đạo.
13. Nương nhờ ngoại đạo mà sống.
14. Làm những việc khơng đáng làm.
15. Khơng tu tập những giới luật của Tỳ-kheo.
16. Hoặc mắng Tỳ-kheo.
17. Hoặc cĩ khi giận dữ đối với Tỳ-kheo.
18. Hoặc là nguyền rủa Tỳ-kheo
19. Hoặc làm cho chúng Tăng mất lợi.
20. Hoặc khơng muốn ở chung với chúng Tăng.
3. Pháp Yết-ma y chỉ
Lúc đức Thế Tơn đang ở nước Xá-vệ, cĩ Tỳ-kheo Tăng Sơ, ngu si, khơng biết phép tắc, phạm nhiều lỗi lầm, thường ở chung với các người bạch y, khơng tuân theo giới luật. Phật biết được việc đĩ bèn khiển trách Tỳ-kheo Tăng Sơ, rồi bảo chúng Tăng bạch tứ Yết-ma, cho Tăng Sơ pháp y chỉ.
Thầy Yết-ma tác bạch:
– Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ kheo… này ngu si, khơng biết phép tắc, phạm nhiều lầm lỗi, cùng ở chung với các cư sĩ, khơng tuân theo giới luật. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay bằng lịng cho Tỳ-kheo… pháp Yết-ma y chỉ. Đây là lời tác bạch.
– Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo… này ngu si, khơng biết phép tắc, phạm nhiều lầm lỗi, cùng ở chung với các cư sĩ, khơng tuân theo giới luật, Tăng nay cho Tỳ-kheo… pháp Yết-ma y chỉ, các Đại đức nào bằng lịng việc Tăng cho Tỳ-kheo… pháp Yết-ma y chỉ thì im lặng, ai khơng bằng lịng thì hãy nĩi. Đây là Yết-ma lần thứ nhất (lần thứ 2, thứ 3 cũng nĩi như thế).
Tăng đã bằng lịng cho Tỳ-kheo… pháp Yết-ma y chỉ, vì im lặng. Tơi ghi nhận như vậy.
Sau khi Tăng tác pháp Yết-ma, vị này phải y chỉ thầy Tỳ-kheo đa văn, trí tuệ, cĩ đức, mà nghiêm trì giới luật, nỗ lực tu học, khơng được buơng lung. Lại phải tuân hành 35 pháp như người học hối.
Nếu một thời gian sau, vị này biết ăn năn hối cải, tùy thuận chúng Tăng, tu học tiến bộ, Tăng sẽ làm Yết-ma giải pháp y chỉ cho thầy. [Tăng Kỳ tập III, tr. 419, 423, 439] [tập IV, tr. 168]
4. Pháp Yết-ma cấm đến nhà cư sĩ
(Yết-ma phát hỉ)
Nguyên nhân sự việc xảy ra như sau:
Bấy giờ đức Thế Tơn đang ở tại nước Xá-vệ, hai Tơn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên hướng dẫn 500 Tỳ-kheo từ nước Già-thi du hành đến Mật Lâm, và đang cư trú tại vườn A-ma-lê. Cư sĩ Chất-đa-la hay tin ấy, liền đến viếng thăm, được hai Tơn giả thuyết pháp khai thị khiến ơng rất hoan hỷ. Do đĩ, ơng cung thỉnh hai Tơn giả và Tăng chúng hơm sau đến nhà ơng thọ trai. Được hai ngài chấp thuận, ơng liền về nhà chuẩn bị bữa cơm cúng dường. Khi ấy, một vị Tỳ-kheo cựu trú tại vườn A-ma-lê là Thiện Pháp, suy nghĩ: “Ta hãy đến nhà cư sĩ Chất-đa-la, xem cách thức ơng cúng dường thức ăn cho Tỳ-kheo khách và Tỳ-kheo chủ khác nhau như thế nào”. Thế rồi, thầy đi đến đĩ, vào thẳng trong bếp, thấy tồn những thức ăn thượng hảo hạng, bèn nổi xùng, nĩi với cư sĩ Chất-đa-la: “Trong các thức ẩm thực mà cư sĩ sửa soạn cúng dường so với các thức ăn thượng hạng của thế gian thì chẳng thua kém chút nào, chỉ tiếc là thiếu hồ ma tể (xác mè ép: thức ăn tồi) mà thơi”.
Cư sĩ liền nĩi: “Trưởng lão Thiện Pháp, thầy từng gìn giữ kho báu chánh pháp như căn, lực, giác ý, thiền định, chánh thọ, mà sao lại nĩi những lời thơ bỉ như thế! Tơi đã chuẩn bị những thức ăn mỹ diệu như thế này thì cịn dùng hồ ma tể làm chi nữa? Tơi xin nêu một ví dụ, người cĩ trí khi nghe ví dụ sẽ tự hiểu lấy: ví như tại một nước kia khơng cĩ gà. Rồi cĩ người đem đến bán một con gà mái. Con gà này, vì khơng cĩ gà cồ, nên rập với một con quạ, rồi đẻ trứng, nở ra gà con. Nhưng gà con này khơng kêu được tiếng gà, cũng khơng kêu được tiếng quạ; do đĩ, nên gọi là gà quạ. Cũng như thế đĩ Thiện Pháp, thầy đã gìn giữ kho báu chánh pháp như căn, lực mà lại nĩi những lời thơ bỉ thì chẳng khác gì con gà quạ kia”.
Thiện Pháp giận dữ trách: “Cư sĩ đã mắng tơi, tơi đi về đây”.
Cư sĩ nĩi: “Đại đức Thiện Pháp! Tơi khơng nĩi ác, cũng khơng cĩ mắng, Đại đức nên vui vẻ sống tại Mật Lâm này, tơi sẽ cung cấp y phục, ngọa cụ, thức ăn, thuốc men cho Đại đức. Đại đức đừng đi đâu cả; cĩ đi đâu rồi cũng trở về đây thơi. Nếu Đại đức cĩ đến chỗ đức Thế Tơn, thì xin hãy trình bày trung thực những gì xảy ra giữa tơi và Đại đức.”
Thiện Pháp giận dữ, từ biệt cư sĩ, đi đến chỗ Thế Tơn, trình bày đầy đủ sự kiện vừa rồi lên Thế Tơn. Thế Tơn bèn dùng nhiều phương tiện khiển trách Thiện Pháp, rồi bảo chúng Tỳ-kheo bạch tứ Yết-ma, ngăn khơng cho Thiện Pháp đến nhà cư sĩ Chất-đa-la nữa.
Thể thức bạch tứ Yết-ma như sau:
– Đại đức Tăng xin lắng nghe! Cư sĩ (Chất-đa-la) kia là người đàn việt cĩ lịng tin, thường ưa bố thí, cúng dường chư Tăng. Thế mà Tỳ-kheo (Thiện Pháp) dùng lời hạ tiện, mạ lỵ ơng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay bằng lịng làm Yết-ma cấm Tỳ-kheo (Thiện Pháp) đến nhà cư sĩ. Đây là lời tác bạch.
– Đại đức Tăng xin lắng nghe! Cư sĩ (Chất-đa-la) kia là người đàn việt cĩ lịng tin, thường ưa bố thí, cúng dường chư Tăng. Thế mà Tỳ-kheo (Thiện Pháp) dùng lời hạ tiện, mạ lỵ ơng. Tăng nay bằng lịng làm Yết-ma cấm Tỳ-kheo (Thiện Pháp) đến nhà cư sĩ. Các Đại đức nào bằng lịng việc Tăng làm Yết-ma cấm Tỳ-kheo (Thiện Pháp) đến nhà cư sĩ thì im lặng; ai khơng bằng lịng hãy nĩi. Đây là Yết-ma lần thứ nhất. (lần thứ 2, lần thứ 3 cũng nĩi như thế).
– Tăng đã bằng lịng làm Yết-ma cấm Tỳ-kheo (Thiện Pháp) đến nhà cư sĩ, vì im lặng. Tơi ghi nhận như vậy.
Tăng làm pháp Yết-ma này với điều kiện người cư sĩ cĩ 5 pháp sau đây:
1. Biết cung kính cha.
2. Biết cumg kính mẹ.
3. Biết tơn kính Sa-mơn.
4. Biết tơn kính Bà-la-mơn.
5. Giữ gìn kiên cố những việc cần phải giữ gìn.
Nếu cư sĩ trái với 5 pháp trên, thì Tăng sẽ khơng làm yết ma ngăn Tỳ-kheo. Hơn nữa, pháp Yết-ma này là dành cho những Tỳ-kheo phạm 10 pháp sau đây:
1. Dùng lời ác độc mắng cư sĩ.
2. Dùng phương tiện làm cho nhà cư sĩ giảm sút đạo tâm.
3. Làm cho họ thất lợi.
4. Làm cho họ mất chỗ ở.
5. Làm cho nhà cư sĩ náo loạn.
6. Hủy báng Phật trước mặt cư sĩ.
7. Hủy báng Pháp trước mặt cư sĩ.
8. Hủy báng Tăng trước mặt cư sĩ.
9. Mắng cư sĩ bằng những lời hạ tiện.
10. Hứa với cư sĩ một điều gì đĩ mà khơng thực hiện.
Tỳ-kheo bị Tăng cho pháp Yết-ma này phải tuân thủ 35 pháp như người học hối.
Tiếp đến, Tăng sẽ sai một Tỳ-kheo cĩ đủ 8 pháp sau đây, đưa Tỳ-kheo Thiện Pháp đến nhà cư sĩ Chất-đa-la để sám hối:
1. Đa văn.
2. Nĩi năng khéo léo.
3. Hiểu rõ việc mình làm.
4. Hiểu được ý người khác.
5. Chịu lắng nghe lời người khác trình bày.
6. Cĩ thể ghi nhớ được sự việc.
7. Khơng cĩ khuyết điểm.
8. Hiểu rõ ý nghĩa lời nĩi thiện hay ác.
(Tứ phần Luật, Đ22 tr. 893a.)
Tơn giả A-nan cĩ đủ 8 pháp ấy nên được Tăng bạch nhị Yết-ma sai dẫn Thiện Pháp đi sám hối. Khi đến nơi, tơn giả A-nan nĩi với cư sĩ như sau để sám hối: “Tăng đã trách phạt Tỳ-kheo Thiện Pháp rồi”.
Nếu cư sĩ chấp nhận cho sám hối thì tốt; nếu khơng chấp nhận thì phải dẫn Tỳ-kheo kia đến chỗ mà cư sĩ mắt thấy, tai khơng nghe, bảo phải sám hối như pháp. Rồi trở lại nĩi với cư sĩ như sau để sám hối: “Thầy Tỳ-kheo kia trước đây phạm tội, nay sám hối xong, tội đã trừ diệt”.
Nếu ơng ta cho sám hối thì tốt, bằng khơng chịu, thì người phạm tội phải thân hành đến sám hối với cư sĩ.
Trong trường hợp cư sĩ ấy vẫn khơng chịu nhận sám hối, thì chúng Tăng nên bảo vị Tỳ-kheo kia dời đi nơi khác. Nếu thầy khơng đi thì sau này xảy ra điều gì rắc rối, Tăng sẽ khơng chịu trách nhiệm. Nhưng may mắn là trong trường hợp vừa rồi cư sĩ Chất-đa-la đã thuận tình cho sám hối, và Tỳ-kheo Thiện Pháp cũng ăn năn hối lỗi, tùy thuận chúng Tăng, khơng dám trái nghịch. Rồi ít lâu sau đĩ, thầy đến xin Tăng giải Yết-ma cho mình. Do đĩ, Tăng đã đồng ý yêu cầu của thầy, tiến hành giải pháp Yết-ma.
Thầy Yết-ma bạch Tăng như sau:
– Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Tăng đã làm Yết-ma cấm Tỳ-kheo… này đến nhà cư sĩ. Tỳ-kheo này đã tùy thuận chúng Tăng, khơng dám trái nghịch. Nay theo Tăng xin giải Yết-ma cấm đến nhà cư sĩ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay giải pháp Yết-ma cấm đến nhà cư sĩ. Đây là lời tác bạch.
– Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Tăng đã làm Yết-ma cấm Tỳ-kheo… này đến nhà cư sĩ. Tỳ-kheo này đã tùy thuận chúng Tăng, khơng dám trái nghịch. Nay theo Tăng xin giải Yết-ma cấm đến nhà cư sĩ. Các Đại đức nào bằng lịng Tăng giải pháp Yết-ma cấm đến nhà cư sĩ cho Tỳ-kheo… thì im lặng; ai khơng bằng lịng hãy nĩi. Đây là Yết-ma lần thứ nhất (lần thứ 2, lần thứ 3 cũng thế).
Tăng đã bằng lịng giải pháp Yết-ma cấm Tỳ-kheo… đến nhà cư sĩ vì im lặng. Tơi ghi nhận như vậy.
5. Pháp Yết-ma cử tội khơng nhận tội
Lúc bấy giờ Tỳ-kheo Xiển-đà phạm tội, các Tỳ-kheo khác bảo thầy: “Thầy phạm tội, vậy cĩ thấy khơng?”. Xiển-đà đáp: “Tơi khơng thấy”
Các Tỳ-kheo thiểu dục, tri túc khiển trách Xiển-đà rồi đi đến trình lên Thế Tơn. Thế Tơn dùng vơ số phương tiện khiển trách Xiển-đà, rồi bảo các Tỳ-kheo bạch tứ Yết-ma, kết tội Tỳ-kheo Xiển-đà cĩ tội mà khơng thấy tội. Thủ tục tiến hành như sau: Tập họp Tăng rồi nêu lên tội (tác cử); nêu tội rồi bảo vị ấy nhớ lại (tác ức niệm); bảo nhớ lại rồi mới kết tội (dữ tội).
Thầy Yết-ma tác bạch với Tăng:
– Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Tỳ-kheo Xiển-đà này phạm tội. Các Tỳ-kheo khác hỏi: “Thầy phạm tội vậy cĩ thấy khơng?” Xiển-đà đáp: “Tơi khơng thấy”. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay cho Tỳ-kheo… pháp Yết-ma cử tội khơng thấy tội. Đây là lời tác bạch.
– Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Tỳ-kheo Xiển-đà này phạm tội. Các Tỳ-kheo khác hỏi: “Thầy phạm tội vậy cĩ thấy khơng?” Xiển-đà đáp: “Tơi khơng thấy”. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay cho Tỳ-kheo… pháp Yết-ma cử tội khơng thấy tội. Các Đại đức nào bằng lịng Tăng làm Yết-ma kết tội Xiển-đà khơng thấy tội thì im lặng; ai khơng bằng lịng hãy nĩi. Đây là Yết-ma lần thứ nhất. (lần thứ 2, thứ 3 cũng thế).
– Tăng đã bằng lịng làm Yết-ma kết tội Tỳ-kheo Xiển-đà khơng thấy tội, vì im lặng. Tơi ghi nhận như vậy.
Sau khi Tăng làm Yết-ma, vị này phải tuân hành 35 pháp như người học hối. Nếu người này biết ăn năn hối cải, tùy thuận chúng Tăng, thì Tăng sẽ làm Yết-ma giải tội.
6. Pháp Yết-ma cử tội, cĩ tội mà khơng sám hối
Bấy giờ Tỳ-kheo Xiển-đà phạm tội, các Tỳ-kheo bảo: “Thầy cĩ tội, phải sám hối.” Xiển-đà đáp: “Tơi khơng sám hối”. Các Tỳ-kheo bèn đem việc ấy bạch lên đức Thế Tơn. Thế Tơn khiển trách Xiển-đà, rồi bảo các Tỳ-kheo bạch tứ yết ma cử tội Xiền-đà cĩ tội mà khơng sám hối. Mọi thủ tục diễn tiến như trường hợp cử tội khơng thấy tội. Sau đĩ, nếu vị này ăn năn hối lỗi, muốn được giải tội, thì cĩ thể xin Tăng pháp Yết-ma giải tội vào các dịp Tăng thọ trai hoặc Bố-tát.
7. Pháp Yết-ma khuyên người bỏ ác kiến
Lúc bấy giờ Tỳ-kheo A-lợi-tra sinh ra ác kiến như sau: “Theo tơi hiểu ý nghĩa pháp do Phật thuyết giảng, thì phạm dâm dục khơng phải là pháp chướng đạo”.
Các Tỳ-kheo nghe A-lợi-tra sinh ác kiến như thế, liền đến chất vấn thầy. A-lợi-tra bèn xác nhận kiến giải của mình là như vậ. Các Tỳ-kheo bèn khuyến cáo A-lợi-tra: “Này A-lợi-tra! Thầy chớ nĩi như thế. Chớ hủy báng Thế Tơn. Hủy báng Thế Tơn là khơng tốt. Thế Tơn khơng nĩi như vậy. Ngài đã dùng vơ số phương tiện chỉ rõ cách đoạn trừ dâm dục, diệt trừ các ý nghĩ về dâm dục, dập tắt sức nĩng của dục, vượt qua sự trĩi buộc của ái nhiễm. Thế Tơn đã dùng nhiều ví dụ để nĩi về dục: dục giống như hầm lửa lớn, như bĩ đuốc cỏ khơ, như trái chín trên cây, như vật mượn tạm, như miếng xương khơ, như cục thịt, như những gì đã thấy trong mộng, như dẫm trên mũi dao nhọn, như cái nồi đựng đầy nước để ngồi nắng gắt, như rắn độc, như lưỡi đao đang múa, như mũi kích nhọn. Chính đức Thế Tơn đã nĩi như vậy. Này A-lợi-tra! Đức Như Lai đã dạy: “Đoạn dục, xa lìa cấu uế, điều phục khát ái, diệt trừ hang ổ của dục, rời bỏ mọi trĩi buộc, ái hết Niết-bàn”. Thế thì vì sao thầy lại bảo rằng hành dâm khơng phải là pháp chướng đạo?”. Mặc dù các Tỳ-kheo đã ân cần khuyên bảo A-lợi-tra như vậy, nhưng thầy vẫn kiên trì chấp chặt ác kiến, và khẳng định rằng: “Đĩ mới là điều chân thật, ngồi ra đều hư vọng”. Các Tỳ-kheo khơng biết phải làm sao, bèn đem việc ấy đến trình lên đức Thế Tơn. Thế Tơn bèn cho gọi A-lợi-tra đến khiển trách, rồi bảo chúng Tăng từ nay về sau, nếu cĩ Tỳ-kheo nào khởi lên ác kiến thì trước hết sai một Tỳ-kheo thanh tịnh đến khuyên can: “Này Đại đức, Đại đức khơng nên khơng nghe lời khuyên can. Đại đức hãy nghe lời khuyên can. Đại đức phải như pháp khuyên can các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo cũng như pháp khuyên can Đại đức. Hàng đệ tử của Phật phải khuyên căn lẫn nhau, chỉ bảo lẫn nhau, sám hối với nhau, mới tăng thêm lợi ích. Đại đức nên bỏ việc ấy đi, đừng để Tăng khiển trách, mà phạm tội nặng”.
Can như thế mà bỏ thì tốt, nếu khơng bỏ, thì phải tập họp Tăng để khuyên can.
Thể thức bạch Yết-ma như sau:
– Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Tỳ-kheo (mỗ giáp) cĩ ác kiến, khơng nghe lời người khác. Các Tỳ-kheo dùng giới luật để dạy bảo mà khơng chịu nghe lời, lại cịn nĩi với các Tỳ-kheo rằng: “Các Đại đức đừng bảo tơi tốt hay xấu. Tơi cũng khơng bảo các Đại đức tốt hay xấu. Xin các Đại đức hãy thơi đi, đừng khuyên bảo tơi làm chi”. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng hãy khuyên vị Tỳ-kheo… này như sau: “Thầy khơng nên khơng nghe lời khuyên can mà nên nghe lời. Thầy nên như pháp khuyên can các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo cũng như pháp khuyên can thầy. Hàng đệ tử Phật phải khuyên can lẫn nhau, chỉ bảo lẫn nhau, sám hối nhau, mới tăng thêm lợi ích.” Đây là lời tác bạch.
Tác bạch xong, thầy Yết-ma lại bảo:
– Này Đại đức! Tơi đã tác bạch xong, cịn 3 lần Yết-ma nữa. Đại đức nên bỏ việc đĩ đi, đừng để Tăng khiển trách mà thêm tội nặng.
Nếu nghe lời thì tốt, bằng khơng nghe lời, thì bạch Yết-ma lần thứ nhất:
– Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Tỳ-kheo… này cĩ ác kiến khơng chịu nghe lời khuyên can. Các Tỳ-kheo dùng giới luật như pháp dạy bảo mà khơng nghe lời, lại cịn nĩi với các Tỳ-kheo: “Các Đại đức chớ bảo tơi tốt hay xấu. Tơi cũng khơng bảo các Đại đức tốt hay xấu. Các Đại đức hãy thơi đi, chớ bảo tơi làm chi”. Tăng nay khuyên vị Tỳ-kheo… này bỏ việc ấy, như sau: “Thầy khơng nên khơng nghe lời, mà nên nghe lời. Thầy nên như pháp khuyên can các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo cũng phải như pháp khuyên can thầy. Hàng đệ tử của Phật cĩ khuyên can lẫn nhau, chỉ bảo lẫn nhau, sám hối lẫn nhau, mới tăng thêm lợi ích”. Các Đại đức nào bằng lịng để Tăng khuyên can vị Tỳ-kheo… bỏ việc ấy thì im lặng; ai khơng bằng lịng hãy nĩi”. Đây là Yết-ma lần thứ nhất.
Bạch Yết-ma lần thứ nhất xong, nên bảo:
– Này Đại đức! Tơi đã bạch Yết-ma lần thứ nhất xong, cịn hai lần Yết-ma nữa Đại đức nên bỏ việc ấy đi, chớ để Tăng khiển trách mà mắc tội nặng.
Nếu vâng lời thì tốt, bằng khơng vâng lời thì bạch Yết-ma lần thứ hai như trên: Xong hai lần Yết-ma lại bảo:
– Này Đại đức! Tơi đã bạch Yết-ma lần thứ hai xong, cịn một lần Yết-ma nữa. Đại đức nên bỏ việc ấy đi, chớ để Tăng khiển trách mà thêm tội nặng.
Nếu vâng lời thì tốt, bằng khơng vâng lời, thì bạch Yết-ma lần thứ ba như trên, rồi kết luận:
– Tăng đã khuyên vị Tỳ-kheo… bỏ việc ấy xong, vì im lặng. Tơi ghi nhận như vậy.
Khi Yết-ma xong mà bỏ thì phạm 6 tội Đột-cát-la (vì đã được khuyên can ở chỗ vắng 3 lần, và khuyên can ở chỗ nhiều người 3 lần), và 4 tội Thâu-lan-giá, (vì để trải qua 1 lần bạch và 3 lần Yết-ma ở giữa chúng Tăng). Tăng Yết-ma xong mà khơng bỏ thì phạm tội Tăng tàn.
Luật Tăng Kỳ nĩi: “Đối với người cĩ ác kiến này, Tăng chúng khơng nên sống chung, khơng nên cùng nĩi chuyện, cùng ăn chung, cùng làm việc Phật, Pháp, Tăng, khơng cùng Bố tát, tự tứ và làm các pháp Yết-ma. Cĩ thể mời ngoại đạo ngồi, chứ khơng mời người bị cử tội này ngồi. Nếu người này bị bệnh thì Tăng chúng khơng nên chăm sĩc, mà chỉ nhờ đàn việt hoặc thân nhân của vị ấy đến chăm sĩc. Nếu vị ấy chết thì khơng nên dùng hương hoa, thức ăn uống cúng dường tử thi. Tăng cũng khơng nên chia y bát, khơng nên dùng lễ hỏa thiêu, mà nên lấy y bát buộc vào cổ, đặt tử thi lên giường, khiêng ra ngồi già lam, rồi tuyên cáo rằng: “Việc của chúng Tăng đã thanh tịnh. Khơng nên khởi ác tâm đối với Tỳ-kheo ác kiến này.” Sở dĩ làm như vậy là để người sau đừng bắt chước thĩi ác kiến ấy. Nếu trường hợp mục đồng hay người đốn củi nhặt được y bát của người ấy đem đến cúng dường, thì chúng Tăng cĩ thể nhận lấy, vì xem như đĩ là tịnh vật do họ cúng dường. [Tăng kỳ, tập III,tr 294]
8. Pháp Yết-ma can người phá Tăng
Bản chất của Tăng là thanh tịnh và hịa hợp, nên khi Tăng khơng cịn hịa hợp, chia thành nhĩm riêng, sinh hoạt và làm pháp Yết-ma riêng, thì gọi là phá hịa hợp Tăng. Sự phá hịa hợp Tăng gồm cĩ 18 yếu tố như sau:
1. Như pháp mà bảo là phi pháp.
2. Phi pháp mà bảo là như pháp.
3. Đúng luật mà cho rằng khơng đúng luật.
4. Khơng đúng luật mà cho rằng đúng luật.
5. Phạm tội mà cho rằng khơng phạm.
6. Khơng phạm tội mà cho rằng phạm.
7. Tội nhẹ mà cho rằng tội nặng.
8. Tội nặng mà cho rằng tội nhẹ.
9. Tội cĩ thể sám hối mà cho rằng khơng thể sám hối.
10. Tội khơng thể sám hối mà cho rằng cĩ thể sám hối.
11. Tội thơ ác mà cho rằng khơng thơ ác.
12. Tội khơng thơ ác mà cho rằng thơ ác.
13. Việc nên làm mà cho rằng khơng nên làm.
14. Việc khơng nên làm mà cho rằng nên làm.
15. Phật cĩ chế định mà cho rằng Phật khơng chế định.
16. Phật khơng chế định mà cho rằng Phật cĩ chế định.
17. Phật cĩ dạy mà cho rằng Phật khơng dạy.
18. Phật khơng dạy mà cho rằng Phật cĩ dạy.
(Tứ Phần Luật, Đ 22, tr. 883a.)
Chung quy, việc phá Tăng bao gồm trong 2 trường hợp:
1. Phá Yết-ma Tăng.
2. Phá Pháp luân Tăng.
Trường hợp phá Yết-ma Tăng là trong một trú xứ cĩ ít nhất 8 Tỳ-kheo, chia làm hai nhĩm, làm Yết-ma riêng, sinh hoạt riêng, đĩ gọi là phá Yết-ma Tăng. Phá Yết-ma Tăng, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đều cĩ thể phá được, và trong quá khứ, hiện tại, cũng như tương lai đều cĩ thể phá. Trái lại, phá Pháp luân Tăng, ít nhất phải cĩ 9 Tỳ-kheo như pháp, chia làm hai nhĩm, một nhĩm 5 người, một nhĩm 4 người. Trong nhĩm 5 người, cĩ một người tự xưng là Phật, đối lập với đức Phật, đề xướng một giáo pháp hay pháp luân khác với pháp luân của Phật, và cho đĩ là con đường chơn chánh hướng đến Niết-bàn, rồi 4 người kia phụ họa theo. Pháp luân của Phật chỉ cho 8 thánh đạo, tức là 8 con đường chính hướng đến 4 quả Sa-mơn.
Phá Pháp luân Tăng phải là Tỳ-kheo như pháp ở trong cùng cương giới hay ngồi cương giới đều cĩ thể phá, và chỉ cĩ một trường hợp duy nhất xảy ra vào thời đức Phật, do Đề-bà-đạt-đa đề xướng. Tỳ-kheo-ni khơng thể phá pháp luân Tăng. Luật Thập Tụng thuật lại việc Đề-bà-đạt-đa phá Pháp luân Tăng như sau: Điều-đạt (Đề-bà-đạt-da) xuất gia với thiện tâm, trong 12 năm đầu tu hành tinh tấn, nhưng sau đĩ ưa tu phép thần thơng, phế bỏ chánh đạo. Ơng muốn đảo chánh Phật, để giành quyền lãnh đạo chúng Tỳ-kheo, bèn cấu kết với vua A-xà-thế, xúi vua sát hại phụ vương để cướp ngơi, cịn ơng lật đổ Phật để làm lãnh tụ. Một hơm, ơng bàn bạc với 4 người đệ tử là Cụ-già-lê, Càn-đà-phiêu, Ca-lưu-la-đề-xá và Tam-văn-đạt-đa, rồi cùng nhau đến thưa với Phật: “Bạch Thế Tơn! Thế Tơn tuổi tác đã cao, nên giao chúng Tăng lại cho con. Thế Tơn chỉ cần hưởng thọ pháp lạc hiện tại, để chúng Tăng cho con lãnh đạo”.
Phật dạy: “Này Điều-đạt! Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, cĩ đại trí tuệ thần thơng như thế, mà ta cịn khơng giao chúng Tăng cho họ thay, huống gì ngươi là người ngu, là thây chết, mà ta lại đem Tăng chúng giao cho ngươi hay sao?” Bị đức Phật bác bỏ ý đồ đen tối của mình, Điều-đạt bèn bàn với 4 đệ tử tâm phúc như sau: “Ta với các ngươi hãy cùng nhau phá hịa hợp Tăng, hoại pháp luân của Sa-mơn Cù-đàm. Làm được như thế chúng ta sẽ nổi tiếng là người đã phá hịa hợp Tăng và hoại pháp luân”.
Đã rắp tâm như thế, Điều-đạt liền xướng xuất 5 điều phi pháp:
1. Tỳ-kheo suốt đời mặc y phấn tảo.
2. Tỳ-kheo suốt đời sống theo hạnh khất thực.
3. Tỳ-kheo suốt đời chỉ ăn mỗi ngày một bữa.
4. Tỳ-kheo suốt đời ngủ dưới khoảng đất trống.
5. Tỳ-kheo suốt đời khơng ăn thịt.
(Đ23, tr.259a)
Luật dạy: Khi biết cĩ một nhĩm Tỳ-kheo muốn phá Tăng, thì Tăng nên sai một Tỳ-kheo thân tình với nhĩm người ấy đến khuyên can họ. Nếu khuyên can khơng được, thì sai 2, 3 Tỳ-kheo đến khuyên can. Nếu 2, 3 người khuyên can cũng khơng cĩ kết quả, thì phải họp Tăng, bạch tứ Yết-ma khuyên can. (thể thức tương tự như các pháp Yết-ma trước)
Thầy Yết-ma bạch:
– Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Tỳ-kheo (mỗ giáp) này muốn dùng phương tiện phá hịa hợp Tăng, kiên trì khơng bỏ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay làm Yết-ma khuyên thầy bỏ việc ấy như sau: “Này Tỳ-kheo… thầy đừng nên phá hịa hợp Tăng, kiên trì khơng bỏ. Này Tỳ-kheo… thầy nên cùng chúng Tăng hịa hợp, hoan hỷ khơng tranh cãi, như sữa hịa với nước, sống an lạc trong Phật pháp”. Đây là lời tác bạch. (Tác bạch rồi thầy Yết-ma nên khuyên người ấy) Này Đại đức! Tơi đã tác bạch xong, cịn 3 lần Yết-ma nữa, thầy nên bỏ việc ấy, đừng để Tăng làm Yết-ma mà thêm tội nặng.
Nĩi như thế rồi, nếu nghe lời thì tốt, nếu khơng nghe lời thì bạch Yết-ma lần thứ nhất:
– Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Tỳ-kheo… này muốn dùng phương tiện phá hịa hợp Tăng, kiên trì khơng bỏ. Tăng nay khuyên can bỏ việc ấy: “Này Tỳ-kheo… thầy đừng phá hịa hợp Tăng, kiên trì khơng bỏ. Thầy nên cùng chúng Tăng hịa hợp, hoan hỷ, khơng tranh cãi, như sữa hịa với nước, sống an lạc trong Phật pháp”.
– Các Đại đức nào bằng lịng việc Tăng làm Yết-ma khuyên Tỳ-kheo… bỏ việc ấy thì im lặng; ai khơng bằng lịng hãy nĩi. Đây là Yết-ma lần thứ nhất.
Làm yết ma như thế rồi, nên can người ấy rằng:
– Này Đại đức! Tơi đã bạch Yết-ma lần thứ nhất xong, cịn hai lần Yết-ma nữa. Thầy nên bỏ việc ấy, đừng để Tăng làm Yết-ma mà thêm tội nặng.
Nếu nghe lời thì tốt. Nếu khơng nghe lời thì Yết-ma lần thứ 2 như trên. Xong 2 lần Yết-ma nên khuyên:
– Này Đại đức! Tơi đã bạch Yết-ma lần thứ 2 xong rồi, cịn một lần Yết-ma nữa, thầy nên từ bỏ việc ấy, đừng để Tăng làm Yết-ma mà thêm tội nặng.
Nếu bỏ thì tốt, bằng khơng bỏ thì bạch Yết-ma lần thứ 3 như trên rồi kết luận:
– Tăng đã bằng lịng làm Yết-ma khuyên Tỳ-kheo… bỏ việc ấy xong, vì im lặng, tơi ghi nhận như vậy.
Trong pháp khuyên can này, nếu bạch lần đầu chưa xong mà bỏ thì phạm tội Đột-cát-la. Nếu bạch xong mới bỏ thì phạm tội Thâu-lan-giá nhẹ. Nếu một lần bạch và một lần Yết-ma xong mà bỏ, thì phạm hai tội Thâu-lan-giá nhẹ. Nếu 1 lần tác bạch và 2 lần Yết-ma xong mà bỏ thì phạm 3 tội Thầu-lan-giá nặng. Nếu 3 lần Yết-ma xong mà khơng bỏ, thì phạm tội Tăng tàn. Nếu hồn tồn chưa bạch, và khơng bỏ, thì chỉ phạm tội Đột-cát-la.
(Tỳ-ni Tác Trì Tục Thích, Tục Tạng kinh, tập 65, tr. 292-294).
9. Pháp Yết-ma khiển trách đệ tử
Nếu cĩ đệ tử khơng tuân theo phép tắc của thiền mơn, khơng phụng sự Hịa thượng, A-xà-lê, khơng biết hổ thẹn, khơng nghe lời dạy bảo, làm những việc trái oai nghi, khơng cung kính, bướng bỉnh cứng đầu, kết bạn với kẻ ác; ưa đến nhà phụ nữ, thiếu nữ, Hồng mơn; hoặc đến tinh xá của Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni, thì Hịa thượng, A-xà-lê phải làm Yết-ma khiển trách. Pháp Yết-ma này tuần tự làm 3 việc:
1. Gọi đệ tử đến trước mặt.
2. Nêu ra lỗi lầm, bắt họ phải thừa nhận.
3. Cân nhắc lỗi lầm để khiển trách đúng mức.
Khi đệ tử cĩ lỗi, thầy phải dạy bảo hết lịng, khơng nên vì tình thương mà bỏ qua khơng nĩi đến; hoặc là khi đệ tử cĩ lỗi nhẹ mà nổi giận khiển trách một cách gay gắt. Làm như thế là cư xử khơng thích đáng. Người trên đã tự coi thường mình thì phép mơ phạm khơng được tuân thủ, người dưới sẽ bất bình, việc phụng sự sẽ chểnh mảng. Thế nên phải xử sự thích đáng, mừng giận đúng lúc, theo đúng luật mà dạy dỗ quở trách, đĩ mới gọi là người hướng dẫn giỏi.
Khi khiển trách cĩ 5 cách nĩi:
1. Nay tơi khiển trách ơng, ơng hãy đi đi.
2. Ơng đừng vào phịng tơi.
3. Ơng đừng làm thị giả cho tơi nữa.
4. Ơng đừng đến chỗ tơi nữa.
5. Tơi khơng nĩi chuyện với ơng.
Đĩ là cách Hịa thượng khiển trách đệ tử.
Người đệ tử sau khi bị khiển trách thì mỗi ngày 3 lần: sáng, trưa và chiều phải đến Hịa thượng, A-xà-lê sám hối. Cách sám hối phải làm là bỏ giày dép, để trần vai áo bên phải, chân phải quỳ xuống đất, chắp tay nĩi lời sám hối:
– Kính bạch Hịa thượng, con… nay xin sám hối, khơng dám tái phạm nữa. (nĩi 3 lần).
Nếu cho sám hối thì tốt, bằng khơng cho thì mỗi ngày phải đến sám hối 3 lần như thế. Nếu đã làm như vậy mà thầy vẫn khơng cho, thì phải nhúng nhường tùy thuận, tìm mọi phương tiện để sửa đổi lỗi lầm. Thế nhưng nếu đã nhúng nhường tùy thuận, mà thầy vẫn khơng nhận sự sám hối, thì Tăng sẽ theo đúng pháp mà trị thầy.
Nếu đệ tử bị trị phạt, chưa sám hối, mà thầy lại nhận sự cung cấp và nhận làm người y chỉ, thì đĩ là việc phi pháp, cần phải trị phạt thầy.
Luật Thập Tụng nĩi: “Nếu đệ tử cĩ 5 điều:
1. Khơng thương (thầy).
2. Khơng kính.
3. Khơng hổ.
4. Khơng thẹn.
5. Ưa đến những nơi khơng đáng đến mà Hịa thượng khơng răn dạy, thì Hịa thượng mắc tội”.
10. Pháp khuyên và đuổi Sa-di tà kiến
Pháp Yết-ma này chia làm hai giai đoạn: Trước hết, khuyên Sa-di ấy bỏ ác kiến, nếu khuyên khơng cĩ kết quả thì Tăng sẽ làm Yết-ma đuổi hẳn. Pháp Yết-ma này khơng cho đương sự cĩ mặt.
Bấy giờ cĩ 2 Sa-di Yết-ma và Ma-hầu-ca, cùng làm hạnh bất tịnh (đồng tính luyến ái), và tự bảo nhau: “Bọn chúng ta từng theo Phật nghe pháp, chúng ta hiểu rằng, việc hành dâm dục khơng phải là pháp chướng đạo”. Các Tỳ-kheo nghe thế, bèn khiển trách 2 Sa-di ấy, rồi bạch lên Thế Tơn (Tứ Phần luật, Đ22, tr. 683c.).
Luật Căn Bản lại nêu một trường hợp khác:
Hai Sa-di Lợi Thích và Trường Đại cùng sống chung với các Tỳ-kheo. Trong số các Tỳ-kheo cĩ người đùa cợt, vuốt ve hai Sa-di. Sau đĩ, họ hối hận về hành vi bất tịnh của mình, nên nỗ lực tu tập, và chứng quả A-la-hán, cĩ thần thơng tự tại bay trên hư khơng. Hai Sa-di thấy thế, nên cho rằng sự hành dâm dục khơng phải là pháp chướng đạo. Mặc dù được các Tỳ-kheo khuyến cáo rằng sự suy nghĩ của họ là ác kiến, nhưng các Sa-di vẫn cố trưng bằng chứng sai lầm của mình. (Luật Căn Bản, Đ 23, tr. 841b).
Khi sự kiện trên được trình lên Thế Tơn, Thế Tơn liền dạy các Tỳ-kheo bạch tứ Yết-ma khuyên can hai Sa-di kia bỏ ác kiến ấy.
Thể thức bạch Yết-ma như sau:
– Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Các Sa-di này tự bảo nhau: “Theo chỗ chúng ta nghe pháp mà Thế tơn giảng dạy, thì việc hành dâm dục khơng phải là pháp chướng đạo”. Tăng nay khuyên các Sa-di này bỏ việc ấy như sau: “Này các Sa-di, các ngươi chớ phỉ báng Thế Tơn, phỉ báng Thế Tơn là việc bất thiện. Đức Thế Tơn khơng bảo như thế. Thế Tơn đã dùng vơ số phương tiện dạy rằng dâm dục là pháp chướmg đạo”. Đây là lời tác bạch.
– Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Các Sa-di này tự bảo nhau: “Theo chỗ chúng ta nghe pháp mà Thế tơn giảng dạy, thì việc hành dâm dục khơng phải là pháp chướng đạo”. Tăng nay khuyên các Sa-di này bỏ việc ấy như sau: “Này các Sa-di, các ngươi chớ phỉ báng Thế Tơn, phỉ báng Thế Tơn là việc bất thiện. Đức Thế Tơn khơng bảo như thế. Thế Tơn đã dùng vơ số phương tiện dạy rằng dâm dục là pháp chuớng đạo”. Các Đại đức nào đồng ý việc Tăng khiển trách những Sa-di này bỏ ác kiến thì im lặng, ai khơng đồng ý hãy nĩi. Đây là Yết-ma lần thứ nhất. (lần thứ 2, lần thứ 3 cũng thế).
– Tăng đã đồng ý khiển trách các Sa-di này, vì im lặng; tơi ghi nhận như vậy.
Theo luật, sự khuyên can Sa-di bỏ ác kiến này khơng giống với thể thức khuyên can Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni. Vì khi khuyên can Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni thì phải tuần tự khuyên can đến 3 giai đoạn.
Nếu Tăng đã ba lần Yết-ma xong mà Sa-di khơng bỏ ác kiến, thì sẽ làm Yết-ma đuổi hẳn.
Thể thức bạch Yết-ma như sau:
– Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Các Sa-di này đã được Tăng khuyến cáo bỏ ác kiến, mà ngoan cố khơng bỏ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay cho các Sa-di này pháp Yết-ma đuổi hẳn, bảo như sau: “Này các Sa-di, từ nay trở đi, các ngươi khơng được nĩi: Phật là đức Thế Tơn của con, khơng được đi theo các Tỳ-kheo khác. Những Sa-di khác được ngủ chung phịng với Tỳ-kheo hai đêm, ba đêm, nhưng các ngươi thì khơng được. Các ngươi hãy rời khỏi đây, đi nơi khác, khơng được ở đây nữa”. Đây là lời tác bạch.
– Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Các Sa-di này đã được Tăng khuyến cáo bỏ ác kiến, mà ngoan cố khơng bỏ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay cho các Sa-di này pháp Yết-ma đuổi hẳn, bảo như sau: “Này các Sa-di, từ nay trở đi, các ngươi khơng được nĩi: Phật là đức Thế Tơn của con, khơng được đi theo các Tỳ-kheo khác. Những Sa-di khác được ngủ chung phịng với Tỳ-kheo hai đêm, ba đêm, nhưng các ngươi thì khơng được. Các ngươi hãy rời khỏi đây, đi nơi khác, khơng được ở đây nữa”. Các Đại đức nào đồng ý việc Tăng cho những Sa-di này pháp Yết-ma đuổi hẳn thì im lặng; ai khơng đồng ý hãy nĩi. Đây là Yết-ma lần thứ nhất, (lần thứ 2, lần thứ 3 cũng thế).
– Tăng đã đồng ý cho các Sa-di này pháp Yết-ma đuổi hẳn, vì im lặng; tơi ghi nhận như vậy.
Làm Yết-ma xong, phải đuổi những Sa-di ấy ra khỏi già lam. Các Tỳ-kheo khơng được chứa chấp. Trong trường hợp Sa-di phạm 4 trọng giới thì nên làm Yết-ma đuổi hẳn. Ngồi ra, nếu phạm các tội khác thì tùy theo nặng nhẹ hoặc khuyên dạy, hoặc đuổi hẳn. Thể thức Yết-ma dựa theo trên đây, chỉ thay đổi những chỗ cần thiết.
11. Pháp Yết-ma can Tỳ-kheo-ni theo Tỳ-kheo phạm tội
Lúc bấy giờ Tỳ-kheo Xiển-đà bị Tăng cử tội, nhưng thầy khơng tùy thuận chúng Tăng và chúng Tăng cũng chưa giải pháp cử tội. Thế mà Tỳ-kheo-ni Úùy Thứ lại săn sĩc hầu hạ Xiển-đà. Các Tỳ-kheo-ni can cơ khơng được làm như thế, nhưng Úy Thứ bảo rằng Tỳ-kheo Xiển-đà là anh cơ, nên cơ phải cĩ bổn phận cúng dường, chăm sĩc. Các Tỳ-kheo-ni liền đem việc đĩ bạch với các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo bạch lên Thế Tơn, Thế Tơn cho gọi Úy Thứ đến khiển trách, rồi dạy các Tỳ-kheo-ni bạch tứ Yết-ma, cho cơ Úy Thứ pháp khiển trách. Thể thức tác bạch như sau:
– Xin Đại đức Ni Tăng lắng nghe! Tỳ-kheo-ni (mỗ giáp) này biết Tỳ-kheo (mỗ giáp) kia đã bị Tăng cử tội như pháp, như luật, như lời Phật dạy, mà khơng tùy thuận, khơng sám hối. Do đĩ, Tăng chưa cho phép ở chung, thế mà cơ này tùy thuận Tỳ-kheo ấy. Các Tỳ-kheo-ni đã bảo rằng: “Tỳ-kheo ấy đã bị Tăng cử tội như pháp, như luật, như lời Phật dạy, mà khơng tùy thuận, khơng sám hối. Do đĩ, Tăng chưa cho phép ở chung. Cơ khơng được tùy thuận”, thế mà cơ này vẫn ngoan cố tùy thuận. Nếu thời gian thích hợp đối với Ni Tăng, Ni Tăng nay cho cơ này pháp Yết-ma khiển trách, bảo phải bỏ việc ấy: “Này sư cơ! Tỳ-kheo ấy đã bị Tăng cử tội như pháp, như luật, như lời Phật dạy, mà khơng tùy thuận, khơng sám hối. Do đĩ, Tăng chưa cho phép ở chung. Sư cơ khơng nên tùy thuận”. Đây là lời tác bạch.
Tác bạch xong, vị Yết-ma nên bảo:
– Cơ nên biết, tơi đã bạch xong, cịn 3 lần Yết-ma nữa, cơ nên bỏ việc ấy, đừng để Ni Tăng cử tội mà thêm tội nặng.
Nếu cơ ấy nghe lời khuyên bảo thì tốt, bằng khơng nghe lời khuyên bảo, thì phải làm Yết-ma lần thứ nhất:
– Xin Đại đức Ni Tăng lắng nghe! Tỳ-kheo-ni (mỗ giáp) này biết Tỳ-kheo (mỗ giáp) kia đã bị Tăng cử tội như pháp, như luật, như lời Phật dạy, mà khơng tùy thuận, khơng sám hối. Do đĩ, Tăng chưa cho phép ở chung, thế mà cơ này tùy thuận Tỳ-kheo ấy. Các Tỳ-kheo-ni đã bảo cơ rằng: “Tỳ-kheo ấy đã bị Tăng cử tội như pháp, như luật, như lời Phật dạy, mà khơng tùy thuận, khơng sám hối. Do đĩ, Tăng chưa cho phép ở chung. Cơ khơng được tùy thuận”, thế mà cơ vẫn ngoan cố tùy thuận.Ni Tăng nay cho cơ này pháp Yết-ma khiển trách bảo phải bỏ việc ấy: “Này sư cơ! Tỳ-kheo ấy đã bị Tăng cử tội như pháp, như luật, như lời Phật dạy, mà khơng tùy thuận, khơng sám hối. Do đĩ, Tăng chưa cho phép ở chung. Sư cơ khơng nên tùy thuận”. Các Đại đức Ni Tăng nào bằng lịng việc Ni Tăng cho Tỳ-kheo-ni này pháp Yết-ma khiển trách bảo phải bỏ việc ấy thì im lặng, ai khơng bằng lịng hãy nĩi. Đây là Yết-ma lần thứ nhất.
Làm Yết-ma lần thứ nhất xong nên bảo:
– Này cơ! Tơi đã bạch Yết-ma lần thứ nhất xong, cịn hai lần Yết-ma nữa. Cơ nên bỏ việc ấy, chớ để Ni Tăng cử tội mà thêm tội nặng.
Nếu cơ ấy nghe lời thì tốt, bằng khơng nghe lời, thì tiếp tục làm Yết-ma lần thứ hai. Hai lần Yết-ma xong lại bảo:
– Cơ nên biết, tơi đã bạch hai lần Yết-ma xong, cịn 1 lần Yết-ma nữa. Cơ nên bỏ việc ấy, đừng để Ni Tăng cử tội mà thêm tội nặng.
Nếu cơ ấy nghe lời thì tốt, bằng khơng nghe lời, thì làm Yết-ma lần thứ 3 như trên, rồi kết luận:
– Ni Tăng đã bằng lịng làm Yết-ma khiển trách Tỳ-kheo-ni này khiến phải bỏ việc ấy xong, vì im lặng; tơi ghi nhận như vậy.
Pháp khiển trách trên đây, nếu bạch chưa xong mà bỏ thì phạm một tội Đột-cát-la. Nếu bạch xong mới bỏ thì phạm một tội Thâu-lan-giá nhẹ. Nếu qua 1 lần bạch và 1 lần Yết-ma xong mới bỏ thì phạm 2 tội Thâu-lan-giá nhẹ. Nếu qua một lần tác bạch và 2 lần Yết-ma xong mới bỏ thì phạm 3 tội Thâu-lan-giá nặng. Nếu 3 lần Yết-ma xong mà khơng bỏ thì phạm tội Ba-la-di.
Nếu trước khi chưa bạch thì tất cả những ai tùy thuận thầy Tỳ-kheo bị cử tội ấy đều phạm Đột-cát-la. Nếu khi tác pháp mà cĩ Tỳ-kheo bảo: “đừng bỏ”, thì người này phạm Thâu-lan-giá. Nếu khi chưa tác pháp mà khuyên “đừng bỏ”, thì người này phạm tội Đột-cát-la. Tỳ-kheo-ni cũng thế.
(Tỳ-ni Tác Trì Tục Thích, Tục Tạng kinh 65, tr.299-300)
12. Pháp Yết-ma cảnh cáo Tỳ-kheo của Ni chúng
Phật chế pháp thứ nhất trong 8 Kính pháp của Tỳ-kheo-ni là: “Tỳ-kheo-ni dù 100 tuổi mà khi thấy Tỳ-kheo mới thọ giới cũng phải đứng dậy lễ bái, trải tịa, mời ngồi. Pháp này phải cung kính tơn trọng gìn giữ suốt đời, khơng được vi phạm.” Nhưng Phật cũng dạy: “Nếu cĩ Tỳ-kheo đánh mắng Tỳ-kheo-ni, hoặc thĩa mạ hoặc ném hoa, tạt nước, hoặc nĩi những lời thơ bỉ, trá ngụy khuyến dụ, thì cho phép Tỳ-kheo-ni bạch nhị Yết-ma tác pháp khơng lễ kính”. Thể thức tác bạch như sau:
– Xin Đại đức Ni Tăng lắng nghe! Tỳ-kheo (mỗ giáp) này đánh mắng Tỳ-kheo-ni, thậm chí dùng những lời trá ngụy khuyến dụ. Nếu thời gian thích hợp đối với Ni Tăng, Ni Tăng nay làm Yết-ma khơng lễ bái Tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.
– Xin Đại đức Ni Tăng lắng nghe! Tỳ-kheo (mỗ giáp) này đánh mắng Tỳ-kheo-ni, thậm chí dùng những lời trá ngụy khuyến dụ. Nếu thời gian thích hợp đối với Ni Tăng, Ni Tăng nay làm Yết-ma khơng lễ bái. Đại đức Ni nào bằng lịng Ni Tăng làm Yết-ma khơng lễ bái Tỳ-kheo… thì im lặng, ai khơng bằng lịng hãy nĩi.
– Ni Tăng đã bằng lịng làm Yết-ma khơng lễ bái Tỳ-kheo… vì im lặng; tơi ghi nhận như vậy.
Pháp Yết-ma này kết cũng như giải, đều khơng cĩ sự hiện diện của bị cáo.
Nếu thầy Tỳ-kheo này, sau đĩ ăn năn hối cải, tùy thuận Tỳ-kheo-ni, khơng dám trái nghịch, thì cĩ thể đến chùa Ni, lễ độ chắp tay xin giải pháp Yết-ma như sau: “Trước đây vì vơ trí, tơi đã xúc phạm quý Sư cơ, từ nay trở đi tơi hứa sẽ khơng tái phạm nữa, xin các Sư cơ giải pháp Yết-ma cho tơi”.
Ni chúng nếu xét thấy đúng như lời trình bày của thầy, thì sẽ giải pháp Yết-ma khơng lễ kính.
Thể thức bạch Yết-ma như sau:
– Xin Đại đức Ni Tăng lắng nghe! Tỳ-kheo (mỗi giáp) này đã được Ni chúng làm pháp Yết-ma khơng lễ kính, sau đĩ đã tùy thuận Tỳ-kheo-ni, khơng dám trái nghịch. Nay đến Ni chúng xin giải pháp Yết-ma khơng lễ kính. Nếu thời gian thích hợp đối với Ni chúng, Ni chúng giải pháp Yết-ma khơng lễ kính. Đây là lời tác bạch.
– Xin Đại đức Ni Tăng lắng nghe! Tỳ-kheo (mỗi giáp) này đã được Ni chúng làm pháp Yết-ma khơng lễ kính, sau đĩ đã tùy thuận Tỳ-kheo-ni, khơng dám trái nghịch. Nay đến Ni chúng xin giải pháp Yết-ma khơng lễ kính. Ni chúng nay giải pháp Yết-ma khơng lễ kính cho Tỳ-kheo… này. Đại đức Ni nào bằng lịng để Ni chúng giải pháp Yết-ma khơng lễ kính cho Tỳ-kheo… này thì im lặng, ai khơng bằng lịng hãy nĩi.
– Ni chúng đã bằng lịng giải pháp Yết-ma khơng lễ kính cho Tỳ-kheo… này, vì im lặng; tơi ghi nhận như vậy.
13. Pháp Yết-ma phú bát (tẩy chay)
Nguyên nhân sự việc gồm cĩ 3 xuất xứ:
1/ Tứ Phần: Tỳ-kheo Từ Địa vì bất mãn Tỳ-kheo Đạp-bà Ma-la-tử (Dabba-Malaputta), cho rằng Tơn giả ấy chia phịng cho mình khơng cơng bằng, nên xúi bạn thân là cư sĩ Đại Ly-xa vu cáo Đạp-bà phạm tội Ba-la-di. Đại Ly-xa nghe lời Từ Địa, đợi khi Phật và chúng Tăng tập họp, liền đến vu khống Tỳ-kheo Đạp-bà xâm phạm vợ ơng. Phật liền hỏi Đạp-bà cĩ đúng thế khơng. Đạp-bà bạch: “Bạch Thế Tơn, con từ lúc sinh ra cho đến ngày nay, dù trong giấc chiêm bao cũng chưa từng tưởng đến sự dâm dục, huống nữa là khi tỉnh”. Do thế, Phật bèn bảo các Tỳ-kheo gạn hỏi Đại Ly-xa. Đại Ly-xa thành khẩn thưa rằng đĩ là do Tỳ-kheo Từ Địa xúi ơng vu cáo. Do đĩ, Phật bảo các Tỳ-kheo bạch nhị Yết-ma cho cư sĩ Ly-xa pháp phú bát, Tăng chúng khơng được qua lại tiếp xúc với Đại Ly-xa nữa.
2/ Tăng Kỳ: Ưu-bà-tắc Pháp Dự thường thỉnh chư Tăng đến nhà thọ trai. Mỗi lần chư Tăng đến, ơng đem nghĩa lý trong kinh điển ra hỏi, vị nào trả lời khơng trơi chảy, ơng chê bai và tỏ vẻ khinh thường ra mặt. Vì thế chúng Tăng khơng muốn đến nhà cư sĩ Pháp Dự nữa. Phật biết được việc đĩ, liền cho phép Tăng chúng làm pháp Yết-ma phú bát đối với gia đình Pháp Dự.
3/ Bách Nhất Yết-ma (Đ.24, tr.492b): Cư sĩ Lật Cơ Tỳ Thiện Hiền, vì bị ác tri thức mê hoặc, vu cáo Tỳ-kheo Thật Lực phạm tội Ba-la-di. Các Tỳ-kheo liền bạch lên Thế Tơn. Thế Tơn dạy các Tỳ-kheo đơn bạch Yết-ma cho cư sĩ Thiện Hiền pháp phú bát.
Trước khi làm pháp Yết-ma này, Tăng chúng phải thẩm xét, nếu gia đình cư sĩ ấy cĩ 5 sự kiện sau đây, thì Tăng sẽ thực hiện pháp Yết-ma:
1. Bất hiếu với cha.
2. Bất hiếu với mẹ.
3. Khơng kính trọng Sa-mơn.
4. Khơng kính trọng Bà-la-mơn.
5. Khơng cung phụng Tỳ-kheo.
Nếu trái lại 5 việc trên thì khơng nên làm Yết-ma phú bát. Hoặc gia đình nào cĩ 10 pháp sau đây cũng nên làm Yết-ma phú bát:
1. Mắng chửi, hủy báng Tỳ-kheo.
2. Làm cho Tỳ-kheo bị tổn hại.
3. Làm cho Tỳ-kheo mất lợi ích.
4. Làm cho Tỳ-kheo khơng cĩ chỗ ở.
5. Đấu tranh, gây rối loạn chúng Tỳ-kheo.
6.7.8. Nĩi xấu Phật, pháp, Tăng trước mặt Tỳ-kheo.
9. Vu khống Tỳ-kheo phạm hạnh bất tịnh.
10. Xâm phạm đến Tỳ-kheo-ni.
Thể thức tác bạch như sau:
– Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Cư sĩ (mỗ giáp) này vu khống Tỳ-kheo thanh tịnh (mỗ giáp) phạm tội Ba-la-di vơ căn cứ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay cho cư sĩ… pháp Yết-ma phú bát, khơng qua lại gia đình ấy nữa. Đây là lời tác bạch.
– Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Cư sĩ (mỗ giáp) này vu khống Tỳ-kheo thanh tịnh (mỗ giáp) phạm tội Ba-la-di vơ căn cứ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay cho cư sĩ… pháp Yết-ma phú bát; khơng qua lại gia đình ấy nữa. Các Đại đức nào bằng lịng việc Tăng làm Yết-ma phú bát khơng qua lại gia đình ấy nữa thì im lặng, ai khơng bằng lịng hãy nĩi.
Tăng đã bằng lịng cho cư sĩ… pháp Yết-ma phú bát, vì im lặng, tơi ghi nhận như vậy.
Sau khi Tăng làm Yết-ma xong, liền cử một sứ giả đến báo cho gia đình ấy biết rằng Tăng đã làm Yết-ma phú bát đối với gia đình ơng. Sứ giả do Tăng sai cần cĩ 8 đức tính như sau:
1. Cĩ thể nghe: Khi được Tăng sai bảo ủy thác, nghe rõ, ghi nhớ khơng sai sĩt.
2. Cĩ thể nĩi: Đối với các bậc trí thức khơng hề khiếp sợ.
3. Tự hiểu được vấn đề: Tự mình lãnh hội được sự việc, khơng cần người khác chỉ bảo.
4. Cĩ thể làm cho người khác hiểu: Biết người ta muốn gì nĩi ra hợp với ý họ.
5. Cĩ thể nhận lời chỉ bảo của người: Biết lãnh hội những lời nĩi cĩ ích, khơng nĩi những lời tổn hại.
6. Cĩ thể ghi nhớ: Thơng suốt sự việc và nghĩa lý, khéo hộ trì giới luật.
7. Khơng lầm lẫn: Trình bày chính xác, khơng nĩi lộn xộn.
8. Phân biệt được việc phải trái: Khi bị chất vấn khơng bối rối, trình bày khiến người ta hoan hỷ.
(Tỳ-ni Tác Trì Tục Thích, Tục Tạng 65, tr.306).
Nếu cư sĩ này, sau đĩ ăn năn sám hối, tùy thuận chúng Tăng, khơng dám trái nghịch, thì cĩ thể đến chúng Tăng xin giải pháp Yết-ma phú bát, và Tăng sẽ làm Yết-ma như sau:
– Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Vừa rồi Tăng đã cho cư sĩ… pháp Yết-ma phú bát, khơng qua lại gia đình ấy nữa. Nay cư sĩ ấy đã tùy thuận chúng Tăng, khơng dám trái nghịch, đến xin Tăng giải pháp Yết-ma phú bát. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay giải pháp Yết-ma phú bát cho cư sĩ… và đi lại như trước. Đây là lời tác bạch.
– Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Vừa rồi Tăng đã cho cư sĩ… pháp Yết-ma phú bát, khơng qua lại gia đình ấy nữa. Nay cư sĩ ấy đã tùy thuận chúng Tăng, khơng dám trái nghịch, đến xin Tăng giải pháp Yết-ma phú bát. Các Đại đức nào bằng lịng Tăng giải pháp Yết-ma phú bát cho cư sĩ… và đi lại như trước thì im lặng, ai khơng bằng lịng thì nĩi.
– Tăng đã bằng lịng giải pháp Yết-ma phú bát cho cư sĩ và đi lại như trước, vì im lặng, tơi ghi nhận như vậy.
(Tăng kỳ IV, tr. 51)
14. Pháp Yết-ma cơng nhận học gia
(Đây thuộc về loại Yết-ma bảo vệ)
Từ học gia là chỉ cho gia đình cả hai vợ chồng đều đã kiến đế, tức đã chứng đắc thánh quả từ Dự Lưu đến Bất Hồn. Xuất xứ của pháp Yết-ma này mỗi bộ nêu một gia đình khác nhau, nhưng đều là các thánh đệ tử tại gia nổi tiếng thời đức Phật. Theo Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ-nại-da Bách Nhất Yết-ma (Đ.24, tr.475) thì đây là gia đình trưởng giả Sư Tử. Sau khi nghe Phật thuyết pháp, họ đã đoạn trừ phiền não, chứng quả Dự Lưu ngay tại chỗ. Do đĩ, đối với Tam bảo họ phát khởi lịng tịnh tín sâu xa, thường đem tài sản đến cúng dường, đến nỗi gia cảnh trở nên khánh kiệt, nên bị các người thế tục chê bai. Vì thế, đức Phật bảo các Tỳ-kheo tác pháp Yết-ma học gia, ngăn khơng cho các Tỳ-kheo đến nhà trưởng giả Sư Tử nữa. Thể thức bạch Yết-ma như sau:
– Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Cĩ một gia đình cư sĩ ở tại…, cả hai vợ chồng đều đã thành tựu tịnh tín, là đệ tử Phật, tài sản bị khánh tận. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay tác pháp Yết-ma xác nhận đĩ là học gia. Các Tỳ-kheo khơng ai được đến gia đình ấy để nhận thức ăn. Đây là lời tác bạch.
– Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Cĩ một gia đình cư sĩ ở tại…, cả hai vợ chồng đều đã thành tựu tịnh tín, là đệ tử Phật, tài sản bị khánh tận. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay tác pháp Yết-ma xác nhận đĩ là học gia. Các Tỳ-kheo khơng ai được đến gia đình ấy để nhận thức ăn. Các Đại đức nào bằng lịng việc Tăng tác Yết-ma xác nhận cư sĩ ấy là học gia thì im lặng, ai khơng bằng lịng hãy nĩi.
Tăng đã bằng lịng tác Yết-ma xác nhận cư sĩ ấy là học gia, vì im lặng. Tơi ghi nhận như vậy.
Nếu qua một thời gian, gia đình ấy làm ăn phát đạt, đời sống trở nên sung túc, thì họ cĩ thể đến thỉnh cầu chư Tăng giải pháp Yết-ma học gia bằng cách tác bạch như sau:
– Kính bạch Đại đức Tăng! Con là… cĩ niềm tin kiên cố thuần thành đối với Tam bảo, thường đem tài sản bố thí cúng dường những người đến xin, khơng hề hối tiếc. Do nhân duyên ấy mà tài sản trở nên khánh kiệt, dẫn đến bần cùng. Đại đức Tăng vì thế thương tưởng, tác pháp Yết-ma học gia đối với gia đình con, khiến Thánh chúng khơng đến nhà con. Hiện nay, tài sản của con đã sung túc trở lại. Con đến thỉnh cầu chư Tăng giải pháp Yết-ma học gia cho gia đình con. Ngưỡng mong Đại đức Tăng từ bi hứa khả. (bạch 3 lần)
Nếu xét thấy đúng như lời trình bày của gia chủ thì Tăng sẽ làm Yết-ma giải pháp học gia, bằng cách tác bạch như sau:
– Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Cĩ một gia đình cư sĩ ở tại… cả hai vợ chồng đều đã thành tựu tịnh tín, là đệ tử Phật. Do nhiệt tình bố thí cùng dường, nên gia sản của họ trở nên khánh kiệt. Vì thế, trước đây Tăng đã tác pháp Yết-ma học gia cho gia đình ấy. Nay gia đình ấy tài vật đã sung túc như trước, nên đến thỉnh cầu Tăng giải pháp Yết-ma học gia. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay giải pháp Yết-ma học gia cho gia đình ấy. Đây là lời tác bạch.
– Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Cĩ một gia đình cư sĩ ở tại… cả hai vợ chồng đều đã thành tựu tịnh tín, là đệ tử Phật. Do nhiệt tình bố thí cúng dường, nên gia sản của họ trở nên khánh kiệt. Vì thế, trước đây Tăng đã tác pháp Yết-ma học gia cho gia đình ấy. Nay gia đình ấy tài vật đã sung túc như trước, nên đến thỉnh cầu Tăng giải pháp Yết-ma học gia. Tăng nay giải pháp Yết-ma học gia cho gia đình ấy. Các Đại đức nào bằng lịng việc Tăng giải pháp Yết-ma học gia thì im lặng, ai khơng bằng lịng hãy nĩi.
– Tăng đã bằng lịng giải pháp Yết-ma học gia cho cư sĩ ấy, vì im lặng. Tơi ghi nhận như vậy.
Pháp Yết-ma này khơng được thực hiện khi cĩ sự hiện diện của đối tượng Yết-ma. Sau khi Tăng giải pháp Yết-ma xong, các Tỳ-kheo sẽ đi lại gia đình ấy thọ nhận thức ăn như trước.
(Tỳ-ni Tác Trì Tục Thích, Châu Hoằng, Tục Tạng 65, tr.290).