Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
LUẬT HỌC TINH YẾU
Hoà Thượng Thích Phước Sơn
Nhà xuất bản Phương Đông 2006 – PL 2550
LỜI NÓI ĐẦU
Muốn qua sông phải nhờ thuyền bè, muốn vượt bể khổ sinh tử phải nương nhờ Giới pháp. Có thể nói, Giới pháp là kim chỉ nam, là những nguyên tắc sinh động để hướng dẫn đời sống của Tăng sĩ từ tục đến chân, từ phàm đến Thánh, từ cõi mê mờ đến chân trời giác ngộ. Tập sách này gồm những phần giáo trình về môn Luật học dùng để hướng dẫn Tăng Ni của lớp cử nhân Phật học thuộc Học Viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua. Giờ đây, cơ duyên đã hội đủ, chúng tôi sắp xếp lại, in chung thành một tập, lấy tên là Luật học tinh yếu, và được chia làm 4 chương:
Chương I, đề cập đến giới bản của Tỳ-kheo: khái quát về lịch sử truyền dịch và nội dung của các bộ Luật, chủ yếu là bộ Luật Tứ Phần.
Chương II, đề cập đến các pháp Yết-ma: những quy định về việc thiết lập các cương giới; việc truyền giới, thọ giới; việc tụng giới; cách thức An cư, Tự tứ v.v. Đó là những nguyên tắc rất chặt chẽ, dùng làm cương lĩnh cho mọi sinh hoạt thường nhật của Tăng chúng.
Chương III, đề cập đến việc phạm giới và sám hối: trình bày về các trường hợp vi phạm giới pháp; cách thức sám hối những tội đã phạm; các trường hợp vi phạm đối với những quy định khác, và các biện pháp sửa trị cũng như chế tài.
Chương IV, đề cập đến giới pháp của Bồ-tát: trình bày sơ lược về lịch sử của giới Bồ-tát; những kinh điển dùng làm cơ sở, nội dung của các giới bản; thể thức truyền thọ giới Bồ-tát, cũng như việc tụng giới và sám hối.
Kinh Di giáo tường thuật rằng trước lúc xả huyễn thân, trở về cõi đại tịch diệt, vĩnh viễn chia tay với các đệ tử thân yêu, Đức Đạo sư đã để lại những lời giáo huấn tối hậu, cực kỳ thống thiết: “Này các thầy Tỳ-kheo, sau khi Ta diệt độ, các thầy phải trân trọng tôn kính tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết, tịnh giới là đức Thầy cao cả của các thầy. Nếu Ta ở đời thì cũng chẳng khác gì tịnh giới ấy.” Thế nên, khi chúng ta may mắn được tiếp xúc với Giới pháp thì cũng chẳng khác gì được diện kiến trực tiếp với bậc Thầy tôn kính của mình. Vì vậy có thể nói, bao giờ Giới luật còn được phổ biến rộng rãi, các đệ tử của Đấng Giác ngộ còn tinh tấn thực hành những di huấn cao quý của thầy mình, thì bấy giờ được xem là một bằng chứng hưng thịnh của Tăng bảo và Chánh pháp đang được xương minh tốt đẹp.
Thiền viện Vạn Hạnh ngày 15/ 11/ 2006 – PL. 2550.