Giới luật Phật tử tại gia – trọn bộ

QUY Y TAM BẢO

A-Mở Ðề:

Cảnh giới Ta bà của chúng ta là một cảnh giới đầy mê mờ và dục vọng. Chúng ta đang lặn hụp trong bể nước mắt củađau khổ và bùn nhơ của dục vọng, sống trôi lăn trong cảnh ấy, chúng ta khó thấy được bến bờ sáng sủa, yên ổn để lội vào. Thật là đáng thương cho thân phận con người chúng ta.

Nhưng bản nguyện chúng ta đâu có thế! Chúng ta, từ vô thỉ, ở nơi nguồn chơn vắng lặng, sáng suốt vô cùng. Vì một niệm bất giác, khởi vô minh vọng tưởng, nên chúng ta bị quay cuồng trong sanh tử, trôi nổi trong ba cõi sáu đường.

Vậy thì trong chúng ta ai là người không muốn thoát ra khỏi cõi đen tối, sầu đau này, để dược trở về nguồn trong sáng, an vui?. Nhưng làm sao để thoát ra được? Ai sẽ là kẻ rủ lòng thương để đưa đường chỉ lối cho chúng ta? Ai là người có đủ phương pháp thần diệu để giúp chúng ta ra khỏi sinh tử luân hồi?

– Ðấng cao cả sáng suốt và đầy đủ năng lực ấy không ai khác hơn làÐức Phật Thích Ca Mâu Ni, người đã chứng quả bất sanh, bất diệt; và chỉ có Giáo pháp của Ngài mới cứu được chúng sanh ra khỏi vô thường đau khổ.

Vậy chúng ta còn ngần ngại gì nữa mà chẳng chịu quy y Tam-Bảo.

B- Chánh Ðề:

I – Ðịnh Danh Và Giải Nghĩa.

1- Quy-y nghĩa là gì? Quy là trở về; Y là nương tựa, Quy-y là trở về nương tựa nơi mà mình đã vì si mê, phóng đãn lià bỏ ra đi, như đứa trẻ khờ dại đã rời bỏ cha mẹ để ra đi trong hoan phá, bây giờ biết sự dại khờ do kinh nghiệm khổ đau, quay trở về nương tựa lại dưới bóng hạnh phúc và yêu thương của cha mẹ. Chữ Quy-y nguyên dịch nghĩa là kính vâng hay phục tòng.

2- Tam bảo nghĩa là gì? Tam bảo là ba ngôi báu: PHẬT, PHÁP, TĂNG.

Ở thế gian, vàng bạc, ngọc ngà và danh vọng là quí báu. Nhưng sự thật, vàng bạc, danh vọng đâu có cứu được con người khỏi khổ, sống, già, bịnh, chết, mà lắm khi còn làm cho con người thêm khổ nữa! Còn Phật, Pháp, Tăng thì có đủ năng lực dắt dẫn con người ra khỏi những cái khổ nói trên. Bỡi thế, người đời mới tôn sùng Phật Pháp, Tăng là ba ngôi báu (Tam Bảo).

a) PHẬT: Chữ Phật do chữ Phạn Bouddha phiên âm ra. Tàu dịch là Giác Giả nghĩa là: Bực đã giác ngộ sáng suốt hoàn toàn về ba phương diện: Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

b) PHÁP: Pháp là do chữ Phạn Dharma mà dịch nghĩa ra. Pháp là phuơng pháp tu hành mà Phật đã phát huy ra để diệt trừ mọi mê muội, khổ đau và chứng được quả Phật. Ba Tạng Kinh Ðiển đều gọi chung là Pháp.

c) TĂNG: Tăng hay Tăng già là do chữ Phạn Shanga mà phiên âm ra; Tàu dịch là: Hòa hợp chúng, nghĩa là một đoàn thể tu hành từ bốn người sắp lên, cùng nhau sống chung một chỗ, đồng giữ giới luật cu Phật, đồng chia sớt cho nhau một cách hòa thuận những gì đã thâu nhận được, từ vật chấc đến tinh thần.

3- Quy-y Tam-bảo là thế nào? – Quy-y Tam-bảo là trở về nương tựa ba ngôi báu: PHẬT, PHÁP, TĂNG.

Tại sao phải Quy-y Phật? – Vì Phật là đấng hoàn toàn sáng suốt, từ bi vô lượng, phước huệ vô biên, đức hạnh viên mãn; – Vì Phật là người dẫn đường vĩ đại nhất, đã có cái kinh nghiệm bản thân thoát ra ngoài vòng sanh tử để chứng Ðạo.

Tại sao quy-y Pháp? – Vì chỉ có phương pháp của Phật là đầy đủ công năng để đưa chúng ta qua khỏi bể khổ, đến bờ giải thoát.

Tại sao lại quy-y Tăng? – Vì Tăng là người đã hy sinh gia đình, tiền của, danh vọng… để tình nguyện theo Phật dắt dẫn chúng sanh trên đường Ðạo.

II- Ba Bực Tam Bảo

Tam Bảo có ba bực:
– Ðồng thể Tam bảo,
– Xuất thế gian Tam bảo,
– Thế gian trụ trì Tam bảo.

1 – Ðồng Thể Tam Bảo

a) Ðồng Thể Phật Bảo: tức là nói tất cả chúng sanh cùng chư Phật dồng một thể tánh sáng suốt.

b) Ðồng Thể Pháp Bảo: tức là nói tất cả chúng sanh cùng chư Phật đồng một pháp tánh từ bi bình đẳng.

c) Ðồng Thể Tăng Bảo: tức là nói tất cả chúng sanh cùng chu Phật đồng một thể tánh thanh tịnh, sự, lý hòa hợp.

2 – Xuất Thế Gian Tam Bảo

a) Xuất Thế Gian Phật Bảo: là chỉ cho Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ðức Phật A-Di-Ðà, Chư Phật trong mười phương ba đời, đã tự giải thoát ra khỏi sự ràng buộc của thế gian.

b) Xuất Thế Gian Pháp Bảo: là chỉ cho Chánh pháp của Phật, có công năng làm cho chúng sanh thoát khỏi sự ràng buộc của thế gian, như Tứ-đế, Thập-nhị nhân-duyên, Lục -độ v.v…

c) Xuất Thế Gian Tăng Bảo: là chỉ cho các vị Thánh-Tăng đã thoát ra ngoài sự ràng buộc của thế gian như đức QuánThếÂm, Ðại Thế Chí, Văn Thù, Ca-Diếp, A-Nan v.v…

3- Thế Gian Trụ Trì Tam Bảo

a) Thế Gian Trụ Trì Phật Bảo, là chỉ cho XaLợi của Phật, tượng Phật đức bằng kim khí, chạm trổ bằng danh mộc, tô bằng đất, đắp bằng xi măng, thêu bằng vải, hay vẽ trên giấy.

b) Thế Gian Trụ Trì Pháp Bảo, là chỉ cho ba tạng Giáo điển: Kinh, Luật, Luận viết hay in trên giấy, trên vải trên lá buôn v.v…

c) Thế Gian Trụ Trì Tăng Bảo, là chỉ các vị TỳKheo, TỳKheoNi tu hành chơn chánh, đạo đức trong sạch, giới luật trang nghiêm trong hiện tại.

III- Sự Quy y Tam Bảo

Sau khi đã hiểu rõ thế nào là Quy-y Tam bảo, tất nhiên phải thực hành sự hiểu biết ấy.Thực hành bằng sự tướng cung kính, vâng theo Tam-bảo, như thế gọi là sự quy-y Tam-bảo.

1 – Sự Quy-Y Phật: Hằng ngày chúng ta phải nhớ tưởng luôn đến Phật, niệm danh hiệu Phật, chiêm ngưỡng tượng Ngài, và nguyện suốt đời theo bước chân Ngài, ấy là sự quy-y Phật.

2 – Sự Quy-Y Pháp: Hằng ngày tụng đọc Kinh, Luật, Luận; sớm hôm hai thời công phu, tìm hiểu nghĩa lý thâm huyền của Pháp bảo. Khi đọc tụng Kinh điển tâm trí ta không nghĩ xằn bậy, không nhớ tưởng những việc không hay, không bàn mưu tính kế để lợi kỷ, tổn nhơn. Chúng ta trừ bỏ được dục vọng, tâm trí được sáng suốt, an lành, thanh tịnh.

3- Sự Quy-Y Tăng: Thế gian thường nói: “Trọng Phật, phải kính Tăng”. Cho nên, nếu chúng ta thành tâm thờ Phật bao nhiêu, thì chúng ta phải thật dạ kính Tăng bấy nhiêu. Người thực hành sự quy-y Tăng, hễ thấy người đầu tròn áo vuông, chân chính tu hành, giữ gìn giới luật, thì liền kính nể, quý trọng, xem như đó là vị đại diện cho Ðức Phật. Làm như thế là sự quy-y Tăng.

Tóm lại, thờ Phật, tụng Kinh, giữ Giới, nghiên cứu Phãt pháp, kính trọng Tăng già chân chính, dó chính là sự quy-y tam-bảo.

IV- Lý Quy y Tam Bảo

Lý là bên trong. Lý quy-y Tam-bảo nghĩa là quy-y Tam-bảo trong tâm chúng ta. Nếu chúng ta chỉ thực hành sự quy-y, chỉ dong ruổi theo Tam-bảo bên ngoài, mà quên lý quy-y, nghĩa là quên Tam-bảo bên trong tâm chúng ta, thì chúng ta chưa thực hành đúng nghĩa Tam-quy. Thật thế, bên trong tâm chúng ta cũng có đủ Tam-bảo. Chúng ta cần thực hành lý quy-y, hay Tam Tự Quy-Y:

1- Tự Quy-Y Phật: Tự nghĩa là mình đối với tự tâm mình. Tư quy-y Phật là mình tự trở về với Phật tánh sáng suốt của tâm mình, – Vâng mỗi người đều có Phật tánh, và đều có thể thành Phật. Ðó là lời Phật Thích Ca đã dạy. Nhưng Phật tánh ấy bị mê lầm, vọng tưởng che lấp. Vọng tưởng như mây mờ, Phật tánh như trăng. Mây mờ có thể che khuất, chứ không thể tiêu diệt được trăng sáng. Phật tánh chúng ta bị vọng tưởng vô minh che lấp sâu kín đến đâu cũng vẫn thường còn. Vậy thì sao chúng ta lại bỏ quên Phật tánh của chúng ta, mà chỉ chạy theo cầu khẩn Phật bên ngoài; như đứa “cùng tử” có viên ngọc quý, cha mẹ đã giấu sẵn trong chéo áo mà nó không biết, lại đi xin ăn cùng khắp mọi nơi!

2- Tự Quy-Y Pháp: nghĩa là vâng theo pháp tánh của mình. Trong tâm ta có đủ tất cả các Pháp: Từ-bi, Trí-tuệ, Bình đẳng, Sáng-suốt, Nhẫn-nhục, Tinh-tấn… chúng ta cần phát huy những đức tánh ấy và hành động theo chúng, tuân theo chúng. Như thế là Tự Quy-Y Pháp.

3- Tự Quy-Y Tăng: nghĩa là vâng theo Thầy trong tâm mình, Thầy trong tâm mình là đức tánh hòa hợp thanh tịnh của mình, như Tăng già là hiện thân của sự hòa hợp thanh tịnh bên ngoài. Bấy lâu vì mình mê muội, không nhận thấy được ông Thầy trong tâm, nay nhờ Phật chỉ dạy, mình nhận thấy được ông Thầy thanh tịnh ấy, thì mình phải quy-y Thầy của mình trước đã chứ!

Nói tóm lại, mình phải nương tựa, quay về với Phật trong tâm mình là tánh sáng suốt; với Pháp trong tâm mình là các đức tính Từ-bi, Hỷ-xả v.v…, với Tăng trong tâm mình là sự hòa hợp, thanh tịnh của bản tâm. Như thế là Lý Quy-Y Tam-bảo.

V- Nghi Thức Quy Y

Sau khi chúng ta đã hiểu rõ SỰ và LÝ Quy-y rồi, chúng ta cũng cần biết qua nghi thức của lễ Quy-y.

1- Trưóc Tiên Phải Gội Rửa Thân Tâm Cho Trong Sạch.

Quy-y là buổi lễ quan trọng nhất trên đường tu tập của chúng ta. Nó là cuộc khởi hành để đi đến mục đích giải thoát, vì thế chúng ta không thể xem thường, cử hành một cách bừa bãi được.

Khi muốn quy-y, chúng ta phải y-phục chỉnh tề, sắm khay lễ thỉnh chư Tăng đến trai dường, đảnh lễ và cầu xin chư Tăng rủ lòng Từ-bi truyền trao quy-giới cho mình.

Trước ngày hành lễ, thân tâm chúng ta phải được gội rửa trong sạch. Ta tắm rửa sạch sẽ ăn mặc chỉnh tề. Ðó là về thân; còn về tâm thì ta phải ba phen sám hối, cho ba nghiệp được thanh tịnh. Nhờ sự tẩy gội cả trong lẫn ngoài ấy, ta mới xứng đáng đón nhận Pháp thanh tịnh cao quý của Tam-bảo.

2- Phát Nguyện.

Ðến giờ quy-y, chúng ta phải qùy xuống; theo lời hướng dẫn của chư Tăng, chí thành phát nguyện:

– Ðệ tử suốt đời quy-y Phật.

– Ðệ tử suốt đời quy-y Pháp.

– Ðệ tử suốt đời quy-y Tăng.

Sau khi phát nguyện Tam-quy rồi, người phát nguyện tin chắc rằng mình đã gieo hạt giống giải thoát, thế nào cũng sẽ gặt được kết quả tốt là thoát ly ba đường ác: Ðịa-ngục, Ngạ-quỷ, Súc-sanh. Vì thế người quy-y liền nói tiếp ba lần:

– Ðệ tử quy-y Phật rồi, khỏi đọa địa ngục.

– Ðệ tử quy-y Pháp rồi, khỏi đọa ngạ quỷ.

– Ðệ tử quy-y Tăng rồi, khỏi đọa súc sanh.

Thế là trọn vẹn Tam-quy và Tam-kiết.

Ðể bảo tồn lý tưởng cao cả của mình và giữ vững đức tin trên đường Ðạo, người quy-y tự nguyện một cácg mạnh mẽ và thành khẩn:

– Ðệ tử quy- Phật, nguyện trọn đời không quy y thiên, thần, quỷ, vật.

– Ðể tử quy-y Pháp, nguyện trọn đời không quy-y ngoại đạo, tà giáo.

– Ðệ tử quy-y Tăng, nguyện trọn đời không quy-y tổn hữu ác đảng.

Như thế là lễ quy-y đã hoàn tất. Người Tín đồ chỉ còn việc làm theo đúng những lời mình đã phát nguyện và đã tuyên thệ trước Tam-bảo.

VI- Lợi Ích Của Quy Y Tam Bảo

1- Khỏi đi lạc đường đòi vào nơi tăm tối.

Như chúng ta đã thấy ở đoạn mở đầu bài này, chúng ta đang lặng hụp trong biển khổ, đang bơ vơ lạc lỏng giữa đêm tối mênh mông. Trong hoàn cảnh bi đát như thế, nếu không thấy được những phương tiện để đi đến, không có những bậc Thầy để dìu dắt đến, thì chúng ta sẽ quay cuồng mãi mãi trong biển sanh tử luân hồi. Cái đích sáng ấy là Ðức Phật, những phương tiện ấy là Pháp, và những bậc Thầy dìu dắc ấy là Tăng. Khi chúng ta đã biết có những sự quý báu như thế mà không nắm bắt lấy, thì chẳng khácgì người sáp chết đuốiụ thấy cái bè gỗ trôi qua mà lại dại khờ xua đẩy nó ra.

Sự quy-y chính là một cách bám víu vào cái bè Tam-bảo mà Phật đã chế ra để cứu vớt những kẻ sắp chết duối trong biển đời là toàn thể chúng ta.

2- Khi đã phát nguyện quy-y, mình dễ giữ đúng lời đã hứa, vì có sự chứng minh của Chư Phật và Chúng Tăng.

Có người nói: “Tôi tôn sùng Ðức Phật, vì biết Ngài là một Ðấng sáng suốt hoàn toàn; Tôi trọng trọng Pháp vì biết Pháp Phật có đủ năng lực đưa người đến giải thoát; tôi kính Tăng vì biết đấy là những vị đại diện cho Ðức Phật. Biết như thế cũng đủ, cần gì phải làm lễ phát nguyện quy-y?”

Nói như thế là chưa hiểu giá trị về phương diện tâm lý của lời hứa, lời thề trước mặt người khác. Khi chúng ta đã hứa với ai một điều gì, mà nuốt lời hứa, thì tâm hồn chuíng ta bức rức, hối hận không an. Ðã hứa tất có bổn phận làm trọn lời hứa, nếu thất lời hứa, tất ta sẽ tự khinh ta. Nhất là khi lời hứa, lời nguyện ấy lại cử hàng trong một khung cảnh trang nghiêm trước Ðiện Phật, trên có sự chứng tri của Chư Phật, dưới có sự chứng tri của chư Tăng, chung quanh có sự hộ niệm của những thân bằng quyến thuộc; phát nguyện trong khung cảnh ấy, tất nhiên chúng ta khó lòng mà trái lời nguyện hay xao lảng được.

C – Kết Luận

Khuyên tín đồ nên quy-y cả Sự lẫn Lý và tinh tiến trong sự quy-y

Chúng ta đã thấy, là Phật tử thì phải quy-y. Quy-y phải đủ Sự và Lý. Không nên hoàn toàn ỷ lại bên ngoài mà xao lảng bên trong. Cũng không nên hoàn toàn tự tôn tự trọng riêng mình mà khinh thị bên ngoài. Muốn quy-y thì trước tiên phải long trọng làm lễ quy-y để đánh dấu bước đi đầu tiên của mình trên đường giải thoát. Lễ ấy như là lễ tiễn đưa một người ra đi nhận một nhiêm vụ mới. Nhưng một khi đã đặt chân lên đường, thì người ấy phải dong ruổi, quyết tiến mau cho đến đích, chứ không phải chần chờ, quay đi lộn lại một chỗ, hay rẽ qua một ngả khác. Ðã phát nguyện quy-y mà không theo dấu chân của Ðức Phật đã để lại, không soi vào gương sáng của Ðức Phật đã nêu cao, không theo giáo pháp mà rèn luyện tâm tánh; không giữ giới luật, không vâng lời nhắc nhở của Chư Tăng, như thế là tự lừa dối mình và lừa dối người khác, và cái tai hại lại càng lớn lao hơn cả không quy-y.

Trái lại, nếu chúng ta quy-y và thực hành đúng như lời đã phát nguyện thì con đường giải thoát dù xa, cũng sẽ có ngày thấy đích.

Xin hãy luôn luôn ghi nhớ lời nói cuối cùng của Ðức Phật:

– “Hãy tinh tiến lên để giải thoát!”.

NGŨ GIỚI

A.-Mở Ðề

Sau khi quy y Tam bảo phải sống đúng theo quy luật mà Ðức Phật đã chế ra, để tiến bước trên đường Ðạo. Quy luật ấy là Ngũ Giới. Người theo đạo Nho phải sống đúng theo Tam cương, Ngũ thường, thì người theo Ðạo Phật cũng không thể chỉ thọ Tam Quy mà không trì Ngũ Giới.

Người đã phát tâm quy y Tam Bảo là đã bước chân lên nấc thang giải thoát, nhưng nếu không giữ năm giới là chỉ mới bước một nấc đầu rồi dừng lại, không thể tiến đến giải thoát thật sự được. Nam Giới này không những đưa người mạnh tiến trên đường giài thoát, mà còn đem lại trật tự, an vui, hòa bình cho gia đình, Quốc gia, xã hội nữa. Ngũ giới chính là giềng mối chắc thật tạo hạnh phúc cho cá nhân và đoàn thể, chính la ông thầy ngăn ngừa chúng ta làm điều xằng bậy trong thời mạc pháp. Vì thế, Ðức Phật Thích Ca đã có lời di chúc khẩn thiết sau đây trước khi Ngài nhập Niết bàn:

– “Sau khi ta diệt độ, các người tu hành phải tôn kính giới luật làm thầy; dầu cho ta còn tại thế để dạy dỗ cho các người mấy ngàn đời đi nữa, ta cũng thêm điều nào ngoài giới luật.” giới luật Phật chế ra rất nhiều, vì cần phải áp dụng cho nhiều hạng người tu hành: – Tỳ kheo,- Tỳ kheo ni,- Sa di, -Sa di ni. Riêng đối với hàng Phật tử tại gia, thì chỉ có 5 giới mà thôi. Nhưng nếu giữ được 5 giới ấy thì lợi ích cho mình, cho người không xiết kể.

B.- Chánh Ðề:

I.- Ðịnh Nghĩa :

Ngũ giới là năm điều ngăn cấm mà Phật đã chế ra, để ngăn những tưởng niệm ác, nói năng chẳng lành, hành động bất chính. Năm điều răn ấy là: – Không được giết hại, – Không được trộm cướp, – Không được tà dâm, – Không được nói dối, – Không được uống ruợu. Năm điều này y cứ trên tâm từ bi, bình đẳng trên phương diện dứt trừ tội lỗi cá nhân và đem lại trật tự, an vui cho xã hội mà thành lập. Ðức Phật không bắt buộc chúng ta phải triệt để tuân theo và cũng không hăm dọa nếu chúng ta không tuân theo thì phải bị Ngài trừng phạt. Sự giữ hay không giữ giới là do chúng ta hoàn toàn tự liệu lấy. Ðạo Phật khác với các Tôn giáo khác chính là ở điểm Ðức Phật không phải là một quan tòa tối cao giữ quyền thưởng phạt. Một ý nghĩ, một lời nói, một hành động tốt hay xấu chính đã mang theo nó một mầm thưởng phạt rồi. Ðức Phật chỉ là một vị dẫn đường rất từ bi, và rất sáng suốt. Ngài chỉ cho chúng ta con đường nào là con đường sáng và con đường nào là con đường nguy hiểm không nên đi. Nhưng nếu chúng ta không theo con đường sáng mà lại muốn đi vào con đường nguy hiểm, thì tất nhiên chúng ta sẽ gặp tai họa tự nhiên, chứ Phật không tạo ra tai họa để trừng phạt chúng ta. Tòa án chính là luật nhân quả. Ta làm ác thì ta chịu quả xấu; ta làm thiện thì ta được qủa tốt. Năm giới chính là năm thành trì ngăn chận cho ta đừng di lạc vào đường ác, là năm hàng rào ngăn chận cho ta khỏi rơi xuống vực sâu, trong khi ta đi trên con đường giải thoát.

II.- Năm Giới

1.- Không được giết hại.

Ðiều ngăn cấm thứ nhứt mà Phật khuyên chúng ta, là không được giết sanh mạng, từ loài người cho đến loài vật. Sanh mạng là một gía trị qúy báu, nhất là sanh mạng người; giết hại sanh mạng kia để tô bồi cho sanh mạng này là một điều ác, không hợp lý đạo.

Phật giáo cấm sát sanh bỡi nhiều lý do:

a) Tôn trọng sự công bằng. – Chúng ta coi sanh mạng mình là quý, là một của báu tuyệt đối. Nếu ai mưu hại, là mình chống trả triệt để bảo vệ sanh mạng. Mình đã biết quý trong thân mạng mình, tại sao lại muốn chà đạp sanh mạng người? Suy rộng ra, các loài vật cũng biết quý trọng mạng chúng. Như một con bò hay một con heo sắp bị đập đầu, thọc huyết, ta thấy sự phản kháng mãnh liệt, sự đau thương cùng cực của chúng, bằng những tiếng kêu gào, những cái dãy dụa thoát chết! Theo lẽ công bình, đìều ta không muốn ai làm cho ta, thì ta cũng đừng làm cho người khác, hay loài khác. Phật dạy: “Ai ai cũng sợ gươm dao, ai ai cũng sợ sự chết. Vậy nên lấy lòng mình suy lòng người, chớ giết! Chớ bảo giết!”.

b) Tôn trọng Phật tánh bình đẳng. – Chúng ta mỗi loài tuy thân hình khác nhau, mà vẫn đồng một Phật tánh. Phật tánh đã bình đẳng thì không thể viện lý do gì để nói rằng Phật tánh ở người giá trị hơn ở vật, ở giai cấp này màu da này gía trị hơn giai cấp kia màu da kia. Sát hại một sanh vật là sát hại Phật tánh.

c) Nuôi dưỡng lòng từ bi. – Lòng từ bi của Ðức Phật xem mọi loài như con, nên Ngài không đồng ý cho đệ tử Ngài sát hại sanh vật, bất cứ trong trường hợp nào. Bỡi vì đêm tâm giết hại sanh mạng là lòng độc ác đã cực thịnh, tâm từ bi bị bóp chết. Nhẫn tâm vô cớ giết một con vật, tính bạo ác không kém giết một con người. Nhẫn tâm làm cho kẻ khác hay vật khác phải dãy dụa, rên siết, quằng quại trong máu đào, trong lệ nóng trước khi trút hơi thở cuối cùng, là tự giết lòng từ bi của mình, là bóp chết cái mầm thương yêu rất quýbáu trong tâm hồn chúng ta. Như thế, khó mà tu hành để thành chánh quả được. Ðức Khổng Tử có dạy: “Văn kỳ thanh bất nhẫn kiến kỳ thực, kiến kỳ sanh bất nhẫn kiến kỳ tử”. (Nghe tiếng kêu la của con vật, không nỡ ăn thĩt nó; thấy nó sống không đành thấy nó chết). Như vậy người có tâm từ bi hay lòng nhân đều không nỡ giết hại người hay loài vật.

d) Tránh nhân qủa báo ứng oán thù. – Khi ta giết một người hay một con vật thì sự oán hận của họ tràn trề khó dập tắt được. Họ vì cô thế, vì yếu sức nên bị ta giết hại. Trong khi ấy, họ ôm lòng căm hận, chờ gặp dịp báo thù, hay con cái thân nhân họ sẽ báo thù lại. Cứ thế mỗi ngày ta đều gieo căm hờn cho người và vật, tích lũy lâu ngày, khối oan gia ấy to hơn sức ta, chừng ấy ta bị nó sát hại lại. Càng tạo nghiệp sát, càng lao mình vào đau khổ. Phật dạy: “Người thường sanh tâm sát hại, càng tăng trưởng nghiệp khổ,, mãi xoay vần trong sanh tử, không có ngày ra khỏi” (Kinh Lăng Già).

Lợi ích của sự không sát hại. – Vì những lý do trên, Ðức Phật cấm Phật tử không giết haị. Không giết hại, sẽ có những điểm lợi sau đây:

a) Về phương diện cá nhân. – Một người không tàn nhẫn sát nhân, hại vật, không độc ác làm đổ máu, không lóc da, xẻ thịt, chặt đầu, thắt cổ, thì trong lòng không bức rứt, hối hận, thân tâm được nhẹ nhàng, thơ thới, giấc ngủ được an lành, nét mặt được hiền hòa, trong sáng.

b) Về phương diện xã hội. – Nếu tất cả nhân loại trên thế giới này đều giữ đúng giới thứ nhật của Phật dạy đây, thì chiến tranh sẽ không có, mà các nghiệp sanh tử luân hồi cũng đươc giải thoát. Cho nên Tổ xưa có dạy:

”Hết thảy chúng sanh không nghiệp giết,
Mười phương nào có nổi đao binh.
Mỗi nhà, mỗi chốn đều tu Thiện.
Lo gì thiên hạ chẳng thái bình. ”

Hạn chế: Vẫn biết giết hại là tạo nhân khổ, nhưng người tại gia còn ăn mặn, còn làm công việc kia nọ, thì khó tránh khỏi phạm giới sát. Ở đây không bắt buộc chúng ta phải giữ triệt để như thế, chỉ cần giữ phần quan trọng là không giết người, và những con vật lớn như: Trâu, bò, ngựa, chó, heo, gà v.v… Còn những con nhỏ nếu tránh được bao nhiêu quý bấy nhiêu. chúng ta nên đi từ từ thì chắc ăn hơn. Nhất là không nên giết hại sinh vật một cách vô lý, giết để thỏa lòng thích giết. Trong khi giữ giới sát, ta nên đề phòng hai đều sau đây:

a) Không nên để cho ác ý sanh khởi. Giết một con vật lớn mà vì vô ý hay tự vệ, thì cái qủa của nó còn nhẹ hơn là giết một con chuồn chuồn với cái ác ý muốn giết cho vui tay.

b) Nên tránh sự huân tập trong hoàn cảnh giết hại: Những đứa bé lên 3, lên 5 ra sân gặp chuồn chuồn, bươm bướm chụp bắt rồi ngắt cánh, rứt đầu nếu cha mẹ thấy mà không rầy la; đến 12,13 tuởi, chúng sắm ná, giàng thun bắn chim, đến 20,25 tuởi, chúng đâm họng heo, giết chó, vẫn không bị ngăn cấm thì sau này, quen với tánh hung bạo, trong cơn giận dữ, chúng có thể giết người không gớm tay. Vậy chúng ta không nên để tự do cho con cái quen cái sự giết hại sinh vật, mà cũng không cho chúng mục kích những cảnh chém giết ở các rạp chiếu bóng hay ở giữa đời.

2. – Không được trộn cướp.

Ai cũng biết trộn cướp là lấy những tài vật thuộc quyền sở hữu của người, mà không có sự ưng thuận , hay cưỡng ép người ta ưng thuận bằng võ lực hay quyền hành. Những vật quý giá như nhà cửa, ruộng vườn, tiền bạc, ngọc ngà… cho đến vật hèn mọn như lá trầu, trái ớt… người ta không cho mà mình tự lấy đều là trộm cướp. Trộm cướp có nhiều hình thức: Ỷ mạnh bè đảng giựt ngang của người là ăn cướp,; cậy thế ỷ quyền làm tiền kẻ yếu là ăn cướp; bắt chẹt người ta trong lúc túng thiếu để cho vay nặng lời, cầm bán gía rẻ mạt là ăn cướp; tích trử đầu cơ để bán giá chợ đen là ăn cướp. Dùng mưu mẹo rình rập, lén lút lấy của người là ăn trộm; cân non, đong thiếu, trốn xâu, lậu thuế, được của người ta mà không tìm cách trả lại là ăn trộm. Có thể nói tóm một câu là; Bất cứ hình thức nào, do lòng tham lam lấy của ngườibất chính đều là trộm cướp cả. Nếu vì nghèo nàn thiếu thốn, vợ ốm con đau, thiếu gạo thiếu thuốc, nên phải buộc lòng gian xảo, thì tội còn được châm chế; chứ đã giàu có, ăn sung mặc sướng, lên xe xuống ngựa mà còn lường gạt người lấy của, cướp công, để sống một cách vương gỉa trên mồ hôi nước mắt của kẻ nghèo đói, thì tội ác thật nặng nề!

Vì lý do gì Phật cấm trộm cướp? Phật cấm trộm cướp vì những lý do sau đây:

a) Tôn trọng sự công bằng: Chúng ta không muốn ai lấy của mình, tại sao mình lại chăm chăm muốn đoạt của người? Quyền sở hữu cá nhạn của ta, ta biết t6o trọng, thì tại sao ta lại chà đạp lên quyền sở hữu của người? Làm nhu thế là trái lẽ công bằng. Một xã hội mà thiếu công bằng thì không thể tồn tại lâu dài được.

b) Tôn trọng sự bình đẳng. – Mỗi người đều có Phật tánh như nhau, tại sao ta lại muốn làm khổ người khác để ta được sung sướng? Tại sao ta lại muốn hưởng nhữnh đặc ăn bất chính trong khi ta cũng chỉ là một con người như bao nhiêu con người khác?

c) Nuôi dưỡng lòng từ bi. – Một khi vô ý đánh mất một vật gì hay một số tiền, ta dàu dàu buồn khổ, ăn không ngon, ngủ không yên, tại sao ta lại nỡ tâm lấy của người để cho người phải khóc than, đau khổ vì ta? Người ta thường nói: “Tiền tài là huyết mạch”. Như vậy, kẻ cướp đoạt của người tức là cướp đoạt xương máu người, sát hại sinh mạng người vậy. Chỉ những người không có lòng thương người, tán tận lương tâm mới làm những việc đen tối như vậy. Còn ta, đã là Phật tử, đang cố gắng nuôi dưỡng lòng từ bi, ta không thể trộm cướp của ai được.

d) Tránh nghiệp báo oán thù. – Trong xã hội có tổ chức, tôn trọng lẽ công bằng, thì tội trộm cướp bao giờ cũng bị trừng trị. Ăn trộm là bị đưa ra tòa án tiểu hình, ăn cướp thì ra tòa án đại hình. Khi chưa bị bắt, kẻ trộm cướp phải tìm trăm phương ngàn kế để trốn tránh. sống chui rúc trong bóng tối. Khi bị bắt, người trộm cướp phải bi trói buộc, tra khảo, ngồi tù, nhốt khám. Phận mình đã đành cực thân khổ trí, lại làm cho gia đình mình, cha mẹ, vợ con cũng buồn rầu xấu hổ, và mất hết cả hy vọng ở tương lai.

Nhưng nếu luật pháp thế gian không trừng trị, thì người trộm cướp cũng không thoát khỏi luật nhân quả nghiệp báo. Trộm cướp của người thì sẽ bị người trộm cướp lại, gây bao thù oán khổ đau. Phật dạy: “Người tham luyến sắc tài không chịu rời bỏ, cũng như đứa bé luyến tiếc một chút mật trên lưỡi dao, thè lưỡi liếm, phải bị cái họa đứt lưỡi” (Kinh Tứ Thập Nhị Chương). Chính thế, vì tham tiền của, lắm người đã tự gieo mình vào khám đường, vào địa ngục. Chúng ta hãy lắng nghe bài kệ cảnh tỉnh của vua Trần Thái Tông:

Khoét vách xoi tường chí những đâu,
Ngàn mưu trăm kế luống tham cầu;
Của người dầu có đời nay được,
Ðời khác luôn luôn kiếp ngựa trâu.
Vì những lý do trên nên Ðức Phật cấm các để tử trộm cướp.

Lợi ích của sự không trộm cướp.

a) Về phương diện cá nhân. – Người không gian tham thì đời sống hiện tại được an ổn, không bị đòi hỏi, giam cầm, tù tội, đi đâu cũng được người khác tin cậy, giao phó cho mình những địa vị quan trọng. Người không gian tham thì đời sau được hưởng phước báu giàu sang, an vui, và con cháu nhiều đời cũng nhờ thừa hưởng âm chất của ông bà, cha mẹ để lại mà được vinh hiển.

b) Về phương diện đoàn thể. – Nếu một ngày nào trong xã hội không ai có tâm gian tham, trộm cướp thì nhà không cần đóng cửa, của khỏi lo gìn giữ, vật đánh rơi không mất, thật không còn gì sung sường hơn! Người ta khổ bỡi không có của, nhưng kẻ có của nhiều cũng vẫn khổ, vì phải lo gìn giữ. Người không trộm cướp tức là đã âm thầm ban cho người khác sự an ổn rồi. Nhà Nho có câu: “Nhơn phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ”, Huống chúng ta là Phật tử lại đi trộm cướp hay sao?

3. – Không được tà dâm.

Tà dâm tức là muốn nói về sự dâm dục phi lễ, phi pháp. Luật dạy người xuất gia ly tục phải dứt hẳn dâm dục, còn người tại gia thì không được tà dục. Khi vợ chồng có cưới hỏi đủ lễ gọi là chánh; ngoài ra, lén lút lang chạ làm việc phi pháp với người khác phái gọi là tà. Nhưng nếu vợ chồng chính thức đi nữa, mà nằm không phải chỗ, gần giũ nhau không chừng mực thì cũng thuộc về tà dâm cả. Ðó là nói về mặt thô thiển. Nói một cách vi tế hơn, thì phàm những sự phóng tâm đắm sắc, nghĩ ngợi bất chánh, chơi bời lả lơi, cũng đều thuộc về loại tà dâm cả.

Phật cấm tà dâm vì những lý do sau đây:

a) Tôn trọng sự công bình. – Mỗi người ai cũng muốn gia đình mình êm ấm, yên vui, vợ con mình đoan chánh, thì sao lại đi phá hại gia cang, làm nhục nhã tông môn người, đưa vợ con người vào con đường dâm loạn.

b) Bảo vệ hạnh phúc gia đình. – không gì đau khổ, đen tối hơn, khi một gia đình mà chồng hoặc vợ có dạ riêng tư, tà vạy. Hạnh phúc đâu còn, khi chồng vợ không tin nhau! Một khi gia đình lâm vào cảnh ấy, thì con cái sẽ xấu hổ, bê tha, côi cút, bà con không đoái hoài đến, sự nghiệp tan tành, làng xóm chê bai, danh giá hoen ố. Ðiều kiện thiết yếu để giũ gìn hạnh phúc gia đình chính là lòng chung thuỷ của hai vợ chồng. Người ta bảo: “Thuận vợ thuận chồng, tác bể Ðông cũng cạn”. Vì sự tà dâm của một trong hai người bạn đường mà trong gia đình thường xảy ra những vụ ghen tương, cãi vã, đánh đập có khi đến gây án mạng. Có khi, để trả thù, người ta thường thấy xảy ra cái cảnh “Ông ăn chả, bà ăn nem”. Một người chồng để tâm dòm ngó vợ người, thì chính vợ con họ cũng lăm le vạch rào sang nhà kẻ khác rồi. Họ phá hạnh phúc gia đình ngưởi, thì chính hạnh phúc gia đình họ cũng đã tan rã trước.

Cho nên cấm tà dâm là một điều kiện cần thiết để xây dựng hạnh phúc cho gia đình mình và gia đình người.

c) Tránh oán thù và quả báo xấu xa. – Phật dạy: “Người ôm lòng ái dục cũng như kẻ cầm đuốt đi ngược gió, quyết bị nạn cháy tay” (Kinh Tứ Thập Nhị chương). Thật vậy, người ta có tâm xấu xa đắm mê sắc dục, không sớm thì chầy quyết bị hại: nếu không tan nhà mất nước, thì cũng gãy chân mất mạng bỡi mũi súng, ngọn gươm. Xưa nay những kết qủa thảm khốc đen tối do sự đắm mê sắc dục gây ra không thiếu gì; chúng ta chỉ cần dở những chồng sách lịch sử hay chồng bao hằng ngày, sẽ thấy nhan nhản trong mỗi trang, mỗi đoạn. Trong các sự oán thù, không có sự oán thù nào mãnh liệt bằng sự oán thù do sự lừa dối phụ rẫy về tình ái gây ra. các cuộc án mạng xảy ra hằng ngày, phần lớn là kết qủa của tà dâm.

Lợi ích của sự không tà dâm.Vì thế nên sự giữ giới cấm tà dâm sẽ có những lợi ích sau đây:

a) Về phương diện cá nhân.

– Kinh ThậpThiện nói:”Người thế gian không tà hạnh thì được hưởng bốn điều lợi sau:

– Sáu căn (tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý) đều được vẹn toàn.
– Trọn đời được người kính trọng.
– Ðoạn trừ được hết cả phiền luĩ khuấy nhiễu.
– Cuộc tình duyên trọn đời không ai dám xâm phạm.”

b) Về phương diện đoàn thể.

– Trong một xã hội mà ai cũng không tà hạnh, thì gia đình được yên vui hạnh phúc, những sự thương lus6n bại lý sẽ tiêu tan, những cảnh thù hiềm, ché giết sẽ không xảy ra nữa; con cái được mạnh khẻo, nâng niu, xã hội
sẽ cường thịnh. Nói tóm lại, cõi Ta bà ô trọc, đau khổ này sẽ biến thành thế giới thanh tịnh, an vui.

4. – Không được nói sai sự thật.

Nói sai sự thật có bốn cách: Nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác.

a) Nói dối hay nói láo, là không nói thật, chuyện có nói không, chuyện không nói có, việc phải nói trái, việc trái nói phải; điều nghe nói không nghe, điều không nghe nói nghe; hoặc gỉa trước mặt khen dồi, sau lưng chê mạc; hay là khi ưa thì nói dịu ngọt thơm tho, khi ghét lại đắng cay chua chát. Tóm lại, ý nghĩ lời nói việc làm trước sau mâu thuẫn, trên dưới khác nhau, trong ngoài bất nhứt, đều thuộc về nói dối cả.

b) Nói thêu dệt, là việc ít xít cho nhiều, làm cho người nghe nổi sân hận; là trau tria lời nói, chuốt ngót giọng hay, lên hơi xuống giọng cho êm tai mát dạ để cám dỗ người nghe, làm cho người say mê đắm nhiễm; cũng có khi là nói biếm, nói bâm, nói châm, nói chích làm cho người nghe phải khổ sở. Tóm lại, bao nhiêu lời nói không đúng nghĩa chân thật, thêm bớt cho đến văn chương phù phiếm, bóng bẩy làm cho kẻ nghe phải loạn tâm, sanh phiền não, đều gọi là nói thêu dệt cả.

c) nói lưỡi hai chiều, hay nôm na hơn, là nói “đòn xóc nhọn hai đầu”, nghĩa là đến chỗ này thì nói hùa với bên này để nói xấu bên kia, đến bên kia thì nói hùa bên ấy để nói xấu bên này, làm cho bạn bè đang thân nhau trở lại chống nhau, kẻ ân, người nghĩa chống đối, oán thù nhau.

d) nói lời hung ác, là nói những tiếng thô tục cộc cằn chửi rủa, làm cho người nghe phải đau khổ, buồn rầu, sợ hãi.

Vì sao Phật cấm nói sai sự thật? Phật cấm nói sai sự thật vì những lý do sau đây:

a) Tôn trọng sự thật. – Ðạo Phật là Ðạo như thật; người tu theo Ðạo Phật phải tôn trọng sự thật. Người quen với dối trá, không thiết tìm sự thật thì khó có thể chứng qủa được. Chúng ta đang sống trong vọng tưởng, công việc chính của người tu hành là cố gắng phá tan vọng tưởng ấy để thấy được bản nguyện; nếu không làm được như thế mà trái lại còn chồng chất thêm cái vọng tưởng ấy với những sự dối trá lừa phỉnh nữa, thì thật là trái đạo.

b) Nuôi dưỡng lòng từ bi. – Cái động lực chính của sự dối trá là lòng ích kỷ, ác độc, muốn hại người để thỏa lòng dục vọng đen tối của mình. Người bị lừa dối, phỉnh gạc phải đau khổ vì mình, có khi phải mắt thù vươn oán, có khi phải tan gia bại sản. Người tu hành mà làm như thế là đã tán tận lương tâm, đã bóp chết tình thương trong lòng họ rồi. Một khi lòng từ bi không có nữa, nghĩa là cái động lực chính đã mất, thì sự tu hành chỉ còn là giả dối, lừa bịp người, và tất nhiên không bao giờ có kết qủa
tốt.

c) Bảo tồn sự trung tín trong xã hội. – Trong một gia đình, một đoàn thể, một xã hội mà không ai tin ai, thì mọi công cuộc từ nhỏ đến lớn đều thất bại. Trong đạo Nho, một trong 5 đức tính căn bản là lòng tin. “Nhơn vô tín bất lập”, đó là lời dạy của Khổng Tử, Hạnh phúc gia đình và xã hội không thể có được trong sự dối trá. nghi ngờ, đố kĩ.

d) Tránh nghiệp báo khổ đau. – lời nói tuy không phải là lưỡi kiếm, nhưng nó nguy hiểm hơn lưỡi kiếm, vì nó có hai mũi ngọn, một mũi đâm vào người khác, một mũi đâm vào chính người xử dụng nó. Ai ai cũng chắc chưa quên câu chuyện thằng bé chăn cừu muốn đánh lừa hàng xóm, bằng cách la “Lửa! Lửa!”, nhưng nó chỉ phỉnh người được một lần, lần sau nhà nó cháy thật, mặc dù nó kêu la thảm thiết cũng không ai thèm đến chữa nữa. Ðấy, người dối trá chỉ gây họa cho mình. Do đó, Phật dạy: “Phàm kẻ ở đời, lưỡi búa bén nằm sẵn trong miệng, sở dĩ chém mình là do lời nói ác”. Ðã đành nói ly gián, nói xuyên tạc là để hại người, nhưng khi đã làm hại người thì thế nào người cũng hại lại mình. “Ác lai ác báo” là thế. Ðể tránh sự thù hằn, tránh nghiệp dữ, chúng ta không nên dối trá, điêu ngoa.

Lợi ích của sự không dối trá:

a) Về phương diện cá nhân. – Ðược người trọng nể, tin cậy, không ai oán hận thù hiềm; đi đâu cũng được người chung quanh dành cho một địa vị thân tín, niềm nỡ tiếp đón. Trong nghề nghiệp làm ăn, người chân thật được nhiều thân chủ, và được giao phó cho nhiều trọng trách quý báu.

b) Về phương diện đoàn thể. – Gia đình và xã hội được đoàn kết trong sự tin cậy. Mọi công cuộc chung, được xúc tiến có kết qủa tốt.Ðồng bào thương yêu, thông cảm nhau hơn.

Hạn chế: Nói dối là một tai họa lớn lao, cho mình và xã hội. Tuy nhiên, cũng có vài trường hợp nên nói dối. Ðó là khi nào vì lòng từ bi mà phải nói dối để cứu người hay vật. Nói dối phạm tội là trong trường hợp do lòng tham, sân làm động cơ thúc đẩy . Ngược lại, nếu do lòng từ bi thúc đẩy mà phải nói dối, thì không phạm tội.

5. – Không được uống rượu.

Tất cả những thứ có chất men làm say người, hay chấc độc hại người đều không được uống. Chính mình không uống đã đành, mà cũng không được ép nài người khác uống. Ép nài, khuyến khích người khác uống, tội lại nặng hơn cả chính mình uống nữa. Lúc lâm bịnh nặng, uống các thứ thuốc không lành, lương y bảo phải dùng rượu hòa vào thuốc, thì tạm được dùng. Nhưng trước khi dùng phải bạch cho chúng Tăng biết. Khi hết bịnh, không được tiếp tục uống thuốc có hòa rượu ấy nữa.

Vì những lý do gì Phật cấm uống rượu? – Phật cấm uống rượu vì những lý do sau đây:

a) Bảo toàn hạt giống trí tuệ. – Rượu còn nguy hiểm hơn thuốc độc. Một ché thuốc độc ta uống vào chết ngay, nhưng chỉ chết một thân hiện tại, chứ rượu uống vào, làm mất giống trí tuệ, phải chết đi sống lại vô số kiếp. Vì thế để bảo toàn hạt giống trí tuệ quý báu, Phật cấm uống rượu.

b) Ngăn ngừa những nguyên nhân sanh ra tội lỗi. – Rượu chính nó không phải là một tội lỗi như sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nhưng nó có thể làm nhân cho những tội lỗi kia sanh ra. Khi đã uống rượu vào say sưa, thì tội nào cũng có thể phạm được. Dưới đây là một câu chuyện để chứng minh đìều đó: – Một anh nông phu kia đang cày ruộng giữa đồng, bỗng thấy hiện ra sừng sững trước mặt mình một hung thần to lớn, kỳ dị, hăm giết anh. Anh kinh sợ, khóc lóc xin tha mạng. Vị hung thần bảo:

– Nếu ngươi làm một trong ba việc này thì ta tha chết cho: hoặc là giết cha ngươi, hoặc là đánh mẹ ngươi hay uống hết lít rượu để trên bàn nhà ngươi.

Anh nông dân suy nghĩ mộ hồi rồi trả lời:

– Xin Ngài cho con được uống lít rượu.

Hung thần nghe xong có vẻ hài lòng rồi biến mất. Trưa hôm ấy, anh nông dân về nhà, thấy lít rượu mà ông thân mua để đãi khách, vì nhà sắp có giỗ, anh ta vội vàng chụp lấy, nốc cạn một hơi. Cha anh thấy đứa con hỗn láo, nắm gậy xông lại đánh mắng con. Ma men đã thấm, anh ta không còn biết phải trái, giựt gậy của cha, đánh ông một cây chêùt tốt! Bà mẹ chạy đến ôm con la làng. Anh ta chưa hả giận, đánh mẹ túi bụi. Xóm làng chạy lại bắt anh dẫn lên quan vì tội giết cha đánh mẹ. Tỉnh lại anh mới biết uống rượu là tội nặng nhứt trong ba diều mà hung thần bắt anh làm.

Tóm lại rượu gây ra nhiều tội lỗi. Sau đây là 10 tai hại của rượu mà trong Kinh đã nói đến: 1 – Của cải rơi mất; 2 – Tăng trưởng lòng giết hại; 3 – Trí tuệ kém dần; 4 – Sự nghiệp chẳng thành; 5 – Thân tâm nhiều khổ; 6 – Thân hay tật bịnh; 7 – Tâm sân hận bồng bột, ưa cãi lẫy; 8 – Phước đức tiêu mòn; 9 – Tuổi thọ giảm bớt; 10 – Mạng chung đọa vào địa ngục.

Lợi Ích Của Sự Cấm Uống rượu

a) Về phương diện cá nhân. – Người không uống rượu thì tránh được 10 điều hại vừa kể trên.

b) Về phương diện đoàn thể. – Gia đình được yên vui, con cái ít tật bịnh, xã hội được hòa mục, nòi giống được hùng cường.

C. – Kết Luận

1. – Phật tử không giữ giới không phải là Phật tử. – Chúng ta đã thấy công dụng thiết thực và lợi ích của 5 giới về phương diện cá nhân và đoàn thể. Nếu Tam Quy là nền tảng, thì ngũ giới là 5 nấc thang của người Phật tử tại gia để bước dần lên Thánh qủa. Trong bước đầu, người Phật tử nếu có thể phát nguyện giữ cả năm giới thì càng tốt; nếu vì nhiều sự ràng buộc chưa thể giữ được cả năm giới thì có giữ vài giới mà mình thấy có thể thực hành được, như: Không uống rượu, không nói dối. Rồi với sự tinh tấn và Bồ đề tâm dũng mãnh , ta tiếp tục phát nguyện giữ thêm những giới khác như không trộm cắp, không tà dâm… Nhưng đã phát nguyện giữ giới nào thì giữ cho trung kiên, đừng có một bước tiến tới, hai bước thoái lui, dùng dằng như thế mãi thì không bao giờ đi đến đâu cả. Nếu người Phật tử mà không giữ giới nào thì sao gọi là Phật tử? Người thường, không theo Phật mà còn giữ đúng tư cách như không uống rượu, không nói dối, không trộm cắp thay, huống hồ là Phật tử? Ta đến với Ðạo Phật là muốn vượt lên trên đời tầm thường của thế nhân. Nếu chúng ta vào Ðạo rồi mà vẫn tiếp tục cuộc đời trôi nổi cũ, hay còn tệ hơn cuộc đời thường của thếnhân, thì đó là chúng ta muốn làm hoen ố Ðạo,

Cho nên người Phật tử phải cố gắng giữ giới để cho xứng đáng với danh nghĩa của mình, để đem hạnh phúc đến cho mình và chúng sanh.

2 Người không theo Ðạo Phật cũng nên giữ giới. – Năm giới nói trên không có gì là cao siêu, huyền bí. Ðó là một bài học công dân thông thường mà bất cứ một xã hội nào, một quốc gia nào muốn phồn thịnh, hùng cường cũng không thể bỏ sót được. Cho nên năm điều luật ấy không phải chỉ để áp dụng riêng cho giới Phật tử, mà còn chung cho tất cả những ai muốn sống một cuộc sống lành mạnh, an vui, có lễ nghĩa và tiến bộ.

Một xã hội mà mọi phần tử đều thực hiện được năm giới cấm ấy, thì đó là một xã hội gương mẫu, văn minh nhứt thế giới.

BÁT QUAN TRAI GIỚI

A. MỞ ĐỀ

Đức Phật Thích Ca nói pháp gần 50 năm, có đến 84.000 pháp môn, vô lượng diệu nghĩa. Mặc dù giáo pháp nhiều như thế, nhưng không ngoài ba môn chính là “giới, định, huệ”.

Trong “giới, định, huệ”, thì giới là phần quan trọng, là phần căn bản. Nhờ giới, tâm mới định, tâm có định, huệ mới phát sanh, huệ có phát sanh mới dứt trừ được vô minh phiền não; vô minh phiền não có dứt trừ mới minh tam kiên tánh và thành Phật. Nhưng giới cũng có nhiều thứ: có thứ cao, thứ thấp, có thứ áp dụng cho hàng xuất gia, có thứ cho hàng tại gia. Trong hàng xuất gia, thì Sa di chỉ giữ 10 giới, Tỳ kheo giữ 250 giới, Tỳ kheo ni đến 348 giới. Về phía tại gia thì có Tam quy, Ngũ Giới, Bát quan trai giới, Bồ Tát giới, Tam quy Ngũ Giới, thì chúng ta đã học rồi; Bồ Tát giới thì khó khăn hơn, chúng ta sẽ học sau. Bây giờ đây, chúng tôi chỉ nói đến Bát quan trai giới.

B. CHÁNH ĐỀ

I. ĐỊNH NGHĨA

Bát quan trai giới là một phép tu hành của người tại gia áp dụng trong một ngày một đêm (24 giời).

Chữ “Quan” là cửa, cửa ngăn chặn 8 điều tội lỗi. Chữ “Trai”, tiếng Phạn là Posadha, nghĩa là khi đã qua giờ ngọ (12 giờ trưa) không được ăn nữa. Vậy “Bát quan trai giới” là sự giữ gìn cho thân tâm được thanh tịnh trong 24 tiếng đồng hồ bằng cách ngăn chặn 8 điều tội lỗi sau đây:

1. Không được sát sanh
2. Không được trộm cướp
3. Không được dâm dục
4. Không được nói dối
5. Không được uống rượu
6. Không được trang điểm, thoa dầu thơm, múa hát và xem múa hát.
7. Không được nằm ngồi giường cao rộng đẹp đẽ
8. Không được ăn quá giờ ngọ

II. GIẢI RÕ TÁM ĐIỀU RĂN CẤM NÓI TRÊN

1. Không được sát sanh

a) Ý nghĩa vì sao không được sát sanh:

Chúng sanh mặc dù hình dáng có khác nhau, nhưng cùng có một điểm quan trọng giống nhau là tham sống, sợ chết, biết đau khổ vui mừng. Không cần phải dẫn chứng cho xa xôi, ngay trong sự quan sát hằng ngày, chúng ta cũng nhận thấy: cá thấy người cá lội xa, chim thấy người chim bay cao, cũng như người thấy cọp người lẩn trốn, vì đều sợ lâm nguy đến tính mạng cả. Khi bị bắt, chim, cá hay người đều vùng vẫy để chốn thoát. Và khi được thả ra, thoát chết, chao ôi! Còn gì sung sướng cho bằng! Nhận thấy được sự tham sống sợ chết, nối vui mừng, đau xót của muôn loại như thế, mà chúng ta còn đang tâm giết hại sanh mạng, thì thật lạ nhẫn tâm, tàn ác vô cùng.

Từ trước đến nay, loài người đã giết hại rất nhiều, bằng đủ phương tiện, nào làm lưới để bắt cá dưới nước, dùng cung tên súng đạn để bắt cầm thú trên đất…và nhất là dùng đủ mưu mô kế hoạch để giết hại chém giết lẫn nhau. Về phía thiện, thì có nhiều người cũng thiện vô cùng; nhưng về phía ác, thì cũng nhiều người ác vô cùng.

Chúng ta là Phật tử , nghĩa là những người theo đạo Từ bi. Chúng ta cần phải cố gắng đừng sát hại sinh vật và nhất là đừng sát hại người. Về sự sát hại người, trong Ngũ Giới Phật đã tuyệt đối cấm chỉ, và chúng ta cũng đã phát nguyện giữ giới ấy. Nhưng về sinh vật, vì một số Phật tử còn ăn mặn, nên chưa tuyệt đối giữ được giới sát. Vậy ít ra trong ngày thọ Bát quan trai, chúng ta hãy tuyệt đối giữ giới ấy. Chúng ta không giết người, không trù tính mưu mô giết người, đã đành ! Chúng ta cũng không nên động lòng trướcv sanh mạng của tất cả mọi loài hữu hình. Hơn nữa, nếu thấy ai có ý giết hại sinh vật, chúng ta phải khuyên lơn ngăn cản đừng cho người ta thi hành ác ý ấy.

Được như thế là ta giữ được trọn vẹn giới sát, mặc dù chỉ trong một ngày đêm, nhưng lợi ích sẽ lớn lao vô cùng cho việc tu hành của chúng ta.

2. Không được trộm cướp

Hai chữ trộm cướp ở đây có một ý nghĩa vô cùng. Những vật thuộc quyền sở hữu của người ta, từ vàng, bạc, châu báu, đất ruộng nhà cửa, cho đến đồ đạc, cây kim sợi chỉ, cọng rau, người ta không cho mà mình lấy, là trộm cướp. Lường thăng tráo đấu, đo thiếu lấy thừa, đi làm trễ giờ, boc lột công nhân, lấy của công, ăn hối lộ, được của người không trả lại, đều là trộm cướp.

Người đời coi tiền của hơn tánh mạng, trèo non, lặn suối, lo mưu này tính kế nọ để làm ra tiền nuôi thân và gia đình, và để dành dụm phòng khi đau ốm, tai nạn. Nếu rủi bị mất tiền của do mồ hôi nước mắt mà có, người ta vô cùng đau khổ, tuyệt vọng có khi đến quyên sinh. Chúng ta cũng đã có nhiều khi đau buồn vì mất của, thì xét người khác cũng vậy. Chúng ta không muốn ai trộm cướp của mình, thì tất nhiên mình cũng không nên trộm cướp của ai. Đó là lẽ công bằng rất giản dị. Huống chi chúng ta là Phật tử , nghĩa là những người quyết tâm diẹt trừ tham dục, để được giải thoát, thì lẽ nào ta lại lấy của phi nghĩa?

Trong cuộc đời tranh đấu hằng ngày để sống, có nhiều khi chúng ta không giữ được một cách tuyệt đối giới cấm này, chẳng hạn, chúng ta làm ít mà cố đòi lương cho cao, bán hàng xấu với gía cao, mưu tính chước này kế nọ để được lợi nhiều một cách thiếu chính đáng…Có khi chúng ta nhận thấy như thế là bất chính, nhưng tự bào chữa rằng vì sự sống của gia đình, thân thuộc mà phải làm như thế.

Nhưng trong ngày thọ Bát quan trai giới, chúng ta hãy quyết không trộm cướp đã đành, mà cũng không được để cho một ý nghĩ tham lợi móng lên trong tâm. Chúng ta không trộm cướp, không nghĩ đến sự trộm cướp, mà thấy ai trộm cuớp hay nẩy ra ý trộm cướp thì chúng ta cũng khuyên can họ, ngăn ngừa không cho họ làm bậy. Không những không trộm cướp và ngăn ngừa sự trộm cướp mà thôi, chúng ta còn bố thí cho những người nghèo khổ, thiếu ăn thiếu mặc, tìm cách giúp đỡ những người thân thuộc, trong cảnh túng thiếu.

Giữ được giới này một cách tuyệt đối, thì dù thời gian ngắn ngủi trong 24 giờ đồng hồ, chúng ta cũng đã gieo được những nhân lành tốt đẹp cho sự tu hành của chúng ta.

3. Không được dâm dục

Dâm dục là cái nghiệp nhơn sanh tử luân hồi, nên người xuất gia phải đoạn hẳn. Phật dạy rằng: “Người muốn đoạn trừ sanh tử, chứng quả Niết bàn mà không trừ hẳn dâm dục, thì không khác kẻ nấu cát sạn mà muốn cho thành cơm, dù ra công đem nấu, trải qua năm ngàn kiếp cũng không thành cơm được”.

Vậy những Phật tử xuất gia, muốn thành Phật quả thì phải trừ dâm dục.

Còn những Phật tử tại gia, chưa có thể hoàn toàn đoàn trừ dâm dục được, thì Phật chỉ cấm tà dâm, nghĩa là ngoài vợ chồng, không được lan chạ; và giữa vợ chồng, cũng cần phải giữ chánh lễ, biết tiết dục để cho thân tâm được trong sạch nhẹ nhàng.

Nhưng đây là nói về ngày thường của Phật tử tại gia. Chứ đến ngày thọ Bát quan trai giới, thì tuyệt đối phải giữ giới tịnh hạnh, không được hành động dâm dục đã đành, nà cũng không được nhớ nghĩ đến những điều dâm dục.

Nếu triệt để giữ đúng giới này, thì dù chỉ trong 24 giờ đồng hồ, lợi ích cũng rộng lớn vô cùng, vì chúng ta đã có dịp để gieo nhơn tịnh hạnh là một nhơn rất quý báu trong sự tu hành diệt dục.

4. Không được nói dối

Nói dối là tâm nghĩ miệng nói trái nhau. Nói dối có 4 cách, mà chúng ta đã có học rồi trong bài Ngũ Giới. Đó là: nói không thật, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác.

Chúng ta đã thấy, hằng ngày trong đời, tai hại của sự nói dối. Tai hại lớn nhất là làm mất lòng tin cậy nhau. Trong một gia đình mà không tin nhau, thì gia đình sẽ tan nát; trong một xã hội mà không tin nhau, thì xã hội sẽ điêu tàn.

Trong đời sống hằng ngày chúng ta chưa có thể hoàn toàn giữ giới này được, thì trong ngày thọ Bát quan trai giới, chúng ta hãy triệt để thực hành giới cấ⭠này. Chúng ta không nói sai, không nói thêu dệt, không nói hai chiều, không nói lời hung ác đã đành; chúng ta lại còn khuyên răn những người chung quanh giữ đúng giới không nói láo ấy !

Nếu thực hành triệt để giới cấm này, thì dù chỉ trong một ngày đêm, chúng ta cũng đã gieo được một hột nhơn quý báu rất hiếm có trong đời này là: lòng chân thật.

5. Không được uống rượu

Rượu làm say mê, tối tăm trí não người uống. Nó còn nguy hiểm hơn cả thuốc độc, vì thuốc độc uống vào chết ngay, song chỉ giết chết một đời người thôi; chớ rượu làm cho người cuồng tâm, mất trí, gây nên nhièu tội lỗi, chết đi sanh lại, luân hồi nhiều kiếp trong tối tăm si ám.

Bởi thế, trong Kinh, Phật dạy: “Thà uống nước đồng sôi cho tan mất thân này, chứ không nên uống rượu”.

Chúng ta là Phật tử , nghĩa là những người đang trau dồi Trí tuệ để được sáng suốt như Phật, chúng ta không được uống rượu. Chúng ta không uống rượu đã đành, mà cũng không khuyên mời người uống rượu. Tự mình uống rượu tội còn nhẹ, chớ khuyên mời người khác uống, tội lại nặng hơn.

Song, trong lúc đau ốm, nếu lương y bảo pahỉ có rượu hòa với thuốc uống mới lành bệnh, thì chúng ta cũng được tạm dùng, Khi đó rượu trở thành một vị thuốc, chứ không phải là một vị làm cho trí não ta cuồng loạn nữa.

Đấy là nói về ngày thường, chứ trong ngày thọ “Bát quan trai giới”, chúng ta phải trừ tuyệt rượu, không được uống đã đành, mà còn khuyên răn người khác đứng uống nữa.

6. Không được trang điểm, thoa dầu thơm, múa hát và đi xem

Năm giác quan: tai, mắt, mũi, lưỡi, thân là năm cửa ngõ, có thể mở đường cho chúng ta đến cảnh giới Niết Bàn, hay vào địa ngục. Nếu chúng ta biết mở năm cánh cửa ấy về nẻo thanh tịnh, nghe những lời hay lẽ phải, thấy những điều thiện, điều lành, ngửi những mùi thơm tinh khiết, đạo vị, thì con đường đến Niết Bàn, giải thoát không xa. Trái lại, nếu chúng ta hướng những cánh cửa giác quan ấy vào cõi ô trọc, mở rộng chúng cho tội lỗi ùa vào, nào nghe tiếng du dương luyến ái của dục vọng, thấy cảnh trụy lạc, dâm ô, ngửi mùi vị say nồng, kích thích dục lạc, thì con đường địa ngục đã sẵn sàng mở rộng để đón chờ chúng ta.

Phật cấm Phật tử trang điểm, tô sơn trét phấn, xức ướp dầu thơm, múa hat lả lơi, quyến rũ, hay cấm đi xem những cảnh múa hát ấy, là vì muốn cho chúng ta khỏi đọa vào địa ngục.

Nhưng trong đời sống hằng ngày của người Phật tử tại gia, vì còn tiếp xúc với đời sống xã hội, nên phải ăn mặc tề chỉnh trang nghiêm, đôi khi cũng phải đi dự những buổi hòa nhạc, hay múa hát, miễn là những thứ âm nhạc, những điệu múa hát ấy có tánh cách trong sạch, xây dựng và hướng thiện. Nhưng trong hiện tại, các thứ nghệ thuật: kịch nhạc, ca, vũ, cải lương, chiếu bóng..phần nhiều có tánh cách trụy lạc, thoái hóa, chúng ta nên đề phòng, đừng quá dễ dãi mà sa vào vòng tội lỗi.

Trên đây là nói trong ngày thường, chứ ngày thọ giới Bát quan trai, chúng ta nhất định không được trang điểm, xức ướp dầu thơm, múa hát hay đi xem múa hát. Hơn nữa, chúng ta phải cố gắng diệt trừ những âm hưởng, bóng dáng của những thứ nghệ thuật không lành mạnh, trong đầu óc chúng ta.

Đưọc như thế, thì tuy thời gian chỉ ngắn ngủi có 24 giờ, ảnh hưởng tốt đẹp của nó vô cùng quý báu cho sự tu hành của chúng ta.

7. Không được nằm ngồi giường cao đẹp, rộng lớn

Điều răn cấm này cũng như điều răn cấm thứ sáu, có mục đích ngăn ngừa thân xác ta, không cho buông lung theo những cảm giác mơn trớn khoái lạc của giường cao nệm tốt, chăn ấm màn êm. Vì những cảm giác này có thể kích thích lòng ham muốn bất chính của xác thân, tạo điều kiện cho chúng ta gây tội lỗi, nên Phật ché ra giới cấm này. Xưa Ngài Ngộ Đạt Quốc sư là một bực cao đức, được vua Ý Tôn và vua Hy Tôn hết sức ưu đãi. Vua Ý Tôn cúng cho Ngài một bảo tọa bằng trầm hương rất quý báu. Từ khi được bảo tọa ấy, Ngộ Đạt Quốc Sư mống niêm danh lợi, thành ra thất đức, phải chịu nhiều tai vạ và đau khổ.

Vì hiểu rõ cái tai hại của giường cao chiếu rộng, chăn ấm nệm êm, nên xưa Ngài Hiếp Tôn Giả từ khi xuất gia, lưng không nằm chiếu; Ngài Cao Phong Diệu thiền sư lập nguyện: ba năm không nằm giường chõng; đức Phật Thích Ca , trong khi xuất gia tìm đạo, đã gối cỏ nằm sương, từ năm này sang năm khác…

Noi gương người xưa, các vị xuất gia chỉ nằm trên một cái giường nhỏ hẹp, vừa ngủ, chứ không bao giờ dùng giường rộng nệm cao. Kẻ tại gia cũng nên tập dần đức tánh giản dị đạm bạc ấy. Nếu chưa làm được trong ngày thường, thì ngày thọ giới Bát quan trai, cũng phải triệt để thi hành giới thứ bảy này.

8. Không được ăn quá giờ ngọ

Trong luật Phật dạy: “Chư thiên ăn sớm mai, Phật ăn giờ ngọ, súc sanh ăn sau giờ ngọ, ngạ quỷ ăn tối, chư Tăng học theo Phật, phải ăn đúng giờ ngọ”.

Ăn đúng giờ ngọ, được năm điều lợi sau đây:

Ít mống tâm sai quấy
Ít buồn ngủ
Dễ được nhất tâm
Ít hạ phong
Thân được yên ổn và ít sanh bệnh.

Trừ một vài trường hợp như khi đau ốm, luật cũng châm chước cho được ăn cơm cháo sau giờ ngọ, nhưng khi ăn phải sanh lòng hổ thẹn.

Vì những lợi ích thiết thực nói trên, nên người xuất gia cần phải thực hành. Còn Phật tử tại gia, khi tu Bát quan trai giới cũng phải giữ đúng giới này.

C. KẾT LUẬN

1. Lợi ích của Bát quan trai giới rất lớn lao

Như chúng ta đã thấy ở các đoạn trên, Bát quan trai giới là một phát tu vô cùng lợi ích cho Phật tử tại gia. Trong thời gian tu hành ấy, thân, khẩu, ý của người thọ giới được hoàn toàn thạnh tịnh, tuy chỉ có 24 giờ đồng hồ, nhưng 24 giờ ấy còn quý báu hơn cả một đời của người không tu hành. Tuy lượng rất ít, mà phẩm lại nhiều vô cùng. Nó chỉ là giọt nước, nhưng là một giọt nước trong sạch hoàn toàn, cho nên nó còn quý hơn cả một ao nước đục bùn nhơ, nó chỉ là một viên ngọc nhỏ xíu, nhưng đó là viên ngọc Ma ni, nên nó còn quý hơn trăm ngàn châu báu khác.

Chúng ta hãy phân tích một cách rõ ràng những lợi ích mà chúng ta đã thuâ hoạch được trong 24 giờ ấy mà xem.

Nhờ giới thứ Nhất, tâm ta không có ác ý giết hại sanh vật, miệng ta không nhai nuốt những máu huyết tanh hôi, thân ta không nặng nề vì thịt cá. Đối với chung quanh, ta không làm cho người và súc vật đau khỏ, mất thân mạng.

Nhờ giới thứ Hai, tâm ta không động, ý ta không tham lam, thân ta không mang nặng những vật phi nghĩa. Đối với người chung quanh, ta không làm họ đau khổ vì mất của cải m,à họ đã nâng niu, quý trọng.

Nhờ giới thứ Ba, tâm ta được thanh tịnh, thân ta khỏi ô uế. Đối với người bạn trăm năm, cùng những người chung quanh, ta giữ đúng lề, làm choi họ kính trọng.

Nhờ giới thứ Tư, tâm ta không tà vạy, lưỡi ta không dối trá, điêu ngoa. Đối với người chung quanh, ta giữ được chữ tín, làm mọi người khỏi lo sợ, nghi ngờ vì ta.

Nhờ giới thứ Năm, tâm ta được minh mẫn, miệng ta không nồng nặc hơi men, thân ta không loạn động. Đối với người chung quanh, ta không làm cho họ phải lo sợ, khổ sở vì con ma men này hành hạ.

Nhờ giới thứ Sáu, tâm ta không buông luông theo dục lạc ta không dung chứa những hình ảnh, mùi vị, âm thanh tà tạp, dâm ô…Đối với người chung quanh, ta không làm cho họ phải tập nhiễm những cảm giác không trong sạch, không thanh thoát.

Nhờ giới thứ Bảy, tâm ta không mống lên những niệm danh lợi, xa hoa; thân ta không bị dục lạc lôi cuốn. Đối với người chung quanh, ta dễ gần gũi, thân cận, vì không bị cái cao sang, phù phiếm bên ngoài ngăn cách.

Nhờ giới thứ Tám, tâm ta được định tỉnh, sáng suốt, thân ta nhẹ nhàng, ít bệnh tật; đối với các loài chung quanh, như người nghèo đoí, ngạ quỷ, súc sinh, ta không gây ra sự thèm khát, vì sự lục lạo ăn uống về đêm.

Bao nhiêu sự lợi ích cho mình và cho người mà chúng ta đã thâu thập được trong khoảng 24 giờ đồng hồ, thử hỏi có một pháp tu hành của người tại gia nào quý báu hơn thế nữa?

2. Bởi vậy Phật tử nên thực hành Bát quan trai giới

Phật tử tại gia mặc dù suốt ngày suốt tháng bận bịu về sinh kế làm ăn, mỗi tháng cũng nên sắp xếp việc nhà, vào chùa thọ Bát quan trai giới một vài lần. Nếu hoàn cảnh thuận lợi, có thể thọ được nhiều lần lại càng tốt.

Nếu không đủ điều kiện đến chùa, thì phương tiện của nhà tu cũng được, nhưng lợi ích không bằng đến chùa.

Vậy xin khuyên các Phật tử tại gia, nên cố gắng thực hành y như lời Phật dạy, tu theo hạnh giải thoát, rồi khuyên nhiều người thật hành theo, để cùng nhau tiến bước lên đường giải thoát, an vui.

D- NGHI THỨC THỌ BÁT QUAN TRAI GIỚI

Theo phép thọ Bát quan trai giới, người thọ giới phải đến chùa cầu một thầy Tỳ kheo trai giới thanh tịnh truyền cho. Về nghi thức có thầy truyền giới thì thứ lớp rất nhiều.

Ngoài trường hợp trên, nếu không có thuận tiện để cầu thầy truyền cho, thì phương tiện tự mình đối trước tượng Phật , theo phép như sau đây mà tự thọ.

Một điều cốt yếu, trước khi thọ giới, giới tủ phải sắp đặt chuyện nhà có người thay thế, không còn lo nghĩ việc gì ở thê gian cả, để cho tâm trí yên tịnh, như thế thì 24 giờ thọ giới mới được nhiều lợi ích. Muốn được lợi ích nhiều, giới tủ nên vào chùa thọ Bát quan trai giới tốt hơn.

Trước khi thọ giới, phải rửa tay,rửa mặt, súc miệng sạch sẽ, mặc áo tràng tề chỉnh, đến trước bàn thờ Phật , thắp ba cây hương rồi quì xuống, đọc bài cúng hương:

BÀI CÚNG HƯƠNG

Nguyện thử diệu hương vân
Biến mãn thập phương giới
Cúng dường nhứ thiết Phật
Tôn Pháp chư Bồ Tát
Vô biên Thinh Văn chúng
Cập nhứt thiết Thánh Hiền
Duyên khởi quang minh đài
Xứng tánh tác Phật sự
Phổ huân như chúng sanh
Giai phát Bồ đề tâm
Viễn ly chư vọng nghiệp
Viên thành Vô thượng đạo
(Xá 3 xá, tiếp đọc bài khẩn nguyện)

BÀI NGUYỆN

Tư thời Đệ tử (tên họ gì) pháp danh (pháp danh gì) kin nhựt qui đầu Tam Bảo, phát nguyện thọ trì Bát quan trai giới, nhứt nhựt nhứt dạ. Duy nguyện thập phương chư Phật , chư Đại Bồ Tát, Hộ pháp thiện thần, từ bi gia hộ Đệ tử thân tâm thanh tịnh, Phật sự viên thành.

(Xá đứng dậy cắm hương xướng lễ)

Nhứt tâm đảnh lễ, tận hư không , biếm pháp giới, quá, hiện, vị lai thập phương chư Phật , Tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng, Thường trú Tam Bảo (1 lạy).

Nhứt tâm đảnh lễ Ta Bà Giáo chủ, Điều ngự Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật , Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật , Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát, Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát. (1 lạy).

Nhứt tâm đảnh lễ Lạc bang Giáo chủ, Đại từ, Đại Bi tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật , Đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bố Tát, Đại Nguyện Địa Vương Bồ Tát, Thanh Tịnh Đại Hải Chung Bồ Tát. (1 lạy)

(Đứng dậy chắp tay tụng bài Đại bi)

Nam mô Đại bi hội thượng Phật Bồ Tát. (3 lần).

Thiên thủ thiên nhãn vô ngại Đại bi tâm đà la ni.

Nam mô hắc ra đác na đa ra dạ da. Nam mô a rị gia bà lô kiết đế, thước bà ra da, bồ đề tát đóa bà da, ma ha tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da.

Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đác tả. Nam mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da, bà lô kiết đế, thất Phật ra lăng đà bà.

Nam mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tất bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà dà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế. di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, cu lô cu lô kiết mông, độ lô độ lô, phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Mạ mạ phạt ma ra mục đế lệ, y hê di hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá da, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắc ni na, ba dạ ma na ta bà ha. Tất đà dạ ta bà ha. Ma ha tất đà dạ ta bà ha. Tất đà dủ nghệ, thất bàn ra dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì, ta bà ha. Ma ra na ra ta bà ha. Tất ra tăng a mục khê gia ta bà ha. Ta bà ma ha, a tất đà dạ, ta bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ ta bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta bà ha. Ma bà lợi thắng kiết ra dạ ta bà ha.

Nam mô hắc ra đát na, đa ra dạ gia. Nam mô a rị gia bà lô kiết đế, thướt bàn ra dạ ta bà ha. Án tát diện đô mạn đa ra, bạt đà dạ ta bà ha.

Nam mô thập phương thường trụ Tam Bảo (3 lần).

(Quì xuống chắp tay đọc bài Sám hối )

BÀI SÁM HỐI

Đệ tử đã làm các nghiệp ác,
Đều do vô thỉ Tham, Sân, Si,
Từ thân, miệng, ý mà sanh ra
Tất cả Đệ tử xin sám hối.
(Đọc 3 lần rồi đứng dậy)

Nam mô Cầu sám hối Bồ Tát Ma ha tát 3 lần, lạy 3 lạy)

(Lạy xong quì xuống chắp tay đọc bài phát nguyện thọ Bát quan trai giới)

BÀI PHÁT NGUYỆN THỌ GIỚI

MỘT LÀ GIỮ GIỚI KHÔNG SÁT SANH

Đệ tử thề trọn một ngày đêm nay, nguyện giữ giới không sát hại các loài sanh vật. Tự mình không sát hại, không bảo người sát hại, hoặc thấy người khác sát hại cũng không sanh tâm vui mừng. (1 xá)

HAI LÀ NGUYỆN GIỮ GIỚI KHÔNG TRỘM CƯỚP

Đệ tử thề trọn một ngày đêm nay, nguyện giữ giới không trộm cướp của cải mọi người. Tự mình không trộm cướp, không bảo người trộm cướp, hoặc thấy người khác trộm cướp, cũng không sanh tâm vui mừng. (1 xá)

BA LÀ NGUYỆN GIỮ GIỚI KHÔNG DÂM DỤC

Đệ tử thề trọn một ngày đêm nay, nguyện giữ giới không phá phạm hạnh (không dâm dục). Tự mình không phá phạm hạnh, không bảo người phá phạm hạnh, hoặc thấy người khác phá phạm hạnh cũng không sanh tâm vui mừng.(1 xá)

BỐN LÀ NGUYỆN GIỮ GIỚI KHÔNG NÓI DỐI

Đệ tử thề trọn một ngày đêm nay, nguyện giữ giới không nói dối. Tự mình không nói dối, không bảo người nói dối, hoặc thấy người khác nói dối, cũng không sanh tâm vui mừng. (1 xá)

NĂM LÀ NGUYỆN GIỮ GIỚI KHÔNG UỐNG RƯỢU

Đệ tử thề trọn một ngày đêm nay, nguyện giữ giới không uống rượu. Tự mình không uống rượu, không bảo người uống rượu, hoặc thấy người khác uống rượu, cũng không sanh tâm vui mừng. (1 xá)

SÁU LÀ NGUYỆN GIỮ GIỚI KHÔNG TRANG ĐIỂM VÀ CA HÁT

Đệ tử thề trọn một ngày đêm nay, nguyện giữ giới không đeo bông, xoa hương, ca xướng, múa hát. Tự mình không trang điểm ca hát, không bảo người trang điểm ca hát, hoặc thấy người khác trang điểm ca hát, cũng không sanh tâm vui mừng. (1 xá)

BẢY LÀ NGUYỆN GIỮ GIỚI KHÔNG NẰM NGỒI GIƯỜNG CAO TỐT

Đệ tử thề trọn một ngày đêm nay, nguyện giữ giới không nằm ngồi giường cao tốt. Tự mình không nằm ngồi giường cao tốt, không bảo người nằm ngồi giường cao tốt, hoặc thấy người khác nằm ngồi giường cao tốt, cũng không sanh tâm vui mừng. (1 xá)

TÁM LÀ NGUYỆN GIỮ GIỚI KHÔNG ĂN PHI THỜI

Đệ tử thề trọn một ngày đêm nay, nguyện giữ giới không ăn phi thời. Tự mình không ăn phi thời, không bảo người ăn phi thời, hoặc thấy người khác ăn phi thời, cũng không sanh tâm vui mừng. (1 xá)

(Đứng dậy xướng ba lần)

MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH

Quán Tự Tại Bồ Tát, hành thâm Bát nhã Ba la Mật đa thời, chiếu khiến ngũ ẩn giai không , độ nhứt thiết khổ ách.

Xá Lợi Tử, Sắc bất dị không , không bất dị sắc, sắc tức thị không , không tức thị sắc; thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị.

Xá Lợi Tử! Thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diẹt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm, thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thinh, hương, vị xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới; vô Vô minh, diệc vô Vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận; vô khổ, tập, diệt, đạo, vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố. Bồ đề tát đỏa y Bát nhã Ba la mật đa cố Tâm vô quái ngại. Vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn. Tam thế chư Phật , y Bát nhã Ba la mật đa cố đắc A Nậu Đa đa Tam miệu tam Bồ đề.

Cố tri bát nhã Ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhứt thiết khổ, chơn thiệt bất hư:

Cố thuyết Bát nhã Ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết: “Yết đế yết đế, Ba la yết đế, Ba la tăng yết đế, Bồ đề tát bà ha”.

VÃNG SANH THẦN CHÚ

Nam mô A di đa bà dạ, đa tha dà đa dạ, đa điệc dạ tha, a di rị đô bà tỳ, a di rị đa tất đam bà tỳ, a di rị đa tỳ can lan đế, a di rị đa tỳ can lan đa, dà di nị, dà dà na, chỉ đa ca lệ, ta bà ha. (3 lần)

TIÊU TAI KIẾT TƯỜNG THẦN CHÚ

Nẳng mồ tam mãn đa mẫu đà nẩm. A bát ra đề, hạ đa xá ta nản nẩm, đác điệc tha. Án khê khê, khê hế, hồng hồng, nhập phạ ra, nhập phạ ra, bát ra nhập phạ ra, bát ra nhập phạ ra, để sắc sá, để sắc sá, sắc trí rị, sắc trí rị, ta phấn tra, ta phấn tra, phiến đề ca, thất rị duệ, ta bà ha. (3 lần)

HỒI HƯỚNG

Thọ giới công đức thù thắng hạnh,
Vô biên thẳng phước giai hồi hướng,
Phổ nguyện pháp giới chư chúng sanh,
Tốc vãng Vô lượng quang Phật sát.
Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não,
Nguyện đắc trí huệ chơn minh liễu,
Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ,
Thế thế thường hành Bồ Tát đạo.
Nguyện sanh Tây phương Tịnh độ trung,
Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu,
Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh,
Bất thối Bồ Tát vi bạn lữ.
Nguyện dĩ thử công đức,
Phổ cập ư nhứt thiết,
Ngã đẳng giữ chúng sanh,
Giai cọng thành Phật đạo.

Tự quy y Phật , đương nguyện chúng sanh, thể giải đại đạo, phát vô thượng tâm.( 1 lạy)

Tự quy y Pháp , đương nguyện chúng sanh, thâm nhập kinh tạng, trí huệ như hải. (1 lạy)

Tự quy y Tăng , đương nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, nhứt thiết vô ngại. (1 lạy).

NGHI THỨC THỌ TRAI

Ngồi tề chỉnh , tay trái co ngón giữa, ngón áp, con ba ngón dựng thẳng, để chén cơm lên; tay mặt kiết ấn cam lồ (ngón cái bên tay phải đề lên ngón áp) để dựa ngang phía trong miệng chén rồi xướng:

Cúng dường Thanh tịnh pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật.
Viên mãn báo thân Lô Xá Na Phật.
Thiên bá ức hóa thân Thích Ca Mâu Ni Phật.
Đương lai hạ sanh Di Lặc Tôn Phật.
Thập phương tam thế nhứt thiết chư Phật.
Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát.
Đại bi quán thế âm bồ tát.
Chư Tôn Bồ Tát Ma ha tát.
Ma ha Bát nhã ba la mật.

Tam đức, lục vị, cúng Phật cập Tăng pháp giới hữu tình, phổ đồng cúng dường, nhược phạn thực thời, đương nguyện chúng sanh thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn.

(Cúng dường rồi để bát xuống)

XUẤT SANH:

Lấy cái chén nhỏ múc chút nước, để trong lòng bàn tay trái, gắp bảy hột cơm để trong chén; tay mặt kiết ấn cam lồ, đặt trên chén cách một tấc, mặc niệm:

Pháp luật bất tư nghì,
Từ bi vô chướng ngại,
Thất liệp biến thập phương,
Phổ trí châu sa giới,
Án, độ lợi ích tóa ha. (7 lần)

Tay bắt ấn viết bóng hai chữ “Án lam” rồi khảy móng tay trên chén ba lần, đưa thị giả đem ra trước, để trên một cái bàn nhỏ, đọc kệ chú:

Đại bàng kim sí điểu,
Khoáng đã quỉ thần chúng,
La sát quỉ tử mẫu,
Cam lồ tất sung mãn.
Án, mục lực lăng tóa ha. (7 lần)

BƯNG CHÉN CƠM

Hai tay, mỗi tay co hai ngón sau, còn sáu ngón bưng chén cơm ngang trán, đọc thầm:

Chấp trì ứng khí đương nguyện chúng sanh, thành tựu pháp thí thọ thiên nhơn cúng.

Án, chỉ rị, chỉ rị phạ nhựt ra hồng phấn tra. (3 lần)

TAM ĐỀ

(Ăn ba miếng đầu tiên)
Miếng thứ nhất (niệm thầm):
Nguyện đoạn nhứt thiết ác.
Miếng thứ hai (niệm thầm)
Nguyện tu nhứt thiết thiện
Miếng thứ ba (niệm thầm)
Thệ độ nhứt thế chúng sanh

Trong khi ăn phải tưởng năm pháp tướng này:

Nhứt kế công đa thiểu, lượng bỉ lai xứ.
Nhị thổn kỷ đức hạnh toàn khuyết ứng cúng.
Tam phòng tâm ly quá, tham đẳng vi tông.
Tứ chánh sự lương dược, vị liệu hình khô.
Ngũ vị thành đạo nghiệp, phương thọ thử thực.

TƯỚC DƯƠNG CHI

(Ăn cơm xong xỉa răng đọc chú này)

Tước đương chí thời, đương nguyện chúng sanh thân tâm đều tịnh, phệ chư phiền não.

Án, a mộ dà di ma lệ, nhĩ phạ ca ra, tăng du dad nể, bát đầu na, câu ma ra, nhĩ phạ ca ra tăng thâu đà da, đà ra đà ra, tố di ma lệ, tá phạ ha (3 lần)

ẨM THỦY KỆ CHÚ

(Uống nước đọc chú nầy)

Phật quán nhứt bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng, nhược bất trì thử chú, như thực chúng sanh nhục.

Án phạ tất ba ra, ma ni tá ha. (3 lần)

TRAI KỆ CHÚ

(Ăn cơm uống nước xong tụng chú nầy)

Nam mô tát đa nẩm, tam miệu tam bồ đà, câu chi nẩm, đát điệt tha. Án chiếc lệ, chủ lệ chuẩn đề ta bà ha. (7 lần)

Sở vị bố thí giả, tất hoạch kỳ lợi ích, nhược vị lạc bố thí, hậu tất đắc an lạc.

Phạn thực dĩ ngật, đương nguyện chúng sanh, sở tác giai biện cụ chư Phật Pháp.

PHỤC NGUYỆN

Thân phi nhứt lũ, thường tư chức nữ chi lao; nhựt thực tam xang, mỗi niệm nông phu chi khổ. Phổ nguyện hiện tiền tứ húng phước huệ song tu, một hậu đắc Di Đà thọ ký; âm siêu dương thới, pháp giới chúng sanh tề thành Phật đạo.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

NGHI THỨC XẢ BÁT QUAN TRAI GIỚI

Sau 24 giờ đồng hồ (đúng như giờ ngọ giới), người thọ giới thỉnh Giới sư lên chùa ngồi một bên. người thọ giới lạy giới sư một lạy rồi ngồi xuống cháp tay lạy rằng:

“Đại đức môﴠlòng nghĩ, con pháp danh là…đã nguyện thọ Bát quan trai giới, giữ trọn một ngày đêm. Bạch Đại đức ! Nay con xdin xả giới”.

(Bạch xong, lạy một lạy lui ra)

Nếu không có giới sư, tự mình làm lễ xả giới thì nên theo nghi thức sau nầy.

Đến trước Tam Bảo, thắp hương ngùi xuống khẩn nguyện:

Pháp vương Vô thượng tôn
Tam giới vô luân thất,
Thiên nhơn chi Đạo sư,
Tứ sanh chi Từ phụ,
Ư nhứt niệm quy y,
Năng diệt tam kỳ nghiệp,
Xưng dương nhược tán thán,
Ước kiếp mạc năng tận

Tư thời đệ tử (tên họ gì) Pháp danh (pháp danh gì) ư nhứt nhựt nhứt dạ, phát nguyệ thọ trì Bát Quan trai giới, công huan dĩ mạn, ngụyen lực châu toàn,. Ngụyen thạp phương chư Phật, chư đại Bồ tát, chư đại thiên thần, từ bi gia hộ, đệ tử sanh sanh đắc phùng Phật pháp, đắc trị thiện duyên, cập thiết nhất chúng sanh đồng thành Phật đạo.(1xá, đứng dậy)

Nam Mô Hộ giới tạng bồ tát Ma ha tát (xướng ba lần, lạy ba lạy)

(Đứng dậy tụng Bát nhã)

Ma ha Bát nhãBa la mật đa tâm kinh

Quán tự tại Bồ tát, hành thâm Bát nhãBa la mật đa thời, chiếu kiến ngũ ẩn giai không, đọ nhất thiết khổ ách.

Xá Lợi Tử ! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, thọ, tưởng, hành, thức diẹn phục như thị.

xá Lợi Tử ! Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cảu bất tịnh, bất tăng bất giảm, thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; vô giãn giới, nãi chí vô ý thứcgiới; vô vô minh tận nãi chí vô lão tử diệc vô lão tử tận vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo; vô Trí diệt vô Đắc, dĩ vô sỡ đắc cố. Bồ Đề tát đỏa y Bát nhã Ba la mật da cố tâm vô quái ngại; vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cách Niất Bàn. Tam thế chư y bát nhã ba la mật đa cố, đắc a nậu Đa La tam miệu tam bồ đề. Cố tri Bát nhã Ba la mật đa thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẵng đẵngchú, năng trừ thiết nhất khổ, chơn thiệt bất hư; cố thuyết Ba la mật đa chú.

Tức thuyết chú viết: “Yết yết đế, Ba la yết đế, Ba la tăng yết đế, Bồ đề tát ba ha”

VÃNG SANH THẦN CHÚ

Nam mô A di đa bà dạ, đa tha đà tha dạ, đa diệc dạ tha, a di rị đô bà tì, a di rị đa tất tam bà tì, a di rị đa rì ca lan đế, a di rị da tì ca lan đa, dà di nị, dfà dà na, chỉ đa ca lệ ta bà ha (3 lần)

TÁN PHẬT

A Di Đà Phật thân kim sắc
Tướng hảo minh quang vô đẳng luân,
Bạch hào uyển chuyển ngũ tu Di,
Cám mục trừng danh tứ đại hải,
Quang trung hóa Phật vô số ức,
Hóa Bồ tát chúng diệc vô biên,
Tứ thập bát nguyện chúng sanh,
Cửu phẩm hàm linh đăng bỉ ngạn.

Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế giưới Đại Từ Đại Bi, tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật.

Nam Mô A Di Đà Phật (108 lần)

Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát (10 lần)

Nam Mô Đại thế chí Bồ tát (10 lần)

Nam Mô Thanh tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát (10 lần)

(Quỳ xuống chấp tay đọc bài Phổ Hiển hạnh nguyện)

Đệ tử chúng đẳng, tùy thuận tu tập,
Phổ Hiền Bồ Tát, thập chuẩn đại nguyện:
Nhứt giả lễ kính chư Phật,
Nhị gỉa xứng tan Như Lai,
Tam giả quản tu cúng dường,
Tứ giả sám hối nghiệp chướng
Ngũ giả tùy hỷ công đức,
Lục giả thỉnh chuyển pháp luân,
Thất giả thỉnh Phật trụ thế,
Bát giả thường tùy Phật học,
Cửu giả hằng thuận chúng sanh,
Thập giả phổ giai hồi hướng.

THẤT PHẬT DIỆT TỘI CHÔN NGÔN

Ly bà ly bà đế, cầu ha cầu ha đế, đà ra ni đế, ni ha ra đế, tùy lê nể đế, ma ha da đế, chơn lăng càng đế ta bà ha. (3 lần)

Nguyện dĩ thử công đức
Trang nghiêm Phật Tịnh Độ,
Thượng báo tứ trọng ân,
Hạ tế tam đồ khổ,
Nhược hữu kiến văn giả,
Tất phát Bồ đề tâm,
Tận thử nhất báo thân,
Vãng sanh An Lạc sát.

(Đứng dậy xướng lạy)

Đệ tử đại vị nhứt thiết sư trưởng ân, chí tâm đảnh lễ, Nam Mô tận hư không, biến pháp giới, quá, hiêﮬ vị lai, thập phương chư Phật, Tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng, thường trú Tam Bảo. (1 lạy)

Đệ tử đại vị nhất thiết Phụ mẫu ân, chí tâm đảnh lễ, Nam Mô Ta Bà Giáo Chủ Điều Ngự Bổn Sư ThíchCa MâuNi Phật, Long Hoa Giáo chủ Đương Lai Hạ sangh Di Lạc Tôn Phật, Đại trí Văn thù Sư Lơị Bồ tát, Linh sơn hội thượng Phật Bồ tát. (1 lạy)

Đệ tử đại vị tam đồ thọ khổ; cập pháp giới nhứt thiết chúng sanh, chí tâm đảnh lễ , Nam mô Tây phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi tiếp dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật, Đại Bi Quán Thế A⭠Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Liên Trì Hải Hội Phật Bồ Tát. (1 lạy). (xá 3 xá, lui)

KỶ LUẬT TU BÁT QUAN TRAI GIỚI TRONG 24 GIỜ

1. Không được ra ngoài phạm vi đại giới (trong vườn chùa, hoặc vườn nhà mình)

2. Không nên tiếp khách và nói chuyện lớn tiếng.

3. Bớt nói chuyện, không ăn trầu và hút thuốc.

4. Oai nghi cử chỉ phải giữ gì cẩn thận.

5. Phải giữ đúng giờ tu tập.

6. Không nên nghĩ đến việc nhà hoặc việc thế tục.

7. Phải nhứt tâm niệm Phật.

Những ngày thọ Bát Quan Trai giới, tùy theo hoàn cảnh của mỗi người, trong mỗi tháng thọ 1 ngày cho đến sáu ngày: mồng 8, 14, 23, 29, 30 (tháng thiếu thì 28 và 29). Nếu người mắc làm việc thì thọ ngày chủ nhựt cũng được. Nếu Phật tử mỗi lần phát nguyện tu trong 24 giờ, giữ trai giới cho thanh tịnh thì công đức ấy về sau sẽ được quả Niết Bàn.

E- CHƯƠNG TRÌNH TU BÁT QUAN TRAI GIỚI

(Trong một ngày đêm 24 GIỜ)

BUỔI MAI : 6 giờ sáng Thọ giới

BUỔI MAI : 7 giờ Ăn điểm tâm

BUỔI MAI : 8 giờ Sám hối

BUỔI MAI : 9 giờ Xem Kinh

BUỔI MAI : 10 giờ Niệm Phật

BUỔI MAI : 12 giờ Thọ Trai

BUỔI MAI : 12 giờ 30 Kinh hành niệm Phật

BUỔI CHIỀU : 1 giờ 30 Chỉ tịnh (nghỉ)

BUỔI CHIỀU : 3 giờ Tụng Kinh

BUỔI CHIỀU : 4 giờ Xem Kinh

BUỔI CHIỀU : 5 giờ Niệm Phật

BUỔI CHIỀU : 6 giờ Dùng nước (sứa hoặc nước cháo)

BUỔI TỐI : 7 giờ Tịnh độ

BUỔI TỐI : 8 giờ Học

BUỔI TỐI : 10 giờ 15 Quán sổ túc

BUỔI TỐI : 10 giờ 40 Nghỉ

BUỔI TỐI : 4 giờ khuya Tịnh Niệm (Niệm Phật )

BUỔI TỐI : 4 giờ 30 Công phu

BUỔI TỐI : 6 giờ Làm lễ xả giới

THẬP THIỆN GIỚI

Thích nữ Hạnh Giải

Cứu cánh rốt ráo của Đạo Phật là “Vô thủ trước Niết Bàn”. Cảnh giới ấy một khi thành tựu, bậc giác ngộ sẽ đạt được trạng thái “Vô vi nhi vô bất vi” (Nghĩa là không làm, hay vô sự, nhưng không việc chi là không hoàn tất); “Tùy duyên bất biến” (nương theo mọi duyên nhưng tâm giải thoát không hề biến chuyển). Tóm lại nơi “Vô thủ trước Niết Bàn” mọi công đức đều có thể thành tựu. Tuy nhiên, trong thời gian hành giả tu tập, còn bị kềm tỏa trong vòng “Thủ trước” của “tham, sân, si” thì làm sao thành tựu vô lượng công hạnh khó nghĩ bàn để đến cảnh giới “Vô Ngã”. Phật dạy: “Long Vương! Ví như tất cả thành, ấp, xóm, làng đều y địa đại mà được an trụ, tất cả trăm hoa, cây cỏ bụi rừng cũng nương tựa địa đại ấy mà được sanh trưởng; Thập Thiện Nghiệp đạo cũng lại như thế. Tất cả Nhơn Thiên cũng y vào đó mà được an lập, tất cả Thanh Văn, Độc Giác Bồ Đề, các hạnh Bồ Tát, tất cả Phật Pháp đều chung vào đại địa thập thiện này mà được thành tựu.” (Kinh Thập Thiện_HT Thích Hòan Quan dịch). Như vậy, xem ra Thập Thiện là pháp môn căn bản, là thềm thang cho mọi pháp môn. Hành giả dù có chí mong cầu phước báu hữu lậu ở cõi nhân thiên, hay hướng về vô lậu giải thoát Niết Bàn, cho đến Vô Thượng Giác, đều phải khởi điểm từ Thập Thiện.

Thập Thiện hay còn gọi là Thập Thiện Nghiệp, Thập Thiện Giới, Thập Thiện Pháp. Tên gọi khác nhau là do tùy cách diễn nghĩa theo các phương diện ứng dụng. Chẳng hạn như khi chỉ nói riêng pháp số thì dùng danh từ Thập Thiện để chỉ cho mười điều thiện bao gồm:

  1. Không sát sanh
  2. Không trộm cắp
  3. Không tà dâm
  4. Không vọng ngữ
  5. Không ỷ ngữ
  6. Không lưỡng thiệt
  7. Không ác khẩu
  8. Không tham lam
  9. Không sân giận
  10. Không si mê

Khi hành giả thọ trì mười điều này để tu tập thì có thể dùng danh từ “Thập Thiện Giới” vì khi đó, 10 điều trên đây được xem như “giới”. Xét theo danh tự pháp môn tu thì gọi là “Thập Thiện Pháp”. Căn cứ trên mười pháp thiện ấy để thành tựu phước báu nhân thiên và con đường Thánh Đạo thì gọi là “Thập Thiện Nghiệp”. Để được đầy đủ, chúng ta sẽ xét trên bình diện rộng của Danh tự mà biện giải: Nghĩa là bắt đầu từ phần thích nghĩa từng chi phần Thập Thiện; kế đến là Thập thiện với hình thức giới; phần ba là pháp môn tu Thập Thiện qua sự phân chia của ba nghiệp (thân, khẩu, ý); cuối cùng là thứ bậc tu tập của Thập Thiện (từ sơ khởi cầu phước báu nhân thiên, đến 37 pháp trợ đạo cầu quả Thanh Văn, Lục Ba la mật để thực hành Bồ Tát Đạo cầu Vô thượng giác). Tuy nhiên, vì tính chất tương đồng nên phần Thập Thiện Giới sẽ được giải thích cùng phần thích nghĩa chi pháp (gộp chung phần 1 và 2).

I. “Thập Thiện” và “Thập Thiện Giới”:

Như trên đã nêu qua, Thập Thiện bao gồm mười điều: Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm (có văn bản dùng từ “không tà hạnh”), không nói dối, không ỷ ngữ, không lưỡng thiệt, không ác khẩu, không tham, không sân, không si. Nhưng xét chi pháp theo Phật Giáo Nam Truyền thì có khác đôi chút như về danh từ như: Bốn chi pháp thuộc về lời là không được nói dối, không được nói đâm thọc, không được nói độc ác, không được nói viễn vong; các chi thứ 8,9,10 là không được tham muốn gắt, không được thù oán, không tà kiến.

Không sát sanh: “Sát sanh” là đoạn ngang sanh mạng, dứt ngang mạng sống của kẻ khác. Người không sát sanh thì không được tự cầm khí giới giết, hoặc miệng mình sai bảo ai đó đoạn mạng kẻ khác, cũng không được thấy sự giết hại mà ý mình hoan hỷ (tỏ vẻ hài lòng, đồng ý, vui theo việc đó). “Kẻ khác” được đề cập ở đây bao gồm chúng sanh mọi cảnh, như trong văn giới đề cập bao gồm “trên từ Thánh nhân, phụ mẫu; dưới cho đến loài bò bay máy cựa vi tế côn trùng”, có thể hiểu là không được đoạn mạng bất cứ một chúng sanh, một cá thể có tình thức nào. Chẳng những không được tự tay, trực tiếp đoạn mạng kẻ khác, mà ngay cả việc dùng phương tiện như đá, bẫy, thuốc độc… hoặc gián tiếp sai sử người làm, hoặc mưu tính đưa kẻ khác vào chỗ chết như xúi chết, bày kế mưu khiến kẻ kia lâm vào thế phải chết, hay bất cứ hình thức gián tiếp nào cũng không được. Thậm chí cho đến nảy sanh ý muốn kẻ kia phải chết, hoặc nghe kẻ kia chết mà khoái ý đều phạm vào ác pháp, tức vi phạm điều thiện thứ nhất. Về mặt giới thì căn cứ trên bốn điều
Cố tâm giết
Đối tượng giết
Phương tiện giết
Việc hoàn tất

“Cố tâm” tức là vì sân giận, vì tham quyền lợi, danh vọng, vì oan trái thù hận… nói chung do một động cơ nào đó khiến tâm khởi lên ý nghĩ muốn chấm dứt sự sống của kẻ khác. Như thích ăn một món thịt gà_ ý nghĩ này khởi lên từ tâm tham vị_ dẫn tới tâm muốn giết con gà, cũng từ tâm này thôi thúc nên phải bằng cách nào đó giết con gà kia. Cũng theo thí dụ trên, con gà là “đối tượng” bị giết. Nếu người kia dùng tay giết thì “phương tiện giết” là “nội sắc” tức là dùng tay, chân, thân thể, những gì thuộc nội thân. Dùng đá, cậy, dao… khi ấy phương tiện là “ngoại sắc”. Ở đây “cách thức” cũng kể vào phương tiện như “trực tiếp” (tự tay làm) hay “gián tiếp” (biểu người khác làm). Nếu như con gà mình muốn giết đã bị giết chết rồi, như vậy là điều kiện kết tội đầy đủ, xem như trọn vẹn phạm giới “Không sát sanh”. Tuy nhiên, nếu không hội tụ đủ bốn điều trên thì tội kết nhẹ hơn. Chẳng hạn như muốn giết con gà này nhưng lại giết nhầm con khác tức điều thứ ba có phần khuyết, song vẫn có tội, nhưng không kết trọn vẹn. Hoặc phương tiện giết không thành công, con gà bị giết chưa chết thì chưa kết tội trọn vẹn. Nói “trọn vẹn” hay “hay không trọn vẹn” là thay thế chữ “trọng” và chữ “khinh”. Điều này thấy rõ khi đối tượng được thay thế là người. Như vậy, mức độ “trọng” hay “khinh” là còn tùy thuộc vào cấp độ phạm của từng phần đặc biệt là “đối tượng sát”. Chẳng hạn đối tượng là A-la-hán hay cha mẹ thì cực trọng (rơi vào thất nghịch hay ngũ nghịch), còn ruồi, muỗi, sâu, bọ dĩ nhiên là khinh tội. Cố tâm thì tội nặng hơn khi lòng có sự rụt rè hối hận.
Không trộm cắp: “Trộm cắp” tức khiến kẻ khác lìa mất vật sở hữu của họ. “Kẻ khác” cũng được kể rộng như trên. “Lìa mất” nêu ở đây tức là đem đi nơi khác, không hoàn trả (trừ trường hợp vì cấp bách, không có chủ nhân khởi ý mượn tạm, hoặc vì thân tình có thể tạm dùng và việc ấy không gây ra sầu, bi, khổ, ưu, não cho chủ sở hữu). Ở đây, đối tượng là vật có chủ, “vật sở hữu” theo văn giới “từ vàng bạc châu báu cho đến cọng cỏ lá rau, phàm có chủ sở hữu đều không được lấy. Chẳng hạn như con chó có một khúc xương, khúc xương là vật mà chó đang sở hữu, ta đoạt lấy của nó, đây cũng phạm tộ . Chữ “lìa mất” tức là đã lấy đem đi, ở đây phương tiện lấy kết rộng như giới không sát sanh, nghĩa là trực tiếp lấy hay gián tiếp, khiến người lấy, lừa lấy v.v…Đại khái là khởi lên ác tâm muốn chiếm đoạt tài vật của người khác (chúng sanh khác), tìm phương tiện để lấy, việc lấy thực hiện xong, điều kiện kết tội như giới thứ nhất.
Không tà dâm: Người tại gia, giới này dùng từ “không tà dâm”, nhưng đối với bậc xuất gia thì “không dâm dục”. Chữ tà chỉ cho việc dâm của người thập thiện không chính đáng, vì tại gia, người tu thập thiện có thể có vợ con cho nên chưa trọn dứt đường dâm dục. Nhưng nếu ngoài người hôn phối của mình ra, người tu thập thiện cùng người khác làm việc dâm dục, đây là phạm vào tà dâm. Ngoài ra, nếu đối với người hôn phối của mình, việc dâm dục thực hiện: phi đạo (không phải đường), phi xứ (không phải nơi phòng the của riêng vợ chồng), phi thời (không phải thời gian của vợ chồng sinh hoạt), rơi vào ba trường hợp này đều phạm.
Không nói dối: Nói dối tức là chuyện thấy nói không thấy, không thấy nói thấy, nghe nói không nghe, không nghe nói nghe, biết nói không biết, không biết nói biết, xấu nói tốt, tốt nói xấu, có nói không, phải nói quấy… Dối trá không thật. Người tu thập thiện không được phạm vào. Đặc biệt sẽ kết trọng ở tội “đại vọng ngữ”. Đại vọng ngữ là tu hành chưa chứng tự xưng là mình đã chứng các pháp thượng nhân, pháp các bậc Thánh. Người phạm đại vọng ngữ sẽ sa về tà đạo, đọa lạc tam đồ, rất nguy hiểm.
Không lưỡng thiệt: Lưỡng thiệt là nói lưỡi hai chiều, tức là nói lời chia rẽ, đến người kia nói xấu người này, đến người này nói xấu người kia, xúi dục bà con bất hòa, thân tình thù oán. Người Việt ta có câu “đòn xóc hai đầu” hay là “đâm bị thóc, thọc bị gạo”. Người tu thập thiện phải tránh nói lời đôi chiều dẫn đến kết quả oan trái giữa người và người, không chỉ riêng lời nói mà ngay cả hành động khiến chia rẽ cũng phạm tội này.
Không ác khẩu: Ác khẩu là lời nói thô tục, mắng nhiếc, chưởi rủa, nguyền rủa, trù rủa v.v…Thường ác khẩu hay bắt đầu từ sự sân giận, bực tức. Kinh sách có câu “một cơn sân giận đốt cả rừng công đức”. Người tu thập thiện không được nói những lời gây xúc não, thiêu đốt tâm thức người khác mà ngược lại phải nói lời “ái dưỡng tâm thức”.
Không ỷ ngữ: Ỷ ngữ là nói lời vô nghĩa lý, lời nói ủy mị khiến người điên đảo tâm hồn, chẳng còn phân biệt thị phi, nhiều khi đưa đến tán gia bại sản hoặc gây ra tội lỗi. Ví dụ như thầy của Ương Quật Ma La dụ bảo đệ tử mình rằng: Nếu giết đủ 1000 người sẽ có sức mạnh vô song, thành tựu thượng pháp của ông dạy, kết quả là Ương Quật Ma La đã đón đường giết 999 người, may nhờ Phật độ giải thoát, nếu không ngay cả người mẹ mình, Ương Quật cũng không chừa. Ỷ ngữ thường bắt đầu bằng lòng ghanh tị, tật đố, ý muốn hại người và sắp bài âm mưu bịp người khiến họ tự sa vào đường dữ. Lắm khi ỷ ngữ bắt đầu từ sự hoang tưởng, ngu tối, người nói cũng không rõ mình nói việc như thế hậu quả sẽ đi về đâu. Người tu thập thiện phải nói hợp với Phật Pháp, không vì lợi mình hay tật đố mà bịa chuyện hại tha nhân.
Không tham: Tham đây nói đủ là tham dục. Chữ dục chỉ cho các món ngũ dục trong nhân gian gồm: tài, sắc, danh, thực, thùy (tài lợi, sắc ái, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ). Khi hành giả đối diện với năm món dục trên, tâm cuốn hút theo, lòng muốn hưởng thụ nên tìm cách thủ lấy, vì muốn đạt được những gì mình yêu thích, đôi lúc không từ thủ đoạn, dẫn đến tội lỗi. Do đó, đối với ngũ dục phải giữ tâm mình không được đắm trước vào.
Không sân: Đối với cảnh vừa ý thì sanh tâm tham như trên đã nêu, ngược lại đối với những gì mình không ưa, trái ý liền sanh tâm chán ghét, sân giận. Kinh nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, bát vạn chướng môn khai”. Niệm sân cội gốc sâu xa nơi cố chấp ngã và ngã sở. Vì yêu quí tự ngã, tất cả vun vén cho tự ngã, coi tự ngã là tối thượng, là trung tâm điểm của vũ trụ nên một sự kiện, một sự vật nào trái với sự yêu thích của tự ngã khiến bạn nổi lên cơn sân giận. Pháp Phật thành tựu nơi vô ngã, do đó ngã chấp càng kiên cố, sân niệm càng cao; sân niệm càng cao càng khó xả ngã. Ngoài ra, vì sân giận sẽ tạo ra nhiều ác nghiệp khác khiến đọa lạc vào ba đường khổ. Người tu thập thiện phải kiểm soát tâm mình ra khỏi các niệm sân.
Không si: Chữ “Si”, theo như Phật giáo Nam truyền chỉ cho “Tà kiến”. Nếu dùng chữ ngu si thì có thể hiểu lầm là sự ngu dốt, không biết gì, do đó không đủ nghĩa bằng khi dùng chữ “Tà kiến”. Nếu như một người hiểu biết rộng rãi, quảng bác kiến thức nhưng lại không tin nhân quả thì chẳng qua là hàng “thế trí biện thông”, như vậy, dù không ngu si nhưng cũng không hiểu được thế nào là Phật pháp, rốt cuộc rơi vào thường kiến hoặc đoạn kiến, sa vào tam đồ ác đạo. Người tu thập thiện, phải hướng đến trí huệ giải thoát, thân cận bậc thượng nhân, bậc Thánh, hoặc Thánh đệ tử để hiểu được chân thiện pháp.

II.Pháp môn tu Thập thiện:

Mười chi pháp nêu trên được chia ra ba phần tương ứng với ba nghiệp thân, khẩu, ý. Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm là ba điều thiện thuộc thân nghiệp. Không nói dối, không lưỡng thiệt, không ác khẩu, không ỷ ngữ thuộc về khẩu nghiệp. Không tham, không sân, không si thuộc về ý nghiệp. Luận về nghiệp báo, vô lượng tội lỗi đều nương nơi thân khẩu ý mà tạo tác. Do đó, tu thập thiện là pháp môn diệt tội lỗi nơi thân, khẩu, ý. Khi thành tựu pháp môn rồi lúc đó gọi là “Tam nghiệp thanh tịnh”. Xét như trên đã nêu về giới, Thập thiện giới cũng coi như là pháp môn tu, Nhưng nếu giới đã nêu lên sự tu tập, không cần luận bàn thêm về pháp môn tu! Bây giờ, nêu Thập thiện pháp như là pháp môn tu tập, như vậy có sự khác biệt nào ở đây? Khác ở nơi phần trên là phân biệt về giới, còn phần này sẽ phân lập ra thân, khẩu, ý để trình bày. Trong đó chia chẻ trình bày nhân tu và quả thành tựu như là một pháp môn hẳn hòi.

Thân nghiệp:

Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.

— Không sát sanh: Như trên đã nêu về giới, phàm hễ chúng hữu tình có sanh mạng không được đoạn dứt. Quả báo của tội sát sanh là: Hiện đời người ta chán ghét; họ hàng, muôn thú ghê sợ (đây là hoa báo). Quả báo rơi vào ba ác đạo. Dư báo các đời sau sanh lên thường bị giết hại, mạng yểu. Ngược lại, người không sát sanh sẽ được cuộc sống an ổn, không phải lo sợ về hoạnh tử, oán hại, tuổi thọ các đời sau lâu dài. Sơ cơ tu tập bất sát có thể còn gặp nhiều khó khăn như khó khăn về nghề nghiệp: Người làm ruộng phải giết sâu bọ, người đang làm nghề chày lưới; khó khăn về quốc nạn: Vì ngoại xâm, binh biến, người ra chiến trường phải giết giặc…Do đó, người lập nguyện tu tập phải biết khéo tìm môi trường thuận lợi, khéo hộ trì các căn để không thấy, không nghe việc giết chóc, sân giận dẫn đến giết, tránh việc thấy giết mà vui theo. Dần dần phước đức, công đức do trì giới bất sát thành tựu, khi đó sẽ đạt đến trạng thái “nhậm vận tự nhiên bất sát”, như bậc thánh quả Tu Đà Hoàn cuốc đất côn trùng sẽ tự cách bốn tấc. Khi đó quanh ta khí sát cũng tiêu tán dần khiến cho muôn thú không sợ, người khác không sợ bị ta làm hại, trường hợp này cũng giống như chuyện các vị Tổ sư trong Phật giáo vào núi rừng tu tập, voi, hổ, báo, chim chóc đến ở gần bên nghe thuyết pháp. Muôn thú không sợ người, cũng không làm hại người; ngược lại, người không sợ muôn thú và cũng không có ý sát hại.

— Không trộm cướp: Tiền bạc, của cải đôi lúc người ta xem trọng như sinh mạng của họ. Nhân gian có câu: “Đồng tiền là núm ruột”, của cải vật chất cũng vậy, nên khi bị tước đoạt mất, người ta đau khổ tưởng chừng như mạng sống bị đoạn dứt. Lắm khi anh em trong nhà chỉ vì tranh giành của cải mà xô xát, hại nhau. Tài vật đối với lòng tham của con người ảnh hưởng rất lớn! Quả báo của hành động cướp đoạt là: Đời này bị pháp luật ràng buộc, gia hình, họ hàng khinh khi xa lánh vì sợ bị mất của; tội báo đời sau bị đọa vào địa ngục, ác thú phải thường chịu đói lạnh. Nhiều kiếp lâu sau mới được sanh làm người, dư báo luôn bị đói khát, nghèo cùng khốn khổ.

Người tu thập thiện hiểu được sự nhiệt não do lòng tham đem lại, thấu hiểu nỗi đau khổ của sự mất mát, và quả báo nguy hiểm của sự cướp đọat, do đó phát nguyện giữ gìn giới hạnh không tước đoạt tài sản người khác, chúng sanh khác. Sơ phát tâm tu tập giới này không khó như giới bất sát, tuy nhiên hành giả phải có nhẫn lực cao, ý chí lớn. Vả như nhiều đời nhiều kiếp hành giả chưa từng bố thí, nay rơi vào trạng huống quá cùng khổ, kẻ nghèo khổ lại dễ làm càn: “Bần cùng sanh đạo tặc”. Nhưng hành giả thủ tâm bền chí tu tập, cam chịu đói nghèo, không vì đói khổ mà xâm đoạt của phi nghĩa để sinh tồn. Khi giới thành tựu, phước báo là tài sản không bị cướp bóc, xâm đoạt. Tuy nhiên, giới này phải chỉ tròn vẹn khi tu tập chung với giới về ý là “không tham”, tiến lên cấp bậc cao hơn: chẳng những không tham, không cướp đoạt mà còn bố thí, như vậy mới trọn vẹn, trở thành một người có phước đức lớn, không bao giờ đói nghèo. Cao hơn là thành tựu được thất thánh tài, tùy tâm mãn nguyện.

— Không tà dâm: Dâm dục là nhân sanh tử luân hồi. Vì luyến ái, người ta phải nhiều đời nhiều kiếp ra vào thai mẹ, chịu khổ trong sáu đường. Người tại gia chưa dứt hẳn đường dâm dục, có thể do còn luyến ái, hoặc phong tục tập quán dân tộc hay gia đình, gia tộc ràng buộc phải sống trong đường chồng vợ, do đó tâm phải giữ cho đoan chánh, lòng nghĩ việc kia như là bổn phận trách nhiệm, không coi đó là lạc thú để đắm trước vào. Với người hôn phối của mình, việc thọ lạc còn coi như là khổ hình, huống chi lại đi tìm thú vui ở người khác. Luận về tội ngoại tình hay mua bán xác thịt và những tội lỗi tương tự, nhân gian người ta xem như là điều đáng kinh tởm. Lỗi này dẫn đến việc tan nhà nát cửa, chồng vợ nghi kỵ, lìa xa nhau, có khi vì ghen tuông mà hại mình hại người… Do đó người tu thập thiện phải phát nguyện thanh tâm chánh trực. Quả báo đời này là pháp luật gia hình, hổ thẹn, nhục nhã. Đời sau thác sanh nơi ngục ô uế, sanh vào loài bồ câu uyên ương. Dư báo làm người sẽ bị phản bội, người yêu thương xa lìa, nghi hiềm v.v…Trọng tâm của việc tu thiện giới này là xa lìa tâm đắm ái. Gẫm chúng sanh nhiều đời kiếp oan tình theo nhau, khi thì làm cha mẹ, khi thì vợ chồng, lúc anh chị em, thân bằng quyến thuộc, cho nên lúc câu sanh một nơi, người thân tiền kiếp dễ sanh tơ tình, từ đó đưa đến việc ràng buộc tâm tư, tìm đến với nhau, kẻ nối lại thân tình, người thì sanh oan trái… rốt cuộc tạo ra nhiều ác nghiệp. Sơ phát tâm vì nghiệp duyên ái tình còn nặng, hành giả không khỏi khổ lụy đảo điên, hoặc bị quấy phiền, nhưng nếu tâm tư trong sáng, tình không nơi chiêu cảm, dần dà qua nhiều kiếp đời phôi pha sẽ được tự tại, không còn bị duyên tình quấy nhiễu. Phước báo của người trì giới này thân tâm sáng sạch, thanh tịnh, người trời, chúng sanh thấy đều yêu thích.

_Kết lại: Ba giới này xếp về sự tu hành thân nghiệp, giữ thân nghiệp thanh tịnh. Trọng điểm ở đây là thân không làm ác. “Ác pháp” chỉ cho sự gia hại tha nhân (chúng hữu tình khác). Gia hại ở đây chính là sự xâm đoạt: Đoạt mạng là sát sanh, đoạt của cải là trộm cướp, đoạt tình là tà hạnh. Như vậy, đối với chúng sanh hành giả tu “thân nghiệp thanh tịnh” sẽ không có bất kỳ hành động xâm đoạt nào tổn hại đến tính mạng, tài sản, tình cảm của họ. Quả báo đối đãi ở đây là chúng sanh sẽ được sống yên ổn, đầy đủ sự tin tưởng bên hành giả, ngược lại hành giả cũng không bị phiền nhiễu, rắc rối hay đau khổ khi không gây ác nghiệp. Tóm lại là thành tựu “thân thiện nghiệp”.

Khẩu nghiệp:

Không nói dối, không lưỡng thiệt, không ác khẩu, không ỷ ngữ.

Về cách phân tích từng chi phần cũng tương tự như thân nghiệp. Ở đây chỉ cần nói chung về nhân quả, phước báo trì giới và thành tựu bốn thiện giới về khẩu.

Với việc nói dối khiến chẳng phân biệt được phải trái, làm cho người nghe đảo điên, nghi kỵ, tin nhầm dẫn đến nhiều hậu quả khó lường. Quả báo việc này là bị tội đọa sanh vào địa ngục hắc ám, dư báo sanh vào loài cầm thú ngu muội, sanh vào loài người cũng ngu si mê muội… Nói lưỡng thiệt (gây chia rẻ) dẫn đến thân bằng quyến thuộc chia lìa, nghi kỵ hiềm khích lẫn nhau, quả báo thường rơi vào địa ngục canh thiệt (kéo lưỡi trâu cày như trong kinh Địa Tạng diễn bày), đến khi được sanh làm người, dư báo khiến rơi vào cảnh quyến thuộc chia lìa, kình chống lẫn nhau…Ác khẩu khiến người sanh tâm nhiệt não oán hờn không dứt, dân gian thường vì câu nói ác mà “sống để bụng, thác mang theo”. Vì nhân gieo sự oán hận cho người nên tội báo cũng sa vào địa ngục, hoặc sanh vào loài quỉ miệng thường phát ra mùi hôi thúi, thân thể ghê gớm, xấu xí. Đến khi hết tội hình trong ác đạo, sanh vào loài người cũng trong thân hình xấu xí, môi hở, răng xiêng vẹo… Nói lời ủy mị, khiến người hoang tưởng mơ hồ, thêu dệt chuyện không đâu, làm cho người nghe mất tín tâm, mất chánh niệm, tội báo tương tự cũng sa vào chốn ngục tối tăm, khi được sanh vào loài người cũng đảo điên, mờ tối…Tất cả các tội nghiệp do khẩu gây ra, nếu đối với Tam bảo thì tội càng nặng hơn muôn vạn lần, như việc nối dối với Bậc Thánh, ác khẩu hủy báng tam bảo, lưỡng thiệt phá hòa hợp tăng như vậy tội sẽ kết vào một trong ngũ nghịch hoặc thất nghịch, sa vào A-tỳ ngục.

Người tu thập thiện, trước ý thức tội lỗi do khẩu gây ra, sau phát nguyện tu hành giữ bốn giới về khẩu. Phước báo sẽ được quyến thuộc thương mến, lời nói ra được nhiều người tin tưởng. Có những bậc tu thành tựu giới này, lại hay khéo dùng lời khuyến khích người tu trì tin tấn, tụng kinh Đại thừa như Diệu Pháp Liên Hoa, miệng người đó thường tỏa mùi thơm, chư thiên, quỉ thần kính tin hộ vệ.

_Kết lại: Bốn giới kế tiếp là thành tựu sự thanh tịnh về khẩu. Tu tập tránh nhân ác do lời nói đem lại. Lời nói có ác có căn bản có bốn: dối trá, đâm thọc, ác độc, xảo ngụy. Tuy nhiên, hành giả cần tìm ra điểm quan trọng bắt nguồn nhân tội lỗi của khẩu, cũng như ác nghiệp về thân, ác nghiệp về khẩu căn cứ trên sự gia hại, từ lời nói tác động vào tâm tư người: Nói tác động tâm tư khiến người mờ mịt về mình (dối xưng là bậc thánh) hay về người khác, sự vật khác, khiến người không phân biệt phải trái là dối; nói tác động tâm tư khiến chia rẽ là lưỡng thiệt; nói tác động khiến người đau khổ là ác khẩu; nói tác động tâm tư khiến người mất chánh niệm đảo điên mờ mịch là ỷ ngữ. Như vậy, điểm quan trọng khi tạo ác nghiệp về miệng là dùng lời tác động vào tâm tư để đưa đến một kết quả tồi tệ cho người khác. Hiểu rõ điều này, hành giả tu “khẩu nghiệp thanh tịnh” sẽ ngăn dè, cẩn trọng lời nói, chỉ nói lời nhu hòa, lời tốt đẹp đem lại lợi ích cho tha nhân. Không vì bất cứ lý do nào nói ra lời gây oan trái, chia rẽ, tổn hại đến tâm tư, công việc của người khác, chúng sanh khác. Như vậy là thành tựu “khẩu thiện nghiệp”

Ý nghiệp:

Không tham, không sân, không si (không tà kiến).

Tham sân si là tam độc, là cội gốc phát khởi mọi tội lỗi. Phàm khi người ta nhấc chân, cử tay thảy đều lấy ý làm đầu: “ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ ý tạo”, chính ý tạo nhân chủng cho ngã chấp, luân hồi. Nếu không có ý làm chủ, không tác thành nghiệp nhân được, chỉ là cây khô, sỏi đá mà thôi. Người tu thập thiện, nếu muốn mình có lộ trình tốt đẹp cho mai hậu, phải bắt nguồn từ nơi ý, ở nơi ý này, nếu muốn ngăn chặn và lìa được tham, sân, si, hành giả phải luôn tỉnh giác, ý thức được diễn biến tâm tư mình trước sự việc. Tu tập ý không tham, không sân, không si để thành tựu “ý thiện nghiệp”. Tại sao ở đây không dùng “ý nghiệp thanh tịnh”. Vì ý quyết định rất lớn đến cảnh giới tái sanh hoặc không tái sanh, nếu còn tái sanh, coi như thành tựu thiện nghiệp về ý, thanh tịnh từng phần. Còn nói rốt ráo thanh tịnh, theo Duy thức học, A-lại-da sẽ chuyển thành Bạch tịnh thức nghĩa là thành tựu “tuệ giải thoát”. Tu tập thiện nghiệp về ý đạt đến rốt ráo, điều này sẽ được khai triển trong phần III.

_Kết lạïi: Tu tập thiện nghiệp về ý là căn bản để thành tựu cả thiện nghiệp về thân và khẩu. Sở dĩ có thân ác nghiệp, khẩu ác nghiệp cũng bắt đầu từ tham ý, sân ý, si ý mà ra. Song hành giả cũng cần ý thức trọng điểm để dẫn đến sai phạm. Vì sao có tham khởi, sân khởi, si khởi. Tất cả từ sự sai lầm chấp có bản ngã, vì có bản ngã sanh ngã sở, từ ngã và ngã sở đó sanh ngã ái, do ngã ái khống chế nên những gì tự ngã yêu thích sẽ khởi ý thủ lấy khiến tham sanh, những gì trái lại ngã ái khiến sân sanh, và ý niệm lưu trữ một cái ngã tồn tại, gìn giữ vun vén đó là tà kiến hay là si. Hành giả tu tập ” ý nghiệp thanh tịnh” phải luôn tỉnh giác chân lý “vô ngã”, nếu không đạt đến kiến tri vô ngã, việc tu hành thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp cũng có thể thành tựu, nhưng chỉ đạt phước báu nhân thiên và có thể hoàn thành ý thiện nghiệp, nhưng chưa đi đ?n chỗ “ý nghiệp thanh tịnh”.

III. Thứ bậc tu tập:

Thông thường, tu pháp thập thiện được đa số Phật tử nghĩ như là một pháp môn cầu phước báu sanh thiên. Thực chất như phần trên đã nêu: “Ví như tất cả thành, ấp, xóm, làng đều y địa đại mà được an trụ, tất cả trăm hoa, cây cỏ bụi rừng cũng nương tựa địa đại ấy mà được sanh trưởng; Thập Thiện Nghiệp đạo cũng lại như thế. Tất cả Nhơn Thiên cũng y vào đó mà được an lập, tất cả Thanh Văn, Độc Giác Bồ Đề, các hạnh Bồ Tát, tất cả Phật Pháp đều chung vào đại địa thập thiện này mà được thành tựu.” Nghĩa là Thập thiện là pháp môn căn bản để thành tựu vạn hạnh từ thấp lên cao, từ địa vị nhân thiên đến Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật Đạo. Vì sao pháp này lại đặc thù như vậy? Trước tiên chúng ta cần tìm hiểu qua cách lập pháp. Giáo lý trọng điểm tu tập của Phật giáo đều y cứ theo nhân quả, như Tứ Thánh Đế lập pháp trên nhân quả thế gian và xuất thế gian: Khổ, Tập là nhân quả trong Tam giới luân hồi; Diệt, Đạo là nhân quả của xuất thế gian. Thập Thiện, nói đủ là Thập Thiện Nghiệp Đạo, nghĩa là con đường hạnh nghiệp căn cứ trên mười điều thiện. Con người đối với thân, khẩu, ý gây ra vô lượng vô biên điều ác, tuy nhiên tổng quát phân chia không ngoài mười chi phần: ba chi thuộc về thân (sát sanh, trộm cướp, tà hạnh), bốn chi thuộc về khẩu (vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ), ba chi thuộc về ý (tham, sân, si hay tà kiến). Ngược lại mười điều ác là mười điều thiện, tất cả đều y cứ theo nhân quả! Tạo mười ác nghiệp nặng thì rơi vào tận cùng địa ngục trong nhiều kiếp, nhiều ngàn kiếp v.v… nhẹ thì rơi vào ngạ quỉ súc sanh, hay làm loài người trong tư thái thấp hèn. Ngược lại với mười điều ác là mười điều thiện. Căn cứ vào nhân quả, tu mười điều thiện thành tựu phước đức, công đức theo thứ bậc như sau:

Sơ tâm tu tập, chỉ ngăn dứt mười điều ác, hiện đời (hoặc đời sau sanh vào cõi người) sẽ được hạnh phúc an vui tương ứng với nhân quả như sau:

Không sát sanh: Thân thường không bệnh, mệnh sống lâu dài, thường được phi nhân (quỉ thần) ủng hộ, thường không ác mộng thức ngủ an vui; oán nghiệp được tiêu trừ, oán thù tự giải; không sợ sa vào ba đường dữ.
Không trộm cướp: Giàu có của cải, không bị năm thứ cướp hại (vua quan, giạc, nước, lửa, con hư). Nhiều người thương mến, không bị người phụ bạc, lừa gạt. Mười phương khen ngợi, tiếng lành đồn khắp. Không lo bị tổn hại, vào nơi đông người không sợ hãi, hổ thẹn.
Không tà dâm: Các căn điều thuận, xa lìa sự rộn ràng, người đời khen ngợi. Vợ (hay chồng) không ai xâm phạm, cũng không phụ bạc.
Không vọng ngữ: Được người đời tín phục. Miệng thường tỏa mùi thơm. Lời nói tín chứng, người trời tín phục. YÙ vui thù thắng, tâm không chao động.
Không lưỡng thiệt: Thân bất hoại, không ai làm hại được. Bà con bất hoại, không bị chia rẽ. Tâm lực tu kiên cố, lòng tin bất hoại. Được bằng hữu tốt, thiện tri thức tốt, không lừa dối nhau.
Không ác khẩu: Lời nói hợp lý, đẹp đẽ, có ích lợi. Người nghe sanh lòng vui, tin tưởng, không chê bai.
Không ỷ ngữ: Thành tựu như thật trí, đối đáp biện tài, có oai đức tối thắng với nhân thiên, không hư vọng.
Không tham: Ba nghiệp tự tại, các căn đầy đủ. Của cải tự tại, đáp ứng mong cầu, oán tặc không cướp đoạt được. Đuợc phước báu thù thắng.
Không sân: Trong lòng không bị tổn não, sân hận, kiện tụng. Tâm nhu hòa, khí sắc tươi nhuận. Người không oán ghét, cảm thấy an lạc khi đựơc sống gần hành giả.
Không si: Trực tâm chánh kiến, xa hẳn sự ngờ vực kiết hung. Thâm tín nhân quả, thà bỏ mạng chứ không làm điều ác. Được gần gủi thiện tri thức, kiến giải vô ngại. Duy nhất qui y Phật, không lạc ác đạo.

Sau khi mãn thân này, sẽ được sanh thiên. Phước được sanh thiên hầu như là pháp ấn định của Thập thiện nghiệp, do đó chư Phật t? thường nghĩ “muốn sanh thiên, tu theo thập thiện”. Tuy nhiên, điều này không hẳn như vậy. Người tu thập thiện phước báu lớn, có thể sanh thiên, nhưng cũng có khi sanh vào cõi người hoặc các cõi khác tùy nguyện lực của mình. Thành tựu ấy thuộc phước báu. Nếu hành giả trong quá trình tu tập, lập công bồi đức theo Thánh Đạo: Thanh Văn, Bồ Tát và Phật Thừa thì nhân quả sẽ chuyển theo hướng khác. Khi đó, thân, khẩu thanh tịnh nhiếp về giới; ý nghiệp nhiếp về định; giới định thành tựu, tuệ sanh. Đây là con đường tu tập Tam vô lậu học.

a. Thanh Văn Thừa: Hình thức tu Thập Thiện kết hợp với 37 phẩm trợ đạo (Tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, bát thánh đạo phần, thất bồ đề phần). Dùng niệm xứ để thanh tịnh tâm, tiến đến “Niệm xứ quán” tức là nhiếp tâm và quán tâm. Như vậy, hành giả sẽ thanh lọc tâm tư, nâng mức độ tỉnh giác của mình lên. Khi tỉnh giác, hành giả dễ dàng pháp hiện để dẹp bỏ những bất thiện ý sanh khởi, và ngăn chặn khiến ý bất thiện không sanh, trãi nghiệm qua Tứ chánh cần. Từ đó tiến dần lên tứ như ý túc: Lúc này mức độ định tâm và chánh kiến đã ổn định. Ngang đây có thể khai triển “Dục như ý túc” để hướng đến con đường Phật Thừa, Bồ Tát Đạo, hay tiếp tục tu theo Thanh Văn Pháp. Nếu tiếp tục theo pháp Thanh Văn, nương trên mảnh đất định, phát triển tín căn, thúc đẩy niệm lực (giai đoạn tu ngũ căn, ngũ lực) để thành tựu Thiền định, hoặc sử dụng trạch pháp để đi theo thiền quán. Ở đây cần phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa định và quán (nghĩa là kết hợp tất cả các chi phần của 37 trợ đạo phẩm để bổ trợ nhau), vì “Định không tuệ thì thành khô định, tuệ không định thì thành cuồng tuệ”. Rốt ráo sẽ thành tựu “ý thanh tịnh”, tức giải thoát, Niết Bàn.

b. Bồ Tát thừa: Tu thập thiện kết hợp với Lục độ để cầu Vô thượng giác. Khi này, giới được triển khai tích cực như trong Bồ Tát Giới. Sự kết hợp tu tập có thể trình bày theo như văn kinh Thập Thiện:

1. Bố thí độ: Chẳng những không sát sanh mà còn khởi lòng thương chúng sanh như con đỏ, đem lòng từ hộ độ mạng khiến được an vui, đây là bố thí vô úy. Bồ tát chẳng những không trộm cắp mà còn đem vàng bạc, của báu bố thí cho khắp tất cả, cho đến bố thí vợ con, đầu mắt tai chân để cầu Phật đạo. Nhưng muốn bố thí viên mãn như vậy, phải lìa tham dục, tham ái. Điều này đã hoàn thành ở chi phần thứ 9 (không tham) khi hành giả tu Thập Thiện. Vì bỏ tà hạnh, lìa gian dối, không tham sân…mà bố thí nên khiến người tin tưởng, không phải uổng phí lời vẫn có thể thu phục nhân tâm…(phỏng trích theo văn Kinh Thập Thiện)

2. Lược nói năm độ sau: Trì giới trang nghiêm, thập thiện đã hoàn thành thân, khẩu thanh tịnh, nay tu tập Bồ tát hạnh, phần trì giới sẽ nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, bên Bồ tát, không những giữ gìn không tổn hại chúng sanh mà còn phải cứu độ để cho chúng sanh không bị tổn hại về thân mạng, tài sản, tinh thần. Do đó, khi tu thập thiện, không làm điều ác tức là đã giữ giới, nhưng tiến lên Bồ Tát hạnh, giữ giới không những là không phạm điều ác, mà còn phải đem cả thân mạng ra làm điều thiện, xả thân để đem lại hạnh phúc cho chúng sanh, khiến chúng sanh được độ tới chỗ an vui, như vậy mới xem là trì giới trong lục độ. Theo Bồ Tát hạnh, tinh tấn độ sẽ dẫn đầu, tinh tấn hành bố thí, tinh tấn giữ gìn giới, tinh tấn tu tập thiền định, tinh tấn trao dồi, mở mang trí huệ. Người muốn thực hiện được các điều khó ấy, phải có nhẫn lực, ý chí. Như vậy, tinh tấn và nhẫn nhục là hai pháp thiết yếu căn bản để hoàn thành bốn pháp còn lại. Muốn thành tựu nhẫn lực, ý niệm về cái tôi kiên cố phải từ bỏ, ngã ái phải từ bỏ, điều này phải thành tựu nơi giới thứ 10 (không si, tức không tà kiến) của Thập Thiện.

Kết lại: Lấy Thập Thiện làm thềm thang, làm giá đỡ để tiến lên Bồ Tát Hạnh, khi đó, nhờ phước báu sẵn tạo, công đức tu hành dễ dàng tiến triển hơn và nâng cao hơn. Chẳng hạn như không trộm cắp sẽ không bị tổn hại, khi không bị tổn hại thì lòng sân không khởi, khi đó đem lòng nhu hòa bố thí sanh phước báu lớn. Từ đó, chuyển sang đời sau Bồ Tát sanh vào nơi sang giàu, lại lấy lòng bố thí trợ giúp người làm niềm vui, khiến lòng từ sanh khởi và phát triển.v.v… Các chi phần khác cũng vậy. Do đó nói Lục độ cũng hoàn thành từ nơi Thập Thiện.

Tóm lại, Thập Thiện không phải chỉ riêng là pháp môn tu cầu phước báu cõi trời như bao nhiêu người thường tưởng, mà Thập Thiện là pháp tu của tất cả mọi hành giả từ việc cầu phước cõi người, trời cho đến tu Thanh Văn, Bồ Tát và cầu Vô Thượng Bồ Đề. Chúng sanh vì mang ý niệm có một cái “tôi” tồn tại nên trôi lăn sanh tử luân hồi, lại trong luân hồi thấy mình nhỏ bé đối với Tạo Hóa nên tìm cầu nương tựa nơi ở một đấng Tạo hóa tối cao nào đó v.v…Vì ngã tưởng sai lầm đó mãi chịu khổ đau. Khi hiểu được Thập Thiện Pháp, thấy rõ được sự khổ vui trong cõi hữu vi đều đi theo một luật tắc nhất định, đó là “nhân quả”. Khi đó thừa hiểu phước tội do mình, làm thiện hưởng thiện, làm ác chịu quả ác. Đó là nói hành giả chưa thấu triệt lý vô ngã, chỉ tin nhân quả nên tìm hạnh phúc cho mình bằng cách gieo nhân lành. Đến khi thấu hiểu “Vạn pháp giai không” , tất cả đều giả huyễn: “Không phải của tôi, không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi”, chừng đó khởi tâm cầu giải thoát, xa lìa tham, sân, si cầu thanh tịnh giải thoát. Khi đó tu tập ba nghiệp trọn thanh tịnh:

“Tam nghiệp hằng thanh tịnh

Đồng Phật vãng Tây Phương”

Tuy nhiên, muốn thân khẩu thanh tịnh, tuy có khó nhưng vẫn dễ hơn nhiều so với thành tựu ý thanh tịnh. Song nếu đã đạt được ý thanh tịnh rồi, hành giả có nói nín động tịnh gì cũng là “Vô tác nghiệp”, nghĩa là: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành”./.

Add Comment