Ý NGHĨA TÔN TƯỢNG THIÊN THỦ QUÁN ÂM
Huyền Thanh kính ghi
I. Danh hiệu:
Thiên Thủ Quán Âm nếu xưng danh đầy đủ là: Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Tự Tại (Avalokiteśvara sahasra-bhūja-locana) Hoặc xưng là: Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm, Thiên Thủ Thiên Tý Quán Thế Âm, Thiên Thủ Thánh Quán Âm (Sahasra bhūja arya avalokiteśvara), Thiên Tý Quán Âm, Thiên Thủ Thiên Quang Nhãn Đại Liên Hoa Vương Quán Tự T ại (Sahasra-bhūjaya sahasra-jvala-netre mahā-padma-rāja avalokiteśvara), Thiên Nhãn Thiên Thủ Thiên Túc Thiên Thiệt Thiên Tý Quán Tự Tại.
Theo Thiên Quang Nhãn Kinh, Thiên Thủ Kinh, Mẫu Đà La Ni Kinh… thì Thiên Thủ Quán Âm Bồ Tát là Thân Thần Biến của Thánh Quán Thế Âm (Ārya Avalokiteśvara ).
Theo Nghĩa Tịnh Thích Kinh thì Thiên Thủ Quán Thế Âm là Thân Sở Hóa của Đại Nhật Như Lai (Vairocana Tathāgata)
Theo Thiên Thủ Thiên Nhãn Kinh thì Thiên Thủ Quán Âm là hậu thân của Chính Pháp Minh Như Lai (Samyak-dharma-vidya Tathāgata)
Nhìn chung, do Đại Nguyện Từ Bi cứu nạn bạt khổ cho tất cả chúng sinh trong Thế Giới mà thân Thiên Thủ Quán Âm được hiển hiện. Đây chính là Pháp Môn Công Đức Từ Bi Đồng Thể của chư Phật ba đời mà Thiên Thủ Quán Âm dùng 1000 làm số, trong đó :
– Thiên Nhãn biểu thị cho 1.000 vị Phật đời quá khứ.
– Thiên Thủ biểu thị cho 1.000 vị Phật đời hiện tại.
– Thiên Túc biểu thị cho 1.000 vị Phật đời vị lai (Tức là 10 hiệu của Như Lai)
II) Tôn tượng:
Nghi Quỹ tạo pháp thứ tự của Thiên Thủ Quán Âm và Nhiếp Vô Ngại Đà La Ni ghi nhận là: Ngài có 500 mặt, 1000 cánh tay.
Huệ Thập A Đô Lê Sớ cho rằng ngài có 30 mặt (hay 5 mặt) và 1.000 cánh tay.
Thiên Thủ Thiên Tý Mẫu Đà La Ni Kinh ghi rằng: Ngài có 1 mặt 1.000 cánh tay.
Thiên Quang Nhãn Kinh ghi nhận Ngài có 500 đầu mặt với 25 thân biến hoá đều có 11 mặt, 1.000 cánh tay, trong đó có 40 tay cầm báu vật.
Thai Tạng ký, Mật Giáo Hiện Đồ Thai Tạng Giới Man Trà La và Quán Tự Tại Bồ Tát Liên Hoa Đỉnh Du Già Pháp ghi nhận rằng: Ngài có 27 mặt, 1000 cánh tay trong đó 40 tay (hoặc 42 tay) cầm khí trượng.
Theo nghĩa thú thì Quán Tự Tại Bồ Tát hay Chính Quán Âm là Tổng Thể của các Quán Âm, biểu thị cho Nhân Vị của Liên Hoa Bộ nên có Mật Hiệu là Chính Pháp Kim Cương (Samyak-dharma-Vajra) chủng tử là SA, Tam Ma Gia Hình là hoa sen chưa nở. Còn Chính Pháp Minh Như Lai tức Thiên Thủ Quán Âm là Thân Sở Hóa biểu thị cho Quả Thể của Liên Hoa Bộ nên có Mật Hiệu là Đại Bi Kim Cương (Mahā-kāruṇi-vajra) chủng tử là HRĪḤ Tam Ma Gia Hình là hoa sen nở.
Hoặc như trong “Thiên Thủ Đà La Ni Kinh”, “Thiên Quang Nhãn Kinh”…. nói rằng: “Cầu Trí Tuệ thì dùng cái Gương Báu, cầu bạn lành thì dùng Mũi Tên Báu, được mọi sự mong cầu, vật cầm của 40 tay cầm giữ đều là Tam Muội Gia Hình. Hoặc có nói là Viên Ngọc Báu trên Hoa Sen, gọi Viên Ngọc Báu này hay tùy theo nguyện mà sinh ra tất cả, cho nên không cần phân biệt chọn dùng vật cầm trên 40 tay làm Tam Muội Gia Hình”.
Hoa sen biểu thị cho Thể Tính vốn có, viên ngọc báu biểu thị cho đầy đủ vạn Đức, nhân đây viên ngọc báu trên hoa sen tức là tương ứng với Quả Đức của Liên Hoa Bộ, tức là Bản Thệ của Tôn này.
Bí Tạng Ký ghi rằng: “Tâm phàm phu như hoa sen khép kín, tâm thánh nhân là hoa sen nở rộ”
Vì thế, Chính Quán Âm biểu thị cho Nhân Vị “ Vô Nhiễm Cấu” vốn có trong tâm của mỗi một chúng sinh, còn Thiên Thủ Quán Âm là phương tiện thiện xảo làm nở rộ Quả Thể “Vô nhiễm cấu” ấy. Cho nên Thiên Thủ Quán Âm biểu thị cho Quả Đức của 11 Địa cho Phật Quả. Do vậy, trong các Tôn thuộc Liên Hoa Bộ thì Thiên Thủ Quán Âm là Tôn tối thắng và được xưng là Liên Hoa Vương (Padma-rāja).
Dựa vào ý nghĩa này thì Tôn Tượng 500 đầu mặt,1.000 cánh tay biểu thị cho Phước Trí viên mãn của Phật Quả trong đó 500 đầu mặt (một đầu mặt có 2 mắt nên hợp thành 1.000 mắt) biểu thị cho Trí Đức viên mãn và 1.000 cánh tay biểu thị cho Phước Đức viên mãn.
– Ý nghĩa của 11 mặt: được nhận định theo nhiều cách khác nhau
+ Thập Nhất Diện Thần Chú Tâm Kinh Nghĩa Sớ ghi là :
3 mặt phía trước có tướng hiền lành (Từ) biểu thị cho việc nhìn thấy chúng sinh hiền thiện mà sinh tâm Từ. Đại Từ là ban vui
3 mặt bên trái có tướng giận dữ biểu thị cho sự nhìn thấy chúng sinh ác mà sinh tâm Bi . Đại Bi là cứu khổ
3 mặt bên phải có tướng ló nanh trắng biểu thị cho sự nhìn thấy kẻ có Tịnh Nghiệp liền phát lời khen Hiếm có, siêng năng tinh tiến trong Phật Đạo
1 mặt phía sau có tướng Bạo Đại Tiếu biểu thị cho sự nhìn thấy chúng sinh có Thiện Ác Tạp Uế mà sinh nụ cười quái dị, sửa ác hướng theo Đạo
1 mặt bên trên có tướng Như Lai biểu thị cho sự mãn túc Nguyện.
+ Tiên Phòng ghi nhận là:
11 mặt là 10 Địa và Phật Quả, mỗi một thứ đều có 1 mặt.
10 Địa là viên mãn 10 Ba La Mật.
+ Dã Quyết ghi nhận là:
11 mặt là 11 Địa (Hoan Hỷ Địa, Ly Cấu Địa, Phát Quang Địa, Diệu Tuệ Địa, Nan Thắng Địa, Hiện Tiền Địa, Viễn Hành Địa, Bất Động Địa, Thiện Tuệ Địa, Pháp Vân Địa, Phật Địa) biểu thị cho 11 phẩm Vô Minh, lại thêm mặt gốc biểu thị cho 12 phẩm Vô Minh. Hoặc nói là : Độ 12 nhân Duyên
3 mặt phía trước có tướng Tịch Tĩnh biểu thị cho nghĩa: xưa nay vốn tịch lặng của Đông Phương Bất Động Phật
3 mặt bên trái có tướng phẫn nộ biểu thị cho nghĩa: giáng phục của Nam Phương Bình Đẳng Tính Trí
3 mặt bên phải có tướng ló nanh bén biểu thị cho nghĩa: nói Pháp của Tây Phương Diệu Quán Sát Trí
1 mặt phía sau có tướng cười giận biểu thị cho Bắc Phương Sự Nghiệp Trí
1 mặt trên cùng có tướng Phật biểu thị cho Bất Nhị Pháp Giới Thể Tính Trí.
+ Khẩu Quyết ghi nhận là :
3 mặt phía trước có tướng Đại Từ biểu thị cho 3 vị Phật là: Thích Ca Thế Giới Năng Tịch Như Lai, An Lạc Thế Giới Vô Ngại Quang Như Lai, Cà Sa Tràng Thế Giới Kim Cương Kiên Cố Hoan Hỷ Như Lai
3 mặt bên trái có tướng Đại Bi biểu thị cho 3 vị Phật là: Bất Thoái Chuyển Âm Thế Giới Cực Diệu Viên Mãn Hồng Liên Hoa Sổ Thân Như Lai, Tuyệt Trần Thế Giới Pháp Tràng Như Lai, Minh Đăng Thế Giới Sư Tử Như Lai
3 mặt bên phải có tướng ló nanh trắng biểu thị cho 3 vị Phật là: Trang Nghiêm Thế Giới Nhất Thiết Phật Thông Tuệ Quang Vương Như Lai, Kích Luân Thế Giới Minh Giác Như Lai, Phổ Hiền Thế Giới Hiền Thủ Như Lai
1 mặt phía sau có tướng Bạo Tiếu biểu thị cho 1 vị Phật là: Nan Siêu Thế Giới Thân Phóng Pháp Quang Như Lai
1 mặt Phật trên đỉnh biểu thị cho 1 vị Phật là: Diệu Quang Thế Giới Biến Chiếu Như Lai
Ngoài ra để tăng cường cho lực gia trì của Chân Ngôn, các bậc Đạo Sư Mật Giáo đã truyền dạy thêm các bài tán Quy Mệnh là :
+ Giác Thiền Sao ghi nhận Thập Nhất Diện Quán Âm Hối Quá Tán là:
Nam mô Đương Tiền tam diện Từ Bi Tướng
Nam Mô Tiền tam Từ Diện Cầu Như Ý
Nam mô Tiền Tam Bi Diện Trừ Quỷ Tật
Nam mô Tả biên tam diện Sân Nộ Tướng
Nam mô Tả tam diện Giáng Oán Tặc
Nam mô Hữu biên tam diện Bạch Nha Tướng
Nam mô đương hậu nhất diện Bạo Tiếu Tướng
Nam mô Đỉnh thượng nhất diện Như Lai Tướng
Nam mô đỉnh thượng Phật Diện trừ tật bệnh Nam mô tối thượng Phật Diện nguyện mãn túc
+ Phòng Sao ghi nhận là:
Nam mô Tả biên hậu diện tồi Ma Đạo
Nam mô trung diện ly khổ nạn
Nam mô tiền diện trừ Quỷ tật
Nam mô Hữu biên tiền diện cầu Như Ý
Nam mô trung diện Cữu Nộ ( Giận dữ lâu dài )
Nam mô hậu diện trừ chướng nạn
Nam mô Kiếp Độ Tiền
Nam mô Tả biên hữu diện trừ Quỷ Thần
Nam mô trung diện Điều Phong Vũ
Nam mô Tả diện tăng thọ mệnh
Nam mô Hậu biên nhất diện thành ngũ cốc
Nam mô đỉnh thượng nhất diện phá Ma Quân
– Tôn tượng 27 mặt biểu thị cho chi tiết tu tập 11 Địa Quả của Phật Đạo với 26 mặt biểu thị cho 10 Độ và mặt Phật thứ 27 là mặt Chính Pháp Minh Như Lai (hay A Di Đà Như Lai) biểu thị cho Phật Quả .
– Ý nghĩa 10 Độ mở rộng thành 26 mặt là:
6 Độ đầu mỗi độ có 3 Pháp tu tập nên lập thành 18 mặt, 4 Độ sau mỗi độ có 2 Pháp tu tập nên lập thành 8 mặt.
1) Bố Thí Ba La Mật (Dāna-pāramitā) có ba Pháp Thí Phước nhằm trừ Tâm keo kiệt ích kỷ là:
a) Tư Sinh Thí (hay Tài Thí): Giúp đỡ tiền bạc của cải cho người nghèo khó (giúp ích về vật chất)
b) Vô Úy Thí: Dùng mọi phương tiện giúp cho người khác tránh được sự sợ hãi buồn lo (giúp ích về tinh thần)
c) Pháp Thí: Đem Chính Pháp giảng giải khiến cho người nghe dựa vào đó dứt trừ phiền não, tinh tiến tu Phước Tuệ (giúp về phần thiện căn) Khi viên mãn được Bố Thí Ba La Mật thì đời đời được đầy đủ duyên lành giàu có, tâm được tự tại, mau tăng thọ mệnh.
2) Trì Giới Ba La Mật (Śīla-pāramitā) có ba Pháp Nghiêm Trì nhằm diệt trừ hạt giống phá Giới là :
a) Nhiếp Luật Nghi Giới: Giữ gìn luật lệ, nghi thức do Đức Phật chế ra (nhằm trừ điều ác)
b) Nhiếp Thiện Pháp Giới: Làm phát sinh các điều lành (tăng trưởng căn lành)
c) Nhiêu Ích Hữu Tình Giới: Khiến cho chúng sinh được lợi ích an lạc (có tính cách lợi sinh)
Khi viên mãn được Trì Giới Ba La Mật thì thường dùng Giới Phẩm để trang nghiêm thân, khẩu, ý. Tất cả sự vi phạm vào 4 Giới cấm, 8 loại Bậc Sô, hay Bậc Sô Ni, Hóa Thắng Tội … thảy đều thanh tịnh. Ngày sau tùy nguyện được sinh vào cõi Phật tịnh diệu
3) Nhẫn Nhục Ba La Mật (Kṣānti-pāramitā): có ba Pháp Công Đức Nhẫn nhằm diệt trừ nghiệp chủng sân nộ là:
a) Nại Oán Hại Nhẫn (hay Sinh Nhẫn): tuy bị người thù ghét, hãm hại cũng không oán hờn mà thường thương xót cứu độ kẻ ấy.
b) An Thọ Khổ Nhẫn (hay Pháp Nhẫn): dù gặp các sự khổ như nóng lạnh,đói khát, bệnh tật, nguy nan… vẫn cố gắng tu hành không có tâm thoái chuyển.
c) Đế Sát Pháp Nhẫn (hay Vô Sinh Pháp Nhẫn): dùng Trí Tuệ quán sát tu hành, chứng được chân lý hay pháp tính.
Khi viên mãn được Nhẫn Nhục Ba La Mật thì diện mạo trang nghiêm khiến người ưa nhìn, chẳng muốn ghét hại,đều muốn gần gũi. Lúc đó Hành Giả có Thắng Giải rất thâm sâu, tùy niệm biến hóa.
4) Tinh Tiến Ba La Mật (Vīrya-pāramitā) có ba Pháp Tinh Tiến nhằm diệt trừ nghiệp chủng lười biếng chậm chạp là.
a) Bị Giáp Tinh Tiến: Sốt sắng tu hành không ngại gian lao trở ngại như mặc áo giáp xông pha nơi chiến địa với thế lực hùng mạnh.
b) Nhiếp Thiện Pháp Tinh Tiến: Siêng năng tu tập các Công Đức làm cho Pháp lành ngày càng tăng trưởng.
c) Lợi Lạc Hữu Tình Tinh Tiến: Dù thấy chúng sanh nhiều phiền não nhưng vẫn không sinh tâm chán nản lui sụt, cố gắng dùng phương pháp điều nhiếp hóa độ khiến cho loài hữu tình được lợi ích an lạc.
Khi viên mãn được Tinh Tiến Ba La Mật thì thân tâm an vui, xa lìa các bệnh tật, không có khổ não, hòan thành được mọi nguyện về Phước Trí của Thế Gian và Xuất Thế Gian
5) Thiền Định Ba La Mật (Dhyāna-pāramitā) Có ba Pháp Tĩnh Lự nhằm diệt trừ chủng phóng túng loạn động là :
a) An Trú Tĩnh Lự: Tâm hằng ở yên trong cảnh sáng suốt lặng lẽ trống không của Pháp Lạc.
b) Dẫn Phát Tĩnh Lự: Sức Thiền Định có thể dẫn sinh 6 pháp Thần Thông .
c) Biện Sự Tĩnh Lự: Không dời Thiền Định mà có thể làm các việc lợi sinh, hoặc dùng sức Thiền Định hóa hiện để cứu độ chúng sinh trong cảnh phiền não, bệnh tật, đói khát .
Khi viên mãn được Thiền Định Ba La Mật thì thân tâm lanh lợi, Thần Thông đã tu mau được thành tựu, các Ma chẳng thể xâm nhiễm, tiêu diệt được tất cả Nghiệp Chướng
6) Bát Nhã Ba La Mật (Prajña-pāramitā): Có ba Pháp Tuệ nhằm trừ diệt nghiệp chủng si mê này là:
a) Nhân Không Vô Phân Biệt Tuệ: Có tính cách đoạn tuyệt tâm chấp Ngã.
b) Pháp Không Vô Phân Biệt Tuệ: Cảnh giới niệm Chấp Pháp đã tiêu trừ .
c) Câu Không Vô Phân Biệt Tuệ: Dứt hẳn cảnh giới tâm niệm Chấp Ngã và Chấp Pháp .
Khi viên mãn được Bát Nhã Ba La Mật thì được thông minh Trí Tuệ , giải ngộ được các pháp Thế Gian và Xuất Thế Gian, truyền đạt được nghĩa thâm sâu của 5 Minh
7) Phương Tiện Ba La Mật (Upāya-pāramitā) Có hai pháp Phương Tiện thiện xảo nhăm dứt trừ nghiệp chủng của phương tiện không khéo léo là:
a) Hồi Hướng Phương Tiện Thiện Xảo: Đem các căn lành xoay về cầu chứng Đạo Vô Thượng Bồ Đề. Môn phương tiện này thuộc về Bát Nhã .
b) Bạt Tế Hữu Tình Phương Tiện Thiện Xảo: Dùng các phương pháp khéo léo, hoặc thuận hoặc nghịch để cứu vớt loài hữu tình trong vòng mê khổ. Môn phương tiện này thuộc về Đại Bi .
Khi viên mãn được Phương Tiện Ba La Mật thì Hành Giả tương ứng tu trì 6 Ba La Mật của Thế Gian chỉ dùng ít công sức là gặt được Phước Đức rộng lớn, mọi việc làm đều được thành tựu và đạt đến cứu cánh, thành tư lương của Bồ Đề Vô Thượng .
8) Nguyện Ba La Mật (Praṇidhāna-pāramitā): Có hai Pháp Thắng Nguyện nhằm trừ diệt nghiệp chủng các nguyện ác là :
a) Cầu Vô Thượng Bồ Đề Nguyện: Cầu nguyện đạt thành Phật Quả
b) Lợi Lạc Hữu Tình Nguyện: Cầu nguyện luôn đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh
Khi viên mãn được Nguyện Ba La Mật thì trong khoảng thời gian từ Sơ Phát Tâm đến lúc thành Phật, mọi Thượng Nguyện thù thắng của Thế Gian và Xuất Thế Gian đều được viên mãn .
9) Lực Ba La Mật (Bala-pāramitā): Có hai loại Lực nhằm trừ diệt nghiệp chủng của ý kém cõi trong Thế Gian và Xuất Thế Gian là:
a) Tư Trạch Lực: Dùng sức Trí Tuệ suy nghĩ lựa chọn phương pháp tu .
b) Tu Tập Lực: Đem hết khả năng thực hành những điều mình suy nghĩ lựa chọn trên đường đạo
Khi viên mãn được Lực Ba La Mật thì thành tựu các Pháp đối trị, hàng phục được các loại Phiền Não và Chướng Hoặc, tu Đạo thì quyết định thắng phục được nghiệp ác của Thiên Ma và đắc được sự chẳng thoái chuyển nơi quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác
10) Trí Ba La Mật (Jñāna-pāramitā): Có hai loại Thọ Dụng Trí nhằm trừ diệt hạt giống của Câu Sinh Ngã Chấp và Câu Sinh Pháp Chấp là:
a) Thọ Dụng Pháp Lạc Trí: Trí nhận xét sự lợi ích của Phật Pháp, sinh tâm quyết định không rời bỏ và dùng Trí này thành lập 6 Độ, muôn Hạnh để đem lại sự an vui về Đạo Pháp cho mình.
b) Thành Tựu Hữu Tình Trí: Trí dùng 6 Độ, muôn Hạnh làm lợi ích thành tựu cho tất cả chúng sinh
Khi viên mãn được Trí Ba La Mật thì dứt trừ được hai Chướng là Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng, chứng đắc tất cả Pháp như huyễn, như quáng nắng, như mộng, như ảnh tượng, như tiếng vang, như ánh sáng, như trăng trong nước, như biến hóa, như thành Càn Thát Bà, như hư không. Chẳng bao lâu đầy đủ 10 Địa (Daśabhūmi), trụ Pháp Vân Địa (Dharma-megha-bhūmi) làm Đại Pháp Sư
– Hoặc có thuyết cho rằng, 27 biểu thị cho 10 Giới, trong đó:
+ 25 mặt biểu thị cho 25 Hữu là 6 nẻo luân hồi sinh tử, gồm có
4 nẻo ác là Địa Ngục, Ngạ Quỹ, Súc Sinh, Tu La (A Tu La).
4 châu là: Đông Thắng Thần Châu, Nam Thiệm Bộ Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Bắc Cu Lâu Châu.
6 trời Dục giới là: Tứ Thiên Vương, Đao Lợi Thiên, Diễm Ma Thiên, Đâu Suất Đà Thiên, Hóa Lạc Thiên,Tha Hóa Tự Tại Thiên
4 trời Sắc Giới là: Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền .
3 trời: Vô Tưởng Thiên, Tĩnh Cư Thiên, A Na Hàm Thiên.
4 trời Vô Sắc Giới: Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ .
+ Mặt thứ 26 biểu thị cho Quả Nhị Thừa .
Bồ Tát Đương Tôn không có mặt riêng.
+ Mặt thứ 27 là mặt Phật ở trên đỉnh đầu biểu thị cho Pháp Giới (Dharmadhātu).
Như vậy, 27 mặt biểu thị cho chín Giới hiển Phật Giới (Buddha-dhātu) tức là 10 Giới Thể.
– Tôn tượng 30 mặt biểu thị cho 30 Độ của phật quả nghĩa là trong 10 Ba La Mật (Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tiến, Thiền Định, Tuệ, Phương Tiện, Nguyện, Lực, Trí) mỗi ba la mật được tu tập theo 3 bậc là bờ bên kia, bờ trên, bờ cao thượng…Nên hợp thành 30 Độ. Còn 1.000 tay biểu thị cho diệu dụng của Tâm Đại Bi nhằm dìu dắt chỉ dẫn cho chúng sinh tiến dần trên con đường tu tập Chính Pháp Giải Thoát.
– Tôn Tượng 5 mặt biểu thị cho 5 Trí của Như Lai là: Đại Viên Kính Trí, Bình Đẳng Tính Trí, Diệu Quán Sát Trí, Thành Sở Tác Trí
Tóm lại, Tôn tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát là biểu tượng minh họa cho Quả Đức của Phật Pháp đồng thời biểu thị cho Bản Nguyện Từ Bi cố hữu của Bồ Tát Đạo. Nói cách khác, Tôn Tượng này là biểu tượng nhằm kết tinh và hướng dẫn kẻ tu hành biết “Nương quả gieo nhân” dập tắt tham ái, sân hận, chấp thủ để mau chóng vượt khổ đau lìa sinh tử vậy .