VIỆT NAM PHẬT GIÁO SỬ LUẬN
Nguyễn Lang
Nhà Xuất Bản Văn Học – Hà Nội 1979
TẬP I
CHƯƠNG XIII – THIỀN SƯ PHÁP LOA (1284-1330)
CUỘC ĐỜI TU HỌC CỦA PHÁP LOA
Người chính thức nối dòng Trúc Lâm là tổ thứ hai là thiền sư Pháp Loa, tên tục là Đồng Kiên Cương. Ông sinh năm 1284. Lớn lên ông rất thông minh, nói năng hiền từ, không ăn cá thịt. Mẹ ông hồi trước đã sinh tới 8 đứa con gái; không muốn sinh thêm nữa khi có thai ông, bà đã uống thuốc phá thai. Phá tới bốn lần mà thai không hư, vì thế khi sinh, ông được đặt tên là Kiên Cương. Năm 1304, ông được 21 tuổi. Hồi ấy Trúc Lâm đang đi du hành các miền thôn quê, phá trừ dâm từ, thuyết pháp và bố thí, gặp Trúc Lâm ông xin đi xuất gia. Trúc Lâm liền gửi ông tới tham học với hòa thượng Tính Giác ở Quỳnh Quán. Hồi đó ông được Trúc Lâm đặt tên là Thiện Lai. Thiện Lai hỏi hòa thượng Tính Giác đủ các loại câu hỏi, nhưng hòa thượng chưa khai thị cho ông được. Ông đọc kinh Lăng Nghiêm đến đoạn A Nan bảy lần hỏi về vị trí của tâm và đoạn nói về khách trần, thì bổng thấy có chỗ sở ngộ. Một hôm ông về tham yết Trúc Lâm, gặp lúc Trúc Lâm đang thăng đường cử bài tụng Thái Dương Ô Kê, thì trong tâm chợt tỉnh. Trúc Lâm biết thế liền bảo đi theo bên mình. Một hôm, ông trình Trúc Lâm một bài tụng về “tam yếu” bị Trúc Lâm gạch một gạch dài từ trên xuống dưới. Bốn lần thỉnh cầu, Trúc Lâm vẫn không chỉ giáo, bảo về tự mình tham khảo. Đêm ấy, ông về phòng nổ lực thiền quán. Quá nữa đêm, nhận thấy hoa đèn rụng, ông bèn đại ngộ. Liền đem chỗ sở ngộ ấy lên trình lên Trúc Lâm và được ấn chứng. Từ đó ông phát nguyện tu theo 12 hạnh đầu đà, bắt chước Trúc Lâm. Năm 1305, ông được Trúc Lâm cho thọ giới Tỳ Khưu và Bồ Tát, và cho hiệu là Pháp Loa. Năm 1306, ông được lập làm giảng chủ chùa Báo AÂn. Năm 1307 cùng với 6 vị đệ tử khác của Trúc Lâm, ông được Trúc Lâm dạy cho bộ Đại Tuệ Ngữ Lục trên am Quán Trú. Tháng năm năm đó, trên am Đình Trú, vào ngày rằm, ông được Trúc Lâm trao y bát và tâm kệ. Như vậy là ông được đắc pháp chỉ sau hơn 3 năm tu học. Mồng một tết năm Mậu thân 91308) ông được chính thức làm trụ trì chùa Báo AÂn ở Siêu Loại, và được giao cho chức vụ Tổ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm. Năm đó nhà nước cũng cho chùa 100 mẫu ruộng và cấp người cày để lấy hoa lợi cho chùa.
Pháp Loa mất năm 1330, thọ 47 tuổi. Ông tu như vậy được 26 năm với 23 năm trong chức vụ lãnh đạo giáo hội. Cuộc đời hành đạo của ông cũng rất hoạt động không kém gì Trúc Lâm.
Trong thời gian Pháp Loa hành đạo, số lượng tự viện của giáo hội Trúc Lâm tăng lên rất nhiều, phong trào học Phật lan rộng, số người xuất gia và quy y cũng tăng gia rất mau chóng. Trong giới người quyền quý, cũng có nhiều người xuất gia hoặc quy y. Nhưng Phật sự đáng kể nhất trong đời Pháp Loa là sự ấn hành Đại Tạng Kinh.
ĐẠI TẠNG KINH TRIỀU TRẦN
Tháng hai năm Ất mùi (1295) có sứ nhà Nguyên là Tiêu Thái Đăng sang. Khi Thái Đăng về, vua Anh Tông cho nội viên ngoại lang là Trần Khắc Dụng và Phạm Thảo cùng đi theo. Mục đích là thỉnh một ấn bản Đại Tạng Kinh mới nhất của Trung Hoa. Ấn bản này sau sau được cất ở phủ Thiên Trường. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép là “bản phó được in để lưu hành”. Sách Tam Tổ Thực Lục nói đến năm 1311, nghĩa là ba năm sau khi Trúc Lâm tịch, Anh Tông ban chiếu Tục San Đại Tạng Kinh, như vậy là việc khắc bản được bắt đầu từ năm 1295 hoặc đầu năm 1296, rồi công việc bị gián đoạn vào năm 1308 khi Trúc Lâm mất, cho đến năm 1311 mới lại tiếp tục Pháp Loa đã ủy cho Bảo Sát, đệ tử đầu tay của Trúc Lâm và là sư huynh của Pháp Loa, chủ trương việc khắc bản. Ấn bản Đại Tạng Kinh được thỉnh từ Trung Hoa năm 1295 là ấn bản nào? Đây là ấn bản thực hiện trong khoảng từ năm 1278 tới năm 1294 tại chùa Phổ Minh ở Hàng Châu, gồm có 1.422 mục, 6.010 quyển, đóng lại trong 587 tập. Đó là ấn bản Đại Tạng Kinh đầu tiên được thực hiện dưới triều Nguyên. Tiêu Thái Đăng qua Việt Nam năm 1295, vừa lúc ấn bản này mới được thực hiện xong chừng một năm. Cố nhiên là ông ta đã nói với vua Anh Tông về ấn bản này cho nên vua mới ủy hai người đi theo về Tàu để thỉnh cho được một bộ. Năm 1295, Trúc Lâm còn làm thái thượng hoàng, chưa xuất gia. Ta có thể nói rằng chính Trúc Lâm dã bảo vua Anh Tông làm việc ấy.
Công việc khắc bản gỗ Đại Tạng Kinh đã tiến hành trong bao lâu? Ta chỉ thấy nói vào tháng chạp năm Kỷ mùi (1319), tăng sĩ và cư sĩ cùng hiến máu in một Đại Tạng Kinh trên 5.000 quyển để an trí tại chùa Quỳnh Lâm. Đây có lẽ là bản in đầu tiên để khánh thành; chính Pháp Loa đã kêu gọi việc hiến máu. Như vậy là việc khắc bản đã hoàn thành vào năm 1319; thời gian khắc bản là 24 năm, kể cả ba năm công việc bị gián đoạn. Sách Sách Tam Tổ Thực Lục cũng ghi năm 1329 Pháp Loa lại cho in Đại Tạng Kinh. Ấn bản Đại Tạng Kinh được thực hiện tại kinh đô Việt Nam do Bão phác chủ trương, tương đối ngắn hơn ấn bản 1294 của nhà Nguyên. Vì Bão Phác trong khi tục san đã bỏ đi một số các kinh mục không thông dụng. Số quyển còn lại trên 5.000 quyển so với số 6.010 quyển của ấn bản chùa Phổ Ninh. Sách Sách Tam Tổ Thực Lục hai lần dùng từ ngữ “trên 5.000 quyển” để nói về Đại Tạng Kinh đời Trần mà không nói con số đích xác. Có lẽ là vì có nhiều tác phẩm tuần tự được khắc bản để thêm vào cho tạng kinh vừa được thực hiện. Sách Sách Tam Tổ Thực Lục có chép rằng vua Anh Tông có viết và khắc bản các tác phẩm Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục, Trúc Lâm Hậu Lục, Đại Hương Hải Ấn Thi Tập, Thạch Thất Mị Ngữ và Tăng Già Toái Sự (tất cả đều của Trúc Lâm), để vào trong Đại Tạng Kinh mà phát hành. Những tác phẩm của Trần Thái Tông như Khóa Hư Lục, Thiền Tông Chỉ Nam, Kim Cương Tam Muội Kinh, Lục Thì Sám Hối Khoa Nghi và của Tuệ Trung như Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục hồi đó chắc chắn cũng đã được đưa vào Đại Tạng.
Ta nên biết việc khắc bản Đại Tạng Kinh là một công trình vĩ đại mà không có chùa nào hồi đó đủ sức một mình tự làm. Bão Phác chắc hẳn đã thực hiện ấn bản này với sự ủng hộ tận lực của triều đình, và dưới quyền thiền sư chắc chắn có hàng trăm người viết chữ và có hàng trăm người khắc bản. Chắc rằng nếu không có sự trợ lực về tài chính và nhân công của chính quyền thì Bão Phác đã không thế nào làm được việc ấy. Hai mươi năm trời đã được đề ra để thực hiện ấn bản, thời gian này có thể gọi là ngắn ngũi. Rất tiếc ta không còn giữ lại được một bản gỗ nào hoặc một quyển kinh nào để có thể đánh giá được kỹ thuật ấn loát thời đó.khi nhà Minh xâm chiếm Đại Việt, tướng Trương Phụ đã thu góp hết cả mọi sách cổ kim chở về Kim Lăng (*). Mộc bản Đại Tạng Kinh hoặc đã bị quân minh chở đi hoặc là thiêu hủy. Những công trình xây dựng một nền văn học độc lập của nước ta đã bị Trương Phụ phá hủy quá nhiều.
NHỮNG TÁC PHẨM CỦA PHÁP LOA
Pháp Loa cũng có chú giải nhiều kinh điển, sáng tác nhiều sách giáo khoa Phật học và biên tập nhiều nghi thức. Những tác phẩm của thiền sư hẳn cũng đã được đưa vào trong Đại Tạng nhà Trần. Sau đây là những sách của ông làm:
- 1) Thạch Thất Mị Ngữ Niêm Tụng: Những lưòi nhận xét và những bài kệ tụng viết về tác phẩm Thạch Thất Mị Ngữ của Trúc Lâm.
- 2) Tham Thiền Yếu Chỉ: Soạn năm 1322 theo lời yêu cầu của thượng hoàng Minh tông. Sau đó Minh Tông ban hiệu cho Pháp Loa là Minh Giác.
- 3) Kim Cương Trường Đà La Ni Kinh Khoa Chú: Phân tích và chú giải kinh Kim Cương Trường Đà La Ni.
- 4) Pháp Hoa Kinh Khoa Sớ: Phân tích và luận giải kinh Pháp Hoa.
- 5) Lăng Già Kinh Khoa sớ: Phân tích và luận giải kinh Lăng Già
- 6) Bát Nhã Tâm Kinh Khoa Sớ: Phân tích và luận giải Tâm Kinh Bát Nhã.
- 7) Pháp Sự Khoa Văn: Về các nghi thức và sớ điệp dùng trong những lễ lược Phật Giáo.
- 8) Độ Môn Trợ Thành Tập: Các nghi thức về cúng đàn chẩn tế.
- 9) Nhân Vương Hộ Quốc Nghi Quỹ: Soạn riêng cho vua Minh Tông dùng.
- 10) Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục: Biên tập những thiền ngữ và thi tụng của Tuệ Trung.
Các sách khoa sớ 3,4,5 và 6 là những sách giáo khoa Phật học. Những tác phẩm trên đều thất lạc, duy có tác phẩm Tham Thiền Yếu Chỉ, chỉ được giữ lại một phần in dưới đầu đề là Thiền Đạo Yếu Học, thấy đặt nằm sau phần lịch sử của Pháp Loa trong Sách Tam Tổ Thực Lục. Sách Tam Tổ Thực Lục cũng có nói rằng chính thiền sư Pháp Loa đã đề lời Bạt cho Đại Tạng Kinh đời Trần. Bài Bạt này viết vào năm 1321. Tám tác phẩm đầu của Pháp Loa đều được khắc và in năm 1323. Riêng tác phẩm thứ 9 soạn theo lời vua Anh Tông để vua dùng hằng ngày.
PHÁT TRIỂN GIÁO HỘI
Số người xuất gia và gia nhập giáo hội Trúc Lâm càng ngày càng đông. Tháng Chín năm Quý Sửu (1313) Pháp Loa phụng chiếu đến cư trú tại chùa Vĩnh Nghiêm ở Lương Giang, đặt văn phòng trung ương của giáo hội, kiểm tra tự viện và làm sổ tăng tịch. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam tăng sĩ có hồ sơ tại Giáo Hội Trung Ương. Pháp Loa thấy số lượng tăng sĩ đông quá liền quyết đinh ba năm mới có một lần độ tăng. Giới đàn ba năm được tổ chức một lần và mỗi lần số người xin thụ giới bị thải ra có đến hàng nghìn người. Tính đến năm 1329, số tăng sĩ được xuất gia trong những giới đàn do giáo hội Trúc Lâm tổ chức dưới quyền lãnh đạo của Pháp Loa là trên 15.000 vị. Về tự viện, năm 1313 có tới trên 100 ngôi chùa thuộc vào giáo hội Trúc Lâm (Sách Tam Tổ Hành Trạng của Ngô Thì Nhậm nói có hơn 800 ngôi chùa – Ngô Thì Nhậm lấy tài liệu trong Tam Tổ Thực Lục. Bản Tam Tổ Thực Lục ấn hành năm 1943 tại Hà Nội ghi “già lam, phàm bách dư sớ”, chữ Phàm có thể là chữ Bát viết lầm ra). Pháp Loa làm rất nhiều việc xây dựng. Tại chùa Báo AÂn, năm 1314 ông đã xây dựng được 5 cây Bảo tháp, hai cơ sở hành đạo lớn (Quỳnh Lâm và Báo AÂn) và trên 200 tăng đường. Về việc đúc tượng, Pháp Loa đã đúc tới 1.300 tượng Phật lớn nhỏ bằng đồng. Vua Anh Tông nhân ngày lên làm Thái Thượng Hoàng đã cho đúc tượng đồng ba vị Phật Di Đà, Thích Ca và Di Lặc, mỗi tượng cao 17 thước ta. Có thể nói là bất động sản cúng vào cho giáo hội, phần lớn là những người có quyền thế và giàu có trong triều. Năm 1308, vua Anh Tông đã lấy 100 mẫu ruộng riêng của gia đình nhà Trần để cúng vào chùa Báo AÂn. Năm 1312 Anh Tông cúng dường năm vạn quan tiền để Pháp Loa bố thí cho dân nghèo. Vua cũng dâng cúng thuyền bè và kiệu phu cho chùa dùng, nhưng Pháp Loa từ chối không nhận. Vua lại sai lấy 500 mẫu ruộng từ Niệm Như Trang cúng vào chùa làm bất động sản. Năm 1313, Anh Tông lại theo lời di chiếu của Nhân Tông lấy những bảo vật thờ tự tam bảo của mẹ mà cúng dường vào chùa Báo AÂn, lại cúng dường vật liệu xây dựng và cung cấp thợ phu để làm thêm chùa tháp. Cùng trong năm đó, Bảo Từ hoàng thái hậu đã quy y tại chùa này. Năm 1315, Anh Tông lấy 30 mẫu ruộng của người cung nhân cũ họ Phạm cúng vào chùa. Năm 1317 tư đồ Văn Huệ Vương cúng dường 4.000 lưng tiền, và một người tên Nguyễn Trường ở Lâm Động cúng dường 75 mẫu ruộng vào chùa Quỳnh Lâm. Năm 1318 Hoa Lưu cư sĩ họ Võ cúng dường chùa Quỳnh Lâm 20 mẫu ruộng. Năm 1324 tư đồ Văn Huệ Vương và Thượng Trân công chúa cúng dường tới 900 lạng vàng để đúc tượng Di Lặc. Con trai của Nhật Trinh công chúa là Di Loan cư sĩ cúng dường 300 mẫu ruộng tại phủ Thanh Hoa, BảoTừ hoàng thái hậu cúng dường 222 mẫu đất ở phủ An Hoa. Sau đó, Tư Đồ Van Huệ Vương lại cúng 300 mẫu ruộng ở Gia Lâm. Lúc này điền địa cúng vào cho riêng chùa Quỳnh Lâm đã lên tới trên 1.000 mẫu. Chùa có tới 1.000 tá điền làm ruộng. Ta không biết lợi tức của trên 1.000 mẫu ruộng này có được chi dụng vào các việc Phật sự và tăng sự ở các chùa khác trong giáo hội Trúc Lâm hay không. Sự ủng hộ thái quá đối với Phật Giáo này sẽ gây nhiều phản ứng từ phía nho gia vốn nghĩ rằng Nho Giáo đáng lý phải có địa vị của Phật Giáo lúc bấy giờ.
Ta biết rằng hồi Anh Tông thỉnh Trúc Lâm về cung để thụ Bồ Tát Tâm Giới, vương công bách quan đã xin thụ pháp quy y khá nhiều. trong đời Pháp Loa, giới quyền quý tiếp tục xu hướng về đạo Phật. Năm 1316 Anh Tông xin được chính thức thụ Tại Gia Bồ Tát Giới (trước đây chỉ mới Tâm Giới, chưa bị ràng buộc cụ thể về phương diện hình thức vào 58 giới điều của Bồ Tát).
Năm 1319, Pháp Loa nhận lời mời của quốc phụ thượng tế Quốc Chẩn vào giảng Đại Tuệ Ngữ Lục trong phủ An Hoa. Cũng năm ấy, ông trao giới tại gia cho Hoa Dương công chúa. Năm 1320, Tuệ Nhã đại vương xin được thụ Bồ Đề Tâm Giới. Năm 1322 nhiều người trong triều đình đóng góp vào việc cúng dường để đúc 1.000 tượng Phật, trong số đó có Bảo Từ hoàng thái hậu, Bảo Huệ Quốc mẫu, Bảo Vân công chúa, tư đồ Văn Huệ Vương, Uy Huệ Vương, Hưng Uy Hầu, Hoài Ninh Hầu, Đặng Trung Tử, Đoàn Nhữ hài… (tư đồ Văn Huệ Vương xuất gia vào năm này). năm 1323, Văn Huệ Vương và Uy Huệ Vương đến chùa Báo ân xin thụ Bồ Đề Tâm Giới và pháp quán đỉnh; Bảo Vân công chúa, rồi Bảo Từ hoàng hậu và Văn Huệ Vương thỉnh Pháp Loa giảng kinh Hoa Nghiêm. Năm 1324 Chiêu Từ hoàng thái phi công chúa (con của Quốc Chấn) và Lệ Bảo công chúa (con Chiêu Huấn Vương) xuất gia… Về việc học Phật, tình hình cũng rất nhộn nhịp. Sợ giới tăng sĩ đông đảo mà không thể hiểu và thụ trì giới pháp, năm 1322 Pháp Loa cho khắc bản cuốn Tứ Phần Luật (giới luật Tỳ Khưu) để in và phổ biến cho giới tăng sĩ học tập. Ông thỉnh cầu hai vị sư huynh là Tông Cảnh và Bão Phác về chùa Siêu Loại mở những lớp dạy về Tứ Phần Luật cho tăng sĩ và in 5.000 bản Tứ Phần Luật phát cho các học viên. Tông Cảnh và Bão Phác lúc này đã được tôn xưng làm quốc sư: Tông Cảnh trú trì ở Tiên Du, còn Bão Phác ở núi Vũ Ninh. Ngoài sự giảng dạy các kinh phổ thông như Kim Cương, Lăng Nghiêm, Viên Giác và các bộ lục như Tuyết Đâu Ngữ Lục, Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, Đại Tuệ Ngữ Luc, Pháp Loa còn pảhi giảng các kinh Niết bàn, Lăng Già, Pháp Hoa và nhất laø Hoa Nghiêm. Thiền học vào thời đại này đã mang nặng tính chất học hỏi và đàm thuyết. Việc học kinh Hoa Nghiêm đã trở nên một phong trào trong thiền giới. Pháp Loa đã giảng Hoa Nghiêm nhiều lần tại chùa Siêu Loại, Quỳnh Lâm, Dưỡng Phước, Xí Thịnh Quang, An Lạc Tàng Viện, thấy sức yếu, ông liền nhờ Bích Phong Trưởng Lão giảng tiếp. Những buổi giảng như thế rất đông người nghe. Khóa giảng năm 1322 ở chùa Báo AÂn chẳng hạn, có trên 1.000 người đi nghe. Những buổi giảng mà ít người đi nghe nhất cũng có năm sáu trăm người. Nhờ có bản gỗ tàng trữ tại chùa Báo AÂn nên kinh sách được ấn hành rộng rãi, cung cấp đầy đủ cho nhu yếu học Phật khắp xứ.
Pháp Loa có rất đông đệ tử. Trong số trên 15.000 người xuất gia trong các giới đàn của giáo hội Trúc Lâm tổ chức, có tới hơn 3.000 vị tới cầu pháp và đắc pháp với ông. Những vị đệ tử làm giảng sư nổi danh là Tuệ Nhiên, Tuệ Chúc, Hải Ấn, Hoằng Tế và Huyền Giác. Ngoài ra các vị đệ tử xuất sắc khác là Quế Đường, Cảnh Ngung, Cảnh Huy và Tuệ Quán. Huyền Quang là đệ tử xuất gia với Bão Phác, có học với Trúc Lâm nhưng cũng cầu pháp với Pháp Loa. Huyền Quang là người rất giỏi về chữ nghĩa thi văn: ông có nhiệm vụ khảo duyệt và nhuận sắc mọi văn kiện quan trọng, nhất là những bản văn cần đc ấn hành. chính đoạn tiểu sử Pháp Loa trong sách Tam Tổ Thực Lục mà Trung Minh biên tập đã do ông hiệu khảo trước khi cho khắc bản.
YẾU TÔ MẬT GIÁO TRỞ THÀNH QUAN TRỌNG
Ở Trung Hoa lúc bấy giờ, nhà Nguyên đang trị vì và có khuynh hướng ủng hộ Mật Giáo. Đại Tạng Kinh chùa Phổ Ninh chắc hản chịu ảnh hưởng nhiều về Mật Giáo, nghĩa là có thêm nhiều kinh bản về hệ thống giáo lý thần bí này. Phật Giáo đầu đời Trần đã không bị ảnh hưởng của Mật Giáo nhiều như ở đời Lý: tác phẩm của Thái Tông và Tuệ Trung chứng tỏ điều đó. Thiền học trong thời đại của Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông tuy có thiên về sự học hỏi và có khuynh hướng văn chương, nhưng về ảnh hưởng Mật Tông đã nhẹ. Bắt đầu từ đời Anh Tông và Pháp Loa, ảnh hưởng này trở thành nặng nề trở lại. Năm 1318, vua Anh Tông xuống chiếu đi tìm vị tăng sĩ Ấn Độ tên là Ban Để Đa Ô Sa Thất Lợi về dịch Một cuốn kinh Mật Giáo tên là Bạch Tán Thần Chú Kinh. Pháp Loa để rất nhiều thì giờ vào việc trì chú (Tam Tổ Thực Lục nói: Sư thường ngày đêm trì chú lễ Phật). Ông cũng có phân tích và chú thích một kinh văn có khuynh hướng Mật Giáo gọi là Kim Cương Trường Đà La Ni Khoa Chú. Năm 1311, có một vị tăng sĩ Ấn Độ tên Du Chi Ba Lam tới, xưng là 300 tuổi, theo Mật Giáo, có thể ngồi xếp bằng nổi lên mặt nước. Vị tăng này có một cô con gái tên là Đa La Thanh, được vua Anh Tông tuyển vào làm cung phi. Vào đời vua Minh Tông cũng có một vị tăng Mật Giáo Ấn Độ tên là Bồ Đề Thất Lý sang, cũng có thể nổi lên mặt nước. Vua Anh Tông có vẻ ưa chuộng Mật Giáo. Vua được Pháp Loa làm lễ quán đỉnh năm 1320 trước khi băng. Nhiều người khác như Văn Huệ Vương và Uy Huệ Vương cũng đã xin nhận lễ quán đỉnh, một nghi thức Mật Giáo.
ANH TÔNG VÀ PHÁP LOA
Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép rằng ngày Anh Tông ốm nặng sắp băng. Bảo Từ hoàng thái hậu cho người đi mời Phổ Tuệ Tôn Giả tới làm phép quán đỉnh và lập đàn chay cầu nguyện (Phổ Tuệ là tôn hiệu mà vua Anh Tông ban tặng Pháp Loa vào tháng cháp năm Mậu ngọ (1318) sau khi Pháp Loa giảng xong bộ Tuyết Đậu Ngữ Lục. Chính vua tự tay viết bốn chữ Phổ Tuệ Tôn Giả để ban tặng cho Pháp Loa). “Vua Anh Tông bệnh nặng. Phổ Tuệ xin vào để tỏ bày sự sống chết. Anh Tông sai trả lời rằng: nhà sư hãy ở đây, khi ta chết rồi, quan gia (tức là vua Minh Tông) có sai làm thế nào thì nhà sư tự làm, còn như việc sau thì nhà sư cũng chưa chết, biết đâu mà đem việc chết bày tỏ với ta”. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép như vậy, sợ lầm. Anh Tông đối với Pháp Loa thường cung kính xưng là đệ tử. Sau khi thụ tại gia Bồ Tát Giới, Anh Tông rất thao thức muốn làm tròn bổn phận của một ông vua hộ pháp. Năm 1311, Anh Tông giao cho Pháp Loa trách nhiệm tục san Đại Tạng Kinh, một công trình Phật sự lớn lao mà nếu nhà nước không tích cực ủng hộ thì giáo hội Trúc Lâm ít có cơ thực hiện nổi. Anh Tông cũng đã từng thỉnh mời Pháp Loa vào cung Tư Phúc giảng Đại Tuệ Ngữ Lục (1312) và vào cung Thiên Trường để giảng Truyền Đăng Lục (1318). Anh Tông cũng đã chuẩn bị để xuất gia nhưng chưa kịp thi hành thì lâm bệnh. Năm 1318 vua đã bắt đầu ăn chay. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: “Bây giờ thượng hoàng có ý muốn xuất gia, bảo cung nhân ăn chay. Cung nhân có người ngại, duy có nữ quan Nguyễn Thị Diên chặt ngón tay đem dâng. Thượng hoàng ngợi khen, ban cho 40 mẫu ruộng để làm lương ăn tu hành sau này. Sau Nguyễn Thị Diên quả nhiên xuất gia hiệu là ni sư Tịnh Quang”. Những chi tiết trên cho biết là Anh Tông thực tâm tin đạo Phật và rất quý trọng Pháp Loa. Lời nói hắt hủi Pháp Loa gán cho anh Tông có lẽ được một sử thần nho gia ghét đạo Phật thêm vào. Có thể vì Anh Tông mệt quá không thể nói chuyện được với Pháp Loa muốn được nghĩ yên dôi chút trước khi nhắm mắt nên đã lắc đầu không muốn Pháp Loa vào, thế thôi. Trong trạng thái đó, bảo người ra nhắn một câu nói vô lễ, đó không phải là phong độ của một người như Anh Tông.
TƯ TƯỞNG THIỀN HỌC CỦA PHÁP LOA
Như trước đã nói, những tác phẩm của Pháp Loa để lại ngày nay không còn, duy chỉ có một phần của sách Tham Thiền Yếu Chỉ còn giữ lại dưới nhan đề Thiền Đạo Yếu Học, in trong sách Tam Tổ Thực Lục ngay sau phần nói về đời Pháp Loa. Thiền Đạo Yếu Học có lẽ đã được ghép vào trong sách Tam Tổ Thực Lục trong một ấn bản tương đối gần đây. Xét nội dung và nhất là lời ghi chú phía sau, ta có thể nói Thiền Đạo Yếu Học là chính do Pháp Loa viết. Nhưng lời ghi chú ấy như sau:
“Sư tịch năm 47 tuổi, được nối dòng sau 23 tuổi theo tông môn của Dương Kỳ, nắm chỉ ý của Viên Ngộ, ngày ngày đàm thiền thuyết pháp trong tinh thần “vô nhất pháp nhi khả đắc”, nơi nơi tiếp xúc độ sinh, theo tinh thần “phi chúng sinh nhi bất lợi”. Khi đi thì thấy trâu đã rống mặt trăng, khi đứng thì nghe ngựa gỗ hí gió; ngôi thì dựa vào gốc cây không bóng, nằm thì nghỉ lưng nơi không giường chiếu, nào ai có thể biết được sự tuyệt với của đời ngài. Kinh Chư Sơn Lâm nói: “Thiền tông chợ sáng” tức là nếu gặp ý chỉ ngoài ngôn ngữ ngữ thì không nên dính vao kiến văn, chứo kẹt vào nghĩa huyền diệu trong văn cú. Hãy khai mở tư duy một cách thong thả, nhiên hậu mới có thể hướng về tông môn, đạt tới chuyển ngộ, mới có thể nắm tay tổ cùng đi… Nếu không thì cũng chỉ làm một cuốn sách mọt gặm mà thôi vậy… Tôi tuy có duyên may kim cải, được gặp sách báu này, vẫn hổ thẹn là không có tài thổ phụng, để lạm biên vào thánh tích. Nhưng nhờ ở chút công đức nhỏ mọn {khắc bản)} này mà mong báo được từ ân, và phụ mẫu nhiều đời.. Mong nhờ một câu nói huyền diệu mà tất cả đều được thành chính giác. Ôi! Gươm kiavì bất bình mà ra khỏi vỏ báu, thuốc kia vì trị bệnh mà giốc khỏi bình vàng, cho nên có kệ rằng:
Ma cường pháp nhược, đạo suy vi
Phật tổ xưa kia đã liệu kỳ
Còn có lời vàng làm mẫu mực
Ai người đạt ngộ khỏi tìm chi”.
Những lời trên cho ta thấy người viết đã có cái may mắn gặp được cuốn Thiền Đạo Yếu Học của Pháp Loa (Pháp Loa mất năm 47 tuổi được đắc pháp năm 23 tuổi) trong một thời đại Phật pháp suy vi (có lẽ cuối thế kỷ thứ mười bốn hay trogn thế kỷ thứ mười lăm). Ông ta mong công đức khắc bản cuốn sách này sẽ báo được bốn ân, và hy vọng đời sau có những người đọc sách của Pháp Loa mà đạt ngộ. Tiếc là ta không thấy nghe tên người khắc bản và ngày tháng mà người ấy viết những dòng trên.
Thiền Đạo Yếu Học là một tập mỏng, gồm có những bài sau đây:
- 1) Lời khuyến lệ kẻ xuất gia tinh tấn hành đạo.
- 2) Kể lại một buổi khai đường đại tham của Trúc Lâm năm 1304.
- 3) Lời khuyến cáo đại chúng về tam học của thượng thừa.
- 4) Yếu thuyết về đại thừa.
- 5) Phải am tường học thuật.
Trong lời Khuyến lệ kẻ xuất gia tinh tấn hành đạo, Pháp Loa có nói về việc tìm thầy học đạo, phân biệt chân ngụy và thiện ác. Trong bài “Kể lại một buổi khai đường đại tham của Trúc Lâm năm 1304”, Pháp Loa chỉ thuật lại những lời của Trúc Lâm khai thị đại chúng về tự tính thanh tịnh sẵn có của mọi người và ghi lại vài mẫu vấn đáp ngắn giữa Trúc Lâm và môn đệ. Bài lời khuyến cáo đại chúng về Tam Học của Thượng Thừa có thể nói là tư tưởng của Pháp Loa về Thiền học. Trong bài này ông đề cập đến vấn đề kiến tính, về vấn đề có không của tâm ý, về vấn đề tham cứu thoại đầu và đưa ra những lời khuyến lệ tu tập. Bài Yếu Thuyết Về Đại Thừa là một bài ngắn nói về trình tự nghe đạo, tư duy đạo và thực hành đạo (văn, tư, tu). Bài Phải Am Tường Học Thuật nói về nhu yếu phải học trước khi hành động và những điều thiết yếu thực tiễn trong đời thu đạo: chọn bạn tốt để thân cận, học kinh pháp tìm nơi thu học thuận lợi.
Tuy nhấn mạnh đến nhu yếu tìm học kinh điển nhưng Pháp Loa vẫn không quên đặt vấn đề kiến tính lên hàng đầu. Và theo đúng truyền thống Tuệ Trung, ông đặt vấn đề kiến tính trên căn bản Không chủ thể không đối tượng:
“Người học Phật phải chú trọng trước hết đến vấn đề kiến tính (thấy được bản tính mình). Thế nào gọi là thấy tính? Thấy đây là thấy cái không thể thấy. Cho nên thấy được cái thấy-không-thấy tức là chân tính hiện ra. Cái thấy về thể tính vốn vô sinh cho nên không có sự phát sinh của cái thấy ấy. Tính cách thực hữu của Tính chính cũng là không, nhưng cái thấy chân thực lại không thay đổi, cho nên nói là thấy tính một cách chân thực”.
Pháp Loa chỉ bày phương pháp thực tiễn nhiếp tâm giữ ý (gọi là tịnh giới) như sau:
“Thế nào là tịnh giới? là trong 24 tiếng đồng hồ một ngày, các điều kiện ngoại cảnh không dấy động, các điều kiện nội tâm không lung lay. Tâm không lung lay, thì cảnh đạt tới trạng thái như nhàn. Nhãn căn (mắt) không phải vì đối tượng mà hướng ra ngoài, nhãn thức (cái thấy) không phải vì đối tượng sở duyên mà hướng vào bên trong. Ý thức được rằng ra và vào không giao tiếp liên hệ cho nên đạt được trạng thái điều chế ngưng chỉ. Tuy gọi là điều chế ngưng chỉ mà không phải là bất động. Đối với các thứ khác như nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý cũng vậy. Đó gọi là Đại Thừa Giới, là Vô Thượng Giới, và Vô Đẳng giới. Tịnh giới này, từ một vị tiểu tăng cho đến một vị đại tăng, ai cũng có thể duy trì và an trú trong đó được. Nhờ duy trì tịnh giới mà kiên cố không dao động. Sau đó mới tập thiền định, buông xả cả thân và tâm cùng một lúc”.
Về phương pháp tham cứu thoại đầu, Pháp Loa dặn dò:
“Tham thoại đầu thì chớ để gián đoạn, phải nên tham cứu liên tục không xen kẻ một ý niệm nào khác. Giữ đừng để nghiêng ngã, không trạo cử cũng không hôn trầm(73), hoạt bát như ngọc lăn bàn thạch, sáng sủa như gương chiếu trên đài. Đạt đến chỗ đó thì đi cũng vậy mà đứng cũng vậy, ngồi cũng vậy mà nằm cũng vậy, nói cũng vậy mà lặng thinh cũng vậy, không lúc nào mà không ở trong trạng thái thiền. Như vậy mới giải phẩu tam cú, tam huyền, tam yếu, ngũ vị, tìm hiểu tứ liệu giản, tứ tân chủ, tứ chiếu dụng và những điểm thiết yếu khác của các vị thiền tổ(74)”.
Pháp Loa có làm nhiều bài thơ và kệ tụng. Nhưng tất cả bài kệ tụng của ông viết trong Thạch Thất Mị Ngữ Niêm Tụng đã mất theo tác phẩm. Chỉ còn lại ba bài thơ: Một bài ca tụng Tuệ Trung thượng sĩ còn tìm thấy ở Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, một bài Thị Tịch còn ghi chép ở sách Tam Tổ Thực Lục và bài “Lưu Luyến Cảnh Núi Xanh” còn được chép ở trong Toàn Việt Thi Lục. Bài ca tụng Tuệ Trung của Pháp Loa có thể gọi là ngắn gọn và hay nhất trong những bài khác cùng ca ngợi Tuệ Trung mà ta thấy ở Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục – Bài ấy như sau:
A!
Gang ròng nhồi lại
Sắt ống đúc thành
Thước trời đất
Gió mát trăng thanh
A!
Bài thơ Lưu Luyến Cảnh Thanh Sơn như sau:
Dòng thu gầy hun hút
Núi cáo soi nước trong
Ngững đầu nhìn bất tận
Đường trước nối muôn từng.
Bài kệ Thị Tịch ông viết trước khi qua đời hồi năm 47 tuổi:
Vạn giây cắt đứt tấm thân nhàn
Hơn bốn mươi năm mộng đã tàn
Giã biệt! Xin đừng theo hỏi nữa
Bên kia trăng gió rộng thênh thang.
(Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn
Tứ thập niên dư mộng huyễn gian
Trân trọng! chư nhân hưu tá vấn
Ná biên phong nguyệt cánh man khoan).
Vua Minh Tông nghe Pháp Loa đã tịch, liền ban hiệu cho ông là Tịnh Trí Tôn Giả. Đời ông là đời một vị chân tu đầy hoạt động. Lúc sanh thời ông có bài văn phát nguyện, mà toàn văn không còn, trừ ra một vài câu còn trích lại trong Tam Tổ Thực Lục. Trong bài văn kia ông nói “Chư Phật và chư Bồ tát có những hạnh nguyện nào, tôi đều thiết tha xin học và làm theo. Dù chúng sinh có khen chê khinh trọng, dù bố thí hay xâm đoạt, thì khi mắt thấy tai nghe cũng đều xin cứu độ khiến cho tất cả đều lên được nấc thang giác ngộ…”
Pháp Loabị bệnh tại An Lạc Tàng Viện do thiền sư Kiên Đức trú trì. Nơi đây ông đã từng giảng kinh Hoa Nghiêm nhiều lần. Sau đó ông được trở về chùa Quỳnh Lâm. Vua Minh Tông có ngự giá đến đây để thăm ông khi ông lâm bệnh và có sai ngự y chẩn mạch hốt thuốc cho ông. Sau khi ông mất, Minh Tông ngự bút ban ông hiệu Tịnh Trí Tôn Giả và có làm thơ sau đây để tán dương ông:
Tay duỗi trần hoàn rũ sạch duyên
Giác hoàng sự nghiệp đã nên truyền
Chân mộ núi xanh mờ cỏ dại
Xác ve cây biếc tỏa sương mềm
Giảng đường dọi bóng trăng kim cổ
Thiền thất mờ sương khói nhị biên
Tiếc duyên kim cải ngày xưa đó
Chuốt một bài thơ khóc bạn thiền.
(Thùy thủ trần hoàn dĩ liễu duyên
Giác hoàng kim lũ đắc nhân truyền
Thanh sơn mạn thảo quan tàng lý
Bích thọ thâm sương xác thuế thiền
Dạ yểm giảng đường kim cổ nguyệt
Hiểu mê trượng thất hữu vô yên
Tương đầu châm giới ta phi tích
Trác tựu ai chương thế lệ huyền).
Sách Toàn Việt Thi Lục của Lê Quý Đôn chép bài này của vua Anh Tông. Kỳ thực Anh Tông chết trước Pháp Loa. các sách Tam Tổ Thực Lục và Thánh Tông Đăng Lục đều chép rằng tác giả bài Văn Pháp Loa Tôn Giả Đề Thanh Mai Tự là của vua Minh Tông.
(73) Trạo cử là trạng thái lay động, hôn trầm là trạng thái mê muội
(74) Đây là những nguyên tắc thiền đạo của phái Lâm Tế, do Lâm Tế thiền sư sáng tạo.