Bài 07 – Bát chánh đạo tương sinh tương tức
Hôm nay là ngày 12 tháng 12 năm 1993, chúng ta ở Xóm Hạ và học tiếp về tứ diệu đế. Lần trước ta đã học về chánh kiến, hôm nay chúng ta sẽ học về chánh tư duy. Trong khi học về chánh kiến, chúng ta đã thấy rằng trong quá trình tu học, chánh kiến có thể là nhân và cũng có thể là quả. Bất cứ một hiện tượng nào trong vũ trụ, dù là vật lý, tâm lý hay sinh lý, đều phải được nhìn thấy đồng thời là nhân và là quả. Không có một hiện tượng nào chỉ đóng vai trò nhân hay quả mà thôi. Theo lý duyên khởi, chúng ta biết rằng tự tính của chúng ta là nhân mà cũng là quả.
Do đó dù trong Kinh nói chánh kiến đứng hàng đầu, nhưng chúng ta không nên hiểu chánh kiến là nguyên nhân đầu tiên từ đó phát khởi ra các chánh đạo khác. Theo đạo lý duyên khởi thì không có nguyên nhân đầu tiên, không có một cái gì thuần túy là nhân hay là thuần túy là quả. Một nhân không bao giờ đủ đưa tới quả mà phải có rất nhiều nhân để tạo nên một quả. Mỗi hiện tượng đều do tất cả những hiện tượng khác phối hợp và biểu hiện ra và mỗi vật có mặt trong tất cả các vật khác.
Bát chánh đạo tương sinh tương tức
Vậy chánh kiến không phải là nguyên nhân đầu tiên của các chánh đạo. Tám sự hành trì chân chánh tương sinh tương tức, mỗi phần đều là nhân và quả của các phần kia. Bảy sự hành trì kia cũng là nguyên nhân đưa tới chánh kiến. Bát chánh đạo còn được gọi bằng một từ khác là bát thánh đạo phận. Bát Thánh đạo Phận là tám thành phần của con đường cao quí. Trong tiếng Phạn, thánh đạo phận là arya marga anga, thánh đạo có tất cả tám chi phần. Thứ nhất là Chánh kiến mà chúng ta đã bàn. Rồi tới Chánh tư duy (right thinking) là sự tư duy đúng đắn. Chánh ngữ (right speech) là lời nói có tác dụng chuyển hóa, tháo gỡ, đem lại hạnh phúc và đánh tan mê lầm. Chánh nghiệp (right action) là hành động không tạo khổ đau, đưa lại hạnh phúc. Chữ nghiệp ở đây chỉ thân nghiệp, là hành động do thân thể ta làm. Còn khẩu nghiệp thuộc về chánh ngữ và ý nghiệp thuộc về chánh tư duy. Tiếp theo là Chánh mạng (right livelihood). Mạng tức là phương tiện sinh sống. Chánh mạng là nghề nghiệp, là phương cách sinh sống không gây đau khổ và mê lầm cho con người, không tàn hại thiên nhiên. Chi phần thứ sáu là chánh tinh tấn (right energy). Tinh tấn là sự siêng năng. Thứ bẩy là Chánh niệm (right mindfulness) và sau cùng là Chánh định (right concentration).
Về sự phát triển của tuệ giác, giáo lý luôn luôn nói tới niệm, định và tuệ. Tu tập chánh niệm dẫn tới chánh định và có chánh định thì đạt tới tuệ giác. Tại sao trong bát chánh đạo không nói chánh tuệ mà lại nói chánh kiến? Suy nghĩ về điều này giúp chúng ta phân biệt rõ hơn ý nghĩa chữ chánh kiến trong phạm vi tục đế và phạm vi chân đế. Đồng thời ta cũng thấy rõ hơn bảy chánh đạo khác góp phần vào sự chuyển hóa chánh kiến từ phạm vi thế gian sang phạm vi xuất thế gian như thế nào.
Chánh kiến bắt đầu bằng những giáo lý, chưa phải là tuệ giác. Hiểu biết về tứ diệu đế, về bát chánh đạo, về lý nhân quả mới chỉ là những hiểu biết có tính cách lý thuyết mà thôi. Nhờ có văn, tư và tu mà những ý niệm và ngôn từ đó trở nên tuệ giác chân thật. Trong quá trình văn, tư, tu chúng ta phải thực tập chánh tư duy, chánh ngữ, chánh mạng, v.v.. mà nếu không thực hành bảy thánh đạo kia thì những lý thuyết trong kinh sách không bao giờ biến được thành tuệ giác cả, mãi mãi chúng sẽ chỉ là một mớ ý niệm trong đầu, hoặc để nói cho vui thôi. Những điều ta học hỏi bằng khái niệm và ngôn từ có chứa chất những hạt giống của chánh kiến, của tuệ giác; nhưng không có văn, tư, tu thì chúng chưa thể trở thành tuệ giác được. Người học đạo bắt đầu tiếp nhận những kiến thức, ngôn từ và khái niệm từ trong kinh sách, từ thầy và từ các bạn tu. Sau đó người ấy phải thực tập bát chánh đạo để biến cái vốn liếng nghèo nàn đó thành tuệ giác đích thật, phát sinh từ nội tâm của mình.
Bụt nói tất cả chúng sinh đều có sẵn giác tánh, tức là hạt giống của chánh kiến, của tuệ giác. Giác tánh đó bị che lấp vì vô minh, buồn khổ và sầu hận, cho nên không phát triển được. Được nghe pháp, được gần gũi bạn lành và được học hỏi thì chánh kiến có cơ hội nẩy mầm và nở hoa: Hạt đậu năm xưa hé miệng cười. Cho nên chánh kiến là nhân nhưng cũng là quả, và khi chánh kiến thành kết quả đó chính là tuệ trong bộ ba niệm, định, tuệ (smrti, samadhi, prajna). Nhờ tu tập bảy chi phần khác của bát chánh đạo nên tuệ nẩy nở. Sau đó, tuệ giác lại nuôi dưỡng tư duy, ngôn ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Cho nên chánh kiến tuy là mẹ của bảy chi phần khác, nhưng cũng là con của bảy chi phần khác. Cũng như là lá cây. Có thể nói thân cây, rễ cây, cành cây là mẹ, còn lá cây là con. Nhưng lá cây cũng đóng vai trò mẹ. Vì lá cây có bổn phận phải tiếp nhận thán khí, dùng ánh sáng mặt trời thực hiện diệp lục hoá. Mỗi chiếc lá chính là một viện bào chế, nhờ thế những chất khóang ở trong đất đi lên, từ nhựa nguyên biến thành nhựa luyện để nuôi cây. Thành ra tất cả các chiếc lá tuy là con của cây nhưng cũng đều là mẹ của cây. Giống như vậy, chánh kiến nuôi dưỡng chánh tư duy, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh ngữ, vân vân, nhưng đồng thời cũng được chánh tư duy, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh ngữ, v. v… nuôi dưỡng. Chúng ta càng thấy rõ tính duyên khởi có thể áp dụng trong bát thánh đạo phần.
Với chánh kiến, chúng ta phân biệt thế nào là căn lành và căn không lành; chúng ta hiểu bốn sự thật khổ, tập, diệt, đạo, v.v.. Có chánh kiến thì tự nhiên tư duy sẽ đi đúng đường, chúng ta suy nghĩ khỏi sai lầm. Có chánh kiến về duyên sinh thì chúng ta biết rằng hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc vào hạnh phúc của người khác, như giữa anh chị em, vợ chồng hay cha con. Thấy rồi, mỗi người sẽ không đi tìm hạnh phúc cho riêng mình nữa. Vì khi cha khổ thì con không thể nào có hạnh phúc được, chồng khổ thì vợ không thể nào có hạnh phúc được, anh khổ thì em không thể nào có hạnh phúc được. Chánh tư duy là tư duy xem ta phải làm thế nào để cho người kia có hạnh phúc thì lúc đó ta mới thực sự có hạnh phúc. Người đi tìm hạnh phúc riêng rẽ là người không có chánh kiến, vì chánh kiến là cái thấy của đạo lý duyên khởi.
Nói về chánh ngữ cũng vậy. Nếu chúng ta có chánh kiến thì tự nhiên ngôn ngữ của chúng ta sẽ đi vào đường chánh. Chúng ta sẽ không nói những điều gây hiềm khích và đổ vỡ. Nếu thấy được tính khí của ta, những ưu, nhược điểm của ta và của người khác, thì ta sẽ không nói ra những câu tạo ra địa ngục giữa hai người. Trong tương giao xã hội, thấy rõ được ưu điểm và nhược điểm của mình và của người khác là có chánh kiến. Có chánh kiến thì tư duy và ngôn ngữ sẽ chánh, sẽ không gây thêm đau khổ. Điều đó cũng đúng với chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Chánh Tư Duy về vô thường vô ngã
Chánh tư duy tiếng PHạn là samyak samkalpa, Kinh A Hàm dịch là chánh trí, tiếng pháp có thể dịch là conception correcte. Tư duy có hai loại là tầm (vitarka) và từ (vicara). Tầm là những ý nghĩ đơn thuần. Còn từ là suy đi nghĩ lại sâu xa hơn. Suy nghĩ tới lui, quanh quẩn, không dừng được, như cái máy vô tuyến truyền hình mở giờ này sang giờ khác không ai tắt, không có mục đích nào cả, thì sự suy nghĩ đó không phải là chánh tư duy. Chánh tư duy giúp cho ta nhìn thấy rõ, làm phát sinh chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. Còn tà tư duy thì càng nghĩ càng gây đau khổ. Có chánh kiến, nhìn thấy bốn sự thật, duyên khởi, vô thường và vô ngã thì tư duy sẽ đi vào đường chánh. Tà tư duy phát sinh do cái nhìn không đúng về sự vật, về bản thân và hoàn cảnh của mình và của người. Chánh tư duy phát sinh căn cứ trên chánh kiến và trở lại nuôi dưỡng chánh kiến, hai phần nuôi dưỡng lẫn nhau.
Chánh tư duy là suy nghĩ dựa trên sự thật, không phải là tư duy trên mây, không dính líu gì với thực tế. Sự thật hiện rõ ra là nhờ chánh kiến. Nhiều người suy nghĩ và đi lạc trong vòng lẩn quẩn của lý thuyết, nói thao thao bất tuyệt, và viết những cuốn sách dài tràng giang đại hải. Nếu không có chánh kiến, họ vẫn chỉ nói chuyện trên mây. Chánh tư duy căn cứ trên chánh kiến, trên tuệ giác, nhờ đó ta thấy bản chất của sự vật là vô thường và vô ngã. Suy tư mà ngược lại với nguyên tắc vô thường và vô ngã là tà tư duy. Thí dụ nuôi con ta cứ nghĩ là đứa con nhỏ của mình sẽ như vậy suốt đời là sai. Sự thật là lên 12 tuổi nó đã khác, lên 14 tuổi nó đã có thể có những ý kiến ngược với mình, lên 16 tuổi nó đã có thể tranh luận với mình rồi.
Chánh tư duy là phải thấy được bản chất của vô thường trong con người của ta, của kẻ khác và của sự vật. Một người bây giờ rất dễ thương nhưng một ngày kia có thể trở thành dễ ghét và có thể trở thành kẻ thù. Mỗi chúng ta đều có đủ loại hạt giống, có hạt giống của sự trung thành mà cũng có hạt giống của sự phản bội. Bụt và các vị bồ tát đều như vậy hết. Nhờ ta tu tập, nên hạt giống của sự phản bội không có môi trường phát triển. Khi một người phản bội ta thì chính ta cũng đã tưới tẩm những hạt giống phản bội nơi họ từ ngày này sang ngày khác. Có người nói ‘‘Thôi đi tu cho xong!ì nhưng nếu hạt giống xuất gia trong người ấy không đủ lớn thì chắc người ấy không đi tới được quyết định. Tuy vậy hạt giống không xuất gia, hạt giống muốn lập gia đình nó vẫn còn trong con người đã xuất gia. Nếu sống với thầy với bạn mà vẫn thấy khổ thì tự nhiên hạt giống không xuất gia, nghĩa là niềm ước muốn lập gia đình, có vợ, có con, hạt giống đó sẽ lớn lên. Trong đời sống xuất gia nếu ta có hạnh phúc, nếu ta tự thấy mình có chuyển hóa và đã giúp ích được nhiều người, thì cái hạt giống không xuất gia kia, có thể lâu lâu phát hiện một lần trong giấc mơ nhưng không bao giờ lớn lên được cả. Người tại gia cũng vậy. Người đã quyết định thành lập gia đình cũng có cái hạt giống xuất gia ở trong tâm. Đôi khi cũng nằm mơ thấy mình đi tu, và nếu trong cuộc sống lứa đôi gặp nhiều khổ đau, thì lại cảm thấy tiếc ngày xưa mình đã không đi tu.
Trong ta, tàng thức chôn nhiều hạt giống, có khi những hạt giống ấy chống đối với nhau. Nhìn sâu, ta thấy tâm ta là mảnh đất chứa đựng tất cả mọi hạt giống. Người bạn hôn phối của bạn cũng mang sẵn đủ loại hạt giống như vậy. Người sư anh, người sư chị và người sư em của ta cũng vậy. Tất cả đều có những hạt giống trái ngược nhau ở bên trong. Nếu ta biết tưới tẩm, biết giúp đỡ thì các hạt giống tốt sẽ phát triển, hạt giống tiêu cực sẽ càng yếu, càng nhỏ, dù không bao giờ biến mất. Vì vậy tâm thức gọi là nhất thiết chủng thức (sarvabijaka), nghĩa là ‘‘tất cả các loại hạt giốngì.
Chúng ta phải tập nhìn mình, nhìn người và nhìn xã hội chung quanh cho rõ. Mỗi ngày cái thấy của ta phải sáng thêm, phải mạnh thêm, đó là tuệ giác. Nếu cái thấy không sáng thêm, không mạnh thêm thì sự tu hành của ta chưa có kết quả. Tình trạng tuệ giác còn ốm yếu được kinh gọi là Liệt tuệ. Tuệ giác ốm yếu thì không thể giúp nuôi dưỡng bảy chi phần khác của bát chánh đạo.
Một em bé mười hai tuổi về Làng Hồng, đã hỏi một câu làm cho Sư ông thương quá. Em hỏi: ‘‘Bạch sư ông, một người mình thương hôm nay, làm sao mình có thể biết trước rằng ngày mai mình còn thương nữa hay không?”
Người mình thương hôm nay, ngày mai mình có thể ghét, đó là một sự thật mà em bé này đã chứng kiến. Ba mẹ nó ngày xưa khi quyết định lấy nhau, đã bị cả hai gia đình chống đối. Ba đã tranh đấu, đã thách đố cả gia đình và cả xã hội để cưới được mẹ. Vậy mà bây giờ hai người coi nhau như thù nghịch. Ba và mẹ đang thù ghét nhau nên bé rất đau khổ. ‘‘Bạch Sư ông, làm sao mình biết cái người mình thương hôm nay, ngày mai mình vẫn còn thương?ì Làm sao chúng ta biết được! Vì lòng của chúng ta cũng vô thường. Nơi tâm người kia có những hạt giống khác nhau, nơi tâm ta cũng có những hạt giống khác nhau. Cái thấy về vô thường cho ta biết rằng ta phải cẩn thận trong đời sống hàng ngày. Nếu không biết vun bón những hạt giống tích cực mà cứ hàng ngày tưới tẩm những hạt giống tiêu cực nơi mình và nơi người, thì tự nhiên người mình thương hôm nay, ngày mai có thể mình sẽ ghét; cái người hôm nay thương mình sẽ có thể ghét mình ngày mai. Đó là chánh kiến dẫn ta tới chánh tư duy. Nếu tư duy không căn cứ trên tuệ giác về vô thường thì đó là tà tư duy.
Vô ngã là một nhận thức căn bản khác của chánh tư duy. Nếu tư duy của chúng ta không căn cứ trên nguyên tắc vô ngã thì vẫn là tà tư duy. Vô ngã có nghĩa là mỗi hiện tượng tùy thuộc nhiều hiện tượng khác, không hiện tượng nào có một tự thể riêng biệt và độc lập với tất cả những hiện tượng khác. Các hiện tượng đều do nhân duyên mà sinh khởi.
Tư duy ở trình độ xuất thế gian
Trong Kinh có nói đến sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền. Trong trình độ thiền thứ nhất có tư duy, có tầm (vitarka) và từ (vicara) nghĩa là còn có những ý nghĩ. Nhưng vào thiền bậc thứ hai, đệ nhị thiền, thì không còn tầm và từ nữa. Càng tiếp xúc trực tiếp với thực tại thì càng thoát khỏi ý niệm và ngôn ngữ. Ý niệm và ngôn từ tuy được sử dụng để chỉ bày sự vật, nhưng cũng có thể làm cho ta xa cách thực tại. Vượt khỏi hàng rào của ý niệm và ngôn từ ta mới tiếp xúc sâu sắc được với sự thật. Như khi nói đến người Mỹ, người Pháp, nhiều người có sẵn những hình ảnh, ý tưởng, tình cảm vốn có về người Mỹ, người Pháp. Đến khi gặp một người Mỹ hay một người Pháp, nếu chúng ta vẫn giữ nguyên các ý niệm cũ, như những định kiến, để nhìn họ thì chúng ta không thể thấy và tiếp xúc được với con người thật trước mắt mình. Như vậy ý niệm và ngôn từ ban đầu có thể giúp ta biết có các sự vật, nhưng sau đó có thể trở thành chướng ngại vật ngăn không cho ta tiếp xúc với bản thân của thực tại. Cho nên trong quá trình tu tập ta phải dần dần học tiếp xúc với thực tại một cách trực tiếp không qua trung gian ngôn từ và ý niệm
Tư duy phải dùng đến ý niệm và ngôn từ. Nhưng trong quá trình văn, tư, tu, chúng ta phải tập vượt ý niệm và ngôn từ để đi vào bản chất của sự vật. Ban đầu của sự học hỏi thì tứ đế, bát chánh đạo, vô thường, vô ngã, thiện cặn, ác căn, đều là những ý niệm và ngôn từ. Và khi đã bắt đầu thấy được bản chất của tứ đế, của bát chánh đạo, của vô thường, vô ngã thì ta không cần đến những danh từ và ý niệm ấy nữa. Như thế gọi là thực chứng (direct experience). Trong phái Tào Động có câu châm ngôn về ngồi thiền: tư lương cá bất tư lương để, bất tư lương để như hà tư lương. Phi tư lương thị thiền chi yếu giả. Viết là tư lượng, đọc là tư lương. Tư là tư duy, lượng là đo lường, so sánh. Tư lương cá bất tư lương để là suy tư và đo lường cái không thể suy tư và đo lường, tư duy về cái không thể tư duy được. Bất tư lương để như hà tư lương là cái không thể suy tư thì làm sao mà suy tư được. Cho nên, phi tư lương thị thiền chi yếu giả: không suy tư, đó là yếu chỉ của thiền.
Người ta thường hay hỏi trong khi ngồi thiền ông suy nghĩ về cái gì? Ngồi thiền cốt yếu là không suy nghĩ gì cả. Lúc ban đầu trong sơ thiền thì còn suy nghĩ, còn dùng khái niệm và ngôn từ. Sau đó phải vượt khái niệm và ngôn từ.
Khi ta thực sự sống với một người hay trong một hoàn cảnh nào thì dần dần những ý niệm và những ngôn từ sẵn có về hoàn cảnh và về người đó tự nhiên rơi rụng. Từ đó có thể kết luận rằng khi ta đã bước sang lãnh vực chân đế, xuất thế gian, thì tất cả mọi tư duy đều là tà tư duy. All thinkings are wrong thinkings.
Khi học về chánh kiến, chúng ta cũng đi từ lãnh vực của thế gian sang lãnh vực xuất thế gian. Lãnh vực thế gian là thấy có chánh kiến, có tà kiến. Khi đi sang lãnh vực xuất thế gian tất cả các kiến đều là tà kiến. All views are wrong views. Chánh tư duy cũng vậy, ban đầu thì ta phân biệt có chánh tư duy và tà tư duy. Nhưng sau quá trình văn tư tu, bứt hết những ý niệm và ngôn từ, ta an trú trong thực tại nhiệm mầu của pháp thân. Lúc đó không thể nào diễn tả thực tại bằng ngôn từ và ý niệm nữa. Gọi là tâm hành xứ diệt. Tâm hành xứ tức là cái chỗ đi về của tâm ý. Nẻo về của mọi tâm hành không còn. Cái gọi là chánh tư duy cũng không còn diễn tả được sự thật, nó chẳng qua chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng. Chánh kiến và bất cứ một chi phần nào của Bát chánh đạo cũng đều có hai mặt thế gian và xuất thế gian như vậy. Cho nên Bụt nói giáo pháp ta như biển, có những bãi biển thoai thoải giúp ta đi từ từ xuống nước, chứ không bắt buộc ta phải đi ngay vào chỗ quá sâu.
Học về vô thường, vô ngã, lúc đầu chúng ta chỉ có khái niệm và danh từ vô thường và vô ngã. Chúng ta có thể nói về vô thường, vô ngã suốt đời mà giáo lý vô thường và vô ngã không ảnh hưởng chút nào tới đời sống hàng ngày của chúng ta. Đó là những chiếc xe vận tải trống rỗng. Trái lại, nếu chiếc xe có chuyên chở vật liệu xây cất, thì khi xe rút lui chúng ta vẫn còn vật liệu. Và chúng ta không bị kẹt vào những chiếc xe hình thức của ý niệm và ngôn từ.
Bụt có dạy các phép quán về bất tịnh và khổ. Bất tịnh nghĩa là không sạch sẽ: tuy bên ngoài ta thấy sạch sẽ và đẹp đẽ nhưng bên trong thì không. Cảnh thiên nhiên bên ngoài có thể rất đẹp nhưng bên trong lại không. Cảnh đồng quê thái bình tươi tốt, chim én lượn bay, thấy rất đẹp nhưng bên trong có thể là chất phân hóa học đang giết bao nhiêu côn trùng. Những con chim đang liệng bay kiếm sâu để ăn, và những con sâu đang run sợ. Ta đừng để cái bề ngoài đánh lừa. Những con người trông rất trong trắng, nhưng bên trong thân tâm có những yếu tố bất tịnh. Khi khám phá ra được thì có thể trễ mất rồi. Phải thấy được các yếu tố bất tịnh bên trong chính bản thân mình, trong người khác và trong vạn vật chung quanh. Địa ngục có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Đó là phép quán bất tịnh. Trong đạo Phật có phương pháp quán cửu tưởng, tức là quán sát về thân thể con người để thấy được những sự thật về tính chất bất tịnh. Đó là một cách đối trị tham dục.
Quán khổ là để đối trị với ảo tưởng về vui. Nhìn một cá nhân, một gia đình chúng ta có thể thấy qua bề ngoài hình như có sự hòa thuận và vui vẻ nhưng bên trong có thể chứa chất nhiều khổ đau. Bề ngoài ta thấy một gia đình đầm ấm và tươi vui, nhưng bên trong có thể là oán giận, ghen ghét và mọi người phải chịu đựng lẫn nhau như trong một địa ngục. Bụt dạy quán khổ để ta xoá ảo tưởng về những niềm vui giả tạo. Sau này các thầy nêu ra hai đề tài quán chiếu, khổ và bất tịnh để chép chung với các phép quán vô thường và vô ngã. Quán chiếu để thấy bốn tà kiến gọi là bốn điên đảo (viparyasa). Đó là: sự vật vô thường mà nói là thường, sự vật khổ mà nói là lạc, sự vật vô ngã mà nói là hữu ngã, sự vật bất tịnh mà nói là tịnh. Điên đảo tức là ngược lại, tiếng Anh là up side down, quay ngược đầu xuống đất. Tâm Kinh Bát Nhã nói viễn ly điên đảo mộng tưởng tức là xa lìa những cái thấy điên đảo do tri giác sai lầm sinh ra.
Bụt đã cho bốn bài học: vô thường, vô ngã, khổ và bất tịnh để ta thoát ra khỏi những ý niệm và danh từ về thường, lạc, ngã và tịnh. Nhưng có người chỉ nắm bắt được danh từ và ý niệm thôi. Họ bị kẹt cứng trong các danh từ và ý niệm vô thường, vô ngã, khổ và bất tịnh ấy. Họ chỉ than đời vô thường quá, đời vô ngã quá, đời khổ quá, đời bất tịnh quá và âm thầm kết luận: thôi thì chết đi, hay bỏ cõi đời này tìm sang một cõi khác cho rồi. Đây là mối lầm rất quan trọng, làm họ không tiến thêm được bước nào trên đường tu học.
Trong bài ‘‘Đệ tử chúng con từ vô thỉ” có câu: ‘‘Cùng tăng thân xin nguyện ở lại cõi đời này làm việc độ sinh” ý nói ta không cần phải là bỏ cuộc đời này để đi tìm một cõi khác. Muốn giải thoát khỏi bốn cái điên đảo, tìm tới bốn chánh kiến, nhưng nếu không khéo thì người ta có thể lại kẹt vào những ý niệm vô thường, vô ngã, khổ và bất tịnh. Như một kẻ bị bệnh được người ta cho thuốc, rồi lại bị bệnh ghiền thuốc. đạo Phật Đại Thừa gọi những người này bị bệnh giáo pháp (dharma sickness). Ban đầu bị bệnh khổ đau, bây giờ bị bệnh thêm vì giáo pháp. Trong giới Phật tử, những người bị đắm vào các ý niệm vô thường, vô ngã, khổ và bất tịnh rất đông. Tuy họ nói hoài về vô thường, vô ngã, khổ và bất tịnh, nhưng những giáo lý đó không ích lợi gì cho họ trong đời sống hàng ngày cả. Những chiếc xe vận tải đó không chuyên chở được vật liệu nào cả, chỉ là những chiếc xe không. Đó là những hạt thóc lép không bao giờ mọc ra được lúa gạo. đạo Bụt Đại Thừa nói niết bàn là thường, lạc, ngã, tịnh. Lấy ngay tứ điên đảo để làm bốn đức của Niết bàn. Chúng ta nghe mà giật mình. Có người sẽ được chữa lành bởi cái phương thuốc đó, và cũng có người sẽ đau nặng thêm vì bốn phương thuốc đó không tiêu.
Thành ra khi chúng ta đi vào bình diện bản môn thì tất cả các kiến đều không còn, dù là chánh kiến. Tất cả mọi tư duy đều nên bỏ hết, dù là chánh tư duy. (All views are wrong views, all thinkings are wrong thinkings). Phi tư duy thị thiền chi yếu giả, sự vắng mặt của tư duy là tinh yếu của thiền. Cho nên chúng ta biết rằng khi nghĩ về những điều xấu và ác như sát, đạo, dâm, vọng là tà tư duy đã đành rồi; nhưng nếu chúng ta nghĩ tới tứ đế, vô thường, vô ngã, bất tịnh, khổ mà bị vướng vào ý niệm và ngôn từ thì đó cũng tà tư duy. Chứ không phải cứ đang nói về Phật Pháp là chánh tư duy. Tư duy Phật Pháp mà tư duy theo kiểu bị vướng mắc vào danh từ và ý niệm cũng là tà tư duy. Nói chuyện về quán rượu, sòng bạc và sắc dục, cố nhiên là tà tư duy; nhưng nếu chúng ta nói trong chánh niệm, trong ý hướng muốn chuyển hóa người nghe, để giúp họ ra khỏi những hầm hố và địa ngục ấy thì chúng ta đang thực tập chánh tư duy và chánh ngữ. Và khi đã chuyển sang bình diện xuất thế gian thì không còn sự phân biệt, tất cả tư duy đều là tà tư duy.
Trong việc tu tập, uống trà hay đi thiền hành thì chúng ta chỉ uống trà và chỉ đi thiền hành mà thôi. Nếu chúng ta còn tư duy về trà, tư duy về thiền hành, đó cũng vẫn là tà tư duy. Trong khi đi thiền hành ta chỉ đi thiền hành thôi; nếu suy nghĩ, dù là suy nghĩ về thiền hành, là hỏng. Trong khi uống trà ta chỉ uống trà; nếu trong khi uống trà còn suy nghĩ, so sánh, suy tư về trà, có những ý niệm này, ý niệm khác về trà, thì đâu còn là uống trà nữa?
Trong đời sống hàng ngày, trí óc ta luôn luôn suy nghĩ, nghĩ cái này rồi nghĩ cái khác. Khi sự suy nghĩ đưa chúng ta tới đau buồn, sợ hãi, lo lắng, chúng ta biết đó là tà tư duy và chúng ta phải ngưng lại. Muốn ngưng tập khí suy nghĩ ấy lại, ta phải thực tập chánh kiến. Chánh tư duy đưa đến an vui, đưa tới quyết tâm muốn tạo hạnh phúc cho mình và cho người khác. Trong kinh Thánh đạo và trong Tạp A Hàm kinh thứ 785, chúng ta thấy rõ rằng chánh kiến, chánh tư duy và chánh niệm phối hợp lại thành một bộ ba rất quan trọng, nhất là trong sự thực tập hằng ngày.
Để có một phương pháp tu tập về chánh tư duy, tôi đề nghị bốn mệnh đề này, quý vị có thể tự đặt cho mình như những câu hỏi, áp dụng vào thực tế.
Mệnh đề thứ nhất: Có chắc như vậy không? Câu hỏi này thuộc phạm vi tư duy và tưởng (thinking and perception). Tư duy liên hệ tới tưởng. Tưởng tức là cái nhận thức (perception) hay tri giác của mình. Một sợi dây mà ta tưởng là con rắn, đó là một nhận thức sai lầm, wrong perception. Một người không có ý nói điều đó mà mình tưởng rằng người ấy muốn nói điều đó, một điều giả định mà mình tưởng là sự thật; đó gọi là vọng tưởng. Càng nhiều vọng tưởng thì càng nhiều tà tư duy. Cho nên đừng vọng tưởng về mình, về người, về hoàn cảnh xung quanh. Và muốn như vậy thì phải có chánh niệm. Tự hỏi: Có chắc như vậy không? Có chắc cái tri giác mình tiếp nhận đó là đúng hay không? Trong một khóa tu nọ, tôi đề nghị mỗi người viết câu hỏi Are you sure? dán trong phòng mình. Chúng ta có rất nhiều nhận thức sai lầm trong đời sống hằng ngày. Những sai lầm đó tạo địa ngục cho chúng ta và những người sống chung với chúng ta. Vì vậy muốn chánh tư duy phải biết quán chiếu và kiểm chứng xem những tri giác của ta có đúng hay không.
Mệnh đề thứ hai mà ta nên luôn luôn tự hỏi mình là: Ta đang đi về đâu? Đây là vấn đề liên quan đến tư duy và thất niệm. Tư duy thường lôi ta đi khắp nơi. Nó xỏ mũi mình và kéo mình đi như trẻ mục đồng kéo con trâu đi theo. Nó mang chúng ta xuống địa ngục, chúng ta theo xuống địa ngục. Vì vậy cần phải thực tập chánh niệm. Ta đang đi về đâu? Khi biết mình đang để cho thất niệm hoành hành, để cho tà tư duy kéo mình đi vào địa ngục, ta nói: tôi biết đang đi vào địa ngục, và tự nhiên ta ngưng lại. Tôi biết tư duy của tôi đang đưa tôi xuống địa ngục và tôi quyết định không đi theo nữa.
Mệnh đề thứ ba có liên quan đến tư duy và tập khí. Tập khí là những thói quen ta có, từ hồi ấu thơ, có thể đã do các thế hệ ông bà truyền lại. Khi nhận ra một tập khí của mình ta hãy chào một câu: ‘‘A! bạn cố tri đó hả?” Một thói quen mà chúng ta thường nghĩ là hay nhưng có thể là dở. Ví dụ như cái thói hay làm. Hễ hở tay ra một cái thì kiếm việc ra để làm, nếu không làm thì không chịu nổi. căn nguyên sâu xa là vì từ đời này sang đời khác dân ta vốn rất nghèo đói. Cho nên ông bà tổ tiên của mình khi nào có chút thì giờ rảnh là phải làm một cái gì, để giúp gia đình có thêm cơm ăn áo mặc. Đó là một đức tính tốt. Vì thương gia đình, thương cha mẹ cho nên mình chịu khó làm như vậy. Nhưng thói quen đó có thể trở thành một tập khí xấu có thể làm cho mình không còn cơ hội để sống đích thực nữa. Rất nhiều người trong xã hội chúng ta bị cái bệnh gọi là ghiền công việc (workaholism), tức là không làm gì đó thì chịu không nổi. Họ không có thì giờ để ngắm nhìn trời xanh, mây trắng, không có thì giờ để đi từng bước thảnh thơi. Sự sống phải có những giây phút thản nhiên, nhàn Hạ để có thể được ngắm hoa đào nở, để có thể nhìn mặt trăng lên, để có thể uống một chén trà trong thanh tịnh. Cho nên ta phải quán chiếu tập khí này. Mỗi khi nhận ra mình đang hớt hải nhìn đâu cũng thấy việc chưa làm, việc muốn làm, lo lắng bồn chồn vì công kia việc nọ, chúng ta biết cái tập khí, cái thói quen cũ đang chiếm cứ tâm mình. Và ta cất tiếng chào: ‘‘Kìa, bạn tôi đã trở lại!” Nếu biết tập khí đó ta đã tiếp nhận từ mẹ ta, thì ta sẽ chào: ‘‘Mẹ ơi, con nhận ra mẹ rồi!”
Những tập khí trong cuộc sống với người chung quanh càng đòi hỏi ta giữ chánh niệm hơn nữa. Một người mà nói ra câu gì là ta phản ứng lại ngay lập tức. Tập khí tạo nên một phản ứng máy móc không kịp suy nghĩ. Một trăm lần ta phản ứng giống hệt cả trăm, như một phản ứng hoá học. Một người hễ nói xong câu này thì thế nào người kia cũng điên đầu nổi giận. Một trăm lần nói là một trăm lần giận. Cho nên người sống chung với ta phải biết về tập khí của ta và ta cũng phải tự biết tập khí của chính ta. Nhờ vậy ta có thể tránh được rất nhiều phiền não và khổ đau. Biết như vậy tức là thực tập chánh niệm. Mà biết như vậy không phải là tự ghét mình, giận mình, phạt mình. Ta không cần phải có mặc cảm tự ti, vì người nào cũng có tập khí cả. Có những tập khí do nhiều đời ông bà truyền lại. Cách tu tập của chúng ta là không tự trách, không phải tự đày đọa vì các tập khí đó. Cách thực tập là phải mỉm cười với tập khí; mỗi khi thấy nó ló đầu ra thì ta mỉm cười nói: ‘‘Chào anh! Tôi biết anh rồi!” (Hello, I know you are there) Đó là phương pháp hay nhất. Và khi ta nhận diện được tập khí của ta thì ta sẽ làm chủ tình hình và tập khí đó sẽ từ từ chuyển hóa. Trong lúc đó, ta tập thêm những tập khí mới, luyện nên những tập khí tốt. Ví dụ thiền hành. Nếu ta đi thiền hành cho đều và thấy an lạc trong khi đi thiền hành, thì thiền hành cũng trở nên một tập khí. Mỗi ngày nếu không đi thiền hành thì ta thấy thiếu thốn. Những người tập yoga cũng vậy. Có những ngày không tập yoga họ thấy giống như họ chưa được ăn cơm. ĐÌó cũng là một tập khí tốt.
Và cuối cùng, để chánh tư duy được phát triển với bồ đề tâm, ta sẽ nhớ tự hỏi: ‘‘Ta làm gì, ta nói gì để thể hiện Bồ Đề Tâm?” Bồ đề tâm tức là một ý chí, một ước muốn rất thâm sâu trong tâm thức của ta. Bồ đề tâm tức là ao ước được giác ngộ, được hiểu biết, được có chánh kiến để có thể tạo hạnh phúc cho nhiều người, cho nhiều loài. Động lực khiến một người đi tu là bồ đề tâm. Nếu có bồ đề tâm rồi, thì ngày đêm ta tâm niệm làm thế nào để có thêm tuệ giác, thêm chánh kiến, thêm năng lượng để tự tu, tự độ và giúp cho người khác vượt thoát khổ đau. Bồ đề tâm trở thành một vùng năng lượng rất lớn. Chính nó đẩy tư duy của ta đi tới mục đích. Tự hỏi: ‘‘Ta làm gì, ta nói gì, ta suy nghĩ gì để ước mơ thành tựu?” Nuôi dưỡng bồ đề tâm trong đời sống hằng ngày bằng chánh niệm thì tư duy của ta sẽ đi về hướng chánh. Tư duy sẽ không bị lôi kéo vào những đề tài vẩn vơ không bổ ích. Năng lượng của tâm bồ đề sẽ đưa ta tới chánh tư duy một cách rất nhẹ nhàng.
Quý vị cứ theo bốn tiêu chuẩn trên đây thực tập; sẽ đạt nhiều tiến bộ về chánh tư duy.