TĂNG ĐỒ NHÀ PHẬT (HÁN VIỆT)
Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
SA-DI VÀ SA-DI NI
LỄ THỌ GIỚI SA-DI
Nghi thức thọ giới này trích dịch trong quyển Yết-ma do ngài Đàm-đế, người Thiên Trúc dịch năm 254. Phần Hán văn được in kèm theo sau để tiện đối chiếu.
Nếu như người muốn được xuống tóc giữa chúng tăng ở nơi nào, phải thưa xin với hết thảy chúng tăng nơi ấy. Như chúng tăng chẳng hội lại một chỗ, phải đi đến từng người mà thưa rõ việc xin xuống tóc. Như chúng tăng đã hội lại đủ, phải thưa trước chúng tăng rồi sau mới được xuống tóc. Vị thầy đỡ đầu đứng trước đại chúng mà thưa như thế này:
Kính bạch chư đại đức tăng. Đệ tử đây tên là…(tên người xuống tóc) …, đã xin với tôi là …(tên vị thầy) … cho được xuống tóc. Như đại đức tăng thấy đây là lúc thích hợp và ưng thuận, xin nhận cho đệ tử …(tên người xuống tóc) … xuống tóc.
Nếu như người muốn được xuất gia giữa chúng tăng ở nơi nào, phải thưa xin với hết thảy chúng tăng nơi ấy. Như chúng tăng chẳng hội lại một chỗ, phải đến từng nơi mà thưa rõ việc xin xuất gia. Như chúng tăng đã hội lại đủ, vị thầy đỡ đầu đứng trước mọi người mà bạch như thế này:
Kính bạch chư đại đức tăng. Đệ tử đây tên là…(tên người xuất gia) …, đã xin với tôi là …(tên vị thầy) … cho được xuất gia. Như đại đức tăng thấy đây là lúc thích hợp và ưng thuận, xin nhận cho đệ tử …(tên người xuất gia) … xuất gia.
Bạch như vậy rồi, nếu chúng tăng ưng thuận cho xuất gia, thầy dạy đệ tử mặc áo cà-sa vào, vai bên phải để trần, lộ cánh tay mặt ra, lại cởi bỏ giày dép, quỳ bên gối phải sát đất, hai tay cung kính chắp lại. Rồi thầy dạy cho bạch như thế này:
Đệ tử tên là … , nguyện quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, noi theo gương Phật xuất gia, xin thỉnh thầy … (tên vị hòa thượng) làm hòa thượng, nhận đức Như Lai chân đẳng chánh giác là bậc Thế Tôn của đệ tử.
Lập lại như thế ba lần rồi, lại bạch tiếp như thế này:
Đệ tử tên là … , nay đã quy y Phật, đã quy y Pháp, đã quy y Tăng, noi theo gương Phật xuất gia, đã thỉnh thầy … (tên vị hòa thượng) làm hòa thượng, nhận đức Như Lai chân đẳng chánh giác là bậc Thế Tôn của đệ tử.
Lại cũng lập lại như vậy ba lần. Rồi thầy giáo thọ mới tuyên đọc lần lượt mười giới của sa-di, cụ thể như sau:
1. Giới luật của sa-di là trọn đời không được sát sanh. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di đáp: Thưa được.
2. Giới luật của sa-di là trọn đời không được trộm cắp. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di đáp: Thưa được.
3. Giới luật của sa-di là trọn đời không được dâm dục. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di đáp: Thưa được.
4. Giới luật của sa-di là trọn đời không được nói dối. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di đáp: Thưa được.
5. Giới luật của sa-di là trọn đời không được uống rượu. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di đáp: Thưa được.
6. Giới luật của sa-di là trọn đời không được dùng các thứ hoa, hương, dầu thơm để tô điểm thân thể. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di đáp: Thưa được.
7. Giới luật của sa-di là trọn đời không được ca múa, hát nhạc, cũng không đến xem hoặc nghe người khác. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di đáp: Thưa được.
8. Giới luật của sa-di là trọn đời không được nằm, ngồi trên giường ghế cao rộng. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di đáp: Thưa được.
9. Giới luật của sa-di là trọn đời không được ăn trái giờ. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di đáp: Thưa được.
10. Giới luật của sa-di là trọn đời không được cất giữ tiền, vàng bạc, vật quý giá. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di đáp: Thưa được.
Đó là mười giới của sa-di, phải giữ trọn đời không được hủy phạm. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di đáp: Thưa được.
Mọi việc đều đã hoàn tất, vị thầy dặn dò sa-di rằng:
Nay con đã thọ giới xong, nên cúng dường Tam bảo: Phật, Pháp và Tăng. Phải chuyên cần tu tập cả ba nghiệp thân, miệng và ý, phải học ngồi thiền, tụng kinh, siêng làm hết thảy các việc trong chúng tăng.
(Đến đây là hết phần nghi thức thọ giới sa-di.)
THẬP GIỚI CỦA SA-DI
Bài này soạn vào thời Đông Tấn của Trung Hoa, khoảng năm 400 theo Dương lịch. Soạn giả là một vị tăng không biết tên. Tuy trong lễ thọ giới vị thầy truyền giới chỉ nêu đại lược, nhưng người xuất gia phải được học kỹ về Mười giới để có thể giữ theo không sai phạm. Bài này giúp hiểu rõ thêm về Mười giới.
1. Sa-di trọn đời không được giết hại người hoặc thú vật. Hãy tưởng đến lòng yêu thương của cha mẹ và quyến thuộc của người bị hại. Nhớ đến ơn dạy dỗ của thầy và bạn hữu, phải tinh tấn tu hành, cứu độ cho cha mẹ. Phải thận trọng đừng gây hại cho người khác, vì sự ác hại ấy rồi sẽ trở lại hại mình. Thậm chí không làm hại đến cả những con vật nhỏ bé, hết thảy các loài động vật. Hãy làm mọi việc lành, cứu giúp kẻ đói khổ, khiến cho hết thảy đều được an ổn. Lòng nghĩ đến người khác nên không thể giết hại. Nếu nhìn thấy, nghe biết hoặc nghi ngờ sự giết hại một con thú là vì mình thì không thể ăn thịt con thú ấy. Thấy sự giết hại, nên khởi lòng từ, phát thệ nguyện rằng: “Khi tôi thành đạo, nguyện cho trong cõi nước không có sự giết hại.” Cho đến cây cỏ mà không cần dùng đến cũng không vô cớ làm hại. Không được giữ các thứ khí giới như gươm đao, cây gậy, vật sắc nhọn… Không được nuôi dưỡng súc vật, chim chóc để ăn thịt. Không dùng các thứ cung tên, đạn bắn để săn bắt muông thú. Không được nổi lửa gây cháy rừng núi, làm hại đến sanh linh. Không tháo cạn nước ao, hồ hoặc ngăn đường nước đến, hoặc dùng các loại câu, lưới, chài… để đánh bắt, giết hại các loài sống trong nước. Không khai khẩn những nơi rừng núi, đầm lầy để làm ruộng rẫy, trồng trọt ngũ cốc. Phạm vào giới này chẳng còn là sa-di nữa.
2. Sa-di trọn đời không được phạm tội trộm cắp. Chớ tham của người, cho đến vật nhỏ nhặt cũng vậy. Hãy giữ lòng công bằng chánh trực, miệng không nói lời khuyến khích sự trộm cắp. Không được mua bán, thuê mướn nô bộc. Như có người mang đến cho cũng không nhận lấy. Thường vì người khác giảng thuyết về đức không tham lam. Thà bị chặt tay, nhất định không trộm lấy đồ trái phép. Phạm vào giới này chẳng còn là sa-di nữa.
3. Sa-di trọn đời không được cưới vợ, sanh con. Phải tránh xa nữ sắc, kiềm chế lục dục. Không nhìn ngắm gái đẹp, tâm không nghĩ đến việc dâm dục, miệng không nói những lời dâm ô. Không gần gũi những kẻ lẳng lơ, không nghe những lời ngọt ngào khêu gợi. Sa-di nam và nữ phải cư trú ở nơi riêng biệt, không được tìm gặp nhau, không được ngồi cùng thuyền, đi cùng xe. Trên đường gặp nhau không được trao đổi chuyện trò. Không được mượn cớ để đi lại gặp gỡ nhau. Không được thư từ qua lại cho nhau. Không được trao đổi y phục, như người khác phái có cho cũng không được nhận. Như cần gặp nhau, phải có người lớn tuổi chứng kiến, thận trọng chẳng nên đi một mình. Không được ngồi chung hoặc ngủ đêm trong một phòng. Thà tan xương nát thịt cũng không để vướng vào sự dâm dục. Thà là chết trong sạch còn hơn là sống mà phạm giới này. Phạm vào giới này chẳng còn là sa-di nữa.
4. Sa-di trọn đời lấy sự thành tín làm căn bản, không nói lời đâm thọc, lời hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói dối, không nói lời tà vạy. Có chỉ chỗ sai trái của người cũng phải nói một cách trầm tỉnh và đủ chứng cớ. Chẳng chê bai chỗ yếu kém của người khác. Khi thuyết pháp, phải nói cho đúng lý. Thấy người tranh cãi, hãy vô tư đứng giữa mà giải hòa. Phàm trong việc xử thế, dao sắc nằm ngay trong miệng người. Sát hại đến thân thể cũng là do lời ác độc. Nói năng không thận trọng chẳng còn là sa-di nữa.
5. Sa-di trọn đời không được uống rượu. Cho đến không nếm thử, ngửi mùi của rượu. Không bán rượu, không uống thuốc ngâm rượu, không ghé vào quán rượu. Rượu là chất độc, là nguyên nhân của những sự bại hoại, làm cho kẻ hiền phải suy sụp, bậc thánh phải hư hỏng, mang đến các tai ương. Dùng nó thì xa điều lành, gần điều dữ. Thà là uống nước đồng sôi còn hơn là phạm vào việc uống rượu. Phạm vào giới này chẳng còn là sa-di nữa.
6. Sa-di không được dùng các loại hoa, hương thơm, dầu thơm, phấn sáp trang điểm trên thân thể. Mặc che thân là đủ, không tham đắm vào hình thức. Ăn lấy no là đủ, không tham đắm mùi vị. Không nên đi xe, đi ngựa, đi kiệu vì muốn thỏa sự ham thích, vì sự khoái trá của tâm ý. Phạm vào giới này chẳng còn là sa-di nữa.
7. Sa-di trọn đời không được ca, múa, diễn trò… hoặc dự xem người khác ca, múa, diễn trò… Không được chơi âm nhạc, các thứ đàn, sáo, nhạc cụ… làm cho tâm đạo dễ rối loạn. Không được tham gia bất cứ hình thức cờ bạc nào để tranh thắng bại cầu vui, hoặc tranh mối lợi với người khác. Phạm vào giới này chẳng còn là sa-di nữa.
8. Sa-di không được nằm giường cao rộng, chăn nệm tốt, có màn che sáo phủ. Không được dùng gối nệm có kết vàng bạc cùng các thứ lụa là, gấm vóc. Không dùng chiếu đẹp, quạt sơn, phất đủ màu và đồ chưng diện điểm trang. Không học theo các việc đoán thời vận, bói toán, trù ếm, phù phép, xem ngày tháng tốt xấu, xem mu rùa và lá cây để bói xem thời vận may rủi, nghèo giàu, xem tinh tú nhât thực, nguyệt thực, các hiện tượng lở núi, động đất… Không tham gia quốc sự, thuế vụ, binh cơ. Phạm vào giới này chẳng còn là sa-di nữa.
9. Sa-di trọn đời không được ăn phi thời. Từ quá ngọ cho đến bữa sau, không được để đồ ăn vào miệng. Như có muốn đi đâu xa cũng không được ăn thêm. Đã ăn rồi mà có người mời ăn nữa, dù là người có quyền thế, cũng phải từ chối. Phạm vào giới này chẳng còn là sa-di nữa.
10. Sa-di trọn đời không nắm giữ các thứ tiền, vàng bạc, đồ quý giá. Không tàng trữ lương thực, các thứ quý giá. Như có người mang cho cũng đừng nhận. Nếu như có nhận thì không phải để cất giữ, mà là để phân phát cho người nghèo khó.
Ngoài mười giới nói trên, vị sa-di trọn đời còn phải thận trọng trong việc giao du, xử thế. Không được làm bạn với những kẻ kém đức. Không giao thiệp với người làm những công việc bán thịt, đi săn, ăn trộm, uống rượu, vì như vậy chỉ làm tổn hại đến đạo hạnh của mình thôi. Áo cà-sa và bình bát lúc nào cũng giữ bên thân mình. Ngoài giờ thì không ăn, chẳng phải việc đạo pháp thì không nói. Trong khi đang ăn hoặc nằm nghỉ đều không trò chuyện. Chuyên cần suy nghĩ tìm hiểu ý nghĩa những điều đã học, nhớ việc cũ mà suy biết việc hiện nay. Có khi được ngồi xuống liền lo việc tham thiền, đứng dậy liền nhớ việc đọc kinh. Giữ được giới hạnh nhất nhất như vậy mới thật là đệ tử của Phật.
OAI NGHI CỦA SA-DI
Ngoài việc giữ trọn mười giới, vị sa-di còn phải tuân theo những khuôn phép quy định trong sinh hoạt hàng ngày ở chùa. Những khuôn phép này giúp cho người xuất gia trừ bỏ được hết những thói hư, tật xấu đã tập nhiễm lâu ngày trong cuộc sống thế tục, và giúp đào luyện một nhân cách thanh cao, thoát tục. Trong cách ứng xử, sinh hoạt hàng ngày của vị sa-di, cho đến việc đi đứng nằm ngồi, mỗi mỗi đều được quy định rõ ràng, chỉ cần nhất nhất tuân theo thì tự nhiên mọi hành vi, cử chỉ đều trở nên đoan nghiêm, từ tốn. Do vậy, nên những khuôn phép này được gọi là oai nghi của sa-di. Bản chữ Hán chúng tôi dùng ở đây là của một vị đời Đông Tấn (khoảng năm 400), đã mất tên, dịch từ tiếng Phạn sang.
Trước hết, Sa-di phải ghi nhớ tên tuổi của các vị thầy dạy. Đó là vị hòa thượng đỡ đầu cho nhập đạo, thầy yết-ma dạy lễ luật, và thầy giáo thọ dạy học. Phải ghi nhớ ngày mình bắt đầu xuất gia nhập đạo, thọ trì giới luật.
Phải biết phận sự đối với vị hòa thượng, với thầy giáo thọ, lại phải học những cách lo việc chải răng súc miệng, xách nước tắm rửa, mặc áo và cởi áo, mang bình bát cho thầy, cũng như cách mang tích trượng và giày dép của thầy. Phải biết lúc nào nên hầu thầy và hầu như thế nào.
Vị sa-di lại phải biết rõ cung cách ứng xử cho phải phép theo từng lúc, từng nơi. Như khi đến những chỗ quan quyền chức việc, khi ăn chung với đại chúng hoặc khi ăn riêng, khi khất thực trong chỗ dân cư và khi trở về, khi đã quá ngọ, lúc chiều tối, hoặc khi khất thực rồi đến ngồi ăn nơi bờ sông, nơi ven đường, nơi cội cây, hoặc khi đi khất thực một mình hay đi theo thầy, hoặc khi trao đổi thức ăn với nhau, khi ăn cùng một lúc với đại chúng, hoặc khi có kẻ ăn trước người ăn sau, khi ăn rồi lo việc khăn, nước và rửa bát. Tóm lại, phải rõ biết hết thảy phận sự của mình mọi lúc, mọi nơi, sao cho thích hợp. Cũng phải hiểu những phận sự khi chúng tăng giao cho làm trực nhật.
Đến khi được hai mươi tuổi, muốn xin thọ Đại giới phải hiểu biết hết thảy mọi việc. Nếu các vị tỳ-kheo đức độ cho dự cuộc vấn đáp sát hạch mà trả lời không đầy đủ thì chưa được thọ giới cụ túc. Vì sao vậy? Khi làm sa-di mà không nắm hiểu hết những việc của sa-di, làm sao có thể kham nhận làm vị tỳ-kheo, vốn dĩ khó khăn, vi diệu hơn rất nhiều.
Làm vị sa-di có đức tính, những gì đã được học đều phải rõ biết, thông thuộc rồi mới nên cho thọ giới cụ túc. Làm sa-di mà không học thông thuộc các pháp của sa-di, đó là chưa thật sự biết rõ cái khổ của thân, nên chưa thuần phục được tâm ý, vậy mà lại muốn thọ giới cụ túc. Nếu như thế mà cho thọ giới cụ túc, người ta sẽ nghĩ rằng pháp Phật dễ tu, làm tỳ-kheo cũng dễ, chẳng thể hiểu được rằng đạo Phật hết sức vi diệu, việc tội phước vận hành phải nhờ có giới luật trợ giúp theo với giáo pháp, đây là việc phải kiên trì lâu ngày. Vì vậy, trước hết phải hạch hỏi. Nếu có thể y theo pháp mà trả lời đầy đủ thì cầu được Tam sư cũng là chuyện dễ.
Đối với bậc thầy dạy trong đạo, sa-di phải nhớ năm điều này: 1. Phải kính trọng các thầy tỳ-kheo. 2. Không được gọi tên các thầy tỳ-kheo. 3. Khi các thầy tỳ-kheo nhóm họp thuyết giới, không được lén nghe. 4. Không được tìm hiểu những chỗ hay, dở của các thầy tỳ-kheo. 5. Khi các thầy tỳ-kheo có chỗ thiếu sót, không đúng, không được mang đi nói chỗ này chỗ kia. Giữ như vậy là oai nghi của vị sa-di.
Lại còn năm điều này nữa: 1. Không được lén lút ở nơi chỗ kín mà nói xấu các thầy tỳ-kheo. 2. Không được khinh thường các thầy tỳ-kheo, cười đùa trước mặt các thầy, bắt chước theo cách ăn nói, cách đi đứng của các thầy. 3. Thấy các thầy tỳ-kheo đi qua, phải đứng ngay dậy, trừ ra những lúc đang tụng kinh, đang ăn hoặc đang làm công việc chung. 4. Đang đi gặp thầy tỳ-kheo giữa đường, phải đứng nép qua bên lề để tránh. 5. Nếu đang chơi đùa gặp thầy tỳ-kheo đi tới, phải lập tức bỏ cuộc chơi và đến tạ lỗi. Đó là những việc vị sa-di phải làm theo.
Sa-di khi phụng sự hòa thượng, phải nhớ mười điều này: 1. Buổi sáng phải thức dậy thật sớm. 2. Trước khi vào phòng thầy, phải gõ cửa ba tiếng. 3. Buổi sáng phải lo đủ đồ chải răng và nước rửa mặt. 4. Phải lo việc mang áo cà-sa và giày dép đến. 5. Phải lo việc rưới nước và quét dọn phòng. 6. Xếp mền gối và lau quét sạch giường chiếu. 7. Khi thầy đi vắng chưa về không được bỏ phòng thầy mà đi, khi thầy về phải ra đón, nhận áo cà-sa mang vào xếp cho thầy. 8. Khi có lỗi, hòa thượng hoặc thầy a-xà-lê quở trách, không được cãi lại. 9. Khi thầy truyền dạy điều gì, phải cúi đầu nhận lãnh, và phải luôn nhớ nghĩ đến việc làm theo lời thầy. 10. Khi có việc rời phòng thầy giây lát, phải đóng cửa lại.
Khi phụng sự thầy giáo thọ dạy học, sa-di phải nhớ năm điều này: 1. Gặp thầy a-xà-lê phải xem như gặp thầy bổn sư, không khác. 2. Không được cười đùa trước mặt thầy a-xà-lê. 3. Nếu thầy a-xà-lê có quở trách cũng không được cãi lại. 4. Nếu thầy có sai đổ ống nhổ hoặc bồn dơ, không được khạc nhổ, ghê tởm. 5. Lúc chiều tối, nên xoa bóp thân thể cho thầy. Phép phụng sự thầy a-xà-lê là như vậy.
Vị sa-di phụng sự thầy, buổi sáng dậy sớm mang đồ chải răng và nước súc miệng, rửa mặt, phải nhớ mấy điều này: 1. Cây chải răng phải để ý độ dài cho thích hợp. 2. Phải nhớ đập dập một đầu. 3. Chuẩn bị xong phải rửa cho thật sạch sẽ. 4. Phải đổ bỏ nước cũ trong chậu đi. 5. Phải lau chùi sạch sẽ bồn chứa. 6. Phải mang nước đổ vào cho đầy, không được lẫn nước dơ, không đổ vấy ra ngoài và không gây tiếng động. Phép tắc lo việc chải răng súc miệng cho thầy là như vậy.
Lấy áo cà-sa mặc cho thầy, sa-di phải nhớ bốn điều này: 1. Phải làm một cách khoan thai, đúng phép, một tay cầm áo, một tay giăng áo ra. 2. Phải đưa lên cho vừa tầm. 3. Phải giữ nguyên chờ thầy sửa áo cho ngay thẳng. 4. Phải gài chỗ chéo phía trên vai trái cho thầy. Phép mặc áo cà-sa cho thầy là như vậy.
Xếp áo cà-sa cho thầy, phải nhớ bốn điều này: 1. Phải xem xét kỹ bên trên, bên dưới. 2. Không được để áo chạm xuống đất. 3. Phải mang cất vào chỗ cũ. 4. Phải che đậy phía trên áo. Phép nhận giữ áo của thầy là như vậy.
Giữ bát cho thầy, sa-di phải nhớ bốn điều này: 1. Phải rửa sạch sẽ. 2. Đặt nơi chỗ thoáng phơi cho khô. 3. Mang bát theo thầy phải hết sức cẩn thận. 4. Trong khi làm không được để gây ra tiếng động. Phép giữ bát cho thầy là như vậy.
Giữ gậy cho thầy, sa-di phải nhớ bốn điều này: 1. Lau chùi kỹ, không để dính bụi bặm. 2. Không để chạm xuống đất gây tiếng động. 3. Khi thầy có việc đi, phải trao gậy cho thầy. 4. Khi thầy về phải nhận gậy mang đi cất. Khi cùng đi với thầy, khi đến chỗ chúng hội, hoặc khi lễ Phật, đều phải lo việc giữ gậy cho thầy. Phép giữ gậy cho thầy là như vậy.
Giữ giày cho thầy, sa-di phải nhớ bốn điều này: 1. Phải lau chùi bụi bặm cho sạch sẽ. 2. Đưa giày cho thầy phải tuần tự từng chiếc. 3. Đưa giày xong phải đi rửa tay rồi mới lấy áo cà-sa. 4. Khi thầy ngồi xuống, phải tuần tự cởi giày ra từng chiếc. Phép giữ giày cho thầy là như vậy.
Khi có người thỉnh cùng đi thọ trai với thầy, sa-di phải nhớ bốn điều này: 1. Ngồi cách xa thầy sáu thước. 2. Chờ cho thầy chú nguyện xong mới dâng bát cho thầy. 3. Không được ăn trước thầy. 4. Khi thầy ăn xong, phải đứng ngay dậy đến gần dẹp bát. Phép tắc khi cùng thầy đi thọ trai là như vậy.
Nếu khi không cùng ăn với thầy, sa-di phải nhớ bốn điều này: 1. Phải đứng gần mà hầu thầy trong khi thầy ăn. 2. Khi thầy bảo ăn, phải đi cách xa thầy rồi mới được ngồi. 3. Phải cúi đầu lễ lạy thầy. 4. Trong khi ăn không được có những cử chỉ đùa cợt, múa máy tay chân. Ăn xong, lại phải đến gần đứng hầu thầy. Thầy có bảo ngồi mới được trở lại chỗ cũ mà ngồi. Phép tắc khi không cùng ăn với thầy là như vậy.
Khi vào nơi xóm làng khất thực, sa-di phải nhớ bốn điều này: 1. Phải ôm bát cho thầy. 2. Phải đi theo sau thầy, nhưng không được đạp chân lên bóng thầy. 3. Khất thực xong, ra khỏi xóm làng phải dâng bát cho thầy. 4. Khi khất thực trong xóm, như muốn đi riêng một mình thì phải nói cho thầy biết.
Khi khất thực rồi, nếu cùng thầy trở về chùa để ăn, sa-di phải nhớ bốn điều này: 1. Phải đến trước mở cửa phòng thầy và dọn chỗ ngồi. 2. Rửa tay cho thầy xong mới tự rửa cho mình. 3. Dâng bát cho thầy xong, đứng chắp tay hầu thầy. 4. Phải chuẩn bị đầy đủ nước uống, khăn lau tay… các thứ. Phép tắc khi cùng thầy trở về chùa ăn cơm là như vậy.
Khi khất thực rồi, nếu cùng thầy đến chỗ ven bờ nước để ăn, sa-di phải nhớ bốn điều này: 1. Phải tìm chỗ sạch sẽ. 2. Phải tìm cỏ mang đến trải chỗ ngồi. 3. Phải đi lấy nước rửa tay cho thầy xong, mới tự rửa tay cho mình. Xong rồi, mới dâng bát cho thầy. 4. Khi thầy bảo ăn thì phải lễ thầy rồi mới ngồi xuống ăn. Phép tắc khi cùng thầy đến chỗ bờ nước để ăn là như vậy.
Khi khất thực rồi cùng thầy đến ăn dưới bóng cây, sa-di phải nhớ bốn điều này: 1. Treo bát lên cành cây rồi hái lá cây trải chỗ ngồi. 2. Đi múc nước rửa tay cho thầy. Như không có nước, phải lấy cỏ sạch cho thầy lau tay. 3. Lấy bát xuống dâng cho thầy. 4. Thầy ăn xong, rửa bát cho thầy. Như không có nước thì dùng cỏ sạch mà lau bát. Phép tắc khi cùng thầy đến chỗ bóng cây để ăn là như vậy.
Khi không đi khất thực cùng với thầy, nhưng khất thực xong gặp thầy giữa đường, sa-di phải nhớ ba điều này: 1. Đặt bát xuống nơi đất sạch, đến làm lễ thầy. 2. Ước định thời gian xem đã đến giờ phải đi nhanh về chưa, hay có thể thư thả trên đường. 3. Khi đi về, ôm bát cho thầy và đi theo phía sau. Phép tắc khi đi khất thực xong gặp thầy giữa đường là như vậy.
Việc chia sẻ thức ăn với thầy, sa-di phải nhớ hai điều này: 1. Như trong bát của thầy không có món gì ngon, phải lấy các món ngon mình có được mà dâng cho thầy. Nếu thầy không nhận, chỉ lùi lại mà đứng bên. 2. Sau đó lấy cơm trong bát của thầy ra một nửa, đặt lên một chỗ lá sạch trên đất sạch. Rồi lấy cơm và thức ăn trong bát mình ra một nửa, đặt vào bát thầy, lấy chỗ cơm của thầy đặt trở lại vào bát mình. Phép tắc chia sẻ thức ăn với thầy là như vậy.
Việc đổi bát với thầy, sa-di phải nhớ ba điều này: 1. Nếu trong bát thầy có nhiều món ngon, trong bát mình không có, thì không được chuyển đổi. 2. Nếu thầy muốn đổi, phải chối từ. 3. Nếu thầy vẫn quyết lòng bảo đổi thì nên nhận, ăn xong rửa bát sạch và giao lại cho thầy. Phép tắc chuyển đổi bát với thầy là như vậy.
Ngồi ăn chung đối diện với thầy, sa-di phải nhớ ba điều này: 1. Phải dâng bát cho thầy trước rồi mới được ngồi ăn. 2. Phải thường để ý xem thầy có cần thêm món chi không. Nếu có, phải đứng dậy đi lấy cho thầy. 3. Sa-di không được ăn quá nhanh, cũng không được ăn chậm đứng dậy sau thầy. Phải hỏi xem thầy cần gì nữa không. Thầy bảo dẹp bát thì mới mang đi rửa. Phép tắc khi ngồi ăn chung với thầy là như vậy.
Khi hầu thầy ăn trước , sa-di phải nhớ ba điều này: 1. Dâng bát cho thầy xong, lui ra đứng ở chỗ khuất, lắng nghe khi thầy có gọi phải đáp ngay. 2. Phải chuẩn bị trước nước cho thầy rửa tay, để sẵn một bên. 3. Thầy ăn xong, rửa tay cho thầy rồi đứng hầu bên. Chờ thầy bảo đi ăn mới làm lễ thầy rồi đi ăn. Phép tắc khi hầu thầy ăn trước là như vậy.
Ăn xong, khi rửa bát sa-di phải nhớ ba điều này: 1. Rửa bát cho thầy trước, rửa rồi mang đặt trên lá cây sạch. 2. Sau đó rửa bát của mình, cũng đặt trên lá cây sạch. Khi đã ráo nước, lấy bát của thầy trước, dùng tay lau sạch lần nữa rồi cất vào trong túi vải. 3. Xong rồi mới trở lại lấy bát của mình, cũng làm cho khô sạch rồi mang cất như vậy. Phép tắc rửa bát làm cho khô ráo là như vậy.
Sau khi đã rửa bát xong, nếu thầy muốn đi viếng thăm ai đó, bảo sa-di đi về chùa một mình, phải nhớ ba điều này: 1. Phải lễ lạy thầy trước khi về chùa. 2. Đi về một mình không được vào nơi chỗ những đám đông để đùa nghịch, cười giỡn. 3. Đi thẳng về chùa lo việc học kinh.
Sống chung trong chúng tăng, sa-di phải nhớ năm điều này: 1. Phải học hỏi cho rõ biết. 2. Phải tập làm công việc chung. 3. Giúp ích cho mọi người khi cần đến. 4. Các thầy tỳ-kheo sai việc gì thì phải vâng làm. 5. Phải cầu cho khi thọ giới cụ túc được Tam sư chuẩn thuận dễ dàng.
Lại còn phải nhớ năm điều này nữa: 1. Phải thường lễ bái Phật. 2. Phải thường lễ bái chư Tăng. 3. Phải biết hỏi han các vị tôn túc trên dưới trong chúng. 4. Phải tránh chỗ ngồi của các vị thượng tọa. 5. Không được tranh giành chỗ ngồi.
Lại còn năm điều này nữa: 1. Đang ở chỗ ngồi, không được gọi người ở xa mà cười cợt, nói đùa. 2. Không được đứng lên đi ra ngoài nhiều lần. 3. Có ai gọi tên mình, phải đứng dậy đáp ngay. 4. Phải tuân theo sự sai khiến của chúng tăng. 5. Khi thầy chấp sự sai bảo việc gì, phải về báo cho thầy mình biết.
Phép tắc sống chung trong chúng tăng là như vậy.
Khi được giao làm trực nhật, sa-di phải nhớ năm điều này: 1. Phải giữ gìn đồ dùng chung của chúng tăng. 2. Không được làm việc gì choán giữa đường đi. 3. Làm việc chưa xong không được giữa chừng bỏ đi. 4. Nếu các thầy hòa thượng, a-xà-lê có việc gọi, không được tự ý đến ngay, phải báo với thầy chấp sự. 5. Mọi việc phải vâng theo lời chỉ dạy của thầy chấp sự, không được sai phạm. Phép tắc làm trực nhật là như vậy.
Khi đi hái rau, sa-di phải nhớ năm điều này: 1. Hái rau phải chừa gốc. 2. Phải sắp bó rau cho bằng một đầu. 3. Không được để lẫn lá xanh, lá úa. 4. Rửa rau phải thay nước ba lần, xong rồi cầm bó rau mà rảy mạnh ba lần cho ráo nước. 5. Làm xong mọi việc rồi, phải quét dọn sạch chỗ làm.
Lại còn năm điều này nữa: 1. Không được lén lấy đồ dùng chung của chúng tăng. 2. Nếu muốn dùng đến món đồ nào, phải hỏi thầy chấp sự. 3. Phải gắng hết sức mà làm công việc chung của chúng tăng. 4. Trong nhà ăn, phải quét dọn trước rồi mới trải khăn lên bàn. 5. Hai buổi sáng chiều phải lo quét dọn nhà tiêu, xách nước đổ vào và đổ tro trên hầm tiêu.
Đi gánh nước, sa-di phải nhớ mười điều này: 1. Tay dơ không được đi lấy nước, phải rửa tay sạch trước. 2. Thả gàu xuống giếng múc nước không được thả mạnh giữa giếng phát ra tiếng động. 3. Phải thả xuống từ từ, không được khua mạnh sang hai bên làm phát ra tiếng động. 4. Khi kéo nước lên không được thòng đầu dây trở lại xuống giếng gây tiếng động. 5. Không được để dây trên thành giếng. 6. Không được bỏ gàu xách nước vào trong nồi nấu ăn. 7. Không được để gàu dưới đất. 8. Phải rửa gàu cho sạch. 9. Khi gánh nước, phải đi chậm chậm. 10. Đặt xuống nghỉ phải chọn chỗ khuất vắng, không được choán giữa đường đi.
Khi rửa nồi nấu ăn, sa-di phải nhớ năm điều này: 1. Trước hết phải rửa sạch trên miệng nồi. 2. Sau đó rửa phía trong từ trên xuống dưới. 3. Rửa nơi hông nồi. 4. Rửa dưới đáy nồi. 5. Phải rửa qua ba nước.
Thổi lửa trong nhà bếp, sa-di phải nhớ năm điều này: 1. Không được ngồi xổm thổi lửa. 2. Không được đun củi tươi. 3. Không được đun củi ướt. 4. Không được đun củi mục. 5. Không được dùng nước mà tưới cho tắt lửa.
Khi quét rác, sa-di phải nhớ năm điều này: 1. Phải quét thuận theo chiều gió. 2. Phải rưới nước trên đất cho đều, không để chỗ nhiều chỗ ít. 3. Đừng làm nước văng lên dơ bốn phía vách. 4. Không giẫm đạp lên chỗ đất ướt. 5. Quét xong phải hốt rác ngay và mang đổ đúng nơi.
Trong khi chúng tăng đang ăn, sa-di có quét rác phải nhớ năm điều này: 1. Phải quay lưng đi lui mà quét theo hàng ghế ngồi của chúng tăng. 2. Không được quét hất lên cao. 3. Quét qua một khoảng sáu người ngồi thì gom rác lại một chỗ. 4. Phải quét cho thật sạch hết rác. 5. Sau cùng thì tự tay hốt rác mang đổ nơi khác.
Khi cầm bình xối nước cho chúng tăng rửa tay, sa-di phải nhớ năm điều này: 1. Khi cầm bình phải dùng hai tay, một tay trên, một tay dưới, xối một chỗ không được di chuyển qua lại. 2. Khi xối phải đứng gần, phía trước, bên trái, cầm chắc bình và nhìn chăm chú. 3. Xối nước không được nhiều quá hoặc ít quá, xối vừa đủ đúng vào giữa lòng hai bàn tay dụm lại. 4. Phải giữ miệng bình cao hơn bàn tay người rửa vừa đúng bốn tấc. Nếu nước còn trong bình không đủ cho một người rửa thì không xối nữa, phải đi lấy thêm. 5. Khi xong việc, phải rửa tay sạch rồi mới được trở lại mặc áo cà-sa.
Sa-di cầm thau hứng nước chúng tăng rửa tay, phải nhớ năm điều này: 1. Không được khua thau làm phát ra tiếng động. 2. Phải dùng cả hai tay mà cầm cho chắc chắn, đứng phía bên trái. 3. Cầm thau phải tùy theo người rửa tay mà để cho vừa vặn, không cao quá hoặc thấp quá, không được quay nhìn hai bên, phải chăm chú vào việc mình làm. 4. Khi nước trong thau vừa đầy phải mang đi đổ, không được để tạt ra ngay trước mặt người. 5. Khi xong việc, phải rửa tay sạch rồi mới được trở lại mặc áo cà-sa.
Sa-di cầm khăn cho chúng tăng lau tay phải nhớ năm điều này: 1. Phải cầm bằng hai tay, tay trái cầm đầu dưới thấp, tay phải cầm đầu trên cao. 2. Đứng cách người lau tay chừng ba thước và đừng đụng vào đầu gối của người ấy. 3. Không được đưa khăn ngang mặt người. 4. Khi người lau chưa xong, chưa được lấy khăn đi. Khi lau xong, trả khăn lại cho từng người hoặc mang treo vào nơi chỗ cũ. 5. Khi xong việc, phải rửa tay sạch rồi mới được trở lại mặc áo cà-sa.
Trông coi giày dép cho chúng tăng, sa-di phải nhớ năm điều này: 1. Mang giày dép của chúng tăng ra ngoài phủi cho sạch bụi bặm khi mọi người còn ngồi bên trong. 2. Bắt đầu từ giày dép của vị thượng tọa trước. 3. Khi mọi người rửa tay rồi, sa-di phải mang đến để mỗi người tự nhận lấy giày dép của mình. 4. Khi mang giày vào phải chú ý không để lộn bên. 5. Khi xong việc, phải rửa tay sạch rồi mới được trở lại mặc áo cà-sa.
Khi rửa bát, sa-di phải nhớ bảy điều này: 1. Khi trong bát còn cơm thừa, không được để vậy mà rửa. 2. Muốn đổ bỏ đi, phải chọn nơi đất sạch. 3. Phải dùng loại nước làm sạch để rửa hoặc lấy búi cỏ chà cho sạch. 4. Rửa bát không được rửa ở nơi kín đáo, phải gần chỗ có người qua lại. 5. Phía dưới chỗ rửa bát phải trải nhánh cây cho khỏi văng đất. 6. Phải rửa nhiều nước cho sạch, nhưng không được đổ nước ra xa làm vấy dơ người. 7. Khi đổ nước trong bát ra, phải để bát cách đất bốn tấc, không được cao hơn hoặc thấp hơn.
Khi lau bát, sa-di phải nhớ năm điều: 1. Phải rửa sạch trước rồi mới lau cho khô. 2. Phải dùng khăn sạch. 3. Phải lau kỹ cho khô phía trong bát trước. 4. Đã lau bên ngoài rồi thì không được lau trở lại bên trong lần nữa. 5. Bát đã lau khô phải lấy khăn sạch mà che phủ lên.
Mang túi xách theo hầu thầy đi thọ trai chung với chúng tăng, khi giữ bát sa-di phải nhớ năm điều: 1. Không được đặt xuống đất. 2. Không được khua bát gây ra tiếng động. 3. Không được bỏ cây tăm xỉa răng vào trong bát. 4. Khi có người đến bày bàn, không được để bát lên mặt bàn. 5. Không được đứng phía sau đưa bát cho người, phải đứng ngay ngắn phía trước, cũng không được chen lấn với người khác. Khi thấy thầy ăn xong, phải đứng dậy đến lấy bát ngay rồi mới trở lại chỗ ngồi. Phép tắc giữ bát cho thầy là như vậy.
Thầy sai đến viếng người khác, sa-di phải nhớ bảy điều này: 1. Thẳng đường mà đi ngay đến nơi, không được ghé qua nơi nào cả. 2. Thẳng đường mà về, không được ghé vào đâu cả. 3. Phải nhớ đúng lời nhắn của thầy và lời phúc đáp của người ấy. 4. Không được đi rong chơi đây đó. 5. Dù người có lưu giữ cũng không được ở lại ngủ đêm. 6. Không được có ý bàn bạc, nhận xét về lời nhắn của thầy. 7. Khi đi ngoài đường, phải giữ đúng phép tắc.
Sa-di không được vào phòng của các thầy tỳ-kheo, trừ ra có ba nguyên do: 1. Nếu thầy hòa thượng hoặc thầy giáo thọ sai đến thì được. 2. Nếu vào để làm công việc thì được. 3. Nếu muốn vào để hỏi nghĩa kinh thì được.
Sa-di vào phòng một vị tỳ-kheo, phải nhớ bảy điều này: 1. Phải gõ cửa ba lần. 2. Không được đứng ngay lối ra, hoặc đứng che mất ánh sáng. 3. Không được nói lan man chuyện người khác. 4. Hai tay phải chắp lại theo đúng phép tắc. 5. Như thầy tỳ-kheo bảo ngồi, không được ngồi tréo chân. 6. Không được cãi cọ hay nói nghịch. 7. Không được đứng ngay trước mặt người. Khi trở ra, phải quay lại rồi đi tới, không được đi thụt lùi.
Khi một mình đi xa, sa-di phải học ba điều này: 1. Như người ta hỏi thầy mình tên gì, phải biết mà trả lời. 2. Như người ta hỏi thầy mình thọ giới tỳ-kheo được bao lâu, cũng phải biết mà trả lời. 3. Như người ta hỏi thầy mình quê quán ở đâu, cũng phải biết mà trả lời.
Lại như người ta muốn hỏi những điều như vậy về thầy giáo thọ, cũng phải biết mà trả lời.
Lại như người ta hỏi về bản thân mình, hỏi thọ giới sa-di lúc nào, thì phải nhớ cho rõ năm, tháng, ngày, giờ mình vào đạo.
Khi vào nhà tắm chung, sa-di phải nhớ năm điều này: 1. Cúi đầu xuống mà đi vào. 2. Không được đến gần các vị thượng tọa. 3. Các vị thượng tọa đang đọc chú, không được nói chuyện ồn. 4. Không được chơi trò tạt nước lẫn nhau. 5. Không được lấy nước để tạt cho tắt lửa.
Lại phải nhớ năm điều này: 1. Không được bàn luận, cãi cọ. 2. Không được làm bể chậu tắm. 3. Không được dùng nước hoang phí. 4. Không được làm đổ xà-phòng, dầu gội trong bồn nước. 5. Phải tắm nhanh mà ra, không được giặt đồ trong nhà tắm.
Khi vào nhà tiêu, sa-di phải nhớ mười điều này: 1. Biết mình cần đi tiêu hoặc đi tiểu thì nên đi ngay. 2. Khi đi chỉ nhìn thẳng, không được ngoái nhìn qua hai bên. 3. Đến nơi đứng trước cửa gõ cửa ba lần. 4. Khi trong cầu có người, không được hối thúc. 5. Đã lên ngồi trên bàn cầu rồi, lại phải búng móng tay ba lần. 6. Khi đi tiêu đừng rặn lớn tiếng. 7. Không được cúi đầu xuống mà nhìn bộ phận sinh dục. 8. Không được quậy xốc tro trong hầm lên. 9. Không được rảy nước lên vách tường. 10. Đi tiêu xong phải rửa tay. Chưa rửa tay không nên cầm vào vật gì cả.
Lại còn phải nhớ năm điều này: 1. Không được khạc nhổ lên vách tường trước mặt. 2. Không được liếc mắt nhìn sang hai bên. 3. Không được dùng vật gì để vẽ hình trên vách tường hay trên mặt đất. 5. Không được ngồi lâu trên hố xí, phải nhanh chóng đi xong ra ngay. Khi đi về, như có gặp ai cũng không nên làm lễ, chỉ đứng nép qua để tránh đường là được rồi.
Khi thầy dặn bảo, sa-di phải nhớ hai điều: 1. Không được lên tiếng cãi lại. 2. Không được tự làm theo ý mình.
Khi lễ lạy thầy, sa-di phải nhớ mười điều này: 1. Thầy đang gội đầu không nên làm lễ. 2. Thầy đang ngồi thiền không nên làm lễ. 3. Thầy đang đi kinh hành không nên làm lễ. 4. Thầy đang ăn không nên làm lễ. 5. Thầy đang giảng kinh không nên làm lễ. 6. Khi gặp thầy nhưng không đứng ngay trước mặt thì không nên làm lễ. 7. Thầy đang chải răng không nên làm lễ. 8. Muốn vào phòng thầy làm lễ, phải gõ cửa phòng ba tiếng. Thầy không trả lời thì nên rời đi. 9. Khi làm lễ không được đứng cách xa thầy quá bảy bước. 10. Khi cửa phòng thầy mở, nên vào làm lễ thầy.
Sáng sớm vào phòng thầy phải nhớ năm điều này: 1. Xếp dọn ngay ngắn mùng mền chiếu gối. 2. Mang ống nhổ (hoặc bô vệ sinh) đi đổ. 3. Quét phòng cho sạch. 4. Hỏi thầy nghĩa kinh. 5. Mang đồ dùng cho thầy.
Xếp ba tấm y của thầy, phải nhớ năm điều này: Không được đứng trước mặt thầy mà xếp. 2. Phải đứng nép qua bên trái. 3. Phải chú ý phân biệt bề mặt, bề trái. 4. Không được xếp ngược chiều. 5. Phải mang cất vào đúng nơi.
Khi theo thầy đến nhà ai, sa-di phải nhớ năm điều này: 1. Phải chú ý, không được đi lố qua khỏi nhà người ấy. 2. Không được dừng trên đường đi để nói chuyện với người khác. 3. Khi đi, một mực nhìn thẳng, không được quay nhìn sang hai bên. 4. Phải cúi đầu xuống đi theo sau thầy. 5. Khi đến nhà người rồi, đứng nép một bên thầy, khi nào thầy bảo ngồi mới được ngồi.
Lo những đồ cần dùng cho thầy, sa-di phải nhớ năm điều này: 1. Chuẩn bị cây chải răng. 2. Chuẩn bị nước súc miệng hoặc xà-phòng. 3. Không được dùng nước cũ trong chậu. 4. Phải đi lấy nước mới đổ vào. 5. Lấy khăn cho thầy dùng xong phải giặt sạch.
Khi đi tắm rửa, sa-di phải nhớ năm điều này: 1. Không được quay về phía tháp. 2. Không được quay về phía thầy hòa thượng. 3. Không được quay về phía thầy giáo thọ. 4. Phải tìm chỗ kín đáo. 5. Phải tự xách nước tắm rửa, không được dùng nước do người khác mang đến sẵn.
Khi chiều tối vào phòng thầy, phải nhớ năm điều này: 1. Quét dọn cho sạch giường thầy. 2. Soạn sửa mùng mền, chiếu gối. 3. Mang ống nhổ (hoặc bô vệ sinh) vào cho thầy. 4. Thắp đèn lên cho sáng. 5. Khi thầy bảo đi nghỉ thì đi ra, nhớ khép cửa phòng lại sau lưng.
Sa-di theo thầy học kinh phải nhớ năm điều này: 1. Sửa lại y phục cho ngay ngắn, nghiêm chỉnh. 2. Phải chắp hai tay làm lễ thầy. 3. Không được đứng ngay phía trước mặt thầy. 4. Hai chân phải thẳng, không được dạng ra. 5. Lưng hơi cúi xuống một chút.
Khi mặc ba tấm y vào cho thầy, sa-di phải nhớ năm điều này: 1. Phải rửa tay cho sạch. 2. Trước hết mặc tấm y an-đà-vệ, tức là áo lót ở trong cùng. 3. Kế đến mặc tấm y uất-đa-la-tăng. 4. Cuối cùng mới mặc tấm y tăng-già-lê ở ngoài cùng. 5. Xong rồi lấy khăn đưa cho thầy.
Khi rửa bát, sa-di phải nhớ năm điều này: 1. Phải lấy nước tro mà rửa. 2. Hoặc dùng xà-phòng hay chất tẩy rửa khác. 3. Khi rửa, để bát cách mặt đất bảy tấc. 4. Không được gây tiếng động. Phải thay nước ba lần và đổ nước đúng chỗ, không được đổ tràn ra đất. 5. Rửa xong phơi bát cho khô ráo.
Khi quét rác, sa-di phải nhớ năm điều này: 1. Không được quay lưng về phía thầy. 2. Không được quét ngược gió. 3. Phải quét kỹ cho sạch sẽ. 4. Quét xong không được để lại dấu chân. 5. Vừa quét xong phải hốt rác đi đổ ngay.
Theo thầy đến nhà của thí chủ, sa-di phải nhớ năm điều này: 1. Phải mang bát cho thầy. 2. Phải mang khăn cho thầy. 3. Đến nơi phải gõ cửa. 4. Vào nhà thí chủ rồi phải lấy nước sạch mà rửa bát. 5. Khi thầy đã ngồi thì đến dâng khăn, dâng bát cho thầy, rồi mới lui lại ngồi nơi chỗ của mình.
Đi vào phòng tắm, sa-di phải nhớ năm điều này: 1. Không được vào trước thầy. 2. Vào trong rồi, không được đứng trước chỗ ngồi của thầy. 3. Thầy chưa xối nước trước, phải đợi. 4. Cởi áo bày lưng trần phải xin phép thầy. 5. Nếu tắm xong, có thể mặc áo vào trước.
Phép tắc oai nghi cũng như việc thăm hỏi thầy hai buổi sáng chiều phải nhớ mười ba điều này: 1. Phải dậy sớm, súc miệng sạch sẽ. 2. Phải chỉnh đốn y phục cho ngay ngắn, tề chỉnh. 3. Trước hết phải thưa hỏi sức khỏe của thầy. 4. Như thầy muốn đi ra, phải chuẩn bị đủ các món cần thiết cho thầy. 5. Đi theo sau không được dẫm đạp lên dấu chân thầy. 6. Muốn vào phòng thầy, phải đứng bên ngoài mà gõ cửa ba lần, chờ thầy lên tiếng rồi mới được vào. 7. Khi lễ bái đầu và mặt đều phải sát đất. 8. Nếu thầy có bảo ngồi xuống, phải khước từ ba lần rồi mới nên ngồi. 9. Khi ngồi phải cho nghiêm trang. 10. Nếu thầy có hỏi phải tùy câu hỏi mà đối đáp rõ ràng. 11. Nếu thầy không nói gì thì chỉ được ngồi yên lặng. 12. Khi xong việc muốn lui ra cũng phải lễ bái như lúc mới đến. 13. Ra khỏi phòng thầy rồi phải xoay người mà đi thẳng về.
Khi rửa bình chứa nước cho thầy, sa-di phải nhớ mười lăm điều này: 1. Phải rửa kỹ cho thật sạch. 2. Rửa xong phải mang cất vào đúng chỗ. 3. Phải xách nước sạch đổ vào đầy bình. 4. Không được dùng nước cũ còn lại. 5. Phải chuẩn bị nhành dương cho thầy. 6. Khi bẻ nhành dương, phải theo đúng như phép tắc. 7. Khi rửa bình phải để cách đầu gối mình một thước. 8. Khi cầm bình phải dùng cả hai tay. Tay trái nắm phía trên, tay phải đỡ bên dưới bình. 9. Xối nước rửa vừa phải, không quá nhiều hoặc quá ít. 10. Không được va chạm gây ra tiếng động. 11. Khăn của thầy phải để đúng chỗ thường ngày. 12. Khi lấy khăn dâng cho thầy phải dùng hai tay. Tay trái cầm khăn, chuyển sang tay mặt mà dâng cho thầy. 13. Muốn đổ bỏ nước dơ cũng phải mang đổ đúng chỗ. 14. Không được tạt nước ra chỗ đất sạch. 15. Khăn dùng xong phải cất lại đúng vào chỗ cũ.
Buổi sáng sa-di quét dọn giường chiếu và phòng thầy phải nhớ tám điều: 1. Thường quay về phía thầy. 2. Không được quay lưng đi lui. 3. Rưới nước để quét phải nhẹ tay và đều đặn, chẳng để có chỗ nhiều chỗ ít. 4. Dùng đồ hốt bụi phải để quay vào phía mình. 5. Hốt bụi dơ đi đổ phải đúng chỗ. 6. Phải phủi, quét cho thật sạch giường, chiếu. 7. Phải xếp gọn mền, chiếu, y phục cho ngay ngắn. 8. Phủi bụi trên giường thầy không được gây ra tiếng động.
Hầu thầy ăn cơm, sa-di phải nhớ mười bốn điều. 1. Phải chuẩn bị khăn sạch cho thầy. 2. Bước đến dâng bát cho thầy phải đặt cả hai tay đỡ phía dưới bát mà dâng lên. 3. Phải từ phía trước mà đi ngay ngắn đến chỗ thầy. 4. Phải quỳ xuống mà dâng lên. 5. Đang đi đến chỗ thầy không được dừng lại cười nói với người khác. 6. Không được gây tiếng ồn. 7. Các món dâng cho thầy ăn uống đều phải chú ý xem có quá nóng hoặc quá lạnh hay chăng. 8. Phải giữ cho mọi thứ đều sạch sẽ, tinh khiết. 9. Nếu có món nào nhiều phải phân cho đều. 10. Phải đứng hầu thầy nơi chỗ quen thuộc hàng ngày. 11. Phải giữ gìn cử chỉ nghiêm trang. 12. Khi thầy ăn xong, việc thu dọn phải làm thật nhẹ nhàng, từ tốn. 13. Lần lượt theo thứ tự mà dọn dẹp. 14. Dẹp rửa đồ dùng phải theo đúng phép tắc thông thường.
Lấy y và giày dép cho thầy, sa-di phải nhớ mười điều: 1. Tay trái nắm phần trên, tay phải nắm phần dưới. 2. Phải quỳ mà dâng lên cho thầy. 3. Khi xếp áo cà-sa không được dùng miệng mà ngậm chéo áo. 4. Trong khi làm không được khua mạnh gây tiếng động. 5. Khi thầy dùng xong phải mang y cất đúng chỗ như thường lệ. 6. Phải dùng khăn che phủ lên trên. 7. Lấy giày dép cho thầy, trước hết phải gõ nhẹ cho rơi hết bụi bặm. 8. Nhưng không được làm mạnh gây tiếng ồn lớn. 9. Đặt xuống đất phải cho ngay ngắn. 10. Khi thầy dùng xong phải mang cất lại chỗ cũ.
Sa-di nhận bát và rửa bình cho thầy, phải nhớ tám điều: 1. Trước hết phải lau cho sạch. 2. Phải dùng cả hai tay mà đỡ bên dưới. 3. Phải quỳ mà nhận bát do thầy đưa. 4. Khi rửa phải dùng chất làm sạch. 5. Giữ bát trong tay mà rửa. 6. Như có việc gấp phải đi thì nên đi trong buổi sáng. 7. Như có lửa có thể dùng hơ cho khô. 8. Sau đó phải mang cất tất cả vào chỗ cũ thường ngày.
Sa-di nhận gậy của thầy phải nhớ bảy điều: 1. Phải lau chùi cho sạch. 2. Không được chống gậy thầy xuống đất. 3. Không được dùng gậy thầy để chỉ trỏ đùa nghịch. 4. Không được gây tiếng động. 5. Phải dùng hai tay mà nâng gậy lên khi trao cho thầy. 6. Phải quỳ mà dâng lên. 7. Thầy dùng xong phải mang cất vào chỗ cũ.
Sa-di hầu thầy gội đầu phải mặc pháp y và nhớ mười hai điều này: 1. Phải đứng hầu một cách cung kính, làm những việc thầy sai bảo. 2. Có làm gì phải để ý xem cho phù hợp với thời tiết nóng hay lạnh. 3. Phải dọn rửa sạch sẽ nhà tắm. 4. Phải chuẩn bị đủ nước sạch. 5. Phải chuẩn bị dầu gội hoặc xà-phòng. 6. Phải chuẩn bị khăn sạch. 7. Phải chuẩn bị lò lửa cho thầy hơ khi trời lạnh. 8. Phải đứng nghiêm mà hầu bên ngoài, không để cho ai vào. 9. Nếu thầy cạo tóc, phải mang đi đổ đúng chỗ. 10. Như pháp y có bị ướt, phải đợi cho khô. 11. Như có việc gấp cần đi, phải giao phó cho người khác, chẳng được tự tiện bỏ đi. 12. Khi xong việc phải mang cất mọi thứ vào chỗ cũ.
Dâng hương hoa cúng Phật, sa-di phải nhớ bảy điều này: 1. Lau chùi lư hương cho sạch sẽ. 2. Lấy hoa cũ ra bỏ đi. 3. Cho một ít lửa than vào lư hương. 4. Mang hương và hoa cúng Phật bày lên trên tòa trước hết. 5. Cầm cây hương mà đưa thì hai bàn tay phải cách nhau năm tấc. 6. Không được tự mình đốt hương. 7. Xong việc phải dọn dẹp mọi thứ, cất về chỗ cũ.
Thắp đèn trên bàn thờ Phật, sa-di phải nhớ tám điều này: 1. Lấy tim đèn cũ bỏ ra. 2. Chải và chùi ống khói với bình đèn cho sạch. 3. Châm dầu vào cho vừa đầy. 4. Lấy tim đèn sạch thay vào. 5. Đừng để tắt đèn. 6. Buổi sáng, khi thức dậy thì vào xem chừng. 7. Như dầu gần hết thì đem đèn ra ngoài mà châm thêm, để cho vững vàng và đừng cho ngọn lửa gần dầu. 8. Làm xong thì đem để vào đúng chỗ cũ.
Khi hái hoa cúng Phật hay bẻ cành dương, phải nhớ chín điều này: 1. Nếu là nơi có chủ, phải xin phép trước. 2. Như là nơi không có chủ thì đọc chú cầu nguyện trước. 3. Hái hoa hay bẻ cành dương không được làm hại đến gốc, rễ. 4. Phải theo đường thẳng mà đi về cho nhanh. 5. Giữa đường không được chơi đùa, trò chuyện. 6. Như có người trách mắng, phải thận trọng nhẫn nhục, không được to tiếng với người. 7. Cúi đầu xuống mà tự chế ngự mình, không để sanh lòng nóng giận. 8. Nếu muốn dâng hoa, phải dâng lên vị thượng tọa trước. 9. Phải lựa bỏ những hoa khô héo.
Sa-di làm việc gì cũng không được tự theo ý mình, phải nhớ mười tám điều này: 1. Hoặc đi hoặc về, đến những nơi nào, đều phải thưa trước với thầy. 2. Nếu đi ra và ngủ đêm ở ngoài, phải thưa trước với thầy. 3. Nếu may áo cà-sa mới, phải thưa trước với thầy. 4. Muốn mặc áo cà-sa mới, phải thưa trước với thầy. 5. Muốn giặt áo cà-sa, phải thưa trước với thầy. 6. Muốn cạo tóc, phải thưa trước với thầy. 7. Như có bệnh muốn dùng thuốc, phải thưa trước với thầy. 8. Muốn làm việc chung trong chúng tăng, cũng phải thưa trước với thầy. 9. Muốn giữ riêng bút, giấy viết, phải thưa trước với thầy. 10. Tụng kinh, tán kệ phải thưa trước với thầy. 11. Có ai cúng dường vật chi, phải thưa trước với thầy rồi mới được nhận. 12. Muốn đem vật chi mà cho ai, cũng phải thưa trước với thầy, thầy đồng ý mới được cho. 13. Có ai muốn mượn vật chi, phải thưa trước với thầy, thầy đồng ý mới được cho mượn. 14. Muốn mượn của ai món chi, phải thưa trước với thầy, thầy đồng ý mới được mượn. 15. Muốn thưa với thầy điều chi, phải nên sửa sang y phục cho tề chỉnh, làm lễ thầy rồi mới được thưa chuyện. 16. Thưa chuyện xong, dù thầy có đồng ý hay không, cũng phải cung kính làm lễ rồi mới được lui ra. 17. Phải trình bày rõ ràng với thầy những gì mình muốn biết. 18. Không được có ý giận thầy và không nên đối đáp lại.
Theo thầy đi ra ngoài, trước sau phải nhớ mười sáu điều này: 1. Y phục phải chỉnh tề. 2. Phải để ý đến lời nói của mình, đối đáp rõ ràng với người khác, phải mang gậy và khăn cho thầy. 3. Đi theo sau thầy. 4. Không được dẫm lên bóng thầy. 5. Không được lấy gậy của thầy đùa giỡn chạy trước. 6. Giữa đường không được dừng lại nói chuyện với người khác. 7. Không được nói lỗi của thầy. 8. Nếu thầy bảo về phải theo đường cũ mà về. 9. Phải nhớ làm theo lời dặn của thầy. 10. Phải nhanh chóng không được trì trệ. 11. Nếu thầy dạy ở lại vì người đàn việt mà giảng kinh, phải lễ lạy thầy mà vâng theo. 12. Khi chiều xuống phải lo mà về. 13. Không được ở đêm lại. 14. Khi về muốn làm lễ để thưa hỏi chuyện thì trước phải chỉnh đốn y phục. 15. Lễ lạy thầy, đầu và mặt phải cúi sát đất. 16. Phải lễ lạy thầy theo đúng phép tắc.
Khi thầy sai đi một mình đến viếng nhà có người đau hay người chết, phải nhớ chín điều này: 1. Khi đến nhà rồi, đi đứng phải giữ oai nghi phép tắc, có chỗ dọn riêng cho mình thì ngồi, nếu không thì không ngồi. 2. Phải quan sát kỹ lưỡng chỗ ngồi, chiếu trải, không phạm vào phép tắc. 3. Như người có hỏi nghĩa kinh, phải tùy thời thích hợp mà giải đáp. 4. Không phải lúc thích hợp không nên thuyết giảng. 5. Khi chủ nhà dọn cơm, tuy là không đúng giờ, khi ăn cũng không được để mất oai nghi phép tắc. 6. Nên cố gắng trở về chùa cho kịp trong ngày. 7. Không được đi trong lúc đêm tối. 8. Nếu gặp phải lúc có bệnh, hoặc mưa to gió lớn thì có thể châm chế. 9. Khi đã về chùa phải giữ theo phép tắc như cũ.
Nếu trong khi đi đường bất ngờ gặp thầy, phải nhớ sáu điều: 1. Phải chỉnh đốn y phục cho ngay ngắn. 2. Phải cởi giày dép ra. 3. Khi làm lễ phải lạy sát nơi chân thầy. 4. Gặp thầy rồi phải đi theo sau thầy. 5. Nếu ý thầy muốn chia tay, phải làm lễ thầy rồi vâng theo. 6. Tuy là không cùng đi theo thầy, phép tắc vẫn phải giữ như thường.
Khi ăn cơm chung với chúng tăng, phải nhớ mười sáu điều: 1. Nghe tiếng kiền chùy, lập tức phải chỉnh sửa lại y phục cho ngay ngắn. 2. Phải nhanh chóng cởi giày dép đến đứng dưới tháp Phật. 3. Phải đứng cho ngay ngắn, nghiêm trang. 4. Nếu cùng đi theo sau thầy, đến rồi phải đứng ngay ngắn, không được tùy tiện cười nói đùa cợt. 5. Khi các bậc trưởng thượng đọc kinh chú, phải cung kính không được để mất lễ nghi. 6. Trước khi bắt đầu ăn phải quan sát phía trên, phía dưới mình. 7. Không được ngồi ăn phía trước chúng tăng, cũng không được ở phía sau. 8. Không được lớn tiếng khen chê thức ăn ngon dở. 9. Không được ăn miếng quá lớn hoặc quá nhỏ. 10. Khi ăn cẩn thận đừng để nấc, nghẹn lớn tiếng. 11. Không được khua động trong bát gây tiếng động lớn. 12. Không được gõ xuống mặt bàn. 13. Khi ăn không được mong cầu phần mình được nhiều. 14. Không được gắp thức ăn của mình cho riêng người khác hoặc bỏ cho chó ăn. 15. Có người mang thêm thức ăn đến không được nói là mình không cần dùng. 16. Nếu đã no rồi, nên lấy tay che bát lại để từ chối.
Khi đến chỗ chúng tăng thuyết kinh, phải nhớ mười ba điều, dù chỗ hội thuyết kinh ấy là nơi nóng hoặc mát. 1. Chỉnh sửa y phục cho ngay ngắn. 2. Phải đứng ngay ngắn, nhìn thẳng phía trước. 3. Không được giữa đường cùng người khác cười nói. 4. Phải lần lượt lễ bái những bậc trưởng thượng đáng tôn kính. 5. Tùy chỗ thuận tiện mà ngồi, không được có ý chọn lựa. 6. Trên tòa chưa thuyết kinh chưa được ngồi xuống. 7. Khi ngồi xuống phải ngồi cho ngay ngắn, trang nghiêm. 8. Thận trọng không được nói năng bừa bãi. 9. Không được khạc nhổ lớn tiếng. 10. Không được nhổ nước miếng xuống đất sạch, làm điều phạm lễ luật. 11. Nếu sau đến phiên mình giảng kinh thì phải giảng. 12. Nếu chúng tăng có đề cử lên chỗ ngồi cao, phải hết sức thận trọng giữ gìn, không được để mất oai nghi lễ tiết. 13. Nếu trong chúng có kẻ để mất oai nghi, nên chỉ nói điều thiện, giấu điều ác, cẩn thận không được chỉ bày lỗi người.
Lại cũng phải nhớ mười ba điều này nữa, nếu là phiên trực nhật của mình, phải đúng giờ lo việc hành lễ: 1. Nghe tiếng kiền chùy phải chuẩn bị hương lửa cho đầy đủ. 2. Dâng hương như cũ. 3. Sửa sang mọi thứ theo đúng lễ nghi. 4. Quét dọn chỗ ngồi sạch sẽ. 5. Quét đất sạch sẽ theo đúng phép. 6. Như pháp hội có cần dùng đến món gì của đàn việt phải nhớ rõ ràng. 7. Sau khi xong việc phải hoàn trả mọi thứ về đúng chỗ cũ. 8. Phải đến sớm lo việc mở cửa. 9. Nếu có khách lạ, phải đưa đến chỗ thầy hỏi xem nên xếp ngồi nơi nào. 10. Nếu có khách ngủ lại qua đêm, cũng đều chỉnh sửa y phục ngay ngắn đến đứng như thường lệ. 11. Nếu có đối đáp phải rõ ràng, minh bạch. 12. Khi đứng phải ngay ngắn, không mất lễ nghi. 13. Nếu muốn đi ra bên ngoài, phải nhờ người thay thế, không được bỏ trống không có người lo việc.
Trong ngày trực nhật, phải nghiêm túc lo lắng cho những công việc chung của chúng tăng, phải lưu ý mười điều này: 1. Việc xây dựng tháp Phật. 2. Những công việc chuẩn bị ở chỗ giảng đường của chư tăng. 3. Như đang lo việc tạc tượng Phật, phải dậy sớm chuẩn bị đầy đủ mọi thứ. 4. Những thứ cần dùng như đá mài, dao, rìu, cưa… đều phải để đúng chỗ thông thường để mọi người biết mà lấy dùng. 5. Như công việc cần các thứ son, mực, màu tô, phải chuẩn bị đầy đủ để lúc cần dùng không bị thiếu hụt. 6. Phải dọn dẹp các thứ, đặt vào cho đúng chỗ, đúng nơi. … … … 8. Như giao cho ai làm việc gì phải nói cho rõ ràng, không để có sự sai sót. 9. Như có món gì cần phải đi chợ mua, phải báo với thầy chấp sự. 10. Lấy món gì ra dùng mà còn thừa đều phải mang cất về đúng chỗ cũ.
Khi một mình đi ra ngoài, sa-di phải nhớ mười sáu điều: 1. Nên có người cùng đi. 2. Như không có người cùng đi, phải biết rõ chỗ có thể đi đến. 3. Bình bát luôn phải ôm bên hông trái. 4. Khi đi khất thực, đưa bình bát hướng ra bên ngoài. 5. Khất thực xong, khi quay về, nên dấu bình bát vào phía trong. 6. Khi đến trước nhà người, phải thận trọng cân nhắc cử chỉ, không để mất oai nghi. 7. Nhà không có đàn ông thì không nên vào. 8. Nếu muốn ngồi xuống, phải quan sát kỹ chỗ ngồi trước. 9. Như nơi chỗ ngồi ấy có bày binh khí, không nên đến ngồi. 10. Như nơi chỗ ngồi ấy có những vật quý báu đáng giá, không nên đến ngồi. 11. Như nơi chỗ ngồi ấy có những đồ trang sức, y phục của đàn bà, con gái, không nên đến ngồi. Không có các điều trên thì có thể đến ngồi. 12. Như chủ nhân mời cơm thì có thể nhận. 13. Khi dùng cơm phải chú nguyện cho gia chủ. 14. Khi ăn không được nói việc ngon hay dở. 15. Không được ăn trước rồi mới thuyết kinh. 16. Dù muốn thuyết kinh cũng phải biết lúc nào thích hợp.
Khi cần phải đến chợ mua bán vật gì, phải nhớ chín điều: 1. Phải cúi đầu mà đi thẳng đến nơi, về thẳng đến chốn. 2. Như có thấy việc lạ cũng không được đến xem. 3. Không được trả giá đắt, rẻ. 4. Không dừng nghỉ nơi quán có đàn bà, con gái. 5. Như có bị người khác gây gổ, xúc phạm, nên tìm cách tránh đi, không nên cố theo để cầu mua được giá rẻ. 6. Cần mua món gì thì nói thẳng ra ngay, không được có ý quanh co rào đón như người thế tục. 7. Đã chịu giá mua của ai, cho dù người khác có bán rẻ hơn cũng không bỏ đi, khiến cho người kia phải tức giận. 8. Như có gặp nhiều người mua bán các món tốt xấu khác nhau, không thể nhận lấy như nhau, chỉ nên nói là theo pháp không như vậy được. 9. Thận trọng không nên bảo lãnh cho người khác mà thành ra mắc nợ.
Nếu thầy có sai bảo đến chùa của các vị ni cô, phải nhớ chín điều: 1. Nên có người cùng đi. 2. Đến nơi nên lễ tháp Phật trước, làm gì cũng phải theo đúng như pháp. 3. Như có chỗ ngồi dành riêng cho mình thì ngồi, bằng không thì không ngồi. 4. Như có người bệnh muốn hỏi nghĩa kinh thì tùy theo chỗ nên thuyết mà thuyết. 5. Không được thuyết kinh không phải lúc. 6. Không được nói người khác là sai trái. 7. Như các ni cô có cúng dường các món y phục, khăn, giày dép tốt đẹp, cũng không được nhận. 8. Khi trở về không được nói lại chuyện tốt hoặc xấu ở chùa ni. 9. Không được nói với người khác là nên cúng dường cho mình.
Giảng giải kinh pháp phải nhớ tám điều: 1. Phải xem xét đến những chỗ hiểu chẳng đồng nhau. 2. Không được cố chấp lúc nào cũng cho mình là đúng, kẻ khác là sai. 3. Với bạn đồng học nếu có tranh chấp chỉ nên hòa giải, không nên tranh hơn. 4. Trong khi làm những việc chung nặng nhọc cho chúng tăng, không được tỏ bày sự khổ nhọc của mình để kể công. 5. Khi các thầy tỳ-kheo thuyết giới, cẩn thận không được lén nghe. 6. Biết mình có lỗi với người khác phải tự nói lời xin lỗi rồi cùng họ hòa giải. 7. Nếu thầy có hỏi việc người khác nói mình có lỗi, phải đúng như sự thật mà trình với thầy. 8. Không được dấu giếm, phải chân thành nhận lỗi.
Ngày đêm thường nhớ việc tụng kinh, học đạo, phải biết 10 điều này: 1. Y phục phải chỉnh sửa cho ngay ngắn. 2. Nếu đi kinh hành phải đến những chỗ thường ngày. 3. Đọc kinh phải đứng ngay ngắn trong khoảng giữa. 4. Hoặc đến nơi giảng đường. 5. Hoặc nơi dưới tháp Phật. 6. Hoặc trong nhà ăn của chúng. 7. Không được mang giày dép mà tụng kinh. 8. Không được mang guốc gỗ tụng kinh. 9. Không được cầm gậy tụng kinh. 10. Không được nằm tụng kinh.
° ° °
Ngoài những oai nghi phép tắc như trên, sa-di còn phải vun bồi năm đức này:
1. Phát tâm lìa bỏ thế tục, lúc nào cũng nghĩ nhớ đến đạo pháp.
2. Xả bỏ sự trang sức tốt đẹp cho bản thân, chỉ dùng y phục theo đúng pháp.
3. Lìa bỏ vĩnh viễn thân thuộc ái luyến, không còn phân biệt kẻ thân người sơ.
4. Xả bỏ thân mạng chỉ nghĩ đến việc tôn sùng đạo pháp.
5. Lòng chỉ muốn cầu được đạo Đại thừa, cứu độ muôn người.
LỄ THỌ GIỚI SA-DI NI
Nghi thức thọ giới này trích dịch trong quyển Yết-ma do ngài Đàm-đế, người Thiên Trúc dịch năm 254.
Như người muốn xuống tóc trong chùa ni nào, phải thưa với tất cả chúng ni tăng ở đó. Như chúng ni tăng không hội lại một chỗ thì phải đi đến từng người thưa rõ việc xin xuống tóc. Như chúng ni tăng đã hội lại đủ, phải thưa trước chúng ni tăng rồi sau mới được xuống tóc. Vị ni sư đỡ đầu thưa như thế này:
Kính bạch chư đại tỷ tăng! Đệ tử đây tên là…(tên người xuống tóc) …, đã xin với tôi là …(tên vị ni sư) … cho được xuống tóc. Như chư đại tỷ tăng thấy đây là lúc thích hợp và ưng thuận, xin nhận cho đệ tử …(tên người xuống tóc) … xuống tóc.
Nếu như người muốn xuất gia giữa chúng ni tăng ở nơi nào, phải thưa xin với hết thảy chúng ni tăng nơi ấy. Như chúng ni tăng chẳng hội lại một chỗ, phải đến từng nơi mà thưa rõ việc xin xuất gia. Như chúng ni tăng đã hội lại đủ, vị ni sư đỡ đầu đứng trước đại chúng mà thưa như thế này:
Kính bạch chư đại tỷ tăng! Đệ tử đây tên là…(tên người xuất gia) …, đã xin với tôi là …(tên vị ni sư) … cho được xuất gia. Như chư đại tỷ tăng thấy đây là lúc thích hợp và ưng thuận, xin nhận cho đệ tử …(tên người xuất gia) … xuất gia.
Bạch như vậy rồi, nếu chúng ni tăng ưng thuận cho xuất gia, ni sư dạy đệ tử mặc áo cà-sa vào, vai bên phải để trần, lộ cánh tay mặt ra, lại cởi bỏ giày dép, quỳ gối phải sát đất, hai tay cung kính chắp lại. Rồi ni sư dạy cho bạch như thế này:
Đệ tử tên là … , nguyện quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, noi theo gương Phật xuất gia, xin thỉnh ni sư … (tên vị hòa thượng ni sư) làm hòa thượng ni, nhận đức Như Lai chân đẳng chánh giác là bậc Thế Tôn của đệ tử.
Lập lại như thế ba lần rồi, lại bạch tiếp như thế này:
Đệ tử tên là … , nay đã quy y Phật, đã quy y Pháp, đã quy y Tăng, noi theo gương Phật xuất gia, đã thỉnh ni sư … (tên vị hòa thượng ni sư) làm hòa thượng, nhận đức Như Lai chân đẳng chánh giác là bậc Thế Tôn của đệ tử.
Lại cũng lập lại như vậy ba lần. Rồi ni sư giáo thọ mới tuyên đọc lần lượt mười giới của sa-di ni, cụ thể như sau:
1. Giới luật của sa-di ni là trọn đời không được sát sanh. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di ni đáp: Thưa được.
2. Giới luật của sa-di ni là trọn đời không được trộm cắp. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di ni đáp: Thưa được.
3. Giới luật của sa-di ni là trọn đời không được dâm dục. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di ni đáp: Thưa được.
4. Giới luật của sa-di ni là trọn đời không được nói dối. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di ni đáp: Thưa được.
5. Giới luật của sa-di ni là trọn đời không được uống rượu. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di ni đáp: Thưa được.
6. Giới luật của sa-di ni là trọn đời không được dùng các thứ hoa, hương, dầu thơm để tô điểm lên thân thể. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di ni đáp: Thưa được.
7. Giới luật của sa-di ni là trọn đời không được ca múa, hát nhạc, cũng không đến xem hoặc nghe người khác. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di ni đáp: Thưa được.
8. Giới luật của sa-di ni là trọn đời không được nằm, ngồi trên giường ghế cao rộng. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di ni đáp: Thưa được.
9. Giới luật của sa-di ni là trọn đời không được ăn trái giờ. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di ni đáp: Thưa được.
10. Giới luật của sa-di ni là trọn đời không được cất giữ tiền, vàng bạc, vật quý giá. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di ni đáp: Thưa được.
Đó là mười giới của sa-di ni, phải giữ trọn đời không được hủy phạm. Đệ tử có thể vâng làm không?
Vị sa-di ni đáp: Thưa được.
Mọi việc đều đã hoàn tất, vị thầy dặn dò sa-di ni rằng:
Nay con đã thọ giới xong, nên cúng dường Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng. Phải chuyên cần tu tập ba nghiệp thân, miệng và ý, phải học ngồi thiền, tụng kinh, siêng làm hết thảy các việc trong chúng tăng.
(Nhận cho người con gái chưa chồng 18 tuổi xuất gia, phải học giới luật đủ trong 2 năm, đủ 20 tuổi mới được xin với cả tăng và ni chúng mà cho thọ giới cụ túc làm tỳ-kheo ni. Như người nữ 10 tuổi đã từng có chồng, có thể nhận cho học giới hai năm, đủ mười hai tuổi cho thọ giới cụ túc. Cũng phải học giới đủ hai năm như vậy.)
Đến đây là hết phần nghi thức thọ giới của sa-di ni.
THẬP GIỚI CỦA SA-DI-NI
Bài này của một nhà sư đời Hậu Hán bên Trung Nguyên soạn, khoảng thế kỷ thứ hai theo Dương lịch, đã mất tên.
Mười giới của sa-di ni thật ra không khác với mười giới của sa-di. Tuy nhiên, bài này được soạn với ý khuyến khích, sách tấn việc trì giới, nên chúng tôi cũng đưa vào để giúp ích thêm cho người muốn tu học.
1. Giới đầu tiên của sa-di ni là không được giết hại sanh mạng. Hãy thương yêu muôn loài như cha mẹ thương con, mở rộng lòng thương đến hết thảy các loài động vật lớn nhỏ, xem như con ruột của mình. Thế nào gọi là không giết hại? Phải tự phòng hộ cả ba nghiệp thân, miệng và ý. Không được tự tay mình giết hại hoặc chỉ bảo, sai khiến người khác giết hại. Không được ăn thịt những con vật mà mình nhìn thấy hoặc nghe biết, hoặc có nghi ngờ về sự giết hại chúng, hoặc người khác đã giết hại chúng là vì mình.
Sa-di ni phải cẩn thận ngay cả trong lời nói của mình. Không được nói việc muốn giết hại, muốn trả thù, hoặc nói rằng giết hại là thích thú, khoái chí, hoặc khen chê bình phẩm con vật này là ốm, con vật kia là mập, nhiều thịt ít thịt, hoặc thịt ngon thịt dở… Trong ý cũng không được nghĩ đến những chuyện như vậy. Hãy thương tưởng chúng sanh như thương chính thân mình, như cha mẹ, con cái của mình. Hãy hết lòng mà cầu đạo Đại thừa giải thoát. Đó là giới đầu tiên của sa-di ni.
2. Giới thứ hai của sa-di ni là không được trộm cắp. Không được lấy của ai dù là những vật nhỏ nhặt, ít giá trị nhất. Chủ nhân không tự ý cho mình thì không được lấy. Miệng cũng không được nói đến, tâm ý không nghĩ đến những chuyện trộm cắp. Mắt không mê đắm theo hình sắc, tai không mê đắm theo âm thanh, mũi không mê đắm theo mùi hương, lưỡi không mê đắm theo vị ngon ngọt, thân không mê đắm y phục tốt đẹp, tâm không mê đắm sự tham muốn. Đối với sáu điều ấy đều không mê đắm thì có thể đứng vững, tự làm chủ được mình bằng trí tuệ sáng suốt, như vậy gọi là không mắc vào tội trộm cắp. Đó là giới thứ hai của sa-di ni.
3. Giới thứ ba của sa-di ni là không được phạm vào chuyện dâm dục. Như thế nào gọi là không được phạm vào dâm dục? Phải một lòng trong sạch. Thân không làm chuyện dâm dục, miệng không nói lời dâm ô, cho đến trong tâm cũng không nghĩ đến. Tự giữ mình trong sáng, như gió thổi giữa hư không, không gì vướng mắc được. Thân không làm, mắt không nhìn đến, tai không nghe, mũi không ngửi, miệng không nói, tâm không tưởng đến, tất cả đều xa lìa chuyện dâm dục. Hãy quán xét thân này chẳng qua chỉ là tứ đại giả hợp. Trong tứ đại ấy, đất nước gió lửa đều chẳng có món nào thật sự là ta, là người, không có cả thọ mạng, vậy chấp vào đâu mà có sự dâm dục, chấp vào đâu mà vướng mắc? Tâm ý luôn hướng đến Không, Vô tướng, Nguyện. Đó là giới thứ ba của sa-di ni.
4. Giới thứ tư của sa-di ni là không được nói hai lưỡi, nói lời độc ác. Phải nói những lời ôn hòa, hiền hậu. Không thấy đừng nói là thấy, không nghe đừng nói là nghe, thấy điều ác chớ nên truyền bá, nghe điều ác chớ nên lập lại. Phải thẳng thắn mà tránh xa những lời độc ác, thường làm theo bốn tâm từ, bi, hỷ, xả. Không nói những lời sai quấy. Nói ra lời nào đều là việc đạo, không được bàn luận chuyện thế sự, chính sự. Thường ngợi khen kinh pháp, giới pháp chính của Bồ Tát, tâm chí hướng theo Đại thừa, chẳng phải vì những việc học hỏi nhỏ nhặt, nên thường làm theo bốn tâm vô lượng. Đó là giới thứ tư của sa-di ni.
5. Giới thứ năm của sa-di ni là không được uống rượu. Chẳng những không được nghiện rượu, mà cũng không được nếm thử rượu nữa. Rượu dẫn đến rất nhiều lỗi lầm. Rượu làm cho bại hoại phong hóa, tan rã gia đình, nguy hại đến sức khỏe và mạng sống của bản thân, muốn đi bên này lại đến bên kia, muốn nắm vật này lại cầm vật nọ; mất hẳn chủ ý, không thể tụng kinh, không thể thờ kính Tam bảo; khinh thầy, bỏ bạn, bất hiếu với cha mẹ; tâm ý bế tắc, kéo dài sự ngu muội mãi mãi, không thể thấy được đạo lớn, tâm ý không có nhận thức. Vì vậy nên không được uống rượu, chỉ mong muốn sao cho lìa khỏi được năm ấm, năm dục, năm triền cái, chứng đắc năm thần thông, vượt qua năm nẻo. Đó là giới thứ năm của hàng sa-di ni.
6. Không được giữ lấy các loại hoa và hương thơm để tự xông ướp, trang sức, làm thơm làm đẹp cho mình. Các thứ quần áo, giày dép, chăn màn của mình dùng, đều không được tô điểm bằng năm màu chính để cho tăng phần đẹp đẽ. Không được dùng các loại y phục, trang sức quý giá như gấm vóc, tơ lụa, vòng vàng, chuỗi ngọc… cũng không được nhìn ngắm những thứ ấy. Phải mặc y phục theo đúng pháp bằng vải thô xấu, nhuộm những màu xấu xí vào. Khi đi ra ngoài thì phải cúi mặt xuống mà đi. Trong lòng mong muốn trừ bỏ sáu điều nguy hại thì phải lấy giới hạnh làm hương thơm, lấy việc cầu tụng pháp mầu sâu thẳm làm của cải quý giá, cầu được Ba mươi hai tướng tốt làm chuỗi ngọc trang sức, lấy việc vun trồng các vẻ đẹp oai nghi của thân làm trang phục che chở cho mình. Nguyện được sáu phép thần thông không ngăn ngại, lấy sáu pháp ba-la-mật mà dẫn dắt cho người khác, đó là giới thứ sáu của sa-di ni.
7. Giới thứ bảy của sa-di ni là không được ngồi, nằm trên ghế cao, giường rộng có khảm bạc vàng và bao phủ bằng gấm vóc quý giá đủ màu. Không được nghĩ đến hoặc chỉ bảo, sai khiến người khác tìm cách để có những giường, ghế tốt đẹp, chiếu, gối, màn, quạt có tô điểm đẹp đẽ đủ màu. Không được mang những vòng nơi cánh tay, nhẫn trong ngón tay. Những món quý là chánh trực, đức tin, giới hạnh, đức tàm quý, bố thí, học rộng, trí tuệ, một lòng chuyên cần thường cầu chánh định; phải lấy những món ấy mà làm giường chiếu của mình, lấy tâm không dao động, sự sáng suốt tự nhiên mà làm chỗ ngồi. Bảy giác chi kiên định không lay chuyển, chí hướng về nơi tâm đạo. Đó là giới thứ bảy của sa-di ni.
8. Giới thứ tám của sa-di ni là không được nghe ca hát, đàn, trống, sáo, phách các thứ âm nhạc. Không tự mình phạm vào, cũng không được chỉ bảo, sai khiến người khác làm. Thường tự tu thân, làm theo chánh pháp, không phạm vào tà hạnh. Một lòng nương theo Phật, lấy việc tụng kinh, thực hành chân chánh làm niềm vui trong đạo pháp của mình, không chạy theo những thú vui thế tục. Nghe kinh suy xét hiểu thấu nghĩa mầu. Khi không có bệnh thì không được ngồi lên các thứ xe cộ. Nên nghĩ đến sự thanh thản nhẹ nhàng khi đạt được tám loại thần thông chẳng thể nghĩ bàn, xem đó là xe cộ dùng để vượt qua tám nạn. Đó là giới thứ tám của sa-di ni.
9. Giới thứ chín của sa-di ni là không được tích lũy, chứa giữ những vật quý báu. Không được tự mình lấy, cũng không được chỉ bảo, sai khiến người khác lấy. Thường tự mình phải chuyên cần, tinh tấn, lấy đạo pháp cho là quý báu, lấy kinh điển cho là cao trổi, lấy ý nghĩa cho là mầu nhiệm, lấy việc hiểu rõ ba môn giải thoát: Không, Vô tướng, Vô nguyện làm căn bản, thẳng đến ba cửa giải thoát ấy, chẳng cầu sự tham dục. Lòng chỉ cầu được xa lìa chín sự phiền não, an trụ rất lâu trong đạo pháp không có giới hạn cùng tột, mà cũng là không có chỗ trụ. Đó là giới thứ chín của sa-di ni.
10. Giới thứ mười của sa-di ni là không được ăn trái giờ. Thường phải ăn đúng giờ, không được để quá. Khi đã qua giờ ngọ rồi không được ăn nữa. Cho dù có món ngon đến đâu cũng không ăn, lại cũng không chỉ bảo, sai khiến người khác phạm vào, thậm chí tâm ý cũng không được nghĩ đến. Cho dù có món ăn ngon tột bật tự nhiên được mang đến cũng không ăn. Dù những người quyền cao chức trọng mà quá giờ đến cúng dường món ăn cũng không ăn. Dù cho phải chết cũng chẳng phạm giới này. Thường suy nghĩ đến việc thiền định, còn hết thảy món ăn thức uống chỉ cần vừa đủ để nuôi sống mà thôi. Phải cầu hiểu hết những điều sâu xa, đạt tới mọi chí nguyện, chứng đắc Mười lực, lấy đó làm món ăn thức uống của mình. Đó là giới thứ mười của sa-di ni.
° ° °
Sa-di ni đã thọ mười giới rồi, nguồn đạo tư duy được thuần thục. Có thể giữ trọn vẹn được mười điều này thì cho đến năm trăm giới cũng tự nhiên đầy đủ.
OAI NGHI CỦA SA-DI-NI
Bài này của một vị tỳ-kheo đời Đông Tấn bên Trung Hoa dịch, đã mất tên, vào khoảng năm 400 theo Dương lịch.
Oai nghi của sa-di ni, về căn bản phải giữ đủ những điều như sa-di, nhưng cũng có một số điểm được lưu ý đặc biệt hơn. Vì thế, khi đọc phần này nên đối chiếu với phần Oai nghi của sa-di.
Sa-di ni không được mặc y phục bằng tơ lụa có nhiều màu sắc rực rỡ, chói lọi.
Không được may, mua sắm y phục ấy cho kẻ khác.
Không được nói những lời giễu cợt, ác ý.
Không được chỉ bảo, sai khiến kẻ khác nói lời thô tục.
Không được cùng với những người nữ cư sĩ ngắm nghía hình dáng của nhau để đùa cợt.
Không được ở nơi chỗ vắng vẻ mà trút bỏ y phục, phô bày thân thể.
Không được soi gương mà đánh phấn, vẽ chân mày…
Không được nóng giận nói ra những lời oán rủa.
Không được tư tưởng đến việc giao tiếp cùng nam giới, rồi hỏi người nữ cư sĩ xem việc ấy như thế nào.
Không được ngồi trên thảm lông, nệm gấm.
Không được mang giày da, cũng không được làm ra hoặc mua sắm cho kẻ khác.
Không được tham muốn tiền bạc của cha mẹ ở nhà, hoặc cố tìm cách để người khác phải mang tiền bạc, của cải trao cho mình.
Không được ngồi trên giường của phụ nữ tại gia, mở hòm, tủ của họ mà xem y phục rồi khen chê, bình phẩm tốt xấu.
Từ mười sáu tuổi trở lên, thiếu nữ nào muốn làm sa-di ni, phải có nết na trong sạch, không có tiếng xấu với đời và phải được cha mẹ ưng thuận. Người mắc bệnh vô sinh và các bệnh kín không được thu nhận.
Không được ở đêm chung phòng với một vị tỳ-kheo, cũng không được ngồi chung một chỗ.
Không được cùng tỳ-kheo nhìn ngắm hình thể của nhau mà đùa cợt.
Không được sử dụng mền đắp, y phục của sa-di khi nằm.
Không được nghịch phá đồ đạc, y phục của chúng tăng.
Không được tự tay trao đồ vật cho nam giới. Như có vật cần đưa thì để xuống đất cho người ta lấy là được.
Không được lõa hình tắm chung với hàng phụ nữ tại gia.
Không được một mình đi đến phòng của tăng để hỏi nghĩa kinh.
Không được nói chuyện thế tục.
Không được cười nói, đùa cợt khi tụng đọc kinh điển, không được quay nhìn sang hai bên, không được gục đầu tựa trên tay.
Đi học kinh kệ, phải nhớ năm điều: 1. Phải có một vị ni lớn tuổi cùng đi. 2. Ngồi cách xa thầy chừng sáu thước. 3. Phải quỳ mà hỏi. 4. Chỉ được hỏi về ý nghĩa mà thôi. 5. Còn kinh văn phải thuộc lòng, tự biết.
Đến thăm thầy khi có bệnh, phải nhớ bốn điều này: 1. Có quan hệ thân thuộc nên đến thăm. 2. Nên có ba người cùng đi chung nhau. 3. Ngồi cách giường thầy sáu thước, quỳ mà hỏi thăm sức khỏe thầy. 4. Thăm hỏi xong phải về ngay, không được bàn luận chuyện gì khác.
Nằm ngủ, phải nhớ năm điều này: 1. Nằm xuống liền phải niệm Phật. 2. Nằm nghiêng bên mặt, xếp mình, không được duỗi thẳng chân. 3. Đầu hơi cúi xuống ngực. 4. Che đắp thân thể không được để lộ ra. 5. Không được để tay gần chỗ bất tịnh.
Có việc đến nhà thí chủ, phải nhớ năm điều này: 1. Trước hết phải lễ Phật. 2. Sau đó lễ thầy và chúng tăng. 3. Khi có nữ thí chủ thỉnh mới nên đến. 4. Đến trình với thầy, phải đứng ngay phía trước thầy, cách sáu thước. 5. Đến nhà, chỉ ngồi nơi ghế dành riêng cho mình.
Nếu nghỉ lại ở nhà thí chủ, phải nhớ có năm điều không nên làm: 1. Không được vào phòng riêng của phụ nữ để nói chuyện, cười đùa. 2. Không được đến nhà bếp ngồi ăn uống. 3. Không được nói chuyện riêng với phụ nữ giúp việc trong nhà. 4. Không được một mình đi ra nhà sau. 5. Không được cùng với người khác vào nhà vệ sinh, không được ngồi trên bàn cầu dành cho nam giới.
Vào nhà tắm, phải nhớ năm điều: 1. Không được tắm chung với nữ cư sĩ. 2. Không được tắm chung với người giúp việc nữ. 3. Không được tắm chung với trẻ con. 4. Không được dùng nước của người khác mang đến, phải tự mình xách nước lấy mà dùng. 5. Không được nhìn ngắm hình thể chỗ kín của mình.
Khi dâng hương, phải nhớ năm điều này: 1. Không được ngoái nhìn hai bên. 2. Không được dâng hương một mình với người cư sĩ nam. 3. Không được dâng hương một mình với người giúp việc. 4. Phải đứng ngay ngắn. 5. Không được quay lưng về phía tượng Phật.
Buổi sáng thức dậy phải nhớ năm điều: 1. Phải làm vệ sinh sạch sẽ rồi mới mặc pháp y. 2. Làm lễ tượng Phật. 3. Tiếp đến lễ thầy. 4. Lui lại cách thầy sáu thước mà thưa hỏi vấn an. 5. Sau đó mới được rời đi ra ngoài.
Khi thầy dạy dỗ, phải nhớ năm điều này: 1. Khi hỏi những chỗ không hiểu trong kinh điển, giới luật, thì phải chú ý lắng nghe. 2. Như có bị quở trách thì phải biết hối lỗi, tự trách. 3. Không được che giấu chỗ lỗi lầm. 4. Không được cãi lý theo ý mình. 5. Không được nhìn thầy bằng ánh mắt chẳng lành.
Khi giặt y phải bốn điều này: 1. Chọn chỗ khuất vắng, quỳ xuống mà giặt. 2. Đổ nước dơ nơi chỗ khuất, không được đổ ra nơi có người đi lại. 3. Phải chờ cho khô, vừa khô nên lấy vào ngay. 4. Không được để rơi xuống đất.
Đi trên đường phải nhớ năm điều này: 1. Nên có ba người cùng đi. 2. Nên đi với một vị tỳ-kheo ni lớn tuổi. 3. Hoặc cùng đi với cư sĩ nữ. 4. Phải nhìn thẳng phía trước chừng sáu thước. 5. Phải mặc pháp y.